CÁI CHẾT BI THƯƠNG CỦA MỘT NGHỆ SĨ TÀI HOA (Trương Lang Vương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person

No photo description available.

No photo description available.

 

May be an image of book

Nhân 100 năm sinh NS Trọng Khương (1922-2022)

Một người nhạc sĩ, một nhạc công guitar thần sầu, một thư sinh với áo quần bảnh bao nhưng lại sống và tồn tại như một con ngựa hoang mãi lang thang trên cánh đồng lãng tử. Khúc nhạc này trước khi chết hãy để Lang hát lại cho Khương, trong bão tố chập chờn, trong khói lửa huy hoàng của một thời binh biến, khi con sói hoang cố chạy đuổi theo vết vó câu nay đã không còn nữa.
Có chàng trai trẻ quê ở Thái Bình, là con thứ tư trong một gia đình làm nông có tới tận 7 đứa con. Năm 16 tuổi, sau khi học xong chương trình quốc ngữ ở quê thì cậu theo người quen lên Hà Nội để tìm việc, lận đận một hồi thì may sao xin được việc làm phó may trong một tiệm Âu phục. Tại đó, cậu vừa học nghề vừa được đứa con trai của ông chủ tiệm dạy cho cách chơi guitar. Kể từ đó thì tiếng đàn đã ám vào cuộc đời cậu, sống không rời chết không buông, trọn vẹn trọn kiếp mãi có một tiếng đàn.
Năm 1944, trong cuộc thanh trừng chính trị hàng loạt của đảng cộng sản, lúc mà xu hướng đánh Tây bắt đầu manh nha khiến tiệm may buộc phải đóng cửa thì cậu vào Nam khi mới 22 tuổi. Mục đích không phải vì chính trị cũng không phải vì tiền bạc, lý do rất đơn giản thôi, chỉ là vì cậu muốn mua cho mình một cây đàn.
Cậu tiếp xúc đầu tiên là với guitar cổ điển, nhưng người dạy thì không biết đến nơi đến chốn, vậy nên cậu mới tự lần mò mà tìm ra một cách riêng để bộc lộ cảm xúc thông qua tiếng đàn, mà hạt mầm là đến từ những đĩa than nhạc Âu-Mỹ mà ông chủ tiệm có. Những thập niên đó đang là thời đại của nhạc Jazz, Swing, Fox và những ca từ lãng mạn ngân nga theo khung hình điện ảnh đen trắng, đó là những giai điệu rất khó lột tả hay truyền tải được bằng guitar, đặc biệt khi bản thân không có nổi cho mình một cây guitar.
Hắn tài lắm, lúc này đừng gọi bằng cậu nữa, vì chữ cậu nghe nó ngây thơ và non nớt lắm, còn lúc này khi đã vào được trong Nam thì hắn đã khác rồi. Đã là lãng tử, với gương mặt đẹp trai, giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười hiền lành, luôn giữ ý tứ khi ngồi gần và bất chợt bùng cháy khi có tiếng guitar.
Hắn có thể chơi một bản nhạc trọn vẹn kể cả khi cây đàn đã đứt mất hai dây son và mí, vừa đàn vừa hát nhạc phẩm do chính mình sáng tác, rồi hát xong thì đỏ mặt cúi đầu với nụ cười ngượng ngùng kiểu trai tơ.
Nhưng không phải, hắn không phải trai tơ, hắn là trai lơ, tức là cái thứ trai thích làm lơ người khác. Nói có sách mách có chứng, để kể cho nghe câu chuyện về hai cỗ xe ngựa một trước một sau cứ nối đuôi mà không bao giờ về chung bãi.
Hồi mới vào miền Nam, hắn chưa có hoạt động liền trong lĩnh vực âm nhạc, bởi phải kiếm ăn trước cái đã, vậy nên hắn đi làm nhân viên canh nông địa chính cho chính phủ quốc gia ở dưới miền Tây. Rồi có một lần nào đó mà hắn vừa đàn vừa hát, hay dở sao đó không biết mà hớp luôn hồn của cô con gái út nhà ông chủ đất, khiến cô gái trẻ bỏ nhà theo trai, ngồi xe ngựa mà đuổi theo hắn như hình với bóng. Hắn đi tới đâu thì cô đi tới đó, hắn ngồi xe ngựa đi trước thì cô ngồi xe ngựa theo sau, hắn đàn hắn hát thì cô nghe, và cô không cho phép bất kỳ bóng hồng nào khác được lại gần hắn.
