VIỆT NAM TRONG CHÍNH SÁCH VÙNG ĐỆM CỦA TRUNG CỘNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Áp phích với hình ảnh Tập Cận Bình tại một căn cứ hải quân ở Hong Kong hôm 30/6/2019 (Ảnh minh họa)

Chính sách vùng đệm của Trung Cộng:
Tham vọng lớn nhất của lãnh đạo Trung Cộng hiện nay là phải trở thành siêu cường, chi phối sự phát triển của toàn cầu. Để thực hiện tham vọng đó, Trung Cộng tìm cách mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh của mình. Trong các chính sách để thực hiện tham vọng đó, Trung Cộng đang áp dụng chính sách vùng đệm.

Yếu tố địa lý đã góp phần định hình vị trí địa chính trị của Trung Cộng. Và dựa trên vị trí địa chính trị đó, đã hình thành các chính sách đối ngoại của Trung Cộng.

Trung Cộng có biên giới trên đất liền chung với 14 quốc gia, có biên giới biển giáp với 6 quốc gia, cùng với 3 vùng lãnh thổ đặc biệt là Hồng Kông, Macao và Đài Loan. Rất nhiều khu vực biên giới này vẫn đang trong tình trạng tranh chấp.

Một học giả chuyên về Trung Cộng là Michael D. Swaine, cho biết: Chính sách vùng đệm được Trung Cộng nhắc tới lần đầu trong Đại hội Đảng Trung Cộng lần thứ 16 năm 2002. Trong kỳ đại hội này, Đảng Cộng sản Trung Cộng đã nhấn mạnh chính sách đối ngoại: “Các cường quốc là then chốt; các quốc gia láng giềng là tối quan trọng; các quốc gia đang phát triển là nền tảng; chủ nghĩa đa phương là diễn đàn quan trọng”.

Hình biếm họa: của hoạ sĩ Rebel Pepper về Tập Cận Bình và cảnh sát chống bạo động tại một cuộc biểu tình ở Hong Kong hôm 26/4/2020 Reuters

Theo giải thích của một học giả Trung Cộng là Yuan Peng (lúc đó là Phó Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế đương đại của Trung Cộng, viết tắt là CICIR, là một think-tank của cơ quan tình báo lớn nhất của Trung Cộng – Bộ An ninh Nội địa) thì vùng đệm của Trung Cộng có 3 vòng. Vòng trong cùng bao gồm 14 quốc gia có chung biên giới trên đất liền với Trung Cộng. Vòng thứ 2 là các quốc gia tuy không có biên giới chung với Trung Cộng, nhưng là những quốc gia biển nằm ở vị trí mở rộng từ vòng 1. Các quốc gia này trải dài từ Tây Thái Bình Dương cho tới Ấn Độ Dương, cùng với một số quốc gia Trung Á và Nga. Vòng thứ 3 là “vòng ngoại vi” bao gồm châu Phi, châu Âu và châu Mỹ.

Từ năm 2012, sau khi giữ vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Cộng, Tập Cận Bình đã tiếp tục chính sách vùng đệm với các quốc gia cận biên. Ông ta chính thức đưa ra “chính sách ngoại giao vùng đệm” hay còn được gọi là “chính sách ngoại giao láng giềng,” vốn được coi là trọng tâm trong chiến lược đối ngoại của Trung Cộng từ năm 2013 đến nay.

Sáu vấn đề trong chính sách ngoại giao vùng đệm của Trung Cộng

Trong một nghiên cứu mới đây của Jacob Stokes, có 6 vấn đề nổi lên trong chính sách ngoại giao vùng đệm này của Trung Cộng, bao gồm:

Thứ nhất, Bắc Kinh luôn khẳng định toàn vẹn lãnh thổ là “lợi ích cốt lõi”, để bảo vệ các “lợi ích cốt lõi” này thì có khi phải sử dụng chiến tranh nếu cần thiết. Tuy nhiên, từ 2010 trở đi, lãnh đạo Trung Cộng đã bổ sung thêm nhiều khu vực thuộc “vùng đệm” trở thành “lợi ích cốt lõi” như biển Đông chẳng hạn. Điều đó khiến rất nhiều quốc gia ASEAN có liên quan đến tranh chấp biển Đông cảm thấy nguy hiểm khi lãnh đạo Trung Cộng kiên quyết không thỏa hiệp.

