Linh mục NGUYỄN HỮU LỄ
Như tôi đã nói ở phần trên, với bản chất lưu manh và lừa đảo, người cộng sản tung ra lời hứa mù mờ “cải tạo tốt được về” như một thứ mồi để dụ dỗ một số người nhẹ dạ cố gắng cải tạo tốt. Có vài người còn muốn cải tạo “thật tốt!” Mà cách cải tạo tốt nhất là quên đi mình là ai, để rồi phản bội lại chính mình và phản bội anh em đồng cảnh. Có người còn đi tới mức tột cùng là giết chết anh em đồng cảnh tù để lập công với chế độ. Lời hứa mù mờ “ cải tạo tốt được về” đó, theo tôi, là chủ trương thâm độc nhất của chế độ cộng sản VN. Nó đã gây ra bao nhiêu tác hại, khiến có những kẻ tin vào lời hứa đó đã quay ra hãm hại chính anh em đồng cảnh của mình.
Những kẻ tin vào lời hứa ấy đã tự đặt mình là kẻ thù của những người anh em đồng cảnh mà chỉ vài năm trước đây là những người cùng chung chiến tuyến trong cuộc chiến oai hùng của quân dân miền Nam quyết tâm chống lại bọn quỷ đỏ tham tàn từ miền Bắc tràn vào đánh cướp miền Nam.
Lúc này vào tù, chúng đã bán linh hồn cho bọn quỷ đỏ, ra tay tiêu diệt những người anh em trước kia cùng binh chủng, cùng màu áo, cùng đơn vị và có khi là thượng cấp của mình trong quân đội bại trận miền Nam.
Và như tôi đã nói, sự đau thương và nhục nhã mà tôi đã phải chịu 13 năm trong ngục tù cộng sản, không phải là cực hình trên thân xác mà tôi đã hứng chịu, nhưng là tình trạng tuyệt vọng và nhất là khi phải chứng kiến và chịu đựng sự phản bội một cách ác độc của một vài người trong số tù chính trị miền Nam.
Cũng từ kinh nghiệm đó cho tôi hiểu biết hơn về lòng dạ con người. Khi con người lâm vào cảnh túng cùng và không còn được che giấu dưới những bộ y phục, những huy hiệu, cấp bậc, chức vụ trước kia, họ đã lộ nguyên hình là những con người. Khi con người sống trong cảnh đói khát và tuyệt vọng trong hơn chục năm trời, đã cho tôi rút được bài học đắng cay sau đây: “Lòng nhân đạo của con người có giới hạn, nhưng sự ác độc của loài người thì vô tận, nhất là khi sự ác độc đó được dung dưỡng và khuyến khích bởi chế độ xấu xa ác độc như chế độ cộng sản Việt Nam”.
Chính vì có những người đã bán linh hồn cho quỷ đỏ cộng sản để quay lại hành hạ, đánh đập và giết chết anh em đồng cảnh nên tôi có viết “ Không phải bất cứ ai ở tù chung đều là bạn tù”. Hạng người đó đã tự coi mình là kẻ thù của anh em đồng cảnh nên sau này có gặp lại nhau cũng rất ngỡ ngàng và cay đắng. Tôi xin kể hai trường hợp cụ thể sau đây.
TRƯỜNG HỢP THỨ NHẤT NGÀY TÔI GẶP LẠI TRẦN CHIÊU QUAN
Năm 1998, lúc đó tôi thường qua lại làm việc bên Mỹ. Một hôm Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam có tổ chức cuộc nói chuyện với đồng hương tại một nhà hàng ở khu Thương Xá Eden bên vùng Washington DC và mời tôi làm diễn giả. Khi bà con đã tới đông và tôi đang đứng trong hành lang với vài người chờ tới giờ khai mạc thì thấy Anh “Bảy Chà” bước tới, tay quàng cổ một người đàn ông đi về phía tôi. Tới nơi anh Bảy hỏi tôi:
“ Cha Lễ có biết ai đây không”?
Tôi nhận ra ngay anh ta mặc dù xa nhau hơn chục năm. Tôi đáp không cần suy nghĩ:
“Có phải Trần Chiêu Quan không”?