Nhưng hắn không chịu cô, không chịu về làm rể nhà giàu, hắn nói đời hắn chỉ yêu mỗi cây đàn này thôi, một tay trên dây và một tay trên phím, ôm sát lồng ngực và kẹp sát trái tim, không còn một chỗ nào khác cho nữ nhi tình trường. Nét chữ nét người, âm nhạc là thứ gần với linh hồn nhất chỉ sau tình yêu, và tình yêu của hắn thì đã dành hết cho âm nhạc, vậy thì thử hỏi còn chỗ nào nữa cho cô?
“…Ta luyến lưu một kiếp giang hồ
Dù rằng, cuộc sống vô bờ
Tim nồng tràn máu vô tư.
A há ha suối in hình chiếc xe tàn
Đêm nao đập vỡ cây đàn
Giận đời nào ai mắt xanh…”
Xe này là xe ngựa đó, chứ không phải xe ôtô đâu, là hắn vừa đàn hát vừa ảo tưởng nên mình nghe vô thì mình tưởng ôtô nó đang lướt, chứ thật ra là xe ngựa đó.
“Vó câu bấp bênh
Trên đường gian nan.
Chiếc xe lắc lư ru hồn nghệ sĩ tới nơi xa ngàn
Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vàng
Môi ai say sưa hé mấy cung đàn
Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng”.
Đểu, ai mà là đàn ông thì vừa nghe đã thấy thằng này nó đểu, rõ ràng là cái loại vùi hoa dập liễu xong rồi quất ngựa truy phong, thứ nham hiểm húp sạch nước non của con gái nhà người ta xong rồi thì quẹt mỏ kêu cay đắng. Là cái loại đểu mà viết luôn thành bài ca.
Nhưng mà đàn bà con gái thì không nghĩ vậy, họ sẽ cho rằng anh chàng này là lãng tử, là người nghệ sĩ với tâm hồn phóng khoáng tự do. Vậy nên họ sẽ một nửa vì trân trọng vì yêu mến nên muốn để cho anh tự do, và một nửa vì quá yêu nên không cam lòng lùi lại.
Vậy nên cô gái ấy vẫn đi theo hắn, theo tới tận Sài Gòn, rồi lấy tiền nhà để mở một tiệm vải, rồi cứ vậy mà yêu, mà theo, mà chờ, mà đợi, mà tương tư cho tới tận cuối cuộc đời. Cô gái đó năm đó mà gặp được tôi là xong rồi, dính vô chi không biết cái thằng ‘Khương khùng’ đó.
Để nói luôn về cái chữ ‘khùng’ của nó, từ giờ chuyển qua ‘nó’ đi, cho phù hợp với nội dung.
Khi mà nói về Trọng Khương, người ta chỉ biết tới những ca khúc sôi động, yêu đời yêu người, khát khao một tâm hồn tự do và cuộc đời bùng cháy. Giai điệu vui tươi không đối thủ như ‘Bánh xe lãng tử’ với ca từ nhiều ai oán, rộn ràng như ‘Ghen’ với vô số những yếu tố mập mờ, rồi những tiếng đàn sôi động giật gân được xuất bản bằng đĩa than qua tới tận trời Tây… Nhưng phải nhớ thêm một việc nữa rằng Khương là lứa nhạc sĩ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, và đặc biệt là âm nhạc của thời chinh chiến, vậy nên Khương vẫn cần có trách nhiệm với thời đại mà mình đang sống.
Vậy nên Khương, chính là người đầu tiên, trước cả Văn Phụng, Trầm Tử Thiêng hay Lam Phương,.. đã trực tiếp đề xuất và làm việc với chính phủ đệ nhất VNCH để thành lập nên Nha Chiến tranh tâm lý, mà sau này chính là ‘Cục Tâm lý chiến’ và ‘Cục Chính huấn’ như mọi người đã biết. Giai đoạn đó Khương không làm việc với tư cách của một nhạc sĩ, mà là một nhà hoạch định chiến lược, với những đóng góp rất lớn trong giai đoạn di cư của người dân miền Bắc vào miền Nam sau hiệp định Genève 1954.
Và sau đó, thì Khương chính là nhạc sư đã dạy nhạc lý cũng như giúp ký âm và kỹ năng phối bè trong ban nhạc cho rất nhiều những nhạc sĩ trẻ tuổi lúc bấy giờ, từ đó mà giúp cho nền âm nhạc của miền Nam Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung, thêm được rất nhiều phần phong phú. Tất cả những bài hát không ký tên tác giả từng vang dội một thời của cục chính huấn, đa phần đều là của Khương.
