Nghi vấn Putin bị Parkinson hay ung thư
Cùng với việc khởi động cuộc xâm lăng Ukraina, ông chủ điện Kremlin sắp 70 tuổi vào tháng 10 tới đang tập trung mọi chú ý, và những lời đồn đãi càng nhiều thêm. Bởi vì có những hình ảnh đáng ngại cho thấy cựu sĩ quan KGB nắm chặt lấy một góc bàn, thân người dường như run rẩy ngoài ý muốn. Không có lời giải thích nào, khiến các nhà quan sát tự hỏi, phải chăng ông ta bị bệnh Parkinson ? Hay là ung thư ?
Phát ngôn viên Dimitri Peskov nhiều lần nói rằng Putin không có vấn đề gì về sức khỏe, và ngoại trưởng trung thành Serguei Lavrov cũng vậy. Nhưng những lần xuất hiện của tổng thống với khuôn mặt sưng phù và trắng bệch của ông – có thể là do hiệu ứng thuốc, và vẻ căng cứng – như đang chịu đau, ngày làm giả thiết Putin đang lâm bệnh trở nên đáng tin cậy. Chẳng hạn tổng thống Nga trong lễ duyệt binh 9 tháng Năm đã đắp một chiếc mền mỏng trên đùi, khác hẳn các cựu chiến binh ngồi xung quanh.
Nhưng nhất là những tuyên bố mới đây của các nguồn tin thông thạo đã củng cố thêm những gì trước đó chỉ là phỏng đoán. Hôm 14/05, giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ukraina, tướng Kirill Budanov là một trong những người đầu tiên khẳng định Vladimir Putin là một người « bệnh nặng ». Mười ngày sau, ông xác nhận với nhật báo Ukraina Ukrainska Pravda : « Putin bị nhiều bệnh trầm trọng, trong đó có ung thư ». Và nói thêm : « Nhưng không nên hy vọng ngày mai ông ta sẽ chết. Putin còn cố được ít nhất vài năm nữa ».
Từ 5 đến 12 bác sĩ theo dõi
Phải chăng đây là tuyên truyền của Kiev ? Nhưng không chỉ từ phía Ukraina. Đạo diễn Mỹ Oliver Stone, đã nhiều lần phỏng vấn Vladimir Putin từ 2015 đến 2017 cho một bộ phim tài liệu mang tên « Đối thoại với ông Putin », hôm 17/05 trong một podcast cho biết tổng thống Nga bị ung thư. Đến ngày 20/05, cựu nhân viên tình báo Anh MI6, Christopher Steele khi trả lời đài phát thanh LBC khẳng định « Putin bệnh nặng lắm ». Cựu điệp viên nói rõ, các cuộc họp Hội đồng An ninh Nga, « trên nguyên tắc kéo dài một tiếng đồng hồ, đã phải chia làm nhiều đợt để tổng thống được chữa trị trong thời gian nghỉ giải lao ». Christopher Steele không tiết lộ nguồn tin, nhưng bảo đảm là hoàn toàn đáng tin cậy. Ông không biết bệnh tình của Vladimir Putin đang đến giai đoạn nào, nhưng « tác động rất lớn đến việc điều hành đất nước ».
Đặc biệt một cuộc điều tra nơi những người thân cận Vladimir Putin do chuyên san « Proekt » – hiện bị cấm tại Nga – tiến hành, vào đầu tháng Năm tiết lộ tổng thống Putin được một đội ngũ bác sĩ theo dõi thường trực. Chỉ riêng về số lượng cũng đã thấy không bình thường : trung bình 5 bác sĩ, đôi khi lên đến 12. Trong số đó có nhà phẫu thuật Yevgeny Selivanov, chuyên gia về ung thư tuyến giáp trạng. Trong bốn năm qua, Selivanov đã đến tư dinh của Putin ở Sochi 35 lần, và ở bên tổng thống 166 ngày. Theo cuộc điều tra, thì chỉ có hai bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng là Igor Esakov và Alexei Shcheglova theo sát Putin lâu hơn – Shcheglova ở cạnh tổng thống 282 ngày.
