GIỚI THIỆU SÁCH ” ÁO DÀI LEMUR & BỐI CẢNH PHONG HÓA VÀ NGÀY NAY ” của tác giả PHẠM THẢO NGUYÊN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

… ” Quyển sách nhỏ này động đến một giai đoạn lịch sử lớn, lớn về mọi mặt: chính trị, xã hội, phong hóa, ngôn ngữ, văn chương, báo chí, mỹ thuật – nói chung là văn hóa. Chỉ trong vòng mười lăm năm, từ 1930 đến 1945, dằng co giữa cái cũ và cái mới trong xã hội đẩy dần cái cũ vào bóng tối đồng thời với những chuyển biến chính trị chấm dứt một quá khứ thuộc địa đau thương. Giới hạn trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay là hai mũi dùi bén nhọn nhất trong chiến trận giữa cũ và mới, đưa Lý Toét lên địa vị danh tướng có một không hai trong lịch sử báo chí Việt Nam. Chị Phạm Thảo Nguyên là một trong những người đã có công lớn sưu tầm để đưa lên mạng toàn bộ Phong Hóa và Ngày Nay tản mác khắp nơi. Đọc lại hai tờ báo oanh liệt một thời ấy, chị có dịp khám phá thêm tài ba xuất chúng của Nhất Linh trong những địa hạt mà ít người biết đến, nhất là mỹ thuật. Ngoài tiểu thuyết, Nhất Linh còn là họa sĩ, từng thi đậu vào trường Mỹ thuật Đông Dương, từng vẽ tranh trong báo, từng tạo không gian đẹp cho báo bằng tranh của các họa sư, chưa kể là cha đẻ của Lý Toét. Nhưng công lớn nhất về mỹ thuật của Nhất Linh, nghĩa là của Phong Hóa và Ngày Nay, là đưa một tài ba hiếm có lên ngai vàng của một vương quốc mà tôi xin được gọi là Cõi đẹp. Tài ba ấy là Cát Tường, tác giả của “Áo dài Lemur”, chiếc áo đã nhập vào hình hài Việt Nam một cách hài hòa đến nỗi bây giờ nghiễm nhiên trở thành biểu trưng của bản sắc Việt Nam. Mượn giọng trào phúng của Phong Hóa và Ngày Nay, Cát Tường trào phúng hóa tên mình để đặt tên cho tác phẩm: tiếng Pháp “le mur” là cái tường, là bức tường, tên ấy cũng là cái mới đang đánh nhau với cái cũ, cái cũ ở đây là hai chữ Hán “Cát Tường”, rất bác học, rất nghiêm trang, rất không biết cười. Ông Cát Tường đưa tiếng cười vào áo: áo dài Lemur trước hết là một tiếng cười, tiếng cười trẻ trung, tươi vui, lạc quan, yêu đời của những nhan sắc đôi mươi thấy mình đã là bướm, không còn bị giam giữ nữa trong chiếc kén bí hiểm của gia đình, xã hội. Phải đặt áo ấy vào trong bối cảnh tươi vui của Phong Hóa và Ngày Nay mới thấy rõ toàn diện bức tranh của một xã hội chuyển mình, đổi mới từ trong ra ngoài, từ tâm hồn đến y phục…”

CÕI ĐẸP 

ÁO DÀI LEMUR, NHỚ HỌA SĨ NGUYỄN CÁT TƯỜNG

Lâm Hoài Thạch/ Người Việt

Tác giả Phạm Thảo Nguyên (trái) và cô Hồng Tước. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – “Khoảng năm 1930, các cụ biên khảo trong Tự Lực Văn Đoàn có chủ trương là canh tân đất nước, canh tân xã hội, và các cụ mượn phương tiện là hai tờ báo Phong Hóa & Ngày Nay để đề xướng việc này. Trong phần canh tân xã hội thì có việc canh tân áo dài. Ngày xưa, các cụ bà thì mặc áo dài theo lối quần thân, áo thân, có nghĩa là không có mặc màu sắc sặc sỡ, vì các cụ quan niệm rằng, mặc sặc sỡ thì không đứng đắn. Vì thế, các cụ thường mặc quần trắng hoặc quần đen và áo dài thân.”

Cô Phan Nguyễn Nghi nói trong buổi nói chuyện “Áo Dài Lemur và Bối Cảnh Phong Hóa & Ngày Nay” vừa diễn ra vào trưa Chủ Nhật, 7 Tháng Tư, tại hội trường nhật báo Việt Báo, Westminster.

