XUÂN VỀ, NHỚ NGƯỜI THƯƠNG PHẾ BINH VNCH (Lê Châu/SaiGonTrongToi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 2 people and text

May be an image of one or more people and text that says 'Cuộc đời của người Thương Phế Binh VNCH sau 30/4/1975 SaiGòn trong tôi'

May be an image of 1 person

May be an image of 1 person and outdoors

May be an image of 1 person, sitting and outdoors

Hơn bốn mươi năm sau cuộc đổi đời tang thương, những người dân miền Nam nước Việt còn trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới đang sống lại những tháng ngày hồi tưởng.
Ai đó đang hồi tưởng về Tháng Tư Đen, về những tháng ngày đánh tư sản, đổi tiền, kinh tế mới, về bắt bớ, lao tù và học tập cải tạo. Nhưng cũng có ai đó đang có những phút lắng lòng để nhớ đến những người thương binh VNCH, những người trai của một thời ly loạn thuở nào, họ đã không may mắn phải bỏ lại chiến trường một phần thân thể.
Họ cũng thiếu may mắn nhận sự trợ giúp của chính phủ Mỹ để ra đi. Họ vẫn còn ở lại. Họ vẫn còn phải đối diện từng ngày với khó khăn, đói nghèo và cả sự bạc đãi của nhà nước mới.
Tất cả chúng tôi, những người ngày xưa được hưởng sự yên lành trong cuộc sống và sự an bình của cuộc đời hiện tại, đều xin được nhớ về các anh.
……
Hằng năm cứ vào mùa hè, Hội HO & Cứu Trợ Thương Phế Binh Quả Phụ Tử Sĩ VNCH và Trung Tâm Asia lại tổ chức đại nhạc hội tại Nam hoặc Bắc California để quyên góp một số tiền gởi về giúp các anh thương phế binh cùng cùng các quả phụ tử sĩ của người lính VNCH. Hành động này hy vọng đã nói lên được nghĩa cử của những người xa xứ lời “Cảm Ơn Anh.”
Phải, chúng tôi nơi đây không bao giờ quên các anh, chúng tôi sẽ cố gắng và còn cố gắng nhiều hơn nữa để một phần nào đền trả món nợ ân tình mà chúng tôi đã vay nơi các anh (dù các anh chưa một lần đòi trả).
Sau cuộc đổi đời, đã tròn 40 năm, ngót hơn nửa đời người, chắc hẳn các anh buồn nhiều lắm phải không? Chắc hẳn các anh đã bao lần tự trách, rằng xã hội này, quê hương này đã quên mình rồi…!
Nhưng các anh ơi làm sao mà chúng tôi quên được, những người trai trẻ ngày nào đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, các anh đã không ngần ngại bỏ lại sau lưng gia đình, mẹ già, em dại, và đôi khi phải bỏ lại cả người yêu nhỏ bé để làm tròn bổn phận người trai thời ly loạn.
Nào Quang Trung, Dục Mỹ, nào Đồng Đế, Chi Lăng; nào là “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”…
Các anh có còn nhớ không, những mùa Xuân tiền đồn, những người em gái hậu phương chúng tôi đã thêu cho các anh từng chiếc khăn tay nhỏ, nắn nót viết cho các anh những lá thư xuân thắm đượm ân tình hậu phương. Và rồi những giọt nước mắt ân tình đã rơi thật nhiều lúc phải chia tay các anh khi mặt trời xế bóng.
Tiền đồn heo hút, hoa mai vàng nở rộ và và màu xanh bộ quân phục của các anh đã nhòe trong mắt các em rồi – Xe chạy cuốn bụi mù, bóng các anh khuất dần sau những cánh rừng xa lắc đó. Đâu có ai quên các anh.
Đất nước Việt Nam mình triền miên chinh chiến, các anh phải xa trường, xa lớp, xa bạn bè, xa gia đình, để trở thành người lính cầm sung bảo vệ quê hương, để canh cho giấc ngủ trẻ thơ đêm đêm khỏi phải giật mình, để cho bước chân của các em nhỏ tung tăng vui vẻ đến trường, để cho mẹ bình an ra chợ sớm và cho cha trồng xới liếp rau xanh. Công khó của các anh làm sao mà nói hết…
