Hai hôm trước buổi nói chuyện của Giáo Sư Trần Huy Bích về buổi thuyết trình với đề tài: BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO và HAI BÀI THƠ CHỮ HÁN QUAN TRỌNG CỦA NGUYỄN TRÃI, Khánh Lan nhận được email của Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết Cô Phạm Từ Ái, giáo viên trường tiểu học DeMille tại thành phố Midway City đã khởi xướng và mời Giáo Sư làm diễn giả cho buổi nói chuyện tại Viện Việt Học ngày 16 tháng 12, 2023 vừa qua.
Với lời viết khiêm tốn, GS Trần Huy Bích viết: “Năm nay tôi 87 sắp lên 88. Ở tuổi ấy người ta có khuynh hướng … lười”. Điều nay thể hiện qua hai câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến như sau: “….Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu.Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác…”Hay ham hoạt động như Nguyễn Công Trứ cũng viết: “…… đến tuần lão đại.Cuộc đời trăm việc đã vâng nhường….” Và chỉ nên: “….Đem thân thế nương miền toàn (tuyền) thạch.Trốn đường danh mua lấy cuộc nhàn….”Rồi sau đó, Giáo Sư Trần Huy Bích kết luận rằng ông rất thích mấy câu dưới đây của Vương Duy:“…Vãn niên duy hiếu tĩnh.Vạn sự bất quan tâm…”Và đã dịch thành: a) Tuổi già riêng thích tĩnh. Mọi chuyện chẳng quan tâm. b) Tuổi già riêng thích yên thôiNgổn ngang muôn chuyện gạt ngoài chân tâm.Tuy nhiên, với BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, Giáo sư Bích cho biết ông không khỏi giật mình khi thấy một cuốn sách do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội phát hành ở trong nước gần đây giảng “Luống đăm đăm con mắt dục đông” là … “muốn đi về phía đông, hướng có mặt trời, có vượng khí” (Sic)Ngay sau đó, cuốn ấy giảng “Vẫn mịt mù như kẻ vọng dương” là “trông về phía mặt trời, ý nói mong một vị cứu tinh” (Sic), tuy trong nguyên tác, Nguyễn Trãi dùng chữ “dương” 洋 (với nghĩa là biển).
Giáo sư tiếp: “Vị tác giả giảng BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO như thế đã viết và in tới trên 10 cuốn sách về văn học VN. Bên cạnh cuốn Thơ Văn Bùi Kỷ tôi vừa nhắc tới, ông ta cũng viết về Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phạm Văn Nghị (thầy dạy của Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San và Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến) … Tôi không có những cuốn ấy, nên không biết ông ta viết và giảng ra sao.”
Đó chính là lý do thúc đẩy Giáo Sư Trần Huy Bích nhận lời yêu cầu của nhóm các thầy cô giáo trẻ như cô giáo Phạm Từ Ái và cô Đặng Quỳnh Hương, lớp người trẻ đang vững bước tiến tới để dần dần thay chỗ cho các vị giáo học tiền bối.
Giáo sư Trần Huy Bích cho biết thêm: Những người khởi xướng buổi thuyết trình này là một số thầy cô giáo đang dạy tiếng Việt cho các học sinh gốc Việt tại Orange County. Các thầy cô muốn giới thiêu áng văn chương lịch sử hào hùng ấy tới các em học sinh, nhưng nhiều câu chính các vị cũng không hiểu rõ. Họ đã cử cô Phạm Từ Ái, giáo viên tại Warner Middle School thuộc thành phố Westminster tới liên lạc với Giáo sư Trần Huy Bích, để xin giáo sư giảng rõ cho các thầy cô, và Giáo sư Bích đã nhận lời.
Khi biết tin ấy, cô Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc điều hành Viện Việt Học, đề nghị Giáo sư Bích dùng phòng hội của Viện làm nơi thuyết giảng. (dựa theo bài viết của Giáo Sư Bích)
Trên thực tế, sau buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo tại Viện Việt Học, Khánh Lan đảm trách nhiệm viết bài tường thuật về buổi thuyết trình. Khánh Lan thiết tưởng, một bài tường thuật lịch sử cần phải chỉnh chu và đúng với sự thật, chính vì thế Khánh Lan xin mạn phép dùng những chi tiết được ghi nhận rất đầy đủ cũng như am hiểu tường tận về Bình Ngô Đại Cáo của ba vị tiền bối gồm: Giáo Sư Trần Huy Bích; Chủ tịch đảng Tân Đại Việt, Hoàng Đình Khuê và Ký Giả Thanh Phong thuộc tòa báo Viễn Đông.
