VUI BUỒN NGHỀ MUA BÁN (Bài 4) NHẠC GIA (Peter Chánh Trần # Lúa Mười)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Viết chuyện mua bán ở Mỹ hoài, chắc bạn bè VN của tôi ngáp hết rồi. Thôi để tôi viết chuyện mua bán, có thiệt, ở VN trước 75. Vài hôm nữa sẽ quay lại viết tiếp chuyện ở Mỹ.
Kinh Cùng, còn gọi là Hoà An, chỉ là một chợ xã rất nhỏ ven sông, giữa đường đi Cần Thơ-Chương Thiện. Có một tiệm tạp hoá cũng rất nhỏ. Nhìn từ bên ngoài, nó lụp xụp, giống như một cái tiệm chạp phô của mấy chú ba tàu ở miền quê. Căn phố ven tỉnh lộ đó cũng rất cũ kỹ, chia chung một vách ngăn với cái quán cóc bên phải, bán cà phê, hủ tiếu. Bên trái của căn tiệm, cũng là một tiệm chạp phô, trông còn bệ rạc hơn. Nói chung, đó là một dãy phố cũ, xây bằng gỗ, mái ngói xưa, lè tè, tối om. Chỉ có mỗi cái cửa sắt kéo ra đóng vào, là có vẻ phố xá tỉnh thành mà thôi. Dãy phố nào cũng cùng một kiểu xây. Gọi là khu dân cư thì không trúng, vì ai cũng mua bán. Gọi là phố xá cũng chỉ gượng ép, vì nó nhìn giống khu dân cư nhiều hơn. Gần như nguyên khu phố mua bán của Hoà An chỉ có vậy, trừ một vài căn phố xây tường, có lầu, nhìn giống khu mua bán hơn một chút.
Vợ chồng ông bà chủ ở độ tuổi “nửa chừng xuân”, không già, cũng không còn trẻ, khoảng trên dưới 40. Ông chủ tướng tá to lớn dình dàng như dân “xì thẩu”, nhưng hiền khô. Bà chủ nhỏ gọn, nhưng rất đẹp, và điểm nổi bật nhứt nơi bà, là sự lanh lợi, hoạt bát. Hai ông bà ngoài 8 đứa con, còn mướn bốn người làm, hai nữ, hai nam, sống chen chúc trong căn phố chật chội đó. Nói là chen chúc, bởi vì hàng hoá chất đầy nhà, chỗ nào cũng hàng là hàng. Hai cô gái lo nấu nướng, giặt giũ, coi em. Hai cậu thanh niên lo khuân hàng cho khách.
Họ bổ đồ từ Cần Thơ về bán cho các tiệm nhỏ hay những “ghe hàng” trong vườn ra mua. Họ bán sĩ là chính. Bán sĩ cực hơn bán lẽ nhiều. Khách trong vườn bốn năm giờ sáng đã đập cửa rồi. Người ra kẻ vào nườm nượp không dứt. Ông chủ ngồi bên trong quày tính tiền ghi “toa”, tức là ghi hoá đơn, thâu tiền. Bà chủ chỉ huy hai thanh niên giúp việc lấy hàng, vác xuống ghe cho khách. Khách đông tới độ có ngày ông chủ phải ngồi ngay quày tính tiền, vừa múc cơm ăn, vừa ghi hoá đơn. Biểu khách chờ mình ăn cơm xong, ngủ trưa một giấc rồi bán tiếp hả? Họ bỏ đi hết. Khách là số một. Khách là vua. Họ chịu ghé tiệm bổ đồ là phước, ai ngu gì để mất khách.
Trong đám khách đông đảo đó, có một người khách hết sức đặc biệt. Ông Hai Thìn là khách hàng trung thành, bổ đồ nhiều năm của tiệm. Cái thói quen của ông nhiều năm cũng không hề thay đổi. Đó là ghé tiệm lúc nào cũng ngay giờ ăn trưa. Sớm không đến, muộn cũng không đến, lúc nào cũng ngay giờ cơm trưa. Mà hễ được mời: “Sẵn gặp bữa. Lên ăn ba hột cho vui”, thì ông ta tự nhiên ngồi lên mâm, không hề từ chối. Bữa ăn nào cũng thịt cá ê hề, hoàn toàn khác với bữa ăn đạm bạc dưa muối trong vườn, cho nên lần nào ông cũng ăn rất “nhiệt tình”, tự nhiên như người nhà (muốn dùng thành ngữ “tự nhiên như người Hà Nội”, mà sợ bị rủa, nên thôi)!
