THẰNG CHÁU CƯNG (Peter Chánh Trần tức Lúa Mười)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Còn 10 ngày nữa nó tròn 11 tuổi, và sẽ vô lớp Sáu khi trường khai giảng vào tuần tới. Tên khai sanh, đi học ở trường, là Kaden. Tên Việt, cả nhà đều gọi nó là thằng Đình. Nó còn thêm một cái nickname khác, dễ thương hơn, “thằng cháu cứng”.
Hồi bốn năm tuổi, nó nói tiếng Anh (dĩ nhiên) rành hơn tiếng Việt, vì cả ngày học ở trường Mỹ, chơi với con nít Mỹ, và về nhà thì ghì đầu vô Ipad coi đủ thứ trong đó bằng tiếng Mỹ. Con nít hỏng chơi thì làm gì cho hết ngày giờ? Tiếng Việt thì người lớn nói gì nó cũng hiểu, nhưng luôn trả lời bằng tiếng Anh cho khoẻ. Dĩ nhiên cũng chỉ là những từ thông thường hằng ngày, chớ có nhiều chữ Việt nó cũng ngẩn tò te, hoặc hiểu trật lất đến tức cười. Một hôm nó nói với mẹ nó:
– Mom! Grandpa said I’m his crunchy grandson! Why mom?
– What! Crunchy grandson?
Nó ráng dùng tiếng Việt để lặp lại cho mẹ nó nghe lời ông nói khi ông ôm nựng nó:
– Đình là cháu cứng của ông, Đình biết hong?
Trời ơi tiếng Việt khổ nhứt là các dấu! Cưng, cứng, cừng, cửng, cững, cựng! Người ngoại quốc học tiếng Việt, bi nhiêu đó đủ cho họ chết đứng! Các dấu khác nhau đẻ ra chữ khác nhau, cách phát âm khác nhau, và nghĩa cũng hoàn toàn khác luôn. Nó là thằng Mỹ con đang học tiếng Việt! Chữ cưng nó nghe ra thành cứng. Cưng và cứng, nói theo các note nhạc thì nó cách nhau mấy cung? Trời biết! Con nít chỉ nghe quen tai rồi nói theo thôi! Nói về ăn uống, cứng nghĩa tiếng Anh là dòn, là crunchy, và nó hiểu theo nghĩa đó! Cả nhà khó ai nín được cười! Từ đó nó có tên “cháu cứng”.
Hai anh em nó đều sinh non, đều đến thế gian này trước “ngày hẹn” cả tháng, nên nhẹ te, chỉ trên 4 pounds (hơn 2 kg) một chút. Người ta nói mấy đứa sinh non rất quậy và đặc biệt là rất thông minh. Đúng hết.
Hai anh em sinh non, đều cần chăm sóc đặc biệt hơn trẻ bình thường, nên bà nó giành nuôi, với lý do bà nhiều kinh nghiệm hơn mẹ chúng. Cái nôi kê sát giường bà, và lớn một chút, thì bà ôm vô giường, bà cháu ngủ chung luôn cho tiện. Bà bây giờ chẳng khác gì “mẹ già con mọn”!
Ông nó thương nó đặc biệt cũng không có gì khó hiểu. Nó là đứa cháu thứ hai. Thằng anh đầu chiếm hết tình thương của mọi người, nhứt là bà nó. Thằng anh ngủ với bà từ lúc mới sanh, còn đỏ hỏn như con chuột con chưa mở mắt. Nó là của bà, và bà là của mình ên nó, bất khả xâm phạm. Khi Đình xuất hiện, nó không cách gì giành lại thằng anh cái vé “ngủ với bà”. Bà chỉ ngủ chung với hai anh em nó chừng sáu tháng, rồi giao Đình cho ông. Bà ôm thằng anh, ông ôm Đình. Hai ông cháu ngủ với nhau từ ngày đó đến giờ.