Khai mạc buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo, Cô Nguyễn Kim Ngân, Giám Đốc Điều Hành Viện Việt Học, giới thiệu tiểu sử, hành trình cũng như những thành quả của diễn giả Giáo Sư Trần Huy Bích trong lãnh vực giáo dục.
Cô Nguyễn Kim Ngân, Giám Đốc Điều Hành Viện Việt Học, giới thiệu diễn giả Trần Huy Bích. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Trước khi vào phần chi tiết của buổi thuyết giảng về BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, khánh Lan xin trình bày sơ lược về Nguyễn Trãi:
Nguyễn Trãi sinh năm 1380 và mất năm 1442, hiệu là Ức Trai,
quê tại làng Chi Ngại (Chí Linh-Hải Dương). Ông là một nhà Nho yêu nước, một quân sư cho Vua và là người có công rất lớn trong chiến thắng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhắc đến Ông là nhắc đến một Danh nhân Văn hóa Thế giới, đã để lại cho đời một kho tàng văn học vĩ đại, một áng thiên cổ hùng vănđiển hình là “Bình Ngô Đại Cáo”.
“Bình Ngô Đại Cáo” được xem là bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của dân tộc Đại Việt sau bản Tuyên Ngôn Độc Lập là bài “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt. Do đó năm 1980 nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, ông được UNESCO vinh danh là “Danh nhân Văn hóa Thế giới”. Ông cũng là người đầu tiên của Việt Nam được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc công nhận danh hiệu này.
Nói về “Bình Ngô Đại Cáo”, khi chúng ta tách Đại Cáo ra, là tên một Thiên trong Thượng Thư, trích từ điển tích trong Thời nhà Chu Triều (周朝) (Tây Chu: 1122- 771 TCN)
Khi Cao Tụng-Chu Thành Vương (1042-1021 TCN) lên thay Chu Vũ Vương thì bị loạn Tam Giác gồm Vũ Canh, Quản Thúc Tiên và Sái Thúc Độ làm phản.
Chu Công Đán là chú của Chu Thành Vương đã dẹp đám phản lọan và Chu Thành Vương truyền Đại Cáo. Đây là Đại Đạo Dĩ Cáo để trình bày và sau đó báo cáo với thiên hạ là đã dẹp Loạn Tam Giám, đất nước độc lập và lấy tên “Đại Cáo” là tên của một Thiên trong Kinh Thư.
Giáo sư Trần Huy Bích thuyết giảng về Bình Ngô Đại Cáo tại Viện Việt Học ngày 16.12.2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Theo giáo sư Trần Huy Bích, bài dịch của Bùi Kỷ hay và hào hùng hơn cả, nhưng bản dịch của Ngô Tất Tố rõ ràng dễ hiểu hơn. Mở đầu Bình Ngô Đại Cáo, bản Ngô Tất Tố dịch như sau:
“Thay Trời lời hành hóa, Hoàng Thượng truyền rằng: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân / Quân điếu phạt trước lo trừ bạo / Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc, Nam cũng khác / Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương / Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau / Song hào kiệt thời nào cũng có…”
Tiếp theo là đọan khá dài trình bày về việc dẹp xong giặc Ngô ngoại xâm đem lại thái bình thịnh trị cho đất nước. Và câu cuối cùng của bài Bình Ngô Đại Cáo viết:
“Than ôi! Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định – Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh – Bá cáo xa gần – Ngỏ cùng nghe biết.
Đoạn dưới đây là lời giải thích của Giáo Sư Trần Huy Bích:
Giáo Sư Trần Huy Bích, ông đề nghị dùng bản dịch của cụ Bùi Kỷ (được in trong Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim) làm bản chính trong việc trình bày. Đó là một bản dịch có nhiều câu văn đẹp và hào hùng. Nhưng bản dịch ấy cũng có một số câu quá cô đọng và dùng từ Hán Việt thuộc loại khó nên nhiều chỗ có phần tối nghĩa. (Dịch khoảng năm 1919 để in vào Việt Nam Sử Lược năm 1920, vị Phó bảng họ Bùi đã dùng loại tiếng Việt của trên 100 năm trước).