Anh ta gượng cười một cách bẽn lẽn và thốt lên một câu quá bất ngờ làm tôi sửng sốt:
“ Cha Lễ nhận diện kẻ thù hay thật”!
Câu trả lời của Trần Chiêu Quan khiến tôi bất ngờ nổi giận. Tôi chỉ tay vào mặt anh ta và gằn từng tiếng:
“ Trần Chiêu Quan! Anh coi tôi là kẻ thù thì đó là chuyện của anh. Phần tôi, chưa bao giờ tôi coi anh là kẻ thù của tôi. Anh đừng có giở cái giọng đó ra với tôi ở đây. Nơi này là nước Mỹ chứ không còn là trại tù Thanh Cẩm nghe anh Quan”.
Sau câu nói đó của tôi Trần Chiêu Quan tái mặt và lảng đi nơi khác.
Trần Chiêu Quan là ai?
Anh ta là một Thiếu tá Không Quân ngày trước. Vào tù Thanh Cẩm anh ta được chỉ định làm Trật tự sau khi Bùi Đình Thi mất chức. Trần Chiêu Quan làm trật tự không bao lâu thì được tha về nên chưa có dịp gây thù chuốc oán với các tù nhân trên khu kỷ luật. Lúc còn trong tù tôi cũng không biết nhiều về thành tích của trật tự Trần Chiêu Quan. Sau này khi ra tù rồi các anh em bạn tù bên Mỹ cho biết Trần Chiêu Quan cũng là một trong những tên trật tự rất hắc ám đối với anh em dưới khu tập thể.
Mặc dù tôi không biết nhiều về Trần Chiêu Quan, nhưng câu nói của anh ta trong lần gặp lại tôi tại Thương Xá Eden “ CHA LỄ NHẬN DIỆN KẺ THÙ HAY THẬT! ” tự nó đã tố cáo tâm địa của anh ta. Câu nói đó cũng vạch ra lằn ranh rõ rệt giữa Trần Chiêu Quan và các tù nhân khác trong nhà tù Thanh Cẩm.
Dĩ nhiên là không bao giờ tôi muốn có một cuộc gặp lại loại “bạn tù” như thế.
TRƯỜNG HỢP THỨ HAI NGÀY TÔI GẶP LẠI BÙI ĐÌNH THI
(BĐT)(đã bị trục xuất và chết trên một hòn đảo thuộc Mỹ tại Thái Bình Dương ??)
Những ai đã theo dõi toàn bộ Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG chắc đã hiểu vai trò và cách hành xử rất ác độc của nhân vật Bùi Đình Thi trong chức vụ trật tự được Việt cộng ban cho ở trại tù Thanh Cẩm. Riêng đối với tôi, con người và tên tuổi của BĐT ghi khắc vào tâm khảm tôi như là hiện thân của một thứ hung thần ác quỷ, nó in sâu vào đời tôi như một hình xâm trổ thật lớn và đậm nét, không cách gì có thể tẩy xóa được.
Với vai trò trật tự được Việt cộng ban cho, BĐT đã trực tiếp giết chết hai bạn tù là các anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Cũng chính tên hung thần ác quỷ đó đã hành hạ tôi đến cùng cực và đẩy tôi tới tình trạng điên loạn khi hắn quyết tâm giết chết tôi trong tù cộng sản, nhưng số của tôi không chết dưới bàn tay sát nhân của hắn. Dù vậy Bùi Đình Thi đã để lại trên thân thể tôi thương tật đầy người, trong những lần hắn hành hạ tôi không bút mực nào có thể diễn tả được, trong thời gian tôi bị cùm chân trong nhà kỷ luật trại tù Thanh cẩm. Những việc này tôi đã ghi lại thật chi tiết trong các Chương 7, 8 và 9 của Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG .
Bùi Đình Thi mất chức Trật Tự trong trại tù Thanh Cẩm vào năm 1981, và đó là một trong hai ngày hạnh phúc nhất của tôi trong 13 năm tù, chỉ đứng sau ngày tôi được chuyển ra khỏi trại trừng giới Quyết Tiến còn gọi là trại “Cổng Trời” vào tháng 8 năm 1978. Từ đó tôi quyết tâm gạt ra khỏi tâm trí tôi hình ảnh và tên tuổi của BĐT. Tôi còn ở tù thêm 7 năm nữa tại miền Bắc.
