MỘT ĐẠI TÁ VNCH CHÔN DƯỚI CỘT CỜ CÙNG VỚI 47 TỬ SĨ VNCH NHỮNG NGÀY CUỐI CUỘC CHIẾN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một Đại tá VNCH được an táng dưới cột cờ QYV Qui Nhơn .

(Nguồn: Bài của HUY PHƯƠNG trên báo Người Việt , số ngày Chủ nhật, 5/01/2011)

Đại-tá Nguyễn Hữu Thông

Trung Đoàn Trưởng 42 BB – SĐ 22 BB Tự sát 31-3-1975 * tại Quy Nhơn.

*Tôi (Huy Phương) ghi lại theo lời kể của anh Dương Công An. Theo hồi ức của Bs Nguyễn Công Trứ, đó là ngày 11/3/1975.

QUY NHƠN – Trong những ngày cuối của cuộc chiến, có một vị đại tá trung đoàn trưởng đã không chịu xuống tàu chạy loạn mà chịu ở lại với lính, và dùng súng tự sát. Xác ông được chôn trong một ngôi mộ tập thể khổng lồ, dưới chân cột cờ bên ngoài Quân Y Viện Quy Nhơn, trong đó có 47 thi hài tử sĩ. Câu chuyện này được một hạ sĩ quan pháo binh kể lại, đồng thời gợi lại ký ức đau buồn nơi một vị bác sĩ hiện đang hành nghề ở New York.

Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng TrÐ 42/SÐ 22BB, tự sát vào cuối tháng 3, 1975 bị chôn trong nấm mộ tập thể tại Quy Nhơn.

 Vào đầu năm 1975, anh Dương Công An nguyên là một hạ sĩ quan Pháo Binh thuộc tiểu đoàn 223 Pháo Binh, nay anh đang sống tại Ðức. Anh An cho biết, vào những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1975, đơn vị của anh bị tan hàng trên bờ  biển  Quy Nhơn,  anh và một  số anh   em binh sĩ khác đã lẩn trốn nhiều ngày trong Quân Y Viện Quy Nhơn.

Ở đấy, khi đó chỉ còn có một bác sĩ duy nhất, là Trung Úy Nguyễn Công Trứ. Ông Trứ hiện là bác sĩ quang tuyến tại một trường đại học ở New York. Khi tin về nấm mộ tập thể tại Quân Y Viện Quy Nhơn được tôi đưa lên net, nhiều người đã điện thoại cho Bác Sĩ Trứ. Những cú điện thoại này nhắc nhở cho ông quá nhiều chuyện kinh hoàng trong quá khứ, khiến ông nhiều đêm mất ngủ.

Sau nhiều lần gọi và nhắn trong máy là chúng tôi sẽ gọi lại, Bác Sĩ Trứ mới bốc máy. Ông kể, vào những ngày sau cùng, một buổi sáng ông được tiếp Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 42 đi trực thăng đến thăm Quân Y Viện. Thấy tình cảnh quân y viện chỉ còn một bác sĩ và hằng trăm thương binh trong tình trạng thiếu ăn, thiếu thuốc, cũng như nhiều thương binh chết chưa được chôn cất, Ðại Tá Thông đã khóc trước mặt Bác Sĩ Trứ. Và chỉ một ngày sau đó, Quân Y Viện tiếp nhận một tử thi nữa, và đó chính là tử thi Ðại Tá Thông. Binh sĩ đưa xác ông tới, và cho biết ông đã tự sát.

Nhiều nguồn tin sau này cho biết, Ðại Tá Thông đã từ chối xuống tàu vì binh sĩ dưới quyền ông còn kẹt lại quá nhiều, không di tản được.

Khi đó, tại quân y viện này, có cả hàng trăm bệnh nhân cho một mình Bác Sĩ Trứ. Ðồng thời cũng có rất nhiều binh sĩ tử trận được mang về nằm từ trong nhà xác và rải rác ra khắp hành lang. Các thi hài tại nhà xác QYV đã bốc mùi, và chó đã vào nhà xác ăn, gặm các tử thi này, nên Bác Sĩ Trứ đã nhờ khoảng 20 anh em quân nhân còn sức khỏe phụ với Bác Sĩ Trứ đào một huyệt mộ rất lớn dưới cột cờ, gần khu quân xa của Quân Y Viện.

Ở đây gần biển các nên việc đào đất tương đối dễ dàng. Ðầu tiên là những tử sĩ đã được khâm liệm trong quan tài có phủ quốc kỳ được sắp xuống trước, tiếp theo là những người chết nằm trên băng ca được đặt lên trên những quan tài, cứ thế mà sắp xếp. Tất cả là 47 thi hài tử sĩ, trong số này có Ðại Tá Thông, là cấp chỉ huy trực tiếp của anh An.

