THỔ TẢ GIỠN MẶT THỔ HỮU (Bông Lau)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Chiếc tàu màu đỏ do anh bạn đang đứng co một đầu gối tự đóng lấy. Anh ta có dự tính đóng thêm chiếc thứ hai bự hơn chiếc này. 

Mấy cô gái có khuôn mặt rất đẹp nhưng những mái tóc đẹp hơn vì đủ màu. Mỗi màu là một đặc tính của mỗi người. 

Mái tóc rối không chải chuốt bay bay trong gió đẹp man dại. 

Cồn cát có cỏ bông lau hoang sơ không dấu chân người. Cuối trời là mây mù của những cơn mưa giông bí hiểm. 

Hôm thứ Năm biển động gió to sóng lớn mưa lâm râm. Đi tắm biển tính bơi ra xa xíu nhưng bị sóng đánh bật vào lại đầu dọng uống cát, mũi miệng mắt đầy cát. Hì hục một chặp dưới nước khi thì bị sóng kéo ra khi thì bị đẩy vào dập tơi tả. Nên chán bỏ về nhà tắm rửa thay đồ đi ra bến tàu cách mười mấy cây số hóng mát.
Đến bến tàu ở một ngôi làng nhỏ tên Hatteras thấy quốc kỳ Mỹ bay phất phới khắp nơi mới biết đây là vùng cấm địa của Donald Trump. Ở đây loàn là dân da trắng và rất thân thiện. Mấy anh Mỹ làm nghề cá râu tóc bờm xờm đi qua thấy cầm máy chụp hình tưởng mấy chả khó chịu nhưng một anh lên tiếng “Chà cái máy bự quá hén”.
Lân la xuống bến tán dóc với một anh đánh cá Mỹ trẻ tuổi tóc đỏ da cũng ửng đỏ cháy nắng. Anh ta hết sức thân thiện nói hết bí mật nghề nghiệp như người trong nhà. Tuy nhiên cứ khoảng bốn năm phút anh ấy nhổ toẹt xuống đất một bãi nước miếng. Anh đang nhai thuốc lá nghiền “tobacco” như mấy bà già trầu. Ảnh đang đứng cách khoảng hai thước nhưng đầu ngọn gió nên nước miếng phun ra chắc có mấy chục hột nước lơ lửng theo gió chui vào phổi mình. Vái ông Địa trong mấy hột nước đó hổng có em corona nào.
Anh ta chừng 30 tuổi nhưng tự đóng lấy tàu đánh cá thiệt quá giỏi. Có thể nghề nghiệp cha truyền con nối chăng. Đóng tàu xong thì tự trang bị dụng cụ điện tử tối tân như ra đa, máy sonar dùng sóng âm thanh dò đáy biển vì lịch sử vùng đảo này đã có hai ngàn vụ đắm tàu vì tàu thủy đụng đáy biển. Có những loại máy sonar dò cá loại gì và tập trung ở đâu nên chỉ lái tàu đến đó vớt lên. Khó nhứt là tính toán vận tốc dòng nước ngầm sẽ đẩy cá về đâu. Anh thú nhận đánh cá ngày hôm nay không cần nhiều kỹ năng như thủa xa xưa.
Cá mập vùng này cũng nhiều, khoảng 200 con. Có loại cái búa hai đầu rất rùng rợn. Anh bạn trấn an rằng hiếm khi cá mập tấn công người. Phát hiện nó không khó. Khi nào thấy cái vây cá màu đen nhô lên rẽ nước thì biết ảnh đang tới. Khi ấy chắc mình xỉu má nó rồi…
Trên đường đi thấy có nhiều bích chương ủng hộ Donald Trump. Nhưng có một tấm bảng làm tui cười sằng sặc rung cả tay lái. Vòng xe lại để chụp hình tấm bảng này cũng hơi lạnh cẳng. Cứ sợ súng trong nhà nó nã ra vì tưởng mình là “thổ tả” đến phá hoại. Ở khu này nhìn xuống đất lâu lâu thấy vỏ đạn thì biết đứa nào ở đây cũng có đồ chơi đủ loại.
