NHỮNG MẪU CHUYỆN THÁNG TƯ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tháng Giêng năm ấy, chị lấy chồng, lấy chồng lính như hầu hết mọi phụ nữ miền Nam. Vài ngày sau đám cưới, anh trở lại đơn vị, chị về sống với gia đình, ngày ngày đi làm. Tháng Ba, cô dâu mới keng về thăm bên nội tuốt trên miền cao nguyên. Chưa được vài ngày, không hiểu sao, chị bỗng dưng bứt rứt, đứng ngồi không yên như thể mình mẩy bị hơ trên lửa hồng. Chị xin phép mẹ chồng rời thành phố trước ngày định. Buổi sáng hôm ấy, trời còn tối mù, chị ra bến xe đò trong không gian lặng như tờ. Xóm làng chung quanh vắng vẻ, thiếu cả tiếng chó sủa quen thuộc. Đường phố im lìm, cái im lìm đặc quánh của sự sợ hãi mơ hồ. Linh tính nói cho chị biết sự nguy hiểm đang rình rập đâu đó. Chị nhớ rất rõ cái cảm giác bất an lan tỏa, sống lưng gai gai khiến chị rùng mình. Sự hiểm nguy lẩn khuất lảng vảng trong không gian mù sương.
Về đến Sài Gòn vào buổi chiều sập tối, chị thở ra nhẹ nhõm, cảm thấy an tâm giữa vòng tay của gia đình. Ngày hôm sau, đài phát thanh loan tin dữ, cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, các trận giao tranh cắt đứt mọi ngả đường ra / vào thành phố.
Vài tuần sau, cảm giác bất an khó chịu nọ lại trở về thúc dục chị ra Nha Trang thăm anh. Chỉ được vỏn vẹn hai ngày, anh đã phải “gửi” chị theo xà lan về lại Sài Gòn vì vùng biển ấy đã bắt đầu xao xác.
Rồi những bàng hoàng xớn xác ấy cũng đã lan đến Sài Gòn vào tháng Tư. Giữa những cột khói đen cuồn cuộn khắp nơi, tiếng súng xa gần suốt ngày lẫn đêm, người ta xuôi ngược trên những chuyến xe quá tải dọc trên đường Công Lý. Hốt hoảng. Hoang mang. Sợ hãi. Không gian nặng trĩu những âu lo.
Rồi anh cũng về đến Sài Gòn và họ đưa nhau ra biển trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Anh chị là những người vô cùng may mắn, may mắn hơn các đôi uyên ương chịu cảnh chia lìa.
Buổi sáng còn hôn nhau rất lâu
Buổi chiều đã chỉ thấy biển sâu
Trời có mây xanh cao vời vợi
Sao ta không được gần gũi nhau?
Cơn hồng thủy cuốn anh chị xa lìa gia đình, mẹ cha; cắt rời mọi gốc rễ. Ngày tháng đi vùn vụt, đến hôm nay thì anh chị đã trải qua 45 năm trên quê hương mới. Nỗi thương tiếc nhớ nhung quê nhà một thời vẫn mênh mông nhưng vết đau năm xưa dường như đã lành.
Tháng Tư năm nay mùa Xuân không về. Đất trời cũng xao xác đầy bất an như những ngày tháng Tư năm nọ. Từ cuối đông, cơn bão Covid-19 đã thổi qua địa cầu. Bão tố nổi từ lục địa này qua lục địa kia dù cả một đại dương cách trở. Từ thành phố này lan sang thành phố khác. Dồn dập. Liên tục. Khi chính quyền địa phương loan báo luật “cắm trại tại nhà” thì lòng chị quặn thắt. Cái cảm giác nôn nao sợ hãi xa xưa lại trở về. Khác với những trận bão dữ hàng năm khi chị từng sửa soạn thức ăn, đèn pin và nếu phải di tản tránh bão thì đã sẵn sàng. Chị có nơi để trú ngụ an ổn trong lúc chờ đợi đất trời nguôi cơn giận dữ.
Thiên tai hay nhân họa? Cơn bão Covid-19 cuốn trôi mấy chục ngàn người… Chị không thể chạy trốn. Chẳng có nơi nào được xem là “bình yên”. Bần thần hoảng sợ như thế nhưng rồi chị cũng phải tính toán lượng thức ăn, cơm gạo bánh mì, các thứ cần thiết cho gia đình trong những ngày “cấm cung” và phố xá hàng quán đóng cửa. Lần này chẳng ai đoán cho chị an tâm về hướng đi của bão, bao nhiêu ngày thì trời sẽ quang, mây sẽ tạnh…, bão Covid-19 hoang tàng và ngạo nghễ nhưng quá mới mẻ để con người tìm ra phương cách chống chỏi.
Hôm nọ, người con gái gọi điện thoại nhờ cậy ông bà ngoại chăm nom hai đứa nhỏ. Trường học đóng cửa. Vợ chồng người con gái làm việc tại bệnh viện thành phố nên họ lo lắng lắm. Lo lắng mất ăn mất ngủ về sự an nguy của hai đứa trẻ con, chỉ sợ chúng bị nhiễm trùng; cha mẹ đi làm nhiễm bệnh rồi vô tình mang siêu vi khuẩn về nhà lây cho con.
Thế là anh chị lên đường, gia đình cô con gái ở xa anh chị khoảng hai giờ lái xe. Không dám ra chào ôm hôn bố mẹ như thường lệ, người con gái ngồi trong chiếc xe đậu bên kia đường, cô chỉ vẫy tay rồi chùi mắt. Dắt hai đứa trẻ lên xe, anh chị khệ nệ khuân theo hai cái va li mà bố mẹ chúng đã sắp sẵn, đã cẩn thận lau chùi mấy lần bằng thuốc sát trùng. Quần áo, đồ chơi, sách vở… Tay xách nách mang in hệt thời chạy loạn tháng Tư năm nào.
Cô con gái dặn dò hai đứa trẻ qua điện thoại… Các con ngoan nghe lời ông bà. Bố mẹ sẽ đến đón… Hai đứa trẻ òa khóc tranh nhau nói… Chừng nào bố mẹ đón con?… dù chúng đã nghe nhiều lần câu trả lời “Không biết chắc ngày nào”.
Trước khi đề máy xe, anh quay sang chị thì thầm… May ra thì mình còn gặp lại đầy đủ vợ chồng nó… Chị nhìn anh. Hai con mắt anh ngân ngấn nước. Hình như ai vừa đập vào đầu chị một búa thật mạnh. Sự kinh hoảng và đau đớn làm chị nghẹt thở. Viễn ảnh mất mát khiến lòng chị quặn thắt tê dại. Cảm giác bồn chồn khó chịu lại cuồn cuộn trở về trong tâm trí. Tuần trước, qua điện thư chị nhận được bản di chúc mới viết vừa ráo mực của vợ chồng người con gái. Trông cậy, căn dặn và phó thác cho cha mẹ già tương lai của hai đứa trẻ. Vợ chồng nó tham dự một cuộc chiến không rõ mặt kẻ thù; sống / chết chỉ trông cậy vào sự may mắn.
Tháng Tư năm xưa, anh chị đã được may mắn có nhau. Tháng Tư năm nay, chị cầu mong sự may mắn ấy đến với gia đình đứa con gái. Chị khấn nguyện cùng thần linh, “mặc cả”, rồi xin “thế chỗ” cho mấy đứa con…nếu chẳng may, chúng con già rồi, mấy đứa trẻ cần cha mẹ…
LL.Tran