ĐẠI TÁ LƯƠNG XUÂN VIỆT

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Bài của Triều Giang. Hình của Ban Báo Chí Lữ đoàn 3 Nhảy Dù, sư đoàn 101 tác chiến và Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo…)

 

Từ tờ mờ sáng ngày 6 tháng 5, 2011, căn cứ Fort Campbell còn đẫm hơi sương. Nơi đây là bản doanh của sư đoàn tác chiến 101 với diện tích rộng trên 105 ngàn bộ Anh vuông là nơi đóng quân của trên 25,000 quân nhân và gia đình.

Từ trái sang phải Lương Thị Thu Diễm Asley, con gái đầu lòng, bà Kim Mỹ Lương, phu nhân, Lương Xuân Quốc, contrai út Justin, Đại tá Lưong Xuân Việt và con trai lớn, Lương Xuân Huy Brandon.trong niềm vui của ngày về từ chiến trường A Phú Hãn vào đầu tháng 3, 2011 vừa qua sau 13 tháng chiến đấu với những chiến công vang dội.

Fort Campbell nằm giữa ranh giới hai tiểu bang Tennessee và Kentucky. Sáng nay, căn cứ Fort Campbell tấp nập với trên 3,000 binh sĩ đang tập họp trên một sân cỏ giữa doanh trại, dưới sự chỉ huy của vị Đại tá người Mỹ Gốc Việt Lương Xuân Việt để chuẩn bị cho cuộc chạy bộ dàì 5 dậm Anh, để chào mừng Ngày của Ngưòi Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương, do Lữ đoàn 3 Nhảy dù là một trong 5 lữ đoàn tác chiến cuà sư đoàn 101 tổ chức.

Đây là một truyền thống mà sư đoàn 101 vẫn tồ chức hàng năm vào tháng 5 để ghi nhận và vinh danh người lính Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương.

Ngoài các phái đoàn người Mỹ gốc Phi Luật Tân, Đại Hàn, Samoa, Nhật bản tham dự như mọi năm, năm nay, đặc biệt, sư doàn 101 tiếp đón lần đầu tiên phái đoàn người Mỹ gốc Việt gồm gần 20 người thuộc hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ gốc Việt (VAHF) đến từ Texas và California, Linh mục Petter Châu Đỗ, ông Đỗ Hữu Đệ, Chủ tịch và môt số thân hào nhân sĩ thuộc cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nashville, Tennessee, phóng viên Trọng Thắng và chuyên viên quay phim John Nguyễn của đài truyền hình Viet Face TV, Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo thuộc đài truyền hình VNA.

Viện bảo tàng của Sư đoàn 101 chứa đầy chứng tích của chiến tranh VN.

Quan khách được Thiếu tá Stephen Platt, tùy viên báo chí của Đại tá Việt, đưa đi thăm viếng Viện bảo tàng của sư đoàn.

Những bộ sưu tập thật công phu và giá trị ghi chép và minh hoạ lại lịch sử của sư đoàn kể từ khi được thành lập năm 1942, cho tới những cuộc chiến tranh lừng danh trên thế giới tại Đại Hàn, Việt Nam, Iraq, và mới nhất tại A Phú Hãn.

Chính sư doàn 101 đã đỗ bộ vào bờ biển Normandy, Pháp để giải phóng Âu châu mà trong phim “Ngày dài nhất” (The longest Day) nói về đoàn quân ngoại quốc đầy hào hùng và được người dân Âu châu gọi là những anh hùng thời Đệ Nhị thế chiến mà không ai trong chúng ta là không biết đến.

Riêng trong chiến tranh Việt Nam, bước chân của người lính sư đoàn 101 cũng đã ghi dấu khắp nơi, từ Khe Sanh, Hạ Lào,… với trận Lam Sơn 719. Tất cả đều có những chứng tích ở đây. Kể cả những “thông hành chiêu hồi được máy bay Mỹ thả ngập đuờng mòn Hồ Chí Minh để kêu gọi các chiến binh CS “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, một chương trình đã chiêu hồi được trên 200,000 sĩ quan, binh sĩ CS trong suốt 21 năm của cuộc chiến cũng được trung bày ở đây.

“Buồn và nhớ tuổi thanh xuân biết bao!”