Gần đứa nào nhiều thì mến tay mến chân, cưng nó nhiều, là chuyện dễ hiểu. Bốn năm tuổi, đêm nào nó cũng kiếm chuyện không chịu ngủ sớm. Con nít nào cũng sợ ngủ, lạ thiệt! Nó năn nỉ xin ông thêm 5 phút để coi cho xong cái clip trên Ipad. OK. Coi xong, nó vẫn lăn trở như con dòi, hỏng chịu ngủ! Ông giúp nó ngủ bằng một câu “khẩu huyết” và bắt nó lập lại hằng đêm: “Don’t talk; don’t move; close your eyes; khò!” Đọc xong “khẩu huyết”, nó vẫn kiếm chuyện, vẫn còn kèn cựa, đòi leo lên nằm úp mặt trên ngực ông 5 phút nữa. Dĩ nhiên ông nó không bao giờ từ chối. Mùi con nít, sự ngây thơ của một thiên thần, được ôm nó là một ân sủng Thượng Đế ban cho ông mà. Có khi cả mười phút nó vẫn chưa chịu lăn xuống, và ông cũng giả đò không biết 5 phút là bao lâu, để nó nằm im như vậy. Hai ông cháu, mỗi người thưởng thức cái cảm giác yêu thương theo cách của mình. Không biết lòng nó nghĩ gì? Cảm giác của nó ra sao? Có thể nó cảm thấy ấm áp. Có thể nó tìm được cảm giác an tâm. Hay chỉ là nhõng nhẽo với ông một chút. Riêng ông thì thấy rất phê, phê lắm! Khi nó khò khò khò khá lâu, ông mới nhẹ nhàng để nó xuống nằm trên cánh tay ông.
Còn trẻ, lo cày kiếm cơm, nên chuyện săn sóc bốn đứa nhỏ một tay bà xã lo. Thức khuya dậy sớm, không có! Ôm con ngủ? Không có luôn! Tới phiên cháu thì khác hẳn! Đúng là “thương con một táo, thương cháu một giạ”! (Một táo=20 lít. Một giạ là hai táo).
Bây giờ nó to như con voi con, không đòi nằm trên ngực ông được nữa, nhưng đêm nào thấy nó trăn trở, ông chỉ cần giang cánh tay ra, là nó hí hửng nhào vô nằm ôm ông liền. Chừng 5 phút là ông tê tay, và nó cũng biết thân nên tự động lăn qua gối của mình để ngủ. Ông chọc nó: “Khi con có vợ, ở riêng, lúc đó ông cũng già lụ khụ, bữa nào ngủ không được, thì con bỏ vợ, về hai ông cháu mình ngủ chung một đêm, OK không?” Nó cười thích thú như một lời hứa ngầm, nhưng ông dư sức biết là khi nó có vợ, nó còn biết trời trăng mây nước gì ngoài cái mùi của vợ nó! Ông sẽ tiếp tục ôm gối ngủ một mình, tưởng như đang ôm nó ngày nào cho đỡ nhớ, đỡ ghiền!
Tuần tới nó nhập học sau một kỳ nghỉ hè dài bất thường vì cúm Tàu. Nó vào lớp Sáu khi chưa đầy 11 tuổi. Đa số các bạn nó đều 12 tuổi cả. Nó uống sữa tươi thay nước, ăn quên thôi, nên nó to con, lực lưỡng, nhưng là một trong những đứa học trò nhỏ tuổi nhất lớp. Ngày sinh của nó chỉ trước ngày “cut off” mà Bộ Giáo Dục qui định chưa đầy hai tuần lễ. Mỹ tính từng ngày. Không du di, không thông cảm gì cả. Thí dụ họ qui định khi vào Mẫu Giáo, học sinh phải đúng 5 tuổi trở lên. Chỉ cần sinh sau ngày “cut off” đó một ngày, thì cũng không được nhận, phải chờ năm sau.