Lúc bấy giờ Saigòn chưa thất thủ, ngay cả sinh mạng của anh em binh sĩ bại trận cũng không biết sẽ ra sao nên sự việc chôn cất anh em tử sĩ lúc đó chỉ được thực hiện rất sơ sài hầu như là lén lút và vội vàng. Sau đó vài ngày tất cả bị bắt làm tù binh.

Anh An cho biết câu chuyện đã đeo đuổi theo anh suốt bao nhiêu năm nay, tâm nguyện của anh là ước sao, có ai đó, có khả năng để cải táng được ngôi mộ tập thể này, đó cũng là dịp mà mình an ủi được phần nào linh hồn của những tử sĩ này, nhưng những hy vọng càng ngày càng bị thu nhỏ lại, vì qua tin tức báo chí đất đai ở Việt Nam đã bị lạm dụng xây cất bừa bãi, hay khu đất này thuộc phạm vi của bộ đội Cộng Sản thì không thể làm gì được.

Khi VC vào Quy Nhơn, họ bắt Bác Sĩ Trứ. Nhưng ông không chỉ bị bắt làm tù binh, mà còn bị buộc tội làm việc cho CIA vì mọi người đi hết sao chỉ còn một mình Bác Sĩ Trứ ở lại. Trong Quân Y Viện lúc ấy, có một lính Việt Cộng bị thương được một đơn vị đem gởi điều trị, nhưng lại bị khóa tay vào thành giường, Bác Sĩ Trứ không có chìa khóa mở còng nên nhóm vc càng căm thù Bác Sĩ Trứ. Ông bị tù 4 năm 11 tháng, ra tù ông vượt biển đến Mỹ từ năm 1981, lúc còn độc thân, hiện nay đã có ba con theo học đại học….

Trong những ngày qua, có nhiều điện thoại hỏi đến ông về câu chuyện cũ gần 36 năm về trước khiến cho ông có nhiều đêm bị mất ngủ vì những cơn ác mộng. Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ nói rằng ông đã làm theo lương tâm và với tình đồng đội, đã chôn 47 tử sĩ dưới chân cột cờ của Quân Y Viện. Ông đã nhiều lần về lại Quy Nhơn, qua lại trước khu Quân Y Viện cũ, ngày nay đã là doanh trại của bộ đội Cộng Sản, mà không thể làm gì hơn.

Tin về ngôi mộ tập thể cũng đến tai bà quả phụ cố Ðại Tá Thông, nhũ danh Phùng Ngọc Hiếu. Liên lạc được qua điện thoại hôm Thứ Năm, bà cho biết mấy ngày hôm nay, nhiều bạn bè đã chuyển cho bà về tin tức ngôi mộ tại Quân Y Viện Quy Nhơn, cũng là nơi yên nghỉ của Ðại Tá Thông.

Từ 35 năm nay, bà cũng nghe nhiều tin tức về chồng và bà cũng có nghe tin ông tự sát. Bà cũng đã về Quy Nhơn tìm kiếm nhưng không có tin tức, và không biết xác ông được chôn cất ở đâu. Bà kể, trước khi mất liên lạc, Ðại Tá Thông có liên lạc với vợ và than phiền rằng trung đoàn của ông đang chiến thắng, vì sao lại có lệnh rút bỏ Pleiku.

Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông sinh năm 1937, nguyên quán tại Thạch Hãn, Quảng Trị, tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Ông được vinh thăng đại tá năm 1972. Hiện nay bà quả phụ cố Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông cư ngụ tại Sacramento và ông bà có 5 người con đã thành đạt.

(Huy Phương / Người Việt 2011/01/03)

TIN NHẮN:   Chúng tôi muốn biêt tin tức  nguyên Trung Uý Bác Sĩ Quân Y, Nguyễn Công Trứ, cuối tháng 3-1975 phục vụ tại Quân Y Viên Qui Nhơn để tìm hiểu thêm về nấm mộ tập thể 47 tử sĩ VNCH chôn tại khu quân xa của QYV Qui Nhơn.

Ai biết Bác sĩ Nguyễn Công Trứ hiện nay ở đâu xin vui lòng liên lạc cho chúng tôi được rõ

Xin thành thật cám ơn Quý vị.

HUY PHUONG (949) 241-0488 USA

(Khi viết bài báo này theo tài liệu của Anh Duong Công An ở Đức, chúng tôi không biết BS Nguyễn Công Trứ hiện nay ở đâu. Nhờ mẫu tin nhắn này chúng tôi nhờ bạn bè và đồng nghiệp của anh đã liên lạc được với Anh. Và cuối cùng chúng ta có câu chuyện hôm nay.)

