Trung uý Bá đã biểu lộ lòng can đảm phi thường, bất chấp nguy hiểm cho sinh mạng mình và chỉ quan tâm tới những người bệnh, với kết quả là ông đã cứu được nhiều mạng sống. Những hành động dũng cảm của Trung uý Bá phản ánh phẩm chất lớn lao của bản thân ông và của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Lieutenant Ba’s singularly impressive display of courage, utterly disregard for his own safety, and his overriding concern for his patients resulted in the saving of many lives. First Lieutenant Ba’s heroic actions reflect great credit upon himself and the Army of the Republic of Vietnam.
[BA, DOAN VAN 57/208029 1LT of the Republic of Vietnam: Awarded Bronze Star Medal with “V” Device, Headquarters US MACV, 20 May 1968] (1)
***
Đoàn Văn Bá sinh ngày 20 tháng 8 năm 1937 tại Cố Đô Huế. Gia đình thanh bạch, cha lại mất sớm nhưng Bá đã cố gắng theo đuổi học vấn để trở thành Bác sĩ Y khoa, niên khoá 1965. Anh trình luận án Tiến sĩ Y khoa một năm sau 1966 với đề tài liên quan tới bệnh Nội tiết: Contribution à l’étude des cardiothyréoses. À propos de 11 cas observés [Apropos of 11 cases of cardiothyreosis]. Đoàn Văn Bá, M.D.E., Saigon 1966. (2)
Là Sinh Viên Quân Y Hiện Dịch (QYHD), tới năm thứ Tư Y Khoa Bá đã được mang lon Trung Uý. [Hình 1] Theo Trang Châu, Khoá QYHD 12, tốt nghiệp 1965, “có 3 thằng bạn cùng xuất thân từ xứ Huế, học cùng lớp, ăn cùng mâm, ở cùng phòng trong trường Quân Y Chợ Lớn, cả 3 cùng có ý định về Nhảy Dù: cả 3 đều có biệt danh / nickname khi còn ở trường Y khoa”. Lê Văn Châu tức Trang Châu có biệt danh là “Châu cá ngựa” vì anh luôn có mặt tại trường đua Phú Thọ mỗi cuối tuần, ngay cả thơ tình của Trang Châu cũng có cá ngựa ở trong đó (Trong cuộc đua chạy về trái tim em, Anh là con ngựa què, Nên chỉ thủ một vai về ngược); Trần Đoàn được các bạn gán cho biệt danh “Đoàn Cái Bướm” vì anh có các bài viết “Thằng Cu hay Cái Bướm”, đăng nhiều kỳ trên báo sinh viên Y Khoa Tình Thương, Đoàn chỉ dẫn cách sinh con trai hay con gái theo ý muốn nhưng rồi anh chị Đoàn chỉ sản xuất ra toàn “Cái Bướm” và rồi cuối cùng cũng ra được một “Thằng Cu”. Còn Đoàn Văn Bá tục gọi là “Bá Điên” do anh rất trực tính bạo ăn bạo nói, chỗ nào có khó khăn với cấp trên là có anh, nên anh còn được gọi là “l’homme des situations difficiles”; mọi người nể anh nhưng không phải cấp trên nào cũng ưa anh. Biệt danh “Bá Điên” ấy được các bạn đồng môn nhắc tới với sự yêu mến và quý trọng.
Ra trường, cùng với 2 người bạn thân thiết gốc Huế Trần Đoàn và Trang Châu, Bá gia nhập binh chủng Nhảy Dù, là một trong 4 binh chủng Tổng trừ bị luôn luôn ở tuyến đầu tăng phái cho 4 Vùng Chiến Thuật trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. [Ba binh chủng kia là Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân và Biệt Cách Dù]. Khởi đầu Bá là Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, thay thế cho Y sĩ Trung uý Võ Đạm. Bá lội đủ 2 năm dưới Tiểu đoàn với nhiều công trận [Hình 2] trước khi về làm Đại Đội trưởng ĐĐ1QY, rồi Y sĩ trưởng Bệnh Viện Đỗ Vinh, chức vụ cuối cùng là Chỉ huy trưởng Bệnh Viện 4 Dã Chiến, là một bệnh viện quân đội lớn với 400 giường tại Bình Dương.
