CHỦ TỂ CỦA VẬN MỆNH TÔI

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

James B. Stockdale

Nguyên Phó Đề Đốc Hải Quân Hoa Kỳ James B. Stockdale

Nguyên tác: Stockdale on Stoicism II:

Master of My Fate by VADM James B. Stockdale, USN (Retired) 1995

Le Tung Chau dịch sang Việt ngữ và thêm chú thích – Japan, Dec. 2020[1]

“Quan điểm trình bày trong tự thuật này là của tác giả và không nhất thiết phản ảnh chủ trương hoặc tuyên ngôn chính thức của Bộ Hải Quân, Bộ Quốc Phòng hoặc Chính Phủ Hoa Kỳ. Tự thuật này đã được thuận cho công khai phổ biến và lưu hành không giới hạn.”

Lời Giới Thiệu

Đây là phần thứ hai trong loạt bài đăng Đặc San do Trung tâm Nghiên cứu Luân lý Chức nghiệp Quân nhân xuất bản. Đây cũng là một phần của bài đã đăng phần đầu của cùng một tác giả – Phó Đề đốc James B. Stockdale – về cùng một chủ đề – Ảnh hưởng của triết học Khắc Kỷ [2] với cuộc đời và sự nghiệp của Đề đốc Stockdale.

Khi đọc hai bài báo, bạn sẽ nhận ra rằng những tự thuật của Đề đốc về chính mình (có ghi luôn trên tựa đề một trong những sách ông viết) là đúng: Ông là một “phi công chiến đấu giàu triết tính”.

Trong bài báo thứ hai này, Đề đốc Stockdale đưa chúng ta đi sâu, có lẽ sâu một cách khó ưa, vào nhà tù ở Hà Nội, ông bị tù giam nơi đây trong bảy năm rưỡi. Đây là một khuynh hướng Khắc Kỷ ngoài đời thực chứ không còn thuần trong lý thuyết nữa. Một triết học thực chứng bằng nghiệm sinh chứ không chỉ thuần qua rao giảng. Đây là một thể nghiệm đức lý ứng dụng chứ không chỉ thuần là một nền đức lý trên chương từ, sách vở học đường.

Đầu năm 2001, Hội nguyên Sinh viên Sĩ quan Hải Quân Học Viện công bố Đề đốc Stockdale được bầu chọn nhận Giải Tốt nghiệp hạng Tối Ưu của Hội. Giải thưởng vinh dự này được trao cho sinh viên tốt nghiệp nào vẫn còn tại tiền, có quá trình nặng lòng chăm lo bồi đắp binh chủng Hải Quân cũng như Hải Quân Học Viện, đã hiến trọn đời mình cho quốc gia và có nhiều công vụ đóng góp đáng kể vào việc nước.

Bài báo này là bản có đôi chút nhuận sắc từ một bài đăng báo của Đề đốc Stockdale lần đầu trên Tạp chí “Thế giới và Tôi” số tháng 5 năm 1995. Nay được tái bản với sự chấp thuận của News World Communications, Inc

Albert C. Pierce

Giám đốc

Trung tâm Nghiên cứu Luân lý Chức nghiệp Quân nhân

Hải Quân Học Viện Hoa Kỳ

Phó Đề đốc Stockdale có thời gian tòng sự tại ngũ trong binh chủng Hải Quân 37 năm, mà hầu hết những năm tháng đó ông trong cương vị một phi công chiến đấu trên hàng không mẫu hạm. Trong phi vụ chiến đấu lần thứ ba trên vùng trời Bắc Việt, ông bị địch bắn hạ và trở thành tù binh Hải quân lâu năm nhất ở Hà Nội trong 7 năm rưỡi – bị tra tấn 15 lần, bị biệt giam cùm cả hai chân hơn 4 năm.