Mấy đứa em còn nhỏ, chỉ ham chơi, không quan tâm, nhưng hai cô chị lớn, mười mấy tuổi, thì ghét ông Hai Thìn ra mặt. Cả hai cô người làm cũng không ưa nổi ông khách này, nhứt là cái thói quen cắn trái ớt xong, lại bỏ trở vô tô thịt kho!
Hai cô con gái lớn sau này đi học nội trú trường bà phước, Providance Sóc Trăng. Lâu lâu hai chị em mới về thăm nhà. Ở trường rất thoải mái. Về nhà, chật chội, tù túng, đi cũng phải lách mình vì sợ đụng đổ hàng hoá. Còn cái “nạn” khách ra vào từ sáng đến tối, không một phút yên thân. Đủ mọi loại khách, mà thường thì rất khó ưa! Nó giống cái chợ hơn là giống một gia đình. Cô em kể cho tôi nghe: “Hồi đó em vái cho ba má em dẹp tiệm cho rồi!”
Ông bà chủ thay vì phiền hà, thì vui ra mặt, bởi vì chuyện làm ăn vô cùng phát đạt, nhộn nhịp, tiền vô như nước. Ai mở tiệm làm ăn mà không trông mua may bán đắc? Tiền vô ào ào như nước, ai mà không thích ngồi lượm? Có cực bằng nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, dầm mưa dãi nắng quanh năm trên đồng sâu nước ngập không? Cực bằng người khuân vác, làm việc xây cất còng lưng không? Có thể cực hơn anh công chức “sáng xách ô đi, chiều xách ô về”, nhưng thu nhập của anh công chức thành phố là đồng lương chết đói, trừ khi hối lộ, móc ngoặc, chạy áp phe thêm!
Tôi nghe kể lại: Hồi đó mỗi ngày tiệm bán cả trăm ngàn (tiền trước 75). Bán sĩ, nên lời ít, chừng mười phân. Tôi ngồi tính nhẫm: Mười phân là 10% nói kiểu nhà quê. Nghĩa là mỗi ngày lời cả mười ngàn! Tôi nhớ thời đó, một chiếc xe Honda đam, chỉ trên dưới 30 ngàn. Không phải ai cũng sắm nổi xe Honda. Học phí lớp 12 ở trường Lasan Cần thơ 950 đồng/tháng. Không phải ai cũng có thể trả nổi học phí đó, vì Lasan là trường “nhà giàu”! Ông bà chỉ cần bán ba ngày là mua được chiếc Honda! Làm một ngày, đủ đóng học phí cả niên học cho một học sinh lớp 12 ở một trường nổi tiếng của Cần Thơ. Không lạ gì, con cái gởi vô trường bà phước là chuyện nhỏ. Con cái ăn xài thỏai mái. Cuộc sống không xa hoa, nhưng có thể nói, không biết thiếu thốn là gì.
Bà chủ nhà có lần ngồi kể cho tôi nghe: “Mày coi đó, nhà mua bán ì xèo, trong khi mấy tiệm kế bên vắng chư chùa, nó không mừng, mà còn vái cho ba mẹ nó dẹp tiệm! Tao nói cho nó nghe hoài: Người ta đem tiền tới nuôi mày ăn học đó! Họ bổ đồ một chuyến tao lời bao nhiêu tiền. Người ta ăn một bữa cơm có đáng gì! Cho họ ăn mười bữa vẫn còn lời. Bỏ con tép, bắt con tôm. Chuyện mua bán phải vậy, mà hồi đó nó còn nhỏ, biết gì! Tao với ổng nhờ trời Phật và ông bà phù hộ, nên mới mua may bán đắc như vậy….”
