VÀI Ý NGHĨ VỤN ĐẦU XUÂN GỞI NGƯỜI BẠN TRẺ (Võ Văn Ái)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tưởng nhớ và thương tiếc nhà đấu tranh Võ Văn Ái vừa tạ thế ngày 26.1.2023, hưởng thọ 88 tuổi. Chúng ta hiệp lòng cầu nguyện cho hương hồn ông Võ Văn Ái yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng. Kính chúc bình an cô Ỷ Lan và toàn thể gia quyến. Ông Võ Văn Ái nguyên là Chủ nhiệm/Chủ bút nguyệt san Quê Mẹ, phó chủ tịch Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền. giám đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (Văn Phòng 2, Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại). Ông Võ Văn Ái là tác giả của 21 tác phẩm văn học, trong đó có “Nguyễn Trãi: Sinh Thức và Hành Động”, “40 Năm Thơ Việt Nam”.. Kính chuyển tới quý vị một bài Tùy Bút của ông Võ Văn Ắi (thi sĩ Thi Vũ) viết ngày 12.12.1983, đăng trên Quê Mẹ số 56-57, Xuân Giáp Tý 1984, xuất bản tại Paris.

Võ Văn Ái (1935-2023)

VÀI Ý NGHĨ VỤN ĐẦU XUÂN GỞI NGƯỜI BẠN TRẺ

MỪNG TUỔI NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM
Có người Bạn trẻ viết thư hỏi: “Ông nghĩ sao về tình trạng văn hóa lưu vong của chúng ta? Ông bi quan hãy lạc quan?” Đây là một câu hỏi lớn, và cũng có thể rất sáo. Bởi vì văn hóa là sống, chứ không nghỉ. Khi ta nghĩ tới một cái gì, cái ấy không còn đây nữa, cái ấy không sống hay chưa được sống. Và lưu vong, tự nó là xa đọa, là vong tính, là chết thảm trong tinh thần. Người Việt Nam lưu vong nhất ngày nay là người cộng sản đang sống trên dải đất quê hương.

Với chúng ta, phải tạm thời ra đi,  chúng ta mang theo rất nhiều Việt Nam. Vốn này còn mãi, và sẽ tăng trưởng hay hao hụt, tùy sự bảo dưỡng hay tiêu phí của chúng ta. Nhiều người lãng mạn hoạt động theo lối tìm kiếm về nguồn, vẫn không biết nguồn đã là mình. Nguồn ở nơi tim, nơi tâm mình. Phần nào giống còn chuyện cổ, có người thanh niên hư đốn, sau khi tiêu hết gia sản của cha mẹ để lại, lê lết tấm thân đi ăn xin bốn phương trời. Anh ta không biết người cha, trước khi qua đời, đã tiên liệu, và kín đáo khâu một hột bảo châu vào nếp áo con. Sự nghiệp, giầu sang, không dựng nên sau những lần ngữa tay xin tiền, mà chỉ khởi đầu khi đứa con tìm thấy hạt bảo châu trong áo rách. 

Nói tới văn hóa, chúng ta có thói quen kêu gọi về một truyền thống rực rỡ và lâu dài, qua khẩu hiệu “4000 năm văn hiến”. Lạ thay, một dân tộc có văn hóa lâu đời như thế, vẫn quên mừng tuổi và lên tuổi cho nên văn hóa này, mỗi lần tết đến ! Tính theo con số thông dụng, nước ta dựng lập, ít cũng từ năm 2879 trước Công nguyên, cộng với 1984, thành 4863 năm. Mỗi năm lại mỗi lên. Vậy mà, từ 1945 đến nay, chúng ta đi thụt lùi về nẻo 4000 năm, thay vì tiến lên năm 5000 ! Chuyện tiểu tiết thôi. Tuy nhiên từ chỗ nhỏ đã chấp nhận thoái hóa, đối với việc lớn, phong cách ta sẽ như thế nào? 