Sau khi ra tù vào năm 1988, tôi vượt biên qua Thái Lan và qua định cự cư tại New Zealand vào năm 1990 theo lời mời của Giám mục Denis Browne là Giám mục giáo phận Auckland để phụ trách Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại giáo phận này.
Trong cuộc sống mới ở nước tự do này, tôi càng quyết tâm để lại sau lưng tất cả quãng đời u tối đầy máu và nước mắt của 13 năm tôi sống trong ngục tù cộng sản, trong đó có 3 năm bị cùm chân trong nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm mà trong chương 9 của Bút ký TÔI PHẢI SỐNG, tôi có viết :
“ Nhà kỷ luật của trại tù Thanh cẩm tự nó đã là địa ngục, khi có thêm trật tự Bùi Đình Thi vào nó xuống sâu hơn mọi tầng của địa ngục và đã trở thành đáy địa ngục”.
Từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng, Bùi Đình Thi sẽ sống yên ổn suốt đời tại Việt Nam dưới sự che chở và bảo bọc của chế độ Việt cộng, như là cách chế độ đó thưởng công cho anh ta vì đã tận tụy hợp tác và tiếp tay với chế độ ác nhân này trong việc hành hạ và giết chết những người tù chính trị miền Nam nào mà chúng muốn tiêu diệt.
Bất ngờ vào một ngày của tháng 9 năm 1996, một người bạn tù Thanh Cẩm của tôi là anh Lê Sơn ở Nam California cho tôi biết Bùi Đình Thi mới qua Mỹ theo diện HO và có người gặp anh ta đi shop ở Trung Tâm Phúc Lộc Thọ. Người đó còn hỏi được địa chỉ và số phôn của anh ta. Thời gian đó tôi đang là cha xứ của giáo xứ Saint Bernadette kiêm Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Giáo phận Auckland. Ngoài nhiệm vụ tôn giáo tôi còn đi làm việc thường xuyên ở Mỹ, Úc , Canada và một vài nước Âu Châu và nhiều nơi trên thế giới trong vai trò của Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam. Vì công việc tôi phải di chuyển nhiều nơi nhưng nhiều nhất là ở Nam California và Washington DC, Hoa Kỳ.
QUÁ KHỨ HIỆN VỀ
Cái tin Bùi Đình Thi qua Mỹ làm tôi trở nên “bất an” vì từ 15 năm qua, hình ảnh và cái tên Bùi Đình Thi gần như không còn hiện hữu trong tâm trí tôi. Bây giờ bất ngờ có tin anh ta xuất hiện tại California khiến tôi bi cú “shock” rất nặng! Toàn bộ bức tranh địa ngục trần gian của nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm và hình ảnh rất kinh hoàng của tên hung thần Trật tự Bùi Đình Thi như là một thứ quỷ chúa (Lucifer) ngự trị trong cái địa ngục đó đột nhiên bừng sống dậy một cách mãnh liệt trong lòng tôi!
Câu mắng chửi ghê gớm của người giáo dân BĐT chửi mắng tôi là một linh mục, cách nay đã 15 năm nhưng lúc nào cũng còn văng vẵng bên tai tôi:
“Đụ mẹ mầy Lễ, tao giế..ế..ế ..t..t..t mày”.
Thêm vào đó là cái cảnh anh Đặng Văn Tiếp đang nằm quoằn quoại dưới gót chân của tên ác quỷ Bùi Đình Thi, khi hắn dậm một cách điên cuồng lên ngực, lên bụng anh Tiếp và tiếng anh Tiếp kêu to “ Chắc con chết mất Mẹ ơi!”Anh Tiếp đã chết ngay dưới chân của BĐT sau tiếng kêu đó . Sau đó là hình ảnh của Lâm Thành Văn bị Bùi Đình Thi bỏ đói ngồi gục đầu chết, trong nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm. Khi chết chân của Lâm Thành Văn vẫn còn mang cùm!
