TRUYỀN TIN (Hải Lê)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ngày thứ hai mươi ba

No photo description available.

Người quê tôi không nhứt thiết phải theo đạo nào, hầu như ai cũng có một niềm tin thô sơ vào chuyện tâm linh. Những năm tuổi thơ, tôi nghe kể chuyện ma nhiều đếm không hết, nên cũng sợ ma sợ tối, nhát thôi rồi. Đỉnh điểm là năm lớp chín, không biết từ đâu bạn bè đem tới trường một tờ giấy photo một tấm hình anh thanh niên chụp ban đêm và rửa ra có hình hồn ma đứng chung. Thấy rồi sợ gần chết, lần đầu thấy hình ảnh ghê rợn, đêm đó không dám ngủ. Một mình tôi ngủ ngoài nhà trước thì lại càng là nỗi kinh hoàng. Cả nhà đều đã ngủ, đèn tắt tối thui, tôi nằm trong mùng bắt đầu tưởng tượng con ma đang quanh quẩn đâu đó và sẽ nhảy ra nhát tôi bất cứ lúc nào. Cả người lạnh toát, run bần bật, nghiến răng lại cho bớt sợ. Tôi cũng không mở miệng kêu ba mẹ vì xấu hổ, trong nhà tôi lại là anh hai, nói sợ ma không dám ngủ chắc em tôi nó cười thúi đầu. Cho nên giữa nỗi sợ ma và sợ bị rầy và sợ em út cười chê thì vẫn thấy ma ít đáng sợ hơn.
Nhưng ít hay nhiều gì thì sợ vẫn sợ. Một đêm cực hình dài vô tận.
Năm đó tôi chưa có theo Công giáo, nhà cũng không thực hành tín ngưỡng nào. Tôi cảm nhận được nỗi bơ vơ tâm linh của thân phận con người không biết đến một thứ giáo lý nào. Nhiều người tin mình vô thần hay phiếm thần, thực ra cũng không tránh khỏi nỗi bơ vơ vô bờ bến đó, và họ chọn hoặc là mê tín vào đủ thứ thần linh quỷ quái để thờ cúng từ cái ụ mối cho tới con rắn con rít, tin rằng thay vì bị các thực thể siêu nhiên làm hại thì sẽ ban phước, hoặc là cố dùng sự ngang tàng để khoả lấp sự kinh hãi trước những tư duy về sự siêu việt của thế giới tinh thần. Dù thế nào đi nữa, đời sống một con người đều có thể chìm ngập trong nỗi sợ hãi.
Chống chọi một đêm, khổ sở và run rẩy, không biết dùng ngôn ngữ nào để diễn tả , khi tiếng gà gáy cất lên và ba tôi dậy đi uống cà phê sáng, tôi thấy mình vẫn còn sống nhăn và cũng chẳng có con ma nào ra nhát tôi cả. Tiếng ho khi bước xuống khỏi giường của ba tôi như một âm thanh tuyệt diệu đối với tôi lúc đó, nghĩ tức cười, nhưng thấy nó là dấu hiệu của sự sống, thấy mình có hy vọng sống rồi.
Có thể đây là chuyện cỏn con với nhiều người, nhưng nó để lại một ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn tôi. Từ ngày đó, tôi đã không còn sợ ma chút nào nữa cho tới bây giờ.
Chợt nghĩ tiếng ho của ông già ngày thường đâu có gì đặc biệt, mà sao bữa đó làm mình thấy an tâm. À, nó là dấu hiệu cho những điều đến sau đó, là trời sáng và trong nhà mọi người thức dậy, thì tự tiếng ho trong thời điểm đó sẽ có công năng.
Sau đó mấy tháng, có nhiều chuyện xảy ra, tôi xin đi học giáo lý và được rửa tội, tôi đã theo đạo tới giờ được non 15 năm, nhanh như một cái chớp mắt.
Có nhiều lúc tôi suy nghĩ, vì sao Hội Thánh lại mừng Lễ Truyền Tin trọng thể hơn nhiều sự kiện khác trong cuộc đời Đức Mẹ. Lễ Truyền Tin trọng thể hơn Lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Tại sao?