Hơn nữa từ sau cuộc duyệt binh 09/05, Vladimir Putin không tham gia một sự kiện công khai nào, trừ hôm 24/05 tiếp tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko, một thuộc hạ có thể sẵn sàng tham gia chiến dịch truyền thông nhằm trấn an công chúng. Một kênh Telegram tên « General SVR », được cho là của một cựu điệp viên Nga, khẳng định trong tháng Năm Vladimir Putin đã được phẫu thuật vì ung thư.
Putin sẽ rời chính trường vì bệnh tật, một nhân vật diều hâu lên thay ?
Báo chí đối lập Nga cũng nghi ngờ những hình ảnh do bộ phận truyền thông Kremlin phổ biến những ngày gần đây, là một loại « đồ hộp » – theo ngôn ngữ chuyên môn – để tỏ vẻ tổng thống hoạt động bình thường. Chẳng hạn trên trang web của điện Kremlin biên bản cuộc họp của tổng thống với thống đốc vùng Sverdlovsk đề ngày 20/05, nói rằng việc chuẩn bị cho đại hội thể thao sinh viên mùa hè 2023 tại Ekaterinburg đã hoàn thành đúng thời hạn. Thế nhưng đại hội này đã bị Liên đoàn quốc tế hủy bỏ từ hôm 29/04 vì cuộc xâm lăng Ukraina, tức là ba tuần lễ trước « cuộc họp » trên.
Tình trạng sức khỏe ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định của Vladimir Putin ? Steele cho rằng với bệnh Parkinson, « Putin không thể lãnh đạo chính trị ». Sự nhập nhằng, hỗn loạn đang ngự trị tại điện Kremlin. Cựu lãnh đạo tình báo Anh, Sir Richard Dearlove trong cuộc trao đổi với Business Insider còn thẳng thừng hơn. « Tôi nghĩ là ông ta sẽ ra đi năm 2023, rất có thể là vào một bệnh viện chuyên ngành, và như vậy sẽ không bao giờ quay lại với tư cách lãnh đạo nước Nga. » Người đứng đầu MI6 dự báo lên thay Putin có thể là Nikolai Patrouchev, hiện là thư ký Hội đồng An ninh Nga – cũng là một con diều hâu và cựu nhân viên KGB xuất thân từ Saint Petersburg, y như Vladimir Putin.
Vladimir Putin, bóng ma lạc loài của thế kỷ 20
Trong bài « Putin, con ma của thế kỷ 20 », Le Point cho rằng ông chủ điện Kremlin không sống cùng một thời kỳ với chúng ta, mà logic của ông được chốt lại vào thời kỳ Stalin thắng được Hitler. Trước năm 1989, « Quê hương của vô sản quốc tế » là trung tâm của phong trào cộng sản thế giới, phổ biến một ý thức hệ mạnh mẽ, thống trị đảng cộng sản các nước. Nước Nga ngày nay không còn thế mạnh này, mà trở thành một Nhà nước côn đồ. Ngược với Trung Quốc, Nga thậm chí chẳng thèm xây dựng một trật tự thế giới mới phù hợp với lợi ích của mình qua việc chống lại thế giới tự do, mà chỉ lăm lăm tìm cách chiếm đất, theo chủ trương đế quốc kiểu như thế kỷ 19 dù lãnh thổ Nga rộng lớn nhất thế giới.
Vladimir Putin trị vì từ thời tổng thống Pháp còn là Jacques Chirac và đồng nhiệm Mỹ là Bill Clinton cho đến tận bây giờ, không đưa ra được một mô hình nào có thể noi theo. Trong đối nội, ông chỉ biết vá víu giữa một nước Nga Sa hoàng và nước Nga xô-viết, còn về đối ngoại, trình ra một nước Nga bảo vệ các giá trị Ki-tô giáo, thành lũy chống Hồi giáo và xu hướng « woke ». Nhưng Putin chỉ dừng lại vào thời kỳ vinh quang nhất của « Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ». Ông ta quyết định xóa sổ Ukraina trên bản đồ châu Âu, như Hitler và Stalin đã từng thỏa thuận đặt dấu chấm hết cho số phận của Ba Lan.
