NGUYỄN THÁI HỌC: CHÍ LỚN CHỌC TRỜI KHUẤY NƯỚC (Trần Đình Ba)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Những yếu nhân trong Nam Đồng Thư Xã năm 1927

Lời phi lộ: Ngày 9/2/1930, giữa lúc xuân mới đang còn hiện diện nơi lộc biếc, thì nơi đất Yên Báy (Yên Bái ngày nay), “sấm động giữa trời quang”, thực dân Pháp hoảng hốt giật mình. Vì cơ sự gì ư? Khởi nghĩa Yên Báy đấy, một cuộc nổi dậy đã đi vào lịch sử dân Việt. Dẫu máu đổ, đầu rơi, nhưng những anh hùng nghĩa sĩ xả thân vì nước của Việt Nam Quốc Dân Đảng, thì tất thảy xứng danh anh hùng dân tộc cả, dù án tử chia lìa linh hồn và thể xác.

Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng

Khởi nghĩa thất bại, 13 án tử được tuyên. Cầm đầu trong cuộc nổi dậy ngày 9/2 đất Yên Báy, rồi lan rộng ra nhiều tỉnh Bắc Kỳ dạo ấy, là một tay anh hùng mà chí lớn đã ấp ủ từ thuở mới lớn. Đó là Nguyễn Thái Học (1902-1930). 

Chân dung người đứng đầu

Nơi quê quán Nguyễn Thái Học, là làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Bởi vậy, “Việt sử dân gian” có chép: 

“Có ông Nguyễn Thái Học,
Quê ở phủ Vĩnh Tường.
Tổ chức Quốc Dân Đảng,
Đánh Pháp chí kiên cường”.

Bạn đồng chí cùng tổ chức với Nguyễn Thái Học là Nhượng Tống, đã viết riêng một cuốn sách về ông và Việt Nam Quốc Dân Đảng mang tên “Nguyễn Thái Học (1902-1930)”. Qua đó, ta biết được, Nguyễn Thái Học sinh ra trong gia đình tiểu nông, có 4 người con trai, và ông Học là con trưởng.

Miêu tả về người đồng chí của mình, Nhượng Tống cho biết “Anh người tầm thước, cao độ một công xích sáu mươi phân. Trán hói; tóc thưa; đôi mắt thông minh, một nhìn đủ khiến ta đem lòng tin mến. Da ngăm đen, thuộc dòng huyết tính. Môi dày; hàm răng vổ; miệng lúc nào cũng tươi”… 

Nguyễn Thái Học trong nhà lao Hoả Lò, Hà Nội năm 1930

Ẩn chứa trong cái hình dung được miêu tả trên, là một chí lớn muốn “đội trời, đạp đất”. Như chính lời tâm sự của Học, thì ngay từ độ lên 10, nơi cậu thiếu niên đã lộ chí lớn rồi, mà từ sự việc cụ thể hẳn hoi liên quan đến Đội Cấn – anh hùng khởi nghĩa Thái Nguyên 1917. Ít ra lúc đó, Học phải 15, dạo Học còn ở quê, xong buổi học thì đi chăn trâu.

Có lần chăn nơi đồng làng bên, “làng ấy là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa ra kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy, vừa khóc vừa nói: “Các cậu! Các cậu! Làm thế nào báo được thù cho con tôi”. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ấy! Tư tưởng cách mệnh nảy ra trong óc tao từ đấy!” 

Hành động ghê gớm đầu tiên của chàng trai yêu nước Nguyễn Thái Học, quả là táo bạo như con người Học vậy. Khi anh đang học trường Cao đẳng năm 1926, thì trong “Việt Nam, bi thảm Đông Dương”, Louis Roubaud rất cảm kích với hành động “coi trời bằng vung” ấy: “ông thả trái bom đầu tiên bằng lá thư đòi chính quyền trung ương thực hiện dự án kinh tế, chương trình cải cách.

Thư gửi đích danh toàn quyền Đông Dương. Bất mãn vì không được mời người tố cáo đến hỏi, chàng thanh niên Nguyễn Thái Học bèn thành lập Đảng Quốc Gia An Nam vào năm 1927”. Sau cái lần “nổi gió” không thành này, tháng 6/1927, Nguyễn Thái Học ra tạp chí “Nam Thanh”, mục đích nâng cao dân trí. Nhưng nhà cầm quyền gạt phắt đi không cho. Có hề chi, anh hùng đâu dễ bó tay. Cuối năm ấy, đã có cả một đảng cách mệnh ra đời lấy tên Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Một tổ chức “phản loạn”

Việt Nam Quốc Dân Đảng, giữa những trào lưu yêu nước trong những năm 20 thế kỷ XX, đã chọn một hướng đi khác theo con đường dân chủ tư sản, lấy bạo động làm phương tiện chính. Theo Phạm Văn Sơn ghi ở “Việt Sử Tân Biên”, phần “Chế độ Pháp thuộc ở Việt Nam”, ta biết rằng, Nam Đồng thư xã của Phạm Tuấn Tài (lập năm 1926) và Thực nghiệp dân báo của Nhượng Tống chính là phôi thai cho tổ chức. Chủ trương của Việt Nam Quốc Dân Đảng, ấy là “Trước là cách mạng dân tộc, sau làm cách mạng thế giới”. Lẽ dĩ nhiên, thực dân Pháp chính là kẻ thù chính phải đánh đuổi. 