Nguyễn Công Trứ

qua cái nhìn của một Y Sĩ đồng nghiệp.

 * Lê Minh Đức

  Đọc bài viết này tôi vô cùng cảm động khi  có một người đàn anh xứng đáng như vậy. Tôi không được biết nhiều về đời tư của anh chỉ biết mang máng là anh học trên tôi 3-4 năm gì đó. Anh là Nội Trú giỏi chuyên ngành OB- GYN. Hình như anh ở lại nội trú vài năm sau khi ra trường với hy vọng về trường Y-khoa làm Phụ Giảng Viên nhưng không thành. Anh phải nhập ngũ và được thuyên chuyển về Quân y viện Qui Nhơn vào  mùa hè năm 1972.

Bọn chúng tôi khoảng 10 người cùng gia nhập quân đội được biệt phái về quận An Túc, Qui Nhơn, phải dừng quân ở Thị xã Qui Nhơn trong ngày Tết 1973. Trong lúc bơ vơ xứ người tình cờ gặp lại anh tại đây trong một thời gian thật ngắn.

Anh thật vui khi thấy đàn em đến với anh trong lúc anh cô đơn trong xứ Bình Định này. Anh không hòa đồng với bạn bè cùng lớp nhận nhiệm sở trước anh vì anh không hợp “jeu” với họ. Họ có lối sống phong lưu của các bác sĩ dân sự: khám ngoại chuẩn, làm phòng mạch, giải trí bằng mạt chược, xì phé.

Chiến trường sôi động đã mang thương binh về QYV càng ngày càng đông. Anh bù đầu lo cứu sống nhiều người chừng nào hay chừng đó. Anh làm việc vì  công tâm với tấm lòng thương người. Anh đùa có khi phải mổ sọ não để cầm máu cho  thương binh? Hỏi anh tại sao anh không  làm như bạn anh? Anh nói là anh chưa thích ứng và vì tinh thần hướng đạo anh có một đường hướng khác.

Một buổi sáng, chúng tôi nhàn cư vì không phải là toán trực. Trần Chánh Khương hướng dẫn Anh đến ngay chỗ đóng quân của chúng tôi ở Ghềnh Ráng xin phép cho khoảng 7- 8 SVSQ thuộc nhóm cựu SVYK 67-74 trong đó có Hoàng Lộc, Lại Văn Tiến, Trần Quấc Hùng và vài người bạn nữa. Anh chưa cho biết là sẽ đi về đâu. Chúng tôi theo anh xuôi về hướng nam khoảng vài cây số, qua một ngọn đèo nhỏ, vào một con đường độc đạo ngoằn ngoèo  đầy bóng râm của một khu rừng thông nho nhỏ, soai soải trên đường đèo thỉnh thoảng vài nấm mồ hoang, rồi hiện lên một ngôi mộ khá cao xây rất tươm tất sơn trắng thì phải. Anh cho tôi biết đó là ngôi mộ của thi sỉ Hàn Mặc Tử. Lúc này Anh tiết lộ là mình đang vào trại cùi Qui Hòa, nơi Hàn Mặc Tử gửi thân vĩnh viễn.

Câu hỏi là hết chỗ đi chơi sao mà anh dẫn tôi vào chốn này? Tôi rất mến thi sỉ Hàn Mặc Tử nhưng không có tâm tư để nghĩ đến người và thăm trại cùi mà người gửi thân tàn. Chúng tôi có biết đâu đây là một hân hạnh độc nhất một đời người chưa có được. Chợt khi chiếc xe lăn bánh qua khỏi rừng phi lao thì một cảnh thần tiên hạ giới bày ra trước mắt. Tôi không nghĩ là ở VN có một bãi biển nào đẹp như   vậy.

Trời trong xanh với những lọn mây trắng bàng bạc. Bãi cát trắng tinh màu trắng của trang giấy học trò, sạch sẽ không một miếng rác. Dọc trên khoảng đất dài là những bụi cây bông giấy màu đỏ rực trồng trong bồn gạch đuợc cắt xén tươm tất. Lối trình bày nhiều bụi cây xanh ngăn nắp như khu vườn ở Anh hay Pháp rất đẹp và gọn gàng.

Không khí trong lành, yên tĩnh, gió biển mát, hơi nước mằn mặn hòa lẫn với tiếng sóng biển nhịp nhàng. Cảm giác thoải mái ngây ngất trước một bãi biển kiểu phương tây, một kiểu thiên đàng hạ giới. Sau này tôi mới biết đây là nơi nghỉ mát kín đáo của hàng giáo phẩm VN. Nhìn sâu vào phía trong gần vách núi là những dải nhà gạch khang trang sơn xanh mái ngói lẫn khuất trong hàng dừa duyên hải, lá dừa phất phơ trước gió tạo những âm thanh rào rạt vui tai. Nơi này cũng là nơi tập trung của bệnh nhân phong cùi…

Trại Qui Hòa được quản trị bởi một dòng có mẹ bề trên là người Pháp.