Chiến tranh không phải là trò đùa, nhưng chính chiến tranh lại là trò đùa khắc nghiệt nhất khi mà cùng một mẹ sinh ra; Nhưng bên này “Anh lớn lên anh đi làm lính chiến, bảo vệ xóm, bảo vệ làng, bảo vệ giậu mồng tơi” – còn bên kia “Anh lớn lên anh đi làm giải phóng, giải phóng xóm, giải phóng làng, giải phóng giậu mồng tơi”… (Trích từ bài thơ “Giậu Mồng Tơi” của tác giả Giang Hữu Tuyên)
Rồi từ nghịch lý đó mà các anh cứ phải miệt mài với đời lính chiến, trên khắp mọi nẻo đường từ Nam ra Bắc mà chúng ta đi hoài không tới. Miền Nam thanh bình với đồng lúa phì nhiêu hay miền Trung nắng gió đất cày lên sỏi đá, các anh cứ phải miệt mài bảo vệ. An Lộc, Khe Sanh, cổ thành Quảng Trị, rồi Dakto, Charlie,… các anh đã đi qua, có anh đã nằm lại mãi mãi không trở về, hoặc có khi anh trở về trên đôi nạng gỗ.
Nước mắt mẹ hiền đã khóc thật nhiều cho các đứa con mình. Có những đứa con mẹ được vuốt ve cỗ quan tài phủ lá Quốc Kỳ Vàng Ba Sọc Đỏ. Có những đứa con mẹ ngóng trông hoài không thấy tăm hơi. Còn anh, nước mắt mẹ đã rớt thật nhiều nhưng nào đâu có làm an lành được vết thương nơi chiến trận của anh. Anh trở thành thương binh, người thương binh VNCH.
Ngày đó chúng tôi nhớ ơn các anh, xã hội tri ân các anh và cuộc đời vẫn âm thầm trả ơn các anh từng ngày. Thế rồi một đêm thức dậy, chúng tôi đâu rồi? Xã hội nát tan. Cuộc đời đổi chủ. Các anh với tấm thân tàn phế làm sao vào cuộc để tìm kiếm miếng ăn.
Sau cuộc chiến xã hội xếp hàng với những chia ly, tan tác, đói nghèo, thì người thương binh ngày nào còn có ai lo lắng cho nữa. Mùa Xuân 1975 đã trở thành mùa hạ để cho “Quê hương đau, nắng Hạ cũng buồn.”
Giờ đây các anh phải đi hát dạo, đi bán vé số để kiếm sống qua ngày. Hằng năm nơi đất nước Hoa Kỳ trong ngày Lễ Cựu Chiến Binh, có các người lính cũ với bộ quân phục ngày nào, trên ngực áo đầy huy chương đón nhận những vòng hoa, những tràng pháo tay và những cái cúi đầu – họ luôn nở nụ cười trên môi, rạng rỡ và hãnh diện vô cùng với màu cờ sắc áo…
Nhìn thấy họ tươi cười mà lòng quặn thắt khi nghĩ về các anh. Các anh cũng là người lính cũ, nhưng sắc áo, màu cờ, đâu rồi? Không còn ai choàng vòng hoa hay dành cho anh một cái cúi đầu với lời nói Cảm Ơn Anh. Ôi nỗi buồn không tên chỉ mình anh lặng lẽ ấp ủ!
Dạo đó vào thập niên ’80, có đôi lần chúng tôi gặp hai người thương binh đi hát dạo trên đường phố Sài Gòn. Anh thương binh cụt giò đàn cho anh thương binh mù hát bài ca “Giã từ vũ khí.”
Một lần hỏi thăm và được nghe tâm sự, một anh nói rằng trong xã hội mới này mặc bộ đồ lính VNCH có người không cho tiền vì họ ghét, nhưng không sao, tiền dù có ít nhưng mình vẫn mặc được sắc áo của mình ngày nào để nhớ về một thời chinh chiến.
Ôi chua xót quá, cũng là ý nghĩ về màu cờ sắc áo mà sao người thương binh VNCH của tôi có tâm tình buồn bã đến thế. Đúng là “quê hương đau, nắng hạ cũng buồn.”
Các anh ơi, giờ đây sau nhiều chục năm nơi đất lạ, chúng tôi đã có điều kiện để đền trả ơn anh. Một tập thể nhỏ của Trung Tâm Asia, một bà mẹ già với mái tóc bạc phơ, đang ngồi lại để cùng với tất cả những ai có lòng – tay góp bàn tay – chúng tôi đang chắt chiu thu góp từng đồng gởi về để phần nào giúp các anh nơi quê nhà khốn khó. Quê nhà là các anh. Cõi lạ là chúng tôi và chúng ta cùng chung một nỗi buồn…
Xin các anh an tâm, hãy vui lên vào những tháng năm cuối đời.
Chúng tôi nơi đây nguyện sẽ dùng nước mắt không phải để buồn để khóc, mà để rửa sạch những vết thương lòng cho các anh. Chúng tôi sẽ cố gắng đền trả ơn các anh. Xin gởi về các anh những ân tình thắm đậm và lời cám ơn cao trọng nhất.
Tâm tư người xa xứ (Sài Gòn trong tôi – Lê Châu)