Vài hạt sạn cần đãi lọc
(Trần Phong Vũ)
Những giòng cuối về Việt Dzũng
10 giờ 35 phút sáng Thứ Sáu 20-12-2013, giữa lúc mọi người đang rộn ràng chuẩn bị đón mừng ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế giáng sinh để cứu độ muôn dân, Việt Dzũng thở hơi cuối cùng trên đường đến bệnh viện, hưởng dương 55 tuổi.
Một bầu trời thê lương, ảm đạm phủ xuống các cộng đồng người Việt tị nạn khắp thế giới trước tin anh ra đi. Trên các hệ thống truyền thông hiện đại, người ta đọc được những lời phân ưu thấm đẫm nước mắt và lòng yêu thương cảm mến của mọi tầng lớp đồng bào từ khắp nơi gửi tới người thân của anh, tới Radio Bolsa, tời đài SBTN, tới nhóm chủ trương băng nhạc Asia. Chính tại những nơi này, anh đã dốc hết công lao huyết hãn để phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí của đồng hương tị nạn, và nhất là để cùng bà con thắp sáng chính nghĩa cho cuộc đấu tranh dành lại tự do, dân chủ, quyền sống, quyền làm người của 90 triệu đồng bào trên quê hương đau khổ.
Hàng trăm bài thơ, hàng trăm bài viết được post lên mạng bày tỏ lòng tiếc thương người nghệ sĩ tài hoa, tuy bị khuyết tật từ bẩm sinh, nhưng mang sẵn một trái tim vĩ đại, một ý chí sắt đá, một nhuệ khí ngút trời. Những bản nhạc đấu tranh quen thuộc trong số hơn 400 ca khúc do anh sáng tác, cùng một lúc vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, ở các tiểu bang Hoa Kỳ, ở Âu Châu, Úc Châu, nơi có người Việt Nam tị nạn. Một Chút Quà Cho Quê Hương – Lời Kinh Ðêm – Mời Em Về – Tình Ca Nguyễn Thị Sàigòn …
Và những giọt lệ chảy dài trên mắt, trên môi những đồng hương, trong số không thiếu những người chưa hề gặp gỡ hay quen biết anh, bao gồm cả những em nhỏ sinh ra nơi xứ người, không phát âm chuẩn tiếng Mẹ.
Việt Dzũng là báu vật của cộng đồng tị nạn.
Anh là vốn quý của quê hương, dân tộc và là kẻ thù của kẻ ác.
Giọng nói truyền cảm, khoẻ mạnh của anh. Những bài hát chan chứa yêu thương, mang âm sắc rực lửa đấu tranh của anh. Tất cả đều như những mũi tên lao về phía trước, có tác dụng lay động lòng yêu nước của giới trẻ trong và ngoài nước, khiến tập đoàn thống trị Hànội phải bàng hoàng khiếp sợ. Và ngay từ những ngày đầu, khi tiếng nói Việt Dzũng vừa cất lên, anh đã bị kẻ ác lên án tử.
Lúc 7 giờ tối Chúa Nhật 22-12, hơn hai ngày sau khi Việt Dzũng từ giã cõi đời, nhóm chủ trương diễn đàn Paltalk yểm trợ Khối 8406 nối kết với nhiều diễn đàn bạn ở Âu châu, Úc châu và cả Việt Nam, đã dành cho tôi cơ hội được chia sẻ đôi điều nhân những giây phút mở đầu tưởng niệm anh, trước khi đi vào đề tài chính nói về trường hợp người trẻ Ðặng Chí Hùng đang bị CSVN săn đưổi ở Thái Lan.
Qua những trao đổi thân tình của cả ngàn tham dự viên buổi tối hôm ấy, tôi càng cảm nhận rõ hơn về mối cảm tình sâu đậm của quần chúng, -cách riêng giới trẻ-, ở trong cũng như ngoài nước, đối với người nhạc sĩ vừa ra đi ở tuổi 55. Quả thật tên anh đã gắn liền với những nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ, chống lại tà quyền CSVN mà ngày nay đã hiện nguyên hình là một bày lang sói, độc tài, tham nhũng, đang mưu toan bán đất, dâng biển cho ngoại bang.
Tối thừ Sáu 27-12, một buổi tưởng niệm Việt Dzũng được tổ chức tại đài SBTN suốt từ 8 giờ tối đến quá nửa khuya. Trước một cử tọa đông đảo kẻ ngồi người đứng có mặt từ đầu đến cuối, từng người, từng đại diện các tổ chức, đoàn thể trong cộng đồng đã lần lượt được mời lên phát biểu những suy tư về sự ra đi bất ngờ của Việt Dzũng, về gương hy sinh lớn lao của anh, về những đóng góp không mệt mỏi của anh cho đại cuộc trong ngót 40 năm qua. Những hình ảnh ghi lại bước đường anh đã đi qua trong cuộc hành trình vận động cho nỗ lực đấu tranh chống lại những thế lực gian dối, bạo tàn trên quê hương Việt Nam, luân phiên xuất hiện trên màn ảnh phía sau khán đài.
