THE LOTUS AND THE STORM / HOA SEN VÀ BÃO TỐ (Mặc Lâm/RFA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhà văn Lan Cao, tốt nghiệp Yale Law School tác giả hai cuốn Monkey Bridge (Cầu Khỉ) xuất bản năm 1997 và cuốn thứ hai “The Lotus and The Storm” (Hoa Sen và Bão Tố) năm 2014

Hoa Sen và Bão tố 
Mặc Lâm, biên tập viên RFA 
Văn học lưu vong thế giới vừa tiếp nhận thêm một tác phẩm viết bởi một cô bé lưu lạc sang Mỹ năm 13 tuổi để rồi sau một chặng đường dài va đập với văn hóa Hoa Kỳ đã rất thành công trên con đường sự nghiệp và hơn thế, được giới văn chương Mỹ biết đến như một dấu ấn văn học di dân qua hai tác thẩm đều do một nhà xuất bản uy tín của Mỹ ấn hành.
Cuốn thứ nhất, Monkey Bridge (Cầu Khỉ) xuất bản năm 1997 và cuốn thứ hai “The Lotus and The Storm” (Hoa Sen và Bão Tố) vừa in ra vài tuần trước đây.
Tác giả Lan Cao tên thật Cao Thị Phương Lan, con gái của cố đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Là một nhà văn nhưng Lan Cao lại theo đuổi và thành đạt với ngành luật. Tốt nghiệp Yale Law School, sau một thời gian hành nghề luật tại New York bà chuyển qua dạy học và hiện nay là giáo sư môn luật kinh tế quốc tế tại Chapman University.
Trao đổi với chúng tôi về tác phẩm “Hoa sen và Bão tố” bà cho biết một số chi tiết lý thú khi sáng tác cũng như những gắn bó giữa người cha nổi tiếng trong quân đội và tác phẩm như thế nào. Mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện sau đây:
Mặc Lâm: Thưa bà, ký ức của bà về Việt Nam là một mảnh vỡ của sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Trong đó thời thiếu nữ cùng với hạnh phúc của một cô gái, bà được may mắn sống trong một gia đình nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hòa có người cha là Đại tướng. Cảm giác về số phận và sự lìa bỏ Tổ quốc của bà ra sao để hình thành tác phẩm này, thưa bà?
Nhà văn Lan Cao: Lan nghĩ từ ngày mình qua đất Mỹ tới giờ, khi Lan qua là 13 tuổi thì phải vô xã hội Mỹ liền để vô trung học rồi đại học. Cha mẹ của Lan cũng như tất cả những cha mẹ người Việt khác, hay là những người tị nạn, bao giờ cũng muốn cho con mình thành công ở nước mới. Khi vào trung học và nhất là vào đại học của Mỹ thì mình bắt đầu thấy ngộ quá vì những người ở đại học họ nhìn sự sụp đổ của Việt Nam với con mắt rất khác với những cuộc đời thật của người Việt Nam.
Khi Lan ở đại học thì thấy người Mỹ mà mình quen rất tốt nhưng không biết vì lý do nào – có thể là do báo Mỹ, sách Mỹ hoặc là TV của Mỹ – những gì họ biết về sự sụp đổ của Việt Nam thì họ chỉ học và nghe qua con mắt của người Mỹ thôi. Thành ra Lan rất “shock”. Trong 13 năm mình ở Việt Nam thì kinh nghiệm của mình nó rất khác với những gì mình nghe người Mỹ nói về mình khi mình vô thế giới của họ.
Ví dụ như cha mẹ hay là người thế hệ lớn, họ không vào cộng đồng của Mỹ nhiều như là thế hệ của Lan hồi 75, họ chỉ ở trong cộng đồng Việt Nam. Chiến tranh của Việt Nam, họ không thấy gì khác hết vì họ chỉ ở trong cộng đồng thôi. Còn như Lan lúc đó còn nhỏ, vào với thế giới của Mỹ thì mình thấy rất khác. Họ nghĩ về nước Việt Nam khác với những gì mình nghĩ.
