“KHÔNG THÀNH CÔNG CŨNG THÀNH NHÂN” (Nhất Hùng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Biên Tập Theo Tài Liệu Lịch Sử Việt Nam Quốc Dân Đảng Và Nhận Định Của Tác Giả)

DẪN NHẬP

Cách nay hơn 94 năm, gần một thế kỷ, đêm 09/02/1930, Yên Báy đang chìm trong giấc ngủ, nhưng đó chỉ là bề ngoài bởi ngọn lửa cách mạng đang nhen nhóm và bùng lên ngay trong buổi sáng hôm đó. “Yên Bái Đêm Đỏ Lửa”* bắt đầu.

Rạng sáng ngày 10/02/1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng tiến hành cuộc Tổng Khởi Nghĩa bằng vũ trang đồng loạt ở một số tỉnh Bắc Kỳ dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, Đảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tổng Khởi Nghĩa xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau nhưng cùng do Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo, cùng diễn ra ở một thời điểm nên lịch sử vẫn thường gọi chung là “Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy”. Mục đích của cuộc tổng khởi nghĩa là lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp để xây dựng một Nước Việt Nam Độc Lập.

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa nhanh chóng bị thất bại do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan nhưng đã góp phần cổ vũ lòng yêu nước của người Việt Nam, gây tiếng vang lớn không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có ý nghĩa quốc tế sâu sắc, làm rúng động toàn bộ hệ thống chính quyền thuộc địa của Pháp tại Đông Dương và đã tạo ra những chấn động lớn tại nước Pháp đương thời. Đây là lần đầu tiên một cuộc tổng khởi nghĩa có vũ trang, có tổ chức, có quy mô trên toàn cõi Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp.

SƠ LƯỢC THÀNH LẬP VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG

Cơ sở hạt nhân đầu tiên của VNQDĐ là Nam Đồng Thư Xã. Ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học và các đồng chí tổ chức thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, ông được bầu làm Chủ Tịch. Hoạt động chính trị theo xu hướng Cách Mạng Dân Chủ. Vận động các thành phần: sinh viên, học sinh, công chức, tư sản lớp dưới, nông dân khá giả, địa chủ ở nông thôn, binh lính, hạ sĩ quan người Việt trong quân đội Pháp. Chương trình hành động được phát triển qua ba thời kỳ: 

– Thời kỳ phôi thai: tập trung tổ chức chi bộ, phát triển đảng viên, xây dựng các cơ sở đảng.

– Thời kỳ thứ hai: tổ chức các hội quần chúng xung quanh Đảng, thành lập các cơ quan tuyên truyền bán công khai, cử người ra nước ngoài học về quân sự để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa và xây dựng lực lượng vũ trang sau khi giành được chính quyền.

– Thời kỳ thứ ba: công khai hoạt động, tổ chức khởi nghĩa, chiêu mộ và phối hợp với những binh lính trong quân đội Pháp cùng nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt tiến tới giải phóng dân tộc, khôi phục giang sơn…

VNQDĐ đã nhanh chóng phát triển đảng viên và xây dựng hệ thống tổ chức ở địa bàn trung tâm là khu vực Bắc Kỳ, Đến năm 1928, bắt đầu phát triển tổ chức ở nhiều địa phương thuộc Trung Kỳ và Nam Kỳ. Bên cạnh việc xây dựng, phát triển đảng viên và hệ thống tổ chức ở các tỉnh thành, VNQDĐ còn liên lạc với các đảng phái chính trị khác ở trong nước và tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ra nước ngoài như Lào, Campuchia và Trung Quốc. Theo báo cáo của Sở Mật thám Đông Dương, đầu năm 1929 VNQDĐ đã xây dựng được 120 chi bộ với 1.500 đảng viên, trong đó có 120 binh lính người Việt trong quân đội Pháp.

BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ DẪN ĐẾN CUỘC TỔNG KHỞI NGHĨA.

Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn còn trong thời kỳ phôi thai nhưng có quá nhiều biến cố bất lợi cho Đảng. Từ đầu tháng 02 năm 1929, sau vụ tên  mộ phu ác ôn Bazin bị ám sát, thực dân Pháp ra sức truy lùng, bắt bớ những người yêu nước và phá vỡ hàng loạt các cơ sở cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội và các tỉnh. Số phận và sự tồn vong của VNQDĐ như chỉ mành treo chuông. Trước tình thế nguy cấp, lãnh đạo Trung Ương cho rằng không thể ngồi yên chịu chết. Từ cách nhìn đó, Nguyễn Thái Học quyết định triệu tập Hội Nghị Đại Biểu Toàn Quốc của VNQDĐ ngày 17 tháng 09 năm 1929 tại Lạc Đạo, Hải Dương để bàn bạc và thống nhất kế hoạch khởi nghĩa. VNQDĐ còn tổ chức một Hội Nghị nữa ở Bắc Ninh. Sau hai Hội Nghị này, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai và đẩy mạnh ở các địa phương. Giữa lúc công cuộc khởi nghĩa đang được xúc tiến thì một tai nạn xảy ra, gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của VNQDĐ, đó là vụ nổ bom do sơ xuất khi chế tạo đã làm chết ba đảng viên VNQDĐ ở Bắc Ninh ngày 08 tháng 09 năm 1929 và đặc biệt tổn hại là vụ phản bội của Phạm Thành Dương, tức Đội Dương ngày 25 tháng 12 năm 1929 tại Hội Nghị Võng La, Phú Thọ. Những sự biến này đã làm cho Pháp cảnh giác, tăng cường lùng sục, khủng bố, bắt bớ. Hoàn cảnh này đã đẩy VNQDĐ vào tình huống phải “khởi nghĩa non”. Để đối phó với hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo, ngày 26 tháng 01, 1930, Nguyễn Thái Học lại triệu tập một cuộc họp khẩn tại làng Mỹ Xá, Nam sách Hải Dương để khẳng định lại chủ trương khởi nghĩa. 

Trên cơ sở phân tích tình hình của Đảng, Nguyễn Thái Học nhận xét: “Đảng chúng ta (tức Việt Nam Quốc Dân Đảng) có thể tiêu ma hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã chen vào đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi người của Đảng cũng sẽ liên tiếp bị bắt dần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam, âu là chết đi để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không Thành Công Thì Cũng Thành Nhân”.

Mục đích cuộc Tổng Khởi Nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng được tóm tắt trong bài “Hịch Khởi Nghĩa”:

“Đuổi Giặc Pháp Về Nước 

Đem Nước Nam Trả Người Nam

Cho Trăm Họ Khỏi Lầm Than

Được Thêm Phần Hạnh Phúc’.

 

TỔNG KHỞI NGHĨA 

Tại Yên Báy, lực lượng Việt Nam Quốc Dân Đảng có khoảng 40 người. Đêm 9 rạng ngày 10/2/1930, Khởi nghĩa Yên Báy bùng nổ. Cờ của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã tung bay trên trại lính và các công sở. Nhưng vì không được lính khố xanh trên đồn cao tham gia nên Pháp đã củng cố được lực lượng và phản công. Nghĩa quân bị đánh bật khỏi các vị trí đã chiếm, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu. Phối hợp với Yên Báy, nghĩa quân khởi nghĩa ở Hưng Hóa, Lâm Thao, tiến hành cài bom nổ khắp thành phố Hà Nội để uy hiếp tinh thần và gây hoang mang cho quân Pháp.  

Sau khởi nghĩa Yên Báy 5 ngày, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, Phụ Dực, chủ trương tiến tới chiếm toàn bộ Hải Phòng. Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện Vĩnh Bảo. Nhưng Pháp phản công dữ dội cộng với vũ khí vượt trội, quân khởi nghĩa bị tiêu diệt.

Nguyễn Thái Học cùng một số đảng viên tiêu biểu còn lại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, bàn bạc, dự định cải tổ lại Đảng, thay đổi phương hướng chiến lược và hoạt động của Đảng. Chủ trương này vừa khởi động thì ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). 