Nhận thấy nhiều câu trong bản dịch của cụ Ngô Tất Tố ý nghĩa rõ hơn, Giáo Sư Bích đề nghị dùng bản này làm bản hỗ trợ và bổ túc. (Cụ Ngô Tất Tố dịch sau cụ Bùi Kỷ, và đã có ý muốn chữa lại phần nào những chỗ khó hiểu trong bản dịch trước). Giáo Sư Bích cũng muốn giới thiệu thêm hai bản dịch nữa: bản của nhà văn/học giả Nhượng Tống (dưới bút hiệu Mạc Bảo Thần) và bản của nhà biên khảo Bùi Văn Nguyên (1918-2013), sống ở miền Bắc trước năm 1975. Ông Nguyên có hoàn cảnh gặp cụ Bùi Kỷ nhiều lần trước khi cụ qua đời, nên đã có dịp hỏi cụ khá nhiều về bản Bình Ngô Đại Cáo do cụ dịch.
Trong buổi thuyết trình tại Viện Việt Học, mỗi tham dự viên được phát một tập tài liệu gồm:
- Đoạn mở đầu của nguyên tác Bình Ngô đại cáo bằng chữ Hán như được in trong Hoàng Việt Văn Tuyển
- Phần phiên âm của đoạn mở đầu ấy
- Bản dịch của Bùi Kỷ
- Bản dịch của Ngô Tất Tố
- Bản dịch của Nhượng Tống
Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết ông không in thêm bản dịch của Bùi Văn Nguyên vào xấp tài liệu trên vì như thế sẽ dày quá. Bản ấy được in trong Tập 4 của bộ Tổng Tập Văn Học Việt Nam, đã có tại Viện Việt Học. Đồng thời, bộ sách này cũng đã có bản PDF trên Net. Theo Giáo Sư Bích, chỉ cần vào Net, đánh “Tổng tập Văn học Việt Nam tập 4” là có thể tìm ra.
Các tham dự viên ngồi kín hội trường Viện Việt Học, Westminster, chiều thứ Bảy, ngày 16 tháng 12, 2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Tại phòng hội của Viện Việt Học chiều Thứ Bảy 16 tháng 12 vừa qua, chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của:
- Một số nhà giáo dục: Các giáo sư Phạm Lệ Hương, Vũ Ngọc Mai, Bùi Mỹ Dương, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Ngọc Tuyết… Đáng chú ý nhất là sự có mặt của giáo sư Nguyễn Thị Thanh Tâm (cựu giáo sư trường nữ Trung học Đồng Khánh, Huế, hiền nội của giáo sư Đoàn Khoách), tới từ San Diego. Giáo sư Đỗ Quý Toàn, nguyên giáo sư Sử trường Trung học Chu Văn An, Sài Gòn, đến hơi trễ vì phải dự tang lễ một người bạn thân trước đó. Ông đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong phần 2 của buổi thuyết trình.
- Một số vị trong văn giới và học giới: Các nhà văn Ngự Thuyết, Nguyễn Quang (phu quân của cố nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh), Tràm Cà Mau, Phạm Quốc Bảo, Võ Ý, Trương Huy Văn, nhà biên khảo Đỗ Thái Nhiên, học giả Nguyễn Duy Chính …
- Nhân vật trong cộng đồng: Đại tá Trần Minh Công, Hạm trưởng Phạm Đình San, bà Ngô Tuyết Mai (Hội trưởng Hội Đồng hương Bắc Ninh), bác sĩ Đinh Thái Sơn (Phó Chủ tịch CLB Hùng Sử Việt), ông Hoàng Đình Khuê (Chủ tịch đảng Tân Đại Việt), ông Phan Thanh Tâm (hậu duệ của đại thần Phan Thanh Giản) …
- Một số cựu sinh viên trường Chiến tranh Chính trị VNCH, nơi Nguyễn Trãi được tôn là Thánh tổ: nhà văn Vương Trùng Dương, ông Nguyễn Huy Hiền …
- Một số thầy cô giáo ở thế hệ trẻ: Cô Phạm Từ Ái, cô Đặng Quỳnh Hương, thầy Trần Chí Hồng Tiên …
- Đáng cảm động nhất là sự có mặt của Nhà Văn Trần Việt Hải, con chim đầu đàn của Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, và người bạn đời của anh là chị Lệ Hoa. Bị stroke từ nhiều năm trước, anh bước đi khó khăn. Phòng hội của Viện Việt Học không có thang máy, chị phải dìu anh leo lên bằng thang thường. Lúc đầu hai vị lên nhầm cầu thang phía sau nhưng cửa khóa, không vào được. Anh chị phải leo xuống để lên trở lại bằng cầu thang phía trước, vất vả vô cùng. Khi thấy anh trong phòng hội, Gs Trần Huy Bích giật mình. Ông bước tới ôm lấy anh, nghẹn lời.