Hình 1: Lễ mãn khoá Khoá 12 Quân y Hiện dịch, từ trái: Trần Trọng Nghị, BS Trần Tấn Phát (khách), Trần Đoàn, Lê Trọng Tín, Lê Văn Châu, BS Hoàng Cơ Lân (khách), Dương Bào, Đoàn Văn Bá, Nguyễn Đình Khoát, Hà Xuân Quỳnh, BS Lê Đình Bình (khách). [Tư liệu Hoàng Cơ Lân] (3)
Hình 2: Y sĩ Trung Uý Mũ Đỏ Đoàn Văn Bá, YST Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù & Trung sĩ Isaac Patino cùng các Y tá ND đã cứu được nhiều mạng sống trong cuộc giao tranh ngày 19.02.1967 tại Quảng Ngãi (trái). Chuẩn Tướng Roberts trao bằng tưởng thưởng cho Y sĩ Trung Uý Đoàn Văn Bá do công trạng cứu sống các binh sĩ TQLC Mỹ trong Trận đánh Tết Mậu Thân 1968 ở Huế (phải). (1)
Hình 3: Bản tuyên dương công trạng Y sĩ Trung Uý Đoàn Văn Bá khi được trao tặng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng của Quân Đội Hoa Kỳ. (1)
Dưới đây là lược dịch bản tuyên dương công trạng BS Đoàn Văn Bá:
BỘ TƯ LỆNH
CHỈ HUY VIỆN TRỢ QUÂN SỰ HOA KỲ, VIỆT NAM
APO San Francisco 96222
20 tháng 5 năm 1968
TƯỞNG THƯỞNG HUY CHƯƠNG NGÔI SAO ĐỒNG
BA, DOAN VAN 57/208029 TRUNG UÝ QUÂN LỰC VNCH
Được tưởng thưởng: Huy Chương Anh dũng Bội tinh với Ngôi Sao Đồng
Thời gian hoạt động: 31 tháng Giêng tới 14 tháng Hai năm 1968
Địa bàn hoạt động: Việt Nam Cộng Hoà
Lý do: Hành động anh dũng trong các cuộc hành quân chống lại lực lượng thù địch:
Trung uý Bá đã nổi bật qua hành động anh hùng trong giai đoạn từ 31 tháng Giêng tới 14 tháng Hai năm 1968 trong khi phục vụ như một y sĩ tại Bệnh xá Chỉ huy Viện trợ Quân sự ở Huế. Trong thời gian này, thành phố Huế đang chịu sự tấn công mạnh mẽ của Việt Cộng / Quân đội Bắc Việt. Với phản ứng tức thời, Trung uý Bá đã di chuyển qua các vùng đang giao tranh tìm tới địa điểm ông biết có một Bệnh xá.
Khi tới nơi, ông bắt đầu ngay những điều trị cấp cứu cho rất nhiều binh sĩ đang bị thương. Trong một số trường hợp, Trung uý Bá đã tự nguyện dấn thân vào vùng nguy hiểm với đạn pháo và bắn sẻ của địch để đưa thương binh tới bãi đáp trực thăng tản thương. Khi các dụng cụ thuốc men y khoa bị thiếu hụt, Trung uý Bá đã không màng tới an ninh của bản thân, tình nguyện đi tới một kho y dược tìm ra được nguồn tiếp liệu đang cần.
Trung uý Bá đã biểu lộ lòng can đảm phi thường, bất chấp nguy hiểm cho sinh mạng mình, và chỉ quan tâm tới những người bệnh, với kết quả là ông đã cứu được nhiều mạng sống. Những hành động dũng cảm của Trung uý Bá phản ánh phẩm chất lớn lao của bản thân ông và của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Thẩm quyền: Theo chỉ thị của Tổng thống với những điều khoản của Pháp lệnh Hành pháp 11046, 24 tháng 8 năm 1962.
WALTER T. KERWIN, JR
Thiếu Tướng, Hoa Kỳ
Chỉ Huy Trưởng
Công Văn Chính Thức
SIDNEY GRITTI
Đại Tá, Hoa Kỳ
Tổng Quản Trị
…
Sau khi Miền Nam VN bị rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, Y sĩ Thiếu Tá Đoàn Văn Bá bị bắt vào các trại tù Cộng sản cùng toàn thể sĩ quan và viên chức cao cấp của chính quyền miền Nam, anh bị đầy ải qua các trại tù Hóc Môn, Suối Máu, Bù Gia Mập, Bù Đăng trong hoàn cảnh bị lao động cưỡng bức, thiếu ăn, và bệnh tật không thuốc men.
Đoàn Văn Bá ra tù sau 4 năm, và đúng theo cái nghĩa “nước mất, nhà tan”, gia đình bị ly tán nhưng Bá không bỏ cuộc. Anh đã dẫn theo một đứa con gái vượt thoát ra khỏi nước như một “thuyền nhân” và sau đó được đi định cư tại Hoa kỳ. Trên vùng đất mới Bá lại trải qua một thời gian phấn đấu khó khăn nữa.
