VIỆN DƯỠNG LÃO: CHUYỆN XƯA, CHUYỆN NAY

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

lltran

Viện dưỡng lão, nhà [cho người] già hay “nursing home” là mấy chữ khó khăn cho người nghe, nhất là những người cao niên.
Không mấy ai hoan hỷ nghe hay muốn bàn chuyện viện dưỡng lão vì hình ảnh các cụ cao niên lọm khọm, cô đơn ngồi ngó trời ngó đất là một ám ảnh nặng nề.

Người trẻ thì chuyện “dưỡng lão” xa vời qua, “còn lâu mới tới phiên mình”. Người già thì sợ hãi trước viễn tượng sống buồn bã, cô đơn giữa những người xa lạ. Người chưa già lắm thì xao xuyến, băn khoăn và lo âu khi phải tìm hiểu về viện dưỡng lão cho thân nhân.

Chuyện cá nhân thì riêng tư như thế nhưng chuyện cộng đồng, quốc gia thì cả một chính sách cần thiết hầu trợ giúp, chăm nom hiệu quả hơn các công dân luống tuổi, những người không còn khả năng tự chăm nom.

Đại dịch Covid 19 thổi qua địa cầu, cư dân sống trong viện dưỡng lão là những người nhiễm bệnh và tử vong ở mức cao nhất.
Các con số ấy đã đánh thức thế giới và nhà cầm quyền nơi nơi đã bắt đầu chú ý hơn đến viện dưỡng lão.

Tại Hoa Kỳ, khi thuốc chủng ngừa có mặt, cư dân viện dưỡng lão là những người ưu tiên trên danh sách chủng ngừa vì họ là những người dễ nhiễm bệnh lại sinh sống trong môi trường chung đụng với nhiều người khác.

Tại những quốc gia khác, cách giải quyết vấn nạn nhiễm trùng trong các trung tâm dưỡng lão sẽ nói lên phần nào tương lai của các cư dân luống tuổi sinh sống ở địa phương ấy. Sức khỏe, tính mạng của họ có được xem trọng hay không qua các chính sách y tế dành cho người già.

Mức tử vong của người già trong viện dưỡng lão do trận đại dịch Vũ Hán đã khơi dậy những bất bình từ cư dân Hoa Kỳ, và họ đòi chính quyền thay đổi chính sách kiểm soát, theo dõi hoạt động của viện dưỡng lão để trợ giúp người già đắc lực hơn, không thể để họ chết như rạ như việc đã xảy ra.

Tất nhiên các vấn nạn ấy không là điều mới mẻ mà là hệ quả của những hoạt động cũ. Lịch sử đã chứng minh điều ấy.

Để hiểu rõ hơn, ta cần xem xét những dữ kiện từ lịch sử của viện dưỡng lão, bắt đầu từ đâu và đã diễn tiến, phát triển ra sao; các nguyên nhân nào đã thay đổi cái nhìn của xã hội về tuổi già.

Tại Hoa Kỳ, số người già tuổi 85 trở lên mỗi ngày một đông, cư dân sống lâu hơn mức liệu định của xã hội nên ta chưa có các chính sách rõ ràng hầu giải quyết các vấn nạn y tế, xã hội liên quan đến tuổi già.

Người già sức lực kiệt quệ …như chuối chín cây… cần được chăm sóc cẩn thận về sức khỏe cũng như được trợ giúp trong các nhu cầu cá nhân.

Có cụ cần được cho uống thuốc men hằng ngày vì không còn minh mẫn để tự sử dụng các món thuốc cần thiết.

Có cụ mất cả khả năng tự tắm rửa, thay quần áo.

Rất ít những cư dân luống tuổi được gia đình chăm sóc đầy đủ. Số còn lại trông nhờ vào các dịch vụ công cộng và tùy địa phương họ sinh sống, phẩm chất cũng như số lượng của các dịch vụ ấy thay đổi.

Ngày nay, viện dưỡng lão, “nursing home” hoặc “skilled nursing home”, thường bao gồm cả dịch vụ y tế, cung cấp các bữa ăn và đôi khi cả các dịch vụ giải trí để ngày tháng bớt nhàm chán.

Ta lại có cả các trung tâm phục hồi, rehabilitation, dành cho các cụ luống tuổi hồi phục sau cơn bạo bệnh sau khi rời bệnh viện và trở về nhà (nhưng chưa cần mức chăm sóc tại viện dưỡng lão).

Các trung tâm chăm sóc ấy còn có cả nơi dành riêng cho những người đã bị lẫn (dementia); tạm hiểu là đủ mọi loại và mức độ chăm sóc từ trợ giúp, phục hồi đến trông nom toàn phần.

