LÝ DO TÂN THỦ TƯỚNG NHẬT CHỌN VIỆT NAM CHO CHUYẾN CÔNG DU NƯỚC NGOÀI ĐẦU TIÊN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tân Thủ Tướng Suga Yoshihide Nhật (đứng không có khẩu trang)

Theo thông lệ, một tân thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm Mỹ, đồng minh thân cận nhất, cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Tuy nhiên ông Suga Yoshihide, người vừa lên thay ông Shinzo Abe trong cương vị thủ tướng Nhật, sẽ phá vỡ tiền lệ này khi đến Việt Nam trong tuần tới cho chuyến thăm và làm việc nước ngoài đầu tiên của mình. Tại sao ông Suga chọn Việt Nam và chuyến thăm này sẽ là chỉ dấu gì cho quan hệ giữa hai quốc gia đang gắn bó chặt chẽ hơn trong những năm gần đây khi Trung Cộng ngày càng bành trướng sức mạnh trong khu vực?
Tân thủ tướng Nhật Bản Suga hôm 13/10 công bố rằng ông sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới vào tuần tới, trong đó Việt Nam và Indonesia sẽ là điểm đến của ông.

Trong thông báo “Việt Nam là nước đầu tiên tân thủ tướng Nhật Bản chọn công du”, trang Facebook chính thức của Chính phủ Việt Nam cho biết Thủ tướng (CSVN) Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan liên quan “tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của đoàn Thủ tướng Suga Yoshihide, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch virus Vũ Hán-19.”

Ông Suga dự kiến sẽ gặp Nguyễn Xuân Phúc, người đã chính thức mời ông tới thăm Việt Nam trong cuộc điện đàm hôm 12/10 – trong đó người đứng đầu chính phủ Việt Nam chúc mừng ông Suga được bầu làm thủ tướng Nhật trong khi ông Suga bày tỏ chia sẻ và gửi lời thăm hỏi tới nhân dân miền Trung Việt Nam về những thiệt hại do mưa lũ gây ra – khi tới thăm Hà Nội ngày 18-21/10.

Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington DC Hoa Kỳ, ông Suga, người lên nắm chức thủ tướng Nhật Bản sau khi ông Abe từ chức vì lý do sức khoẻ vào tháng trước, đã “phá vỡ truyền thống” khi chọn Việt Nam và Indonesia cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên thay vì đồng minh thân cận Hoa Kỳ, nơi đang có số lượng người nhiễm virus corona cao nhất thế giới và trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11. Chuyến công du này, theo CSIS, là nhằm củng cố hơn nữa sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Đông Nam Á trên mọi lĩnh vực từ ứng phó với đại dịch virus corona cho tới hạ tầng cơ sở và đầu tư. Động thái này theo sau chuyến công du “ngoại giao y tế” của Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi tới Đông Nam Á hồi tháng 8 và phản ánh mong muốn của Tokyo trong việc đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Với những lo ngại về kinh tế và an ninh rộng lớn hơn của khu vực, tân thủ tướng Nhật được cho là sẽ chọn theo chân của nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản ‘tiền bối’ khi sử dụng chuyến công du nước ngoài đầu tiên mang tính biểu tượng của mình để đến Washington và khẳng định thêm tầm quan trọng của liên minh xuyên Thái Bình Dương được hình thành từ năm 1945. Nhưng việc ông Suga chọn thăm hai quốc gia ở Đông Nam Á nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam và Indonesia trong chiến lược khu vực của tân thủ tướng Nhật, theo nhận định của South China Morning Post. Tờ báo tiếng Anh có trụ sở ở Hồng Kông cho rằng điều này cũng cho thấy mong muốn tách Nhật Bản khỏi các cuộc tranh cãi chính trị đang nổ ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra ngày 3/11.

