VŨ KHÍ TỐI TÂN MỸ CÓ PHẢI “VIÊN ĐẠN MA THUẬT DÀNH CHO UKRAINE”

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ukraine đang chạy đua với thời gian để giữ vững thế phòng thủ trong thời gian chờ tiếp nhận vũ khí từ phương Tây, với mong muốn có thể xoay chuyển tình thế.

Sau hơn 100 ngày giao tranh, Ukraine vẫn đang phải chống chọi với hỏa lực áp đảo của Nga ở mặt trận phía Đông. Trong tình hình thương vong gia tăng, các quan chức Ukraine lo ngại viện trợ vũ khí của phương Tây có thể không đến kịp thời.

Nhưng ngay cả khi Ukraine nhận được các loại vũ khí tối tân đó, vẫn chưa rõ chúng có thể tạo ra sự khác biệt hay không khi cuộc xung đột đang rơi vào bế tắc. Hơn nữa, cũng cần phải xem phản ứng của Nga trước các hành động mới của Mỹ – điều mà có thể một lần nữa làm thay đổi cuộc chiến khi chiến tranh đã kéo dài hơn 3 tháng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/6 công bố sự viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD dành cho Ukraine để giúp các lực lượng Ukraine nhắm vào các “mục tiêu quan trọng” trên chiến trường. Sự viện trợ quân sự này gồm các khẩu pháo nhiều nòng, đạn dược, radar, hỏa tiễn chống xe tăng Javelin và một số loại vũ khí khác.

Khi Washington đẩy mạnh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, Nga đã coi cuộc chiến tại Ukraine như một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ, dù Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định sẽ không cử binh sỹ Mỹ tham chiến trực tiếp.

Ông Daniel DePetris – thành viên của tổ chức tư vấn Defense Priorities có trụ sở tại Washington DC nhận định: “Chính quyền Biden lập luận rằng viện trợ quân sự mới nhất sẽ giúp Ukraine tấn công vào các mục tiêu của Nga trên chiến trường, và giúp Ukraine có thêm đòn bẩy trên bàn đàm phán. Thật không may là không có cuộc đàm phán nào diễn ra ở thời điểm hiện tại và không bên nào sẵn sàng nhượng bộ bất cứ thứ gì”.

Bước đi làm leo thang đáng kể sự can dự của Mỹ

Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao HIMARS mà Ngũ Giác Đài sắp chuyển giao cho Ukraine có thể tấn công các mục tiêu nằm cách xa 80 cây số. Hiện quân đội Ukraine đang sử dụng trọng pháo M777 Howitzer do Mỹ cung cấp có tầm bắn chưa đến 32 cây số.

Nhiều đồng minh phương Tây khác của Washington cũng cung cấp cho Ukraine các khẩu pháo tương tự để giúp nước này chiến đấu trong trận địa pháo binh tại khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine.

Vũ khí tối tân Mỹ cung cấp có phải viên đạn ma thuật dành cho Ukraine? - Ảnh 2.

Hệ thống hỏa tiễn pháo binh nhiều nòng HIMARS của Mỹ. Ảnh: Military News

HIMARS sẽ cho phép các lực lượng Ukraine tấn công sâu vào chiến tuyến của Nga nhằm buộc các chỉ huy Nga phải rút lực lượng để tránh thương vong.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Richard Blumenthal, thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho rằng: “HIMARS sẽ mở rộng vùng đe dọa đối với quân đội Nga, buộc Nga phải cắt giảm lực lượng và thay đổi kế hoạch để tránh bị tổn thương”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo, việc trao cho Ukraine những vũ khí có khả năng tấn công vào lãnh thổ của Nga sẽ là một hành động gây leo thang nghiêm trọng. Thư ký báo chí của Tổng thống Putin ngày 1/6 đã cáo buộc Mỹ cố tình “đổ thêm dầu vào lửa” và cho biết, Nga không tin tưởng vào cam kết của Ukraine về việc không sử dụng hệ thống hỏa tiễn pháo binh của Mỹ để tấn công Nga.

Về phía Mỹ, khi trả lời câu hỏi làm thế nào để Washington bảo đảm Moscow sẽ không coi đây là hành động khiêu khích, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết: “Cách tốt nhất để tránh leo thang là Nga phải dừng các hành động gây hấn và cuộc chiến mà họ đã phát động. Họ là bên bắt đầu xung đột và họ có thể kết thúc nó bất cứ lúc nào để tránh những lo ngại xảy ra tính toán sai lầm hoặc sự leo thang”.

Không phải “viên đạn ma thuật” dành cho Ukraine

Bà Evelyn Farkas, cựu Phó Phụ Tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, xung đột Nga-Ukraine đã trở thành “một cuộc chiến tiêu hao và bất phân thắng bại”.

“Tất nhiên, việc Mỹ cung cấp cho Ukraine trực thăng tấn công, xe tăng, trọng pháo howitzer và các loại vũ khí khác sẽ giúp Ukraine có cơ hội chống đỡ cuộc tấn công của Nga”, bà Evelyn Farkas nhận định.

Nhưng những nhân vật khác không tin rằng các loại vũ khí mới sẽ giúp “thay đổi cuộc chiến”. “Đó không phải là viên đạn ma thuật. Việc cung cấp vũ khí cho Ukraine quan trọng nhưng không mang tính quyết định”, nghị sỹ Blumenthal lưu ý.

Theo ông Colin Kahl, Thư ký chính sách của Ngũ Giác Đài “đây không phải là loại vũ khí có thể đưa vào sử dụng ngay lập tức” và sẽ mất 3 tuần để huấn luyện quân đội Ukraine vận hành và bảo trì các hệ thống HIMARS.

Quan chức này cũng thừa nhận, mặc dù là hệ thống tấn công chính xác nhưng HIMARS sẽ rất khó khiến cán cân chiến trường thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine. “Không một hệ thống vũ khí riêng lẻ nào có thể chiến thắng trong một cuộc chiến”, ông nhấn mạnh.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, Nga đã đạt được những bước tiến đều đặn ở miền Đông và đang tập trung nỗ lực vào các mục tiêu nhỏ hơn. Dù thiệt hại đáng kể về binh sỹ và khí tài quân sự nhưng Moscow vẫn giữ được lợi thế đáng kể về pháo binh và thiết giáp.

Khi công bố quyết định nêu trên, Tổng thống Joe Biden dường như đang rơi vào tình thế khó xử, đó là làm sao đáp ứng yêu cầu của Ukraine về các loại vũ khí tinh vi hơn mà không khiến Nga đáp trả bằng những hành động có thể khiến chiến sự leo thang và tràn sang các khu vực khác ở châu Âu.

Với việc cung cấp các vũ khí sát thương hiện đại cho Ukraine, phương Tây dường như đang tiến gần hơn “giới hạn đỏ” của một cuộc đối đầu trực diện với Nga mà bấy lâu nay họ luôn muốn tránh. Hơn nữa, chiến lược lấp đầy chiến trường Ukraine bằng súng đạn giống như con dao hai lưỡi, có thể khiến cánh cửa ngoại giao khép lại và xung đột lan xa.

Vũ khí mà phương Tây viện trợ chắc chắn sẽ giúp Ukraine đạt một số bước tiến trên chiến trường, nhưng rất khó đánh bại Nga. Nếu Moscow thành công trong việc kiểm soát miền Đông Ukraine, thậm chí lật đổ chính quyền Ukraine, những vũ khí đó có thể sẽ được sử dụng trong một cuộc nổi dậy vũ trang kéo dài và kéo theo những hệ lụy không ai có thể đoán trước được.

https://vietquoc.org