Ngày mồng Năm, Kỷ Dậu (1789) – cách đây 233 năm một trận đánh lịch sử của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã làm cho quân xâm lược nhà Thanh phương Bắc khiếp hồn bạt vía. Bại tướng Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng để quân lính gánh tháo chạy về Tàu. Hôm nay, Mồng 5 năm Nhâm Dần 2022, tưởng niệm anh hùng áo vải Lam Sơn Nguyễn Huệ (Vua Quang Trung), Triều Phong Đặng Đức Bích viết lại về sự nghiệp Nhà Tây Sơn…
NHÀ TÂY SƠN
1 – Tình trạng xã hội:
Vào thế kỷ thứ 16, ở nước ta uy quyền của nhà Lê không còn nữa, quyền bính nằm trong tay họ Trịnh. Đến đầu thế kỷ thứ 17, giặc giã nổi lên nhiều nơi trong nước. Trịnh Giang chuyên quyền, giết vua Lê, lại còn tàn sát các đại thần như Nguyễn Công Hãn, Lê Anh Tuấn. Họ Trịnh ăn chơi xa xỉ, khiến công quỹ thiếu hụt, sưu thuế nặng nề.
– Loạn lạc Miền Bắc: Lúc bấy giờ có Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ nổi lên tại làng Ninh Xá tỉnh Hải Dương, Vũ Trác Oanh nổi lên tại làng Mộ Trạch huyện Đường An, Hoàng Công Chất và Vũ Đình Dung ở Sơn Nam, quan quân địa phương đánh dẹp không nổi. Đây là những tổ chức nổi loạn lớn, còn các đám giặc cỏ thì nhiều không kể xiết. Nhóm đông có tới hàng vạn người đi cướp phá từ thành thị đến thôn quê.
– Vụ loạn Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương: Nguyễn Hữu Cầu mệnh danh là Quận He, một thời vô cùng oanh liệt, hoạt động ở vùng duyên hải Bắc Việt. Nguyễn Danh Phương mệnh danh là Quận Hẻo, hoạt động tại vùng tam giác Vĩnh Yên, Sơn Tây, Việt Trì. Năm 1744, Nguyễn Danh Phương có tới hơn một vạn quân, nhiều phen làm quân Triều đình điêu đứng.
– Vụ loạn Hoàng Công Chất: Họ Hoàng nổi lên cùng thời với các thủ lãnh phiến loạn Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, nhưng chiến đấu lâu dài hơn. Hoàng Công Chất lưu động nhiều nơi, hợp với một số thủ lãnh khác, có lúc đông lên đến hàng vạn người. Triều đình phải huy động nhiều binh sĩ và tướng tài, vất vả trong việc tiêu trừ loạn lạc.
– Vụ loạn Quý tộc nhà Hậu Lê: Vào năm 1738, ba Hoàng thân Lê Duy Mật, Lê Duy Quý, Lê Duy Trác âm mưu giết chúa Trịnh, chẳng may việc không thành, phải bỏ chạy vào Thanh Hóa lập nhóm đối kháng, chống lại Triều đình trên 20 năm.
– Trịnh – Nguyễn phân tranh: Cuộc tranh bá đồ vương phân tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài trên một trăm năm (1620-1775), làm biết bao người chết. Việc tranh giành ngai vàng, nghiệp Chúa đã khiến nhân dân điêu đứng, lầm than qua bao nhiêu thế hệ.
Ở miền Bắc, Triều đình nhà Lê mất hết quyền hành, họ Trịnh chuyên quyền giết vua, hãm hại công thần. Giặc giã nổi lên khắp nơi, dân chúng trăm bề điêu linh khổ sở.
Trong Nam, Chúa Nguyễn Phúc Thuần còn trẻ tuổi, quyền hành nằm trong tay gian thần phụ chính Trương Phúc Loan. Chế độ tham nhũng, áp bức và bóc lột đã làm trăm họ nghèo đói.
Trước tình trạng xã hội đen tối đó, Nhà Tây Sơn đã đứng lên, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, là lật đổ chế độ thối nát, đem công bằng và cơm no áo ấm cho dân chúng. Giáo sĩ Diego de Jumilla đã viết về Nhà Tây Sơn: “Quân đội Tây Sơn từ miền núi phóng xuống thôn quê, chợ búa giữa ban ngày. Họ có đủ gươm, giáo, súng, nõ, nhưng không hại tính mạng và tài sản của ai hết. Trái lại, họ tuyên ngôn làm các việc công bằng, thẳng thắn, chỉ trừ khử bọn quan tham lại nhũng, những kẻ trọc phú, lưu manh và trộm cướp. Họ lấy của nhà giàu phân phát cho người nghèo, chỉ dành cho họ một phần thóc gạo mà thôi. Ai chống lại họ giết, biết điều thì thôi”.
2 – Thời kỳ chuẩn bị:
– Thân thế:
Chúng ta thấy rằng trong cuộc đời này, nói để một người nghe theo mình là chuyện khó, hai ba người hoặc một nhóm người theo mình là chuyện khó hơn, nói chi đến việc thuyết phục cả nước, cả dân tộc. Nếu không có tài, nếu không phải là mệnh trời thì khó mà làm được.
Áo vải cờ đào, dựng nên cơ nghiệp.
Tổ tiên Nhà Tây Sơn là họ Hồ ở Hoan Châu, Nghệ An, vào Quy Nhơn lập nghiệp. Họ Hồ đổi ra họ Nguyễn lúc nào không ai biết. Ông Nguyễn Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng sinh ra ba anh em Nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tại làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Bình Khê, nay thuộc khuôn viên Điện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Ông Bà lập bến Trường Trầu, buôn bán trầu cau với người Thượng Tây Nguyên.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa đã được chuẩn bị từ trước năm 1771. Ba anh em Tây Sơn là những trang hào kiệt, đầy mưu lược. Nhờ tài ngoại giao khéo léo, thu phục được nhân tâm, đãi ngộ nhân tài, anh hùng hảo hán khắp nơi tụ về rất đông.