Khi thương tích trong chiến trận không còn cho phép chiến đấu nữa, Stockdale phải giải ngũ, ông được vinh danh là sĩ quan ba sao duy nhất trong quân sử Hải quân Hoa Kỳ mang vừa phù hiệu phi công vừa Anh Dũng Bội Tinh. Cùng với 26 huy chương chiến đấu khác của ông là hai huy chương Distinguished Plying Crosses, ba Distinguished Service Medals, bốn Silver Star medals, và hai Purple Hearts.

Thời còn dân sự, Stockdale từng là Viện trưởng Đại học (có một năm là Chỉ Huy Trưởng The Citadel [3]), giáo sư Đại học (giảng sư khoa Triết Đại học Stanford), và là đồng viện Nghiên cứu thâm niên tại Viện Hoover ở Stanford trong 15 năm, cũng từ nơi này giờ đây ông là Giáo sư Danh dự. Các trước tác của ông đều quy về một mối chính yếu, đó là làm sao để con người có thể dựa vào phẩm hạnh mình mà vươn dậy hầu thắng lướt nghịch cảnh khi đối mặt với tai ương, hoạn nạn.

Cùng với nhiều bài viết đăng báo, ông còn là đồng tác giả của sách “Giữa Tình Yêu và Chiến Tranh” (In Love and War), viết cùng với vợ ông, Sybil (sách do nhà Harper and Row xuất bản 1984), hiện trong lần tái bản có hiệu chỉnh và cập nhật (do nhà Naval Institute Press xuất bản 1990). Một vở Kịch chuyển thể từ tác phẩm này đã được hãng NBC cho ra mắt công chúng vào năm 1987, với sự góp mặt diễn xuất của James Wood và Jane Alexander. Đề đốc Stockdale cũng đã viết hai cuốn tiểu luận: “Một Chứng Nghiệm ở Việt Nam: Suy Niệm Mười Năm” (A Vietnam Experience: Ten Years of Reflection, do nhà Hoover Press xuất bản 1984), và “Trầm Tư của một Phi công Chiến đấu giàu Triết tính” (Thoughts of a Philosophical Fighter Pilot cũng do Hoover Press xuất bản 1995). Hai cuốn sau này đều đoạt Huân chương Danh dự George Washington của Freedom Foundation tại Valley Forge.

Vào thời ông giải ngũ khỏi Hải quân năm 1979, Bộ trưởng Hải quân đã lập ra một Giải thưởng mang tên Phó Đề đốc James Stockdale Award trao cho lớp lãnh đạo đàn anh truyền cảm hứng cho đàn em, đây là Giải thường niên nhắm chiếu cố đến hai lớp sĩ quan chỉ huy, một ở Hạm đội Đại Tây Dương và một trong Hạm đội Thái Bình Dương. Năm 1989, Cao đẳng Học viện Monmouth ở tiểu bang Illinois, cũng là nơi quê hương bản quán của ông, cũng từ nơi đây ông nhập học Học viện Hải quân, đã lấy tên ông đặt cho Liên đoàn Sinh viên của Học viện, gọi là “Trung tâm Stockdale”. Năm sau, ông được trao Giải 1990 của Học viện Abraham Lincoln ở Illinois với các nghi thức trọng thể tại Đại học Chicago. Ông còn là hội viên danh dự trong tổ chức quốc tế Society of Experimental Test Pilots. Năm 1993, ông được tiến cử lưu danh vào Đại Danh Bạ Danh dự Hàng không Mẫu hạm, và vào năm 1995, tên ông được trân trọng ghi vào Đại Danh Bạ Danh dự Hàng không Hải quân California tại Bảo tàng viện Hàng không Quốc gia ở Pensacola, Florida.

Đề đốc Stockdale còn thủ đắc nhiều bằng cấp học vị Danh dự khác.

