VIRUS VŨ HÁN CÓ THỂ THÀNH BỆNH THEO MÙA NHƯ CÚM

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hình minh họa: Virus Vu Hán và vaccine 

Các nhà khoa học vừa mới công bố ghi nhận đáng lo ngại:  Miễn dịch cộng đồng có tạo được nhờ vaccine thì cũng sẽ không ngăn được dịch trở lại đều đặn theo mùa.
Trong vòng vài tháng qua, đại dịch virus Vũ Hán đã gây ra gần 30 triệu ca nhiễm và 920 nghìn ca tử vong trên thế giới cùng những thiệt hại kinh tế, xã hội vô cùng lớn. Cuộc sống của cả nhân loại bị đảo lộn bởi các biện pháp phòng trừ dịch: phong tỏa, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang … Virus corona Sars-CoV-2 sẽ còn tiếp tục hoành hành như thế đến bao giờ, sau khi tìm ra được một loại vaccine hay cách trị liệu kháng virus hiệu quả? Có đáng lo lắng khi virus sẽ không bao giờ biến mất và cần phải làm quen với sự có mặt của nó?
Trong khi đó, nhiều nước trước đây đã phải đối mặt với làn sóng đại dịch thứ nhất, giờ đang chuẩn bị hứng chịu làn sóng thứ 2 có thể xảy ra trong lúc các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa toàn bộ dân cư đã dần được dỡ bỏ để cho phép các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Đại dịch virus Vũ Hán còn lâu mới kết thúc

Không chỉ vì “làn sóng dịch thứ nhất có thể sẽ còn kéo theo nhiều làn sóng khác trầm trọng hơn”, mà còn vì virus “Sars-CoV-2 hoàn toàn có cơ hội để biến thành một loại virus theo mùa trở lại vào mùa đông hàng năm, giống như bệnh cúm”, đó là nhận định của các nhà nghiên cứu y khoa của Đại học Mỹ tại Beyrouth và Trung tâm Nghiên cứu y- sinh Đại học Qatar, trong một nghiên cứu công bố hôm 15/09 trên tạp chí Frontiers. Nhiều nhà khoa học khác cũng đã có những dự báo tương tự trong các tháng gần đây.

Miễn dịch cộng đồng sẽ không thanh toán được virus corona“Chúng ta nghĩ rằng virus Vũ Hán sẽ gây ra nhiều làn sóng dịch cho đến khi trong dân cư có được miễn dịch cộng đồng, tức là theo cách tự nhiên nếu từ 60 đế 70% dân số thế giới bị nhiễm để phát triển được các kháng thể vô hiệu hóa virus hoặc theo cách nhân tạo tức là nhờ vaccine được tiêm chủng cho tỷ lệ dân cư tương đương như vậy”, Tiến sĩ Hassan Zaraket, thuộc Đại học Beyrouth giải thích với tuần báo l’Express.

Một khi đạt được miễn dịch cộng đồng rồi thì sao? “Khi đó bệnh do Sars-CoV-2 gây ra có thể sẽ theo con đường giống như các virus gây bệnh hô hấp khác:  Nó sẽ biến mất vào mùa hè, nhưng trở lại vào mùa đông, ít nhất trong các nước có khí hậu ôn đới”, theo các tác giả của nghiên cứu nói trên.

Vì thế, nếu miễn dịch cộng đồng chặn được virus lây lan, nhưng trên tổng thể nó không đủ để loại trừ hoàn toàn virus. Mặt khác, virus duy nhất mà nhân loại đã thanh toán được đến giờ mới chỉ là virus gây bệnh sởi.

“Miễn dịch sản sinh khi bị nhiễm tất cả các chủng virus corona khác đều không tồn tại vĩnh viễn. Dù là hiếm nhưng đã có ít nhất hai ca tái nhiễm virus Vũ Hán được ghi nhận cho đến giờ, Tiến sĩ Hassan Zaraket cho biết, ngoài ra chúng ta không tin chắc được mức độ hiệu quả của các loại vaccine sắp tới cũng như khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu”. Cuối cùng, virus Sars-CoV-2 được xem là vẫn tiến hóa, tích tụ khả năng biến thể, để có thể tránh được các kháng thể do vaccine tạo ra và gây hiện tượng tái nhiễm.

