CỘNG SẢN ĐÃ BÁN ĐỨNG VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG TRONG NGÀY KHỞI NGHĨA 10/2/1930 ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Lịch sử Việt Nam ghi nhớ ngày 17/06/1930, là ngày 13 người anh hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thực dân Pháp xử tử hình. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bị chém. Tổ quốc là tiếng kêu cuối cùng của những người con nước Việt.

Không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”, mà chỉ có “Việt Nam Vạn Tuế”. Sự kiện này trở thành mẫu mực trong những cuộc tranh đấu và tinh thần quốc gia không nô lệ cho một lý tưởng hay một đảng nào.

Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng lâu nay vẫn được kể nhiều về nội dung Tổng Khởi Nghĩa, Nhưng có một vài chi tiết bên này khiến người ta phải suy nghĩ là phải chăng sự thất bại của cuộc nổi dậy này, có bàn tay của cộng sản? Vài chi tiết của các bậc tiền bối để lại cho thấy nghi vấn này vẫn đang để ngỏ.

Trong tác phẩm Lịch sử Tranh đấu Cận đại 1927-1954, Việt Nam Quốc Dân Đảng của tác giả Hoàng Văn Đào, ở chương Tổng khởi nghĩa, có kể lại rằng, tại cuộc họp bí mật của Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính ở một ngôi chùa trên núi Yên Tử, cả ba đã đồng ý quyết định cuộc tổng khởi nghĩa sẽ diễn ra vào đêm mùng 10, rạng sáng ngày 11 Tháng Hai năm 1930. Nguyễn Khắc Nhu lập tức trở lên Phú Thọ, Yên Báy để truyền mệnh lệnh này.

Chi tiết đáng chú ý được ghi lại rằng “trong những giờ phút nghiêm trọng ấy, cán bộ Đảng cộng sản Đông Dương đi rải truyền đơn khắp nơi tố cáo Việt Nam Quốc Dân Đảng sắp tấn công Bắc Kỳ. Cô Giang trao cho Nguyễn Thái Học xem.  Nguyễn Thái Học đập bàn thét to: “Tôi không tin, vì có thể nào anh em cộng sản lại có thể hành động như thế được”.

Có lẽ vì lý do đó mà phía binh lính đi theo người Pháp lúc đó đã đọc được các truyền đơn này. Một trong những sự kiện được ghi lại trong Việt Nam Quốc Dân Đảng Sử là do đọc được truyền đơn, người Pháp đã bắt đầu bố trí canh phòng rất cẩn mật chung quanh.

“Tại sân ga Yên Báy, Nguyễn Thị Giang đã đứng đợi để đón tiếp những đồng chí phụ trách từ Phú Thọ lên. Cô Giang rỉ tai Thanh Giang:

– Hình như đại sự của Đảng ta đã bị tiết lộ. Thiếu tá Le Tacon đã ra lệnh bố trí canh phòng cẩn mật.

Thanh Giang nóng lòng hỏi gặng:

– Thế Hà Văn Cấp ra sao?

– Cấp bị tình nghi. Le Tacon ra lệnh giam lỏng. Chúng ta mất liên lạc đã từ hai ngày rồi, cô Giang đáp”.

Nhân vật Hà Văn Cấp nhắc ở trên là được đưa vào làm phục vụ cho thiếu tá Le Tacon, và nhận mệnh lệnh của Đảng là khi nghe tiếng súng nổ, thì sẽ hạ sát viên thiếu tá Le Tacon của Pháp.

Thành phố Yên Báy (Yên Bái ngày nay) vào chiều ngày mùng 10 tháng Hai 1930. Một viên cai đội tên Vinh, vào lúc 8 giờ tối đã đến báo cáo cho viên chỉ huy Pháp, đại uý Gainza, về tình hình bất thường lúc đó. Sách kể:

“Đến hồi 20 giờ, đại Uý Gainza từ ngoài phố trở về trại đã thấy đội Vinh đợi sẵn. Vinh nói:

– Xin đại Uý đừng ăn cơm
– Tại sao?
– Có thuốc độc, đội Vinh vừa nói vừa run, “Tối nay những người Pháp ở trong trại sẽ bị giết hết. Kho đạn sẽ bị cướp. Cờ cách mạng quân sẽ được kéo lên nóc thành”.
– Mày say mềm rồi nói dối chứ gì?
– Tôi quả không sai.

Lúc đó trung uý Espiau tới, hai người bàn với nhau. Họ quyết định bỏ bữa cơm rồi cùng dẫn đội Vinh vào trình với thiếu tá Le Tacon.