Ông Nam Trần, trong phái đòan người Việt tại Nashville, Tennessee, cựu sĩ quan QLVNCH, nhiều năm tù CS, đến Mỹ năm 1993 theo diện HO. ông và gia đình sống tại New York đến năm 1995 thì dời tới Nashville làm việc cho một hãng in.

Hiện ông và gia đình gồm một vợ 4 con, người lớn nhât 35 tuổi và con nhỏ nhất 20 tuổi còn đi học . Đời sống đã ổn định. Đứng tần ngần trước những di vật, ông Nam bùi ngùi tâm sự:

”Tôi phục vụ trong Lữ đoàn 173, thuộc sư đoàn 22 Bộ binh đóng ở Tuy Hoà. Chúng tôi đã có dịp chiến đâu với các binh sĩ thuộc sư đoàn 101. Họ rất tinh nhuệ, tinh thần cao và bảo vệ đồng minh thật chí tình. Ông cũng nhắc đến cuộc hành quân Lam Sơn 719 với mục đích cắt đường tiếp viện của CS qua đường mòn Hồ Chí Minh năm 1971 mà hình ảnh và chứng tích đang được trưng bày kín phòng triển lãm. Ông Nam tâm sự: “Tôi thấy buồn và nhớ tới tuổi thanh xuân của mình biết bao!”

Anh Minh Nguyễn chăm chú xem những chiến xa, súng đạn nhiều loại được trưng bày cùng với những tượng của những người lính với quân phục khác nhau. Anh thán phục người Mỹ đã bỏ công sức ra để lưu lại những bài học cho những thế hệ đến sau.

Tại chiến trường A Phú Hãn, Đại tá Lương Xuân Việt, thứ hai từ bên trái, đang nói chuyện với binh sĩ của ông thuộc Lữ đoàn 3 Nhảy dù, trực thuộc Sư đoàn 101 của quân đội Hoa kỳ.

Anh Minh cho biết anh, đến Mỹ qua chương trình bảo trợ ODP. Anh vượt biển nhiều lần nhưng không thoát. Sau nhờ có cha anh là cựu Hải Quân, dù có đi học tập nhưng ông đã vượt biên đến Mỹ và bảo lãnh anh và con của anh hiện đang theo học Đại học tại đây. Đới sống yên ổn không bon chen nhiều nên anh bằng lòng với cuộc sống. Anh Minh cho biết cộng đồng người Việt ở đây khỏang 5 tới 6 ngàn người ở rải rác trong hai tiểu bang Tennessee và Kentucky, số đông là những cựu sĩ quan sang đây với diện HO và sinh sống bằng nghề Nail.

Sư đoàn 101 đã có chương trình trùng tu Viện Bảo tàng đầy giá trị này với hai dãy nhà khang trang sẽ được đặt tại con đường giáp ranh với bên ngoài để du khách có thể vào xem mà không cần phải vào trong bản doanh của sư đoàn 101. Mọi người như không muốn rời Viện Bảo tàng, nơi đang có những hình ảnh nhắc nhớ đến VN, đến một phần đời của mỗi người tại quê hương xa típ tắp nhưng Thiếu tá Platt luôn bên cạnh nhắc nhở phái đoàn phài giữ giờ cho tiết mục sắp tói.

Trường Huấn luyện nhảy dù

Trường huấn luyện nhảy dù tại căn cứ Fort Campbell hàng năm huấn luyên nhiền ngàn binh sĩ để cung ứng co các binh chủng.

Với chương trình huấn luyện 10 ngày, các học viên phải học các cách nhảy từ có dù, không dù, nhảy tử trực thăng hay nhảy từ những điểm cao rồi, chạy 13 dặm trong 3 giờ đồng hồ. Nếu hoàn thành, các học viên sẽ được cấp bằng nhảy dù và trở về các đơn vị để phục vụ. Hai huấn luyện viên và 4 binh sĩ đã nhảy biểu diễn các kiểu cho phái đoàn người Mỹ gốc Việt xem. Những tiếng vỗ tay khen ngợi hào hứng và những cái vẫy tay chào quyến luyến trước khi phái đoàn được chuyển qua khu huấn luyện tác xạ.