Hình 4: Thuyền nhân Đoàn Văn Bá và con gái nhỏ tên Trang trên đảo tỵ nạn Galang, Indonesia. Bá mặc Sarong chân đi dép quai, da đen tóc quăn trông không khác một thổ dân trên đảo. Anh là giám đốc bệnh xá của Hội Hồng Thập Tự thuộc văn phòng Cao uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc / UNHCR, hết lòng chăm sóc cho dân tỵ nạn đổ tới ngày càng đông tới đảo từ ngày Bá đặt chân tới đây cho tới khi Anh rời đảo Galang để đi định cư tại Hoa Kỳ. Hình từ album gia đình Chị Đoàn Văn Bá
Là bác sĩ ngoại quốc ở tuổi đã cao, Bá vẫn say mê học tập và vượt qua được các kỳ thi ECFMG và FLEX. Anh chính thức được nhận vào chương trình Nội Trú / Internship của VA Hospital Medical Center, Washington DC. Lẽ ra sau năm Nội trú, Bá đã có thể thi lấy License hành nghề Y khoa như một Bác sĩ Tổng quát [GP / General Practitioner], nhưng không, Bá đã chọn đi tiếp Chương trình Thường trú 3 năm về Nội Khoa [Internal Medicine Residency]. Tốt nghiệp Nội khoa, BS Đoàn Văn Bá còn học thêm 2 năm chuyên khoa Thận [Nephrology Fellowship] trong cùng bệnh viện. Như vậy, tổng cộng là 5 năm Sau Đại Học / Post-Graduate, Bá đã có thể trở lại hành nghề y khoa trong dòng chính / mainstream như một Internist / Nephrologist ở tuổi đã 51 — Ngũ Thập Nhi Tri Thiên Mệnh, đã biết thế nào là “mệnh trời”.
“Nhảy Dù Cố Gắng” là phương châm sống của Bá. Bá lúc nào cũng như đang ở ngoài mặt trận, Anh không chỉ phấn đấu để ổn định cuộc sống của một gia đình đổ vỡ, đồng thời phải làm sao để trở lại với nghiệp cũ y khoa, rồi bền bỉ chiến đấu suốt 20 năm với một căn bệnh trầm kha. Anh đã cố gắng và rồi cuối cùng Anh cũng phải ra đi ở tuổi 83, để lại bao nỗi thương tiếc cho gia đình, đồng đội và những thương bệnh binh đã được Anh cứu sống và chăm sóc.
Khi nghe tin Đoàn Văn Bá đã ra đi, giữa mùa đại dịch, các đồng đội Quân Y Nhảy Dù đều có những chia sẻ.
Mũ Đỏ Nguyễn Mậu Trinh, Fairfax Virginia viết [23.09.2020]:
“Chúng tôi mang ít thức ăn tối đến nhà, trao đổi với chị Bá về chi tiết của Cáo Phó, cùng chương trình tang lễ đơn giản trong gia đình mà thôi, vào 01.10.2020 thứ Năm tuần sau. Trong nước mắt cũng có vài trận cười khi ôn lại những cái “điên” của Bác sĩ Bá, mà sau này anh tự xưng là “Bá Điện” (thêm dấu nặng). Trong khi chống chọi với bệnh ác tính, anh Bá cẩn thận dặn dò phải order 20 bản chính Death Certificate, vì ở đâu họ cũng đòi bản gốc, không nhận photocopy. (Có lẽ từ kinh nghiệm những ngày Anh đi tìm chỗ Training để trở lại nghề cũ). Con gái Chị Bá có nhận xét: Ba là vua survival, với đầu óc sáng tạo, tính toán và thực tế, thích hợp cho một người lính chiến ngoài trận mạc.”
Mũ Đỏ Nguyễn Mậu Trinh, một dược sĩ trong gia đình Quân Y Nhảy Dù, là người gần gũi với gia đình Đoàn Văn Bá nhất. Chính Anh Trinh và Chị Trần Đoàn là hai người trực tiếp phụ giúp Chị Bá lo tang lễ cho Mũ Đỏ Đoàn Văn Bá.
Mũ Đỏ Nguyễn Đức Liên từ Louisiana viết [23.09.2020]:
Mất Anh Bá! Cách nay 2 năm tôi còn ĐT với BS Đoàn Văn Bá, còn hẹn hò dịp nào gặp Bạn. Chưa gặp đã nghe tin Bạn rời nhà, đi Viễn Xứ. Bá có nhiều đức tính đặc biệt cho tới ngàn đời không ai quên được Bá! Thưa Chị Bá: Xin Chị nhắn cho một vài lời trước Linh cữu Bác Sĩ Đoàn Văn Bá: Nguyễn Đức Liên nó nhắn lời hẹn sẽ gặp Anh Bá ở góc Thiên Đàng trước tòa của Thánh Micae. Xin kính cẩn chia buồn với Chị và Cháu trước Tin Buồn Anh Bá ra đi.