Tất cả những ai bị Kremlin coi là kẻ thù đều bị dán nhãn « quốc xã », dù người đó gốc Do Thái, như tổng thống Volodymyr Zelensky. Putin tiến hành chiến tranh theo phương pháp có từ 75 năm qua : oanh kích bừa bãi vào các thành phố với ưu thế pháo binh, đào hào để bảo vệ những địa điểm đã chiếm được. Hậu cần, tiếp liệu, tình báo đều lỗi thời, đó là những điểm yếu được Ukraina – những người châu Âu của thời đại – khai thác. Putin là một con ma của thế kỷ 20 đã xuất hiện trễ tràng, ám ảnh thế kỷ 21 của chúng ta.
Erdogan và Putin, tổng thống mãn đời
Trang bìa của Le Point tuần này đăng ảnh hai tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, chạy tựa « Erdogan-Putin, những nhân vật quỷ quyệt ». Cũng ở ngôi từ 20 năm qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cùng lứa tuổi với Putin và cùng chống phương Tây, làm xáo trộn thăng bằng địa chính trị, từ Syria đến Ukraina. Cả hai đều có cách lãnh đạo tương tự : tập trung mọi quyền lực vào tay mình, bỏ tù đối lập, bóp nghẹt báo chí, khống chế tư pháp…Erdogan và Putin đều bất chấp Nhà nước pháp quyền, vây quanh là các tài phiệt, gian lận bầu cử, hiếu chiến…
Là những nhân vật cơ hội, cho dù có những lúc xung đột như vụ Thổ bắn hạ một oanh tạc cơ Nga hồi năm 2015, cả hai sau đó đều tìm được thỏa thuận. Từ khi sửa đổi Hiến Pháp năm 2020, Vladimir Putin có thể nắm quyền đến tận năm 2036 khi đã 86 tuổi, còn Erdogan cho sửa Hiến Pháp từ 2017, những người thân cận cho rằng ông có thể ngự trị tại Phủ tổng thống ở Ankara đến năm 2033.
Le Point cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây trở thành nơi trú ẩn của người Nga, từ những nhà tài phiệt thân Putin với những du thuyền lộng lẫy, cho đến những người đối lập với tổng thống Nga. Thị trường địa ốc bùng nổ, số nhà do công dân Nga mua tăng đến 96 %. Đầu tư vào nhà đất trên 250.000 đô la sẽ được cấp quốc tịch Thổ. Đang bị khủng hoảng kinh tế, Ankara rất cần ngoại hối, và chưa đầy 48 giờ sau khi phương Tây loan báo cấm vận, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được trên 3 tỷ đô la từ người Nga.
Putin và « tội ác chống Lịch sử »
Tác giả Nicolas Werth trên Le Point nhận định Vladimir Putin đã nhào nặn lịch sử một cách độc đoán, qua bài viết mang tựa đề « Putin phạm tội ác chống Lịch sử ». Điều 354.1 Luật Hình sự Nga đã hình sự hóa « mọi phát biểu vu khống, chê bai những chiến binh Đệ nhị Thế chiến » hoặc mọi so sánh Liên Xô với Đức quốc xã. Báo cáo của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) tháng 6/2021 tố cáo chính sách « ngày càng hung hăng, không chỉ bác bỏ những quan điểm khác, mà còn đặt vào vòng nguy hiểm tất cả những nhân tố liên quan đến lịch sử – sử gia, nhà quảng cáo, nhà báo, xã hội dân sự – không đồng ý với phiên bản chính thức ».
Đối với Nga, FIDH ghi nhận các « tội ác chống Lịch sử » như sau : ra luật đàn áp tự do ngôn luận về lịch sử, kiểm duyệt, không cho tham khảo kho lưu trữ, truy tố, trấn áp những nhân tố độc lập của xã hội dân sự, phá hủy các công trình kỷ niệm những vụ thảm sát hàng loạt thời Liên Xô cũ. Trong những sách giáo khoa mới, học sinh Nga sẽ không biết gì về những tội ác này, và trong những ấn bản sắp tới, Ukraina không còn được nhắc đến. Có nghĩa là quốc gia này bị xóa hẳn khỏi ký ức. Lịch sử từ nay được viết trực tiếp, đồng thời với việc tiến hành chiến tranh.
Liệu Nga có phải ra tòa vì xâm lăng Ukraina ?