Họ nghĩ về sự sụp đổ của Việt Nam rất khác. Họ không biết nhiều những chuyện rất là phức tạp thành ra khi mình thấy như vầy: từ lúc Lan 13 tuổi cho đến bây giờ, nhất là khi học đại học,Lan đọc những cuốn sách Mỹ viết về Việt Nam, kể cả những tác giả Mỹ chống chiến tranh Lan cũng đọc rất nhiều để cho mình hiểu tại sao họ có những ý kiến như vậy.
Khi mình đọc, mình thấy rõ ràng là họ diễn dịch chiến tranh theo một ý nghĩ khác. Do vậy Lan muốn viết về chiến tranh bằng tiếng Anh để cho người Mỹ họ hiểu một bên khác, một ý nghĩ khác. Điều đó quan trọng cho cộng đồng của mình, Lan nghĩ như vậy.
Mặc Lâm: Thưa bà, nhân vật cô Mai trong Hoa Sen Và Bão Tố là một nhân vật nữ, có vẻ như không bị chiến tranh ám ảnh. Thật ra nó là một phiên bản của tác giả Lan Cao. Làm sao bà tách ra được giữa quá khứ khỏi sự ám ảnh trong nhân vật Mai để tạo ra nhân vật này có cuộc sống bình thường trong xã hội Mỹ mà không bì ám ảnh gì cả, thưa bà?
Nhà văn Lan Cao: Cô Mai là một trong hai nhân vật chính ở trong cuốn sách đó. Cô bé Mai trong những trang đầu là ngay trước năm 1963. Chiến tranh và đảo chánh đã vào thế giới cô bé đó nhưng chưa vào cuộc đời cô bé đó nhiều. Khi cuốn sách từ từ tiến tới, rồi khi qua Mỹ thì mình mới thấy là cô bé đó có bị ám ảnh bởi chiến tranh. Từ đó, mình sẽ thấy cũng như “Trauma” mà Mỹ họ kêu là “PTSD, Post Traumatic Stress Disorder” nó sẽ xảy ra. Cô bé này sẽ bị những chuyện đó.
Một trong những mục đích của Lan muốn nói trong cuốn sách là chuyện của một người bình thường bị ám ảnh bởi chiến tranh tìm cách để sống một cách hòa bình trong cuộc đời. Người đó cuối cùng trở về Việt Nam để kiếm hình ảnh nhà của mình. Cuốn sách cũng tả về psychology của người đó.
Mặc Lâm: Trong những năm qua, gia đình sau khi sang Mỹ bà nhận thấy tâm lý của Đại tướng diễn biến ra sao và những diễn biến ấy ảnh hưởng như thế nào trong tác phẩm Cầu Khỉ cũng như là Hoa Sen Và Bão Tố, thưa bà?
Nhà văn Lan Cao: Anh biết đây là tiểu thuyết nên tất cả những gì trong đó đều là thật sự xảy ra. Mình chỉ dùng vài chuyện xảy ra trong đời thật của mình và mình bắt đầu viết thêm chứ không phải là memoire. Ba của Lan khi qua bên đây rồi có một thời gian tất nhiên cũng giống như những người khác – cũng rất buồn, chán nản, nhất là khi thấy đất nước mình không được tiến lắm.
Trong 10 năm sau 75, khi nói chuyện với ba Lan thì ông nói rất nhiều. Ông muốn cho Lan, thế hệ mới, nếu tồn tại bên nay thì đừng cho chiến tranh ảnh hưởng quá cũng như đừng cho sự mất nước của mình ảnh hưởng quá. Ông có dùng cái câu đại ý là phải đóng cái màn đó đi. Tuy là  mình  nhớ, dĩ nhiên là bao giờ mình cũng nhớ, nhưng mình cũng mở cái màn mình đóng lại một chút. Đâu có thể nào mà quên hết được. Thành ra cũng có lúc bị ảnh hưởng.