Cách “phân chia” dịch vụ thành nhiều phần như thế là một kiểu mẫu làm ăn buôn bán, càng nhiều dịch vụ, mức phí tổn càng cao.

Các bài phân tích dịch vụ y tế cho ta thấy được vài điều quan trọng, sự thay đổi theo thời gian, đi ngược về lịch sử từ thế kỷ XVIICuốn sách “Old and Sick in America: The Journey Through the Health Care System” của Tiến Sĩ Muriel R. Gillick, trong những năm 1600 – 1700, khi người Âu Châu chiếm lãnh châu Mỹ, họ mang theo các tập quán sinh sống kể cả việc thành lập “almshouse” tạm dịch là “nhà tế bần” [của tư nhân] dành cho những người không được chăm nom bởi thân nhân hoặc láng giềng; cộng đồng hay quận hạt, chính quyền địa phương.

Nhà tế bần không chỉ dành cho người già yếu mà còn nhận cả các trẻ mồ côi, người khuyết tật hoặc kẻ lang thang không nhà, cung cấp chỗ ở cũng như các bữa ăn.

Đến những năm 1800 – 1900, nhà tế bần là nơi duy nhất cung cấp một số dịch vụ cần thiết cho người nghèo khó, những người không thân nhân để nương tựa.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, ta mới thấy nhà “dưỡng lão” hay “old age home” ra đời tại Hoa Kỳ.

Nhà “tế bần” trở thành nơi dành cho những người bệnh tật, nghiện ngập và không còn là nơi dành cho người nghèo khó nữa.
Người nghèo khó, “worthy poor”, được hiểu là những người không có khả năng làm việc để sinh sống và cũng không có thân nhân để nương tựa.

Nhà dưỡng lão thủa ấy thường do các tổ chức tôn giáo hoặc các nhóm đồng chủng / hội ái hữu như Evangelicals, Jewish people, Germans… thành lập và điều hành vì tin rằng họ có trách nhiệm chăm sóc những người “cùng hội cùng thuyền”.

Từ đó ta có Boston’s Home for Aged Woman, Indigent Widows’ and Single Women’s Society in Philadelphia và các trung tâm chăm sóc người già khác.

Các nhà dưỡng lão này thường nhỏ, chỉ có khoảng 30-50 giường; với một lệ phí khiêm nhường, cư dân có chỗ ăn và ở nhưng đủ khả năng dọn dẹp chỗ ngủ và tự vào phòng ăn mỗi ngày.

Vào thời khủng hoảng kinh tế, thập niên 30 của thế kỷ trước, xã hội cần nhiều nhà dưỡng lão hơn nữa vì số cung thấp hơn mức cầu rất xa.

Mức dịch vụ cung cấp tại nhà tế bần trở nên tồi tệ [thiếu tiền tài trợ] nên bị xã hội lên án nặng nề.

Các nhà lập pháp thủa ấy cho rằng một ngân sách khiêm nhường để chăm sóc người già sẽ tiết kiệm được các khoản tiền điều hành nhà tế bần.

Từ đó, đạo luật An Sinh Xã Hội, the Social Security Act, ra đời năm 1935, bao gồm cả chương trình Trợ Giúp Người Già, the Old Age Assistance (OAA) program, tài trợ cả người nghèo không nơi nương tựa.

Để xóa bỏ nhà tế bần, chương trình OAA không trợ cấp cho người cư trú, vì vậy họ di chuyển sang các nhà dưỡng lão của tư nhân.

Thấy có tiền trợ cấp từ chính phủ, các công ty buôn bán đứng ra thành lập “trung tâm dưỡng lão”, quy mô hơn, rộng lớn hơn để kiếm tiền vì có thể kiếm lời từ việc chăm sóc người cư trú hợp lệ.

Nghĩa là từ “nhà” sang “viện” hoặc “trung tâm” dưỡng lão. Cách hoạt động này đánh dấu việc chính quyền tham dự vào việc điều hành viện dưỡng lão [chi tiền nên có quyền điều khiển] của các công ty / tổ chức tư nhân ngày nay.

Một thập niên sau, năm 1946, Quốc Hội ban hành Hill-Burton Act cho phép nhà dưỡng lão được thành lập / xây cất chung với bệnh viện và cho phép chính phủ kiểm soát các hoạt động ấy.

Viện dưỡng lão trở thành nơi cung cấp các dịch vụ y tế [ở mức độ thấp hơn bệnh viện], tạm hiểu là viện dưỡng lão chuyển từ hệ thống an sinh (welfare) sang hệ thống y tế (healthcare) và theo các tiêu chuẩn hoạt động riêng.