Chúng tôi được đưa vào đại sảnh được trang trí thanh lịch kế bên đó là một bàn tiệc trình bày theo kiểu Tây do bàn tay khéo léo của các Mère, các Soeur. Buổi tiệc kéo dài gần 3 giờ đồng hồ với 5 lần ăn thức ăn chánh, có  rượu vang, chưa kể món kem tráng miệng tuyệt hảo. Trên đời tôi cho đến lúc này, chưa có một buổi ăn nào ngon như vậy.

Trong khi ăn tôi tò mò hỏi một vị soeur người Việt, mới được soeur cho hay là đã bao năm rồi trại cùi nầy không có bác sĩ. Các soeur có ra ngoài thành phố năn nỉ một số BS vào giúp trại thì không có ai có thì giờ cho trại cùi vì các anh biết là chăm sóc người cùi khi lở lói phải dùng phẩu thuật rất mất thì giờ mà đất Qui Nhơn từ khi người Mỹ đến thì thì giờ của các bác sĩ là tiền bạc. Chúng tôi vô cùng thất vọng, thì một hôm gặp BS Trứ. Ông bất ngờ vui vẻ nhận lời. Và ông đã đến chăm sóc các người bệnh cùi kỹ lưỡng hơn những  tu sĩ chúng tôi.

Lòng nhân ái cao hơn chúng tôi vì việc làm tôi có định hướng còn BS Trứ không có dự tính. Ông làm việc tận tâm chu đáo, làm dịu hẵn nỗi đau thương gặm nhấm thân thể người cùi và ông không hề lấy thù lao. Theo các Soeur cho biết, bữa tiệc ngày hôm nay BS Trứ không hề hay biết và không ngờ chúng tôi chuẩn bị thịnh soạn để gọi là biểu lộ một tấm lòng biết ơn của chúng tôi khi nghe ông hướng dẫn một số anh em trong ngành đến thăm viếng.

Hai hôm sau BS Trứ đến với chúng tôi một nữa. Lần này anh vừa lãnh lương và nhất định đãi chúng tôi một món đặc sản ở Qui Nhơn là món chim mía, là chim sẻ người ta bắt được khi bủa lưới một ruộng mía. Chim được rang dòn và ăn rất ngon gọi là tiễn chân chúng tôi rời thị xã Qui Nhơn, vượt đèo An Khê đến quận An Túc.

Quê lạ xứ người được một đàn anh chí tình như anh thì không gì ấm lòng bằng.

Đã qua gần 40 năm với ký ức nhạt nhòa ít nhiều hy vọng bài viết này về anh Trứ một phần là ghi lại một kỷ niệm về một cơ duyên được quen biết anh và một phần là đề tỏ tình ngưỡng mộ một đàn anh đáng kính:

Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ!

Bác sĩ Nguyễn Công Trứ

qua kỷ niệm của một bạn tù “cải tạo”

* NGUYỄN CAO CAN

– “I have a dream!”

BS.Nguyễn Công Trứ và bạn tù “cải tạo” Nguyễn Cao Can

 Tôi gặp Bs Nguyễn Công Trứ trong trại tù Kim Sơn- K18.

Đây là một trại tập trung lớn của cộng sản, giam giữ những thành phần tù chính trị của hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định là hai tỉnh đông dân nhất nhì sau Sài Gòn, Gia định của Miền Nam.

Sau năm 1975, cộng sản Việt Nam có chủ trương nhập tỉnh, Quảng Ngãi nhập chung với Bình Định gọi là Nghĩa Bình, tỉnh lỵ đặt tại Qui Nhơn. Kim Sơn-K18 là nơi rừng thiêng, nước độc, những ngày mới thành lập trại, ai tắm nước suối Kim Sơn là bị sốt rét ngay. Đây là nơi an trí những nhà cách mạng chống Pháp thời Pháp thuộc, nằm về phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, thuộc quận An Lão, cách Quốc lộ 1 chừng 30 Km. Kim Sơn gồm nhiều phân trại như Trại I, Trại 2, Trại Nữ, Lò gạch, Trại Nghĩa Điền. Riêng trại Nước Nhóc, trên thượng nguồn sông Côn, cách Trại 1 khoảng trên 30 Km đường rừng, nếu cỏng hàng, từ trại 1, tiếp tế cho Nước Nhóc sẽ mất cả ngày đường. Phía Tây Bắc Nước Nhóc có một cây bòng thân to như cây đa, hai người ôm không hết. Già cỗi như vậy nhưng thật nhiều trái, cây bòng nằm giữa một thung lũng, chung quanh rừng núi chập chùng hiểm trở. Theo tương truyền, đân làng cho biết, đây là nơi vua Quang Trung dùng làm chỗ luyện tập quân sĩ. Nước Nhóc là nơi Bs Trứ và tôi đã đến và ở lại 2,3 ngày trên đường đi tìm thuốc Nam.