Từ trái: Ông Phạm Đình Hưng, KG Vương Trùng Dương, NV Khánh Lan, GS Trần Huy Bích, NV Việt Hải & phu nhân Lệ Hoa
Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết một số bản dịch Bình Ngô Đại Cáo được in ở trong nước, kể cả bản của ông Văn Tân trong Nguyễn Trãi Toàn Tập (1976), bản của các ông Ngô Linh Ngọc & Mai Quốc Liên trong Nguyễn Trãi Toàn Tập Tân Biên (2000), bản được in trong bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập (do Viện Sử Học ở Hà Nội biên soạn, tái bản năm 2017), đã làm một việc không nên làm là cắt bỏ hẳn một câu của Nguyễn Trãi. Theo ông, như thế là “kiểm duyệt văn của tiền nhân, không trung thành với lịch sử.” Câu của Nguyễn Trãi bị các vị cắt bỏ là: “Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã” (Cũng do sự linh thiêng của Trời Đất Tổ tông đã âm thầm phù trợ mà được như thế).
Cũng theo Giáo Sư Bích, trong cuốn Thơ văn Bùi Kỷ do NXB Khoa Học Xã Hội ấn hành ở trong nước năm 1994, tác giả Nguyễn Văn Huyền đã giảng sai một số chữ trong Bình Ngô Đại Cáo. Một trong những chữ ấy là “vọng dương.” Nguyên Nguyễn Trãi dùng chữ “dương” 洋 ở bộ Thủy với nghĩa là “biển” (như trong “đại dương, trùng dương”), và cụ Ngô Tất Tố đã dịch là “mịt mù như nhìn chốn biển khơi,” nhưng trong cuốn sách trên, ông Nguyễn Văn Huyền lại giảng là “vọng dương là trông về phía mặt trời.”
Trong cuốn Nguyễn Trãi Toàn Tập, bản do Viện Sử Học ở Hà Nội phát hành năm 1976, ông Văn Tân cũng hiểu sai ý Nguyễn Trãi trong câu ông dịch, “Quân Mộc Thạnh bị bại ở Cần Trạm.” Theo Giáo Sư Bích, điều ấy không đúng với sự thật lịch sử, và bản dịch của cụ Ngô Tất Tố trước đó đúng hơn:
“Nghe [Liễu] Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.”
Trong buổi thuyết trình, Giáo Sư Trần Huy Bích đọc từ câu đầu tiên đến câu cuối bản dịch của Bùi Kỷ để trình bày ý nghĩa. Với những câu tối nghĩa, ông đối chiếu với nguyên tác để có thể hiểu ý Nguyễn Trãi. Khi có câu tương ứng và dễ hiểu hơn trong bản dịch của Ngô Tất Tố hay Nhượng Tống, ông đọc những câu ấy trước cử tọa. Sau khi ông giảng xong, mọi người đều vui vì đã hiểu Bình Ngô Đại Cáo rõ hơn. Tới đoạn trình bày các trận đánh (Bồ Đằng, Trà Lân, Ninh Kiều, Tụy Động/Tốt Động, Chi Lăng, Xương Giang, Lê Hoa ….) ông phát một tấm bản đồ màu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, và giúp mọi người hiểu các diễn tiến của cuộc khởi nghĩa cho tới khi chiến thắng.
Sau đây là một số trường hợp Giáo Sư Trần Huy Bích đối chiếu những câu quá cô đọng trong bản dịch của cụ Bùi Kỷ với những câu rõ nghĩa hơn trong các bản dịch của Ngô Tất Tố và Nhượng Tống:
Bản Bùi Kỷ: vẫn đăm đăm con mắt dục đông.