Khi nó vô Mẫu giáo, cô giáo thấy nó còn baby quá sức, nên đề nghị cho nó trở về lớp Vườn Trẻ, chờ thêm một năm. Cả nhà không đồng ý. Cô giáo “hù” một câu: Cho nó thử thì cô cho, nhưng nếu nó học không nổi thì cô sẽ trả về! Cô giáo cũng có lý, vì nó nhõng nhẽo dữ lắm. Tôi còn nhớ hoài cái hình ảnh: giờ văn nghệ của trường, nó nằm dưới sàn nhà của Hội Trường, gối đầu lên đùi cô giáo của nó ngủ ngon lành. Bạn bè và các học sinh lớp lớn ca, múa, diễn kịch, nó bất cần! Ngủ cái đã! Văn nghệ xong, cô giáo còn phải bồng nó về lớp, trong khi bạn bè nó chạy tung tăng như bầy vịt con!
Có thể nói: Tuyệt đại đa số các giáo viên Tiểu Học đều là nữ. Cô giáo nó thương nó không khác gì mẹ thương con, và đó là hình ảnh cả đời nầy tui không bao giờ quên. Đó cũng là hình ảnh rất tiêu biểu của cô giáo ở xứ này. Họ chọn nghề dạy học không vì đồng lương, mà vì sở thích, và tình thương họ dành cho con nít. Cùng thời gian học Đại Học, nếu họ chọn ngành khác, khi ra trường, lương sẽ cao hơn nhiều, và cơ hội thăng tiến cũng không giới hạn như chọn làm cô giáo.
Có lần tui ngồi nói chuyện với con gái và thắc mắc tại sao họ chọn ngành nghề lương thấp như vậy? Ngoài hai lý do trên, con gái tui nói thêm một lý do nữa, làm tui giựt mình: “Con nghĩ chính phủ cố tình không trả lương cao cho giáo viên, là để chỉ chọn ra những người thật sự yêu con nít, muốn cống hiến đời mình cho con nít!” Wow! Không chắc chắn 100% là chính phủ Mỹ có cố tình trả lương giáo chức quá thấp hay không, nhưng tôi tin nhận xét của con gái tôi. Tôi càng ngưỡng mộ, quí trọng những thày cô ở xứ này hơn nữa! Họ là thánh nhân! Họ là những người sống có lý tưởng, vì lý tưởng.
Họ chọn ngành sư phạm cũng không phải vì tiêu chuẩn điểm. Nói theo kiểu VN: Những đứa học lực “ba môn 9 điểm”, không ai nhận, phải chui đầu vào sư phạm! Không trúng cho xứ Mỹ này.
Tui cũng chưa bao giờ nghe nói cô giáo Mỹ hành hạ, bạc đãi con nít như ở VN!
Nhõng nhẽo thì có, nhưng nó học ngon lành, không thua cho ai cả, và năm nào cũng lên lớp với điểm xuất sắc. Nó thích đọc như ông nó. Nó thích coi những video về đủ thứ mọi lãnh vực như ông nó. Có lần nó nói chuyện về thuyết Big Bang, Black Hole,… mà mẹ nó phải giựt mình! Nó dùng những chữ mà mẹ nó không ngờ tới. Nó không mê chơi banh. Nó mê học Tae Kwon Do (Thái Cực Đạo). Thi lên đai, nó qua mặt anh nó hai ba đai luôn! Đừng có Cúm Tàu, phải ở nhà nguyên mấy tháng hè, thì chắc chắn nó đã lên đai đỏ một gạch rồi. Còn hai nấc nữa là nó lên đai đen! Nó cũng rất thích bơi lội. Bơi thì nó nhanh như con rái! Nó nhận được nhiều cúp trong các kỳ thi. Nó có thể ngâm mình trong hồ tắm sau nhà, từ 5 giờ chiều đến 9 giờ đêm vẫn không thấy lạnh! Ai cũng vô nhà, nó vẫn ngâm. Cả nhà nói nó là con cá!