Trỗi dậy vào mùa đông

Để xác định có hay không việc virus corona chủng mới sẽ trở thành loại virus theo mùa, các nhà khoa học đã xem xét hàng chục nghiên cứu về tính chất theo mùa của nhiều loại virus gây các bệnh đường hô hấp cũng như các nghiên cứu gần đây về tính ổn định và lây truyền của Sars-CoV-2.

Ghi nhận đầu tiên như đã biết: Virus gây bệnh hô hấp, trong đó có virus corona, nhìn chung hoạt động dữ dội hơn về mùa đông, đặc biệt ở các nước khí hậu ôn đới. Không khí mùa đông khô và lạnh là điều kiện thuận lợi để bị nhiễm virus qua đường hô hấp, bởi vì khi đó miễn dịch con người bị suy yếu, đồng thời tính ổn định của nhiều loại virus khác nhau tăng lên, giúp virus tồn tại lâu hơn trong không khí, trên bề mặt vật thể.

Trái lại, nhiệt độ cao có thể cản trở tính ổn định của virus, tăng khả năng tự vệ của cơ thể người cũng như có tác động đến cách sinh hoạt của dân chúng. Vào mùa hè, người ta vẫn sẽ thích ra ngoài hít khí trời hơn, như vậy sẽ giảm bớt nguy cơ nhiễm.

“Chúng ta biết là nhiều loại virus gây bệnh hô hấp vẫn theo sơ đồ mùa, đặc biệt trong các vùng khí hậu ôn đới”, tiến sĩ Hadi Yassin thuộc đại học Qatar tại Doha đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh. “Chẳng hạn bệnh cúm hay nhiều chủng virus corona gây hắt hơi sổ mũi vẫn tập trung vào mùa đông ở các vùng khí hậu ôn đới và rải rác trong năm ở các vùng nhiệt đới nhưng hoạt động mạnh hơn vào mùa mưa.”

Theo các kết quả nghiên cứu, virus Sars-CoV-2 cũng không nằm ngoài quy luật này. “Ngay cả các vùng nhiệt đới như Ấn Độ hay Brazil bị dịch nặng, nhưng, nhìn chung, virus vẫn lây lan mạnh hơn trong các vùng ôn đới. Điều này cho thấy các điều kiện lạnh và khô thuận lợi cho lây nhiễm Sars CoV-2”, các tác giả nghiên cứu trên nhận định.

Đặc tính mùa và miễn dịch

Điểm đáng chú ý của virus Vũ Hán so với các virus gây bệnh hô hấp khác là tỷ lệ lây nhiễm. Chỉ số R0 cho biết số lượng trung bình ca bị lây từ một người bị nhiễm. Nếu chỉ số R0 dưới 0, tức là dịch không lây lan, trên 1 tức là lây lan. Một virus có chỉ số R0 thấp hơn 1 vào mùa hè và cao hơn 1 vào mùa đông, tức là virus đó có đặc tính theo mùa. Giờ đây, R0 của Sars-CoV-2 có thể ở trong khoảng từ 2 đến 3, trong khi của cúm mùa là 1.27.

Theo lý thuyết, thì R0 phải xuống dưới 1 vào mùa hè, nhưng đặc tính mùa này không giống với virus Sars-CoV-2. virus Vũ Hán vẫn tiếp tục tiếp tục lây lan trong mùa hè như đã thấy trên thế giới vừa qua.

Một khi đạt được miễn dịch cộng đồng, dù đó là theo cách tự nhiên hay nhân tạo, chỉ số R0 sẽ hạ theo tính toán lý thuyết. Các nhà khoa học khẳng định Coid-19 cuối cùng sẽ biến thành bệnh theo mùa, giống như các chủng virus corona khác.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới hy vọng “đại dịch sẽ kết thúc trong vòng dưới 2 năm”, viễn cảnh này dường như không có gì chắc chắn, nhất là khi vaccine chưa có và cũng chưa có gì bảo đảm về hiệu quả. Các nhà khoa học khuyến cáo, công chúng không có sự lựa chọn nào khác là học cách sống chung với Sars-CoV-2 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa: Đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên.

Theo L’Express