– Thầy Giáo Hiến:
Tên thật là Chu Văn Hiến, dòng dõi Minh Thành Tổ Chu Nguyên Chương bên Tàu. Nhà Minh bị Nhà Thanh lật đổ, con cháu Nhà Minh phải lưu lạc khắp nơi. Thầy Giáo Hiến là một nhân sĩ văn võ song toàn, kết bạn anh em với quan Nội Hữu Trương Văn Hạnh, một đại thần đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Trương Văn Hạnh đề nghị Thầy Giáo Hiến đổi họ thành Trương Văn Hiến để che mắt sự theo dõi của quan quân Nhà Thanh.
Thời bấy giờ, Đại thần Trương Phúc Loan tự ý phế lập Chúa, không một ai tại phủ Chúa dám ngăn cản, chỉ có Trương Văn Hạnh phản đối kịch liệt, bị Trương Phúc Loan ra lệnh giết chết. Trương Văn Hiến sợ vạ lây, cùng gia đình lánh nạn vào phương Nam, đến làng An Thái, huyện An Nhơn, Bình Định mở trường dạy học.
Trương Văn Hiến là người thông minh, học cao hiểu rộng, giỏi về khoa lý số, quán triệt nhân sự. Trong khi truyền dạy văn võ, Thầy giáo Hiến luôn luôn nhắc nhở: “Nam nhi phải có chí lớn”, đề cao cuộc Cách Mệnh Thanh Vũ và ông thường nói: “Tây Sơn khởi nghĩa, Bắc thu công”. Ông đã rèn luyện và đào tạo nhiều môn đệ kiệt xuất, trong đó có ba anh em Nhà Tây Sơn và mối thù của nghĩa huynh sau này cũng được xóa.
– Quy tụ anh hùng hào kiệt:
Từ năm 1771-1773, thời gian chuẩn bị, ông Nguyễn Nhạc là người mưu trí, đảm lược, hiểu rõ tình thế, đã mở rộng thương trường, giao du trong thiên hạ, quy tụ hào kiệt, kết thân với các cao thủ có hàng trăm môn đệ.
Câu chuyện ông Nguyễn Nhạc là Vua Trời, được Trời phong Quốc Vương, còn cho cả ấn kiếm, được loan truyền trong khắp phủ huyện. Anh hùng hào kiệt quy tụ về rất đông vì tin ông là Vua Trời, có mạng Đế Vương.
Chúng ta thường nghe đến Tây Sơn Thập Bát Cơ Thạch, tức 18 nhân tài, tượng trưng cho 18 tảng đá làm nền móng cho Nhà Tây Sơn: Thất Hổ Tướng, Lục Kỳ Sĩ và Ngũ Phụng Thư.
– Thất Hổ Tướng: Đây là 7 tướng tài trong Thập Bát Cơ Thạch, đã giúp Nhà Tây Sơn dựng nghiệp lúc ban đầu, gồm có: Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Tuyết, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Lộc và Lý Văn Bưu. Nghe tin Tây Sơn Tam kiệt cầu ứng nhân tài, hào kiệt, quần hùng khắp nơi tụ về rất đông, giúp Nhà Tây Sơn chiêu mộ và rèn luyện binh sĩ, chế tạo vũ khí, lập kho lương thực, chiếm các nơi trọng yếu làm căn cứ địa.
– Lục Kỳ Sĩ: Ngoài Thất hổ tướng còn có Lục kỳ sĩ, gồm 6 học sĩ, đóng góp công sức rất nhiều trong cơ đồ đại nghiệp Nhà Tây Sơn. Đó là các ông Nguyễn Thung, Võ Xuân Hoài, Cao Tắc Tựu, La Xuân Kiều, Triệu Đình Tiệp và Trương Mỹ Ngọc. Đây là các bậc hiền sĩ, giỏi văn chương, thông kinh sử, đã giúp Nhà Tây Sơn xây dựng bộ máy hành chính, kế hoạch ổn định những vùng mới chiếm, kiện toàn hậu phương yểm trợ tiền tuyến.
– Ngũ Phụng Thư: Ngũ phụng thư là 5 bậc anh thư, gồm có bà Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc. Họ quán xuyến cơ sở hậu cần, quân lương, quân dụng và lập ra một đội nữ binh nổi tiếng, giỏi về kiếm cung, côn quyền. Ca dao vẫn còn truyền tụng trong dân gian:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền
– Chinh phục người Thượng Tây nguyên:
Câu chuyện khác, ông Nguyễn Nhạc dùng đôi giỏ bội đan bằng tre để gánh nước, dùng ngựa nhà tập luyện công phu, dụ được bầy ngựa trời, đã làm các bộ lạc Thượng Bana, Rađê, Gia Rai tin ông là Người Trời, đem cả làng Thượng, buông Thượng về thần phục và từ đây vùng Tây Nguyên mới thực sự là đất của Tây Sơn.
Thời đại Nhà Tây Sơn có 5 con ngựa chiến nổi tiếng mà người đời gọi là Tây Sơn Ngũ Thần Mã: Ngựa Bạch Long Câu của Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, Ngựa Xích Kỳ Mã của Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết, Ngựa Ô Du của Tướng Đặng Xuân Phong, Ngựa Ngân Câu của Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Ngựa Hồng Lư của Đô Đốc Lý Văn Bưu. Đây là những con chiến mã to lớn, dũng mãnh, chạy nhanh như gió thuộc loại Thiên Lý Mã, trung thành cùng chủ tướng, góp công sức trong việc xông pha trận mạc từ Bắc chí Nam không biết mỏi mệt.
– Thuyết phục khách trú người Hoa, người Chiêm Thành:
Nhờ chính sách ngoại giao khéo léo, đãi ngộ nhân tài, hai thủ lãnh người Hoa là Lý Tài và Tập Đình cũng kéo quân về giúp Nhà Tây Sơn. Binh Sĩ của hai tướng Tàu này phần lớn là người Quảng Đông, vóc to lớn, mình để trần, họ sử dụng thanh đao rất lợi hại.
Ngoài ra, vị vua cuối cùng của người Chàm là Thị Hỏa, các giới tu sĩ Phật Giáo, Lão Giáo, các sắc tộc thiểu số đều nhiệt liệt ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Nhà Tây Sơn.
Thời cơ đã đến, Nhà Tây Sơn tiến hành cuộc khởi nghĩa, chiếm thành Quy Nhơn, làm căn cứ xuất phát đi đánh các nơi khác.