HÌNH ẢNH VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI 

Ngày nay, và ở khắp thế giới, nhắc tới Nhật Bản, người ta liên tưởng tới Thiền (Zen), tới Hoa đạo, Trà đạo, tới điện tử thượng thặng. Nhắc tới Trung Hoa người ta liên tưởng tới thơ Đường, Tranh Tống, đồ sứ Minh, và chủ nghĩa Mao Trạch Đông — dù chống cộng vẫn nhắc nhở, trích dẫn. 

Còn Việt Nam? Người ta nghĩ tới gì khi nghe hai tiếng Việt Nam? “Chiến tranh”!. Trước năm 1954, thế giới ít ai biết Việt Nam, trừ nước Pháp. Và với người Pháp bình dân thuở đó, có dịp tiếp xúc, sinh sống trên quê hương ta, lúc gặp ta họ hãnh diện bắt bẹ cùng ta mấy chữ: phở”, “con gái”, “nhà quê”. Sau 1964, nhờ báo chí và bộ máy truyền thông vĩ đại của Hoa Kỳ, thế giới xôn xao chuyện Việt Nam, và Việt Nam được gắn liền cùng hình tượng chiến tranh. Sau 1975, từng loạt người Vượt biển ra đi, thể hiện ý chí chống độc tài. Theo với phong trào ấy, nhiều tiệm ăn Việt mọc lên ở hải ngoại, như một phương tiện sinh sống. Người ngoại quốc được dịp thưởng thức món chả giò (cũng gọi là nem,
pâté impérial). Từ đó, giới ngoại quốc trầm trồ món chả giò khi liên tưởng tới Việt Nam 

Đấy, văn hóa Việt Nam được nhìn như thế.. “con gái”, “chiến tranh”, “chả giò”. Còn gì thảm thiết hơn. Ta chớ nên trách người ngoại quốc hời hợt, thiếu học, chẳng biết tới “4000 năm văn hiến” của ta. Nếu ta còn quyền trách, hãy trách lấy mình, trách giới trí thức nước mình đã quên giới thiệu cho người ngoại quốc biết rằng, ngoài “con gái”, “chả giò” và “chiến tranh”, Việt Nam còn có một nền văn hóa lâu đời, sinh động và khai phóng. 

Đương nhiên, nói giới thiệu là nói trưng bằng cớ, đưa ra tác phẩm, “khoe” những kiệt tác của dân tộc mình giữa kho tàng thế giới. Vì nói thôi, chẳng ai tin. Mấy chữ khai phóng, sinh động, nghe rất kêu, nhưng tự chúng chẳng có nghĩa gì, lắm khi lại rỗng tuếch. Vì từ khách bàng quan cho tới người trong cuộc, chưa ai chứng kiến cái gì khai phóng, và khai phóng cái gìCái gì sinh động, và sinh động cái gì

Có lẽ chúng tôi đã không đáp thẳng câu hỏi của người bạn trẻ: “Ông nghĩ sao về tình trạng văn hóa lưu vong của chúng ta? Ông bi quan hãy lạc quan?. Đúng thế. Câu hỏi ấy không có lời đáp. Vì đây là khát vọng, xui ta nhìn vào sinh hoạt của người Việt, may ra thấy được chân dung đất nước. Nó xui ta nhìn vào chính ta, may ra thấy được cội nguồn. Và vì không đáp, chúng tôi viết ra mấy ý nghĩ vụn đầu Xuân về các danh từ “nghĩ gì”, “lưu vong”, “văn hóa”. 

Ngoài ra, chúng tôi chưa hề biết cảm giác bi quan hãy lạc quan là gì. Bởi chúng tôi sống mãnh liệt từng giây, từng giây, không ngừng nghỉ, không chán chường. Ở đây, và trong kiếp này, với chúng tôi, sống như thế là lộ sự Sống Việt ra chín phương trời. Đương nhiên, chúng tôi hiểu chữ Việt trong nghĩa vượt, vượt qua, vượt lên, vượt trên

NHÌN VÀO HAI CHỮ “CHỐNG CỘNG” 

Người bạn trẻ nói trên cũng đặt ra một câu hỏi khác: “Làm sao cho công cuộc chống cộng thành một đề tài hấp dẫn ?” Xin chớ buồn, nếu chúng tôi cũng sẽ không trả lời kiểu hai với hai là bốn như Bạn mong. Bởi vì, với chúng tôi chống Cộng không là một đề tài, mà là một sinh phong –một phong cách sống. Chúng ta đã có hay chưa có phong cách ấy? Có rồi, thì phong cách ấy lộ ra nếp sống và suy tưởng thường nhật, lộ vào tác phẩm, lộ qua phong trào văn hóa, chính trị, hay kháng chiến. 