Mũ Đỏ Vũ Khắc Niệm từ Dallas – Texas viết [23.09.2020]:
Tôi vừa được tin anh Bá đã ra đi, tôi vô cùng xúc động vì mất một đồng ngũ một người bạn mà tôi có rất nhiều kỷ niệm nhưng đã lâu lắm không liên lạc. Tuổi đã già và tình thế hiện nay không cho phép đến tiễn đưa Bá lần chót. Tôi xin nhờ anh Trinh chuyển đến chị Bá và gia đình lời chia buồn chân thành của chúng tôi.
…
Mũ Đỏ Trang Châu từ Montreal – Canada viết [23.09.2020]: Nhờ DS Trinh chuyển lời chia buồn của gia đình tôi đến chị Bá. Năm 2018 tôi có qua Washington DC dự Đại hội Văn Bút, có ghé thăm chị Trần Đoàn và thắp hương cho anh Đoàn.Tôi có ngỏ ý muốn gặp anh Bá nhưng anh Bá không muốn tiếp. Khi đó chị Đoàn cho tôi hay anh Bá bị Prostate CA nặng nên không muốn tiếp ai. BS Dù gốc Huế khoá chúng tôi chỉ có 3 đứa, nay đi hết 2 chỉ còn tôi… Trước ngày tang lễ, Trang Châu đã làm một bài thơ rất cảm động tưởng niệm Đoàn Văn Bá và cả Trần Đoàn.
Mũ Đỏ Trần Đức Tường từ Pháp viết [24.09.2020]: Được tin anh Bá nhẩy saut chót thật là buồn… nhớ từ lúc vào Trường Quân Y 1958, đến lúc về SĐND, tiền nhiệm đại đội trưởng ĐĐ1QY của tôi, cùng tù cộng sản ở Hóc Môn, Suối Máu, Bù Gia Mập, Bù Đăng… Đã chia nhau những viên thuốc lúc Bá bị ngộ độc thức ăn ở Suối Máu. Thật là đau buồn! Thành kính phân ưu cùng chị Bá và tang quyến. Cầu chúc anh linh bác sĩ Bá sớm về thiên đường của các thiên thần Mũ Đỏ!
Mũ Đỏ Hoàng Cơ Lân từ Pháp viết [24.09.2020]: Buồn lắm! Đến thứ bảy 26 Sept tới, anh em Nhảy Dù VN tại Pháp sẽ dự lễ tôn vinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Thánh đường Invalides Paris, và cầu xin Ngài đưa anh Bá về Thiên đường của các anh hùng Mũ Đỏ.
Hình 5: Hình chụp trước Bệnh viện Đỗ Vinh, từ trái hàng trước: Hoàng Cơ Lân, Hoàng Ngọc Giao, Vũ Văn Quynh, Đoàn Văn Bá, Trần Đoàn, Trần Đức Tường; hàng thứ hai: cố vấn BS Smith, Trần Đông A, Lê Văn Châu, Nguyễn Văn Y, Vũ Khắc Niệm, Đinh Hà, Nguyễn Mậu Trinh. [Ghi chú của Trang Châu, tư liệu Trần Tấn Phát] (3)
Mũ Đỏ Bùi Thiều từ Austin – Texas [24.09.2020]: Last but not least, Bá với hai bàn tay trắng dắt theo được một đứa con gái, đặt chân tới Mỹ vào cuối năm 1980 [11.11.1980], ở cái tuổi đã ngoài 40, khi mà triển vọng trở lại y nghiệp phải nói là rất thấp cho các bác sĩ ngoại quốc lúc đó, nhưng rồi Bá bắt được liên lạc với vị đàn Anh cũ trong QYND, là Bác sĩ Bùi Thiều. Bá đã đi Greyhound xuyên bang từ San Jose sang Austin, Texas thăm Anh Chị Bùi Thiều; sống với gia đình Anh Chị một thời gian, Bá đã gặp được mối duyên khởi từ đây. Anh Bùi Thiều đã dẫn Bá tới gặp Tướng Bernstein, là hàng xóm và ông cũng đang là viên chức y tế cao cấp Health Commissioner của Texas lúc bấy giờ. Tướng Bernstein đã từng biết Quân Y Nhảy Dù trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Đoàn Văn Bá được Tướng Bernstein giới thiệu cho vào làm một chân phụ tá y khoa ở Quân Y viện lừng danh Walter Reed, Bethesda Naval Hospital, Maryland là nơi điều trị cho nhiều vị Tổng Thống Mỹ. Anh Bùi Thiều cho biết, Bá đã cố gắng bám trụ, vượt qua được các kỳ thi tương đương cho các bác sĩ ngoại quốc và rồi Bá được Tướng Bernstein viết một Letter of Recommendation rất tuyệt, và cũng từ đây con đường rộng mở thênh thang cho tương lai y nghiệp của Bá.