Các hình ảnh méo mó bệnh hoạn đó đang nhảy múa trong đầu tôi lúc bấy giờ.Rồi cái cảnh tôi điên loạn sau khi bị Bùi Đình Thi hành hạ đến tột cùng trong lần tôi cho thằng Hà cái áo. Sau những cú đòn ác hiểm của hắn tôi bị ngạt thở vì phổi bị thương quá nặng không hô hấp được. Lúc đó nằm yên một lúc, tự nhiên cơn đau đớn thái quá của thể xác cộng với sự suy nhược tinh thần và cơn uất ức làm tôi phát điên lên. Tôi không còn tự chế mình được nữa, tôi không còn nhớ mình là ai và cũng chẳng cần biết chung quanh đang có ai. Nằm ngửa trên bệ xi-măng với một chân dính vào cùm sắt, cổ tôi tắt nghẹn, máu mũi máu miệng trào ra lênh láng và nước mắt chảy ra giàn giụa. Sự tức giận quá độ đã ném tôi vào cơn điên loạn. Tôi bắt đầu lăn lộn và giật cái chân bị cùm phát ra tiếng rầm rầm… rầm rầm… rầm rầm…như con thú đang phá chuồng. Tôi gào thét nguyền rủa vang dội trong buồng: “Bùi Ðình Thi ơi! Tao thề với mày! Tao thề với mày Bùi Ðình Thi ơi! Sau này tao mà còn sống, tao sẽ tìm hết mọi cách bắt cho được mày và cả vợ con dòng dõi rắn độc nhà mày để tự tay tao mổ bụng móc gan cả dòng dõi nhà mày để tao đặt trên bàn thờ hai anh Ðặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Như vậy tao mới hả dạ, Bùi Ðình Thi ơi! …Bùi Ðình Thi ơi! …Bùi Ðình Thi ơi!…”
Phải một lúc lâu tôi mới hồi tỉnh lại. Khi đã trở lại bình thường tôi cảm thấy thật hối hận vì những câu nói gớm ghê độc ác đó của mình. Tôi cảm thấy mình thật sự là một kẻ yếu đuối, chưa làm chủ được chính mình như đôi khi tôi tưởng.
Nhân dịp viết lại câu chuyện này, tôi công khai lên tiếng xin lỗi các anh Trịnh Tiếu, Nguyễn Sỹ Thuyên và cha Nguyễn Công Ðịnh, những người đã chứng kiến sự việc và đã nghe những lời nguyền rủa độc ác của tôi. Tôi cũng xin lỗi anh Nguyễn Tiến Ðạt, một tín đồ Công giáo trẻ ở cạnh buồng tôi lúc đó, khi biết tôi bị trận đòn chí tử, Ðạt gọi sang an ủi tôi và có hỏi:
– Cậu Bảy nghĩ thế nào? Nếu sau này Bùi Ðình Thi hối cải và xưng tội, liệu Chúa có tha cho anh ta không?
Lúc đó vì đang điên tiết trong cơn tức giận đang sôi lên sùng sục, tôi đã trả lời Ðạt bằng câu nói nghịch đạo lý và phạm thượng:
– Thằng khốn nạn đó hả? Nếu Chúa không vướng chân bị đóng đinh vào Thánh giá, Chúa cũng sẽ tống cho nó một đạp rồi! Ở đó mà tha cho nó! Chắc Ðạt đâu có biết rằng, đã từ lâu tôi rất hối hận và xấu hổ vì câu trả lời đó. Trong cơn tức giận thái quá tôi đã thốt lên lời bất xứng như vậy từ cửa miệng của một linh mục. Việc này đã tạo gương mù gương xấu cho những người chung quanh, trong đó có Ðạt.
Ðáng lẽ ra lúc đó tôi phải trả lời rằng: “Nếu sau này Bùi Ðình Thi thực sự sám hối, chắc chắn Chúa sẽ tha thứ. Vì lòng nhân từ của Chúa bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi của con người.”
