Từ hơn nửa thế kỷ nay, Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông đã bị các nhà chính trị và văn hóa Cộng Sản lợi dụng một cách thô bạo để tuyên truyền, cổ võ cho cuộc chiến tranh xâm lược và chánh sách bạo ngược của đảng.
Tượng Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong đền thờ ở Ba Tri, Bến Tre
– Sau nhiều lần thay đổi chương trình giáo dục và sách giáo khoa, Cộng sản dự định sẽ cải tổ lần nữa vào niên học 2019. Bộ Giáo dục VN thường được người dân gọi là Bộ Vô Giáo dục, đã đưa Việt Nam đến tình trạng chậm tiến, trì trệ về mọi phương diện mà người viết, từ trong đến ngoài nước đã chán chê không muốn bới thêm cái bãi rác đã bốc mùi. Tuy nhiên, vì chương trình môn Ngữ Văn dự định áp dụng kể từ năm 2019 có liên quan đến nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi mới có bài viết nầy.
Ngữ văn là môn học dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Ở Tiểu học, môn học có tên là Tiếng Việt, ở Trung học Cơ sở (Đệ nhất cấp) và Trung học Phổ thông (Đệ nhị cấp) gọi là Ngữ Văn hay Văn.
Theo Chương trình dự thảo của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo công bố ngày 19/01/2018 về môn Ngữ Văn (dong dài 132 trang), nhưng chính yếu chỉ với mấy dòng “học sinh Trung học phổ thông phải học 6 tác phẩm văn học bắt buộc là: Nam Quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (tr.109).
Nói là dự thảo, nhưng trong thực tế, Quốc Hội chỉ là bù nhìn nên những dự thảo, thực sự là những quyết định ban hành trước cho các lái buôn giáo dục tính kế hoạch làm ăn, thí dụ như trường hợp nầy là soạn sách giáo khoa, in sách, bán sách… Mỗi năm, sách giáo khoa thay đổi chút ít để học sinh phải mua bản mới vì đề thi có thể ra trong phần tái bản. Báo điện tử News Zing loan tin: “Mỗi năm, NXB Giáo Dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT, cơ quan độc quyền về sách giáo khoa phát hành hơn 100 triệu bản. Phần lớn sách giáo khoa chỉ dùng một lần, lãng phí nghìn tỉ đồng” (nguồn: 100 triệu cuốn sách giáo khoa thành giấy vụn/ news.zing.vn – 13/09/2018). Lãng phí nói đây là số tiền tương đương với 50 triệu mỹ kim mà phụ huynh phải trả hàng năm, chưa kể hàng chục thứ học phí, lệ phí để đổi lấy một cấp bằng vô dụng.
Bài viết sau đây vạch trần những mưu chước bất chánh của Cộng sản đối với Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ và nhà chí sĩ Miền Nam trong việc lợi dụng uy danh của Cụ và tác phẩm Lục Vân Tiên trong thời chiến tranh cũng như việc sắp xếp bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc trong chương trình Ngữ Văn bậc Trung học phổ thông.
Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu của Miền Nam
Nói đến Nguyễn Đình Chiểu là phải nhắc đến Lục Vân Tiên cũng như khi nói đến Nguyễn Du là phải nhắc đến Truyện Kiều, hai nhà thơ và hai tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, một ở miền Nam và một ở miền Bắc.
Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm Khi những lưu dân trở lại đã có nhận định về xác quyết nầy: “Hoài Thanh có nhận xét khá đúng là từ bên kia đèo Hải Vân ra Bắc, người ta đọc (tôi gọi là xem) Truyện Kiều. Từ bên nầy vào Nam, người ta đọc Lục Vân Tiên. Nhưng Truyện Kiều, khi qua đèo Hải Vân rồi, dân chúng không hiểu, chỉ có trí thức mới hiểu. Ngược lại, Lục Vân Tiên, ai cũng hiểu mà có lẽ giới trung lưu và quần chúng ưa thích hơn là trí thức. Nhiều người nặng về hình thức cho là Lục Vân Tiên không hay, không điêu luyện. Ấy là chỉ nhìn bằng cái mắt độc giả mà quên lỗ tai thính giả. Lục Vân Tiên là tiêu biểu cho miền Nam để đọc chớ không hẳn để xem…” (Nguyễn Văn Xuân. KNLDTL. Nhà XB Văn Nghệ, 1990. tr. 73-74).