Như Chen Xiangyang, học giả thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế đương đại của Trung Cộng, khẳng định rằng, vùng đệm “là vùng cơ bản để Trung Cộng bảo vệ các lợi ích quốc gia, chiến đấu cho việc thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và đấu tranh chống lại việc chia rẽ đất nước.”

Thứ hai, Trung Cộng đang nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế của mình thông qua sự hội nhập nền kinh tế của toàn khu vực. Điều đó rất cần các quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng của Trung Cộng. Các lãnh đạo Trung Cộng luôn sử dụng ảnh hưởng từ thị trường Trung Cộng với hơn 1 tỷ dân cũng như nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ Trung Cộng ra nước ngoài và năng lực xây dựng các công trình hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển thương mại của toàn khu vực. Và đương nhiên, đằng sau các thúc đẩy về thương mại, đầu tư và nhập khẩu của Trung Cộng như vậy, sẽ là những tác động chính trị đến các quốc gia này.

Thứ ba, lãnh đạo Trung Cộng luôn đảm bảo với các quốc gia láng giềng về việc Trung Cộng sẽ sử dụng như thế nào đối với sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Trung Cộng. Nhưng Trung Cộng cũng đang gia tăng các hành động hung hăng, “nhe nanh múa vuốt” ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông. Chính điều này lại khiến các quốc gia láng giềng của Trung Cộng lo sợ và kết thành một “liên minh” nhằm chống lại sự đe dọa từ Trung Cộng.

Hình minh hoạ. Trump và Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hôm 29/6/2019 Reuters

Thứ tư, việc quan hệ càng ngày càng xấu đi giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ, vốn là mối quan hệ trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Cộng, đã tạo ra một môi trường đa dạng hoá các quan hệ quốc tế của Trung Cộng ngoài Washington. Phát triển các quan hệ này, trong đó có các láng giềng của Trung Cộng sẽ giúp Trung Cộng chống lại các ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Châu Á và sẽ khiến sự ủng hộ của các quốc gia này với Trung Cộng ngày càng lớn hơn.

Thứ năm, “chính sách ngoại giao vùng đệm” cộng hưởng với các chính sách đối ngoại quan trọng khác của Trung Cộng hình thành “chính sách đối ngoại tập trung vào các cường quốc” của Trung Cộng. Theo đó, Trung Cộng sẽ tập trung quan hệ với Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Cộng cũng sẽ ưu tiên các cường quốc tầm trung như Indonesia và Hàn Quốc.

Trung Cộng sẽ tập trung phát triển quan hệ với các quốc gia này một cách tách biệt trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Trung Cộng

Thứ sáu, chính sách ngoại giao vùng đệm với mục đích dẫn tới vai trò “lãnh đạo châu Á” của Trung Cộng, giảm bớt các ảnh hưởng từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với các tham vọng và các hành động của Trung Cộng, các quốc gia châu Á đang “ngờ vực” thái độ của Trung Cộng bởi vì họ thấy rằng, dường như Bắc Kinh đang muốn thực hiện “chính sách bá quyền” chứ không phải thực tâm cùng giúp đỡ khu vực này cùng phát triển.

Các công cụ để Bắc Kinh thực hiện “chính sách vùng đệm”

Cũng theo Jacob Stokes, có 6 công cụ để Bắc Kinh thực hiện “chính sách ngoại giao vùng đệm”, bao gồm:

– Làm sâu sắc các liên hệ kinh tế, thương mại và tài chính

Kinh tế và thương mại là trụ cột chính trong “chính sách ngoại giao vùng đệm”. Kinh tế và thương mại sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu đối ngoại và chính trị bởi vì Bắc Kinh muốn cho các quốc gia láng giềng thấy rằng Trung Cộng là nguồn để phát triển kinh tế, cơ hội và người cung cấp các hàng hoá công cộng. Điển hình trong số đó là Sáng Kiến Vành Đai Con Đường (BRI), do Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013. Với sáng kiến này, Trung Cộng sẽ giữ vị trí trung tâm của khu vực và trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Mặc dù BRI vươn rộng ra toàn thế giới, nhưng địa bàn quan trọng của BRI bắt đầu với các quốc gia khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng, Trung Cộng còn gia tăng các ảnh hưởng về tài chính, với việc sử dụng đồng Nhân Dân Tệ như một đồng tiền thanh toán quốc tế theo các tiêu chuẩn của Trung Cộng.