MỘT VẤN ĐỀ CỦA LƯƠNG TÂM
Trong mấy ngày liền tôi không ăn ngủ được, nhớ lại cái cảnh tượng ghê gớm, tôi tự hỏi: “Tôi phải làm sao đây? Tôi phải làm sao đây?” Lúc đó tôi có cảm giác là oan hồn hai người anh của tôi bị Bùi Đình Thi giết chết sau vụ vượt ngục bất thành ngày 1 tháng 5 năm 1979 là anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn, hiện về đang kêu gào, thúc giục tôi phải có một thái độ với tên sát nhân này.
Nhiều anh em cựu tù Thanh Cẩm biết rõ tội ác của BĐT thúc giục tôi phải có hành động. Có vài người còn tính tới chuyện lấy mạng của hắn. Một điều tôi không sao hiểu được là tại sao BĐT lại quyết định làm hồ sơ qua Mỹ theo diện HO, và càng không thể hiểu được tại sao hắn lại chọn định cư tại California, nơi mà rất đông cựu tù nhân Thanh Cẩm đang sống và ai cũng biết hành vi tội ác của hắn trong nhà tù đó!
Sau mấy ngày tôi trăn trở, suy nghĩ và cầu nguyện xin Chúa cho tôi biết phải hành xử thế nào trong hoàn cảnh quá sức nghiệt ngã này. Tôi mở sách Kinh Thánh ra đọc để tìm sự thanh tịnh cho tâm hồn. Tôi tìm đọc những đoạn Chúa Giêsu dạy về sự tha thứ cho kẻ thù, đặc biệt là ở Phúc Âm Luca đoạn 6 câu 27 như sau: “ Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”.
Tôi nghiền đi ngẫm lại đoạn Phúc âm này rất nhiều lần…Tôi trăn trở mãi và giằng co rất nhiều vì đoạn Phúc âm này trong mấy ngày liền. Lúc bấy giờ tôi nghiệm thấy có quãng cách rất xa giữa việc đọc Lời Chúa và việc đem ra thực hành Lời Chúa. Đọc Lời Chúa thì dễ còn thực hành Lời Chúa dạy, thật không dễ chút nào. Nhất là khi Chúa Giêsu dạy tha thứ cho kẻ thù. Mà kẻ thù đó lại là tên hung thần ác quỷ Bùi Đình Thi, một con người đã cho tôi đủ cơ sở để viết câu này trong Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG: “ Lòng nhân đạo của con người thì có giới hạn nhưng sự ác độc của con người thì vô tận, nhất là khi sự ác độc đó lại được khuyến khích và cổ vũ bởi chế độ ác độc như chế độ cộng sản Việt Nam”. Thật khó cho tôi vô cùng! Tôi cầu nguyện rất nhiều trong mấy ngày đó.
MỘT QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN
Cuối cùng tôi quyết định tha thứ, vì chỉ có sự tha thứ toàn diện và vô điều kiện mới giải quyết được vấn đề lương tâm trong lòng tôi trước hoàn cảnh này! Tôi bàn với hai bạn tù Thanh cẩm người Công giáo là Lê Sơn và Nguyễn Tiến Đạt, về quyết định tha thứ này.
Chiều tối ngày 8 tháng 9 năm 1996, có Nguyễn Tiến Đạt tại nhà Lê Sơn ở Fullerston, Nam California, chúng tôi bắt đầu thực hành quyết định tha thứ nói trên. Anh Đạt cầm điện thoại lên gọi Bùi Đình Thi, sau khi nói chuyện mấy câu, Đạt nói : “ Anh Thi, có người muốn nói chuyện với anh nè” và trao điện thoại cho tôi. Tôi cầm điện thoại lên mở lời: “Chào anh Thi, tôi là thằng Nguyễn Hữu Lễ ở trại Thanh Cẩm ngày trước đang gọi anh đây”. Đầu dây bên kia yên lặng một lúc khá lâu. Chợt tôi nghe tiếng: “Cha Lễ đó hả Cha?” Tôi quá bất ngờ với lối xưng hô của Bùi Đình Thi đối với tôi. Câu nói của Bùi Đình Thi khiến cho hai hàng nước mắt tôi tự nhiên rơi xuống, vì tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi còn nghe được cái tiếng “CHA” nơi cửa miệng của Bùi Đình Thi nữa nhưng cái câu “ Đụ mẹ mầy Lễ tao giêt.t.t mày”lúc nào cũng văng vẵng bên tai tôi.