* * *

Chủ Tể của Vận Mệnh Tôi: Một Triết Nhân Khắc Kỷ Trong Lao Tù ở Hà Nội

Vào tháng 10 năm 1992, trong phiên tranh biện –debate- với Al Gore và Dan Quayle trên vô tuyến truyền hình, với tư cách là ứng cử viên Phó Tổng Thống [4], tôi mở đầu ý kiến của tôi bằng hai câu hỏi vốn là chủ đề suy tư biện luận tốn biết bao giấy mực: Tôi là ai? Vì sao tôi lại có mặt ở chốn này? Mấy câu hỏi đó nằm trong khuôn khổ của phiên tranh biện tối hôm đó, cốt giới thiệu bản thân tôi cho quốc dân Mỹ biết xuất thân của tôi là từ đâu. Mặc khác tôi cũng chọn mấy câu hỏi ấy vì nó bao quát xác đáng hơn về đời tôi: Tôi là một triết nhân.

Tôi bước vào đời triết học khi đang là một phi công 38 tuổi, tòng sự trong Hải Quân, và đang theo học cao học tại Đại Học Stanford. Trong 20 năm Hải Quân, hiếm khi nào mà tôi rời khỏi cabin phi hành của phi cơ. Năm 1962, tôi bắt đầu học năm thứ hai Khoa tương quan quốc tế với học trình trù bị cho sinh viên trở thành một nhà hoạch định chiến lược trong Ngũ Giác Đài. Nhưng tâm tôi không nằm ở nơi ấy. Thế rồi một sớm mùa đông, tôi bỗng đưa chân vào ngã rẽ triết học của Đại Học Stanford khi gặp Philip Rhinelander, Khoa trưởng phân khoa Khoa học Nhân văn, giáo sư phụ trách giảng dạy giáo trình Triết Học phần 6, “Các vấn đề của Thiện và Ác”. Trong vòng có 15 phút, hai chúng tôi đã đồng thuận rằng tôi sẽ theo học ngang vào giữa khóa giảng hai kỳ do ông phụ trách. Để bù đắp vào việc tôi bị mất căn bản, tôi sẽ đến gặp ông mỗi tuần một giờ để được hướng dẫn riêng chủ đề nghiên cứu ngay tại nhà nội trú của ông trong khuôn viên Đại Học Stanford.

Phil Rhinelander đã mở mắt cho tôi. Trong chủ đề nghiên cứu đó, tất cả như đã thức dậy trong tôi nguồn cảm hứng, và lòng tận hiến cho triết học một đời. Khởi từ đó, tôi giã từ môn tương quan quốc tế và chuyển sang khung trời triết học. Chúng tôi đã đi từ sách Job [5] đến Socrates, Aristotle đến Descartes. Rồi là Kant, Hume [6], Dostoevsky, Camus.

Tới buổi học cuối, Phil Rhinelander vói tay lên giá sách lấy xuống đưa tôi một phó bản Enchiridion [7] và bảo “Tôi nghĩ anh sẽ chí thú với tập sách này.”

Epictetus và Enchiridion

Enchiridion có nghĩa là “bí kíp liền tay.” Nói cách khác, nó là một cuốn cẩm nang. Tác giả của nó, Epictetus, là một con người thông minh và nhạy bén khác thường, ông đã thu lượm được sự thông thái thay vì khổ ải đắng chát ngay từ thuở đầu thực chứng trước những phơi bày lộ liễu của tệ tàn ác cùng cực, lạm quyền và thói phóng dật bê tha vô độ.

Epictetus sinh ra đời khoảng năm 50 dưới thân phận một nô lệ. Năm 15 tuổi, trong một cuộc bán đấu giá nô lệ ở Rome, ông bị bán lại cho Epaphroditus, một cận thần tâm phúc của Hoàng đế Nero. Epictetus có cơ thử liều vận may một chuyến vào dịp Epaphroditus phụ giúp cho Nero một tay để Nero thực hiện cho được ý định tự vận (chú thích của biên tập viên: Để nắm được chi tiết về xuất thân của Epictetus, xin xem Tùy Bút của Stockdale về Khuynh Hướng Khắc Kỷ phần I: Bộ ba chiến binh khắc kỷ [Stockdale on Stoicism I: The Stoic Warrior’s Triad], đăng trên Đặc San số 1 cho cùng loạt bài này.)