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa sớm thất bại, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố,  truy lùng, trả thù, đàn áp, bắt bớ vô cùng tàn bạo. Ngày 14-2-1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ký Nghị định thành lập Hội đồng Đề hình để xét xử vụ án Việt Nam Quốc Dân Đảng. Theo tài liệu lưu trữ thì tổng số có hơn 600 đảng viên bị đưa ra xử, trên 30 người bị lĩnh án tử hình (trong đó có các lãnh tụ của đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp, Trần Quang Diệu…)

Các hồ sơ lưu trữ cũng phản ánh các vụ trả thù dã man của thực dân Pháp đối với các địa phương diễn ra các cuộc khởi nghĩa vũ trang như triệt hạ bằng máy bay và súng liên thanh giết chết 21 người dân vô tội ở Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Các cuộc khủng bố trắng tại các làng Đồng Tải, Phong Cầu, Kha Lâm (Kiến An, Hải Phòng) và một số làng khác của tỉnh Phú Thọ…

Tuy nhiên, sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp đã không làm nhụt chí dân ta. Ngược lại, cuộc tổng khởi nghĩa còn có tác dụng cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù thực dân Pháp. Những tấm gương hy sinh quả cảm của các vị tiên liệt VNQDĐ đã góp phần tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc. 

Ngày 23/3/1930, nhiều lãnh đạo VNQDĐ bị kết án tử hình. Ngày 16/6/1930, 13 nghĩa sĩ gồm Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh (tài liệu lưu trữ Pháp ghi là Văn Thịnh), Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sứ (trong tài liệu lưu trữ Pháp ghi Văn Tứ), Bùi Văn Cửu (tài liệu lưu trữ Pháp ghi là Nguyễn Văn Cửu), Nguyễn Như Liên (Ngọc Tỉnh) bị áp giải từ nhà tù Hỏa Lò lên Yên Bái (theo Hoàng Văn Đào, tác giả Việt Nam Quốc Dân Đảng, tên của một số đảng viên bị kết án không được tra cứu đầy đủ do khi bị Pháp thẩm vấn, nhiều đảng viên khai sai tên hoặc khai bí danh để tránh liên lụy đến những người khác). Sáng sớm ngày 17/06/1930, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bị xử chém, án thi hành từ 5 giờ 10 đến 6 giờ sáng. Trước đó, cùng với hình thức trên, thực dân Pháp đã hành hình 4 người khác vào ngày 8/5/1930. Bước lên đoạn đầu đài, trước khi đưa đầu vào máy chém, Nguyễn Thái Học hô vang: “Việt Nam Vạn Tuế!” và còn đọc thơ bằng tiếng Pháp:

Mourir pour sa patrie
Cest le sort le plus beau
La plus digne denvie
(Chết cho đất nước của mình
Là cái chết đẹp nhất
Thanh thản tuyệt vời nhất)
 

 

Nguyễn Thị Giang (em ruột cô Bắc), là Đồng chí, vị hôn thê của Nguyễn Thái Học, sau khi chứng kiến cái chết oanh liệt của các nghĩa sĩ Yên Báy, đã về Thổ Tang quê chồng, quyên sinh bằng súng. Cô Giang đã để lại 2 câu thơ tuyệt mệnh cảm động:

“Thân không giúp ích cho đời – Thù không trả được cho người tình chung…”

Pháp phải thừa nhận Khởi nghĩa Yên Báy đã giáng một đòn chí mạng vào chính quyền thuộc địa. Báo cáo của mật thám Đông Dương gửi Toàn quyền Đông Dương và Bộ Thuộc địa số 2037, phông RST/NF đã viết: 

“Việt Nam Quốc Dân Đảng đã thành công trong việc tổ chức và đánh ngay vào quân đội mà đội quân ấy được thành lập dành cho mục đích thực hiện chức năng đàn áp và sự kiện lịch sử này đã giáng một đòn đặc biệt nghiêm trọng vào chính quyền thuộc địa…”.