Hình 6: Hội ngộ Quân Y Nhảy Dù 2009 tại Washington DC; từ phải, Tướng Ngô Quang Trưởng, Bùi Thiều, Đoàn Văn Bá, Lê Quang Trọng. Hình từ album gia đình Chị Đoàn Văn Bá
Khi nghe tin Bá ra đi, đích thân Bùi Thiều đang trên giường bệnh, Anh rất buồn và nói với Chị Simone vợ Anh: “Anh mới viết vài dòng cho Bá, Anh đọc cho em đánh tiếp rồi gởi vô Quân Y Nhảy Dù giùm Anh.” Và trong email gửi lời chia buồn tới Chị Bá và các cháu, Anh Bùi Thiều còn nhắc tới kỷ niệm về chuyến đi Austin rất đáng nhớ của Bá. Anh Bùi Thiều và Chị Simone thương quý Bá như người thân trong gia đình. Trước tin Bá mất, Chị Simone chuyển thư phân ưu của Anh Bùi Thiều vào Diễn đàn QYND, Chị Simone còn cảm xúc viết thêm: “Sao mà cuộc đời nó phù du quá, mới thấy đó rồi mất đó, bạn bè mình thương quý lần lượt ra đi…”
…
Là Y sĩ Tiền tuyến, Đoàn Văn Bá không chỉ cứu mạng nhiều thương binh Nhảy Dù VNCH; và còn như một giai thoại hay cũng có thể gọi là một huyền thoại, trong lúc Đoàn Văn Bá đang nghỉ phép dịp Tết Mậu Thân 1968 ở quê nhà, Bá đã có dịp cứu sống cho một số lính Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong đợt quân Cộng sản tấn công vào thành phố Huế. Các quân nhân Mỹ gọi BS Bá là “godsend – thiên sứ / hay ơn trời” họ tri ân và đã trao cho Ông một xấp giấy bạc đô-la khá dày mà Ông thẳng thắn từ chối. Sau đó, BS Bá được trao tặng huy chương Bronze Star của quân đội Hoa Kỳ mà ông rất hãnh diện. Tấm huy chương Ngôi Sao Đồng ấy cũng là chiếc “chìa khoá vàng” để mở những cánh cửa bệnh viện đang khép kín lúc đó, giúp ông bước vào và trở lại ngành Y tuy đã vào một thời điểm muộn màng cho một “thuyền nhân” tuổi đã cao lại cưu mang thêm một đứa con gái nhỏ chân ướt chân ráo mới đặt chân tới Mỹ.
Trang báo người Mỹ viết về BS Đoàn Văn Bá khi Anh nghỉ hưu ngày 06/ 06/ 2014 ở tuổi 77. (3)
[Dr. Doan Retiring After 26 Years of Service – Spectrum Healthcare Resources]
“BS Đoàn Văn Bá tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn, rồi đi về chuyên khoa Tai Mũi Họng. Vào binh nghiệp sớm, làm Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn 7 thiện chiến Nhảy Dù. Rồi Y sĩ trưởng Bệnh Viện Đỗ Vinh của Sư Đoàn Dù. Và cuối cùng là Y sĩ trưởng của Bệnh Viện IV Dã Chiến với 400 giường bệnh.
Vào cuối tháng Giêng năm 1968, Bác sĩ Bá đi phép về Huế nghỉ Tết ít ngày. Cũng là thời gian có thoả thuận hưu chiến giữa đôi bên, nhưng quân Cộng sản Bắc Việt đã bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp các tỉnh miền Nam mà sau này được gọi là “Cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân 1968”.
“Bừng thức giấc buổi sáng hôm đó, tại nhà một người bà con thân, BS Bá thấy mình bị kẹt phía sau phòng tuyến địch và anh biết rõ số phận của mình sẽ ra sao nếu bị địch bắt, nên Anh quyết định tìm mọi cách tới vùng thành phố có các đơn vị quân đội bạn đang trấn giữ. Rất thận trọng, Bá tìm cách lẩn tránh các đơn vị tuần tra địch, Bá di chuyển từ khu nhà này sang khu nhà khác cho tới khi gần được một cây cầu vừa có cuộc giao tranh ác liệt giữa đôi bên. Một Tiểu đoàn TQLC Mỹ dưới quyền chỉ huy của Trung tá Marcus Gravel bị tổn thất nặng nơi phía bắc khi cố vượt qua sông. Đơn vị ông cũng đang cố gắng chiến đấu tìm đường tới được cứ điểm MACV [Military Assistance Command, Vietnam] phía nam. Khi chiếc xe cuối bắt đầu qua cầu, Trung tá Marcus Gravel thấy xuất hiện một người đàn ông trong quân phục Nhảy Dù QLVNCH nhô ra từ một toà nhà đổ nát.