Là một người trẻ tuổi chơn nghiêm và đầy ngao ngán căm phẫn, ông bị cuốn hút bởi những bài giảng cao siêu của các giảng sư Khắc Kỷ trước công chúng, những người về sau là những triết gia của kinh thành La Mã. Cuối cùng Epictetus theo học với Khắc Kỷ gia ưu tú nhất đế chế, Musonius Rufus. Sau mười năm học có hơn, ông đã tự mình đạt được tư cách triết gia đúng nghĩa. Cùng với tự do đích thực đạt được, điều tôn quý vô bờ đó đã được tụng ca không còn gì tương xứng hơn bởi một người từng mang thân phận nô lệ.

Trong các trước tác của ông, tự do cá nhân thường xuyên được tụng ca nhiều gấp khoảng bảy lần hơn so với trong Tân Ước. Những người theo trường phái Khắc Kỷ tín niệm một điều rằng trong mắt Chúa, tất cả mọi mọi con người đều bình đẳng: nam giới và nữ giới, da đen và da trắng, người nô lệ và người tự do.

Epictetus nói y như con người thời nay, dùng một “ngôn phong sống động”, chứ không phải câu chữ Hy Lạp Attic mà chúng ta vẫn quen gặp ở những kẻ đầu môi chót lưỡi. Thực ra Enchiridion không phải được Epictetus viết ra, hơn ai hết ông vốn là bậc thầy kiên tâm và là người khiêm hạ chẳng hề chịu bỏ thì giờ ra ghi lại các bài giảng của chính mình, mà do một trong những môn đệ tâm phúc và cẩn trọng nhất của ông viết, Arrian, được Epictetus thuận cho hạ bút ghi lại đúng từng chữ lời ông nói. Arrian gồm thâu các bài giảng lại thành những pho sách; trong hai năm được thu nạp vào trường của Epictetus, ông đã đong đầy thành tám pho sách. Arrian xếp Enchiridion lại với nhau thành những trích xuất tinh túy nhất “dành cho người bận rộn.” Vào buổi sáng cuối đó, Rhinelander bảo tôi, “Là một quân nhân, tôi tin anh sẽ có có nhiều chí thú kỳ đặc với tập sách này. Frederick Đại đế chưa bao giờ lên đường đi chiến dịch mà không mang theo phó bản cuốn cẩm nang này bên mình.”

Khuynh hướng Khắc Kỷ là một triết lý cao nhã đã được chứng minh là đắc hành hơn những gì một kẻ buông thả, vô cương thời nay mong đợi. Quan niệm của phái Khắc kỷ thường bị hiểu lầm bởi vì những độc giả lơ đễnh hay bỏ sót một điểm – ấy là tất cả các thiên đàm luận đều cốt quy về “đời sống nội tâm”. Khắc Kỷ xem nhẹ mối hại về thể chất, mà nói vậy cũng chẳng phải quá lời. Họ nói tới việc đó cốt để quy chiếu với nỗi đau có sức công phá ghê gớm của nỗi ô nhục mà họ hằng nghĩ thể nào cũng khơi dậy trong thâm tâm những con người thiện lương khi thấy mình bất khả thực thi trách vụ của mình cho tương ưng với đồng loại hoặc với Đức Chúa Trời. Mặc dù là ngoại giáo, Khắc Kỷ nhân vẫn có một đức tin độc thần giáo thiên bẩm và là người đóng góp đáng kể cho hệ tư tưởng Cơ Đốc. Tình phụ tử của đấng hóa công và tình tứ hải giai huynh đệ của loài người là những khái niệm nền tảng của Khắc Kỷ trước khi có Cơ Đốc giáo. Thực vậy, Chrysippus, một trong những lý thuyết gia tiên khởi của Khắc Kỷ, đã đề ra mối tương đồng giữa cái tạm gọi là phần hồn của càn khôn đại địa với hơi thở của con người (trong tiếng Hy Lạp gọi là pneuma). Thánh Paul, một người Do Thái đậm chất Hy Lạp được thuần dưỡng ở Tarsus, một thị trấn theo trường phái Khắc Kỷ ở vùng Tiểu Á, luôn dùng chữ đặc dị của Hy Lạp pneuma, hay hơi thở, để nói về phần hồn đó.

