BIDEN RÚT QUÂN KHỎI AFGHANISTAN GÂY TỔN HẠI CHÍNH SÁCH XOAY TRỤC SANG CHÂU Á ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hình ảnh người dân Afghanistan tháo chạy đến sân bay Kabul vào ngày 16/8

Kurt Campbell, cố vấn cấp cao về châu Á của Tòa Bạch Ốc tuyên bố hồi tháng 7 về một thay đổi lịch sử trong chính sách ngoại giao của Mỹ sắp xảy ra. Đó là một thay đổi sẽ ảnh hưởng đến dự định xoay trọng tâm của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á trong tình hình Trung Cộng ngày càng gia tăng sức mạnh lên khu vực, và khiến các đồng minh của Mỹ quan ngại, theo Reuters.

“Điều này chắc chắn sẽ đau đớn. Chúng ta chắc chắn sẽ thấy vài sự thay đổi thực sự ở những nơi như Afghanistan,” phát biểu trong một buổi trao đổi trực tuyến của Asia Society, ông Campbell nói. Đây được xem là một đánh giá sắc bén khi mà việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan chớp nhoáng đã làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Một số giới chức lập luận rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp Washington có thêm thời gian cùng mối quan tâm từ những nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao của Mỹ, cũng như một số nguồn lực quân sự cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thế nhưng một số chuyên gia và các cựu giới chức thì cho rằng việc Tổng Thống Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan dường như trong ngắn hạn và có lẽ trong dài hạn sẽ làm tổn hại đến mục tiêu là giúp nước Mỹ tập trung vào vấn đề Trung Cộng, một điều mà các vị tổng thống kế nhiệm đã luôn mong muốn.

Trái ngược với kế hoạch rút quân nhanh chóng thì Tổng Thống Biden đã bị buộc phải gửi hàng ngàn binh lính đến để hỗ trợ việc di tản quân nhân Mỹ và người dân Afghanistan, những cá nhân có thể bị Taliban trừng phạt, sự hỗn loạn này cũng tạo nên một cơn bão chính trị ngay trong lòng nước Mỹ.

Ông Biden đã tuyên bố thời hạn cho việc rút quân đề ra là ngày 31/8, giờ đây có thể được gia hạn để hoàn thành nhiệm vụ.

Một em bé Afghanistan ngủ trên sàn chiến máy bay Air Force của Mỹ trong chuyến bay di tản từ Kabul

Thêm nữa, vào tháng 6/2021, Mỹ bị buộc phải huy động hàng không mẫu hạm Ronald Reagan từ Châu Á – Thái Bình Dương đến Trung Đông để hỗ trợ việc rút quân. Trong khi tình hình tại Kabul diễn biến xấu đi thì các máy bay chiến đấu từ hàng không mẫu hạm này đã bay quanh thủ đô để giúp bảo đảm an ninh.

Trong khi việc huy động như thế này chỉ trong ngắn hạn, như nhu cầu chuyển hướng một hàng không mẫu hạm từ Châu Á – Thái Bình Dương đã đặt ra một số câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc thực thi quyền lực tại khu vực này.

Các hoạt động của Mỹ tại Afghanistan cũng có thể tiếp tục sẽ thu hút sự quan tâm của các giới chức cấp cao, những người cũng có thể đồng thời để mắt đến Bắc Kinh.

“Khi Ely Ratner, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đưa Afghanistan vào trong hồ sơ của mình. Thì quý vị nghĩ rằng mối quan tâm hàng đầu của ông ấy trong 3 tháng tới hay lâu hơn là gì?”. Eric Sayers, một chuyên gia về chính sách quốc phòng tại American Enterprise Institute nói.

Một tay súng Taliban bên ngoài sân bay Kabul hồi đầu tuần này

Một số người khác cũng cảnh cáo là các nhóm khủng bố tại Afghanistan cũng có thể tự tái thiết dưới thời Taliban, và đưa đến một viễn cảnh đó là Mỹ sẽ cần phải quay trở lại theo một hình thức nào đó, giống như quay trở lại Iraq để chống lại sự trỗi dậy của Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

David Sedney, người từng giữ vị trí Phó Phụ tá Ngoại trưởng về quốc phòng cho Afghanistan, Pakistan và khu vực Trung Á đã bác bỏ việc các giới chức Mỹ cho rằng các hoạt động chống khủng bố có thể thực hiện từ bên ngoài đất nước, xem đây là một sự ảo tưởng.

