Trong những năm kinh tế thất bại và suy sụp. Tại một khu xóm nhỏ miền đông nam Idaho, tôi thường tạt qua gian hàng của ông Miller bên đường. Gian hàng nầy bán rau cải và trái cây tươi trong mùa. Thực phẩm và tiền bạc rất hiếm thời bấy giờ nên việc đổi trao trực tiếp vật dụng và thực phẩm rất được thông dụng.
Một ngày kia trong khi ông Miller đang gói mấy củ khoai đầu mùa cho tôi, tôi để ý thấy một cậu bé nhỏ thó, ốm tong teo nhưng mặt mày sáng sủa, quần áo rách rưới nhưng sạch sẽ, đang nhìn rổ đậu tươi một cách trịnh trọng, thèm thuồng. Tuy tôi đã trả xong tiền cho mấy củ khoai, nhưng lại sang qua mớ đậu tươi. Tôi đang nghĩ đến món đậu xào nước sốt với khoai. Trong khi còn đang nghĩ ngợi, tôi được nghe qua cuộc đàm thoại giữa ông Miller và cậu bé rách rưới cạnh tôi.
– Chào Barry, cháu mạnh giỏi ?
– Chào ông Miller, cháu vẫn mạnh, cám ơn ông. Cháu rất thích loại đậu nầy, trông tươi ngon thật !
– Đúng ! đậu đó rất ngon. Mẹ Barry thế nào, có khỏe không ?
– Dạ khỏe, mẹ cháu càng ngày càng khá hơn.
– Vậy tốt ! Cháu có cần gì không ?
– Dạ thưa ông không, cháu chỉ muốn ngắm mớ đậu nầy.
– Cháu muốn đem về một ít không ?
– Dạ thưa ông không, cháu không có gì để trả.
– Vậy cháu có gì để đổi không ?
– Dạ…! Cháu có viên đạn đá hoa mà cháu được thưởng đây.
– Vậy sao ? cho ông xem thử.
– Thưa ông đây! Viên đạn nầy tuyệt đẹp.
– À ! Ông cũng thấy như vậy. Hừm !…chỉ có điều viên nầy màu xanh, mà ông thì…thích màu đỏ hơn. Ở nhà, cháu có viên đạn nào giống như viên đạn nầy nhưng lại là màu đỏ không ?
– Dạ có, nhưng không giống hẵn như viên nầy.
– Ông tính thế nầy: Cháu cầm gói đậu nầy về, lần sau khi cháu có đi đâu qua đây, cháu cho ông xem viên đạn đỏ đó.
– Vâng, chắc chắn cháu sẽ trở lại. Cám ơn ông Miller.
Bà Miller đang đứng gần, đến cạnh tôi, vừa nói vừa cười: “Còn hai đứa nữa trong khu xóm chúng ta, cũng cùng hoàn cảnh với Barry. Ba đứa nó, con nhà rất nghèo. Jim rất thích thương lượng đổi chác với chúng nó, khi thì đậu, khi thì táo, hoặc cà chua hay bất cứ thứ gì. Các cậu bé đó luôn luôn trở lại với viên đạn màu đỏ, Jim lại lấy cớ nói không thích màu đỏ nữa, rồi gói rau đậu cho các cậu bé đó đem về, nói là để đổi với viên đạn màu khác như xanh, vàng gì đó….”
Tôi rời gian hàng, tự cười thầm và trong lòng rất cảm phục ông Miller. Sau đó một thời gian ngắn, tôi dọn đi Colorado nhưng không bao giờ quên ông Miller, mấy cậu bé và câu chuyện đổi trao của họ.
Sau nhiều năm, tôi có dịp trở lại khu xóm Idaho thăm bạn củ. Trong thời gian nầy, tôi được biết ông Miller vừa qua đời. Được biết buổi chiều đó có giờ thăm viếng, và giờ thăm viếng đang mở tại nhà quàn. Mấy người bạn tôi muốn đi thăm ông Miller, tôi đồng ý ngay.
Khi đến nhà quàn, chúng tôi đứng vào hàng, chờ gặp thân nhân của ông Miller để nói lời chia buồn. Đứng đầu hàng có ba thanh niên trẻ trung. Một người mặc quân phục, còn hai người kia, tóc cắt gọn ghẽ, mặc áo sơ mi trắng và đồ lớn màu sậm, trông rất đứng đắn. Họ tới gần bà Miller đang đứng gần quan tài. Mỗi người ôm bà Miller, hôn lên má bà, nói nhỏ vài câu, xong đến cạnh quan tài. Đôi mắt xanh lơ, ngấn lệ của bà Miller theo dõi ba người thanh niên. Mỗi người lần lượt đặt bàn tay ấm áp của mình lên bàn tay giá lạnh trong quan tài, lúng túng lau nước mắt, rồi bước nhanh ra khỏi nhà quàn.
Đến lượt chúng tôi đến gặp bà Miller. Tôi giới thiệu tôi là ai và nhắt lại câu chuyện bà kể cho tôi nghe về mấy viên đạn. Mắt sáng rở, bà cầm tay tôi tiến tới cạnh quan tài. Bà nói với tôi:
– Ba người thanh niên trẻ vừa rời khỏi đây là ba cậu bé mà tôi đã nói với chú em hồi đó. Ba cậu ấy nói với tôi là họ rất biết ơn về những thứ mà Jim đã đổi với họ. Và bây giờ đây, lần cuối cùng, Jim không thể đổi ý về màu sắc hay cở lớn nhỏ nữa, họ đến để trả nợ. Thật sự, trên thế gian nầy, chúng tôi không bao giờ giàu có, nhưng bây giờ phải nói Jim là người giàu nhất trong vùng Idaho. Bà Miller, với vẽ thương yêu, nhẹ nhàng nâng mấy ngón tay của người chồng quá cố, ngay dưới đó, ba viên đạn màu đỏ sáng lóng lánh tuyệt đẹp.
Phỏng dịch
Cao Thị Ngọc Điệp