Như là một định mệnh, lịch sử Việt Nam luôn đầy những cuộc chia ly. Từ thuở sơ khai trong truyền thuyết lịch sử Mẹ Âu Cơ đã chia tay người chồng Lạc Long Quân để kẻ lên rừng, người xuống biển. Dưới thời phong kiến cuộc chia ly lịch sử trong thời Trịnh Kiểm, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (năm 1558 – Mậu Ngọ) với hành trình Nam tiến, bỏ lại đế đô và vương triều. Để lại hậu quả Trịnh – Nguyễn phân tranh mà cho đến ngày nay khi nhắc lại sự kiện này chúng ta còn không khỏi chạnh lòng:
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.”
Rồi đến cuộc di cư vĩ đại của hơn một triệu người miền Bắc vào Nam vào năm 1954. Trong niềm đau chia cắt đất nước (20/ 7/ 1954) là nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn, những người con đất Bắc lại tiếp tục hành trình Nam tiến như các bậc tiền nhân nhà Nguyễn. Nhưng rồi lịch sử chia ly của dân tộc không dừng ở đó mà đã lặp lại vào ngày 30/ 4/ 1975, một cuộc di tản vội vã của Sài Gòn và cả miền Đông, Tây Nam bộ đã diễn ra, một lần nữa đã để lại biết bao tình yêu, nỗi nhớ và niềm đau trong lòng kẻ ra đi lẫn người ở lại. Lần này không phải chia ly kẻ Bắc người Nam mà xa cách quê hương đến nửa vòng trái đất. Tại đây, người viết không muốn nhận định lịch sử hay bàn về chiến tranh mà chỉ muốn nói điều sâu sắc nhất còn đọng lại sau cuộc di tản, đó là tình cảm con người. Nếu như những mất mát vật chất có thể tìm lại thì những mất mát tinh thần không lấy gì bù đắp.
Vào ngày 30 tháng 4 năm ấy, giữa dòng người Sài Gòn và hai miền Đông, Tây Nam bộ tìm đường di tản có một người phụ nữ trẻ lo lắng, bối rối không biết nên ra đi hay ở lại Việt nam, vì Cô không biết anh ấy đã ra đi hay còn ở lại. Thời gian thì không có nhiều cho sự phân vân, nên cuối cùng Cô đã ở lại. Bởi vì trước đó, chồng của Cô là một phi công đang ở phi trường Trà Nóc (Cần thơ), hẹn ngày 29 tháng 4 sẽ lái trực thăng đón Cô, và sau đó sẽ cùng về Tân Sơn Nhất, nhưng Anh đã không đến. Sau ngày 30, khi Cô biết Anh đã ra đi, Cô hụt hẫng, chới với nhưng vẫn tin rằng với tình yêu chân thật Anh sẽ không phụ lòng Cô dù có đi đến nơi đâu. Tính đến ngày 30 tháng 4 thì Cô và Anh đã trải qua 2 năm yêu nhau và đúng 100 ngày cưới. Tuy nhiên vì những tháng cuối của cuộc chiến, Anh phải bay tăng cường nên thời gian sống bên nhau rất ít. Những tưởng sau khi kết hôn tình yêu giữa Cô và Anh sẽ thăng hoa, nào ngờ hạnh phúc lứa đôi đang nở hoa đã vội tàn một cách ngỡ ngàng xót xa như thế này! Bao mộng đẹp cho cuộc hôn nhân giờ đây tan tành theo mây khói trong ngày cuối tháng Tư năm ấy…
TÌNH YÊU NGƯỜI Ở LẠI