Ba của Lan rất thích cuốn sách “Rashomon”. Đó là chuyện của ông bà đi qua một cái rừng (trúc) và trong cái rừng đó bị bọn ăn cướp nó đánh. Chuyện đó viết theo ý nghĩ cá nhân của mỗi người. Người ăn cướp tự viết. Ông chồng bị ăn cướp cũng viết. Bà vợ cũng viết. Một chuyện mà ba người viết riêng với nhau.
Ba của Lan có nói với Lan là viết về lịch sử chiến tranh cũng như chuyện Rashomon vậy. Thành ra khi mình thấy một bài, ví dụ như tết Mậu Thân, hãy compare (so sánh) như là ăn cướp nó tới thì tết Mậu Thân cũng như chuyện Rashomon đó được ba người viết. Ba người sẽ viết khác nhau. Thành ra khi mình nhìn lịch sử thì có thể mình nói nó có phải là chuyện thực tế không và nó có diễn dịch dưới ý nghĩa của mỗi cá nhân khác nhau không? Ba Lan có nói lịch sử Việt Nam của mình hiện giờ như là Rashomon, nó chỉ mang khía cạnh của người Mỹ viết thôi chứ khía cạnh khác thì sẽ hoàn toàn khác.
Thành ra Lan nghĩ chuyện Rashomon có điều đúng trong đó. Nếu mình muốn hiểu thì mình kể cái chuyện đó theo khía cạnh của mình.
Mặc Lâm: Thưa bà, trong toàn bộ tác phẩm Hoa Sen và Bão Tốbàng bạc những sự kiện có vẻ trách móc cách Hoa Kỳ đã đối xử với Việt Nam Cộng Hòa. Những kinh nghiệm này có phải bà nhận được từ cha với chức vụ và thẩm quyền cao nhất của miền Nam hay là qua sự nghiên cứu riêng tư cũng như đọc những tài liệu sau này mà bà có ý nghĩ như vậy?
Nhà văn Lan Cao: Lan nghĩ là cả hai. Khi Lan nói chuyện trong gia đình (cha mẹ, cậu, chú … cho quyền những đứa bé có ý kiến riêng) trong những bữa cơm chiều hay khi gia đình cùng nói chuyện này nọ thì Lan nghe thấy được từ nhỏ đến lớn. Lan thấy những gì người lớn nói thì cũng đúng. Mình phải hiểu như thế này: đất nước nào cũng muốn có lợi cho mình. Khi Mỹ qua Việt Nam vì nó thấy có lợi cho nó lúc ban đầu. Nước Mỹ cũng chẳng khác gì với những nước khác. Khi nó vào thì nó thấy có lợi cho nó và khi nó đi thì cũng thấy có lợi cho nó. Nếu mà nói thẳng ra như vậy thì “O.K” vì nó là chuyện thật. Cuộc đời nó như thế đó.
Tuy nhiên, cái mình không thích là một phần của nước Mỹ (chứ không phải là tất cả nước Mỹ). Người Mỹ, lính Mỹ có thể họ nói rất khác với chính phủ Mỹ, mình nói cũng phải công bằng là khi họ ra đi họ đã giấu vì khi họ đi thì họ không cần gì nữa ở Việt Nam. Nếu mà họ nói thẳng ra thì đó là chuyện thật nhưng mà nó nói là chuyện khác như là mình không đáng để nó giúp nữa, mình không giỏi, mình không biết đánh. Đó là không công bằng. Do vậy khi Lan nói một phần của nước Mỹ đối xử với Việt Nam không đúng là Lan muốn nói đến điều này chứ không phải là Lan nói là nước Mỹ phải ở Việt Nam suốt đời, hay nước Mỹ không thể rời Việt Nam được, hay nước Mỹ không có quyền theo quyền lợi của nước Mỹ nữa.
Dĩ nhiên là nước nào cũng như vậy. Tuy nhiên, cách nó đi và cách nó nói tại sao nó đi lại không đúng. Điều đó gia đình của Lan cũng suy nghĩ như vậy. Cũng không phải vì cha mẹ, gia đình nói như vậy mà Lan phải theo. Lan cũng nghiên cứu riêng. Hồi xưa tới giờ gia đình bao giờ cũng muốn cho con cháu có đầu óc riêng chứ không phải cha mẹ nói gì thì phải theo y nguyên như vậy. Khi mà Lan học đại học, Lan nghiên cứu điều này rất nhiều. Như Lan nói với anh đó, Lan đọc sách của người Mỹ, nhất là của những người chống chiến tranh, của lính Mỹ. Mình đọc và tự nghiên cứu một mình. Lan thấy điều đó như vậy đó.