Chống Cộng là chống sự nô lệ trong tinh thần, và trên lãnh thổ. Vì chủ nghĩa Cộng sản là sự vong thân bại trí, là sự xâm lăng ác liệt và tàn bạo vào não óc con người. 

Ai còn nghĩ tới việc chống Cộng, người ấy phải ý thức rằng ta (một mình) đang đối diện với một triệu rưỡi đảng viên và ba triệu bộ đội. Chưa kể người ấy còn phải đối diện với một chủ thuyết, và một cường quốc chủ nhân ông của Hà Nội. Dù trong tay có thước bảng của Tôn Ngộ Không hay khẩu súng bắn nhanh hơn tốc độ ánh sáng, anh vẫn không thể thanh toán một lúc ba triệu rưỡi người.

Và giả dụ rằng, ta có những thứ khí giới ấy đi nữa, ta cũng không cần thiết sử dụng sự giết người để cứu người. Tiêu đích của anh là những trái tim chằng chéo ngu muội. Vậy, anh phải dùng tâm công, văn hóa, tức chính trị, tức phương tiện quốc tế, nơi anh đang chiếm lĩnh. Anh có thể gọi bằng một danh từ nào khác, tùy sở thích. Nhưng nó phải đặt nền tảng trên sách lược tâm công  đánh vào lòng người, đánh vào tấm lòng ngu muội, cuồng tín, cho nó vỡ sáng ra. 

Khỏe thay cho người lính có vị chỉ huy giỏi. Bây giờ chúng ta không có người chỉ huy, không có lãnh tụ — điều may cho chúng ta, nhờ thế đỡ bị lầm và đỡ bị lừa. Không còn ai chỉ huy, nên tự anh, anh phải đóng vai trò chỉ huy. Đừng khiêm nhường và cũng đừng kiêu hãnh vì vô minh. 

Nhắc tới lực lượng 2, 3 triệu của Hà Nội là làm cuộc dẫn chứng lý luận. Kỳ dư không vì khiếp đảm. Ba triệu hay ba mươi triệu, thì cũng chỉ là những con số. Điều đáng gọi là chân, thiện, mỹ cho đời, vốn không dựng nên bằng những con số. Ngày Đức quốc xã bại trận, Hitler phải tự sát nơi hầm tử thủ ở Berlin, dưới tay ông ta lúc ấy, vẫn còn hàng triệu đảng viên và quân đội Đức, những triệu quân vô nghĩa, bất lực. Nhìn chuyện gần chuyện xa trong lịch sử,  ta chỉ lo cho có chính nghĩa, có sự sống, chứ không lo chuyện con số. 

CÁCH LÀM CỦA NGƯỜI VIỆT NGHÌN ĐỜI

Chính Nghĩa đã có: cứu nước ra khỏi sự vong bản, cứu dân ra khỏi đói rách và nạn độc tài. Thời cơ ta cũng có, ấy là sự thông cảm đồng tình và hỗ trợ của thế giới. Vấn đề là còn lại là sử dụng thời cơ. Ai cũng BIẾT. Nhưng phải LÀM. Quan trọng hơn cả là BIẾT CÁCH LÀM. Hồi đầu thế kỷ, mấy người cộng sản noi theo gương những phong trào cách mạng Việt Nam không-cộng-sản, cũng đã biết chuyện phải giải phóng đất nước ra khỏi ách ngoại bang. Nhưng rồi họ đã làm sai, vì vong bản và thiếu học, nên đã thiếu trong tay cách làm Việt.  Nay ta phải cho họ thấy cách làm của dân tộc Việt.