Sau ngày 30 tháng 4 có rất nhiều xáo trộn và thay đổi trong cuộc sống, Cô cũng bị cuốn vào những thay đổi và bận rộn cho cuộc sống mới. Dù rất nhớ chồng, nhưng Cô cũng mừng thầm cho sự ra đi của Anh, khi nghe đâu đó những sĩ quan miền Nam như Anh phải đi học tập cải tạo. Cô nhớ về Anh, một phi công trực thăng quê ở Tây Ninh, sinh ngày 30/ 10/ 1948. Anh vào trường sĩ quan Thủ Đức khóa 1968, đến năm 1970 được sang Mỹ học không quân tại Texas. Năm 1972, về công tác ở phi trường Nha trang, sau đó Anh đổi về phi trường Trà Nóc (Cần thơ), rồi đến phi trường Sóc trăng, cuối cùng lại chuyển về Cần thơ thuộc Không đoàn 84, Phi đoàn 225, Quân đoàn 4. Ngày ấy, Cô chỉ biết ngồi ôn lại những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua, như thi sĩ Thế Lữ từng nói:
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”(1)
Cái thuở, ban đầu của Cô và Anh đến thật tự nhiên, nhẹ nhàng. Khi ấy, Cô là một kỹ thuật viên nha khoa đang làm việc tại Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa, số 6 đường Lý Thái Tổ, thành phố Cần thơ, còn Anh đóng quân ở Sóc Trăng. Hôm ấy Anh lên Cần thơ thăm Cha nuôi và tình cờ bước vào phòng khám trong giờ trực của Cô và nói mình bị đau răng, sau khi Cô khám kỹ từng cái một cho Anh rồi nói: “Răng của Anh không có dấu hiệu sâu.” Nhưng Anh vẫn cứ nói mình bị đau răng. Cô cầm kềm gõ nhẹ vào răng của Anh và nói: “Chắc là Anh bị đau tim.” Khi ấy Anh chỉ cười, và sau đó Anh ghi vội mấy dòng vào quyển sổ tay Cô để trên bàn làm việc với mong muốn được kết bạn với Cô, tuy nhiên lúc đó Cô không quan tâm.
Nhưng bất ngờ không lâu sau đó, Cô lại chủ động xuống Sóc Trăng để tìm Anh. Ngay khi thấy Cô xuống thăm, Anh đã tự tin giới thiệu với bạn bè Cô là “Vợ” của mình. Từ đó Cô và Anh bước vào một tình yêu êm đềm, đẹp đẽ. Là một người cầu toàn Cô không muốn kết hôn vội mà muốn trải qua một thời kỳ hẹn hò, yêu đương cho đúng với kịch bản tình yêu của những cô gái trẻ thời bấy giờ. Sau đó, Ba của Anh đột ngột qua đời. Cô và Anh kết hôn vào ngày 21/ 1/ 1975, từ ngày bước vào mối nhân duyên với Anh cho đến ngày chia lìa là đúng 100 ngày chẵn. Như có người từng nói rằng “Trong sự chia tay giữa kẻ ra đi và người ở lại, thì người ở lại buồn hơn.” Câu nói này đúng vào trường hợp của Cô. Vì vậy Cô quyết định tìm đường vượt biên để ngàn dặm tìm chồng.
Cuộc vượt biên lần đầu, Cô ra đi bằng đường biển vào ngày 31/ 8/ 1978, tàu chở Cô bị Công An Việt Nam rượt đuổi theo. Tất cả bị bắt lại, bỏ tù suốt ba năm. Dân gian có câu:
Thiên thu tại ngoại.”
Vậy mà Cô lại bị ở tù đến 3 năm, 2 tháng, 12 ngày vì tội vượt biên. Đến ngày 12/ 2/ 1981 mới được ra tù. Còn Anh sau khi sang Mỹ, Anh vẫn còn liên lạc với Cô, lúc ấy Anh trở lại trường và chuyển sang ngành kỹ thuật hàng không dân sự. Những ngày ở tù Cô không thể liên lạc với Anh. Sau đó, khi Cô ra khỏi tù, Cô gửi thư cho Anh, thì thư bị trả lại vì Anh đã đổi chỗ ở. Cô tìm đến Má của Anh ở Tây Ninh để xin địa chỉ, nhưng Má anh từ chối cho Cô địa chỉ mới. Cô không còn cách nào liên lạc với anh nữa, và từ đây Cô và Anh mất liên lạc cho đến hôm nay. Dù vậy, Cô vẫn không bỏ ý định ra đi, lần này Cô đi bằng đường bộ sang Campuchia, để từ đó sang Thái Lan. Không ngờ lần ấy xe chở Cô gặp tai nạn trên đường từ Pnom Penh đến cảng Kompongsom, giấy tờ, tiền bạc mất hết, còn Cô bị chấn thương xương sống nặng phải nằm