Bà nói do trời Phật phù hộ là kiểu nói dân gian. Tôi nghĩ ngoài cái niềm tin đó, cái cách mua bán của ông bà mới là chìa khoá thành công. Người ta thường nói “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Thiên thời ở đây, bà tin là do trời Phật và ông bà phù hộ. Địa lợi thì tôi thấy gần như hỏng có, bởi vì cái tiệm xập xệ, ở một cái xã nhỏ xíu, đâu phải là một nơi lý tưởng để kinh doanh. Nhân hoà, có lẽ là yếu tố quan trong nhất về sự thành công của ông bà: Cả hai ông bà đều rất lanh lợi, hoạt bát. Chìu khách tới bến. Gỏ cửa giờ nào cũng mở. Ở trễ tới tối cỡ nào cũng vui vẻ bán. Nụ cười luôn trên môi. Gặp khách khó tính cỡ nào cũng không giận, cũng hề hà,… Và cái chiến thuật “lời ít, bán nhiều”, là một chiến thuật thắng áp đão, đối với những cửa tiệm xung quanh.
Mười phần trăm, mua một đồng, bán đồng mốt, xem ra rất ít. Nhưng bán 100 ngàn một ngày, thì nó là 10 ngàn tiền lời! Không nhỏ chút nào ở thời điểm đó, tại một nơi xa xôi hẻo lánh này.
Cái chiến thuật thứ hai của ông bà, là khai thác tối đa lợi nhuận trên những món hàng độc quyền: Món nào người ta có, mình bán bỏ, bán không lời hay bán dưới giá vốn một chút cũng không sao. Mặt hàng nào đối thủ cạnh tranh không có, thì mình lời nhiều hơn, vì lợi thế độc quyền, không ai so sánh giá được. Ông bà là đại lý của một hảng nước mắm ở Cái Răng, độc quyền phân phối vùng Hoà An. Đó cũng là một nguồn lợi không có đối thủ.
Tôi đã xa VN 37 năm. Vật đổi sao dời. Mọi thứ đều đổi thay, từ cương thường đạo nghĩa cho tới phong thái kinh doanh. Chuyện mua bán bên đó, bây giờ tôi không rành lắm. Đọc báo thì thấy kể chuyện “bún chửi, cháo mắng”, rất “nổi tiếng” ở thủ đô ngàn năm văn vật, mà ngay cả báo nước ngoài cũng đăng với vẻ đầy kinh ngạc. Trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Trên đời này thật sự có kiểu làm ăn kinh dị đến như thế sao? Nó lại là kiểu làm ăn của đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên. Một kiểu làm ăn trước 75 tôi chưa hề biết hay nghe nói qua!
Mô hình làm ăn kiểu gì lạ vậy trời? Nên phát tán nó hay khai tử nó? Nó phát tán được, là bởi vì có nhiều người “mặt dày”, một chút tự ái cũng không có, hàng ngày vì một miếng ăn ngon mà chịu nhục nghe chửi. Muốn dẹp cái kiểu mua bán “rừng rú” đó, thì khách hàng phải là những kẻ văn minh, biết tự trọng, có tự ái, có nhân phẩm.
Thôi, chuyện đó để ở VN lo đi. Nói nhiều chúng ghét!
Đọc bài này, thế nào cũng có người thắc mắc: Tại sao tôi rành ông bà chủ này và gia đình họ dữ vậy? Tôi rành như vậy, bởi vì đó là nhạc phụ và nhạc mẫu của tôi. Cô chị là bạn học cùng lớp hai năm Lasan. Còn cô bé trông cho ba mẹ dẹp tiệm ngày xưa, sau này lại là người đứng kế bên tôi, không ngừng khuyến khích chuyện làm ăn của tôi, và có lúc còn ra tiệm tiếp tôi “dụ” khách! Nếu bả cũng trông cho tôi dẹp tiệm, thì hỏng phải mình tôi “treo mỏ” đâu!
Rất tiếc, sau 75 không có cơ hội kinh doanh nữa. Nếu lịch sử không sang trang, thì tôi chắc chắn đã theo nghề của nhạc phụ! Nhứt định nhạc phụ sẽ có một truyền nhân ưu tú, không phụ lòng nhạc phụ và nhạc mẫu. Viết tới đây, tôi thấy nhớ nhạc phụ lắm. Nhạc mẫu còn đây, nhưng nhạc phụ đã ra người thiên cổ lâu rồi. Những năm tháng vật lộn trên thương trường, nói theo nhạc mẫu, “là có sự phù hộ của ba mày”. Tấm gương làm ăn thật thà, siêng năng, kiên nhẫn, vui vẻ, chìu khách, biết tận dụng hàng độc quyền,… cũng giúp tôi thành công hơn.
Peter C. Tran