Về mặt pháp lý, luật sư William Bourdon trong nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng Sáu đặt vấn đề « Luật nào chống xâm lăng vũ trang ? » Những kẻ gây ra cuộc chiến tranh ở Ukraina có phải ra tòa ?
Hiện nay có 123/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI), nhưng không có các cường quốc Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Israel và hầu hết các nước Ả Rập. Thẩm quyền của CPI chủ yếu dựa trên tiêu chí lãnh thổ nơi tội ác diễn ra, ít khi dựa vào quốc tịch của nghi can. Một sáng tạo là các nhà lãnh đạo đương nhiệm không được hưởng quyền đặc miễn, như trường hợp tổng thống Kenya năm 2014. Tuy nhiên bất công nằm ngay trong điều lệ của CPI, vì quyền hạn điều tra toàn cầu nằm trong tay Hội đồng Bảo an. Quyền phủ quyết của năm thành viên thường trực đã trói tay tổ chức tư pháp quốc tế này.
Nhiều tổ chức phi chính phủ và Nhà nước từ nhiều năm qua hy vọng sửa đổi Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cấm dùng quyền phủ quyết khi liên quan đến các điều tra của CPI, nhưng tất cả nỗ lực cho đến nay đều thất bại. Còn một khả năng khác : các Nhà nước đã phê chuẩn một số hiệp ước quốc tế (Công ước chống tra tấn chẳng hạn) có quyền xét xử một nghi can khi kẻ này đang ở trên lãnh thổ mình. Một số nhân vật như cựu thủ tướng Anh Gordon Brown đòi thành lập tòa án đặc biệt về Ukraina về tội xâm lăng. Có nghĩa là một Nhà nước tấn công vũ trang một Nhà nước khác mà không phải là tự vệ chính đáng, không có sự cho phép của Liên Hiệp Quốc, đủ để đưa Vladimir Putin và bộ sậu ra tòa. Lý lẽ này có thể chấp nhận được, nhưng tự đặt bên ngoài hệ thống Liên Hiệp Quốc sẽ ít trọng lượng hơn.
Tiếp tế đạn dược, yếu tố quan trọng cho cả Nga và Ukraina
Về cuộc chiến tranh ở Ukraina, L’Express quan tâm đến tình trạng thiếu đạn dược sau ba tháng chiến tranh. Do những trận đánh hết sức ác liệt, lượng đạn dự trữ của cả Nga Xô lẫn Ukraina đều giảm sụt rất nhanh.
Hỏa tiễn chống tăng Javelin nổi tiếng của Mỹ bắt đầu thiếu. Hồi tháng Ba, Kiev cho biết cần 500 hỏa tiễn/ngày, nhưng sản lượng hàng năm tối đa chỉ là 6.000 chiếc. Thượng nghị sĩ Dân Chủ Richard Blumenthal cuối tháng Tư cho biết kể từ đầu cuộc xâm lăng Hoa Kỳ đã giao 5.500 chiếc. Khó thể duy trì nhịp độ này, khi dự trữ của Mỹ cũng giảm. Các loại đạn thời Liên Xô cũ mà quân đội Ukraina sử dụng thì chỉ có Nga và Trung Quốc sản xuất. Phương Tây đành tăng tốc chuyển giao các loại vũ khí hạng nặng. Số 90 khẩu đại pháo M777 của Mỹ bắt đầu hiện diện trên chiến địa, cũng như Caesar của Pháp.
Về phía Nga, Washington hôm 02/05 ước lượng Matxcơva đã bắn đi ít nhất 2.125 hỏa tiễn, hình như sử dụng hết 70 % loại tầm xa. Nga không thể sản xuất tiếp vì cần các chi tiết của phương Tây. Hậu quả là phi cơ Nga phải sử dụng những loại bom không được điều khiển chính xác, khiến phi công phải bay thấp rất nguy hiểm.
L’Express tìm đến Bourges, nơi sản xuất ra các loại vũ khí Pháp như đại bác Caesar, hỏa tiễn. Tại thành phố này, cứ 10 người dân lại có 1 người làm việc cho kỹ nghệ quốc phòng. Thông thường, nhiều người có tâm lý không muốn nói mình làm việc trong ngành vũ khí, không ít công ty từ chối trở thành đối tác. Nhưng kể từ khi Ukraina bị xâm lăng, người ta ý thức được rằng sản xuất vũ khí để có được hòa bình. Đặc biệt những khẩu đại pháo Caesar gởi cho Kiev được sản xuất ngay tại địa điểm mà cách đây 170 năm hoàng đế Napoleon III cho xuất xưởng những khẩu đại bác Pháp trong chiến tranh Crimée thế kỷ 19.
