Tác giả Đỗ Tiến Đức còn là một đạo diễn phim ảnh và một người viết truyện phim chuyên nghiệp. Tác phẩm mới này có lẽ là tất cả những sở trường của ông, nên có một truyện phim “Khu chợ ở Little Saigon”. Lại là một phản ánh đời sống, vừa xác thực, lại vừa có tính thời đại. Những hoạt cảnh của một đời sống mà thực giả, đạo đức và vô đạo đức, trộn lẫn trong đời sống đã có nhiều phức tạp mà tốt xấu như trong trạng thái mù mịt không phân tỏ được.
Cũng có vài bài thơ, mà, tác giả đã làm trong những cảnh huống đặc biệt của đời mình.
Tạ Ơn Anh
“Bài thơ được viết vào một dịp Lễ Tạ Ơn khi một độc giả gửi tới cho Thời Luận tấm hình chụp anh phế binh lê lết xin ăn ở một tỉnh lẻ Miền Nam Việt Nam và cùng lúc nghe tin một hội cựu quân nhân tổ chức khiêu vũ Thanksgiving ở vũ trường thủ đô tị nạn:
Anh không còn đôi chân
Lướt trên sàn khiêu vũ
Anh không còn đôi tay
Gối đầu em giấc ngủ
Anh không còn là người
Cũng không thành con thú
Môi anh sao vẫn cười
Mắt như vì tinh tú.
Anh ngày xưa ngày xưa
Là thiên thần Mũ Đỏ
Chân anh mang giày sô
Tay lái dù trong gió?
Hay anh là nghĩa quân
Giữ làng cho dân ngủ
Hay anh là Mũ Xanh
Tuyến đầu anh trấn thủ?
Đất mẹ chưa ru anh
Cuộc chiến tàn cờ rủ
Tay chân làm phân xanh
Vài ba bông dại nở
Xưa lựu đạn dao găm
Nay chiếc lon nho nhỏ
Xưa đánh pháo diệt tăng
Nay cơm thừa nước đổ
Xưa đồng đội như rừng
Gót giày vang mặt phố
Nay xa cách muôn trùng
Một thân nơi xó chợ
Những người hai mươi năm
Thoảng như cơn mộng dữ
Còn mỗi khúc thân tàn
Vinh danh ngày tháng cũ.
Đỗ Tiến Đức
*
* *
Nỗi Buồn Sau Cuộc Chiến (Anh Bằng, thơ Đỗ Tiến Đức) – Lâm Nhật Tiến trình bày
Anh không còn đôi tay gối đầu đêm em ngủ
Anh không toàn hình hài sống trên đường trên phố
Đời anh như nấm mộ chôn xác khô.
Anh không còn con tim nóng như ngày xưa đó
Em không còn theo anh chiến trường đêm gian khổ
Anh bây giờ chỉ còn đẫm linh hồn nước mắt
Tình yêu thương vẫn đầy dâng nước non.Anh ngày xưa ngày xưa là thiên thần mũ đỏ
Là mũ xanh oai hùng biên thùy anh trấn thủ
Anh là lính hải quân là nghĩa quân gian khổ
Là mũ nâu tung hoành bao sống chết coi khinh.
Anh không còn đôi chân với em chiều đi phố
Anh không còn đôi tay khoác vòng eo em nhỏ
Anh bây giờ là người phế nhân vì Tổ quốc
Buồn vui anh vẫn cười qua kiếp này.