Mặc Lâm: Vì thời gian của chúng ta có hạn nên xin phép được hỏi bà câu cuối: Xin bà cho biết về kỹ thuật viết, bà thấy chuyển tải một ý tưởng – căn bản là tiếng Việt- qua ngôn ngữ thứ hai thì điều gì khó khăn nhất mặc dù bà là giáo sư giảng dạy tại một trường đại học lớn của Mỹ, thưa bà?
Nhà Lan Cao: Khi Lan qua Mỹ thì 13 tuổi, cha mẹ Lan nói là cách tiến tới trong nước Mỹ là phải học, phải học giỏi. Thành ra từ lớp 9, 10, 11, 12 mình ráng lắm. Phải học tiếng Mỹ cho giỏi cho có điểm tốt. Tiếng Anh của Lan từ đó đến giờ tiến tới lẹ hơn là tiếng Việt. Tiếng Việt của Lan cũng hơi…có nghĩa là mình ráng nói để mọi người hiểu thôi chứ có nhiều từ Lan không biết. Do vậy viết bằng tiếng Anh rất dễ dàng cho Lan. Viết tiếng Việt thì hơi khó hơn. Lan hy vọng là tiếng Việt sẽ được được. Do vậy viết bằng tiếng Anh không có khó khăn gì hết.
Mặc Lâm: Vâng. xin một lần nữa cảm ơn tác giả Lan Cao đã dành cho thính giả của đài Á châu Tự do một buổi phỏng vấn rất lý thú, mở ra nhiều điều trong tác phẩm bà sắp ra mắt. Đó là tác phẩm Hoa Sen Và Bão Tố.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/lotus-n-storm-08302014055604.html 

 

*
*   * 

Con gái Đại tướng Cao Văn Viên nói về cuộc chiến Việt Nam

“Cần phải nói về cuộc chiến theo cái nhìn của người Việt!”

Hà Giang/Người Việt
LTS: Tác giả Lan Cao là một trong số những người Mỹ gốc Việt viết sách tiếng Anh hiếm hoi được những nhà xuất bản có tiếng của Hoa Kỳ chọn in. Bà tên thật là Cao Thị Phương Lan, ái nữ của cố đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả Lan Cao vừa được Viking Penguin phát hành cuốn sách thứ hai, có tên ‘The Lotus and the Storm’ (Hoa Sen và Bão Tố) sau khi xuất bản cuốn ‘Monkey Bridge’ (Cầu Khỉ) rất thành công vào năm 1997. Tuy là một nhà văn, Lan Cao lại theo đuổi ngành luật. Tốt nghiệp Yale Law School, và sau một thời gian hành nghề luật tại New York, bà chuyển qua dạy học và hiện nay là giáo sư giảng dạy môn luật kinh tế quốc tế tại Chapman University. Trong một lần đến thăm nhật báo Người Việt, tác giả Lan Cao dành cho ký giả Hà Giang một cuộc phỏng vấn về tác phẩm “The Lotus and the Storm,” trong đó đề cập đến chiến tranh Việt Nam.
***
Hà Giang (NV): Là một nhà văn với những tác phẩm được một nhà xuất bản có tiếng của Hoa Kỳ phát hành, một điều không dễ đạt được, nhưng bà lại theo ngành luật. Vậy trong hai con người, nhà văn và giáo sư đại học, đâu là con người thật hơn của tác giả Lan Cao?
Lan Cao: Hai phía, luật pháp và viết văn, đều quan trọng với cuộc sống và tâm hồn của tôi. Đến từ một nước có nhiều chiến tranh, tôi nghĩ đi ngành luật rất là quan trọng, vì luật pháp cho chúng ta giải quyết những xung đột với nhau, có một chỗ, trước tòa, để hai bên có thể nói với nhau một cách hòa bình.