Cố nhiên, yêu cầu của phái Khắc Kỷ về tinh thần kỷ luật chỉ giành được một tầng lớp thiểu số hạp với tiêu chuẩn của nó, nhưng thiểu số đó là những nhân cách cường liệt tối ưu thời đó. Trên lý thuyết, đó là một học thuyết đòi hỏi mức hoàn hảo đến nghiêm ngặt, nhưng thực tình triết Khắc Kỷ đã tạo nên những con người can cường, thánh thiện và đầy thiện ý. Rhinelander đã đơn cử ra ba mẫu điển hình: Cato the Younger, Đại đế Marcus Aurelius, và Epictetus. Cato là người Cộng hòa thuần thành vĩ đại của La Mã đã đương thân đọ lực với Julius Caesar. Ông là mẫu người hùng không còn gì phải bàn cãi nữa như George Washington của chúng ta vậy; giới học giả đã phát hiện có nhiều trích dẫn trong Diễn từ Giã biệt của Washington trích từ Cato – không có để trong dấu ngoặc kép. Đại đế Marcus Aurelius là người đã đưa Đế chế La Mã đạt đến đỉnh cao của quyền uy và tầm ảnh hưởng. Và Epictetus, bậc tôn sư vĩ đại, đã có vai trò góp phần làm chuyển đổi lớp lãnh tụ của kinh thành La Mã từ lối bê tha trụy lạc mà ông đã quá thấu hiểu dưới thời Nero sang quyền lực phép tắc kỷ cương như ta đã biết dưới thời Marcus Aurelius.

Epictetus đã thu hút được lớp người chịu nghe ông cùng một cách như Socrates đã thu hút được hồi 500 năm trước – đó là lớp quý tộc trẻ được trù bị cho tương lai nắm sự nghiệp tài chính, nghệ thuật, và công vụ. Những gia tộc ưu tú đã gửi gắm con trai họ cho ông, những chàng trai ở độ tuổi 20 – để được ông bảo ban thế nào là một đời người thiện lương, để họ tỉnh ngộ mà từ bỏ cái ý tưởng đã tiêm nhiễm vào đầu rằng họ xứng được lớn lên thành những kẻ chơi bời tùy thích, và để được ông dạy cho họ biết rằng phần việc của họ là phụng vụ đồng bào.

Epictetus minh thị rằng giáo trình giảng huấn của ông không phải nhắm tới các chủ đề như “hoa lợi hay lợi tức, chiến tranh hay hòa bình, mà là về phước hạnh hay bất hạnh, thành công hay thất bại, nô lệ hay tự do.” Mẫu môn đồ hạ sơn của Thầy Epictetus không phải là kẻ “có khả năng ăn nói trôi chảy về các nguyên tắc triết học như một con vẹt rỗi hơi, mà là nói về những gì khả dĩ vực bạn dậy nếu lỡ chẳng may thê tử hay huynh đệ của bạn chết, hay chính bạn phải chết hoặc bị tra tấn, đày ải … Cứ để cho người tùy nghi thực tập những mối giằng co tranh chấp, để cho người nghiền ngẫm nghiên cứu những vấn đề nan giải, và người tự biết cách suy luận sao cho đúng trình tự; ở đây bạn sẽ tập ứng phó với cách chết thế nào, với khi bị trói, bị hành hạ, bị lưu đày … như thế nào”. Để làm người thì phải chịu trách nhiệm về “những phán xét của chính mình, ngay cả trong những cơn mơ, cơn say hay trong cơn điên rồ sầu bi u uất.” Chỉ con người cá nhân mới làm ra, gây ra cái thiện và cái ác của chính mình, vận may, vận rủi, niềm hạnh phúc và nỗi khốn cùng của mình. Không thể tưởng tượng được rằng lỗi của một người này lại có thể gây ra khổ đau cho người khác; đau khổ, cũng giống như mọi chủ đề khác trong phái triết Khắc Kỷ, tất cả được định nghĩa là sự thống hối nội tại nằm ngay ở chỗ làm băng hoại cái chủ ngã.

