Về hai nhà báo ‘mất việc’ vì Facebook

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhà báo Đỗ Hùng bị rút thẻ ký giả và nhà báo Lê Diễn Đức bị RFA và Người Việt cắt hợp đồng vì các stt viết trên Facebook

Nguyễn Hùng BBC Tiếng Việt


Hai cây viết gặp rắc rối cùng vì những gì viết trên Facebook Ngay sau kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua hai cây viết người Việt đã mất việc.

Một người làm báo trong nước và một người làm báo ở nước ngoài, cả hai đều bị xử lý vì những gì họ viết trên Facebook chứ không phải trong công việc thường ngày.

Nhà báo Đỗ Hùng bị miễn nhiệm khỏi chức Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo điện tử Thanh Niên và cũng bị Bộ Thông tin và Truyền thông thông thu hồi thẻ nhà báo.

Blogger Lê Diễn Đức bị đài Á châu Tự Do, RFA, hủy hợp đồng mà theo đó ông được sử dụng trang web của đài này để thể hiện cách nhìn của ông về các vấn đề thời sự.

Hiện trang blog của ông Đức trên RFA đã không còn truy cập được nhưng ông vẫn tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình trên Facebook của ông nơi ông tuyên bố có 5.000 bạn và hơn 7.000 người theo dõi.

Nhà báo Đỗ Hùng trong khi đó đã xóa nội dung đã đăng trên Facebook cá nhân và hiện trang Facebook của ông cũng không thấy còn xuất hiện trên Facebook (6/9/2015).

Cách viết ‘tếu táo’

Cả hai nội dung được đăng trên Facebook của hai cây viết đều về những người đã khuất và về những sự kiện trong quá khứ.

Tuy nhiên nhiều người Việt có cách nhìn hoàn toàn khác nhau về những nhân vật được nêu và sự kiện được nêu.

Nhà báo Đỗ Hùng viết thông điệp “tếu táo” toàn dấu sắc, giờ đã không còn truy cập được, về các diễn biến ở Việt Nam cách đây 70 năm trong đó có đoạn:

“…[B]ác Ái Quốc, tướng Giáp với mấy chú, mấy mế xứ Pác Bó vác cuốc, vác giáo mác, vác súng ống xuống đánh Phát xít, đánh Pháp, cướp lấy khí giới, cướp thóc, chiếm bót, cứ thế đánh tới bến.

“Đánh tới cuối tháng 8, bác Ái quốc thắng lớn. Bác ấy với các chú kéo xuống Giáp Bát, chiếm phố, chiếm lấy bót phát xít, chiếm hết. Hết đánh đấm , bác ấy nói: “Các chú thắng phát xít, thắng Pháp, quá xuất sắc”. Tới tháng 9, bác ấy xuống phố bố cáo quốc khánh. Bác ấy nói: “Đất nước hết chiến đấu, hết đói kém. Phát xít cút. Đế quốc Pháp cút. Các mế, các chú, các cháu bé hết khóc lóc. Thế giới bác ái…”.

Viết báo, nói xấu bác Ái Quốc, nói xấu tướng Giáp. Viết thế “đám cán ngố d[ố]t nát” tức tới chết. Chúng chém hết, đốt hết, chúng nói “đám chống đối, phá nước, giết hết…dám viết láo thế”.

Người dùng Facebook Van Vo trong phong trào viết toàn dấu sắc

“Nói tới đó, bác Ái Quốc thắc mắc: “Bác nói thế các chú, các mế, các cháu có thấy quá lí nhí?” Bá tánh phía dưới đáp: “Chúng cháu thấy bác nói rất lớn. Nói thế quá tốt!”. Tướng Giáp đứng kế đó thét lớn: “Quyết chiến quyết thắng!”.

Sau quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Đỗ Hùng, một phong trào viết bình luận chỉ có dấu sắc đã diễn ra trên Facebook.

Người dùng Facebook Van Vo viết:

“Viết báo, nói xấu bác Ái Quốc, nói xấu tướng Giáp. Viết thế “đám cán ngố d[ố]t nát” tức tới chết. Chúng chém hết, đốt hết, chúng nói “đám chống đối, phá nước, giết hết…dám viết láo thế”.