Gabriel Aubaret, trong bài giới thiệu bản dịch Lục Vân Tiên được xuất bản lần đầu dưới thể văn xuôi với tựa là Luc Van-Tiên, Poème populaire annamite đăng trong Journal asiatique tháng 7, năm 1864 đã viết: “…C’est là, un des très rares spécimens de la littérature annamite proprement dite, et ce poème du Luc Van-Tiên est tellement répandu parmi le peuple, qu’il n’y a peut-être pas, en Basse-Cochinchine, un pêcheur ou un batelier qui n’en fredonne quelques vers en maniant sa rame…” (sđd, p.1 – http://gallica.bnf.fr).
Dịch nghĩa như sau:
“Một trong những tác phẩm hiếm quý của văn chương Nam Kỳ, truyện thơ Lục Vân Tiên, thật là phổ biến trong dân gian đến nỗi có lẽ là không một người dân chài hay chèo đò nào mà không ngâm nga vài ba câu thơ Lục Vân Tiên khi đưa đẩy mái chèo”.
Quả thật vậy, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, từ hơn 150 năm nay, ngay khi còn ở thời kỳ chưa hoàn tất đã được phổ biến rộng rãi và yêu thích bởi người dân Nam Kỳ, từ giới sĩ phu đến hàng thứ dân. Người Nam kỳ là những lưu dân miền Thuận Quảng vào Nam đi khai phá, bất khuất trước hiểm nguy và quyền lực cũng như không màng lợi danh phi nghĩa, mà Nguyễn Đình Chiểu là biểu tượng cho cái bản chất kiên cường nầy. Với người dân Nam Kỳ, Nguyễn Đình Chiểu không phải chỉ là một nhà thơ, một nhà giáo, một người rao giảng đạo thánh hiền, mà còn là mẫu mực cho đạo làm người, một nhà chí sĩ chống Pháp. Ông là bó đuốc soi đường, là thần tượng của người dân miền Nam. Bởi lẽ chánh phủ Pháp đã sớm nhận biết được ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm Lục Vân Tiên đối với dân chúng tại vùng đất mới xâm chiếm, nên sau khi được bổ nhiệm làm Chánh tham biện tỉnh Bến Tre năm 1883, Michel Ponchon đã ba lần đến nhà cụ Đồ Chiểu để khéo léo dụ dỗ Cụ hợp tác, nhưng cả ba lần Cụ đều từ chối. Lần đầu, Ponchon đến với người thông ngôn tên Lê Quang Hiển, ông giả bộ điếc không nghe, không hiểu. Lần khác, Nguyễn Đình Chiểu giả đau không tiếp, khiến Ponchon phải vào đến chỗ ông nằm và đề nghị trả đất đai ở Tân Khánh (Gia Định) cho ông. Nguyễn Đình Chiểu ôn tồn trả lời: Nước chung đã mất, đất riêng còn có sao được? Lần chót, Ponchon đề nghị cấp tiền dưỡng lão, ông từ chối và khẳng khái đáp rằng ông đã sống trong sự tôn kính đầy đủ của môn đệ và sự quý mến của đồng bào của ông (…il vivait dans une honorable aisance au milieu des élèves qui écoutaient son enseignement, et de ses compatriotes dont il avait l’estime. (Histoire du grand lettré Luoc Vian Tian / Eugène Bajot. – Paris: Challamel Aîné Éditeur, 1887, p. XIV).
Về tác phẩm Lục Vân Tiên, nhà cầm quyền Pháp đã tài trợ việc dịch thuật và xuất bản truyện Lục Vân Tiên để phổ biến rộng rãi trong dân chúng.
Bản dịch ra quốc ngữ đầu tiên của Jeanneau xuất bản năm 1864 là do lịnh của Thống đốc Nam Kỳ Dupré, bản dịch tiếng Pháp in năm 1868 là của Gabriel Aubaret, (đại tá hải quân sau là lãnh sự Pháp ở Bangkok) và bản dịch tiếng Pháp của Eugène Bajot, (đốc học trường Chasseloup Laubat) xuất bản năm 1887 là do sự tài trợ của Hội đồng Địa hạt Nam Kỳ theo quyết định phiên hợp ngày 28-12-1885.