Khác với những xạ trường trong các trung tâm huấn luyên cũ trưóc đây với những ụ cát, những hình người làm điểm nhắm. Ở đây là một phòng kín rộng đầy những giây điên chằng chịt. Trên 10 khẩu súng đủ loại được đặt trước một phông hình của một dãy phố. Khi bật đèn và nhấn nút điều khiển trên phông hình xuất hiện những hình người ẩn núp hoặc chạy và các xạ thủ có thể nhắm bắn như ngoài chiến trường.

Vị sĩ quan huấn luyện viên gỉai thích: ”Với cách huấn luyện này vừa đỡ tốn kém, vừa chính xác hơn vì những phông cảnh có thể thay đổi cho thích hợp với những chiến trường khác nhau, và các học viên có thể bắn suốt ngày mà không phải tốn tiền đạn.”

Quan khách đưọc dịp bắn thử các loại súng và nhắm vào chiến trường ảo trước mắt nhưng cũng tạo được cảm giác hồi hộp không ít.

Cuộc viếng thăm bất ngờ của TT Obama

Bà Nancy Bùi đang phỏng vấn Đại tá Lưong Xuân Việt cho Chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn, tại văn phòng làm việc của ông trong căn cứ Fort Campbell, Kentucky.

Ngoài những trường huấn huyện vừa kể, Sư đoàn 101 còn có nhiều lực lượng đặc biệt khác được huấn luyện và đặt căn cứ tại đây, như Biệt đội trực thăng đặc nhiệm 160 mà những phi công lái 4 chiếc trực thăng xâm nhập vào Parkistan đến tận bản doanh của Bin Laden đang trốn đóng, bắn chết và mang xác cuả tên trùm khủng bố làm rung động cả thế giới cũng trực thuộc Sư đoàn 101.
Biệt đội 160 từng tham chiến tại Việt Nam, và có căn cứ tại đây. Do đó, chương trình lễ mừng Ngày Người Á Châu Thái Bình Dương hôm nay bị thay đổi đôi chút để đón tiếp TT Obama đến thăm viếng và vinh danh những phi công và đội đặc nhiệm cuả họ và sư đòan 101.

Trong hơn 2 giờ đồng hồ thăm một vòng doanh trại, với sự tiếp đãi ân cần của Thiếu tá Platt và các binh sĩ trong ban tiếp tân, phái đoàn đã học hỏi rất nhiều về sinh hoạt và đới sống của người lính Mỹ tác chiến. Người tham dự như cảm thấy gần gũi, thông cảm và mang ơn nhiều hơn những người lính và gia đình họ. Sự chu đáo này cũng nói lên tình cảm đặc biệt mà vị Chỉ huy trưởng và binh sĩ tại đây dành cho phái đoàn người Mỹ gốc Việt.

VAHF và người Việt Nashville vinh danh Đại tá Việt

Khoảng gần trưa, trong không khí trong lành, với mùi thơm thoang thoảng của hoa xồi đỏ, và ánh nắng dịu dàng của những ngày đầu hè, khoảng trên 500 quân nhân và quan khách Mỹ Việt đã tụ tập trước phòng khánh tiết của Lữ Đoàn 3 nhảy dù để tham dự Lễ Vinh danh Lữ đoàn trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất thuộc binh chủng tác chiến Hoa kỳ, Đại tá Lương Xuân Việt.

Để đáp lễ các sắc dân khác với y phục cổ truyền và để buổi lễ thêm phần long trọng, tất cả các phụ nữ người Mỹ gốc Việt có mặt đã mặc áo dài đầy màu sắc tươi vui, một số đội những vành khăn xếp rộng vành trông thật đẹp mắt . Riêng phóng viên Trọng Thắng đã khăn đóng, áo the, quần trắng thật long trọng.