Với việc dạy luật tôi cũng rất thích là bởi vì khi mình vào một lớp dạy luật, mình dậy xong là xong, và mình biết ngay là mình có thành công với học sinh của mình không, có làm cho học sinh hiểu được mình muốn giảng dạy không.

Trái lại, viết sách là một việc rất cô đơn, mình làm một mình mình. Những chuyện mình viết là mình không muốn suy nghĩ trong cái bận rộn trong công việc hàng ngày. Những chuyện tôi muốn viết toàn là những chuyện chiến tranh, mình muốn đối diện với những chuyện màu đen trong tâm hồn của mình, thì mình mới vào thế giới viết sách.
Có thể nói luật pháp với tôi là trên bờ, là mặt nước, còn viết là sự luân lưu của dòng nước, những gì mình suy nghĩ, mình băn khoăn mình muốn viết ra để cho mình hiểu hơn, thì mình viết.
Cuốn sách The Lotus and the Storm (Hoa Sen và Bão Tố) này, tôi phải viết mười năm mới xong, mà trong thời gian viết mình rất bận rộn, cực nhọc, đâu có vui gì, nhưng vẫn phải viết.
NV: Tác phẩm đầu tay của bà, cuốn Monkey Bridge (Cầu Khỉ) sau khi ra đời đã thành công ngay, được nhiều người khen ngợi. Nhưng tại sao phải 17 năm sau, mới có lý do gì, động cơ gì khiến bà viết thêm một cuốn sách nữa?
Lan Cao: Khi viết cuốn ‘Monkey Bridge’ thì tôi đang dạy ở New York, xong rồi chuyển qua dạy ở trường đại học khác ở Virginia. Lúc đó tôi chưa được làm giáo sư dạy toàn thời gian ở trường, nên rất bận rộn tập trung cho việc đạt được “tenure.” Rồi sau đó có con, phải bận rộn với trách nhiệm gia đình, nên tôi không có thì giờ để viết gì nữa.
Năm 2005, chiến tranh Iraq bắt đầu căng thẳng, lúc đó mọi đài truyền hình, mọi tờ báo ở Mỹ đều nói “lại thêm một chiến tranh Việt Nam,” rồi cho là không khéo Mỹ lại sa lầy ở Iraq như đã mắc kẹt ở Việt Nam, và chê người Iraq cũng như từng chê Việt Nam là bê bối, không biết làm gì hết, quân đội Mỹ kéo vào rồi làm thế nào đây.
Việc Mỹ có nên vào cuộc trong chiến tranh Việt Nam không, không phải là điều tôi muốn nói trong cuốn sách, nhưng nếu đã vào rồi, thì phải có một trách nhiệm với nước đó, với dân tộc đó. Chứ không phải là khi nghĩ họ không cần dính líu gì tới mình nữa, thì bỏ đi, muốn vào thì vào, muốn đi thì đi.
Tôi nghĩ là một cường quốc không nên làm như vậy. Cũng như là nhiều người Iraq họ hợp tác với Mỹ, gia đình họ, cuộc sống họ, đất nước họ tin cậy và tùy thuộc vào sự hợp tác đó, họ đâu có thể phủi tay bỏ mặc, vì khó khăn quá. Những hình ảnh đó trên truyền hình nó làm cho tôi suy nghĩ và nhớ lại những gì xẩy ra cho đất nước Việt Nam mình trước 1975, và tủi thân, rồi tự nhiên những xúc động đó thúc đẩy mình, làm cho mình muốn viết.
NV: Có vẻ như theo lời tác giả, thì cuốn The Lotus and the Storm của bà giống như một lời trách Hoa Kỳ trong việc dính vào chiến tranh Việt Nam, làm cho cuộc chiến leo thang, rồi bỏ đi mà không làm hết bổn phận với người đồng minh đã gắn bó với mình?