Năm xưa, là quân nhân, viên chức, giáo chức thuộc tỉnh lẽ như Quảng Ngãi, Bình Định…. nhất là sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nhiều nơi mất an ninh, viên chức từ các quận huyện, đêm tối thường tập trung về Thị xã. Những giáo sư biệt phái như chúng tôi, ban ngày đi dạy, tối lại tập trung về trường, lãnh mỗi anh một khẩu Carbine M1 hay M2 và chia nhau từng phiên gác, bảo vệ từng khu phố. Đã thân tình lại càng thân tình hơn.

Chúng tôi, một lũ người như thế. Một thời đại nhiễu nhương như thế. Làm việc thì có nhau. Ra chiến trường thì cùng chết sống với nhau. Trong hoảng loạn tháo chạy, trốn cộng sản cũng có nhau. Và sau vài ngày, chạy trốn cộng sản không lọt, anh em chúng tôi không hẹn cũng cùng gặp nhau tại nhà lao với cái lệnh nghe khá hấp dẫn nhưng mỉa mai làm sao: “tập trung học tập cải tạo”. Anh em lại một lần nữa gặp nhau đầy đủ hơn bao giờ hết. Từ trước đến nay, chưa có một cuộc tập họp nào đầy đủ như thế! Ngay cả những anh em đã chạy thoát đến Sài Gòn rồi cũng lần hồi bị bắt lại và được dẫn độ về quê hương sum họp với nhau tại nhà lao!

Sau một thời gian lấy cung, tự khai và viết hồi ký, anh em lần lượt được chuyển đến các trại lao động như Trại Hành Tín ở Quảng Ngãi, bắt đầu một giai đoạn lao động hành xác như lời tuyên bố của Thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng khi về thăm Quảng Ngãi, quê hương ông sau 1975, khi chính quyền địa phương hỏi về việc đối xử với “ngụy quân, ngụy quyền” thì được ông trả lời: “Cho chúng nó ăn ít, nhưng bắt chúng nó làm nhiều.”

Đến khoảng giữa năm 1976, khi Quảng Ngãi và Binh Định nhập thành Nghĩa Bình, chúng tôi được chuyển vào Kim Sơn-K18, kẻ ở Trại 1, người thì Trại 2….Đây là lúc những tù nhân diện chính trị của Quảng Ngãi bị xé nhỏ ra để đưa vào nhiều trại ở Kim Sơn-K18. Toán chúng tôi từ nhà lao Quảng Ngãi chuyển lên Hành Tín, rồi chuyển vào Trại 2 – Kim Sơn, nhập chung với số đông là anh em Bình Định. Gặp ít người thân quen nên thật buồn tẻ và cũng nhớ anh em địa phương đã từng gắn bó trong từng cảnh ngộ.

Một sáng Chủ nhật, sau khi chuyển trại được vài tháng, tôi xin phép trực trại đi thăm những bạn cũ là những người đang ở trại Lò gạch. Đó là lý do để xin phép, nhưng chính là tôi muốn đi thăm anh Hồ Bảng và cho anh toa thuốc trật đả để trục máu bầm vì nghe anh vừa bị cán bộ Thiên đánh khá nặng. Tin anh Hồ Bảng bị đánh tại Lò Gạch làm rung động cả Trại Kim Sơn.

Trước khi đi Lò Gạch, BS Trứ nói nhỏ bên tai:

“Anh xem thử rồi tìm cách giúp anh Hồ Bảng.”

BS Trứ nhận xét riêng với tôi: “Thì chúng nó đang học Thái cực đạo nên dùng anh em tù nhân để thực tập”.

Chuyến đi thăm khá vui vì đã gặp được Hồ Bảng và nhiều bạn cũ, phần lớn là những giáo sư ngày xưa, cùng trường, cùng sở. Trưa hôm ấy, bất ngờ, tôi bị chóng mặt, không thể đứng được. Anh Vân, người bạn tù và cũng là một phụ huynh cũ, đè cổ tôi cạo gió. Phải nằm chờ cho khoẻ, đến gần tối anh em mới nhờ anh Vân dìu tôi về   Trại 2. Vừa đến cổng trại thì bị tên công an đáng tuổi con mình miệt thị, kết tội. Nào là có ý tìm cách trốn trại. Nào là chống lệnh chuyển trại. Vừa la mắng, y vừa đập bá súng vào bót gác ầm ầm vừa bước xuống giật quyển Tứ Diệu Đế trên tay tôi ném vào đống rác bên cạnh. Đây là cuốn sách tôi mượn anh bạn vừa được thăm nuôi, cán bộ trực Lò gạch cho mang vào.