Blogger Đoan Trang cũng chia sẻ trên Facebook phản ứng của một nhà báo giấu tên đề cập tới công văn thu hồi thẻ nhà báo của Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn:

“Lính chú Tuấn tức tốc cách chức cái đứa viết láo. Chú Tuấn thích lắm, thấy thế ký giấy lấy giấy báo chí đứa ấy. Chú Tuấn quyết giết nó mất chức, chấm dứt cái kiếp báo chí chán ngán. Chú ghét dấu sắc, nếu có viết báo nhớ tránh dấu sắc. Có viết nhớ lấy dấu khác cấm viết dấu sắc.”

Nhưng cũng có nhiều người phản đối cách viết của ông Đỗ Hùng và cho rằng ông “đã xúc phạm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và xuyên tạc về Cách mạng tháng Tám”.

Một người dùng Facebook được dẫn lời nói cựu nhà báo Thanh Niên là người “biến dị tư tưởng đội lốt nhà báo”.

Tranh luận lịch sử

Trong lời chia sẻ, vốn góp phần dẫn tới việc RFA cắt hợp đồng với ông, blogger Lê Diễn Đức viết về thất bại của quân lực Việt Nam Cộng hòa và của chiến dịch Đông Tiến của Việt Tân thời Tướng Hoàng Cơ Minh:

“Cả hàng trăm ngàn quân lính trong tay, vũ khí xềnh xàng mà còn bị bộ đội Bắc Việt đánh cho tan tành, chạy chít chết, cuối cùng phải đầu hàng, thì vài chục người đi qua rừng núi Thái Lan dựng “chiến khu” với mục đích “Đông Tiến”,”phục quốc” chỉ là trò cười, ảo tưởng, chứ “anh hùng” cái nỗi gì.

Ông Đức không giống như nhà báo Đỗ Hùng, ông không bị một cơ quan thẩm quyền nào rút đi tư cách nhà báo, và chắc chắn là ông sẽ không bị một chính quyền nào lăm le đàn áp nếu tiếp tục bày tỏ quan điểm của ông.

Trinity Hồng Thuận

“Đây đích thực là một cuộc làm “chiến khu” giả lừa gạt bà con hải ngoại nhẹ dạ để kiếm tiền, không hơn không kém! Niềm tin vào những “anh hùng vị quốc vong thân” ấy là niềm tin ngô nghê, mù quáng.”

Trong khi chỉ trích ông Đỗ Hùng “phỉ báng” và “bêu riếu” lãnh tụ, những người phản đối ông Hùng cho rằng ông Lê Diễn Đức đã nói “sự thật” và chỉ trích quyết định của RFA.

Họ nói quyết định của RFA gửi thông điệp tới các cộng tác viên với một số cơ quan truyền thông hải ngoại rằng “các người phải bẻ cong ngòi bút chửi cộng sản và không được đụng chạm đến Hoàng Cơ Minh thì mới không bị mất việc”.

Nhưng Trinity Hồng Thuận, một đảng viên Việt Tân bình luận trên Facebook của cô:

“[Ông] Lê Diễn Đức sau khi bày tỏ những quan điểm mang tính xúc phạm và gặp phải những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, ông đã bị những cơ quan truyền thông mà ông đang hợp tác cho nghỉ. Đơn giản vì họ đánh giá hành động của ông ảnh hưởng đến uy tín của họ, cũng như làm mất niềm tin mà độc giả / thính giả dành cho họ và họ muốn khẳng định sự không liên quan đối với những quan điểm này của ông.

“…Ông Đức không giống như nhà báo Đỗ Hùng, ông không bị một cơ quan thẩm quyền nào rút đi tư cách nhà báo, và chắc chắn là ông sẽ không bị một chính quyền nào lăm le đàn áp nếu tiếp tục bày tỏ quan điểm của ông. Chuyện những nhà báo trong nước không những bị rút đi tư cách cầm bút mà còn bị đàn áp, tù đày, vì có những bài viết “vượt quá khuôn khổ” là chuyện không quá xa lạ với tất cả chúng ta.”