Sau cú điện thoại này, ý định tha thứ cho Bùi Đình Thi lại càng mạnh hơn trong lòng tôi. Tôi nói là tôi sẽ đến thăm và anh ta hẹn vào 6 giờ chiều ngày mai.
Hôm sau là ngày 9 tháng 9, năm 1996, tôi đi với Lê Sơn và Nguyễn Tiến Đạt tới gặp Bùi Đình Thi. Anh Đạt có ẵm theo con gái là cháu Linh, lúc đó khoảng 3 tuổi. Tôi muốn có người chứng kiến cảnh này, hơn nữa tôi nghĩ rằng phải có hai anh bạn đi bên cạnh, tôi mới thấy an toàn, vì lúc này tôi vẫn còn rất kinh sợ Bùi Đình Thi. Sự sợ hãi vẫn còn ám ảnh tôi mãi vì những năm trong nhà kỷ luật trại tù Thanh cẩm, lúc đó mỗi khi Bùi Đình Thi gọi tới tên tôi là tôi bị sợ đến nỗi són cứt đái ra quần!
Lúc đó gia đình Bùi Đình Thi sống trong khu vực nhà của chánh phủ, gồm có nhiều dãy nhà thấp nằm song song với nhau, chia ra từng căn nhỏ. Giữa hai dãy nhà là lối đi tráng xi-măng có bề rộng chừng 4 thước. Lối đi này xe hơi không vào được nên chúng tôi phải đỗ xe ngoài đường cái và đi bộ vào theo địa chỉ anh đã cho. Khi đó trời đã nhá nhem tối.
Từ xa nhát thấy Bùi Đình Thi đang ngồi chồm hổm trên đường xi-măng đợi, tôi sợ và lên tiếng dặn anh Lê Sơn và Đạt lúc nào cũng đi bên cạnh tôi đề phòng có gì bất trắc xảy ra thì phải can thiệp ngay. Gần đến nơi tôi thấy Bùi Đình Thi mặc áo thun trắng cổ tròn tay ngắn và quần tây màu đen, áo cho vào quần. Lúc này trông anh ta đã già đi khá nhiều sau một thời gian lâu không gặp. Nét mặt anh ta đanh lại trông thật khắc khổ và nét dữ tợn hung ác càng hiện ra rõ ràng hơn. Có lẽ đã đợi lâu nên anh ta ngồi xuống cho đỡ mõi chân . Đó là lần tôi gặp lại “cố nhân” sau 15 năm .
Lúc đó tôi vẫn sợ Bùi Đình Thi có thể trong thế bí sẽ làm liều. Biết đâu, trong tay của tên hung thần ác quỷ này có thủ sẳn con dao hay vũ khí gì để giết người phi tang. Hoặc nhân cơ hội này anh ta sẽ thực hiện câu nói: “ Đụ mẹ mày Lễ, tao g-i-ế-ê- t-t-t mày…” năm xưa! Tôi tự trách mình sao mà tôi quá dại dột, đáng lẽ không nên hẹn trước với Bùi Đình Thi. Tốt nhất là chúng tôi nên tới gặp anh ta một cách bất ngờ sẽ an toàn hơn vì một con người như Bùi Đình Thi, thì hành động ác nhân nào mà anh ta chẳng dám làm!
Thấy chúng tôi đi tới, Bùi Đình Thi đứng lên. Tôi liếc nhìn rất nhanh đôi tay anh ta, thấy không có vũ khí gì nên tôi yên tâm đưa tay ra bắt tay anh ta. Khi Bùi Đình Thi nắm bàn tay tôi, bất ngờ và một hiện tượng rất lạ lùng xảy ra!
ẢO GIÁC KINH HOÀNG
Tôi có cảm giác như người bị điện giật, làm tôi bị say xẩm mày mặt! Tôi bị hoa mắt, cảnh vật quay cuồng khi nhìn thấy lờ mờ cánh tay của Bùi Đình Thi nhuộm đầy máu me đỏ lòm! Máu tươi chảy dài từ cùi chỏ xuống bàn tay của anh ta và rơi từng giọt…từng giọt… từng giọt…xuống nhuộm đỏ mặt con đường tráng xi-măng. Toàn là máu tươi! Và đó chính là máu của tôi! Đó chính là máu từ miệng và mũi của tôi đã trào ra lênh láng trong lần Bùi Đình Thi đánh tôi dập nát một lá phổi, trong vụ tôi cho thằng Hà cái áo vàng trong nhà Kỷ luật trại tù Thanh Cẩm vào năm 1979!