Cô nói thêm: “Cụ Lemur Nguyễn Cát Tường là người đầu tiên khuyến khích phụ nữ Việt Nam nên thay đổi kiểu áo dài cho thấy tươi mát và cũng có màu sắc sặc sỡ hơn để cho tinh thần của phụ nữ Việt được thêm phấn khởi. Kể từ đó, chiếc áo dài truyền thống Việt Nam được trông đẹp mắt hơn và ảnh hưởng cho đến bây giờ thì chiếc áo dài được cách tân với nhiều màu sắc sặc sỡ, ngắn gọn và kín đáo hơn.”

Tại buổi nói chuyện này, bà Phạm Thảo Nguyên, cựu giáo sư Trung Học Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ, cũng cho ra mắt sách “Áo Dài Lemur và Bối Cảnh Phong Hóa & Ngày Nay” do chính bà biên soạn.

Tác giả Phạm Thảo Nguyên (phải) và khách đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nói về sách của bà Nguyên, nhà văn Phạm Phú Minh có đề cập đến phần giới thiệu trong sách này của nhà văn Cao Huy Thuấn, cựu giáo sư Luật Khoa tại Pháp.

“Ông Cao Huy Thuấn viết đề tựa là ‘Cõi Đẹp,’ tức là anh muốn nói về nhiều vẻ đẹp, mà nét đẹp trước tiên là của người phụ nữ, và ông tìm cách để trang điểm làm sao cho người phụ nữ được đẹp thêm theo thời đại mới. Thành ra ông rất đồng tình với tác giả của cuốn sách này là nên quay lại với thời gian trước để chúng ta hiểu thêm về bối cảnh trong thời đại của những thập niên 1930, trong đó có báo Phong Hóa & Ngày Nay mà họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường nhận định là phải cải cách y phục áo dài của phụ nữ,” diễn giả nói.

“Tôi thấy ông Huy Thuấn có trích một đoạn trong bài ‘Việt Ngữ Gọi Đàn’ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, và ông cũng có nói rằng, ông Lưu Hữu Phước chuyên sáng tác những bài nhạc về anh hùng ca, nhưng tại sao ông lại soạn bài ‘Việt Ngữ Gọi Đàn,’ mà trong sách này gọi là “Thiếu Nữ Việt Nam.’ Và trong bài giới thiệu, Huy Thuấn cũng có nói: ‘Nhưng Lưu Hữu Phước đâu phải chỉ có anh hùng ca! Ông còn tình tứ, lãng mạn, ga-lăng, và đặc sệt tiểu tư sản với các cô gái thanh xuân trong hành khúc mang tên là ‘Thiếu Nữ Việt Nam.’ Tôi xin hát một đoạn của bài nhạc này: Trong hoa xuân thắm tươi trên muôn cành/ Lòng niên thiếu chan chứa hương xuân/ Reo lên trong nắng mới, trong vui mới/ Vì chị em ấy hoa của đời,” ông Minh nói thêm.

Nhà văn Phạm Phú Minh nói về cuốn “Áo Dài Lemur và Bối Cảnh Phong Hóa & Ngày Nay.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Còn diễn giả Trần Huy Bích thì nói về chính tác giả sách: “Tiểu sử của tác giả đã được in một cách gọn ghẽ và trung thực ở trang 5 và trang 6 của tập sách. Muốn biết về tác giả, ta chỉ cần mở đọc những trang ấy. Nhưng ban tổ chức muốn tôi nói ít lời về tác giả. Có lẽ do bản tánh khiêm nhường, nên những hàng tác giả viết về mình trong tập sách cũng khá vắn tắt, chỉ có 17 dòng. Vậy, tôi xin nói những điều tôi biết được về Phạm Thảo Nguyên.”

“Tôi chỉ mới được ‘diện kiến’ chị lần đầu vào sáu năm trước, trong một cuộc hội thảo trong suốt hai ngày về Tự Lực Văn Đoàn, thì được biết tác giả là con dâu của nhà văn, nhà thơ, nhà dựng kịch Thế Lữ. Và chị cũng là tác giả của ba bài thuyết trình trong cuộc hội thảo. Cũng được biết, chị là một trong những nhân vật quan trọng đưa tới việc tổ chức cuộc hội thảo ấy. Trước đó, chị đã về Việt Nam, sưu tầm được gần đầy đủ hai bộ báo Phong Hóa & Ngày Nay. Hiện ở hải ngoại, chúng ta có được toàn bộ hai tạp chí giá trị ấy là do sự gom góp của chị và của một người bạn thân khác là sĩ quan Không Quân Nguyễn Trọng Hiền, con trai của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường,” diễn giả kể.