Người đàn ông Việt Nam nói với Trung tá Gravel rằng anh ta là bác sĩ, và sau đó anh ta được cho lên chiếc xe tải cuối cùng qua sông. Khi tới được căn cứ MACV, một cố vấn Mỹ cấp bậc Đại tá có ý kiến chống đối mạnh mẽ quyết định của Trung tá Gravel đã đem theo người đàn ông tới đây, với câu hỏi gay gắt: “Làm sao anh biết hắn là bác sĩ mà không phải là một tên VC xâm nhập?” Lúc đó Trung tá Gravel gần như kiệt sức và sống sót sau nhiều giờ trên trận địa, đã đốp chát trả lời viên Đại tá: “Vì hắn nói hắn là một bác sĩ”.
Rồi với những nỗ lực của Trung tá Gravel, BS Bá đã mau chóng kết nối được với Y sĩ Đại uý Lục quân Steve Bernie, là bác sĩ duy nhất trong vùng giao tranh lúc đó. Bác sĩ Bernie đã yêu cầu BS Bá tiếp tay vì ông đang bị tràn ngập bởi con số thương vong ngày càng gia tăng và còn tiếp tục được đưa tới khu bệnh xá dã chiến nhỏ bé. Hai BS Bá và BS Bernie cùng nhau làm việc liên tục cứu nhiều mạng sống giữa những tiếng súng và cả tiếng trọng pháo bắn tới trong suốt khoảng thời gian từ 31 tháng Giêng tới ngày 15 tháng Hai cho tới khi được giải toả. Trong suốt thời gian hai tuần lễ đó, BS Bá đã nhiều lần liều mạng sống khi ông tình nguyện tháp tùng các thương bệnh binh nặng di chuyển trên những đường phố hết sức nguy hiểm ra tới được bãi đáp trực thăng tới tản thương dưới hoả lực nặng nề của địch quân.
Do mọi hoạt động tiếp vận bị gián đoạn vì hoả lực địch, BS Bernie cho biết các trang thiết bị y khoa sắp cạn kiệt, thì chính lúc đó BS Bá nói ông ta biết địa điểm một kho tiếp vận y dược của QLVNCH nhưng cách xa nhiều dặm và lại nằm phía trong phòng tuyến của địch. Rồi bất chấp nguy hiểm cho bản thân, BS Bá tình nguyện dẫn theo một toán lính nhỏ tìm tới được kho tiếp liệu vẫn còn đó. Chiếc xe chạy qua những con đường phố Huế, tới được kho tiếp liệu và đẩy sập được cánh cửa khoá. May mắn là kho y dược này chưa bị cướp phá, BS Bá đã rất mau chóng thu nhặt các y cụ thuốc men cần thiết cho chăm sóc cấp cứu của bệnh xá. Do những hành động dũng cảm trong Trận đánh ở Huế, BS Bá là một trường hợp hiếm hoi – tuy không phải người Mỹ, được trao tặng một huy chương cao quý Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Đồng – Bronze Star Medal for Valor, mà sau này ông hãnh diện mang trên chiếc áo trắng nơi bệnh viện và cả trên biển số xe khi ông về hưu ở Virginia.
Khi quân CS Bắc Việt chiếm miền Nam, BS Bá bị bắt ngày 15 tháng Năm, 1975 và bị giam trong nhiều “trại tù cải tạo” khác nhau, nơi mà các tù binh miền Nam đã bị đối xử một cách tàn bạo. Sau hơn 4 năm tù đầy, BS được thả vào tháng 12 năm 1979.
Tới tháng Năm 1980, BS quyết định dẫn theo đứa con gái nhỏ vượt biển tìm tự do trên một chiếc ghe quá tải chở 97 người tỵ nạn khác nữa. Chiếc ghe đã bị hải tặc Thái Lan tấn công và cướp bóc 2 lần nhưng rồi cuối cùng cũng tới được Thái Lan. BS Bá sau đó được đưa tới Trại Tỵ nạn Galang ở Indonesia, nơi đây ông tình nguyện là bác sĩ một bệnh xá Hồng Thập Tự chăm sóc chữa bệnh cho người tỵ nạn.
Cuối cùng thì ông cũng tới được Mỹ ngày 11 tháng 11 năm 1980. Được sự hỗ trợ của cố vấn Mỹ từ Sư đoàn Dù VNCH trước kia, BS Bá bắt đầu một chương trình Thường trú về Nội Khoa [Internal Medicine Residency] tại một bệnh viện Cựu Chiến binh / Veterans Administration Medical Center, Washington DC. Tốt nghiệp Nội khoa sau 3 năm, BS Bá đi tiếp thêm 2 năm chuyên khoa Thận [Nephrology Fellowship] trong cùng một bệnh viện.
Sau đó BS Bá bắt đầu làm việc cho bệnh viện Fort Belvoir Community Hospital từ ngày 1 tháng 7 năm 1988 cho tới ngày 30 tháng 6 năm 2014. Và trong suốt 26 năm tận tâm phục vụ cho các cựu chiến binh Mỹ và gia đình họ, BS Bá đã có rất nhiều bạn hữu và cũng là bác sĩ gia đình của họ trong suốt ngần ấy năm.