3 – Công cuộc khởi nghĩa:
Một giáo sĩ Tây Ban Nha kể rằng: “Nhà Tây Sơn tự xưng là những người theo mệnh Trời để thi hành công lý và giải phóng nhân dân khỏi ách quan liêu phong kiến, họ được mọi từng lớp, mọi giới ủng hộ. Quân Tây Sơn đi đến đâu thắng đến đó như trận cuồng phong lướt gió ”.
– Gây thanh thế: Ông Nguyễn Nhạc là người can đảm và mưu trí, nên việc hạ thành Quy Nhơn để gây thanh thế của ông đã là một câu chuyện kỳ thú: ông ngồi vào cũi, giả bị dân chúng bắt, đem nộp quan tỉnh lấy thưởng. Tuần phủ ở đây là Nguyễn Khắc Tuyên tưởng thật, cho khiêng củi vào thành, nhưng đến nửa đêm, ông Nhạc tháo cũi ra, mở cửa thành cho quân của mình xông vào, đánh đuổi quân quan một cách bất ngờ, trở tay không kịp.
Quân Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn vào năm 1773, tổ chức quân đội có quy củ, trang bị đủ khí giới, là lúc ngọn cờ cách mạng tiến ra Bắc, đánh vào Nam mạnh như thác lũ.
Trong thời gian này, Chúa Nguyễn bị quân Trịnh do tướng Hoàng Ngũ Phúc đánh đuổi, phải chạy vào Quảng Nam nương náu tại Bến Ván. Tại đây chúa Nguyễn lập cháu là Nguyễn Phúc Dương lên làm Đông Cung Thái tử, phòng xa nếu bị rủi ro, có người kế vị. Quân Tây Sơn tiến lên, quân Trịnh phương Bắc đi xuống. Chúa Nguyễn bị kẹt giữa hai gọng kềm, trốn tránh vào Trà Sơn, rồi cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định.
– Đánh vào phía Nam: Sau khi đánh chiếm Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quy Nhơn và Phú Yên, năm 1775 quân đội Tây Sơn đánh vào Sài Côn, chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chạy đến Trấn Biên. Năm 1776, Nhà Tây Sơn lớn mạnh, Nguyễn Nhạc xây thành Đồ Bàn làm kinh đô, xưng là Tây Sơn Vương, phong Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phụ chính.
Năm Đinh Dậu 1777, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem đại binh vào đánh Gia Định, chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, Hoàng tôn Dương tử trận, chỉ Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát được.
Năm Mậu Tuất 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhượng tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế. Năm Nhâm Dần 1782, vua Thái Đức và Nguyễn Huệ đem binh vào cửa Cần Giờ, tiêu diệt quân Nguyễn Phúc Ánh tại Ngã Bảy Thất kỳ Giang. Tháng Tư năm ấy, Nguyễn Huệ đem quân đến Lữ Phụ, đánh tan quân Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát thân trốn ra đảo Phú Quốc. Trong trận này, Nguyễn Phúc Ánh cầu cứu một người Pháp tên là Manuel đem thủy quân đến giúp, nhưng không chống nổi, Manuel phải đốt tàu mà chết. Nguyễn Huệ kéo quân về Quy Nhơn.
Năm 1783, Châu Văn Tiếp chiếm được Sài Côn rước Nguyễn Phúc Ánh về Gia Định. Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem quân vào Gia Định, đánh tan quân Châu Văn Tiếp, Nguyễn Phúc Ánh suýt chết, phải trốn sang Xiêm cầu viện. Xong trận này Nguyễn Huệ lại về Quy Nhơn, Trương Văn Đa được cử làm Trấn thủ Gia Định.
Năm 1784, Nguyễn Phúc Ánh lại rước quân Xiêm La về giúp. Nguyễn Huệ được tin, vội vào Gia Định, tiêu diệt quân Xiêm La.
– Đánh ra phía Bắc: Phía Nam đã yên, năm 1786 Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đánh quân Trịnh, dẹp quân Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể chiếm Thuận Hóa, phá tan quân Trịnh Tự Quyền chiếm Sơn Nam, đánh quân Đinh Tích Nhưỡng chiếm Lỗ Giang, tiêu diệt quân Hoàng Phùng Cơ trên sông Thủy Ái.
Tin Trịnh Tự Quyền và Đinh Tích Nhưỡng bại trận, làm cho triều đình Bắc Hà điên loạn. Ưu binh và nhất binh tức lính Tam Phủ, hằng ngày vỗ ngực khoe khoan trung thành với Vua, Chúa, bây giờ bỏ chạy trước. Nhưng chạy đến đâu thì dân chúng giết đến đấy. Với đám dân quân nghịch nhau như vậy, cũng đủ thấy ngai vàng của Vua Lê, Chúa Trịnh sụp đổ rồi, không kể đến nguyên nhân khác.
Chúa Trịnh Khải đem hết tinh binh ra ngoài cửa Tây Long bày trận dưới Ngũ Long Lâu ngày 25 tháng 6 năm Bính Ngọ. Quân Tây Sơn rầm rộ xông lên, binh sĩ hò thét vang dậy khắp vùng. Chúa Trịnh phất cờ lệnh tiến quân. Quân Tây Sơn tràn lên như vũ bão, còn quân Trịnh chẳng ai dám liều mình. Chúa Trịnh liền thúc voi trở về Vương phủ, thì trên cửa Tuyên Vỏ, cờ Tây Sơn đang phất phới bay. Chúa Trịnh Khải bỏ chạy đến làng Yên Lãng, thì bị bắt, rút dao đâm cổ mà chết. Họ Trịnh chấm dứt sau 216 năm, hơn 2 thế kỷ tác oai tác quái miền Bắc.
Nguyễn Huệ vào Hoàng Thành ngày 26 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786). Quân Tây Sơn giữ gìn kỷ luật rất nghiêm chỉnh, không động chạm đến tài sản và tính mệnh của nhân dân. Nguyễn Huệ gặp vua Lê tại cung Vạn Thọ, trước mặt vua Lê, Nguyễn Huệ nói với vua Lê rằng: “Quân Nam hà ra Bắc chỉ có ý phù Lê diệt Trịnh và làm theo lòng người ”. Đây cũng là cách thức ngoại giao rất khôn khéo. Lúc bấy giờ các cựu thần đi lánh nạn không còn một ai, vua Lê cho đi tìm các quan đại thần Phan Lê Phiên, Trần Công Sán, Uông Sĩ Điển đến lo thù tiếp vị thượng khách. Ít bữa sau, dân chúng lại kéo nhau trở về, chợ búa lại họp, các hoạt động hằng ngày lại tiếp tục theo nhịp sống bình thường.