Theo bà Gillick, người Hoa Kỳ trong thập niên 50 xem hệ thống y tế công cộng như bệnh viện, và viện dưỡng lão khi nằm sát bên bệnh viện cũng là một loại bệnh viện dù không có mặt bác sĩ thường xuyên.

Các trung tâm dưỡng lão liên bang sinh sôi nảy nở rầm rộ; một số chịu nhiều tai tiếng và bị đóng cửa vì kém tiêu chuẩn y tế và an toàn.

Năm 1965, tu chính Medicare & Medicaid được thêm vào đạo luật Social Security Act thì việc thành lập và điều hành viện dưỡng lão trở thành một ngành kỹ nghệ, buôn bán làm ăn rầm rộ như mọi ngành kỹ nghệ khác.

Đến giữa thập niên 70 thì số viện dưỡng lão gia tăng 140% và mức buôn bán gia tăng 2000%. Số lượng gia tăng nhưng phẩm chất của viên dưỡng lão lại sút giảm. Đến nỗi các trung tâm này bị gọi là “nơi dừng chân & chết” hay “park and die facilities”.

Thượng Nghị Sĩ / Dân Biểu David Pryor đã gọi viện dưỡng lão là nơi nằm giữa xã hội và nghĩa địa, “halfway houses between society and the cemetery.”

Từ thời điểm này, chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục kiểm soát để duy trì các tiêu chuẩn y tế áp dụng tại viện dưỡng lão.

Người nghèo khó, không có nguồn lợi tức nào khác, cư trú tại những viện dưỡng lão tài trợ bởi Medicaid. Ở đó, mỗi phòng thường có 3 – 4 giường và những chiếc tủ đứng có khóa cho mỗi người cư trú sử dụng nên phòng ốc thường chật chội.

Tại những viện dưỡng lão dành cho người khá giả, thân nhân thường phàn nàn về phẩm chất dịch vụ mà họ phải trả tiền. Và khi bất bình, khách hàng thường tìm kiếm những nơi trú ngụ vừa ý hơn, tương xứng với món tiền phải trả.

Nhu cầu này dẫn đến sự xuất hiện của các trung tâm cung cấp dịch vụ trợ giúp người già, assisted living vào thập niên 80; mức độ trợ giúp tùy thuộc vào sự cần thiết của người trú ngụ, từa tựa như nhà trọ và không mấy liên quan đến “y tế” như viện dưỡng lão.

Nói chung, mùi tiền bạc thu hút người buôn bán đến làm ăn qua việc cung cấp dịch vụ “trợ giúp người già”.

Kỹ nghệ này cũng nhanh chóng phát triển, nhanh chóng đến nỗi nhiều tài phiệt bỏ cuộc vì mức lời lãi không như họ mong muốn: Xây cất một tòa nhà thì dễ dàng nhưng chăm sóc người cư trú trong các tòa nhà ấy là việc khó khăn.

Cách chủ nhà hoạt động [làm ăn buôn bán] ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của người cư trú, nhất là những người đau yếu, sức khỏe mòn mỏi, không còn minh mẫn để tự chăm sóc.

Kỹ nghệ này chú trọng sức khỏe thể xác, theo tiêu chuẩn tối thiểu của chính phủ như bữa ăn, vệ sinh thân thể cho người cư trú.

Để đạt đủ tiêu chuẩn chăm sóc người già, ta cần nhiều yếu tố nhất là sự hiểu biết về y tế của chủ nhà và nhân viên làm công việc chăm sóc.

Những kiểu mẫu mới bắt đầu xuất hiện, nhà dưỡng lão chú trọng đến tâm thần của người cư trú ngoài sức khỏe thể xác, con số này rất khiêm nhường, chưa mấy phổ thông.

Dù mức tử vong tại viện dưỡng lão do đại dịch Vũ Hán là một con số kinh hoàng, 170,000+ con người trên toàn quốc, viện dưỡng lão vẫn là nơi cư trú thiết yếu cho người già nghèo khó vì các trung tâm trợ giúp, assisted living facilities, không nhận chăm sóc người nghèo trong khi viện dưỡng lão, nursing home, được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ qua chương trình Medicaid.

Tính đến hôm nay, chăm sóc người già là một kỹ nghệ lớn trị giá khoảng 100 tỷ mỹ kim hàng năm, tài trợ bởi Medicaid và nguồn tài lực tư nhân.

Câu hỏi khiến các nhà xã hội băn khoăn là làm thể nào để kiểm soát, theo dõi hoạt động của các trung tâm chăm sóc người già này hiệu quả hơn, tránh được các vấn nạn xảy ra trong thời đại dịch?