Nếu người Pháp đã sớm nhận biết được giá trị bình dân nhưng hấp dẫn của tác phẩm Lục Vân Tiên thì đối với người dân Nam Kỳ, Truyện Lục Vân Tiên đã làm rung động họ bởi lẽ quần chúng đã tìm thấy thân phận, suy tư và ước mơ của họ qua các nhân vật của truyện kể.
Cái bản chất trượng phu, hào phóng, trọng nhân nghĩa của các nhân vật như Hớn Minh, Tử Trực, ông Quán, ông Ngư, ông Tiều, Lão Bà là những hình ảnh hào hùng đánh đúng cái khát vọng vươn lên đạo làm người của người dân trong vùng đất mới. Hớn Minh là người trực tính, khi đi giữa đường thấy Đặng Sinh là con một tên quan huyện, ỷ thế cha, hà hiếp Kiều Nguyệt Nga thì nổi nóng đánh nó dù biết rằng sau đó sẽ bị tù tội:
Tôi bèn nổi giận một khi,
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò
Tử Trực là người bạn tốt, trọn tình chung thủy với bạn bè, không ngán sợ bạo lực khi mắng Võ Công vì ông ta đem con gái là Võ Thế Loan gả cho mình khi biết Vân Tiên bị mù lòa. Tiểu Đồng nêu lên tấm gương tình nghĩa thầy trò đã hết lòng giúp đỡ Vân Tiên khi chủ mình đau ốm và khi tưởng là Vân Tiên đã mất thì ngày đêm ngồi bên nấm mồ để tưởng nhớ. Ngay đến những người dân lao động như ông Quán, ông Tiều, ông Ngư cũng chuyên chở những tư tưởng thanh cao về đạo làm người. Thí dụ như ông Quán đã chẳng sợ mất thực khách khi ông đã ngạo nghễ chê cười hai ông khách nhiều tiền là Trịnh Hâm và Bùi Kiệm:
Chẳng hay ông Quán cười chi,
Vỗ tay xuống chiếu một khi cười dài
Tiên rằng: ông Quán cười ai
Quán rằng: Cười kẻ bất tài đồ thơ
Dĩ nhiên, hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là những hình ảnh hào hùng mà cụ Đồ Chiểu đã gởi gắm trọn cái nhân sinh quan đạo làm người mà ông muốn phổ biến trong dân gian. Lục Vân Tiên cứu Nguyệt Nga khi thấy chuyện bất bình, mù lòa vì hiếu với mẹ, nhưng vẩn yêu đời và cứu đời với nghề dạy học và hốt thuốc dù trong cảnh mù lòa. Cuộc tình của Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên là tấm lòng thủy chung dù phải trải qua bao nhục nhã, gian truân. Sự tranh đấu của Kiều Nguyệt Nga trong các nghịch cảnh vừa làm rung động lòng người, vừa gần gũi với người phụ nữ Nam Kỳ bởi lẽ nàng tượng trưng cho nghị lực rắn rỏi của người phụ nữ trong vùng đất mới.
Đọc Lục Vân Tiên, người đọc không thấy tuyệt vọng dù trong bi thương, và cái mạch văn cũng như tư tưởng lạc quan chiến đấu để vượt nghịch cảnh đã vừa lôi cuốn người đọc, vừa kích thích người đọc với những xúc cảm mãnh liệt. Nếu dân Nam Kỳ rung cảm theo nhịp đau khổ và vui vầy với Vân Tiên và Nguyệt Nga cũng như cổ võ những thái độ, hành động của những nhân vật liêm chính thì họ cũng căm hờn, nguyền rủa những tên gian hùng, bất nhân bất nghĩa như Trịnh Hâm, Võ Thế Loan, Bùi Kiệm, công phẫn trước sự mù quáng của Thái Sư.
Lục Vân Tiên là tác phẩm của dân gian bởi lẽ phản ảnh cái xã hội muôn đời với những con người từ thiện đến ác, những phong tục tập quán từ tốt đến xấu, những bất công và những phấn đấu. Đọc thơ Vân Tiên, người dân cảm thấy những ước mơ, thương ghét, những giá trị đạo lý đều được Cụ Đồ Chiểu diễn tả qua các nhân vật.