Để nối tình giao hảo, vua Lê gả Công Chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ, 16 tuổi với nhan sắc diễm lệ, lại có tài văn chương thi phú, mà sau này khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất, Ngọc Hân có làm một số bài thi, phú rất thống thiết nổi tiếng. Mười ngày sau vua Lê Hiến Tông băng hà, Hoàng Tôn Lê Duy Kỳ lên ngôi, niên hiệu là Chiêu Thống.
Vào lúc đó, Vua Thái Đức cũng ra tới Thăng Long. Gặp vua Lê, vua Thái Đức nói: “Họ Trịnh chuyên quyền, chúng tôi đem quân ra đây chỉ có ý giúp nhà vua mà thôi. Nếu đất Bắc Hà của Trịnh thì một tấc chúng tôi cũng lấy, nhưng của nhà Lê thì một tấc chúng tôi cũng không tưởng, chỉ mong nhà Vua giữ vững kiền cương, giữ yên bờ cõi, để hai nước chúng ta đời đời giao hảo ”. Hai bên hoan hỷ, tiệc vui khoản đãi. Sau đó quân Tây Sơn rút về Nam.
Chính sách ngoại giao của Nhà Tây Sơn rất khôn khéo, không gây tị hiềm, xung đột giữa hai thế lực tranh ngai vàng tạo thêm cảnh binh đao đầu rơi máu đổ, mà còn đáp lại nguyện vọng của dân chúng là quân dân muốn được an vui trở về với gia đình.
Nhà Lê trị vì đã lâu đời, sĩ phu Bắc hà rất nhiều, xử sự không khéo sẽ đi đến chỗ bất hòa, chiến sự bùng phát.
Trong việc dùng người, Nhà Tây Sơn biết phục thiện, nhất là Nguyễn Huệ, nghe ai là kẻ tài giỏi hoặc hiền đức, lấy lễ tân sư, tức là vừa coi là khách vừa coi là thầy, mời tham gia việc nước. Đó là trường hợp đối xử với các ông La San Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đăng Trường, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích v.v…
4 – Chiến công oanh liệt, diệt giặc ngoại xâm:
– Tiêu diệt quân Xiêm La:
Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự. Hành quân tốc chiến tốc thắng, biến hóa như thần. Hiệu lệnh nghiêm minh, kỷ luật sắt thép. Đức tính làm tướng của ông, đáng kể nhất ở chỗ biết chia bùi sẻ đắng với tướng sĩ, lấy ân uy và đảm lược để chinh phục lòng người.
Ra trận ông đi trước ba quân, lúc nguy nan, ông tỏ ra bình tĩnh. Gặp những vấn đề khó khăn, những việc mà người khác phải khiếp vía kinh hồn, thì ông thường nảy ra nhiều mưu kế lợi hại, tỏ ra có một khối óc thông minh lỗi lạc phi thường. Từ khi làm tướng, giữa lúc nước nhà ly loạn khắp nơi, đến khi ông mất, xông pha bách chiến bách thắng, ông chưa hề biết chiến bại.
Năm Giáp Thìn 1784, Nguyễn Phúc Ánh rước quân Xiêm La (Thái Lan bây giờ) về giúp. Xiêm La cử hai tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đêm sang Nam Việt Nam hai vạn quân và 300 chiến thuyền chiếm Rạch Giá, Ba Thắt, Trà Ôn và Mân Thít. Đi đến đâu quân Xiêm cướp bóc và quấy nhiễu dân chúng đến đó, thật là tai hại.
Được tin, Nguyễn Huệ vội vào ngay Gia Định, áp dụng chiến thuật lùi để nhử địch vào các điểm chiến lược. Tại Xoài Mút, Nguyễn Huệ đặc phục binh bên Rạch Gầm nay thuộc tỉnh Định Tường. Quân Xiêm La đến thì quân của Nguyễn Huệ đổ ra bất thình lình, đánh cả hai mặt thủy bộ. Quân Xiêm xoay trở không kịp, chết và bị thương rất nhiều, mười phần chỉ còn một, hai, mang đầu chạy về nước.
Nhà thơ Lê Bính đã làm bài thơ Đường luật, ca ngợi công đức của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ:
Trịnh Nguyễn hai bên dẹp đã đành
Thêm còn giữ nước thắng nhà Thanh
Ngai vàng Chiêu Thống gìn cương kỷ
Duyên thắm Ngọc Hân nặng nghĩa tình
Sĩ Nghị mang sầu tâu Bắc khuyết
Càn Long vỡ mộng dẫm Nam thành
Xiêm La tướng sĩ ôm đầu chạy
Nước Việt từ đây hưởng thái bình
– Đánh tan quân Mãn Thanh:
Năm 1787, Vua Thái Đức xưng làm Trung ương Hoàng Đế, kinh đô Đồ Bàn đổi là Hoàng Đế Thành, phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, trấn thủ Thuận Hóa, phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương trấn giữ đất Gia Định.
Từ lúc Tây Sơn kéo quân trở về Nam, tình hình Bắc Hà trở nên sôi động, Trịnh Bồng nổi lên tranh quyền. Vua Lê phải nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra giúp, đánh đuổi Trịnh Bồng. Sau đó Nguyễn Hữu Chỉnh ỷ vào công trạng, lấn ép vua Lê.
Tháng 11 năm Đinh Mùi (1787), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm, đem quân ra Bắc dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh. Vua Lê Chiêu Thống cùng nhóm hoàng thân Lê Quýnh và bầy tôi chạy lên Cao Bằng rồi sang Tàu cầu cứu. Năm sau Bắc Bình Vương đem quân ra Bắc tiễu trừ Vũ Văn Nhậm vì kiêu căng, cậy quyền thế, rồi giao quyền hành lại cho Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích, giúp Sùng Nhượng Công Lê Duy Cẩn làm Giám Quốc trị nước.