– Nhà thơ Pháp Louis Aragon xúc động trước cuộc khởi nghĩa Yên Báy với những tấm gương yêu nước và tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam đã viết:

“Yên Bái – Đây là điều nhắc nhở ta rằng – không thể bịt miệng một dân tộc

mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ”.

“Yên Bái – Xin gửi tới những người anh em da vàng lời nguyền này – để mỗi giọt cuộc sống các bạn đều tràn máu của một tên Varenne”.

– Tờ l’Humanité (Nhân Đạo) của Pháp, số ra ngày 06/03/1930 đã gọi những bản án xử tử, khổ sai, đi đày mà thực dân Pháp tuyên cho những nghĩa sĩ của VNQDĐ là “tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp” đối với những nhà cách mạng Đông Dương.

– Cuộc khởi nghĩa này đã được một sĩ quan quân đội Pháp từng trải và có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh, bút danh BỐN MẮT viết cuốn YÊN BÁI ĐÊM ĐỎ LỬA (La nuit rouge de Yen Bai). 

Các nhà bình sách cho rằng: 

Ông có cái nhìn sắc sảo, khách quan, với đầu óc quan sát tỉ mỉ, cụ thể, cộng tính khoa học của một nhà quân sự, phân tích nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa, nêu bật ý chí của dân tộc Việt Nam trong việc đấu tranh chống lại ách đô hộ của Pháp và tay sai, sự kiên trì, quyết tâm và dũng cảm của các nhà lãnh đạo và nghĩa sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Ông đánh giá từ vị trí địa lí các vùng miền, từ tâm tính, đặc điểm của con người đến những giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Những phân tích và đánh giá này giúp ta hiểu rõ hơn về bối cảnh, cảm nhận được lòng yêu nước và ý chí căm thù của dân tộc ta đối với những kẻ cướp nước và tay sai. Đã có nhiều tác phẩm viết về khởi nghĩa Yên Báy nhưng dấu ấn của “Yên Bái Đêm Đỏ Lửa” nằm ở chương viết về chuyện tình giữa Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang trong những ngày tháng đặc biệt nhất của cuộc khởi nghĩa. Hai hôm sau ngày hành quyết Nguyễn Thái Học, bà đã tự sát bằng súng để tuẫn tiết theo vị hôn phu của mình. Đây có thể là chương đắt nhất trong toàn tác phẩm, bởi đã khiến cho người đọc không khỏi bùi ngùi xót thương trước mối tình đẹp của hai nhà cách mạng. Không có gì giá trị bằng những đánh giá của một Sĩ Quan Pháp – người bên kia chiến tuyến – về cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy. 

Xin đơn cử vài nhận định của tác giả “Yên Bái Đêm Đỏ Lửa” được trích trong tác phẩm:

– “Từ Móng Cái đến Saigon, cả Đông Dương đều bị những đường dây phá hoại, vận chuyển vũ khí của Việt Nam Quốc Dân Đảng làm rối loạn”
– “Sức mạnh của phong trào yêu nước phản kháng đã làm cho quân đội Pháp lưỡng lự và ngần ngại, không dám đưa ra những động thái quyết liệt để dập tắt cuộc khởi nghĩa”
– “Điều quan trọng nhất trong cuộc khởi nghĩa này là tinh thần của những người tham gia vào nó. Họ quyết tâm bảo vệ độc lập của dân tộc, và sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được mục tiêu cao cả này”
– “Những người đứng đầu cuộc khởi nghĩa đã thông qua nhiều cuộc họp bàn, nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình khắp nơi, chỉ ra những điểm mạnh và yếu của quân đội Pháp, và lên kế hoạch chiến đấu một cách chặt chẽ và tỉ mỉ”
– “Tuy cuộc khởi nghĩa đã thất bại nhưng nó đã đánh thức lòng yêu nước, ý chí hy sinh của dân tộc, và tạo nên một đòn giáng mạnh vào những kẻ họ cho là cướp nước, những kẻ họ cho là tay sai phản bội dân tộc