Ngoài giá trị tư tưởng, truyện Lục Vân Tiên sở dĩ được người dân miền Nam ưa thích bởi lời văn giản dị, dễ hiểu, nhiều địa phương ngữ, gần gũi với cách nói của người miền Nam. Phải hiểu rằng, cho đến thời Nguyễn Đình Chiểu, gần như các thơ văn đều do các tác giả Bắc hà sáng tác, do đó các từ ngữ là của người dân phương Bắc. Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn của Nam Kỳ, đã sử dụng trong Lục Vân Tiên và các tác phẩm của ông những phương ngữ Nam Kỳ như: heo (thay vì lợn), bắp (ngô), ghe (thuyền), cọp (hổ), trái (quả), hối (giục), hốt thuốc (bốc thuốc) đau (ốm), kêu (gọi), dè (ngờ), rớt (rơi), giỡn (đùa), dơ (bẩn), đui (mù), đường (đàng), bâu áo, bậu (anh), luông tuồng, xóm giềng, nhân ngãi (nhân nghĩa), hiển vang (hiển vinh), tiên phuông (tiên phong)…
Những thành ngữ của dân gian cũng đã được Nguyễn Đình Chiểu tài tình gắn vào các câu thơ như: màn trời chiếu đất, sớm còn tối mất, phận bạc như vôi, tiền mất tật còn, nước có nguồn cây có cội, sống sao thác vậy, trọng nghĩa khinh tài, vạch lá tìm sâu, đàn gảy tai trâu…
Nhiều câu lại có hơi hám của ca dao miền Nam:
Tới đây thì ở lại đây, (câu 1123)
Cùng con gái lão sum vầy thất gia
Và có những câu hát của dân gian ghép gọn vào truyện thơ:
Lênh đênh một chiếc thuyền tình, (1583)
Mười hai bến nước gởi mình vào đâu
Ai từng mặc áo không bâu (1585)
Ăn cơm không đũa, ăn trầu không cau.
Xin đừng tham đó bỏ đăng (411)
Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn…
Ngoài ra, cách sắp xếp cốt chuyện có lớp, có hồi khiến người nghe theo dõi dễ dàng và cách giới thiệu nhân vật bằng cách xưng tên giống như lối bạch, lối xướng trong tuồng hát bội là một yếu tố khác khiến người miền Nam ưa thích Lục Vân Tiên.
Nhưng thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu không phải chỉ có phương ngữ, lời văn bình dân, mà vẫn có tính chất bác học, nhưng là cái bác học được phổ cập hóa (vulgarisation) cho dân gian. Phải có một học thuật uyên bác và văn phong bình dị mới chuyển tải được những điển tích thành lời giảng đạo lý cho dân gian như trong đoạn thơ thương ghét sau đây:
Quán rằng ghét việc tầm phào,
Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
Ghét đời Ngũ Bá phân vân,
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn
Ghét đời Thúc, Quý phân băng,
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân.
Dưới một khía cạnh khác, nhiều nhà phê bình văn học cho rằng chuyện Kiều có nhạc điệu, còn chuyện Lục Vân Tiên khô khan. Nói như vậy là có thiên kiến bởi trong Lục Vân Tiên, người nói thơ tìm gặp không biết bao nhiêu đọan thơ có âm điệu nhẹ nhàng, rung cảm và chan chứa ý tình sâu sắc. Ai lại không cảm thấy bị lôi cuốn khi đọc:
Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le
Ai ơi lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
Nói tóm lại, Lục Vân Tiên, ngoài giá trị văn chương còn chuyên chở những giá trị đạo lý muôn đời của người dân Việt. Đạo lý mà ông muốn truyền bá trong dân gian không phải là một loại lý thuyết suông mà là một triết lý thực tiễn được diễn tả qua lời văn chân chất bình dị, nặng về nội dung hơn là hình thức để đánh vào tâm thức của người dân theo lối văn dĩ tải đạo (văn để chuyên chở đạo lý). Ngoài ra, những điều nói ra phải được thực hiện, cố gắng áp dụng trong đời sống bình thường cho dù phải gặp chông gai hiểm trở mà cuộc đời ông là biểu tượng, đúng như nguyên tắc tri hành hợp nhất.
Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên đã bị Cộng Sản lợi dụng
T ừ hơn nửa thế kỷ nay, Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông đã bị các nhà chính trị và văn hóa Cộng Sản lợi dụng một cách thô bạo để tuyên truyền, cổ võ cho cuộc chiến tranh xâm lược và chánh sách bạo ngược của đảng.