Dựa vào sự cầu viện của Lê Chiêu Thống, Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị dâng sớ tâu Vua Càn Long bên Tàu, lợi dụng cơ hội phù Lê đánh Tây Sơn, sang chiếm nước Nam. Vua Càn Long chấp thuận đề nghị, ra lệnh chuẩn bị việc ăn ở cho cung quyến Lê Chiêu Thống, đồng thời đưa nhà vua về nước hiệu triệu thần dân để làm hậu thuẫn cho đoàn quân xâm lăng Nam chinh.
Thanh triều liền huy động 20 vạn binh mã bốn tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Quảng Đông và Quảng Tây chia làm ba ngả Nam Quan, Tuyên Quang và Cao Bằng, tháng 11 năm 1788, kéo thẳng vào nước ta.
Tôn Sĩ Nghị và vua Lê Chiêu Thống trấn an nhân dân, nhưng phần lớn vì bè đảng Lê Chiêu Thống trả thù, phần khác là sự cướp bóc của quân Thanh, dân chúng kêu la, oán hận. Mọi người chỉ còn trông chờ vào Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), Ngô Văn Sở từ núi Tam Điệp cho tin cấp báo về Phú Xuân, việc Tôn Sĩ Nghị đưa quân xâm lăng, kéo thẳng vào Thăng Long. Nguyễn Huệ tỏ ra rất bình tĩnh. Các tướng sĩ yêu cầu ngài hãy chính hiệu để buộc lấy nhân tâm, dương thanh thế rồi sẽ tiến quân ra Bắc. Nguyễn Huệ cho là phải, liền cho đắp đàn giao ở núi Bàn Sơn, phía nam núi Ngự Bình, tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế kỷ nguyên là Quang Trung ngày 25/11/1788.
Vua Quang Trung khởi hết cả quân Thuận, Quảng, Thanh, Nghệ, đem ra Bắc Hà. Ngày 20 tháng chạp, đoàn quân tới núi Tam Điệp, khao thưởng quân sĩ, truyền cho ba quân tạm ăn Tết trước, ông nói: “Chúng ta ăn Tết trước, đợi sang Xuân ngày mồng bảy vào Thăng Long sẽ mở tiệc lớn, các người hãy nhớ lấy lời ta, xem ta nói có sai không, không hề sai đấy ”.
Vua Quang Trung chia Đại quân Tây Sơn làm 3 đạo:
– Đạo thứ nhất do Đô Đốc Lộc và Đô Đốc Tuyết chỉ huy Tả quân kiêm Thủy Quân, vượt biển vào sông Lục Đầu đánh tới. Một cánh tiến đến Hải Dương để tiếp ứng mặt đông, một cánh thẳng đến Yên Thế, Lạng Giang, Phượng Nhãn để chặn đường rút lui của địch.
– Đạo thứ hai do Đô Đốc Bảo và Đô Đốc Long chỉ huy Hữu quân kiêm Tượng binh. Kỵ binh từ làng Mọc đánh vào đồn Điền Châu, Tượng binh từ Sơn Minh đánh ra Đại Áng.
– Đạo thứ ba do Vua Quang Trung thống lĩnh đại binh tiến đánh các đồn, lũy từ Hà Hồi đến Tây Long là nơi Tôn Sĩ Nghị đặt bản doanh.
Mồng ba tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung kéo quân đến vây đồn Hà Hồi, nay thuộc tỉnh Hà Đông, truyền loa gióng trống ầm ầm, đến vài vạn người. Quân Tàu trong đồn run sợ, tan rã mà chạy, bắt được giết hết, không còn tên quân Tàu nào chạy lọt về báo Thăng Long được nữa. Vua Quang Trung thừa thắng đánh tràn đến Ngọc Hồi, Vân Điển, Yên Quyết, giết được tướng Tàu là Đề Đốc Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng. Tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống không địch nổi, treo cổ tự vận trên cành cây đa.
Tôn Sĩ Nghĩ được tin cấp báo, mất tinh thần, không kịp đóng yên ngựa, cùng vài thân binh, vượt qua cầu phao trên sông Nhị Hà chạy qua phía Bắc. Quân sĩ tranh cầu, xô nhau mà chạy, cầu đổ, chết hàng mấy vạn người, đến nỗi xác người chết đông nghẹt làm nước sông Nhị Hà không chảy đi được.
Hôm ấy là ngày mồng Năm Tết Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung mặc chiến bào xông pha trận mạc, thẳng vào Thăng Long. Chiếc bào đỏ của vị anh hùng dân tộc, qua nhiều trận huyết chiến đã đổi ra màu đen cháy vì hơi khói của thuốc súng.
Nhà thơ Trần Văn Tâm đã làm bài thơ ca tụng chiến công oanh liệt của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, thắng quân Thanh trong những trận đánh thần tốc oai hùng:
Đại phá quân Thanh, Xuân Kỷ Dậu 1789
Vua Quang Trung khăn vàng buộc cổ
Đốt sạch quân lương
Quân Sĩ đồng lòng
Hò reo như sấm nổ
Lớp lớp hùng binh
Hàng hàng chiến tượng
Ngài cưỡi đầu voi tướng
Chỉ ngọn cờ đào, hùng dũng tiến quân
Trong nắng sớm mùa xuân
Áo bào đỏ oai nghi rực rỡ
Sĩ tốt ghép mộc gỗ
Chống lại súng thần công
Sức công thành mạnh như thác đổ
Đạp lũy hào, liều chết xông lên
Quân reo ngựa hí vang rền
Hỏa hồ cháy đỏ liên thành liền tan
…………………………………………
Mỗi độ xuân về
Lòng vui rộn rã
Nhắc chiến công xưa
Trang sử Việt uy nghi hồn Đại Đế
Trong khói trầm thơm tỏa
Anh linh hồn núi sông
Hỡi thế hệ Quang Trung
Hỡi tinh thần bất khuất
Hãy vùng lên phất ngọn cờ vàng
Cứu đất nước lầm than khổ ải.
5 – Nội trị và Ngoại giao:
– Thống nhất đất nước:
Năm Giáp Thìn 1784, Nhà Tây Sơn đã kiểm soát hết Nam Hà, vào tới Hà Tiên. Mạc Cửu lúc này đã chết, quân chúa Nguyễn bị tan rã hoàn toàn. Năm Ất Tỵ 1785, quân Nguyễn Phúc Ánh chỉ còn là một lực lượng không đáng kể, phải đào vong ra nước ngoài, lại chạy sang Xiêm La một lần nữa.