Khi được mời nói chuyện trước một cử toạ đông đảo nhân ngày Cựu Chiến Binh [Veterans Day 11.11.1987] tại Harrisburg, Pennsylvania, BS Đoàn Văn Bá đã phát biểu hùng hồn về lý do tại sao ông đã chấp nhận nguy hiểm tình nguyện cống hiến trong Trận chiến Tết Mậu Thân ở Huế cùng lý do tại sao ông tiếp tục phục vụ các cựu chiến binh và gia đình họ hiện nay với tư cách là một công dân Mỹ. Chữ nghĩa của ông là điều khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ: “Tại sao tôi đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình để cứu người khác? Bởi vì chính những người lính Mỹ ấy đã chiến đấu cho tự do của dân tôi. Họ đã có tự do, họ tới để giúp dân tôi đang bị áp bức cũng có được tự do như họ. Họ đã đổ máu trên đất nước tôi. Máu của họ đã thấm trên quân phục và cả da thịt tôi; và những nỗ lực của họ đã tạo cảm xúc cho tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống cho họ. Cho dù tôi đã mất cả quê hương, phải chịu đựng những áp bức và đầy ải trong các trại tù cải tạo trong 4 năm, tôi vẫn cảm thấy biết ơn những người lính Mỹ đã chiến đấu cho tự do của dân tôi và thành tâm muốn được vinh danh họ.”
Hình 7: Đoàn Văn Bá được trao tặng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng cao quý của Quân Đội Hoa Kỳ, mà sau này Bá rất thích và hãnh diện ghim nơi ngực chiếc áo khoác trắng bệnh viện và cả chưng nơi bảng số xe của tiểu bang Virginia, nơi Bá về hưu từ 2014. Nguồn: Nguyễn Mậu Trinh
Sáu năm sau tuổi nghỉ hưu, ngày 14.09.2020 Mũ Đỏ Đoàn Văn Bá đã nhảy “Saut cuối cùng” và bài thơ của Mũ Đỏ Trang Châu, viết ngày 29.09.2020 cũng là kết từ cho bài Tưởng Niệm Mũ Đỏ Đoàn Văn Bá.
SAUT CUỐI CÙNG
Hình 8: Trang Châu
Ba đứa chúng mình, ba thằng gốc Huế
Lớn lên dưới bóng phượng đất thần kinh
Tắm nước Hương Giang, thở gió Ngự Bình
Hai đứa Nam Giao, một thằng Vỹ Dạ.
Sống giữa đoạn đời súng thay pháo nổ
Ba đứa mình tai điếc chẳng sợ gì
Vẫn cứ hồn nhiên làm lính quân y
Vẫn cứ bình tâm ôm dù nhảy xuống
Rừng núi thâm u, sình lầy, nước đọng.
Ôi, những ngày máu lửa trên quê hương!
Ta đã đi, đã sống, đã đau buồn
Tay ta đã lau máu thù, máu bạn.
Rồi vận nước rơi vào mùa khổ nạn
Bọn chúng mình, tan tác cánh chim muông
Đứa ngục tù, vượt biển, trước tai ương
Nhưng trời vẫn thương những thằng tốt bụng
Trong gian lao tinh thần ta vẫn vững
Xóa cuộc cờ làm lại với tay không
Sau cơn mưa trời lại sáng tươi hồng
Và ta sống vui những ngày còn lại.
Nhưng bạn ơi, tháng năm rồi cũng phải
Quay trở về với cát bụi hư không
Ta lính Dù, ta nhảy saut cuối cùng
Từ xứ lạ ta rơi về đất mẹ.
Hai bạn đi rồi, mình tôi cô lẻ
Cũng mang dù gọn ghẽ đứng chờ phiên…
[Trang Châu, Montreal 29.09.2020]
Hình 9: Hai Người Lính Nhảy Dù đã nhảy “Saut cuối cùng” của đời mình, Mũ Đỏ Trần Đoàn [01.06.2017] & Mũ Đỏ Đoàn Văn Bá [14.09.2020]. Tư liệu: Nguyễn Mậu Trinh, Trần Tấn Phát
.MỘT CHÚT RIÊNG TƯ VỚI MŨ ĐỎ ĐOÀN VĂN BÁ
Tuy không thuộc gia đình Quân Y Nhảy Dù, nhưng với tôi, Trần Đoàn và Trang Châu từng là bạn cùng làm báo Sinh viên Y khoa Tình Thương năm xưa [1963 – 1967]. Với Đoàn Văn Bá, tôi có mối giao tình riêng. Biết Bá từ trong trường Y Khoa và cả khi ra trường về sau này. Tôi quý Bá vì những “đức tính điên” của Anh – theo cái nghĩa Anh rất thẳng thắn và trực tính. Sau 1975, tôi và Anh cùng có chung những năm tháng trải nghiệm qua các trại tù cải tạo Cộng sản. Rồi tới Mỹ, chúng tôi lại gặp nhau ở New York giữa những tháng ngày “đèn sách” để cố gắng trở lại với y nghiệp. Gặp gỡ và rồi lại xa nhau cả chục năm, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy gần gũi và thân thiết. Nghe tin Bá mất, tôi muốn viết về Anh. Tìm lại được bức hình cũ, và mấy emails cuối cùng trao đổi với Anh, cũng chỉ mới hơn một năm trước ngày Anh mất. Và tôi muốn ghi lại đây như một chút kỷ niệm riêng tư với Mũ Đỏ Đoàn Văn Bá.