Lan Cao: Vâng, đúng như vậy. Nếu mình nói về lịch sử thì ai cũng hiểu là không một nước nào có thể dính líu tới nước nào mãi mãi, và một lúc nào đó, cũng phải ra đi, nhưng mà cái cách ra đi cũng là quan trọng.
Thí dụ như hiện giờ Hoa Kỳ vẫn còn giúp Nam Hàn, vẫn có lính ở những nước khác. Sau năm 1973, Hoa Kỳ muốn ra đi, họ vẫn có thể ra đi và vẫn có thể ủng hộ mình được, như họ đã cam kết trong hiệp định Paris năm 1973.
Nhưng họ đã không làm như vậy, thành ra nước của mình mới bị sụp đổ khi mà chiến tranh đã leo thang mà không có đạn dược, không có gì hết. Và sau khi bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa (NVCH) như vậy họ, những cây bút phải tìm cách giải thích tại sao bằng cách viết sách, viết lịch sử.
Lịch sử nó cũng như là truyện là tiểu thuyết, và trong trường hợp chiến tranh Việt Nam, những người Mỹ viết truyện chỉ là để chứng tỏ là hành động của Mỹ là đúng, còn VNCH là sai, là không đáng được họ giúp nữa, cho nên miền Nam Việt Nam mới bị sụp đổ lẹ như vậy. Từ xưa đến giờ đa số sách về chiến tranh Việt Nam là chỉ do họ (tác giả Mỹ) viết thôi, còn người mình thì ít ai viết, cho nên tôi muốn viết sách để thay đổi điều đó một chút.
NV: Tác giả Lan Cao có thể tóm tắt sơ lược nội dung của cuốn ‘The Lotus and the Storm’ và nói về những nhân vật chính trong cuốn sách này không?
Lan Cao: Cuốn sách này có hai nhân vật chính, một người đàn ông tên Minh, hồi xưa là lính nhẩy dù trong quân lực VNCH, và con gái của ông tên Mai, họ ở tiểu bang Virginia. Nhân vật người lính dĩ nhiên kể rất nhiều về đời lính của họ. Trong sách tôi nói đến tất cả những biến cố lớn trong lịch sử Việt Nam, chẳng hạn năm 1963, năm mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, rồi năm 1965, lúc có nhiều lính Mỹ đến Việt Nam, rồi Tết Mậu Thân năm 1968, rồi 1973 với hiệp định Paris, rồi 1975 mất nước, và 1978 với những người vượt biên…
Tất cả những biến cố rất quan trọng này đối với cộng đồng Việt Nam chúng ta, tôi viết với quan điểm của một người lính VNCH, vì hồi xưa đến giờ điều này chưa có trong những nhà xuất bản của Mỹ. Những ngày đó từ trước đến giờ toàn là do những người viết lịch sử của Mỹ viết từ quan điểm của người (lính) Mỹ.
Còn chuyện của cô bé Mai, là tôi viết về những lịch sử riêng của Việt Nam, không dính gì về chiến tranh Việt Nam từ năm 1945 đến 1975. Qua nhân vật Mai tôi viết về thức ăn Việt Nam, văn hóa Việt Nam, nhạc Việt Nam, một đời sống bình thường của một người dân. Nói tóm lại, cuốn ‘The Lotus and the Storm,’ có hai câu chuyện, một câu chuyện chiến tranh và một câu chuyện của một người dân bình thường, giống như một người dân của một nước bình nào khác.
NV: Như vậy có phải nhân vật Mai chính là tác giả Lan Cao, và nhân vật Minh, người lính quân lực VNCH, là hình ảnh của thân phụ bà, cố đại tướng Cao Văn Viên không?
Lan Cao: Vâng, có chút chút ạ. Phần đông tác giả khi họ viết sách thì bao giờ cũng có một chút về cuộc đời của họ, nếu không là của họ, thì cũng là của người thân. Đúng rồi, chuyện của nhân vật Mai thì hơi dính vào cuộc đời của tôi, và chuyện của người lính thì có một chút, và dựa vào cuộc đời của ba tôi.