NHẬN ĐỊNH VỀ NGƯỜI CỘNG SẢN ĐÁNH GIÁ TỔNG KHỞI NGHĨA YÊN BÁY

Điển hình cho cái nhìn của người Cộng Sản về cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy là câu nói của Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam: 

“Khởi nghĩa Yên Báy chi là một cuộc bạo động bất đắc dĩ, một cuộc bạo động non, để rồi chết luôn không bao giờ ngóc lên nổi. Khẩu hiệu “Không thành công thì thành nhân” biểu lộ tính chất hấp tấp tiểu tư sản, tính chất hăng hái nhất thời và đồng thời cũng biểu lộ tính chất không vững chắc, non yếu của phong trào tư sản…”

Có một sự thật lịch sử, người Cộng sản không thể phủ nhận được, Việt Nam Quốc Dân Đảng là ngọn cờ tiên phong, là ngọn đuốc tiên khởi thắp lên ngọn lửa nổi dậy vũ trang trên toàn quốc, là viên gạch lót đường đầu tiên để giải phóng Dân Tộc thoát khỏi vòng nô lệ, thoát khỏi ách thực dân Pháp suốt gần một trăm năm Dân tộc Việt bị xích hóa, bị cai trị. 

Những hành động quả cảm của các nghĩa sĩ VNQDĐ đã thể hiện tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng, quật khởi, bộc lộ sâu sắc mâu thuẫn giữa thân phận nô lệ của dân ta với thực dân Pháp đã vô cùng gay gắt. Tất cả những lý do phải phát động khởi nghĩa non đã được Nguyễn Thái Học giải thích trong các Hội Nghị Trung Ương trước ngày khởi nghĩa. Thất bại của cuộc khởi nghĩa đã được tiên liệu nhưng: 

“tất cả sẵn sàng chết để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không Thành Công Thì Cũng Thành Nhân”

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy tuy không đạt kết quả do tổ chức còn non trẻ, chưa có bài học kinh nghiệm nào cho một cuộc tổng khởi nghĩa trên quy mô toàn quốc nên có nhiều sơ hở, có quá nhiều khó khăn, vì vậy không thực hiện được như chương trình hành động, mọi tính toán đều ít nhiều vượt ra ngoài kế hoạch và quan trọng nhất là thực lực của thực dân Pháp vẫn còn rất mạnh. Cuộc tổng khởi nghĩa do Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo, không chỉ đánh thức lòng yêu nước của toàn dân tộc mà còn làm rung chuyển nước Pháp. Mở ra một trang sử bi tráng và hào hùng nhất lịch sử Dân Tộc Việt Nam.  

Người Cộng Sản vốn muốn độc quyền “tỏa sáng” với những thành công đánh đuổi Thực Dân Pháp nên họ không trung thực, không minh bạch, không dũng cảm để thừa nhận, họ đã học được rất nhiều bài học vô giá, rút tỉa được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy bi tráng, đẫm máu của các vị tiên liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng để tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc. Không những thế, họ còn cố gắng che phủ, dập tắt những hào quang của cuộc Tổng Khởi Nghĩa mà họ sợ rằng sẽ tỏa sáng hơn họ, nên một thời gian dài, lịch sử cận đại Việt Nam do họ viết, hầu như không hiện hữu Việt Nam Quốc Dân Đảng, một khoảng trống không thể lý giải trong lịch sử. Biết không thể cứ mãi duy trì một khoảng trống lịch sử hào hùng của Dân Tộc, gần đây, họ đã có một vài việc làm phục thiện, đã có Khu Tưởng Niệm Cuộc Khởi Nghĩa Yên Báy, đã có những buổi lễ tưởng niệm hàng năm nhưng không như họ nghĩ, VNQDĐ sau Tổng Khởi Nghĩa không những không tan rã, không chết mà vẫn trường tồn song song với vận mệnh thăng trầm của đất nước. Ngày nay, VNQDĐ không những vẫn tồn tại mà lại còn ngày một mạnh thêm, đã Thống Nhất tất cả các chi phái từ trong nước ra đến hải ngoại thành một mối, cùng đứng chung dưới Đảng Kỳ, cùng một danh xưng duy nhất: “Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Trong nước. nhiều Đảng Viên VNQDĐ (hoạt động bí mật) âm thầm lẫn công khai vận động cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền. Vận động cho Tự Do Tôn Giáo, cho Công Bằng và Lẽ Phải. Vận động cho quyền của giới Công Nông. Vận động Đa Nguyên và Quyền Tự Do Bầu Cử…Ở Hải Ngoại, các cấp Đảng Ủy vẫn duy trì công khai các sinh hoạt Đảng, tích cực hướng dẫn, tiếp tay, ủng hộ tất cả các cuộc đấu tranh chính đáng hợp tình hợp lý trong nước. Vận động sự ủng hộ của Quốc Tế. VNQDĐ hôm nay không những toàn tâm toàn ý đấu tranh cho một Việt Nam Độc Lập Tự Do Dân Chủ Giàu Mạnh mà chắc chắn sẽ tôn tạo những công trình Tưởng Niệm xứng đáng hơn cho các vị Tiên Liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng vì nước vong thân.