Dễ như tôi hồi nhỏ, thấy cô Hai Quân đắp lò tráng bánh, thấy nhà nội lặt lá mai hay nghe tiếng chày quết cốm dẹp từ xóm nhà chú Mười Một, là tâm hồn tôi đã vui chộn rộn niềm vui ngày tết; nghe tiếng ho của ông ba thì thấy mình đã được sống, dù khi đó mặt trời còn chưa mọc và mọi thứ vẫn tối thui.
Từ giây phút thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ, phải chăng từ khi Đức Mẹ nhận được tin mình sẽ hoài thai Đấng Tối Cao, thì nhân loại có ít nhất một người là chính Mẹ, bắt đầu sống trong niềm vui ơn cứu độ? Gia-vê đã thực hiện lời minh ước rồi, Halleuiah!
Tối qua tôi có một giấc mơ buồn buồn, gặp lại cảnh những ngày tôi mới chập chững rời nhà đi học, cuối tuần đạp xe về phụ mẹ bán hàng và xin tiền đi học một tuần sau. Tiêu chuẩn một tuần là 100,000 đồng, ăn ngày hai bữa, tới thứ Sáu thường thiếu một chút, học xong đạp xe đạp về quê. Trong giấc mơ, mẹ đưa tôi 50,000 đồng, rồi quay mặt chỗ khác không nỡ nhìn tôi. Tôi giật mình dậy, giấc mơ đã tan với tiếng chuông báo thức, nhưng chuyện xưa vẫn còn phảng phất, vì nó đã từng xảy ra như vậy.
Tôi là “con nhà nông”, và cũng là “con nhà nghèo”, không đến nỗi bám váy mẹ mà cũng biết kiếm tiền chút ít, chỉ là khi đó mới học cấp 3 xong, lạ nước lạ cái chốn thị thành, nên còn xin tiền nhà những tuần đầu. Giờ nghĩ lại, ba mẹ khéo cho tôi mấy cái cán chổi bắt tôi tự lập từ đầu thì có khi chẳng có giấc mơ buồn ấy.
Thế rồi, có một chiều Chúa Nhật, thằng bạn chạy thục mạng vô nhà tôi, vừa chạy vừa gào thét: “Hải ơi mày đậu học bổng rồi Hải ơi!”.
Tôi đứng nghe, rớt nước mắt. Đó là một tin mừng trọng đại vì tôi đậu một thứ mà nghĩ mình chẳng bao giờ có hy vọng. Niềm hân hoan khi nhận được tin mừng cũng nhanh chóng lan toả ra rất nhiều người chứng kiến khi đó. Cho tới bây giờ viết lại những dòng này, tôi vẫn có thể mỉm cười vui lại niềm vui khi đó.
Tấm lòng của kẻ nôn nóng truyền tin mừng trọng đại cho người khác cũng đẹp như bất kỳ đức hạnh trọn lành nào.
Những niềm vui nỗi buồn đan xen trong cuộc sống này, tôi lớn lên và nghiệm lại: mùa xuân sẽ dài hơn khi mình vui xuân từ lúc nhìn thấy dấu hiệu của nó, sự hân hoan sẽ vững bền với tháng năm hơn nếu trong tim mình có một niềm hy vọng, không thể sẻ chia với người khác cũng là một khổ hình và đem tin mừng cho người là một việc thiện tuyệt hảo.
Cảm ơn Gabriel, đã mang tin mừng từ thượng giới đến nhân gian, để tôi vui niềm vui ơn cứu độ, có lẽ ngài cũng đã sốt sắng “xuống đường” lắm thay. Cảm ơn Maria, đã nuôi dưỡng niềm Hy Vọng cho tôi, để từng ngày sống của tôi có chỗ tựa nương không còn kinh khiếp điều chi. Cảm ơn Giê-su, đã hiến mình mà cứu chuộc tôi, như ba mẹ tôi chia sẻ cuộc đời mình cho tôi, như cô chú anh chị bạn bè yêu mến đỡ nâng tôi dù trong những ngày tăm tối nhất. Xin dạy tôi biết làm cho đời mình là niềm hy vọng, là sự sẻ chia; xin giữ lòng tôi mãi hiền hậu quê mùa vui buồn cùng người khác. 
https://www.facebook.com/taman.nguyen.130517CA/posts/745162786367441?notif_id=1616732029797699&notif_t=feedback_reaction_generic&ref=notif