NV: Ngoài việc kể lại những đau thương do chiến tranh gây ra, mục đích chính của bà khi viết ‘The Lotus and the Storm’ về chiến tranh Việt Nam là gì, và làm sao để bà đo lường sự thành công của cuốn sách?
Lan Cao: Tôi muốn cho người Mỹ họ hiểu là những truyện, những sách họ viết không phải là những điều duy nhất, những quan điểm duy nhất mà thế giới được biết về Việt Nam và cuộc chiến Việt Nam, mà người Việt Nam có một cái nhìn khác.
Những tác giả Mỹ khi họ muốn viết về chiến tranh Việt Nam, họ chỉ phỏng vấn những người lính của họ, rồi họ đi về Việt Nam họ phỏng vấn người lính của Hà Nội, họ không hỏi gì, không để ý gì đến cộng đồng cả triệu người Việt Nam ngay ở nước Mỹ đây.
Mục đích của tôi là để cho thấy người Việt Nam là một dân tộc có danh dự, và mình là một cộng đồng đã đóng góp rất nhiều cho nước Mỹ. Để cho họ thấy là những người đã di cư qua nước này, tuy là đã thành người Mỹ, nhưng mà vẫn có riêng một lịch sử vinh dự ở đây. Người Việt mình phải có tiếng nói của chính mình ở xã hội này, mình không thể chỉ để người ta nói về mình, mà chính mình phải nói ra. 
NV: Sách vừa được phát hành vào ngày 14 tháng Tám, dự tính của bà để giới thiệu tác phẩm ‘The Lotus and the Storm’ đến cộng đồng người Việt như thế nào, thưa bà?
Lan Cao: Cuốn Monkey Bridge (Cầu Khỉ) đã được cộng đồng người Việt rất ủng hộ. Những nhà xuất bản Mỹ họ kỳ vọng là khi xuất bản một cuốn sách về Việt Nam, nhất là do một người Việt viết, thì chắc chắn là có nhiều người Việt Nam muốn đọc, vì rất đông người Việt mình ở đây. Còn nếu người Việt mình không ai mua sách hết thì họ sẽ nghĩ là kỳ sau không xuất bản sách của người Việt viết nữa, vì cộng đồng của mình không ủng hộ. Hy vọng cuốn sách này cũng được cộng đồng mình ủng hộ, nhất là so với cuốn Monkey Bridge, cuốn này tập trung vào chiến tranh Việt Nam, vì nhân vật chính là một người lính VNCH, tả về chiến tranh Việt Nam qua cái nhìn của họ.
NV: Nhà xuất bản Viking Penguin có tổ chức những buổi đọc sách để giới thiệu tác phẩm ‘The Lotus and the Storm’ đến độc giả ở quanh đây, bà có thể nói về những buổi giới thiệu sách này không?
Lan Cao: Vâng tôi rất may mắn được nhà xuất bản ủng hộ, nên họ tổ chức nhiều buổi ra mắt sách khắp nơi. Tại những buổi này, tôi sẽ đọc một số chương, ký tên lên sách, và trả lời câu hỏi của độc giả. Riêng ở những vùng gần Little Saigon, thì có ba buổi giới thiệu sách:
* Thứ Năm này, ngày 21 tháng Tám, lúc 7PM, tại Pages Bookstore, ở 904 Manhattan Avenue, Manhattan Beach.
* Chủ Nhật ngày 24 tháng Tám, lúc 3PM, tại Barnes & Noble, ở 7881 Edinger, Huntington Beach (trong Bella Terra Shopping Center)
* Thứ Ba ngày 2 tháng Chín, lúc 7:30PM, tại Skylight Book, ở 1818 North Vermont Avenue, Los Angeles.
Đặc biệt buổi ra mắt tại Huntington Beach vào Chủ Nhật, 24 tháng Tám này, có sự hỗ trợ của tổ chức VAALA.

NV: Cảm ơn tác giả Lan Cao đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn, và chúc những buổi ra mắt sách được nhiều độc giả người Việt tham dự.

*
*  *
‘Hoa sen và Bão tố’: Góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam
Trà Mi-VOA