Epictetus bảo với môn đồ rằng không thể có cái điều gọi là “nạn nhân” của kẻ khác. Các anh chỉ có thể là “nạn nhân” của chính mình. Tất cả đều tùy ở cách các anh đã giữ kỷ cương cho tâm mình ra sao. Kẻ nào là chủ tể của các anh? “Là kẻ có quyền uy với bất kỳ điều gì mà anh đã đặt trọn tâm mình vào đó. … Cái cứu cánh mà mọi đức hạnh nhắm đến là gì? Đó là cõi miền phong bình lãng tĩnh. … Hãy chỉ cho tôi đâu là một người hạnh phúc dù ốm đau, hạnh phúc dù gặp nguy khốn, hạnh phúc dù đang trong lao tù, và tôi muốn nói rằng đó chính là một Khắc Kỷ nhân đang hiển bày vậy”

Phi đội trưởng chiến đấu cơ

Lấy xong văn bằng tốt nghiệp, Sybil và tôi dọn nhà và đưa bốn con trai về Nam California. Nhà mới của chúng tôi ở Coronado. Tôi sẽ nhận công vụ chỉ huy phi đội chiến đấu cơ 51, thực hiện những phi vụ với phi cơ siêu thanh F-8 Crusaders, tại Căn cứ Thủy quân lục chiến Miramar và trên các hàng không mẫu hạm trên biển. Đúng ba năm sau cái ngày chúng tôi chạy xe ra khỏi nhà mình ở Los Altos Hills, tôi bị địch bắn hạ và bị bắt.

Suốt ba năm trước khi bị bắn hạ, tôi chẳng được làm mọt sách cho cam; phần lớn thời giờ tôi mắc bận bịu suốt ở vùng Tây Thái Bình Dương. Tôi đã dấn mình vô ba chuyến hải tuần kéo dài bảy tháng, tất cả đều nhằm dồn hết cho việc trù bị quân sự và những bùng nổ của cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á. Tôi đã ở cương vị chỉ huy trong suốt chuyến hải tuần cuối cùng với tư cách là Chỉ huy trưởng Không lực trên hàng không mẫu hạm Oriskany. Trong chiến cuộc đó, tôi đã thả những quả bom đầu tiên xuống Bắc Việt và thực hiện hơn 100 phi vụ dưới hỏa lực phòng không của địch.

Nhưng với cách dẫn nhập bằng triết học, và nhất là về Epictetus, tôi mới trở về đúng thực con người tôi hơn. Tôi có một đường hướng khác – nhứt định không phải là một lối gì phản-quân sự, mà ở một mức độ nào đó, là một cách đề kháng lại tính guồng máy răm rắp. Với tình hình đầy những trù bị thích ứng cùng các bước dò mà mọi binh đội thời bình nào dường như cũng không tránh khỏi, thì việc chấp nhận đòi hỏi của tình thế buộc phải ứng biến sao cho uyển chuyển và ngăn quyền can thiệp của ý thức, việc vượt thoát khỏi các quy củ đã đặt ra, buộc bạn phải tính đến chuyện đặt cho mình một kiểu hoạt động tân kỳ song hành. Tôi đã thành một người biết lìa bỏ – lìa bỏ mà không xa lánh – đặng có thể bỏ sách ra không chút do dự khi nó không còn hợp lúc hoàn cảnh khách quan cho phép. Tôi có thể đưa cấp dưới vượt qua thượng cấp không chút nệ hà khi bản năng chiến trận của họ đáng tin cậy hơn. Sự linh động ứng phó mới mẻ mà tôi đã đạt được như thế, về sau đã được đền bù trong lao tù.