Trong bài diễn văn ngắn nhưng cảm động, bà Nancy Bùi, hội Trưởng Hội VAHF đã phát biểu:
“Đúng 36 năm, 6 ngày trước đây, ngày 30 tháng 4, 1975, Sài gòn thất thủ. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Cuộc chiến đã cướp mất trên 58.000 chiến binh Hoa kỳ, hơn 500,000 chiến binh Nam Việt Nam và trên một triệu người dân Việt. Đó là một cuộc chiến gây nhiều tranh cãi nhất trong thế kỷ thứ 20. Nhưng khi hoà bình đến, cuộc sống của người dân Việt Nam không khá gì hơn bởi vì kẻ ác đã chiến thắng …. và nhiều người đã phải nghĩ rằng hàng triệu người Mỹ và Nam Việt Nam đã chết uổng phí. Nhưng nhờ lòng quảng đại của dân và chính quyền Mỹ đã đón nhận người Việt tị nạn và từ đó, cuộc chiến tranh Việt Nam cũng có một kết quả tốt đẹp. Đó là cộng đồng người Mỹ gốc Việt…”.

Bà Nancy Bùi sau đó đã ca ngợi những nỗ lực của người Mỹ gốc Việt đã mau chóng ổn định đời sống và trở thành một sắc dân có nhiều những đóng góp tích cực nhất vào sự phồn vinh của Hoa Kỳ. Và Đại tá Lương Xuân Việt là một thí dụ điển hình.

Bà cũng thay mặt hội VAHF. chân thành cám ơn sự hy sinh gian khổ của người lính Hoa Kỳ và tri ơn gia đình những người đã bỏ mình cho tự do và dân chủ trên toàn thế giới. Bà mong một ngày nào đó tự do, dân chủ sẽ soi rọi đến trên 85 triệu dân VN.

Trong bộ quân phục tác chiến, Đại tá Lương Xuân Việt đáp từ bằng những lời ca tụng sự hy sinh của quân lực VNCH.

Theo ông, cuộc chiến VN tuy đã có kết quả không tốt, nhưng nó đã để lại những bài học quý giá mà ông và binh sĩ của ông được học hỏi để rút tỉa kinh nghiệm. Ông cũng ca tụng và tri ơn những người lính tác chiến của sư đoàn 101..

Đại tá Lương Xuân Việt chạy dẫn đầu đoàn quân trên 3,000 binh sĩ thuộc Lữ đoàn 3 Nhảy dù để chạy bộ 5 dậm Anh, trên những con dốc, ngọn đồi của căn cứ Fort Campbell trong buổi sáng còn mờ sương, chào mừng ngày của Người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương vào đầu tháng 5, 2011 vừa qua.

Ông phát biểu: ”Tất cả những gì tôi có là nhờ sự làm việc và đóng góp của tất cả các bạn. Nếu không có các bạn, tôi sẽ chẳng có gì hết..”

Linh mục Peter Châu Đỗ đã cùng với bà Nancy Bùi trao tặng tấm plaque của hôi VAHF vinh danh Đại Tá Lương Xuân Việt về những thành quả xuất sắc làm rạng danh người Mỹ gốc Việt trong việc chiến đấu bảo vệ tự do và dân chủ tại Hoa kỳ và trên toàn thế giới.

Người điều khiển lễ vinh danh là ca sĩ Thái Hà, thành viên của Ban Quản trị hội VAHF, đã cùng với phóng viên Trọng Thắng của đài truyền hình Viet Face TV, bác sĩ Nguyễn Thu Thảo thuộc truyền hình VNA tại California, sau đó đã trao tặng hoa cho bà Lương Mỹ Kim, phu nhân của Đại tá Việt để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân về những hy sinh của người vợ và gia đình của những quân nhân Hoa kỳ. Buổi lễ được kết thúc bằng một bữa ăn trưa tại phòng khánh tiết của doanh trại.

Từ ước vọng của người cha tới ước mơ của vị Đại tá trẻ và sáng giá bậc nhất nhât của quân đội Hoa kỳ

Theo dư luận am tường về quân đội Hoa kỳ, Đại tá Lương Xuân Việt, người vừa về từ chiến trường A Phú Hãn cùng với 9,000 quân của ông, là một trong những Đai tá trẻ, sáng giá, với nhiều chiến công hiển hách từ hai chiến trường Iraq và A Phu Hãn.

Sau khi về từ chiến trường Iraq năm 2009, ông đã từ là Trung tá Tiểu đòan trưởng được phong chức Đại tá Lữ đoàn trưởng và được gửi đi chiến trường A Phú Hãn, ông lên nhanh đến độ không có thời gian để đi học khoá huấn luyện sĩ quan cao cấp.