Ba bạn tù “cải tạo” trại Kim Sơn, Nghĩa Bình năm xưa tái ngộ tại New York: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Cao Can, Hồ Bảng (và hiền nội)

 Số là trong khi tôi xin phép đi Lò gạch thì có lệnh chuyển trại, cả phòng tôi đã chuyển trại từ chiều, xe chờ đi Trại Nước Nhóc mà tôi không hay biết. Nghe ồn ào Thiếu tá Phương, Trưởng trại 2 bước đến. Tôi trình bày đã xin phép đi Lò Gạch từ buổi sáng và bị trúng gió nên về trễ. Ông Phương liền cho gọi y tá đưa tôi vào trại. Tôi từ giã anh Vân rồi nương theo cánh tay gầy gầy của BS Trứ vào phòng thì thấy balô và một ít đồ dùng linh tinh của tôi được thu vén gọn gàng để sẵn.

Sau khi xem nhịp tim của tôi, với bàn tay mềm mại và cặp kính cận dày cộm, anh an ủi: “Không sao đâu anh Can, anh nằm nghỉ, tôi vào ngay”. Anh thoăn thoắt  quay đi trong bộ đồ tù màu lam xốc xếch. Chừng 15 phút sau anh mang đến cho tôi một tô cháo nóng. Thì ra, trong chớp nhoáng, anh đã biến phần cơm ít ỏi của tôi thành tô cháo nóng. Anh còn cẩn thận mang cho tôi một ly nước ấm và một ít muối hầm.

Ngồi im lặng, nhìn tôi ăn, anh thở ra: Khiếp quá! Đứng trong trại nhìn ra cổng, chắc BS Trứ cũng đã một phen kinh hoàng khi thấy tôi bị bịnh bất ngờ như vậy. Lại có bệnh nhân phòng khác gọi cấp cứu. Anh khoác tay, ra dấu và chạy đi ngay, không chậm trễ. Buổi đầu vào trại hầu như ai cũng để ý đến cái ông bác sĩ thân hình ốm yếu nhưng lúc nào cũng như hối hả, vừa đi vừa chạy này. Tôi cũng thế, nhưng mãi đến hôm ấy tôi mới có cơ hội tiếp xúc với BS Trứ, vì chính mình là con bệnh đã được anh săn sóc.

BS Nguyễn Công trứ là hiện thân đúng mức  với ý nghĩa mà người xưa thường đánh giá: “Lương Y như Từ Mẫu”. Hai tháng vào Trại 2, chúng tôi đã nghe, đã thấy BS Trứ đem phần thăm nuôi của mình phân  phát cho bệnh nhân đói thuốc, đói cơm. Lâu lâu thấy anh mang về một xách cải trời cho các em thiếu nhi phạm pháp bị ném vào trại, trở thành “con Bà Sơ, Bà Phước”.

Mục sư King thì: “I have a dream”, với một giấc mơ con người không kỳ thị người, một thế giới đại đồng, riêng BS Nguyễn Công Trứ cũng có: “I have a dream”, một ước mơ quên mình, ước mơ cứu giúp anh em. Rất khiêm nhường nhưng vô cùng nhân ái và cao đẹp!

Anh Châu thuốc Nam nghe tôi bị trúng gió cũng vào thăm, nhân đổi gác, mang cuốn Tứ Diệu Đế vào cho tôi  và thắc mắc:

“Tại sao nó ném quyển Tứ Diệu Đế vào đống rác? Anh nghĩ thế nào?”

Tôi rất mừng là có được quyển sách và cười, trả lời cho anh Châu vừa lúc BSTrứ vào: “Cộng sản đã cho tôn giáo là thuốc phiện, ở Lò gạch, cán bộ thăm nuôi cho Tứ Diệu Đế vào là hay quá. Còn việc công an trực ném cuốn Tứ Diệu Đế là chỉ ném được xấp giấy chứa lời Phật dạy mà thôi, làm sao ném được bài Pháp đầu tiên của Phật? Quyển sách chỉ là vật chứa mà thôi”.