Tôi là người cầm bút. Nhiệm vụ của người cầm bút là nói lên và bảo vệ sự thật.

Blogger Lê Diễn Đức

Trininy Hồng Thuận cũng nói ông Đức đã “miệt thị đối những người lính” Việt Nam Cộng hòa và “nhục mạ” những đảng viên Việt Tân thế hệ đi trước.

Còn blogger Lê Diễn Đức đã dùng Facebook của ông để đáp lại:

“Tôi là người cầm bút. Nhiệm vụ của người cầm bút là nói lên và bảo vệ sự thật. Thất bại cay đắng ê chề của VNCH là sự việc không thể chối cãi và bức tranh những ngày cuối cùng của Tháng Tư năm 1975 quân lính chạy tán loạn, vứt bỏ quân phục đầy đường, là những gì tôi nói ra. Nhưng nói ra được hiểu là mạ lị quân lực VNCH.

“Mặt Trận Hoàng Cơ Minh là ý tưởng ảo tưởng thì đúng như nó đã xảy ra! Cán bộ nòng cốt của Mặt trận lấy danh nghĩa thu tiền của bà con là Hoàng Cơ Định đưa vào lợi tức của mình, bị đưa ra tòa án Liên bang Mỹ, vì tội gian lận thuế. Đó cũng là sự thật, nhưng nói ra là xúc phạm đến những người đã chết.”

Góc nhìn từ Anh

Trong các tranh luận liên quan tới nhà báo Đỗ Hùng, một số người dùng Facebook đã dẫn các quy định của BBC về sử dụng mạng xã hội mà theo đó các nhà báo BBC không được “nêu ý kiến riêng về các vấn đề chính trị” hay các vấn đề khác mà trách nhiệm của một nhà báo BBC không cho phép nêu ra.

Tuy nhiên có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu so báo Thanh Niên với các tờ báo ở Anh, vốn có những tờ thiên tả và những tờ thiên hữu, chứ không bắt buộc phải có quan điểm “trung dung” như cơ quan có nguồn ngân sách từ lệ phí truyền hình thu từ dân và cũng dùng tài nguyên công cộng như sóng phát thanh và truyền hình.

 

Image caption Thẻ nhà báo ở Anh do một tổ chức tình nguyện, không liên quan tới chính quyền, cấp Chẳng hạn báo Independent của Anh khi viết về cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay ở châu Âu đã có bài viết với tít “Anh không có chỗ cho người tị nạn? Thế những phòng này thì sao?” kèm theo ảnh và dòng tin trên Facebook “Đây là nhà nghỉ ở nông thôn của ngoại trưởng Philip Hammond. Nhà 115 phòng.”

Tờ The Guardian thường có quan điểm ủng hộ BBC mỗi khi chính quyền tìm cách giảm ngân sách hay chỉ trích BBC nói chung trong khi Daily Mail có quan điểm ngược lại.

Cũng phải nói thêm những nhà báo BBC tham gia nghiệp đoàn có lựa chọn giữa thẻ nhà báo thông qua BBC hay thông qua nghiệp đoàn báo chí NUJ.

Cả BBC hay nghiệp đoàn sẽ đều đề nghị tổ chức không do chính phủ kiểm soát, UK Press Card Authority, cấp và chính quyền hoàn toàn không tham gia vào chuyện cấp thẻ nhà báo cho báo giới.

Điều kiện để được cấp thẻ báo chí chỉ là “có hầu hết hay toàn bộ thu nhập từ nghề báo”.

Liên quan tới trường hợp của blogger Lê Diễn Đức, BBC đã gọi điện thoại tới người phụ trách RFA nhưng hiện chưa liên hệ được để lấy phản hồi.

Trong lần trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt hồi tháng Hai năm ngoái, Tổng Giám đốc RFA Libby Liu nói Đài Á châu Tự do đăng tải những thông tin mà chính quyền Việt Nam không cho phép xuất hiện ở trong nước.

Bà nói nếu “dòng chảy tự do thông tin” không bị ngăn thì RFA sẽ không có lý do để đưa những tin tức như hiện tại.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/09/150906_do_hung_le_dien_duc