Một chi tiết mà về sau Việt Nam Quốc Dân Đảng khám phá thêm, là em trai của đội Vinh tên là Binh Tài được cài vào trong tổ chức của Đảng Cộng Sản Việt Nam Đông Dương. Nhân vật này đã đến tố cáo chuyện khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng với Thiếu tá Le Tacon, nhưng ông này không tin. Thấy vậy, Binh Tài mới đi nói với đội Vinh, để nhờ Vinh thúc ép việc đàn áp cuộc nổi dậy này.

Lịch sử ghi lại tất cả là như vậy và trở thành một nghi vấn. Có lẽ rồi một lúc nào đó, mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn về vai trò của Đảng Cộng Sản trong việc thanh trừng tất cả những đảng phái khác và đồng thời nỗ lực tiêu diệt một cách công khai Việt Nam Quốc Dân Đảng, kể từ Tháng 9 năm 1945.

Hồ Chí Minh từng nhận tiền của Việt Nam Quốc Dân Đảng?

Trong lịch sử Việt Nam, hai đảng chính trị Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (còn được gọi tắt là Việt Minh) có nhiều ân oán giang hồ với nhau. Một bên theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc, ước mong đánh đuổi giặc Pháp và xây dựng quê hương tự do dân chủ và giàu mạnh. Còn một bên là tay sai của Quốc tế cộng sản, muốn dùng bạo lực đánh Pháp, và xây dựng Việt Nam thành một tiền đồn cộng sản ở châu Á cho Nga Xô, Trung Cộng. Có thể nói, cả hai không đội trời chung, và sử sách còn ghi rõ máu của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị Việt Minh tàn sát, thủ tiêu ra sao.

Nhưng có một điều ít ai biết rằng, mạng của Hồ Chí Minh khi bị Tưởng Giới Thạch bắt ở Trung Hoa là do Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) cứu, và nuôi nấng trong một thời gian. Thậm chí nội sử của VNQDĐ còn ghi lại chuyện Hồ Chí Minh đã cướp 20 vạn quan tiền của đảng này xài riêng trong thời buổi chống Pháp. Mọi chuyện được ghi rõ trong cuốn Việt Nam Quốc Dân Đảng – Lịch sử tranh đấu cận đại (1927-1954) của ông Hoàng Văn Đào.

Trong giai đoạn người Pháp đàn áp VNQDĐ dữ dội, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng này phải chạy sang Trung Hoa lánh nạn và lập nhóm tổ chức từ xa cho hoạt động quốc nội. Vào cuối năm 1942, hai đảng viên của VNQDĐ là Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ đi thăm ông Nguyễn Tường Tam ở Liễu Châu, được tin báo là có một người Việt Nam đang bị giam trong nhà ngục của Trung Hoa. Người này có tên trong sổ bộ nhà ngục là Hồ Chí Minh. Nghĩ tình đồng bào và do cũng nghe nói rằng người này có tinh thần chống Pháp, nên nhóm VNQDĐ ở Trung Hoa thử tìm cách để cứu người này ra khỏi nhà ngục.

Chương 2, trang 212 có ghi rằng “Hai người họ Vũ, Nghiêm cũng vào thăm Hồ Chí Minh, nhưng với họ, cái tên này mới lạ quá trong giới cách mạng Việt Nam lưu vong, chưa hề thấy ai nói đến cái tên ấy cả. Tình nghi là Nguyễn Ái Quốc (người của Cộng sản). Nhưng lại mới đây có tin từ quốc nội đưa sang nói là Nguyễn Ái Quốc đã chết nơi biên khu rồi. Đến lượt cụ Nguyễn Hải Thần được mời vào nhận diện vì cụ đã gặp mặt Nguyễn Ái Quốc một vài lần thật, nhưng tiếc là nay tuổi già mắt đau nặng nên cũng không thể nhận ra ai”.

Không dám khẳng định đó là Nguyễn Ái Quốc, nhưng nghĩ tình đó là một người Việt Nam cũng đang tranh đấu chống Pháp nên VNQDĐ tìm cách cứu người này ra. Theo đó, Ban chấp hành VNQDĐ hoạt động lưu vong tại Trung Hoa  đã tìm cách can thiệp để đưa Hồ Chí Minh cùng với ông Nguyễn Trường (người của VNQDĐ) ra khỏi sự giam giữ.