“Không ai nghiêm túc về việc chống chủ nghĩa khủng bố có thể tin điều này,” ông David Sedney cho biết. Nước Mỹ sẽ trả một cái giá kinh khủng cho quyết định này vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Một vụ tấn công 11/9 khác.”

Đối với Campbell, kiến trúc sư cho chính sách quay trục về châu Á – hiện đang bị tạm ngưng – của cựu Tổng Thống Barack Obama thì việc thiết lập sự hiện diện của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mang hàm ý thực hiện những gì chưa làm và vấn đề Afghanistan đã khiến trọng tâm này bị xao lãng trong thời gian dài.

Cho đến thời điểm hiện tại, thì việc di tản hỗn loạn tại Kabul đã làm gợi nhớ đến những hình ảnh Mỹ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 30/04/1975. Phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào tuần tới và Biển Đông được xem là một vấn đề trọng tâm.

Bên cạnh Việt Nam, bà Harris sẽ đồng thời đến Singapore. Bà Kamala Harris sẽ là nhân vật cấp cao mới nhất trong bộ máy của chính quyền Tổng Thống Biden có chuyến công du đến Châu Á trong tình hình Mỹ đang gia tăng sức hiện diện tại khu vực này.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (bên trái) dự kiến có chuyến thăm tới khu vực Đông Nam Á và thăm chính thức Việt Nam vào hạ tuần tháng 8/2021

“Các đối thủ chiến lược của chúng tôi trên thế giới sẽ không thích gì ngoại trừ thấy chúng tôi hiện diện ở Afghanistan trong 5, 10, 20 năm tới, dồn thêm nguồn lực cho Afghanistan trong khi quốc gia này vẫn trong một cuộc nội chiến,”, một giới chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters.

Thế nhưng việc rút quân vội vã theo sau kế hoạch 20 năm tại Afghanistan dường như đã làm lung lay một số đồng minh thân cận mà Washington hy vọng Mỹ sẽ hậu thuẫn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tại Đài Loan, khi đề cập đến sự hỗn loạn tại Kabul, Tổng Thống Thái Anh Văn hôm thứ tư 18/8 cho rằng Đài Loan không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng cường sức mạnh quốc phòng.

“Đây không phải là một sự lựa chọn dành cho chúng tôi khi không làm gì và dựa vào sự bảo vệ của người khác,” bà Thái Anh Văn cho biết.

Truyền thông nhà nước Trung Cộng cũng đưa tin nhiều về diễn biến tại Afghanistan, và mô tả sự hậu thuẫn của Mỹ cho các đồng minh là hoàn toàn có thể thay đổi một sớm một chiều.

Và trong khi các chuyên gia nhanh chóng loại bỏ sự so sánh địa chính trị về Afghanistan và Đài Loan thì đã xuất hiện một mối quan ngại chung rằng diễn biến mới nhất tại Afghanistan là một đòn giáng mới nhất vào uy tín của Mỹ, làm tổn hại đến cam kết ‘Nước Mỹ đã trở lại’ của Tổng Thống Biden, sau các xu hướng mang tính cô lập của vị tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.

TT Bin Laden

“Như Bin Laden nói vào khoảng năm 2001 đây là một vấn đề cho thấy con ngựa nào mạnh hơn. Nước Mỹ có vẻ tạo ra những con ngựa nhỏ và con la, thay vì ngựa đua,” Dean Cheng, thuộc cơ quan nghiên cứu Heritage Foundation đề cập đến Osama bin Laden, tên trùm khủng bố cho kế hoạch tấn công ngày 11/9 và đã khiến nước Mỹ sau đó tiến hành cuộc chiến tranh tại Afghanistan.

“Đài Loan và các quốc gia Đông Á khác sẽ tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này.”

Bài trên trang BBC tiếng Việt