Nhưng Khương, nói gì thì nói, từ sâu trong tận cốt xương cốt tủy của Khương vẫn là một nghệ sĩ, một người sống với tình yêu bao la dành cho cả thế giới này, người dành cả đời để tôn vinh và ca ngợi tình yêu đó bằng trái tim và tiếng đàn. Hay nói đơn giản dễ hiểu hơn, thì tới gái trẻ đẹp con nhà giàu có mà nó còn bỏ được, thì mấy cái chức tước kia có quan trọng gì đâu với nó, tại nó bị ‘khùng’ mà.
Thế là Khương bỏ hết tất cả để về với giấc mơ của cuộc đời mình, Khương hay ôm đàn ra bờ sông Sài Gòn để hát cho mấy lái ghe trái cây ở đó nghe, ra chỗ đường lộ đang làm ở Bình Dương để hát cho công nhân, rồi lên phà ngồi cả ngày để vừa đàn vừa hát tới khi nào bị đuổi đi thì thôi, hay theo Hoàng Thi Thơ qua Singapore để tới mấy xóm hải tặc cũ mà hát, rồi lên Đà Lạt ngồi một mình trên đồi hát nghêu ngao, đến mấy phòng trà để ngồi một góc làm nhạc công vô danh với tiếng đàn kỳ diệu. Rồi tới vĩ tuyến 17, ngồi trên cỏ cháy mắt nhìn xa xa về phía cây cầu, nơi có quê xưa và tuổi thanh xuân, để đàn, để hát.
Con ngựa vô danh, người lãng tử phiêu bồng, cả một đời ngây thơ như đứa trẻ, mãi một giấc mơ một nỗi niềm, ôm cây đàn đi trong gió trắng, ngón tay này ôm nhẹ hết quê hương, Khương cứ thế những bước chân không bao giờ mỏi, vang khúc nhạc mãi trong sáng thật thà…
Tháng ba năm 1975, khi những người di tản từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… tới Sài Gòn, trong sự hoảng sợ và lo lắng khôn nguôi, họ sẽ bắt gặp đâu đó tại bến cảng hay tại những ngã tư đường, có một người nhạc sĩ ôm cây đàn hát nghêu ngao, khi xung quanh là xác chết máu người, khi tiếng đạn vang đều hơn tiếng khóc, có một người nghệ sĩ vẫn ôm đàn hát nghêu ngao…
Ai đi cứ đi, ai chạy cứ chạy, ai hỏi ‘tại sao không đi?’, thì mỉm cười, vì người nghệ sĩ đó vẫn đang bận hát nghêu ngao.
Rồi trong những ngày cuối cùng của tháng tư, trong đôi mắt của những người đang hoảng sợ vì đã bỏ lỡ chuyến bay cuối cùng, vẫn có một người nghệ sĩ ngồi đó ôm đàn hát nghêu ngao.
Tin rằng, trong những giờ phút tuyệt vọng đó, gương mặt hiền lành cùng giai điệu trong sáng kia của Khương, đã giúp cho rất nhiều người có lại được chút niềm tin, chút ánh sáng để đủ dũng cảm mà tự giữ lại sinh mạng của mình.
Tạm biệt Khương! Thật hạnh phúc làm sao khi biết rằng trên cuộc đời này vẫn còn có những linh hồn đẹp đến như thế.
T.L.V.
¬¬¬¬______________
Nhạc sĩ Trọng Khương (Nguyễn Văn Sách, sinh năm 1922 tại Thái Bình) đã chết vì đói trên đường phố Sài Gòn vào tháng 5-1977. Ông đói và nằm một chỗ trên đường ray bỏ hoang ở ga Hòa Hưng suốt ba ngày, người dân ở đó không dám đem thức ăn ra cho ông vì bị lính cộng sản cấm cản. Ông ra đi vào giữa khuya, trong một cơn mưa lớn, nằm ngửa nhìn trời với cây đàn guitar vẫn đang ôm chặt trong tay. Nghe nói, người dân đã chôn Khương với cây đàn.
Chết vô danh! Để thân xác mục rữa khô héo trên đời đau vắng ngắt, không cần đưa tang, không cần bia mộ hay điếu văn. Thậm chí đến ngày thắp hương cũng không lưu lại cho rõ ràng.
Lạnh lẽo nơi đường ray xe lửa.
Là chết đẹp hay chết khổ đau?
Người đời sau mấy ai còn nhắc lại
Tiếng đàn nào Khương để lại nhân thế
Hỏi trăm năm có Trọng giấc mơ nồng?