Sử liệu nói, Hồ Chí Minh được VNQDĐ cưu mang trong lúc này và được đào tạo để thành nhân tố mới hoạt động của đảng. Thậm chí ba người Nguyễn Tường Tam, Hồ Chí Minh, Đặng Nguyên Hùng còn được cất nhắc làm “hậu bổ” ủy viên của đảng. Không ai nghi ngờ Hồ Chí Minh Chí Minh cả.

Duy có tư lệnh Trương Phát Thuê thì bắt đầu không an tâm về thân thế của Hồ Chí Minh, nhất là khi thấy mật vụ Trung Hoa bắt đầu lui tới dò la về tin tức của họ Hồ. Mô tả về Hồ Chí Minh lúc ấy, sử liệu ghi “Hồ Chí Minh đứng vào thành phần vô đảng phái, kê ghế bố nằm khoèo ở góc phòng. Đôi người bạn đồng hương đến thăm hỏi, ông ta khéo léo trả lời không hề làm mếch lòng ai. Ông đóng vai trò hết sức lơ đãng và kiên nhẫn đợi thời cơ”.

Năm 1943, phong trào kháng Pháp giành độc lập lại bùng lên. VNQDĐ với tên mới là Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội, phát động phong trào ở quốc nội, thiết lập thêm trạm giao thông liên lạc ở biên khu để thu lượm tin tức.

VNQDĐ tổ chức hội nghị để tìm cách chuyển tiền và nhân lực vào Việt Nam. Hồ Chí Minh là người giơ tay xin được làm việc này. “Hồ Chí Minh được cấp đầy đủ giấy tờ và công tác phí là 20 vạn Quốc tệ, với 20 thanh niên cán bộ cho Hồ Chí Minh tự ý lựa những phần tử dễ điều khiển, mà tất cả đều là người của VNQDĐ”. “Trước khi xuất phát, Hồ Chí Minh Chí Minh cùng đoàn cán bộ đều phải làm lễ tuyên thệ dưới lá cờ của Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội. Nguyện trung thành với VNCMĐCH, rồi dự một bữa tiệc linh đình trước khi lên đường ra biên khu” (trích, trang 213).

Sử liệu của Việt Nam Quốc Dân Đảng không nói thẳng là Hồ Chí Minh đã cướp toàn bộ số tiền đó, cũng như không biết số phận của 20 người đi theo Hồ Chí Minh ra sao?! Nhưng kết luận của sử liệu là “Sư tử được thả về rừng, có tiền, thêm cán bộ, và lại có nhiều khí giới, đứng vào thế cờ đồng minh được Hoa Kỳ nhiệt liệt ủng hộ. Hồ Chí Minh về lập chiến khu ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, khoác bộ áo lãnh tụ của đảng tên là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, tức là Việt Minh, nhưng có cái tên cố ý gây nhầm lẫn với hậu hoạt động của VNQDĐ, và quay trở lại chà đạp chính VNQDĐ… Lúc này người dân Việt đã quá đau khổ và đã quá chán ngán cảnh Pháp lẫn Nhật và triều đình nhà Nguyễn, nên đã đi theo Việt Minh – một đảng trá hình tinh thần quốc gia”.

Sau 1945, khi biết rõ Hồ Chí Minh chính thật là Nguyễn Ái Quốc, Hoa Kỳ đã phái đặc vụ Harold Isaac, người có mối quan hệ gần gũi với Nguyễn Ái Quốc để thuyết phục ông này đừng đi theo Nga Xô. Hoa Kỳ cũng hứa sẽ chấp nhận việc Cộng sản Việt Nam tổ chức một chính quyền theo kiểu cộng sản chủ nghĩa dân tộc. Lúc này, họ Hồ do dự và chưa trả lời dứt khoát.

Năm 1949, Hoa Kỳ lại cử thêm đặc phái viên là William Bullitt, nhằm thuyết phục Hồ Chí Minh đứng về phía thế giới tự do. Nhưng tình hình ở Trung Hoa đã có những thay đổi. Mao Trạch Đông đã nắm trọn Hoa Lục khiến cho Việc Minh Cộng Sản ngã theo. Cũng là một bước ngoặt định mệnh và đau thương của dân tộc Việt Nam, và cũng là giai đoạn mà Hoa Kỳ bắt đầu tham gia vào cuộc chống Cộng tại Việt Nam qua các nền Đệ I Cộng Hoà Ngô Đình Diệm đến Đệ Nhị Cộng Hòa.

Như Hồ (Saigon News)