Với thành tích cầm quân tại chiến trường gần 13 tháng với bao chiến công mà số quân tổn thất chỉ có 17 người. Tháng 6 sắp tới, ông sẽ được đưa về Đại học Standford để học về kỹ năng ngoại giao và lãnh đạo trong một năm. Nhiều người tiên đoán rằng sau khoá học này ông có nhiều cơ hội được lên tướng để trở thành vị Tướng người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hoa kỳ.

Xuất thân từ gia đình binh nghiệp, Cha ông là Thiếu tá Lương Xuân Dương, thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến của Quân lực VNCH từng làm sĩ quan tuỳ viên của Trung Tướng Lê Nguyên Khang.

Sau 1975, cha ông và gia đình gồm một vợ và 8 người con, 7 gái và Đại tá Lương Xuân Việt là con trai duy nhất trong gia đình. Mẹ ông là bà Kathy Lương, hiện bà đang sống tại vùng ngoại ô Los Angeles, nơi mà gia đình bà đã đến Mỹ lập nghiệp trên 36 năm qua.

Trong cuộc phỏng vấn gần hai tiếng đồng hồ dành cho chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn của hội VAHF, vị Đại tá ngưòi Mỹ gốc Việt đã nghẹn lời khi ông tâm sự về người cha:

“Cha tôi thường không biểu lộ chuyện buồn, nhất là với con cái. Nhưng ông không thể giấu được những dằn vặt với ý nghĩ vì sao ông không ở lại để tiếp tục chiến đấu với binh sĩ của ông? Ông thường khuyên bảo tôi nên chọn binh nghiệp để phục vụ vì rất có thể một ngày nào đó tôi có thể đem lại lợi ích cho quê hương Việt Nam.

Khi còn nhỏ, chị cũng biết sống trong khu ngoại ô Los Angeles, trẻ con chúng tôi không tránh nổi những trận ấu đả. Khi tôi còn nhỏ được cha mẹ tôi cho học võ Vovinam nên việc rèn luyện thân thể là chuyện hàng ngày đối với tôi, và tôi không bao giờ sợ khi cần phải dùng sức để tự bảo vệ . Nhờ đó mà việc chọn binh nghiệp cũng rất thích hợp với tôi. Lớn lên chút nữa khi vào Đại học, tôi cố gắng học và đậu điểm rất cao tại Đại học University of Southern California (USC), nên được chọn vào trường sĩ quan không khó khăn.

Sau khi tôi ra trường, phục vụ trong ngành tác chiến. Khi tôi lên tới Đại úy thì Ba tôi mất. Tôi nhớ mãi ngày ba tôi tham dự lễ gắn lon Đại úy của tôi, mắt cha tôi sáng lên với niềm vui và hãnh diện. Cha tôi mất vì bệnh ung thư khi ông chưa đầy 65 tuổi. Tôi ước gì ông còn sống đến hôm nay và lâu hơn nữa để ông được nhìn thấy sự thành đạt của tôi! ”

Niềm ước mơ lớn nhất cho Việt Nam

Khi được hỏi ông mơ ước gì cho đất nước Việt Nam? Vị Đại tá trẻ đã trả lời thật ngắn gọn như ông đã nung nấu trong sự suy nghĩ của ông từ bao lâu: ”Điều ước mơ tôi mong muốn nhất là cho đất nước Việt Nam, một ngày nào đó, sẽ có tự do và dân chủ thực sự. Tôi cũng ước cho toàn dân Việt có cơm no, manh áo, và tất cả những trẻ em có cơ hội cắp sách tới trường.”

Trên chiếc bàn thấp và nhỏ giữa phòng làm việc của Đại tá Việt, những cuốn binh sử như đưọc giữ trong tầm tay với của vị Chỉ huy trưởng ở đây. Có những binh sử của Hoa kỳ và của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Những cuốn hồi ký của các danh tướng và có cả những binh sử của Việt Nam Cộng Hoà.

Đại tá Lương Xuân Việt cho biết ông đọc và nghiên cứu rất nhiều. Sự học hỏi này giúp cho ông rút tỉa được kinh nghiệm của những người đi trước.