– Tập trung quan hệ với các cường quốc láng giềng

Trong chính sách như vậy, Trung Cộng tập trung vào các cường quốc bao gồm Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Trung Cộng thời gian gần đây đã đạt được những thành tích quan trọng trong quan hệ Nga – Trung. Đối với quan hệ Trung – Nhật, mặc dù hai bên vẫn còn nhiều căng thẳng, ví dụ tranh chấp tại quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, quan hệ Trung – Nhật vẫn đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh Thương chiến Mỹ – Trung. Đối với Ấn Độ, mặc dù những tranh chấp biên giới vẫn thường xuyên xảy ra những xung đột nhỏ, nhưng cả hai bên đều biết kiềm chế, và quan hệ Trung – Ấn cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng.

 Khuyến khích các thể chế phi tự do

Hình minh hoạ. Shinzo Abe và Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hôm 28/6/2019 Reuters

Vì là một quốc gia độc đảng, duy trì sự kiểm soát ngặt nghèo trong nước và sẵn sàng đàn áp các hoạt động phản kháng cho nên Trung Cộng khuyến khích và hỗ trợ các thể chế phi tự do, giống như Trung Cộng. Tổ chức Nhà Tự Do (Freedom House) trong một báo cáo có cho biết Trung Cộng đã tích cực huấn luyện và hỗ trợ giới chức Việt Nam, Myanmar và Philippines trong việc kiểm soát các “nguồn tin nhạy cảm” và bán các hệ thống thiết bị giám sát bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các quốc gia Myanmar, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Pakistan.

– Thể hiện vai trò quan trọng trong các cuộc hòa giải và đối thoại khu vực

Trung Cộng đã gia tăng ảnh hưởng bằng cách đóng vai trò quan trọng như người hoà giải và đối thoại tại các điểm nóng khu vực như tại Myanmar, Afghanistan và Bắc Hàn.

Tại khu vực biển Đông, Trung Cộng vẫn đang duy trì các cuộc đối thoại cho việc tìm kiếm một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) từ năm 2002 tới nay. Mặc dù Trung Cộng phớt lờ Phán quyết năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Cộng, trong đó trực tiếp bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Cộng, và Trung Cộng cũng bất chấp tất cả để quan sự hóa trên các đảo nhân tạo mà Trung Cộng đang kiểm soát tại Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng với việc thể hiện duy trì tiến trình tìm kiếm COC để Trung Cộng muốn cho thế giới thấy là Trung Cộng vẫn muốn “duy trì hòa bình” trên khu vực này.

– Xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ với các định chế đa phương

Trung Cộng cũng đang thúc đẩy các quan hệ và ảnh hưởng của họ thông qua các định chế đa phương. Có thể kể đến như Diễn Đàn Vành Đai Con Đường để hỗ trợ cho Sáng Kiến Vành Đai Con Đường, Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB), các diễn đàn đối thoại như Diễn Đàn Bác Ngao, Diễn Đàn Hương Sơn hay là Hội Nghị Đối Thoại về các về các nền văn minh châu Á.. Ngoài ra, Trung Cộng cũng tích cực trong các tổ chức quốc tế mà Trung Cộng đóng vai trò quan trọng như Tổ Chức Thượng Hải (SCO) hay BRICS…

– Sử dụng các công cụ cưỡng bức

Bên cạnh các chính sách trên, Trung Cộng còn sử dụng các biện pháp cưỡng bức thông qua các chiến dịch để áp đặt lợi ích của mình đối với các quốc gia nằm trong vùng đệm của Trung Cộng. Chính sách cưỡng bức của Trung Cộng thường áp dụng là sử dụng “cây gậy” thông qua sự tăng cường sự hiện diện của Trung Cộng đi kèm với các đe dọa sử dụng vũ lực khi mà “củ cà rốt” đưa ra đã thất bại. Như chúng ta đã biết, các lãnh đạo Trung Cộng thiết kế “chính sách ngoại giao vùng đệm” như là một cách để “quyến rũ” các quốc gia láng giềng chấp nhận sự gia tăng xuất hiện của Trung Cộng trong các lĩnh vực để đổi lấy các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh.