Bất ngờ cảnh vật mờ ảo trước mắt và tôi ngất đi không còn nhìn thấy gì nữa. Tôi bị chao đảo và ngã ngồi bệt xuống đường. Lê Sơn và Đạt mỗi người kè tôi một bên, nâng tôi lên và lấy dầu xoa vào mũi và hai bên thái dương cho tôi. Tôi đứng lên ôm lấy vai anh Lê Sơn một lúc lâu mới hoàn hồn.
Lúc bấy giờ cả 4 người chúng tôi không ai nói lời nào. Khi tôi tỉnh lại, rút khăn tay ra chậm mồ hôi ướt đẫm áo và trên mặt.
Bùi Đình Thi đưa chúng tôi vào căn nhà nhỏ và thấp. Lạ một điều là trong nhà tối om chỉ có một bóng đèn điện dưới bếp. Thấy cảnh tối om tôi lại sợ nên yêu cầu anh ta đưa đèn lên phòng khách cho sáng. Trong khi đó Bùi Đình Thi bảo bà vợ đưa lên ba ly nước coca-cola.
Chúng tôi ngồi xuống chung quanh cái bàn giữa nhà, tôi ngồi đối diện với Bùi Đình Thi, ở giữa là anh Lê Sơn ẳm bé Linh, còn Đạt thì đứng cầm máy chụp hình. Bùi Đình Thi ngồi yên lặng khoanh hai tay đặt lên bàn cúi đầu xuống thấp, không bao giờ ngước lên nhìn thẳng vào tôi. Đây là lần đần tiên tôi ngồi đối diện thật gần với Bùi Đình Thi, lúc này có dịp nhìn rỏ anh ta từng chi tiết tôi mới nhận thấy hết cấu trúc của một con người độc ác thể hiện ra trên từng chi tiết trên cơ thể của anh ta.
Tóc anh ta thưa, mặt dài, xương xẩu và nám đen. Phần trên trán to nhưng thon nhỏ lại ở càm. Hai gò má nhô lên cao và cái miệng thật là kinh dị. Hai cái môi anh ta không giáp mí nhau và lúc nào cũng nhơm nhớp nước bọt. Anh ta có thói quen thỉnh thoãng lè lưỡi liếm hai bên khóe mép. Hai cánh tay gân guốc và dài nhằng của anh đặt trên mặt bàn, các ngón tay dài gút mắt và bẩn thỉu, đầu các ngón tay có vành đen vì móng dài chưa cắt, bên trong bám đầy đất cát. Tôi nhớ lại cái bàn tay có những ngón dài ngoằn dị dạng và kinh tởm đó đã từng nhuộm đẩm máu của tôi và của nhiều người tù trong tại tù Thanh Cẩm. Có lẽ máu của tôi là nhiều nhất. Bàn tay này là hình ảnh tiêu biểu của kẻ sát nhân. Đây là con người mà tôi kinh hãi nhất trong kiếp làm người của tôi, bây giờ đang ngồi yên cúi gầm đầu trước mặt tôi. Lúc đó vợ của Bùi Đình Thi cũng bước tới đứng sau lưng anh ta.
CUỘC ĐỐI THOẠI DUY NHẤT
Vì không có chuyện gì để nói với nhau nên tôi vào đề ngay:
– Anh Thi! Tôi biết là anh không thể nào quên được những gì anh đa gây ra cho tôi và các anh em khác trong nhà tù Thanh Cẩm. Tôi đến đây là để tha thứ cho anh rồi. Nhưng, có một điều tôi muốn hỏi anh: ” Đây là một thắc mắc lớn đã ám ảnh tôi trong mười mấy năm qua. Xin anh cho biết tại sao anh quyết tâm giết tôi? Trong khi anh đã giết chết anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn, tôi nghĩ bao nhiêu đó anh đã đủ lập công với chế độ Việt cộng rồi. Giữa tôi với anh không thù không óan, không hề biết nhau trước khi vào tù. Hơn nữa, tôi là một linh mục còn anh là một giáo dân, vậy tại sao anh quyết tâm giết tôi”?