Đặc biệt nó rất giỏi toán. Ông nó học ban B, ban Toán, và phải công nhận: Nó giỏi hơn ông nó nhiều. Vừa xong Tiểu Học, cô giáo đã đề nghị cho nó lấy cái test để vào học lớp toán đặc biệt (advance math). Nếu nó vượt qua test, thì nó sẽ được nhận vào lớp toán Accelerated Cours 2: khi lên lớp Sáu, nó sẽ học chương trình toán của lớp Bảy và lớp Tám; khi vô lớp 7, nó sẽ học toán của lớp 9 (Algebra=Đại Số); và lên lớp Tám sẽ học toán lớp Mười (Geometry=Hình Học)! Nếu nó đủ khả năng hoàn tất chương trình toán này, thì 4 năm còn lại ở Highschool, nó chỉ còn Trigonometry (Lượng Giác) và Calculus (Tích Phân) mà thôi. Năm lớp 11 và 12, nó không cần học toán, hoặc là lấy trước những lớp toán của bậc Đại Học.
Mấy tháng hè, mỗi ngày ông và thằng “cháu cứng” dậy sớm để ông kèm toán cho. Cả nhà đều nướng tới vàng, tới khét nghẹt, ông và cháu vẫn ngồi bên nhau vài tiếng buổi sáng để học thêm.
Học toán phải tạo điều kiện thuận lợi mới có hiệu quả. Ông luôn nhắc đi nhắc lại với cháu: “The time you spent is not impotant but the way you study”. Một vài kinh nghiệm ông truyền cho cháu:
– Học toán sau khi ăn no bụng, máu dồn hết vô bao tử, óc thiếu oxy, buồn ngủ gần chết, học sao vô?
– Đêm thức khuya đến gà gáy, sáng mở mắt không nổi, chỉ có ngủ tiếp chớ học cái nỗi gì?
– Học mà đầu chứa đủ mọi thứ hầm bà lằng xắng cấu, buồn lo, giận hờn, nghĩ đến cái game chơi dở dang,… thì còn chỗ nào cho định nghĩa, định lý, cộng trừ nhân chia?
– Khi buồn ngủ, hãy chạy vào nhà tắm, kê đầu vô vòi nước, xả nước lạnh chừng một phút cho tỉnh táo rồi hãy ra học.
– Đang học mà thấy cái đầu nó đầy, thì ngừng, đi chơi, chừng nào thấy đầu trống mới trở lại học, bởi vì khi cái đầu đầy nhóc, thì nhét thứ gì vào cho được.
– Không học thuộc lòng định nghĩa, định lý, mà nhứt định phải hiểu tường tận. Thuộc rồi sẽ quên. Chỉ khi hiểu mới nhớ, nhớ tới chết cũng không quên. Hồi nhỏ ông nó được dạy kiểu thuộc lòng nhiều lắm, và đó là cách dạy dở!
Dạy con nít cần phải kiên nhẫn. Một vấn đề dù ông phải lập đi lập lại cả chục lần, ông vẫn kiên nhẫn giải thích cho tới khi nó hiểu mà không bao giờ tỏ ra khó chịu, nóng nảy, la hét.
Điều tối kỵ của giáo dục Mỹ: Không bao giờ được chê con nít. Nó phản giáo dục. Ngược lại phải tìm những điểm mạnh để khen, để khuyến khích. Thằng “cháu cứng” của ông tính nhẩm giỏi một cây! Ông bấm máy có khi còn chậm hơn nó tính trong đầu! Đó là điểm son mà ông luôn khen và tỏ ra thán phục nó. Tuy nhiên ông luôn nhắc nó phải biết cách tính “cổ điển”, bởi vì khi con số quá lớn, vượt qua khả năng tính nhẩm (mental math), mà không nhớ cách tính cổ điển, thì vẫn ăn trứng vịt như thường.
Ông nó luôn lập đi lập lại cái câu: “The time you spent is not important, Đình, but the way you study”. Ông ngồi kể cháu nghe cách ông học ngày xưa: Chăm chú nghe giảng bài. Một lần nghe giảng bằng ba lần tự đọc sách. Nhớ cho kỹ lời thày giảng và cẩn thận ghi note chỗ nào thầy nhấn mạnh, vì đề thi thế nào cũng ngay chỗ đó. Chỗ nào không quan trọng, thày sẽ lướt qua. Thày giảng kỹ, nghĩa là nó quan trọng. Người khôn lanh phải biết phần nào nên chú tâm vào nhiều nhứt. Kẻ “học tủ”, càng phải biết chỗ nào cần “học tủ”, thì nhứt định sẽ “trúng tủ”.