Đe dọa dùng vũ khí nguyên tử, Putin tạo tiền lệ nguy hiểm
Hồ sơ của The Economist cảnh báo về « Một kỷ nguyên hạt nhân mới ». Với việc đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử, tổng thống Nga đã đảo lộn trật tự trong lĩnh vực này. Có hai hệ quả tai hại : Những quốc gia dễ tổn thương cảm thấy cách tốt nhất để tự vệ trước một kẻ xâm lăng có bom nguyên tử là sở hữu quả bom của riêng mình, còn những nước đã có vũ khí hạt nhân thì cho rằng sẽ chiến thắng nếu bắt chước cách làm của Putin.
Thật ra nguy cơ nguyên tử đã tăng lên trước chiến tranh Ukraina. Bắc Triều Tiên sở hữu vài chục đầu đạn, Iran đã có đủ uranium được làm giàu để chế tạo quả bom đầu tiên – theo Liên Hiệp Quốc tuần này. Pakistan nhanh chóng bổ sung kho vũ khí, Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân. Hiệp ước New Start hạn chế được hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa của Mỹ và Nga đến 2026, nhưng lại không liên quan đến những vũ khí như ngư lôi nguyên tử. Những kỷ niệm về Hiroshima và Nagasaki đã nhạt nhòa. Người ta không hiểu được một vũ khí hạt nhân chiến thuật, loại mà Putin có thể sử dụng, có khả năng hủy diệt cả một thành phố.
Ngay cả nếu đây chỉ là trò tháu cáy của Vladimir Putin, lời đe dọa của ông ta rất tai hại. Năm 1994, Ukraina đã giao trả số vũ khí nguyên tử Liên Xô cũ trên lãnh thổ mình, để đổi lấy bảo đảm của Nga, Mỹ, Anh. Nga đã trắng trợn sổ toẹt cam kết, còn Anh, Mỹ cũng không giữ lời hứa. Iran có thể nghĩ rằng nếu có bom nguyên tử sẽ khó bị o ép hơn, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có khả năng chế tạo bom, sẽ ít trông cậy vào những bảo đảm của phương Tây để tự bảo vệ, trong một thế giới ngày càng nguy hiểm.
Khác với Bắc Triều Tiên, Putin đe dọa dùng vũ khí nguyên tử để giúp đội quân xâm lăng của ông ta thắng được một cuộc chiến tranh quy ước. Và xem ra chiến thuật này hiệu quả. NATO tuy ủng hộ Ukraina hơn trước, nhưng ngần ngại không muốn gửi sang các loại vũ khí tấn công như máy bay. Tổng thống Mỹ Joe Biden dù viện trợ ồ ạt, nhưng từ chối cung cấp các loại hỏa tiễn có tầm bắn sâu vào lãnh thổ Nga. Một số nước NATO cho rằng Ukraina phải thương thuyết với Nga vì dồn Putin vào ngõ cụt sẽ dẫn đến thảm họa.
Logic này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Bắc Kinh có thể áp đặt điều kiện tương tự nếu tấn công Đài Loan, với lý do đảo quốc này là lãnh thổ của Trung Quốc. Vladimir Putin có thể tiếp tục dùng nguyên tử để đe dọa trong tương lai, và một số nước khác sẽ theo chân. The Economist nhấn mạnh, Ukraina cần có được những vũ khí tối tân hơn, được viện trợ kinh tế và thêm nhiều trừng phạt với Nga để buộc quân của Putin phải rút lui. Những nước cho rằng đây chỉ là một cuộc chiến châu Âu đã lơi lỏng an ninh của chính mình. Và những ai nhân danh hòa bình để đòi Ukraina ngưng bắn với Nga ngay bây giờ, đã vô cùng sai lầm. Một khi thấy rằng mối đe dọa nguyên tử đã giúp tránh được thất bại, làm NATO chao đảo, Matxcơva sẽ đáng ngại hơn bao giờ hết.