Sau chiến thắng lừng danh, đại phá quân Thanh mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung cho quân đội đuổi quân Thanh qua khỏi cửa ải Lạng Sơn. Người Tàu bị chấn động dữ dội, từ cửa ải trở lên phía Bắc, già trẻ dìu dắt nhau chạy trốn. Hàng mấy trăm dặm tuyệt nhiên không có người và khói bếp. Vua tôi Lê Chiêu Thống bôn tẩu theo đám tàn binh sang Tàu, bị vua Càn Long Nhà Thanh giam lỏng, chết nhục nơi đất khách.
Vua Quang Trung, bốn lần bạt thành Gia Định, ba lần vào Thăng Long, thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh, đánh bại quân Xiêm La, phá tan quân Mãn Thanh, thống nhất đất nước.
– Nội trị:
* Về quân sự:
Quân đội được chia ra thành 5 đạo như trong hồi đánh nhau với Nhà Thanh. Ngoài ra còn có 11 đội quân đặc biệt khác, tạo thành quân chủ lực của Quốc gia. Ông thường nói: “Binh lính cốt hòa thuận chứ không cốt đông, cốt tinh nhuệ chứ không cốt nhiều ”.
Theo lời các nhà truyền giáo, quân đội Tây Sơn có tinh thần chiến đấu rất cao, kỷ luật sắt thép, không xâm phạm tài sản của dân chúng. Người lính được huấn luyện thuần thục, gan dạ, một chống nổi ba bốn, nên đánh đâu thắng đấy.
* Về hành chánh:
Bộ máy triều đình trung ương có lục bộ Thượng Thư, Tả hữu đồng nghị, Tả hữu phụng nghị, Tư Vụ, Hàn Lâm, Hiệp biện Đại Học Sĩ… Tổ chức địa phương Tổng, Huyện có võ quan cai quản và thao luyện quân đội, văn quan phụ trách binh lương, thuế khóa. Dưới nữa có Xã Trưởng, Thôn Trưởng, như đời nay. Ngô Thời Nhiệm có chép bài chiếu “Khuyến Nông” của vua Quang Trung, chú ý đến hai điều: “Sao cho ruộng đất sản xuất được nhiều. Sao cho nhân khẩu gia tăng, dân chúng đông đảo“.
Về ruộng đất công điền, tư điền, thuế khóa cũng được cải tổ. Năm Quang Trung thứ tư, trong nước khắp nơi đều được mùa vì mưa thuận gió hòa. Nếp sống dân chúng đầm ấm, phát đạt, do chính sách ưu ái nhân dân của Triều đình. Năm nào có thiên tai bão lụt, hạn hán, triều đình lại giảm thuế, ân xá tội cho dân chúng.
* Nhân tài và khoa cử:
Vua Quang Trung là một thiên tài về quân sự, ngoài ra ông rất chú trọng về văn hóa và chính trị. Nhà vua có nhiều sáng kiến đặc biệt, phát sinh ở một tinh thần cách mạng quốc gia rất sáng suốt và cấp tiến. Các nho sinh đỗ đạt tân, cựu đều được đãi ngộ, trọng dụng. Đáng chú ý nhất là việc sử dụng chữ Nôm.
Vua Quang Trung đề cao tinh thần quốc gia mãnh liệt, một ý niệm cách mạng rất thực tế. Trong khoa cử, học hành, chữ Nho vẫn được dùng, nhưng trong chiếu, biểu, sắc, dụ, thi phú, chữ Nôm đã được đặt vào một địa vị quan trọng.
* Việc đúc tiền:
Ngoài việc chỉnh đốn triều chính, Vua Quang Trung muốn độc lập về mọi mặt. Ông nghĩ ngay đến việc đúc tiền bằng đồng để tiện dùng trong nước và thuận tiện trong việc thương mại. Đồng tiền “Quang Trung Thông Bảo” được thay đồng tiền Cảnh Hưng khắp chợ cùng quê.
Năm Quang Trung thứ tư (1791), do việc cần chuẩn bị đánh Mãn Thanh, nhà vua cho đi thu mua hết các đồ bằng đồng tốt trong nước để làm binh khí và đúc tiền cho rộng tài nguyên. Nhà vua chú trọng đến việc khuếch trương kinh tế, thương mãi ra tới bên ngoài. Cử người sang điều đình với Nhà Thanh mở chợ Bình Thủy Quan ở Cao Bằng, Du Thôn Ải ở Lạng Sơn, đề nghị lập nhà hàng ở Quảng Tây, đưa dân ta sang làm ăn buôn bán với Trung Quốc, ” mục đích mở rộng biên cương “.
– Đối ngoại:
* Bãi việc cống người vàng:
Một quốc hận đáng kể cho người Việt Nam từ đời Hậu Lê là việc cống người vàng, một ký ức chua cay của dân tộc.
Năm Đinh Mùi (1427), hai tướng của vua Lê Lợi là Lê Sát và Trần Lựu chém đầu An Viễn hầu Liễu Thăng của nhà Minh tại Lạng Sơn. Nhà Minh đau đớn lắm vì Liễu Thăng là một tướng tài của họ. Sau này giảng hòa, Minh triều bắt đền nước Việt phải đúc người vàng thế mạng Liễu Thăng. Vua Lê Lợi thấy dân tình đau khổ, chiến tranh kéo dài từ nhà Hồ đến nhà Hậu Trần, ngót 30 năm ròng rã, đành nhắm mắt chấp nhận điều kiện của Minh triều. Sau Tiền Lê đến đời Mạc và các vua Lê đời Trung hưng, cũng vẫn tiếp tục cống người vàng.
Nhà Tây Sơn chiến thắng lừng danh, phá tan 20 vạn quân Thanh không còn manh giáp, đuổi quân thù xâm lăng Tôn Sĩ Nghĩ chạy khỏi ải Nam Quan hằng mấy trăm dặm. Vua Quang Trung khi đã yên vị, không chịu lệ này, viết thư cho Phúc Khang An thông báo bãi bỏ lệ cống người vàng. Đứng trước thế mạnh của nhà Tây Sơn thời bấy giờ, vua tôi nhà Thanh phải nghe theo.