Anh Châu thở phào nhẹ nhõm, không bực bội vì đã   đạt lý? Xa cách nhiều bạn cũ, nhưng tôi lại có được một số bạn mới như Bác sĩ Nguyễn Công Trứ, Trung  Uý  Quân Y, phục vụ tại Bệnh viện Dã Chiến Qui Nhơn cho đến ngày VC đến tiếp thu bệnh viện. Tất cả y bác sĩ, ngay cả y tá trong bệnh viện cũng cuốn hút theo cơn cuồng phong tháo chạy, rời bỏ bệnh viện, rời bỏ thương bệnh binh đang quằn quại trên giường bệnh, rời bỏ những xác chết của những đồng đội đã ” Vị Quốc Vong Thân” từ các chiến trường mang về và từ bãi biển Qui Nhơn mang đến khi tháo chạy không thành, bị tử thương. Tất cả đang bị bầy quạ đói và chó hoang xé xác vì thiếu người chôn cất.

Trung Uý Bác sĩ Nguyễn Công Trừ thì không! Chỉ duy nhất mình anh ở lại với những xác chết của đồng đội, với những thương binh đang quằn quại. Duy nhất, chỉ có mình Bác sĩ Nguyễn Công Trứ “Say No” , nhất định ở lại lo cho anh em, vì anh đã: “I have a dream”! Cái “dream” của anh là có cơ hội và điều kiện để giúp người !

Với một tấm lòng nhân hậu, từ ái và chơn chất sẵn có, kèm với lương tâm của người thầy thuốc chân chính, anh chấp nhận hy sinh vì đồng đội. Thật tuyệt vời! BS Trứ còn vận động những thương binh nhẹ và một số y tá còn ở lại tạo dựng được Ngôi Mộ Tập Thể cho 47 chiến sĩ Vị   Quốc Vong Thân ngay khu cột cờ phía sau Bệnh viện Dã chiến Quy Nhơn.

Qua tâm sự, trong lúc vắng vẻ, Bs Trứ còn kể đến tấm lòng thương yêu binh sĩ của Đại Tá Nguyễn Hữu Thống. Trước 1,2 ngày Quy Nhơn tháo chạy, Đại tá Thống còn đến thăm hỏi từng anh em Thương binh tại bệnh viện. Sau đó, nghe tin Đại Tá đã tự sát ngoài bờ biển Qui Nhơn khi trông thấy binh sĩ tháo chạy, chen nhau lên tàu, dẫm đạp lên nhau mà chết, lựu đạn sút chốt nổ mà chết như một bãi chiến trường….Khi câu chuyện Ngôi Mộ Tập Thể 47 tử sĩ và cái chết bi hùng của Đại tá Nguyễn Hữu Thông của nhà văn Huy Phương đăng trên báo Người Việt ngày 31 tháng 12 năm 2010 đã làm Bà Phạm Ngọc Hiếu, phu nhân của cố Đại tá Thông và các cháu loé lên tia hy vọng là sẽ tìm được hài cốt chồng, cha.

Vào dịp ấy, Bà Hiếu đang ở thăm bà con tại San Jose, có gặp chúng tôi, qua xác nhận của BS Trứ thì không thể biết chắc chắn là trong ngôi Mộ Tập Thể ấy có Đại Tá Nguyễn Hữu Thông hay không. Tuy vậy, Bà Hiếu vẫn đưa hai con về Quy Nhơn tìm mộ chồng. Nghe bà kể cuộc hành trình tìm mộ chồng của bà và các cháu, thật cảm động…

Đã có lúc BS Trứ tưởng như không còn có thể tiếp tục với giấc mơ của mình, bị tên nữ VC trong phái đoàn tiếp quản bất ngờ đá anh lộn nhào vì trong lúc tiếp quản bệnh viện, VC đã phát hiện một cán binh của chúng đang bị xiềng vào giường từ nhiều ngày trước. Theo nguyên tắc tù binh, khi quân đội VNCH bắt được cán binh của VC đem về bệnh viện cứu chữa, sợ cán binh bỏ chạy nên bệnh viện phải xiềng tay hay chân vào giường để điều trị theo chính sách nhân đạo của chính phủ. Nhưng quá bận rộn và nhất là bị khủng hoảng tinh thần, nhân viên QYV quên, chưa kịp mở xiềng. Người hiền thường bị lâm nạn!

BS Trứ đã kể cho tôi nghe để chia xẻ nỗi cơ cực và hàm oan của anh trong suốt chặng đường tù tội. Bác sĩ Trứ bực dọc vì chúng miệt thị anh là “kẻ bán nước”…. Chúng còn ném lên anh nhiều từ dơ bẩn hơn nữa. Nhưng Bs Nguyễn Công Trứ làm sao dính được những thứ đã phun  ra từ những con người thật sự dơ bẩn ấy?

