1/ Không ít người bây giờ vẫn tưởng “Việt Nam” nghĩa là “nước Nam của người Việt”. Hoặc là, qua một số em sinh viên trẻ cho tôi biết ở trường giải thích: “Việt Nam” nghĩa là nước Việt nằm về phương Nam (so với Tàu). Mắc giống gì mà danh xưng một quốc gia lại đi lấy một quốc gia khác làm “hệ qui chiếu”? Coi đi, quốc gia của người Hàn nằm về phía đông nước Tàu, họ đâu giải thích nước họ là … “Hàn Đông”.
Ý nghĩa của hai chữ “Việt Nam” bấy lâu nay thường được diễn giải theo chủ quan của hậu thế, NHƯNG cho dù diễn giải vi diệu/hay ho/cao siêu tới đâu đi nữa thì – xin nhấn mạnh – hãy nhớ rằng tên nước VIỆT NAM 越 南 là do nhà Nguyễn đặt ra. Thành thử phải tìm hiểu nhà Nguyễn gọi vậy với ý nghĩa gì (chớ đừng nhét cách diễn giải của đời sau vào miệng tiền nhân)!
… Hệt như có một làn gió mát mẻ, hết sức khỏe khoắn sau khi tôi may mắn biết được ý nghĩa đích xác của tên nước “VIỆT NAM” khi Gia Long định danh.
“Việt” trong quốc danh “Việt Nam” 越 南, té ra không phải làm một với “Việt” trong quốc danh “Đại Việt” 大 越 (mặc dù nhìn vô mặt chữ hệt nhau)!
Nói nào ngay, “Việt” đàng nào cũng có cái hay, nhưng lại không giống nhau.
2/ VIỆT NAM trở thành quốc danh chính thức, lần đầu tiên, là vào đời vua Gia Long, năm 1804.
2a) Ban đầu, năm 1802, vua Gia Long đặt tên nước là “Nam Việt” 南 越.
Nhưng nhà Thanh e ngại hai chữ 南 越 (Nam Việt) lặp lại quốc danh “Nam Việt” mà Triệu Võ Đế (Triệu Đà, năm 204 TCN – năm 137 TCN) đặt ra, bấy giờ lãnh thổ không chỉ có Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (đồng bằng sông Hồng cho tới Hà Tĩnh) mà bao trùm luôn Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).
2b) Để tránh sự e ngại từ nhà Thanh, vua Gia Long đã đổi “Nam Việt” thành VIỆT NAM (越 南).
Dầu “Nam Việt” hoặc “Việt Nam” cũng đều chung ý nghĩa. Trịnh Hoài Đức (1765-1825), sử gia nổi tiếng sống dưới thời vua Gia Long, có mặt trong đoàn sứ qua Tàu đàm phán với nhà Thanh, cho biết:
“Việt Nam là quốc danh thích hợp để chỉ một lãnh thổ hợp nhứt giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài”, “chúng ta (nhà Nguyễn) sở hữu đất của Việt Thường trước, và vùng An Nam được thêm vào sau đó”.
Hai chữ VIỆT NAM là sự kết hợp giữa VIỆT (THƯỜNG) với (AN) NAM.
3/ Việt Thường là xứ mô?
Theo những sách cổ xưa như “Hậu Hán thư”, “Thượng thư đại truyện”, “Tư trị thông giám cương mục” thì nước Việt Thường 越 裳 nằm về phía nam Giao Chỉ.
Trong cuốn “Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập” thì xác định tên gọi VIỆT THƯỜNG “là tên cổ của xứ Champa”!
Một nguồn khác cho biết cách gọi “Việt Thường” là để chỉ lãnh thổ về phía nam của Giao Chỉ, bao gồm cả Phù Nam (sau này trở thành vùng Thủy Chân Lạp).
Khi Trịnh Hoài Đức viết “chúng ta sở hữu đất của Việt Thường 越 裳 trước”, là nhằm ghi nhận các bậc tiền nhân của vua Gia Long (là các Chúa Nguyễn) đã hùng cứ tại Đàng Trong (Champa, Thủy Chân Lạp). Sau đó Nguyễn Phước Ánh (vua Gia Long) đã “thêm vào vùng An Nam 安 南 ” là xứ lấy Thăng Long làm kinh đô (tức Đàng Ngoài).
4/ HÃNH DIỆN HAI CHỮ “VIỆT NAM”!
Trước đó, theo dòng lịch sử qua các đời Lý, Trần, Lê… cho dù tự xưng quốc danh “Đại Việt” đi nữa, tuy nhiên nước Tàu không tôn trọng mà họ cứ gọi xứ sở (lấy Thăng Long làm kinh đô) là “An Nam” miết (và gọi các đời vua Lý, Trần, Hậu Lê đều là “An Nam quốc vương”)!
Đến đời Hoàng đế Gia Long, ban đầu triều đình bên Tàu ép vẫn phải dùng quốc danh “An Nam”. Nhưng sứ giả của vua Gia Long không đồng ý.
Với quốc danh VIỆT NAM, quí bạn chú ý: Đây là LẦN ĐẦU TIÊN trong suốt lịch sử cả ngàn năm, Tàu đã phải từ bỏ cách gọi truyền kiếp “An Nam” đối với nước Việt chúng ta!
Đời nay chúng ta mỗi khi hãnh diện về hai chữ “Việt Nam” thì nên nhớ tới cái danh xưng đó do Hoàng đế Gia Long đặt ra. Đừng uống nước mà quên luôn cái nguồn quốc danh đó từ đâu, đừng bị nhiễm thói ăn cháo đá bát.
5/ THAY LỜI KẾT
“Việt” (trong “Đại Việt” 大 越 ) dùng để chỉ Việt tộc.
Còn “Việt” (trong “Việt Nam” 越 南 ) tuy cùng mặt chữ nhưng được lấy từ trong danh từ kép “Việt Thường” 越 裳 (định danh về địa lý).
Ghép chữ “Việt” (trong “Việt Thường”) với “Nam” (trong “An Nam”) thành quốc danh VIỆT NAM, là sự ghi nhận đàng hoàng về nguồn gốc của từng vùng lãnh thổ!
Qua đó, vua Gia Long cho thấy niềm hãnh diện trước việc hợp nhứt Đàng Trong với Đàng Ngoài. Lãnh thổ nước ta LẦN ĐẦU TIÊN trải rộng từ bắc chí nam, theo đường cái quan đi từ Quảng Ninh cho tới mũi Cà Mau thành đường cong chữ S.
Tắt một lời, VIỆT NAM là quốc danh mang ý nghĩa về SỰ HỢP NHỨT LÃNH THỔ.
Ý nghĩa nêu trên của hai chữ VIỆT NAM, thiệt hay hết sức, độc đáo hết sức trong tinh thần đoàn kết các cộng đồng dân tộc ./.
Facebooker Mai Thanh Truyết