Năm 1963, sau khi cho ra đời Mặt Trận giải phóng Miền Nam, để khích động dân chúng miền Nam tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, Cộng Sản đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm 75 năm ngày mất của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Tại nhà Hát Lớn ở Hà Nội, Thủ tướng phạm văn đồng và một số văn công đến đọc những bài diễn văn hay tham luận nặng mùi chiến tranh và gán ép văn thơ và tinh thần ái quốc của Nguyễn Đình Chiểu với cuộc chiến tranh thần thánh chống “Mỹ Ngụy”.
phạm văn đồng đã phun ra những lời tuyên bố láo khoét bịp bợm như sau:
Chỉ từ khi Cách Mạng Tháng 8 ở VN thành công, và nhân dân làm chủ đất nước và vận mệnh của mình, thì dần dần Nguyễn Đình Chiểu mới có vị trí xứng đáng trên văn đàn… Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng danh hiệu người thi sĩ của nhân dân, đã suốt đời gắn bó cuộc đời mình với vận mệnh của tổ quốc, nhân dân… Hơn nửa thế kỷ sau khi NĐC thở hơi thở cuối cùng, một nửa đất nước VN đã hoàn toàn giải phóng, nhưng nhân dân miền Nam VN hiện nay, nhân dân vùng quê hương yêu dấu của NĐC đang tiếp tục cuộc chiến tranh thần thánh để giải phóng nửa đất nước còn lại, với một niềm tin tưởng tất thắng và với một tinh thần anh dũng tuyệt vời. (Nguyễn Đình Chiểu: về tác phẩm và tác giả. NXB Giáo Dục, 1998, tr.79).
Năm 1972, khi chiến tranh leo thang đến mức tuyệt vọng, Cộng sản lại cho lập bàn thờ kỷ niệm 150 năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu, đem hình tượng và lòng ái quốc của Cụ để huy động dân chúng đánh đuổi “Mỹ Ngụy”. Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương đảng đọc bài diễn văn nặc mùi tuyên truyền sắt máu:
…Trước những thắng lợi lớn của nhân dân miền Nam, Nixon tên đầu sỏ phản động quốc tế và bè lũ tay sai đã điên cuồng leo thang chiến tranh ở VN…Cuộc chiến đấu của chúng ta được tất cả những Lục Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh, Nguyệt Nga, ông Quán, ông Tiều trên thế giới ủng hộ ta, đoàn kết với chúng ta đánh bại quân gian ác là Nixon-Thiệu khát máu còn gian ác gấp trăm nghìn lần bọn Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Võ Thế Loan thời Nguyễn Đình Chiểu. Càng nhớ đến Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta lại càng nhớ đến bác Hồ vĩ đại, người đã kế tục và phát huy những tư tưởng nhân nghĩa, nhân ái của tổ tiên trong đó có nhà thơ yêu nước lớn của dân tộc ở thế kỷ XIX (Nguyễn Đình Chiểu… tr. 134).
Cùng trong buổi lễ, Ca Văn Thỉnh (đốc học ở Bến Tre trước khi tập kết, được CS bổ nhiệm nhiều chức trong đó có Đại sứ ở Cao Miên) cũng đã góp phần với nhũng lời phỉnh phờ xuyên tạc bằng câu chuyện Ông già Hốc Môn: “…Mấy năm trước đây, ông già đã bí mật nuôi cán bộ trong nhà ở dưới hầm, thường dùng mật hiệu bằng dĩa hát. Khi có địch đến thì báo hiệu bằng bài Khóc Hoàng Thiên, còn bài Khổng Minh Tọa Lầu là bảo an. Mật thám theo dõi nghi ngờ ông. Khi tên mật thám vào nhà, nghe bài Khóc Hoàng Thiên, nó bảo ông thay dĩa. Lanh trí, ông vờ lỡ tay đánh rơi xuống đất làm dĩa hát vỡ ra nhiều mảnh. Tên mật thám cầm một mảnh dĩa vỡ nhọn đe dọa ông phải chỉ chỗ giấu Việt cộng, ông cự tuyệt. Tên ác ôn dùng mũi dĩa đâm vào mắt ông. Dù mù, ông vẫn tiếp tục phục vụ cách mạng. Tinh thần đấu tranh kiên cường của ông già Hốc Môn cũng như của Nguyễn Đình Chiểu đã còn ảnh hưởng sâu rộng đến ngày nay”. Nguyễn Đình Chiểu đã bị phản bội bởi một con dân Bến Tre, đồng hương của ông.