Bản Ngô Tất Tố: vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông
Bản Nhượng Tống: thường bồn chồn muốn đánh sang Đông.
Bản BK: luống đằng đẵng cỗ xe hư tả
Bản NTT: cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả
Bản NhT: nên sắp xe đợi bậc hiền tài, vẫn thành kính bỏ không phía tả.
Bản BK: vẫn mịt mù như kẻ vọng dương
Bản NTT: mịt mù như nhìn chốn biển khơi
Bản NhT: mờ mịt như trông ra bể
Bản BK: thêm vội vã như khi chửng nịch
Bản NTT: vội vã hơn cứu người chết đuối
Bản NhT: vội vàng hơn vớt đắm đò.
Và nhiều trường hợp tương tự.
Sau khi trình bày xong, Giáo Sư Trần Huy Bích mời hai thầy cô giáo trẻ, thầy Trần Chí Hồng Tiên và cô Đặng Quỳnh Hương, tiếp sức nhau đọc lại bản dịch của cụ Bùi Kỷ, để xem còn ai thấy chỗ nào chưa rõ nghĩa nữa không. Cả hội trường đều vui, vì ai nấy đều đã hiểu bản dịch có giá trị văn chương ấy.
Sau 10 phút giải lao, phần 2 của buổi hội thảo để giải đáp thắc mắc. Giáo sư Đỗ Quý Toàn và ông Hoàng Đình Khuê đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị trong phần này.
Theo chương trình, Giáo Sư Trần Huy Bích sẽ trình bày thêm hai bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, nhưng thấy nhiều người tỏ ra mệt và cũng gần hết giờ, ông chỉ nói về bài “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác.” Khi mới đọc, bài thơ có điểm mâu thuẫn. Tuy tiêu đề là “Cảm xúc làm ra khi về lại Côn Sơn sau cơn loạn” (Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi Nguyễn Trãi sống trong thời thơ ấu), trong bài lại có câu:
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
(Chiến tranh chưa chấm dứt, may mắn thân mình còn nguyên vẹn).
Theo Giáo Sư Bích, bài thơ được làm ra khoảng cuối năm Bính Ngọ 1426 hay đầu năm Đinh Mùi 1427. Sau khi làm chủ vùng đất từ Thanh Hóa tới Thuận Hóa, tháng 8 năm Bính Ngọ 1426, quân ta tiến ra Bắc. Sau khi thắng một trận lớn ở Tụy Động/Tốt Động, quân ta vây Thăng Long (Đông Đô). Tuy có nhiệm vụ chính ở cạnh Bình Định vương trong đạo quân vây Đông Đô, có thể Nguyễn Trãi được cử đi với đạo quân thu phục vùng Hải Dương là nơi ông được nhiều người biết trong ít ngày, để hiệu triệu các phụ lão ở vùng ấy ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn. Với vùng Hải Dương, Côn Sơn, hai tiếng “loạn hậu” kể như chính xác vì đã do quân ta làm chủ, nhưng can qua vẫn chưa hết (“vị tức”) trong toàn cuộc kháng Minh.
Giáo Sư Trần Huy Bích nhắc mọi người lưu ý đến hai câu cuối để nhận ra cốt cách thanh cao, làm việc vì nhiệm vụ chứ không ham danh lợi của Nguyễn Trãi:
Hà thời kết ốc vân phong hạ?
Cấp giản phanh trà, chẩm thạch miên.
(Bao giờ được làm nhà ở dưới mây và núi?
Múc nước dưới khe suối nấu trà, gối đầu vào đá ngủ)
Sau phần thuyết giảng là phần hỏi đáp do Giáo Sư Đỗ Quý Toàn và Giáo Sư Trần Huy Bích đảm trách. Trong bài viết này Khánh Lan xin ghi lại dưới đây bài viết của ông Hoàng Đình Khuê, Chủ tịch đảng Tân Đại Việt.
Câu hỏi 1: Tại sao Nguyễn Trãi không lấy tên “Bình Minh Đại Cáo” mà lại là “Bình Ngô Đại Cáo”?