một chỗ. Nơi đất khách, quê người Cô may mắn được hai vợ chồng người Khmer theo Đạo Công giáo hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng trong 2 tháng rưỡi, nên Cô may mắn sống sót. Ngày ra đi, Cô mạnh khỏe, xinh đẹp đầy nhiệt huyết tìm chồng, mấy tháng sau về lại Việt Nam Cô phải nằm trên một miếng gỗ đặt dưới sàn xe. Thật không ai có thể thấu hết nỗi buồn của Cô trong lúc này. Cô đau đớn nghĩ rằng: “Sau bao bôn ba dặm trường đi tìm Anh, giờ gặp nạn này, những tưởng đã gửi xác nơi xứ người, giờ còn sống đã là may!” Sau khi về quê, vết thương khỏi dần và Cô lần lần bình phục. Thời gian qua, đến đầu những năm 1990, khi những người đi diện H.O bắt đầu nộp hồ sơ. Nhiều người mách nhỏ Cô hãy đăng ký chung với một người đàn ông đi diện H.O để sang Mỹ tìm chồng. Cô đồng ý nhưng ngặt nỗi, giấy Chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác đã bị mất ở Campuchia trong cơn tai nạn, nên không thể làm hồ sơ. Dù mấy năm nay Cô nhiều lần lên Ủy Ban Xã để xin đăng ký làm lại giấy Chứng minh nhưng họ từ chối và bảo Cô hãy sang Campuchia để tìm. Vì vậy, những dịp may hiếm có như vậy rồi cũng trôi qua. Cho đến khi Cô có đủ giấy tờ thì cơ hội ra đi không còn nữa. Thế là từ đây, Cô thực sự trở thành người ở lại.
Dù nhiều người đã nói với Cô rằng, hãy quên người chồng phi công đẹp trai ấy mà đi bước nữa làm lại cuộc đời. Rồi cuộc đời cũng dun rủi cho Cô gặp những mối nhân duyên mới, nhưng Cô vẫn quyết định khước từ, bởi Cô vẫn còn yêu Anh nhiều lắm. Cô luôn nhận thấy những người đàn ông đến sau không ai sánh bằng chồng của cô ngày trước. Cũng bởi sự chia tay quá đột ngột khi tình cảm còn nồng thắm nên Cô không thể chấp nhận mất Anh trong cuộc đời!
Những tưởng thời gian sẽ đem đến cho Cô một phép màu. Nhưng nào ngờ vào năm 1994 cô nghe tin Anh đã kết hôn từ nhiều năm trước, vậy mà bấy lâu nay Cô vẫn canh cánh đợi chờ. Mà đau lòng hơn nữa Anh cưới vợ vì do hiểu lầm Cô. Thật không ngờ đời Cô lại xảy ra bi kịch như vậy. Nguyên do có một người bạn gái của một sĩ quan đồng đội của Anh đã qua đời trước đây (trước 1975) có tình cảm với chồng của Cô, nên đã đến tìm gặp Mẹ của Anh (đang ở Tây Ninh) để tặng vàng và xin cưới con trai của bà. Người Mẹ của Anh đã cho cô bạn địa chỉ và viết thư nói dối rằng “Cô đã tố cáo bà có con trai trốn đi Mỹ khiến bà bị bắt bớ, còn Cô thì đã có chồng khác”. Sau đó, người bạn gái vượt biên thành công sang Mỹ và đã tìm gặp Anh. Khi Anh nghe lời người bạn gái kể lại và lời chứng dối của người Mẹ thì Anh tin ngay. Sau đó Anh kết hôn với cô bạn ấy.
Thật đau buồn, chua xót, Cô nghĩ thế là hết! Anh đã cưới vợ khác, không còn gì nữa để chờ, đợi, mong…Trước đây, Cô vẫn tin rằng sẽ còn cơ hội gặp lại người chồng yêu dấu. Nếu như còn một phần triệu hy vọng gặp lại Anh thì Cô vẫn hy vọng, vậy mà bây giờ cái một phần triệu nhỏ nhoi ấy cũng không còn nữa. Cho nên, dù sau đó Việt Nam và Hoa kỳ có bang giao (1995) hay bình thường hóa quan hệ thì Cô cũng chẳng màng.