Và để ca tụng những phụ nữ bộ đội bỏ chồng, bỏ con đi Trường Sơn, những bà mẹ chiến sĩ giấu cán bộ trong hầm hố để đêm đêm lẻn ra gài mìn, phá đường sá, giết hại lương dân, Nguyễn Huệ Chi, một nhà “nghiên cứu lớn” của CS cũng ví von như sau: “…Hình ảnh nàng Nguyệt Nga vai mang bức tượng Vân Tiên, vượt qua bao chặng đường gian khổ để cuối cùng giành được hạnh phúc có gì gần gũi với người phụ nữ yêu nước miền Nam, hàng chục năm nay sống dưới ách cùm kẹp của Mỹ -Ngụy, vẫn mang trọn niềm chung thủy với chồng con, và luôn luôn đứng hàng đầu trong các cuộc đấu tranh để bẻ gãy xích xiềng của chế độ Saigon để chóng đến cái ngày Bắc Nam sum họp” (Nguyễn Huệ Chi. Con đường thơ của NĐC. Sđd, tr. 530).
Rồi Bắc Nam sum họp năm 1975. Các đồng chí lãnh đạo từ Bắc ùa vô Nam vơ vét, các đồng chí Trường Sơn và Giải Phóng miền Nam từ rừng núi và hầm hố chui ra để bị cho về vườn cày ruộng hay sống vất vưởng bên vỉa hè, bên các dinh thự của các đồng chí cũ. Để xoa dịu bất mãn và dọa nạt, ngày 8 tháng 6 năm 1982, Cộng Sản lại tổ chức kỷ niệm 160 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, lần nầy ở Bến Tre, quê hương của Phong trào Đồng khởi. Nguyễn Khánh Toàn, chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Xã hội, đại diện cho chánh phủ, đến Bến Tre để ve vuốt các đồng chí cũ và dân chúng bị bỏ rơi sau chiến thắng:
Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi mà Nguyễn Đình Chiểu là người thừa kế muộn màng nhưng không lạc hậu, là biểu tượng cho ý thức dân tộc cao, chín muồi và hoàn chỉnh trong những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của châu Á thời Trung đại. Văn thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu lúc nầy có giá trị như một lời hiệu triệu, một bản tuyên ngôn của nhân dân Nam Bộ – dân của nước VN, chống chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa thực dân phương Tây, Chúng ta tin tưởng rằng đồng bào tỉnh Bến Tre hết lòng hết sức thi đua thực hiện tốt những Nghị Quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, phát huy tinh hoa di sản cao quý của Nguyễn Đình Chiểu, kết hợp với nghị lực sáng tạo dồi dào của quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động… (sđd. tr. 228) Kể sao cho hết những lời nói, những bài viết với văn phong và ngôn từ tuyên truyền xảo quyệt trong một quyển sách dầy 670 trang của những đỉnh cao trí tuệ, những văn nô trong đó có cả những văn thi sĩ nổi danh như Vũ Đình Liên, Xuân Diệu, Nguyễn Đổng Chi, Hoài Thanh, Lý Văn Sâm…
Chương trình Ngữ Văn với bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc
Nhìn qua môn Ngữ Văn bậc đệ nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) trong chương trình năm 2019, chúng tôi nhận định ít nhứt có hai vấn đề
Thứ nhất – Trong 6 tác phẩm Ngữ Văn bắt buộc phải học, chỉ trừ Truyện Kiều là có bản chất văn chương, 5 tác phẩm còn lại chỉ là những văn bản có bản chất chính trị, chiến tranh. Phải hiểu rằng môn Văn không nhằm dạy con người hành động, học đạo đức mà trái lại, văn chương giúp con người phát triển cảm xúc, tình cảm, thẩm mỹ để từ đó ảnh hưởng đến hành động, Dùng văn chương như một công cụ để đào tạo một mẫu người, một ý thức hệ là phản lại sự phát triển của con người, của nhân loại. Thật là đau đớn cho dân tộc Việt Nam, cho đến hôm nay, Việt Cộng vẫn còn áp dụng chánh sách giáo dục phi nhân, giáo điều, cổ võ chiến tranh, thù hận và do đó chúng ta không ngạc nhiên là từ 70 năm qua, giáo dục Cộng sản đã sản xuất đa số nhũng con người không tim, không óc.