Ông cho biết một số tài liệu của các tướng Việt Nam Cộng Hoà đã viết như Tướng Ngô Quang Trưởng với chiến thuật du kích chiến hay Tướng Nguyễn Duy Hinh hiện còn sống tại vùng Hoa Thịnh Đốn viết về kinh nghiệm cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971 cũng là những binh sử gối đầu của ông. Ông cho biết khi cầm quân, dù mất một người cũng là nhiều, nên ông chú tâm vào các chiến thuật đánh sao cho kết quả nhưng không hao tổn xương máu của binh sĩ mới là chiến thắng toàn diện.

Chính vì thế mà trong gần 13 tháng điều khiển trên 9,000 quân tại chiến trường A Phú Hãn, với nhiều chiến công hiền hách, Đại tá Lương Xuân Việt chỉ mất có 17 binh sĩ. Ngay trong tuần lễ đầu sau khi về tới Mỹ, Đại tá Việt đã được Bộ Quốc phòng Pentagon mời lên để tường trình về chiến trận, đặc biệt về cách cầm quân thật hiệu qủa của ông.

Một chỉ huy trưởng nghiêm minh nhưng đầy lòng nhân ái.

Đại tá Lương Xuân Việt còn được sự kính phục của binh sĩ dưới quyền ông. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe những lời nói về ông với đầy cảm mến: “Ông ấy là một nhà lãnh đạo giỏi, ông ấy thương binh sĩ và làm việc rất nhiều để hỗ trợ binh sĩ, ông ấy cư xử với chúng tôi như anh em,..”.

Riêng với Thiếu tá Platt, tuỳ viên báo chí của Lữ đoàn thì không tiếc lời khen ngợi:

”Đại tá Việt rất nghiêm, nhưng ông ấy sống chết với binh sĩ. Chúng tôi chứng kiến cảnh Đại tá đau buồn khi ông nghe tin binh sĩ tử nạn. Ông lúc nào cũng làm hết sức, ngoài cả những gì ông ấy cần làm như tìm mọi cách đến thăm những binh sĩ bị thương hoặc hy sinh, mặc dù nhiều lúc ông phải dùng trực thăng, đi đến những vùng nguy hiểm nhưng đối với ông sự có mặt của người chỉ huy trưởng trong những lúc sống còn của người binh sĩ dưới quyền ông là một điều tối quan trọng. Tôi đã từng làm việc với nhiều Đại tá chỉ huy trưởng khác, nhưng khi làm việc với Đại tá Lương, tôi biết là tôi làm việc nhiều hơn rất nhiều nhưng tôi lại rất vui. Ông ta là một nhà lãnh đạo tài ba, và đức độ”

Nhưng tất cả những điều vừa kể trên chỉ là một phần của Đại tá Lương Xuân Việt, khi người phỏng vấn hỏi về gia đình thì gương mặt ông sáng lên và nói về người vợ của ông, bà Lương Mỹ Kim: bằng những lời thiết tha, chân tình:

”Kim là tất cả của đời tôi. Cô ấy thay tôi làm cha khi tôi phải ra chiến trường, cô ấy an ủi và chia sẻ với tôi trong những lúc vui buồn hoặc khó khăn. Chị biết mỗi khi có một binh sĩ phải hy sinh, tôi còn ngoài chiến trường thì Kim thay tôi đến để an ủi gia đình họ, trong khi tôi biết chính trong lòng của Kim cũng đang bối rối và lo sợ cho tôi và những bấp bênh của một gia đình có ngưòi chồng trong ngành tác chiến. Vì luật lệ trong quân đội khiến chúng tôi phải dời đổi chỗ ở liên tục. Ít có nơi tôi ở đưọc lâu quá 3 năm nên Kim và các cháu cũng phải thay đổi trường học, môi trường sống liên tục. Tôi không thể làm tất cả những điều đã và đang làm nếu không có sự cộng tác của Kim.”

Và một mơ ước khác cho 3 người con là Lưong Thị Thu Diễm Asley, 16 tuổi lớp 11, Lương Xuân Huy Brandon, 14 tuổi, lớp 9, và Lương Xuân Quốc Justin 10 tuổi, lớp 5 sẽ chọn binh nghiêp.