* Ngoại giao với Thanh triều:
Sau khi đánh bại quân Thanh, Vua Quang Trung đối đãi với tù binh rất tử tế, có hàng vạn người ra đầu thú, được cấp phát lương thực, cấp đất canh tác. Ngài nhờ Ngô Thời Nhiệm dùng chính sách ngoại giao khôn khéo, thuyết phục được Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và cận thần vua Nhà Thanh là Hòa Khôn, thiết lập được mối hòa hiếu giữa hai nước, kết thúc chiến tranh, dân chúng sống an vui.
Tháng 7 năm 1789 vua Nhà Thanh mời vua Quang Trung sang triều cận, để chiêm ngưỡng người chiến thắng vẻ vang Bắc Triều. Vua Quang Trung đề cử Phạm Công Trị làm giả vương đi thế. Tại Nhiệt Hà, giả vương được vua Càn Long tiếp đãi ân cần và ban thưởng trọng hậu.
Năm Nhâm Tý 1792, vua Quang Trung cử Võ Kinh Thành, Trần Ngọc Thụy, Vũ Văn Dũng sang dâng biểu cầu hôn cưới Công Chúa Thanh Triều và đòi lại 6 châu thuộc Hưng Hóa, 3 động thuộc Tuyên Quang, đã bị Nhà Thanh trước kia xâm chiếm, sát nhập vào Lưỡng Quảng. Kế hoạch chuẩn bị thuyền tàu, đúc vũ khí, rèn luyện binh sĩ đã sắp đặt từ lâu. Sứ giả qua Tàu là cái cớ để đánh lấy lại đất, nếu Thanh triều từ chối.
Nhưng tiếc thay, khi phái bộ Vũ Văn Dũng sang Trung Quốc thì được tin vua Quang Trung thăng hà, sứ giả phải quay về. Vua Quang Trung mất năm 40 tuổi vào ngày 15 tháng 9 năm 1792, miếu hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế.
* Giai đoạn cuối Nhà Tây Sơn:
Từ ngày Vua Quang Trung mất, thế lực Nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu. Vua Thái Đức buồn vì hai em Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã chết, lụt chí tiến thủ, chỉ giữ lấy Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên. Trong khi đó thì Nguyễn Phúc Ánh củng cố, xây dựng và phát triển ở Nam Hà, rồi đánh lần ra phía Bắc.
Năm 1793, quân Nguyễn Phúc Ánh vây thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc cầu cứu Phú Xuân. Sau khi giải cứu, quân của vua Cảnh Thịnh chiếm luôn Quy Nhơn. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc uất hận mà chết, làm vua được 16 năm. Tại Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, cậu ruột là Bùi Đắc Tuyên phụ chính, chuyên quyền làm triều đình bất hòa, thanh toán lẫn nhau, lòng dân ly tán. Cơ nghiệp Nhà Tây Sơn suy yếu dần, đến năm Nhâm Tuất (1802) thì mất vào tay Nguyễn Phúc Ánh.
6 – Tây Sơn trong lòng dân Việt
Sự nghiệp hiển hách, chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung đã ghi sâu vào lòng dân Việt. Trên hai trăm năm nay, biết bao người đã viết sách, làm thơ, ca tụng thành quả của những trận đánh lừng danh mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, chưa đầy một tuần lễ, tiêu diệt 20 vạn quân Thanh, làm sáng chói trang sử Việt Nam.
Mặc dù Gia Long Nguyễn Phúc Ánh đã trả thù Nhà Nguyễn Tây Sơn một cách hèn hạ, thi hành chính sách nhổ cỏ tận gốc. Muốn xóa sạch đi những công trình xây dựng, những đóng góp quý giá của Nhà Tây Sơn cho đất nước, ngay cả hào quang sáng chói thắng giặc ngoại xâm của vua Quang Trung trong lòng dân Việt. Nhưng những gì thuộc về văn hóa, thuộc về tinh thần, đã được lịch sử gạn lọc một cách tinh tế, trả về sự thật, lưu truyền mãi trong sử sách.
Tại Chùa Bồ gần Hà Nội, sau bao nhiêu năm kiểm soát nghiêm ngặt, xử trị nặng nề của Gia Long Nguyễn Phúc Ánh, những ai tưởng nhớ Vua Quang Trung, dân chúng nơi đây vẫn đúc tượng thờ Vua Quang Trung dưới hình thức tôn giáo với câu đối chữ Hán:
Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ
Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân
Công Chúa Ngọc Hân, con gái vua Lê Hiển Tông, là Bắc cung Hoàng Hậu vua Quang Trung đã khóc khi Ngài qua
đời, trong tác phẩm “Ai Tư Vãn”:
Nghe trước có đấng vua Thang, Võ Công nghiệp nhiều tuổi thọ càng cao
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình.
Tại làng Tây Sơn, Bình Định, ngay trong thời Gia Long Nguyễn Phúc Ánh, sau khi ngôi từ đường Nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn phá hủy, ngôi đình làng được thay thế vào, dân chúng âm thầm thờ ba vua Tây Sơn bên trong.
Năm 1958, dưới thời chính quyền VNCH, dân chúng địa phương góp công sức xây dựng Điện Tây Sơn trên nền cũ của ba Vua làm nơi thờ tự. Cờ Quang Trung cũng được Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu chuẩn y bay phất phới lần đầu tiên vào năm Ất Tỵ ngày 6 tháng 2 năm 1965, sau 176 năm vắng bóng.
Hằng năm vào tháng Mười Một Âm Lịch là ngày giỗ ba Vua Tây Sơn, có nhạc võ Tây Sơn theo cổ lệ.
Ngày Mồng Năm tháng Giêng mỗi năm, dân chúng Bình Định tổ chức ngày Lễ Đống Đa rất trọng thể. Người dân các tỉnh, tề tựu về đây xem lễ hội Đống Đa, có đến hàng trăm ngàn người.
Ngày này còn có ý nghĩa là Ngày Tây Sơn. Đầu năm mọi người đi trẩy hội, là dịp rủ nhau vui Xuân trong những ngày Tết, cũng là cơ hội cho Nam thanh, Nữ tú, lòng đầy nhiệt huyết, tưởng nhớ vua Quang Trung trong ý chí quật cường, cùng toàn dân dẹp tan quân xâm lược Mãn Thanh, đem lại an bình cho đất nước.