…
California, May 26, 2019,
Anh Đoàn Văn Bá thân, sau lần gặp Anh Bá ở New York, khi cả hai anh em đang trở lại với đèn sách, vậy mà cũng đã hơn 1/4 thế kỷ. Mới đây, trong khi chuẩn bị hoàn tất Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn, tình cờ tìm được một tấm hình chụp chung với Anh, gửi Anh Bá xem. Rồi đọc bài của Trần Đoàn có nhắc tới Anh Bá với biệt danh: Bá Điên hay “l’ homme des situations difficiles”, rất muốn liên lạc với Anh; nay qua Chị Trần Đoàn, có được eMail của Anh, đây là email đầu tiên, nếu nhận được Anh tin cho biết. Anh Bá cho tôi địa chỉ để gửi biếu Anh một Tuyển Tập YSTT Nghiêm Sỹ Tuấn, người bạn Dù cùng khoá 1965 với Anh và đã hy sinh ở trận địa Khe Sanh 1968, khi ấy Nghiêm Sỹ Tuấn mới 31 tuổi. Tôi còn nhớ, sau 3 năm Residency IM, Anh Bá còn đi thêm 2 năm về Nephrology nữa, và khi tôi trở lại Cali thì hai anh em mất liên lạc…
…
Và tôi nhận được hồi âm của anh Đoàn Văn Bá trong cùng ngày, May 26, 2019 :
Vinh thân, nhận được Mail của toi, rất mừng bắc được liên lạc lại với nhau. Cám ơn toi nhiều về bức ảnh chụp chung. Đây là địa chỉ… Phone nhà … và Cell… Cho moi xin phone của toi.
…
Và chỉ 5 ngày sau, June 1, 2019, Bá cho biết: Moi đã nhận được sách “Y sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn”; Thành thật cám ơn Vinh.
…
Bấy lâu, tôi vẫn theo dõi tin tức về Bá. Biết Anh có vấn đề về sức khoẻ, tin Anh ra đi tôi không ngạc nhiên nhưng cảm giác vẫn hụt hẫng và thương tiếc. Bài viết này như một kỷ niệm rất riêng tư gửi tới anh linh Anh Đoàn Văn Bá; cũng là lời phân ưu gửi tới Chị Bá và các cháu, cùng với toàn thể Gia đình Quân Y Nhảy Dù.
Hình 10: Nụ cười rạng rỡ của Mũ Đỏ Đoàn Văn Bá (phải) và Mũ Xanh Ngô Thế Vinh khi gặp lại nhau ở Brooklyn, New York 1989 giữa những tháng ngày còn “đèn sách” (trái); Bìa sách TT YSTT Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân (phải). [tư liệu Ngô Thế Vinh]
ĐOÀN VĂN BÁ: một người lính, một cấp chỉ huy, một y sĩ – với cương vị nào thì Bá cũng chọn đứng ở tuyến đầu, Bá là nguồn cảm hứng và tin cậy cho những người được biết Anh.
NGÔ THẾ VINH
New York 1988 – Virginia 2020
______
Tham Khảo:
1/ Angels, in Red Hats: Paratroopers of the Second Indochina War, by Command Sergent, Harmony House Pub Louisville, 1st Edition, August 1, 1995
2/ Bibliographie des Thèses de Médecine, Hanoi 1935-1954, Saigon 1947-1970; par Nguyễn Đức Nguyên, Université de Saigon, Centre d’ Éducation Médicale, Bibliothèque 1972
3/ Mũ Đỏ Trần Đoàn YST TĐ2 ND Viết về Nghiêm Sỹ Tuấn. YSTT Nghiêm Sỹ Tuấn Người Đi Tìm Mùa Xuân, TSYS Việt Nam Canada & Việt Ecology Press 2019
4/ Dr. Doan Retiring After 26 years of Service
Dr. Doan Retiring After 26 Years of Service – Spectrum Healthcare Resources
5 / Cáo Phó & Phân Ưu: Y Sĩ Thiếu Tá Đoàn Văn Bá