Và dịp này, thêm một lần nữa mọi người lại được nghe những ca khúc quen thuộc của anh… để nhận ra một Việt Dzũng đậm tình quê hương dân tộc, đau niềm đau của những thuyền nhân mất vợ, mất chồng, mất cha, mất con nơi biển cả trên đường tìm tự do, của những bà mẹ Dân Oan giãi nắng dầm mưa tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hànội, tại văn phòng 2 Quốc Hội cạnh nhà thờ Ðức Bà, Sàigòn, của những người trẻ bị CACS ruồng bố, đánh đập, ném lên xe cây trong những cuộc xuống đường chống Tàu Cộng xâm lăng biển đảo; một Việt Dzũng đanh thép, quyết liệt, hào hùng khi cất tiếng kêu gọi đồng bào đứng lên cứu nước…
Ngoài đám đông cử tọa hiện diện trong khuôn viên đài SBTN, nội dung buổi tưởng niệm đã được cả trăm ngàn khán thính giả trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ, Canada và Úc châu theo dõi trên màn ảnh TV. Tất cả những gì biểu tượng cho Việt Dzũng: con người anh, tâm hồn, trí tuệ, tinh thần, khí phách anh, dù đôi chân khuyết tật vẫn không cản bước đường anh đi tới… đã được diễn lại cho mọi người nhìn thấy, cảm thấy và đụng chạm tới qua lời anh nói, tiếng anh hát, những việc anh làm 38 năm qua trong buổi tưởng niệm với nhiều nước mắt nhưng cũng không ít niềm vui và hy vọng tối Thứ sáu, 27-12.
Trong hai ngày Thứ Bảy, Chúa Nhật (28-29/12/2013), nhìn đoàn người thuộc đủ mọi thành phần tuồi tác, phái tính, địa vị từ khắp bốn phương lũ lượt đổ về nhà quàn Peek Family Funeral Home ở nam California để nhìn Việt Dzũng lần cuối, thắp một nén hương cầu nguyện cho anh, người ta mới cảm nhận được trọn vẹn lòng tiếc thương, ái mộ của các giới đồng bào đối với người ra đi. Trong bầu không khí trầm mặc nơi nhà quàn, giữa những lời kinh cầu thiết tha trầm bổng, nghe được những tiếc nấc uất nghẹn, thấy được những giòng lệ xót thương chảy dài trên khuôn mặt những cụ già, những em bé.
Chưa hết. Sáng Thứ Hai, ngay từ lúc hừng đông cho tới hơn 10 giờ, bà con tiếp tục đổ về nhà quàn. Và những lời cầu nguyện, những lời chia buồn lại tiếp nối trước khi di quan tới Giáo đường Thánh Linh để cử hành Thánh Lễ cầu cho Linh hồn GioaKim.
Ðây là một đám tang lớn nhất từ trước tới nay. Dư luận nói với nhau như thế. Lòng Giáo đường Thánh Linh vốn được coi là rộng thênh thang nhưng buổi trưa hôm ấy vẫn không đủ chỗ cho người tham dự, khiến đông đảo bà con phải ngồi đứng chen chúc bên ngoài, tràn ra bãi đậu xe. Ðiều cảm động nhất và cũng là một đặc điểm chưa từng có trong những tang lễ xưa nay: giữa rừng giáo dân và lương dân là hàng chục bóng áo vàng của các chư Tăng Phật Giáo nghiêm trang hướng lên bàn thờ. Bên cạnh đó là những chiếc áo trắng của các chức sắc Cao Ðài Giáo, áo nâu của những vị lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
Ðiều này cho thấy Việt Dzũng, ngoài tư cách Kitô hữu, anh là một công dân Việt Nam mà thuở sinh thời đã hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng quốc gia, dấn thân phục vụ người nghèo, người bị áp chế. Anh đã sống trọn giáo huấn Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức từng tuyên xưng: “Người Công Giáo Tốt phải là Người Công Dân Tốt”. Và đấy là lý do anh được mọi người, mọi tôn giáo yêu thương, quý trọng.
Trên Cung Thánh, Ðức Giám Mục Mai Thanh Lương, phụ tá Giáo phận Orange, nhắc lại bài giảng trên núi của Chúa Giêsu về Tám Mối Phúc (còn được gọi là Hiến Chương Nước Trời) theo trình thuật của Thánh Mát-Thêu. Từ đấy, ngài dẫn tới kết luận: trong suốt cuộc hành trình dương thế, với tình thương vô biên dành cho tha nhân, với thái độ khoan dung, lễ nhượng, luôn sống chan hòa với mọi người, GioaKim Việt Dzũng đã quên thân mình, quên khuyết tật bẩm sinh, dùng hết tài năng, sức lực giới hạn Chúa cho để phục vụ những thành phần thấp cổ bé miệng, những đồng bào là nạn nhân của cường quyền bạo lực trên quê hương.
Do đó anh xứng đáng được hưởng phúc Thiên đàng. Vì chính Chúa Giêsu đã phán hứa: “Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương… Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những người công chính bị bách hại, vì Nước Trời là của họ.” (Mt. 5: 7, 9, 10). Thánh Lễ kết thúc. Ca đoàn cất lên lời ca tiễn biệt.
“Xin giã biệt mọi người,
Tôi ra đi lần cuối,
Không bao giờ trở lại,
Hẹn nhau trên Nước Trời…”
Âm hưởng bài hát trầm buồn nhưng chan chứa tin yêu và hy vọng dõi bước đoàn người theo linh cữu Việt Dzũng tới nghĩa trang Chúa Chiên Lành.