Nhật định về chuyến thăm tới Việt Nam, sau đó là Indonesia, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Nhật, tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), cũng cho rằng hầu hết những thủ tướng mới nhậm chức của Nhật sẽ “ngay lập tức sát cánh với Mỹ để củng cố nền tảng cầm quyền của họ và đương nhiên sẽ đến thăm Washington đầu tiên.” Nhưng tờ báo của Nhà nước Trung Cộng cho rằng ông Suga, theo chân người tiền nhiệm Abe, là những ngoại lệ khi đến thăm Đông Nam Á thay vì thăm Mỹ sau khi nhậm chức. Ông Abe cũng thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài sau khi tái đắc cử thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 2 năm 2012.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hoàn cầu Thời báo, động thái này không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Mỹ-Nhật dưới thời ông Abe, người là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump tiếp đón tại Mỹ. Tờ báo này cũng cho rằng ông Suga không chọn tới Mỹ vì đại dịch virus Vũ Hán vẫn đang nghiêm trọng ở đây và những lo ngại về sự tái đắc cử của ông Trump, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông Suga hạ giảm tầm quan trọng của Mỹ và liên minh Mỹ-Nhật.

Đối trọng với Trung Cộng

Chuyến thăm Việt Nam và Indonesia của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh năng lực quốc phòng của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với những lợi thế hàng hải của Trung Cộng.

Hợp tác an ninh được kỳ vọng sẽ là chủ đề chính trong các cuộc gặp của ông Suga với các nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia, theo Nikkei Asia.

“(Việt Nam và Indonesia) là hai quốc gia mà Nhật xem là có chung những mối quan ngại về Trung Cộng và cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn về một ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở’ của Nhật Bản,” Giám đốc trung tâm nghiên cứu Châu Á của Đại học Temple ở Tokyo, Jeff Kingston, nhận định với South China Morning Post. Chiến lược tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được Tổng thống Trump giới thiệu lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017 nhằm đối trọng sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực.

Việt Nam đặc biệt đối mặt với những tuyên bố chủ quyền chồng chéo của Trung Cộng ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các đảo và tăng cường sự hiện diện quân sự. Trong khi đó Biển Đông, một hải lộ quan trọng nối châu Á với Trung Đông, có một ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của Nhật Bản, theo Nikkei Asia. Do đó, Nhật muốn tăng cường sự hợp tác với Việt Nam để khuyến khích sự kiềm chế của Trung Cộng trong vùng lãnh hải này.

Đại sứ Nhật tại Việt Nam, Yamada Takio, trong cuộc gặp với Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng hôm 7/10, cho biết rằng việc Thủ tướng Suga “chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam với Nhật Bản.”

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất từ Nhật Bản trong 20 năm qua. Từ 2014-2018, Nhật cung cấp cho Việt Nam khoảng 280 triệu USD dưới hình thức viện trợ để phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, cũng như thực hành quản trị và môi trường ở Việt Nam, theo truyền thông trong nước.

Tháng 7 vừa qua, Tokyo công bố một thoả thuận trị giá 348 triệu USD để đóng 6 tàu tuần tra trên biển cho Việt Nam nhằm tăng cường khả năng hàng hải cho quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Trong chuyến thăm vào tuần tới, Thủ tướng Suga dự định sẽ ký một thoả thuận cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam, nơi đang có khoảng 80% lượng vũ khí nhập từ Nga.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được tăng cường mạnh mẽ dưới thời thủ tướng Abe, người đã coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao khu vực của mình. Năm 2006, trong nhiệm kỳ làm thủ tướng Nhật đầu tiên, ông Abe đã ký hiệp ước Đối tác Kinh tế Nhật Bản-Việt Nam và dần nâng cấp nó thành một liên minh chiến lược rộng lớn hơn.

Thủ tướng Phúc, trong cuộc điện đàm với ông Suga hôm 12/10, khẳng định rằng Việt Nam luôn coi Nhật Bản là “đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu, lâu dài.” Còn tân thủ tướng Nhật nói với người đứng đầu chính phủ Việt Nam rằng ông đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, cũng như khẳng định rằng ông “coi trọng và mong muốn đưa hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.”