Việt Nam trong chính sách vùng đệm của Trung Cộng

Như đã trình bày, Việt Nam là một trong 14 quốc gia có chung biên giới trên đất liền với Trung Cộng. Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong khu vực Biển Đông, nơi mà Trung Cộng đang muốn độc chiếm để tạo ảnh hưởng. Chính vì vậy, có thể nói Việt Nam là một quốc gia nằm ở “vùng lõi” trong chính sách vùng đệm của Bắc Kinh.

Quan hệ Việt – Trung đã trải qua rất nhiều biến cố, có lúc trầm, có lúc thăng. Đối với Việt Nam, quan hệ với Trung Cộng được đặt ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng với Trung Cộng, quan hệ với Việt Nam nằm ở hàng thứ yếu. Điều đó thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ Việt – Trung.

Trung Cộng, một mặt, trong chính sách vùng đệm của mình, muốn giữ Việt Nam ở địa vị như một “chư hầu” cho vai trò “bá quyền” của mình. Chính vì vậy, Trung Cộng đã tìm mọi cách để lôi kéo kết hợp đe dọa Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Cộng. Mặt khác, Trung Cộng với tham vọng thực hiện giấc mộng “đế vương” của mình, luôn muốn chiếm đoạt Biển Đông, nơi Việt Nam có những quyền lợi thiết thân. Chính vì vậy, các yếu tố trên đã đẩy mối quan hệ Việt – Trung vào những “nan đề” khó giải quyết.

Nhiều học giả ca ngợi chính sách đối ngoại “cân bằng” của Việt Nam trong việc xử lý vai trò của Mỹ và Trung Cộng trong quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, “sự cân bằng” này phản ánh sự không bền vững trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Trong Sách Trắng Quốc Phòng mới nhất được ban hành hồi tháng 11 năm ngoái, Việt Nam tiếp tục nhắc lại Chính Sách Ba Không (thành Bốn Không). Trong đó nhấn mạnh vào khả năng “tự lực tự cường” của Việt Nam khi đối mặt với các thách thức an ninh. Về lý thuyết, đây là một chủ trương đúng. Nhưng thực tế, điều này đòi hỏi Việt Nam phải có đủ tiềm lực tương xứng. Tuy nhiên, sự quản trị của Việt Nam đang thực sự thể hiện nhiều vấn đề yếu kém. Bộ máy chính trị thiếu động lực phát triển, chủ yếu là phe nhóm đánh đấu nhau trong nội bộ, giành giật quyền lực, khiến cho chính trị trong nước hỗn loạn, các tiềm năng phát triển bị hạn chế.

Những vấn đề chính trị nội bộ gần đây cho thấy sự bộc lộ các nhược điểm này. Tranh cãi giữa Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao trong vụ án Hồ Duy Hải, một mặt cho thấy vụ căng thẳng này bắt đầu từ các cuộc đấu chính trị trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 13, nhưng mặt khác cũng bộc lộ thấy sự yếu kém của nền tư pháp, vốn dĩ cần thiết với vai trò quan trọng để góp phần kiểm soát sự lạm quyền từ các quan chức Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, những đe dọa về an ninh quốc gia, bao gồm cả an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng trước các cá nhân và doanh nghiệp từ Trung Cộng vẫn đang hiện hữu rõ ràng. Sự kiện mới đây, Bộ Quốc Phòng Việt Nam nêu đích danh các cá nhân và doanh nghiệp Trung Cộng thâu tóm doanh nghiệp và đất đai quốc phòng là vấn đề đáng lưu tâm. Trong khi trước đó không lâu, khi các đại biểu Quốc Hội chất vấn Chính phủ Việt Nam thì Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường cùng Bộ Công An khẳng định không có chuyện này.

Với sự quản trị không rõ ràng về trách nhiệm và thiếu một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Trung Cộng vốn rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng các “biện pháp kinh tế cưỡng đoạt” cùng với các đe dọa về sử dụng sức mạnh để can thiệp vào chính trường Việt Nam. Và điều này vẫn đang xảy ra hàng ngày. Chính vì vậy, chủ trương đúng nhưng khó có thể thực hiện trong thực tế nếu không có những mạnh dạn trong cải cách thể chế, đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới.

Hoàng Trường Sa (25/05/2020)