Đại tá Việt thổ lộ: “Cháu gái lớn muốn học luật và sẽ chọn làm việc cho quân đội. Cháu trai thứ hai đang chờ đợi vào trường sĩ quan, cháu út thì còn nhỏ nhưng cũng đã và đang tìm hiểu. Tôi luôn khuyến khích các cháu, vì tôi mghĩ rằng: quân đội Hoa kỳ là một trong những môi trường phục vụ tốt nhất”.

Bài học từ chiến tranh VN

Tối hôm trước. Đại tá Việt và phu nhân là chị Kim đã có nhã ý mời chúng tôi đến thăm tư gia của họ trong căn cứ Fort Campbell. Căn biệt thự nhỏ xinh xắn trên đỉnh một ngọn một con đồi thấp là mái ấm cuả Đại tá Việt và gia đình.

Trước nhà, phiá trái là cổng chào màu đỏ, nhỏ làm bằng gỗ theo hình cổng chào Torii của người Nhật; gần giống cổng tam quan của người Việt, phía trái trồng cây kiểng và hoa rực rỡ. Bên trong căn nhà, vật dụng được trưng bày tươm tất nhưng giản dị của một gia đình trung lưu Mỹ.

Tiếp chúng tôi, Đại tá Việt ngồi chiếc ghế sa lông chính giữa, bên phải là Đại tá Paul Sarat, lo về hành chánh, tài chánh. Bên trái là Thiếu tá Matt Leslie, trưởng Ban hành quân, có vợ Việt Nam, chị Linda Leslie. Họ nói chuyện với nhau thân mật nhưng tương kính.

Chị Kim lo việc tiếp khách và chỉ có chị Linda đến chơi tiếp tay, mà không hề thấy bóng của người phục dịch. Chị Kim cho biết sư đoàn có đơn vị huấn luyện và hướng dẫn các gia đình binh sĩ cách sống tự lập. Các bà được dạy cách thay bánh xe, thay đèn, sửa những vật dụng giản dị trong nhà. Đời sống của gia đình một vị Đại tá trong quân đội Hoa kỳ thật đơn giản và tự lập.

Cuộc chiến tranh đã qua đi 36 năm, đến thăm viếng căn cứ Fort Campbell, doanh trại của Sư đoàn tinh nhuệ nhất để thấy cuộc lột xác hầu như hoàn toàn của quân đội Hoa kỳ sau bài học từ chiến tranh Việt Nam.

Họ thay đổi từ chiến cụ, kỹ thuật tác chiến đến tinh thần và lối sống và làm việc của binh sĩ Hoa kỳ. Họ không còn là một tập thể ô hợp của những người lính bị động viên.

Hôm nay, người lính và đặc biệt là những vị sĩ quan chỉ huy, họ là những nhà binh chuyên nghiệp với kỷ luật nghiêm minh, với kỹ năng kỹ thuật nhuần nhuyễn. Ngoài việc đánh trận, ho cũng được huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, và đặc biệt tư cách và lối ứng xử của họ nói lên được tinh thần kỷ luật và trách nhiệm nghiệm minh nhưng lại đầy tinh người của một đoàn quân tinh nhuệ nhất trên thế giới, trong đó có nhiều vị chỉ huy cũng như gần 20 ngàn binh sĩ người Mỹ gốc Việt các cấp. Đó cũng chính là niềm an ủi và hãnh diện của cộng đồng người Mỹ gốc Việt của chúng ta.
Người Mỹ tốn hơn 58 ngàn sinh mạng và nhiều tỷ bạc cho chiến tranh VN. Cuối cùng họ đã học được bài học của họ để xây dựng một quân đội hùng mạnh gần như hoàn hảo vào bậc nhất trên thế giới mà không một quân đội nào trên thế giới muốn đối đầu.

Miền Nam VN tự do của chúng ta đã tổn thất hàng triệu người, thất thoát tiền rừng, bạc biển cho cuộc chiến. Nhưng đau thương nhất là chúng ta mất cả mảnh đất tự do của quê hương. Chúng ta đã học được bài học gì sau hơn 36 năm?

(Bài của Triều Giang. Hình của Ban Báo Chí Lữ đoàn 3 Nhảy Dù, sư đoàn 101 tác chiến và Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo…)