Thứ hai – Ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu đến tận mây xanh trong thời chiến tranh cốt để tuyên truyền cho ý đồ xâm lược, nhưng khi chiến tranh chấm dứt, Nguyễn Đình Chiểu liền bị bỏ quên (không được biết đến), hay bỏ qua (biết đến nhưng không xem quan trọng). Khi Truyện Kiều của Nguyễn Du có mặt trong 6 tác phẩm bắt buộc mà không có truyện Lục Vân Tiên để thay thế bằng một bài Văn Tế, rõ ràng là Cộng sản đã lộ nguyên hình bộ mặt gian trá, bịp bợm, bản chất muôn đời của Cộng sản. Ngoài ra cũng cần nói thêm, trong 30 năm sáng tác, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại nhiều thơ văn các loại. Ngoài những tác phẩm dài như Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, còn có 37 tập thơ và Văn Tế trong đó có bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.
Bài Văn Tế nầy có 30 câu làm theo lối Đường phú độc vận gồm 4 phần :
1-Lung khởi (câu 1-2 theo lối tứ tự) nêu lên chủ đề là sự hi sinh của nông dân vì đại nghĩa mà nổi lên chống giặc Pháp : Súng giặc đất rền / Lòng dân trời tỏ
2- Thích thực (câu 3-15) giới thiệu những người nông dân vừa sản xuất vừa chiến đấu.
3-Ai vãn (câu 16-28) bày tỏ lòng thương tiếc của tác giả và nông dân với các liệt sĩ
4-Kết (câu 29-30) Ca ngợi linh hồn bất diệt của các liệt sĩ :
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân
Cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ
Thật khó mà hình dung được với một bài Văn Tế ngắn như vậy mà Cộng sản đưa vào chương trình học thay vì tác phẩm Lục Vân Tiên, đồng đẳng với Truyện Kiều. Hành xử như vậy, sau 43 năm tận tình khai thác tiềm lực kinh tế miền Nam để đổi lốt, những người lãnh đạo đảng Cộng Sản gốc miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn còn mang nặng cái não trạng kỳ thị miền Nam, hiểu theo nghĩa Miền Nam chính thể và Miền Nam địa lý.
Kết luận
Để kết luận, chúng tôi có đôi lời tự sự với các nhà chính trị Cộng sản.
Các anh Cộng sản,
Hương hồn cụ Nguyễn Đình Chiểu đã quyện muôn đời trong tâm khảm của người dân Việt Nam, không phải qua những tuyên truyền, tuyên bố trơ tráo của các anh, mà qua tư cách thanh cao, tinh thần ái quốc và thơ văn của Cụ. Người Việt Nam chẳng bao giờ tin các anh, những người đốt sách và bỏ tù văn nghệ sĩ vì không đồng chính kiến, chiến tuyến với các anh.
Các anh hãy chấm dứt trò hề giả ân giả nghĩa, tổ chức lễ kỷ niêm ngày sinh ngày chết, dựng hình tượng của tiền nhân để núp bóng làm chuyện phi nghĩa, thất nhân tâm, hại tổ quốc. Hãy để yên cho học sinh các trường học mang tên Nguyễn Đình Chiểu học tập đạo làm người trong một xã hội mà các anh đã phá hỏng kỷ cương, học làm dân trong một quốc gia mà các anh đã tước đoạt quyền dân chủ. Hãy để yên cho các bịnh nhân trong các y viện mang tên Nguyễn Đình Chiểu sớm lành tật bịnh vì đói khổ và tai họa do các anh gây ra.
Người Việt Nam hãnh diện đi trên các con đường, các công viên mang tên Nguyễn Đình Chiểu bởi họ thực sự kính phục tài danh, đức độ của tiền nhân họ. Lãnh tụ các anh, và các anh, dù ở đẳng cấp nào, cũng chẳng có thể xếp chung cùng hàng ngũ với các bậc tiền bối đáng kính của chúng tôi.