Đáp: Ta biết Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hào Châu, xưa thuộc đất NGÔ là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356 Chu Nguyên Chương xưng là Ngô Quốc Công và sau đó cải xưng là
Ngô Vương. Do đó NGÔ ở đây là tước hiệu của Chu Nguyên Chương mà cũng là nguồn gốc đất tổ của Chu Nguyên Chương, Ngô cũng là Minh mà
nhà Minh cũng là Ngô. Nếu lấy tên Bình Minh Đại Cáo thì không rõ nghĩa và có thể mới nghe qua Bình Minh là buổi sáng. Cho nên Nguyễn Trãi đã sắc bén dùng từ Bình Ngô là diệt tận gốc dòng dõi nhà Minh.
Câu hỏi 2: Tại sao Nguyễn Trãi lại dùng Bình Ngô Đại Cáo mà không dùng một văn kiện hay một Tuyên ngôn khác?
Đáp: Như ta thấy trong phần trên hai chữ Đại Cáo rất quan trọng trong mệnh đề Đại Đạo Dĩ Cáo được đặt tên trong một Thiên của Kinh Thư.
Từ đó Nguyễn Trãi cho thấy ý của Đại Đạo là Đạo lý lớn nhất của Đại Việt đã đem “Đại nghĩa thắng hung tàn, lấy Chí nhân thay cường bạo”. Đồng thời Nguyễn Trãi cũng muốn thiên hạ thấy rằng Đại Cáo là một văn kiện mang tính pháp luật, có nghĩa trọng đại ngang với văn kiện pháp lý mà Chu Thành Vương (Cơ Tụng- 1042-1021 TCN) đã ban hành. Cho nên Nguyễn Trãi thay lời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) để Cáo nền Độc Lập của Đại Việt, ngoài ra còn khẳng định sự bình đẳng ngang hàng của Đại Việt với nhà Minh.
Trong lịch sử từ trước đến nay và xét về tâm lý dân tộc, bất kỳ nước nào mạnh lớn đều coi các nước khác là rừng rú dã man. Cho nên người Trung Hoa coi mình là trung tâm vũ trụ, là nền văn minh của nhân loại. Họ coi các nước chung quanh là man di mọi rợ:
- Phương Bắc gọi Mông Cổ, Liêu, Kim là Bắc dịch.
- Phía Nam gọi Việt Nam và Xiêm La (Lào) là Nam man.
- Phía Đông gọi Cao Ly (Triều Tiên-Nam Hàn), Nhật Bản là Đông di.
- Phía Tây coi Thổ Phồn, Hồi Hột là Tây nhung hay Khuyển nhung.
- Còn gọi các nước ở xa như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha …là Bạch quỷ.
Cho nên ta thấy mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã dùng lý lẽ đanh thép, một triết lý nhân sinh đã được tích lũy từ bao đời:
- Từng nghe việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân.
- Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
- v.v…
Sau đó Nguyễn Trãi đã khẳng định về tánh cách độc lập, bình đẳng của dân tộc. Nguyễn Trãi đã đi xa hơn nữa trong việc tìm kiếm khái niệm Dân tộc, đó là cơ sở cho cuộc đấu tranh chống xâm lược. Quan niệm này đã được hình thành trong quá trình tranh đấu dựng nước và giữ nước.
Nguyễn Trãi đã thuyết phục cho thấy chiến thắng được xuất phát từ truyền thống yêu nước của toàn dân phù hợp với tính nhân bản và chân lý về chủ quyền độc lập và bình đẳng của dân tộc Đại Việt. Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh về tính chính danh của cuộc Chiến thắng giành Độc lập và phải Bình đẳng giữa Lê Vương và Ngô Vương, do đó phải sử dụng Đại Đạo Dĩ Cáo tức “Bình Ngô Đại Cáo”.
Và sau cùng, Khánh Lan xin trích bài tường thuật của Ký giả Thanh Phong thuộc tòa báo Viễn Đông.