Bốn năm ĐH thời CS, tôi mất hứng, mất định hướng! Thú thật tôi chỉ học trong lớp bằng cách “học tủ”. Sau giờ học, về nhà lo kiếm sống, gần như không đụng đến bài vở. Trước kỳ thi cũng có bỏ giờ ôn bài, nhưng chủ yếu là những cái notes mình đã ghi, và tôi luôn luôn “trúng tủ”, cho nên không rớt bất cứ môn nào. Tôi học rất ít, nhưng hiệu quả không bao giờ thua cho mấy đứa bạn thức khuya dậy sớm, học tới tối tăm mặt mũi mà thi vẫn “đội sổ”!
Cách đây ba hôm, ông đích thân đưa thằng “cháu cứng” tới trường dự thi. Ông dặn đi dặn lại hai điều trước khi thả cháu xuống: Thứ nhứt, nếu gặp câu hỏi khó, con đừng ngồi đó để giải cho bằng đựợc, mà để đó, lo làm câu kế tiếp, rồi còn dư giờ mới quay trở lại. Thứ hai, khi làm xong sớm, chớ có nạp bài rồi bỏ đi ra với cái gương mặt kênh kiệu, cho bạn bè biết ta đây giỏi, làm nháy mắt là xong. Con hãy ngồi coi lại từng câu coi có sai sót gì không. Toán chỉ sai một con số, đáp số cũng ra trật lất. Toán chỉ có đúng hoặc sai chớ hỏng có chuyện gần đúng, hay chỉ sai chút xíu! “Sai con tán bán con trâu” người Việt vẫn nói vậy.
Ông quay lại rước nó sớm hơn giờ được thông báo chừng 15 phút, thì đã thấy nó đứng chờ sẵn rồi! Hơi lo! Ra sớm thì hoặc là bí làm không được, hoặc là không chịu nghe lời ông dặn để ngồi nán lại rà bài một lần chót! Lý do nào cũng không tốt. Trên xe ông hồi hộp hỏi coi cháu thi cử ra sao. Nó cho biết có 40 câu hỏi với thời gian 60 phút. “Way easier than the test you gave me yesterday, Ông!” (nôm na kiểu VN là dễ như ăn cháo nguội!).
Tối mẹ nó đi làm về hỏi, nó trả lời mẹ nó kiểu khác: “I’m sure to get A plus plus mom!” (Nói nôm na kiểu VN là sẽ đậu tối ưu cho mẹ coi). Phách ghê chưa! Nó trả lời một cách rất tự tin, làm cho ông và mẹ nó cũng yên tâm!
Tôi nổi hứng lên muốn viết bài nầy, chẳng phải để khoe làng khoe xóm gì hết, chẳng qua vì “hơi bị vui”: Sáng nay nhà trường báo cho con gái biết là thằng “cháu cứng” của ông đã pass cái test. The hard working was finally paid off!
Ngoài ra, tình thương ông-cháu, cách dạy con nít, kinh nghiệm học tập, cũng là một chút tâm tình tôi muốn gởi gấm cho những bậc làm cha, làm ông. Chẳng có gì là quan trọng hay bài bản cả. Chỉ là đời thường, rất thường của một đời người.
Tôi có bảy cháu ngoại và một cháu nội sắp chào đời. Hàng đêm tôi đều cầu nguyện cùng một câu. Không phải xin Chúa cho chúng trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, Tổng Thống,… mà chỉ xin một điều: “Chúa đã quyết định mang chúng đến thế gian này, thì xin cho chúng trở nên người hữu dụng cho Giáo Hội và cho xã hội. Amen.”
Peter Trần