Phương châm: “Không Thành Công Cũng Thành Nhân” của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào giá trị con người, dù không đạt được mục tiêu nhưng con người vẫn có thể học hỏi và trưởng thành từ những thất bại, từ đó tiếp tục chiến đấu cho những mục tiêu cao đẹp. Câu nói là nguồn động viên to lớn cho các chiến sĩ cách mạng, giúp họ giữ vững niềm tin, ý chí và tinh thần lạc quan khi đối mặt với muôn vàn khó khăn, rút ra những bài học kinh nghiệm từ những thất bại, vả lại huấn dụ của Nguyễn Thái Học xuất phát trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”, mục tiêu thành công có xác suất cực thấp, qua những hội nghị gần ngày khởi nghĩa, ban lãnh đạo Trung Ương cũng đã tiên liệu. Tất cả những chiến sĩ cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng khi tham gia cuộc tổng khởi nghĩa cũng đồng nghĩa với một hành động “cảm tử”. Một sự chuẩn bị tinh thần cho ý chí vì Dân Tộc quyết tử, vì Tổ Quốc quyết sinh. Sự hy sinh này sẽ khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh của Dân Tộc.

Cuộc khởi nghĩa Yên Báy cho đến nay đã trải qua gần một thế kỷ, nhưng những dấu ấn và bài học của sự kiện lịch sử ấy đối với thế hệ hiện tại sẽ mãi mãi không thể phai mờ. 94 năm nhìn lại, cuộc khởi nghĩa Yên Báy là ngọn cờ tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh của một dân tộc bị cai trị, một đất nước bị biến thành thuộc địa, là chất xúc tác, thúc đẩy và đốt cháy lò lửa cách mạng, là một trong những trang sử vinh quang và hào hùng nhất của phong trào giải phóng dân tộc của lịch sử Việt Nam. Dù không thành công song tinh thần yêu nước cũng như ý chí hiên ngang của các vị tiên liệt trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy, quyết đem máu xương của mình xây đắp nền độc lập, tự do của Tổ quốc, chứng minh truyền thống anh dũng bất khuất của dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn. Hình ảnh hiên ngang, bình thản, ý chí lẫm liệt của các nghĩa sĩ trước tòa án thực dân và khi ra trước đoạn đầu đài là những tấm gương sáng chói về chủ nghĩa yêu nước và lòng dũng cảm cho hậu thế noi theo. 

Việt Nam Vạn Tuế.

Ảnh Trong “Lễ Tưởng Niệm Ngày Tang Yên Báy” 
Tại Hoa Thịnh Đốn, 15 Tháng 06 Năm 2024
(Từ Trái: Đào Trường Phúc, Thomas Phạm, Võ Thành Nhân
Đào Hiếu Thảo, Trần Tử Thanh, Nhất Hùng)