Nhớ lại những năm qua, biết bao nước mắt, cô đơn và tủi cực mà Cô đã gánh chịu khi phí cả tuổi xuân để đi tìm và chờ đợi Anh. Vậy mà, giờ đây tình yêu, hạnh phúc và kể cả điều cuối cùng là danh dự của người vợ trẻ cũng bị tước đoạt hết một cách bất công như vậy. Như Ngưu Lang – Chức Nữ xa cách dải sông Ngân, phải nhờ đàn chim Thước bắt cầu thì Cô và Anh xa cách cả Thái Bình Dương rộng lớn biết lấy gì vượt qua. Hơn nữa, bây giờ những lời nói xấu khiến Cô bị Anh hiểu lầm tưởng chừng lớn hơn cả đại dương. Như nàng Tô Thị hóa đá để được ngàn năm đứng chờ chồng, còn Cô đã trải qua tình yêu mật ngọt và cay đắng, giờ tưởng chừng như “tắt lửa lòng” không thể làm lại cuộc đời. Gương vỡ không thể nào lành được, nhưng Cô vẫn muốn cho Anh thấy tấm lòng chung thủy của Cô đối với Anh. Bởi Cô tin rằng đến một ngày nào đó Anh sẽ hiểu được Cô. Vì cớ Anh đã từ bỏ Cô mà không nói một lời, nên Cô luôn mong rằng có dịp nào sẽ nói chuyện với Anh dù chỉ trong năm phút. Thôi thì, sinh ly, tử biệt, quy luật chung của đời người mà ai rồi cũng sẽ trải qua, nhưng mỗi người có thăng trầm tùy theo những cung bậc của số phận. Dù mất mát của Cô có thời điểm, nhưng nào ngờ nỗi đau lại kéo dài đến như vậy.
Mấy mươi năm trôi qua, xã hội có biết bao thay đổi, phát triển mà cuộc đời Cô dường như đứng lại. Mọi mơ ước, khát vọng, tương lai của cuộc đời đã dừng lại từ cái ngày cuối tháng Tư lịch sử ấy. Một ngày mà theo cố thủ tướng Võ Văn Kiệt là: “Có triệu người vui, triệu người buồn.” Để rồi ngày nay tình yêu đã mất, lòng người đổi thay, cuộc đời trôi qua, lịch sử dần sang trang. Trải bao năm qua, tình yêu của Cô đối với Anh từng là hạnh phúc, niềm vui và lẽ sống mà giờ đây tất cả chỉ còn là hoài niệm của quá khứ. Bên Cô vẫn còn những kỉ vật: quyển Album đầy hình ảnh của Anh thời đi học bên Mỹ, chiếc Vali đi bay và cái Mền lông cừu ngày cưới mà suốt bao năm qua Cô vẫn còn giữ, nhưng Anh thì mãi cách xa.
TẤM LÒNG NGƯỜI Ở LẠI
Nếu như trong lịch sử chiến tranh, những chàng trai đất Việt đã vượt qua máu lửa, chết chóc, bom đạn trong những trận đánh khốc liệt để làm tròn trách nhiệm và danh dự của người trai thời loạn đối với tổ quốc, thì Cô lại phải trải qua những ngày chết lặng, tái tê và xót xa cho duyên số của một cô gái dưới thời bình. Trong nỗi tuyệt vọng Cô nhớ lại trước khi học nha khoa, Cô đã từng dạy học ở một trường Tiểu học Tin Lành, rồi ơn nghĩa của hai vợ chồng người Khmer đạo Công giáo đã nuôi dưỡng Cô trong những ngày bị tai nạn. Cô tự hỏi sao mình không theo đạo, không tin Chúa để nhờ Chúa cứu giúp. Vì vậy, Cô đi đến một Hội thánh Tin lành để tìm hiểu về Chúa Jesus. Sau khi được nghe vị Truyền Đạo tại một Chi hội giải thích về sự cứu rỗi trong Chúa Jesus Christ, Cô quyết định tin Chúa và từ đó chính thức trở thành tín hữu của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam). Từ đây, đời sống Cô bắt đầu rẽ sang một bước ngoặt mới, không phải về phương diện thuộc thể nhưng tâm linh. Từ khi kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Chúa Jesus, Cô dần nguôi ngoai nỗi buồn về người chồng năm xưa, niềm đau cũng phôi phai. Dù đánh mất tình yêu đôi lứa, nhưng Cô đã nhận được tình yêu trường cửu của Chúa cho cuộc đời mình. Bởi vì giờ đây Cô hiểu rằng tất cả những tình yêu con người rồi sẽ tàn phai chỉ có tình yêu trong Chúa là đời đời.(2)
Sau hơn 20 năm tin Chúa Cô thấy lòng nhẹ nhàng hơn xưa, không còn bị nỗi đau khống chế đời sống mình. Thật chỉ trong Chúa mọi vết thương lòng được rịt lành và những nỗi buồn được an ủi. Trong tình yêu của Chúa, Cô đã bớt buồn người chồng đã bỏ Cô để vui duyên mới cũng không còn giận người bạn gái năm xưa đã giựt chồng mình. Sau bao mất mát, Cô thấy mình đã tìm được may mắn khi tin Chúa và có Chúa trong đời sống mình. Trong tình yêu của Chúa Cô mong muốn nơi xứ người, Anh và người vợ mới hãy đón nhận tình yêu của Chúa, tin nhận Ngài. Bởi vì Chúa là Đấng Cứu Thế đến thế gian để cứu chuộc cho con người tội lỗi, trong đó có cả Anh. Tâm nguyện sau cùng của Cô là trên Thiên Đàng rồi sẽ gặp lại Anh, nơi ấy sẽ không còn chia ly, hiểu lầm hay khổ đau, Chúa là Đấng sẽ lau ráo mọi giọt lệ của quãng đời buồn. Thiên đàng chính là quê hương dấu yêu, nơi hẹn ước sau cùng mà Cô mong Anh lần cuối này đừng lỡ hẹn.