Tấm bảng phía trên đề là “Trump – Làm tụi Xã Hội Chủ Nghĩa khóc lần nữa năm 2020” (Trump – Make a socialist cry again – 2020). Tấm bảng nhỏ hơn phía dưới đề “Đời sống xanh là quan trọng” (Blue Lives Matter). Câu này có nghĩa là “Cảnh sát là quan trọng” vì cảnh sát mặc đồng phục xanh.
Khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vỹ đại lần nữa” (Make America great again) cũng đã làm phe tả ngứa mắt rồi. Huống chi nêu đích danh “Bọn XHCN chúng mày sẽ khóc ré lên lần nữa trong cuộc bầu cử tới”. Câu này có tính cách chọc quê XHCN. Tuyên bố “cảnh sát quan trọng”, là răn đe “Đời sống đen quan trọng”.
Tui cư ngụ ở khu vực đại tư bản dân da trắng, hầu hết theo đảng Dân Chủ. Lâu lâu họ dựng bảng hiệu nhỏ trước nhà “Black Lives Matter” thấy ngứa mắt vì sự phô trương khuynh hướng chính trị của người khác và họ bắt mình phải đọc những dòng quảng cáo ở khu vực nhà riêng (residential) đáng lý ra không nên có bảng hiệu gì cả. Tuy nhiên hiến pháp Hoa Kỳ cổ võ cho tự do ngôn luận nên phải chấp nhận quyền tự do phát biểu của mọi người. Mặc dù quyền tự do phát biểu ấy có khi làm người khác khó chịu mất vui. Bởi vậy thái độ đúng đắn nhứt là giữ im lặng bao dung và mong rằng những người khác cũng lịch sự không trưng bày những điều quá độ làm buồn lòng những người khác.
Trở lại tấm bảng “Bọn XHCN chúng mày sẽ khóc thét lên lần nữa” dĩ nhiên sẽ làm những quý vị cánh tả đi ngang thấy rồi lồng lộn nổi điên vì cảm thấy không gian và ý thức hệ của họ bị xâm lược bị khiêu khích, và chiến tranh bắt đầu từ đó.
Nhân vật XHCN nào đó vì giận nên mất khôn. Lấy sơn đỏ quay trở lại xóa bỏ dòng chữ “Make a socialist cry again – 2020”. Mặt bên kia tấm bảng thì dòng chữ “Blue Lives Matter” bị tẩy xóa. Rất may là đồng chí XHCN này đã không bị ăn kẹo đồng. Tấm bảng được dựng lên trên phần đất của tư nhân nên người nào vượt qua để vào phá hoại là vi phạm luật pháp rồi. Sao mà dốt quá vậy.
Sau khi thấy bích chương của mình bị phá hoại, gia chủ phản công gắn lên thêm một băng rôn nhỏ ghi dòng chữ màu đỏ như sau “Bọn Liberals thua cuộc đã làm điều này” (Loser Liberals did this). Từ ngữ “Liberal” rất bao gồm và trừu tượng nhưng ở đây có thể hiểu là “cấp tiến”, thiên tả, XHCN v.v.
Khi chứng kiến cuộc chiến ý thức hệ trên con đường xa xôi vạn dặm này mình bật cười vì sự cuồng nhiệt đến ấu trĩ của mỗi phe. Nhưng một nổi ưu tư dâng lên trong lòng vì sự chia rẽ chính trị quá lớn trên đất nước này. Nếu mỗi người chúng ta biết kềm hãm không khiêu khích lẫn nhau thì con đường này đẹp hơn vì không có những tấm bảng hiệu đấu đá lẫn nhau, và không ai có cảm giác mình đang đi trên đất địch hay vào vùng kiểm soát của quân bạn. Đây là Hiệp Chủng Quốc vùng đất của tự do và bao dung.
Trên đường về, dừng xe leo lên những cồn cát có cỏ bông lau mọc đầy, bên kia cồn là biển Đại Tây Dương. Nơi bãi cát hoang sơ không có dấu chân người. Cuối trời là mây mù của những cơn mưa giông đẹp bí hiểm. Không có sân si nơi ấy.