Tôi ở Kim Sơn-K18 với bác sĩ Nguyễn Công Trứ khá lâu, từ 1976. Cuối năm 1979, Bác sĩ Trứ được phóng thích, còn tôi bao chót với anh Nguyễn Văn Sang, Hoàng Ngọc Uẩn…đến cuối năm 1983 mới được về. Thì ra, cho đến cuối năm 1983, chúng tôi là những người tù Tập Trung Cải Tạo 1975 cuối cùng được ra khỏi trại Kim Sơn-K18.

Khi mới từ Quảng Ngãi chuyển vào Kim Sơn-K18, trại xếp tôi vào toán đi củi cho nhà bếp, được vài tháng thì đưa vào Tổ thuốc Nam theo yêu cầu phát triển ngành thuốc Nam của Trại. Từ đây, tôi gần với Bs Sĩ Trứ hơn vì cùng chung trong bộ phận y tế . Mỗi buổi sáng khi nghe kẻng đi làm, tù nhân sắp hàng trước trại mình để đi lao động.

Sáng nào, BS Trứ cũng nghe tiếng quát tháo la rầy của nữ Thiếu úy Xuyến, y tá trại 2, vang dậy khắp trại: “Tại sao lại cho bệnh nhân nghỉ nhiều thế?”, “Tôi không cho phép các anh bệnh nhiều.”

Bs Trứ tay lau lau mồ hôi trên cặp kính cận dày cộm, miệng lắp bắp, từ tốn, nhẫn nhục nêu lên những lý do chính đáng để xin nghỉ lao động cho từng anh em.

Người thì gầy ốm trong bộ đồ tù xám xịt, thùng thình, xốc xếch, BS. Trứ đi nhanh như chạy, thoăn thoắt từ phòng này qua phòng khác, lựa bệnh cho kịp giờ để cán bộ quản chế dẫn đi lao động. Xin được thêm một người bệnh nghỉ lao động hôm đó là anh vui thấy rõ. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, Bs Nguyễn Công Trứ vẫn ôm mộng phục vụ con người, phục vụ tù nhân bằng tấm lòng độ lượng, thương yêu. Không trách cứ  người miệt thị mình một  cách vô lý và cũng không vui hơn khi được bạn tù cảm ơn hay khen ngợi. Đúng là BS Nguyễn Công Trứ đã thể hiện từ tâm của một Bồ tát giữa đời thường.

BS Nguyễn Công Trứ cũng như hầu hết anh  em tù nhân, đã đói khổ, đã chịu nhục nhã vì “kẻ thắng trận” miệt thị, hành hạ “kẻ thua trận” cho đến “thân tàn ma dại” và rất nhiều bạn bè anh đã bỏ mình trên rừng thiêng nước độc.

Có ngày BS Trứ và tôi, trong bộ phận y tế, đã chôn cất đến 3 bạn tù xấu số. Không phải mình BS Trứ mà cả Miền Nam đang Tự Do bỗng phải ngậm đắng nuốt cay.

Lầm lũi làm việc, nhẫn nhục, ngậm đắng nuốt cay làm việc để giúp đỡ anh em cùng cảnh ngộ, để giữ cái tâm nguyện trong sáng phục vụ tha nhân trong hoàn cảnh nghiệt ngã.

Đọc hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ cũng như ngồi nghe Anh kể chuyện mới thấy tấm lòng quảng đại của người y sĩ này dối với đồng môn, bạn bè, những con người xấu số bị phung cùi, những em bé không cha mẹ trong trại mồ côi. Anh là người y sĩ duy nhất tại QYV Quy Nhơn không bỏ đồng đội, những thương bệnh binh vào những ngày cuối cùng, khi viễn ảnh thất trận đã gần kề, thước men, thực phẩm đã không còn.

Trong những ngày đói khổ, đau đớn nhất trong những trại tù tập trung, anh được bạn bè vinh danh là “người cha trẻ” đã quên hết thân mình, tận tuỵ chăm sóc những người bạn tù bệnh hoạn, hy sinh từng bữa ăn vốn đã thiếu thốn của một người tù để chia xẻ cho những người bạn xấu số khác.

Trong ý chí kiên nhẫn, sắt đá, dù phải trải qua 15 năm với những ngày tù tội, ở trại tạm cư, cô đơn trên đất Mỹ trong khó khăn, anh đã thành công còn hơn cả những dồng nghiệp ngày xưa đã bỏ lại quân y viện Qui Nhơn lại, không thương tiếc để vượt thoát ra đi.

Bác sĩ Nguyễn Công Trứ, một con người kết hợp được sức mạnh của ý chí, lòng nhân hậu phát xuất từ con tim để hoàn thành giấc mộng của đời mình: phục vụ tha nhân.

Nguyễn Công Trứ là thế đó!

San Jose,  May 9-2014

NGUYỄN CAO CAN