Ký giả Thanh Phong đã dành thời gian để phỏng vấn hai vi giáo viên trẻ Phạm Từ Ái (cô giáo dạy tiếng Việt từ đầu tại trường De Mille, nay cô đang dạy lớp 8 tại Warner Middle School) và giáo viên Cô Đặng Quỳnh Hương (giáo viên dạy tiếng Việt lớp Mẫu Giáo đầu tiên ở trường De Mille, nay cô đang dạy lớp 6 cũng tại trường này). Để trả lời câu hỏi của ký giả Thanh Phong, cô Phạm Từ Ái cho biết hầu hết các thầy, cô giáo trẻ đang dạy ở chương trình công lập rất ít có cơ hội để học các bài về lịch sử hoặc các bài về Đinh, Lê, Lý, Trần, tiền Lê, hậu Lê nên họ rất mong muốn được học thêm về các chi tiết lịch sử oai hùng của nước Việt Nam. Và từ đó, các thày cô trẻ có thể truyền lại cho học sinh của mình về tinh thần yêu nước của tổ tiên, tự hào mình là người Việt Nam, và để bảo tồn tiếng Việt dấu yêu.
Trả lời một câu hỏi khác, cô giáo Từ Ái cho biết, “Giáo sư Trần Huy Bích, một nhà giáo lão thành thông thạo nhiều ngôn ngữ, là người đã thuyết trình nhiều đề tài rất hay, rất độc đáo và giáo sư cũng sẵn sàng giúp cho các thầy cô khi chúng em nêu ra, không chỉ Bình Ngô Đại Cáo mà nhiều đề tài khác, Truyện Kiều chẳng hạn thì giáo sư Bích gần như là một bậc hiền triết vậy. Giáo sư có thể giảng giải rất sâu, rất chi tiết tất cả những thơ, văn về Truyện Kiều giáo sư đều nắm rõ hết, thành ra tụi em không những xin Thầy nói về Bình Ngô Đại Cáo, sau này có thể còn xin Thầy giảng thêm, đi sâu về những áng văn chương khác của Việt Nam mình.”
Cô Đặng Quỳnh Hương cũng bay tỏ cảm nghĩ của mình khi tham dự buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo, “Thật ra chúng em đang muốn học hỏi thêm, nhất là Bình Ngô Đại Cáo là một trong những áng văn chương mà cần phải có người giảng dạy chi tiết mới hiểu thấu đáo được, nhất là trong môi trường đặc biệt ở bên Mỹ này khi chúng em đang dạy tiếng Việt cho học sinh, nếu không hiểu sâu thì là đáng tiếc, cho nên đây là dịp để chúng em học hỏi, nhất là được các người đi trước dạy dỗ để hiều về văn chương, lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam thì thật là điều may mắn và hạnh phúc.”
Hai cô giáo Đặng Quỳnh Hương (trái) và cô Phạm Từ Ái (Trường De Mille) là những người đề xướng xin Giáo sư Trần Huy Bích giảng giải về bài Bình Ngô Đại Cáo hai cô đang cầm trên tay. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Bình Ngô Đại Cáo được viết vào năm 1428, cách nay 595 năm; đó là Bài Cáo do Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để Tuyên Cáo trước toàn dân việc kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành độc lập cho nước Đại Việt (Việt Nam bây giờ). Vậy Bình Ngô là gì? Vào thời đó, Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hảo Châu, xưa thuộc đất Ngô, là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356 Chu Nguyên Vương xưng là Ngô Quốc Công; 8 năm sau ông cải xưng Ngô Vương. Bởi vậy Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Chu Nguyên Vương, vừa là nguồn gốc quê cha đất tổ của Chu Nguyên Vương. Bình Ngô nghĩa là dẹp tận gốc gác, giống nòi của giòng họ Chu – Thái Tổ nhà Minh.
Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán được các ông Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Mạc Bảo Thần và Bùi Kỷ dịch sang tiếng Việt. Bản chính bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi và các bản dịch giáo sư Trần Huy Bích đều phóng to ra để tại phòng họp của Viện Việt Học và in ra cho người tham dự.
Buổi hội thảo chấm dứt trong sự vui vẻ của mọi người. Hai cô giáo Phạm Từ Ái và Đặng Quỳnh Hương hài lòng với buổi thuyết trình, các cô cho biết còn nhiều tác phẩm quan trọng khác trong văn học Việt Nam các cô và bạn hữu muốn biết rõ thêm, và sẽ còn muốn Giáo Sư Trần Huy Bích thuyết trình nhiều lần nữa.
Khánh Lan tường trình và trích dẫn phần lớn diễn tiến trong buổi hội thảo qua các bài viết của: Giáo Sư Trần Huy Bích; Ông Hoàng Đình Khuê, Chủ tịch đảng Tân Đại Việt và Ký Giả Thanh Phong của nhật báo Viễn Đông.
California December 2023