Tại Hoa Kỳ, các Tiểu bang, thành phố có đông người Việt Nam như Nam California, Bắc California, Dallas, Houston, Washington DC, Seattle, Orlando, Colorado…, hằng năm đều tổ chức Ngày Tây Sơn, được đồng hương Việt Nam hưởng ứng nhiệt liệt, nhằm mục đích nhớ lại công đức của tiền nhân và nhắc nhở giới trẻ quay về cội nguồn, yêu thương Quê hương Dân tộc.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã làm “Bài Ca Bình Bắc”, ca ngợi Vua Quang Trung chí lớn dọc ngang, mộng lớn huy hoàng, một phút oai thần dậy sóng, gươm thiêng cựa vỏ, tan vía cường bang, voi thiêng chuyển vó, giặc nát lũy tan hàng:
Kể từ đấy
Mặt trời mọc ở phương đông ngút lửa
Mặt trời lặn ở phương đoài máu chứa chan
Đã sáu mươi ngàn lần
Và từ đấy cũng sáu mươi ngàn lần
Trăng tỏ bóng nơi rừng cây đất Bắc
Trăng mờ gương nơi đồng lúa miền Nam
Ruộng dâu kia bao độ sóng dâng tràn
Hãy dừng lại thời gian
Trả lời ta – Có phải
Dưới vầng nguyệt lạnh lùng quan ải
Dưới vầng dương thiêu đốt quan san
Lớp phế hưng xô nghiêng từng triều đại
Mà chí lớn dọc ngang
Mà nghiệp lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Vẫn ngàn thu người áo vải đất Quy Nhơn.
*
Ôi người xưa Bắc Bình Vương
Đống Đa một trận trăm đường giáp công
Đạn vèo năm cửa Thăng Long
Trắng gò xương chất, đỏ sông máu màng
Chừ đây lại đã xuân sang
Giữa cố quận một mùa xuân nghịch lữ
Ai kia lòng có chợt mang mang
Đầy vơi sầu xứ
Hãy cùng ta ngẩng lên, hướng về đây tâm sự
Nghe từng trang sử thét từng trang
*
Một phút oai thần dậy sấm
Tan vía cường bang
Cho bóng kẻ ngồi trên lưng bạch tượng
Cao chót vót năm màu mây chiêm ngưỡng
Dài mênh mông vượt khỏi lũy Nam Quan
Và khoảnh khắc đổ xuôi chiều vươn ngược hướng
Bao trùm lên đầu cuối thời gian
Bóng ấy đã ghi sâu vào tâm tưởng
Khắc sâu vào trí nhớ dân gian
Một bành voi che lấp mấy ngai vàng
*
Ôi Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải
Muôn chiến công một chiến công dồn lại
Một tấm lòng muôn vạn tấm lòng mang
Ngọn kiếm trỏ bao cánh tay hăng hái
Ngọn cờ vung bao tính mệnh sẵn sàng
Người cất bước cả non sông một giải
Vươn mình theo dãy Hoành Sơn mê mải
Chạy dọc lên thông cảm ý ngang tàng
Cũng chồm dậy đáp lời hô vĩ đại
Chín con rồng bơi ngược Cửu Long giang
*
Người ra Bắc oai thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế kia làm rung động càn khôn
Lệnh ban xuống lời lời tâm huyết
Nẻo trường chinh ai dám bước chân chồn
Gươm thiêng cựa vỏ
Giặc không mồ chôn
Voi thiêng chuyển vó
Nát lũy tan đồn
Ôi một khúc hành ca hề gào mây thét gió
Mà ý tưởng lòng quân hề bền sắt tươi son
Hưởng ứng sông hồ giục núi non
“Thắt vòng vây lại” tiếng hô ròn
Tơi bời máu giặc trăng liềm múa
Tan tác xương thu ngựa đá bon
*
Sim rừng ruộng lúa tre thôn
Lòng say phá địch khúc dồn tiến quân
Vinh quang hẹn với phong trần
Đống Đa gò ấy mùa xuân năm nào
Nhớ trận Đống Đa hề thương mùa xuân tới
Sầu xuân vời vợi
Xuân tứ nao nao
Nghe đêm trừ tịch hề máu nở hoa đào
Ngập giấc xuân tiêu hề lửa trùm quan tái
Trời đất vô cùng hề một khúc hát ngao
Chí khí cũ gồm trong da thịt mới
Vẳng đáy sâu tiềm thức tiếng mài dao
Đèo Tam Điệp hề lệnh truyền vang dội
Sóng sông Mã hề ngựa hí xôn xao
Mặt nước Lô giang hề lò trầm biếc khói
Mây núi Tản Viên hề lọng tía giương cao
Rằng: “đây bóng kẻ anh hào
Đã về ngự trị trên ngã ba thời đại”
Gấm vóc giang sơn hề còn đây một giải
Thì nghiệp lớn vẻ vang
Thì mộng lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Ôi ngàn thu người áo vải đất Quy Nhơn.
*
Nay cuộc thế sao nhòa bụi vẩn
Chúng ta trên ngã ba đường
Ghi ngày Giỗ Trận
Mơ Bắc Bình Vương
Lòng đấy thôn trang hề lòng đây thị trấn
Mười ngả tâm tư hề một nén tâm hương
Đồng thanh rằng: “Quyết noi gương!”
*
Để một mai bông thắm cỏ xanh rờn
Ca trống trận thôi lay bóng nguyệt
Mừng đất trời gió bụi tan cơn
Chúng ta sẽ không hổ với người xưa một trận
Đống Đa nghìn thu oanh liệt
Vì ta sau trước lòng kiên quyết
Vàng chẳng hề phai đá chẳng sờn.
Triều Phong ĐẶNG ĐỨC BÍCH
Tài liệu tham khảo :
- Đại Nam Nhất Thống Chí – Nguyễn Tạo
- Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Ngô Thời Chí
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Ngô Sĩ Liên
- Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim
- Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu – Đặng Xuân Bảng
- Việt Sử Toàn Thư – Phạm Văn Sơn
- Trí Thức VN cuối thế kỷ 18 – Hồ Văn Quang
- L’histoire du Việt Nam – Philippe Devillers
- L’empire d’Annam – Gosselin