TÔ THÙY YÊN, MỘT HÀNH GIẢ TRONG THI CA VIỆT

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Đến khi ông mất thế hệ sau năm 75 mới giật mình là họ đã bỏ lỡ mât cơ hội được học và đọc ông. Võ Phiến nói “toàn bộ sự nghiệp thơ ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ trước bí ẩn của vũ trụ”, hay cô giáo Thảo Dân sinh năm 74 ở Bắc phát hiện ra trong thơ Tô Thuỳ Yên là hội đủ những thị vị của giới anh hào thơ Việt. Nhà thơ Trần Tiến Dũng thì ví ông như Don Quixote trong miền đất hoang hoá, và tại đây cảm xúc sống chân thành cao cả trọn vẹn bât chấp nghịch cảnh và thời cuộc đã tạo cho ông có một không gian thơ riêng biệt khó ai có được.

 

Tô Thuỳ Yên, một Hành Giả trong thi ca Việt – Mai Hoa (SBS Au)

Nhà thơ Tô Thùy Yên tác giả của bài thơ ‘Chiều Trên Phá Tam Giang’ mà TrầnThiện Thanh phổ nhạc thành bài hát cùng tên và bài Ta Về sáng tác sau 10 năm ra tù cải tạo làm xao xuyến người đọc ở cả hai miền bât kể ý thức hệ, vừa qua đời ở tuổi 81 tại Texas Hoa Kỳ vào ngày 21/5/2019.
Ông có thời gian làm việc trong quân đội VNCH và đi tù ba lần tổng cộng 13 năm trước khi đi qua Hoa Kỳ theo diện HO.
Trên các trang mạng xã hội gần như đồng loạt những tên tuổi văn chương hiện nay của Việt Nam đều bày tỏ lòng thương tiếc sự kính trọng đối với con người và thơ ca ông và hầu như ai cũng xem ông là một tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam.
Người ta biết nhiều về bài Chiều Trên Phá Tam Giang vì nó được nhạc sĩ Trần Thiên Thanh phổ nhạc, tuy nhiên Trần Thiện Thanh chỉ lấy một góc hẹp của bài thơ đưa vào bài hát để nói về thân phận tình yêu trong thời chiến.
Toàn bộ bài thơ này là nỗi ngao ngán của người phải cầm súng bắn lại người anh em mình trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, và ngao ngán hơn khi mình ngao ngán bắn còn người anh em mình thì ngược lại không hề ngao ngán nếu không muốn nói là hăng say điên cuồng.
Hãy đọc đoạn trong bài Chiều Trên Phá Tam Giang

Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ

Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma

Ta ngó thấy thùy dương gãy rủ
Từng cây như nỗi bất an già
Ta ngó thấy rào chà cản nước
Từng hàng như nỗ lực lao đao
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc
Từng ngôi như mặt đất đang gào
……………
Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thỏa chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau
Ta tự hỏi vì sao
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
Và ta tự trả lời
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành

Trong bài viết về Tô Thùy Yên, Trinh Nguyễn của SBS Việt Ngữ cũng chia sẻ “Chỉ có người như Tô Thùy Yên, nhà thơ của những câu chữ đã đi đến cái tận cùng của nỗi sống và cái chết, cái tận cùng của da diết lẫn dửng dưng, mới viết nên những dòng thơ tự thân nó phát sinh ra một nguồn năng lượng khác, đẹp lành như thứ ánh sáng đầu ngày nhưng cùng lúc lại day dứt lạ lùng như những tia nắng cuối trong chiều.”

Thảo Dân, một cô giáo miền Bắc  sinh năm 74 viết:
“Nếu nói thơ Chế Lan Viên độc đáo ở siêu hình, thì thơ Tô Thùy Yên siêu hình không kém. Nếu nói sự tráng lệ của câu chữ trong thơ Yến Lan, sự cổ điển của Quách Tấn, tìm trong thơ Tô Thùy Yên, đủ cả. Cảm hứng về thiện nhiên, vũ trụ trong thơ Huy Cận, Tô Thùy Yên không thua, chưa muốn nói còn rợn ngợp hơn. Về lối viết cách tân của Trần Dần hay sự tài hoa của Quang Dũng, Tô Thùy Yên có nhiều câu không hề kém cạnh.”
Và theo cô thì, “Thơ Tô Thùy Yên có cả Nam, Trung và Bắc, có đủ triết, sử, đời. Nếu chọn đại diện duy nhất thơ cho một nước Việt Nam thống nhất, tôi trân trọng đề cử Tô Thùy Yên.”
Và những dòng của Võ Phiến có thể được xem như khái quát hết cái cốt cách trong con người thơ và tác phẩm thơ của Tô Thuỳ Yên
“Bảo rằng trong thơ Tô Thùy Yên có chủ đề triết lý, bảo thế e chưa thích hợp. Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ. Bí ẩn đó là ám ảnh chủ yếu của đời ông. Ngoài ra có gì nữa đâu? — Ái tình chăng? Hiếm lắm; ông cách xa sự đắm đuối nhiều lắm. — Ca ngợi thiên nhiên chăng? Ít lắm; thơ ông không phải thơ ngâm hoa vịnh nguyệt. — Kêu gọi yêu nước, phát huy lý tưởng, cổ xúy tín ngưỡng chăng? Ồ không; ông ngờ vực tất cả trên đời. — Tự dưng cất tiếng hát cho đời vui chăng? Đừng hòng! Ông không phải con chim ngứa cổ…”
Nhà thơ Trần Tiến Dũng, trò chuyện với Mai Hoa nói về cảm xúc được làm người sống một cách cao cả bất kể hoàn cảnh và thời cuộc đọng lại trong từng tác phẩm đã tạo cho thơ Tô Thuỳ Yên một không gian thơ độc đáo riêng biệt và làm nên một Tô Thùy Yên sừng sửng trong thi đàn Việt Nam.
 Mai Hoa (SBS.Au)

https://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/podcastcollection/sbs-vietnamese?language=vi

*
*     *

 

 

 

 

 

 

 

 

 

https://phailentieng.blogspot.com/2019/05/to-thuy-yen-mot-hanh-gia-trong-thi-ca.html?fbclid=IwAR0hoYELunJbAB3NRnaNw0YGPm3EzgFHdMMyRVNaCBzxeUgXv1f22DNY0wM