Chiếc bàn con đầu giường nằm của tôi trên phi cơ không phải là một mớ bày biện tỏ ra bận rộn để làm dáng với thượng cấp, mà là những bài đọc thuộc trường phái Khắc Kỷ: Những Bài giảng, Ghi chép của Xenophon, Hồi ức về Socrates, và dĩ nhiên không thiếu thiên trường ca sử thi The Iliad và The Odyssey của thi hào Homer. Epictetus những mong các môn đệ mình sẽ quen hơi gần gũi với các cốt chuyện của Homer.

Các Khắc Kỷ nhân là những chiến binh tối hậu. Khắc Kỷ nhân La Mã đã đặt ra công thức Vivere Militare! – Sống là Chiến đấu. Trong Discourses, Epictetus nói: “Há anh không biết rằng sống là phụng vụ như một chiến binh sao? Người thì canh phòng cẩn mật, kẻ thì dò thám vòng ngoài, người thì đi hành quân. Nếu anh lơ là phận sự của mình khi nghiêm lệnh đã trao tay, há anh không hiểu tình thế bi thương đến dường nào còn tệ hơn cả những lời nói dối nữa sao?” Enchiridion viết:

Hãy nhớ rằng, anh là một vai diễn trong một hí trường cuộc đời như thế, trong đó tác giả đã đạo diễn phân vai – nếu vai ngắn, thì diễn ngắn; nếu vai dài, thì diễn dài. Theo ông ta muốn anh đóng vai một kẻ bần hàn, một người tàn tật, hoặc một tay nắm quyền trị quốc, cứ xem đó coi anh đã nhập vai có tốt không. Cứ coi đây là nghiệp dĩ của anh – cứ diễn vai đã phân cho anh cho đạt, còn định đoạt nó lại thuộc về một Chuyện khác. … Mỗi người chúng ta, dù nô lệ hay tự do, đều đã đến với cõi đời này với những dụng ý tiên thiên nào thiện nào ác, nào sang nào hèn, nào xứng nào bất xứng, nào phước hạnh nào bất hạnh, nào đúng nhịp hay lỗi nhịp. … Cứ thử coi mình như một con người và là một phần tử trong một toàn thể nào đó, thì có sao cũng vừa vặn hết, giả như giờ anh có bịnh đau cũng vừa, có lên đường viễn hành vượt hiểm nguy cũng vừa, lòng thản nhiên không mong cầu và giả như có yểu mệnh thì cũng vừa vậy. Vậy thì sao ta lại phải chuốc lấy điều bất như ý? Cứ giả như bây giờ có một người khác bỗng nổi bệnh sốt, hay có một người khác lên đường viễn chinh, hay một người nào khác bỏ mạng thì sao? Vì chẳng thể nào chúng ta đã trót mang lấy nghiệp vào thân lọt thỏm giữa càn khôn bao trùm này, sống giữa những sinh thể đồng loại với ta thế này, mà những điều như vậy lại không xảy ra, không xảy với người này, thì cũng với người khác.

Trở thành tù binh

Ngày 9 tháng 9 năm 1965, tôi bay với tốc độ 500 hải lý / giờ [ hơn 900 km/giờ ] trúng vào ngay một cái ổ phòng không của địch, khi đang ở độ cao chừng ngang ngọn cây, đột nhiên tôi không còn điều khiển chiếc A-4 nhỏ bé [8] được nữa vì nó bốc cháy, giàn điều khiển của phi cơ bị trúng đạn văng ra. Sau khi nhảy ra ngoài, tôi còn khoảng 30 giây tự do để đề ra tuyên ngôn cuối cùng của mình trước khi tiếp đất xuống một con đường chính trong một làng nhỏ ngay trước mặt. Này, hãy phù trợ cho tôi nhé, tôi thì thầm với chính mình: “Ắt là phải ở dưới đó ít nhất cũng năm năm nữa. Thế là tôi rời thế giới kỹ thuật và nhập vào cõi Epictetus.”