Nếu chúng ta chú ý đến ngày ra đời của tổ chức do Nguyễn Thái Học đứng đầu, sẽ thấy cũng có điểm thú vị. Không phải ngẫu nhiên, Việt Nam Quốc Dân Đảng được thành lập ngày 25/12/1927. Mở lịch Tây ngày hôm ấy, là ngày lễ Noel. Chúa Jesus giáng sinh, thì người Pháp phải vui hội hè rồi, họ là những con chiên ngoan đạo cơ mà. Nhưng với đa phần người Việt dạo ấy, đó cũng chỉ là một ngày thường. 

Mà nào có hề chi, nhân lúc quan quân Pháp đang vui lễ Giáng sinh, thì ắt việc canh phòng, cảnh giác sẽ có phần lỏng lẻo. Ấy là cơ hội để việc tụ tập đông người ít bị chú ý hơn. Và là cơ hội, để một tổ chức chính trị khai sinh, thuận tiện hơn khi con mắt nhà cầm quyền lơ là. Bởi, nó chống Pháp.

Muốn biết cơ cấu, tôn chỉ mục đích của tổ chức này, nên chăng, xem trong “Vụ Án Quốc Dân Đảng 1929-1930” để tỏ đôi phần vậy. Cơ cấu tổ chức được vạch ra với Nguyễn Thái Học làm đảng trưởng. Hoạt động của đảng chia làm ba thời kỳ, được “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi là:

Ba thời kỳ vạch chương trình,
Thời đầu phá hoại, cố tình diệt Tây.
Thời kỳ giữa móng nền xây,
Thời sau bình định dựng gầy quốc gia”.

Án tù khiếm diện 20 năm

Đảng cách mạng được lập, Việt Nam Quốc Dân Đảng ráo riết hoạt động, những mong làm một cuộc lật đổ thay đổi vận mệnh dân tộc. Để tuyên truyền, báo “Hồn cách mệnh” được lập, còn phần kinh tế, thì lập nên “Việt Nam khách sạn”, ngặt nỗi đường kinh tài này không được lợi. Song song với đó, đảng viên được kết nạp, không phân biệt thành phần.

Thế rồi giữa lúc ấy, nổ ra một sự kiện đầu năm 1929 làm thay đổi biết bao dự định. Vụ ám sát Ba-zin. Hắn vốn là tay buôn người khét tiếng. Sở mộ phu của Ba-zin ở đường Chợ Hôm, Hà Nội. Kế hoạch hạ sát tên trùm mộ phu được vạch ra. Và rồi, như “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi:

Đêm ba mươi tết mưa phùn,
Phố phường pháo nổ đì đùng điếc tai.
Thăm tình nhân, ả đầm lai,
Ba-zin bị bắn nằm dài bỏ thây”.

Chi tiết ra sao? Theo lời người trong cuộc, Nhượng Tống, cho hay: “Chiều tối hôm ba mươi Tết Kỷ Tỵ (tháng Hai, 1929) khi hắn đi ô tô về đến trước cửa sở, thì một thanh niên vận âu phục màu xám, đưa cho hắn một bức thư. Kỳ thực thì đó là một bản cáo trạng mà tòa án cách mệnh kể tội hắn, và khép hắn vào tử hình. Trong khi hắn cầm lấy thư xem thì người ấy cầm súng sáu bắn hắn chết lăn xuống bên đường. Tiếng súng nổ lẫn vào tiếng pháo nên chung quanh chẳng ai biết gì”.

Vụ này, mật thám Pháp cho là Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ trương. Sau sự kiện chấn động cả Bắc kỳ ấy, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố. Bởi việc này, thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị bắt rất nhiều. Riêng Nguyễn Thái Học phải không ngừng thay hình đổi dạng. Trước tình thế ấy, vị đảng trưởng họ Nguyễn chỉ đạo phải đánh gấp bằng cách nội công (anh em binh lính giác ngộ), ngoại kích. Vũ khí được chuẩn bị ráo riết.

Về phần Pháp, chúng “in ra hàng vạn tấm ảnh anh Thái Học, anh Song Khê, phát đi các làng, lại treo giải thưởng hàng năm nghìn đồng, mà không sao bắt được”. Còn các yếu nhân khác thì sao? Xem nơi “Việt Sử Tân Biên” thì rõ, nhà Phạm Tuấn Tài liên tục bị khám xét, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Nhượng Tống lần lượt phải đeo gông. Sau đó, Hội đồng đề hình được lập, do Công sứ Brides làm chủ tọa. Vẫn “Cận đại Việt Sử Diễn Ca” cho hay:

Án kêu tối thiểu năm năm,
Sáu mươi tám kẻ đi nằm Côn Lôn.
Yếu nhơn mưu chước khéo khôn,
Lọt ngoài lưới sắt, bảo toàn Đảng cương”.

Chi tiết là, ngày 3/7/1929, “Hội đồng này tuyên xử 80 án tù từ 20 năm trở xuống đến 2 năm. Đào Hưng, Nhượng Tống: 10 năm lưu đày. Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê và 19 người khác: 2 năm tù treo”. Còn phần vị đảng trưởng thì sao? Vẫn “Việt Sử Tân Biên” ghi: “Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu dĩ nhiên mang cái án nặng nhất (20 năm cầm cố) huống hồ họ lại vắng mặt”. Vậy là biết bao yếu nhân của tổ chức vào nhà lao. Còn vị đảng trưởng chịu án khiếm diện 20 năm. Nhưng có hề chi, khi đã đối địch với kẻ thù, thì đã xem cái chết “nhẹ tựa hồng mao” rồi.

Trần Đình Ba