Cũng theo diễn giả, bà Phạm Thảo Nguyên là cựu học sinh Trung Học Trưng Vương, Sài Gòn. Năm 1964, bà tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban toán. Sau đó, bà về làm giáo sư ban toán cho trường Nữ Trung Học Cần Thơ, rồi về dạy tại Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn.

Ông Nguyễn Trọng Hiền (trái) và các cựu nữ sinh Trưng Vương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau năm 1975, tác giả cùng phu quân là Nguyễn Thế Học, một tiến sĩ toán tại Bỉ năm 1976, sang Phi Châu, xứ Coote d’Ivoire. Tại đây, ông là giáo sư dạy toán tại Đại Học Quốc Gia, còn bà làm khảo cứu về phương pháp dạy toán mới. Sau đó, hai vợ chồng sang Hoa Kỳ cùng dạy toán ở New York.

Trong số khách đến tham dự, thi sĩ Thành Tôn, cư dân Anaheim, tâm tình: “Tại hải ngoại, điều quan trọng là chúng ta nên giữ nét văn hóa của chúng ta để hãnh diện với những người bản xứ khác. Hơn nữa, chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt đã in sâu trong lòng của dân tộc Việt Nam. Vì thế, họa sĩ Nguyễn Cát Tường là người đã có công rất lớn trong lãnh vực tô điểm thêm nét đẹp của chiếc áo dài được phong phú hơn. Chiếc áo dài truyền thống không những là một trong nhiều nét đẹp của văn hóa Việt, mà còn để thế giới chiêm ngưỡng về y phục độc đáo của dân tộc Việt Nam.”

Cô Hồng Tước, cựu nữ sinh Trưng Vương, kể: “Chị Phạm Thảo Nguyên rất thân với gia đình của họa sĩ Cát Tường, đồng thời gia đình nhà tôi cũng rất thân với gia đình của họa sĩ. Hôm nay, tôi mặc chiếc áo dài này cũng giống như chiếc áo của mẹ tôi mặc ngày xưa trong những buổi triển lãm về áo dài Lemur. Tôi được biết chị Nguyên đã chuẩn bị cuốn sách ‘Áo Dài Lemur và Bối Cảnh Phong Hóa & Ngày Nay’ lâu rồi theo lời yêu cầu của gia đình anh Nguyễn Trọng Hiền, con trai thứ của họa sĩ Lemur Cát Tường, vì họ luôn muốn thu thập nhiều về những tài liệu ngày xưa của họa sĩ Cát Tường và những công trình mà ông đã thực hiện được trong những thập niên của 1930. Lúc đó cũng là lúc phong trào cải cách về y phục phụ nữ Việt Nam ra đời.”

Đông đảo đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nói về họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường, tác giả Phạm Thảo Nguyên cho biết: “Ngày 11 Tháng Hai, 1934, báo Phong Hóa Xuân số 85 có một tiết mục mới ra mắt độc giả, có đề tựa là ‘Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô’ được chủ bút Nhất Linh ưu ái giao cho một người trẻ nhất mới 22 tuổi phụ trách. Nhà thiết kế này rất năng động, nhiều sáng kiến, vừa tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương vào năm 1933. Đó là họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường. Loạt bài này là một bước tiến lớn của báo Phong Hóa, mở ra một phương trời lạ. Đó là việc cải cách y phục phụ nữ, nhằm thay đổi vẻ bên ngoài xã hội Việt Nam, trước khi đi tới việc quan trọng là xây dựng tâm hồn lý tưởng bên trong cho thanh thiếu niên nước nhà.”

Cũng có nhiều phụ nữ Việt Nam đến dự, nhưng có một số người chưa từng nghe nói về chiếc áo dài Lemur, trong đó có bà Lê Thắm, cư dân Garden Grove, vui vẻ tâm tình: “Thật ra, phụ nữ Việt Nam thì phải mặc áo dài trong những hội hè, đình đám thì trông rất lịch sự và đẹp nữa. Nhưng, khi nói đến ‘Áo Dài Lemur Nguyễn Cát Tường’ thì tôi không biết gì về nhân vật tài hoa này đã giúp cho phụ nữ chúng tôi có được y phục truyền thống rất đẹp này. Nay, tôi mới có dịp để biết thêm về nguồn gốc của chiếc áo dài nhiều hơn.”

Buổi tổ chức có phụ diễn phần văn nghệ do ban văn nghệ Lê Hồng Quang đảm trách, và phần trình diễn “Áo Dài Lemur” do các cựu nữ sinh Trưng Vương trình diễn. 

(Lâm Hoài Thạch)