“Bí kíp liền tay” từ Enchiridion khi tôi nhảy ra khỏi phi cơ là niềm tri nhận rằng một Khắc Kỷ nhân luôn ghi tâm tạc dạ lớp lang rạch ròi những gì “tùy vào anh ta” và những gì “không còn tùy vào anh ta.” Nói cách khác đó là những gì “trong vòng quyền năng của anh ta” và những gì “nằm ngoài thẩm quyền anh ta.” Tùy vào tôi, trong vòng quyền hạn tôi, ý chí tôi, quan điểm tôi, mục đích tôi, hỷ nộ ái ố của riêng tôi, thái độ của tôi với ngoại cảnh hằng lưu, và thiện ác của chính tôi.

Để giải thích tại sao “điều thiện điều ác của chính bạn” lại nằm trong danh sách đó, tôi xin dẫn lời của Alexander Solzhenitsyn trong tác phẩm Quần đảo Ngục tù [ Gulag Archipelago ] [9]: “Dần dà có một điều phơi ra cho tôi thấy rằng cái lằn ranh phân định thiện – ác chẳng phải biến thiên tùy vào quốc gia hay giai cấp hay đảng phái chính trị nào, mà là ngay nơi mỗi trái tim người.”

Rất lâu trước khi đọc Solzhenitsyn, tôi đã nghiệm ra rằng thiện và ác chẳng phải là cái gì trừu tượng – thiện ác duy nhất chính là bất cứ điều gì xuất phát ngay tự tâm ta.

Còn một điều đáng công nhận phải nói ra là cái mong manh hư ảo của chính bạn; rằng bạn thử tụt như tôi đã tụt, từ chỗ dưới tay có hơn 100 phi công và 1.000 thuộc cấp tới chỗ tụt xuống “đưa tay chịu trói” trong vòng có vài phút đồng hồ. Đây là một đơn cử cho việc mất quyền kiểm soát trên một chặng đường đời. (chú thích của biên tập viên: Để nắm được chi tiết về thiện ác và những gì thuộc trong vòng quyền năng của chúng ta, xin xem Tùy Bút của Stockdale về Khuynh Hướng Khắc Kỷ phần I: Bộ ba chiến binh khắc kỷ [Stockdale on Stoicism I: The Stoic Warrior’s Triad], đăng trên Đặc San số 1 cho cùng loạt bài này.)

Bất cứ mọi ai đều buộc phải chơi canh bạc cuộc đời. Bạn không thể chỉ mon men chầu rìa rồi bảo, “Tôi không màng chi đến sức khỏe, hay giàu nghèo, hay liệu tôi có bị vào tù hay không.” Epictetus bảo, mọi người nên chơi canh bạc cuộc đời – rằng phải chơi với bản lãnh cao nhất bằng “khéo xảo, sung mãn, nhanh nhẹn và linh hoạt.” Nhưng cũng giống như hầu hết các trận thư hùng, bạn chơi nó với một quả bóng. Hết mọi đồng đội trong phe bạn dồn sức dành lấy quả bóng lăn. Rồi khi hết trận, bạn sẽ làm gì với trái bóng? Chẳng ai bận tâm nhiều đến chuyện đó nữa. Nó chẳng đáng giá gì cả. Cuộc thư hùng, trận chơi bóng, là một cái cớ. Quả bóng được “xử dụng” để nhờ nó mới có trận bóng bày ra, nhưng tự thân trái bóng không mang bất kỳ một giá trị nào có thể biện biệt cho tỏ tường việc nó sa vào mối tranh chấp của bạn.

Một tương tự với trò chơi bóng, ngẫu nhiên giờ nói ở đây thật chẳng khác nào trích dẫn y nguyên lời lý giải của Epictetus với các môn đồ ở Nicoipolis, một thành phố Hy Lạp thuộc địa [của La Mã] 2.000 năm trước.

[còn 1 kỳ]

Le Tung Chau chuyển ngữ 

Source:https://www.tudotanvan.com/2021/03/14/chu-te-cua-van-menh-toi/?fbclid=IwAR2lwxVW66OxNj82NNbc5WoB5e9akHwh1MZib3HlmFjum9z1GZKElINtHBA