THAY LỜI KẾT
Trên đây là một câu chuyện thật của hai vợ chồng mới cưới trong biến cố 30/ 4/ 1975. Dù là kẻ hậu sinh sau cuộc chia ly lịch sử ấy, nhưng người viết đã thực sự xúc động khi chứng kiến tình yêu tuyệt vọng của Cô trong suốt nhiều năm. Dưới sự nhờ cậy của nhân vật chính, người viết đã sơ lược lại bối cảnh, tình yêu và tấm lòng của Cô trong suốt 40 năm qua cách trung thực nhất. Câu chuyện này được viết lại với ước mong tấm chân tình của Cô – một phụ nữ Việt Nam (Miền Nam) trong giai đoạn sau 1975 đến ngày nay, sẽ không bị lãng quên bởi thời gian và lòng người.
Hiện nay, người viết nhận thấy Cô không có ý trách móc người chồng cũ. Cho nên nếu tình cờ Anh có đọc được những dòng chữ này thì xin Anh đừng buồn hay đau lòng mà hãy vui và hãnh diện vì đã từng có một tình yêu đẹp trong đời và được một người phụ nữ chung tình đến như vậy. Hơn nữa trong cuộc chia ly này Anh là người may mắn. Cuối cùng, người viết muốn thông tin cho Anh biết hiện nay Cô sống tốt, và đang theo đuổi một chương trình học suốt 7 năm qua. Nếu không có gì thay đổi Cô sẽ gặt hái thành công vào đầu năm 2016, mà không biết tại đất Mỹ Anh có làm được như vậy không? Nếu Anh mà biết được kết quả của Cô chắc sẽ bất ngờ thú vị.
July 30, 2014.
Hoa Mai
(1) Trích trong “Lời Than Thở của Nàng Mỹ Thuật” của Thế Lữ [Nguồnhttp://tintuc.hoasen.
(2) Theo tiếng Hy lạp, tình yêu được chia thành 4 loại:
a. Αγαπη (Agape): Tình yêu mặc dù, đây là tình yêu cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đó là tình yêu mà Đức Chúa Trời dành cho con người, dù cho con người chống nghịch Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu thương ban Chúa Jesus đến thế gian hy sinh chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc con người tội lỗi.
b. Φιλεω (Phileo): Tình bằng hữu, là tình yêu thấp hơn Agape, nhưng cao thượng hơn Eros.
c. Στοργη (Stoρge): Tình yêu thương giữa những người có cùng huyết thống trong gia đình.
d. Ερως (Eros): Là tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa.
Cả ba loại tình yêu bên dưới là tình yêu nhân thế, tình yêu giữa con người với nhau. Những tình yêu này luôn có khuynh hướng “vì” và “nếu” nhưng chỉ có tình yêu Agape – tình yêu mặc dù của Đức Chúa Trời là tốt nhất, bất chấp đối tượng không xứng đáng hay hoàn cảnh ra sao thì Ngài vẫn yêu thương với tình yêu không đổi. Thánh kinh dạy rằng:
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nổi đã ban con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3: 16).
http://hoiquanphidung.com/