Tấm hình tôi mặc đồ dân sự đứng trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn năm 1973 khi đang tu nghiệp ở Học viện CSQG Thủ Đức . Người chụp tấm hình này là trung uý Nguyễn Văn Nê trưởng cuộc thị xã Tuy Hoà .
Vào đêm 03/04/75 sau khi Tuy Hoà bị rơi vào tay cộng sản , những tên du kích đang trong cơn khát máu đã bắt tổng cộng là 125 người gồm quân nhân, viên chức của VNCH còn kẹt lại trói xỏ xâu dẫn đến khu vực Lù 3, hòn Mốc thuộc xã Hoà Định Tuy Hoà Phú Yên dùng Ak và trung liên thảm sát tập thể . Trong đó có bạn của tôi là Trung uý Nê . Tội ác thảm sát sẽ là một bí mật lịch sử được che giấu nếu không có người sống sót kể lại . Khi còn bị nhốt ở Trại A30 đám tù nhân chúng tôi không ai là không nghe kể chuyện này .
Khi chụp tấm hình đó là ngày phép cuối tuần tôi và trung uý Nê vì không có ai quen tại Sài Gòn nên đi chơi chung với nhau . Hình Nê chụp tôi, tôi còn giữ . Còn hình tôi chụp Nê thì giờ này chắc tan theo xương cốt của bạn rồi . Trung uý Nguyễn Văn Nê cũng là quân nhân biệt phái qua CSQG một lượt với tôi. Chúng tôi có ba tháng sống chung phòng khi theo học khoá tư pháp cảnh lại ở Trung tâm huấn luyện CSQG Khu 2 đặt tại cây số 10 Cam Ranh . Khoá gồm có 54 thiếu uý được tuyển chọn từ 14 tỉnh trực thuộc vùng 2 chiến thuật . Sau khi mãn khoá tôi đổi về Bình Định còn Trung uý Nê đổi về Tuy Hoà . Khi chụp hình để làm kỷ niệm tôi không hề nghĩ là hai năm sau số mệnh dành cho Nê thảm thương như thế
Trong chuỗi thời gian còn ở tù có những lúc cùng quẫn nhiều khi tôi muốn dùng cái chết để thanh toán nợ đời nhưng nhớ lại ai đó có nói ở đâu dù trước mặt là đường cùng nhưng hy vọng vẫn còn ở khúc quanh . Tôi cố trấn an mình như thế để mà sống sót . Trong dòng cuộc sống bạn có thể quên một người bạn đã từng cùng nhau cười nhưng bạn không thể quên được người bạn đã từng cùng nhau khóc . Giờ đây sau 47 năm ngẫm nghĩ lại con người khi được sinh ra đều kèm theo một số mệnh . Số mệnh như những viên kẹo đựng trong chiếc hộp . Khi chưa mở ra không biết viên tiếp theo mùi vị gì . Nhưng khi biết mùi vị gì cũng vẫn phải bỏ vào miệng mà nhai . Đó là chấp nhận số mệnh .
Thế hệ của chúng tôi như những con sông từ những ngõ ngách trong vùng quê hương chật chội len lách chảy tràn về phố thị . Để rồi những cơn mưa bão đổ xối xả lên mình đẩy chúng tôi qua vùng biển rộng. Những dòng sông ra biển . Bốn mươi mấy năm sau những dòng sông lạc nhớ về . Trong mỗi lòng sông đều chứa đầy vết cắt của đá sỏi cuộc đời khi nhìn lại
47 NĂM NHÌN LẠI ĐOẠN ĐƯỜNG
47 năm nhìn lại đoạn đường
Tiếng thở dài không thể không buông
Thà không nhìn lại không nhìn lại
Cứ thế mà đi đến cuối đường
Nhìn lại đâu rồi một quê hương
47 năm đã cuối con đường
Chưa trọn kiếp người đi quá nửa
Bỏ lại khung trời phía sau lưng
47 năm nhìn lại đoạn đường
Biển dâu khô đặc một giòng sông
Đâu thuở tang bồng nam nhi chí
Tóc đã bạc màu sương khói giăng
Muốn đi nhanh thì đi một mình
Muốn đi xa cùng nhau đi cùng
Đá sỏi trên đường chung hạnh ngộ
Giờ cũng đã mòn theo tháng năm
47 năm nhìn lại đoạn đường
Đất lạnh đang chờ ở sát bên
Ta con chim lạc mang đôi cánh
đã gãy sau lần bị tử thương
Quan Dương