Bùi Đình Thi ngồi yên, cúi gầm đầu một lúc, sau đó ngẩn đầu lên nhưng không nhìn tôi, chỉ nói:
– Thưa Cha, con khó nói lắm.
Tôi trả lời:
– Nếu anh không nói được thì tôi không ép. Nhưng điều thắc mắc này sẽ theo tôi xuống mồ.
Trong lần đó tôi cũng nói với Bùi Đình Thi là anh phải tới quỳ lạy trước bàn thờ và di ảnh của anh Đặng Văn Tiếp để xin tha tội. Tôi có cho số điện thoại của anh Đặng Văn Thụ là em của anh Tiếp ở Maryland.Sau này được biết Bùi Đình Thi có gọi anh Thụ xin tới nhà để lạy bàn thờ anh Tiếp, nhưng anh Thụ từ chối và nói: “
Xin hãy để cho hương hồn anh tôi được nghỉ yên!
Chỉ khoảng mười lăm phút sau tôi đứng lên từ giã . Ba ly coca-cola vẫn còn nguyên không ai động tới. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên và duy nhất giữa tôi và Bùi Đình Thi. Anh Đạt có đem máy chụp hình theo để chụp hình làm kỷ niệm trong dịp này, vì tôi muốn có hình đó. Trong hình, một tay tôi bắt tay Bùi Đình Thi và tay kia quàng cổ anh ta.
Lê Sơn ẵm cháu Linh đứng bìa phải còn vợ BĐT đứng bên trái đang tươi cười vịn lên vai tôi. Đối với người khác bức hình này rất bình thường, nhưng đối với tôi đây là một bức hình lịch sử của cuộc đời tôi. Biến cố ngày tôi đến gặp và tha thứ cho tên sát nhân Bùi Đình Thi, một con người đã quyết tâm giết chết tôi trong nhà tù cộng sản.
Sau lần đến gặp và tha thứ cho Bùi Đình Thi một cách vô điều kiện đó, trong lòng tôi mới được thảnh thơi.
Nhân viết lại chuyện này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc tư tưởng sau đây. Cảnh tôi gặp lại Bùi Đình Thi tại California sau 15 năm, khi mà hoàn cảnh và vị thế xã hội của hai người đã đổi khác, đã cũng cố thêm cho câu người đời thường nói “Trái Đất Tròn”. Vì “ Trái Đất Tròn” nên mỗi người chúng ta, nhất là những người hiện đang có quyền thế, phải biết hành xử với những người khác thế nào, nhất là kẻ đang sa cơ thất thế, để sau này nếu có gặp lại sẽ không có cảnh ngỡ ngàng, nặng nề cay đắng và khó xử như cảnh Bùi Đình Thi ngồi khoanh tay cúi gầm đầu trước mặt tôi trong lần tái ngộ.
Phần tôi cũng rất khổ tâm khi phải ngồi đối diện với Bùi Đình Thi, một con người mà tôi không bao giờ muốn gặp lại. Ước mong rằng, chuyện xảy ra cho tôi sẽ là bài học cho những người khác, nhất là cho những ai đã theo dõi Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG.***
Toàn bộ câu chuyện “NGÀY TÔI GẶP LẠI BÙI ĐÌNH THI” tôi có ghi lại ở Video 42/42 trong Sách Nói TÔI PHẢI SỐNG. Mời các bạn click vào Link bên dưới để theo dõi.www.youtube.com/watch?v=dUxchKD_WMw
Trước khi dứt lời tôi muốn cám ơn cháu Phan Liên một lần nữa vì đã gợi ý để tôi có dịp trình bày lại toàn bộ bức tranh “ Trái Đất Tròn” về hoàn cảnh trong tù cộng sản và những tình tiết chung quanh mà không mấy người bên ngoài có dịp để biết.
LM NGUYỄN HỮU LỄ