Khi đất nước còn trong tay, ta còn ở trên lãnh thổ ta, việc chống đối có thể thu hẹp vào việc tố cáo. Nhưng tình trạng tan tác ngày nay, chống đối không thể là cứ giẫm chân tại chỗ trong việc chửi bới, tố cáo, điểm danh, mà phải đẩy xa thành sách lược, kế hoạch, phải có một giải pháp thay thế. Chúng ta hiện hữu để làm đẹp cuộc đời, chứ không để vĩnh viễn làm nghề chống đối. Chống đối mà không có lối ra – giải pháp thay thế – là vô trách nhiệm.

Hay là “đề tài chống Cộng” trong câu người Bạn trẻ hỏi, ngụ ý những bài viết trên hàng trăm tờ báo Việt khắp năm châu chăng? Nếu đúng thế, thì chúng ta chỉ có một vấn đề: tác phẩm. Phải có tác phẩm. Tác phẩm tiếp nối và khai triển nền văn học dân tộc, đồng lúc đánh thức, chấn động, và nuôi dưỡng lòng người.

Trên ba mươi năm văn học Cộng sản miền Bắc, không tác phẩm xuất bản công khai nào đáng được gọi là tác phẩm, trong nghĩa đẹp và trân quý của văn học loài người. Ngoại trừ những dịch phẩm các tài liệu văn học cổ, là việc làm của mọi nha văn hóa, bất kể thể chế, chính quyền nào của một nước. Ngoại trừ những tác phẩm viết lên tinh thần kháng chiến, trước thời đảng Cộng sản công khai chỉnh phong và cải cách ruộng đất  — nhưng đây là sáng tác của những người Văn nghệ sĩ dân tộc. Ngoại trừ những tác phẩm thuộc phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm khởi từ Hà Nội năm 1956. Nhưng đây đã là nền văn nghệ sĩ phi đảng.

Do đâu văn học Cộng sản không có tác phẩm? Không thể có tác phẩm? Bởi vì lòng người không vui, không được sống chân thành để hứng viết, không thực sự thấy cái gì đáng ca tụng. Mặt khác, người Cộng sản chỉ vị tuyên truyền, nên đánh mất nghệ thuật. Nghệ thuật nói đây bao gồm kỹ thuật sáng tác và cái thần của sự suy tưởng toát ra từ những cung cách sống. Người Cộng sản chỉ biết chửi rũa, tố cáo, điềm chỉ, những khi họ không mô phạm thầy đời, nên sách vở họ là mảnh giấy truyền đơn, quảng cáo, báo cáo công an, hay diễn văn rỗng tuếch. Mọi căm thù chỉ dẫn tới thảm sát. Và nguyền rũa, tố cáo chưa thành ngôn ngữ của tác phẩm. Nói chi tới kiệt tác.

Vì sao quần chúng các giới đều mê đọc Tam Quốc ? Thuỷ Hử ? Tây Du ? Đông Châu Liệt Quốc, Liêu Trai hay Kim Dung? Ấy là chưa nhắc tới Hemingway, Faulkner, Proust, Camus, v.v… Các bộ sách này không chính trị à ? Không mở những hướng đi mới trên thời đại đen đỏ, lúc tác phẩm ấy ra đời ư?

Làm sao cho người Việt đọc báo chí chúng ta như đọc Tam Quốc? Làm sao cho người Việt hát những bài hát mới, như xưa kia họ đàn măng-đô và hát ví von các bài Suối Mơ, Chiến Sĩ Vô Danh, Bà Mẹ Gio Linh, Hòn Vọng Phu, Diễm Xưa, Ca Dao Mẹ? Làm sao cho tranh họa, tượng tạc Việt Nam hiện đại được trưng bày tại British Museum Ở Luân Đôn, tại Metropolitan Museum of Art ở Nữu Ước, tại Musée d’Art Moderne ở Paris.

Làm sao thực hiện những bộ phim sinh động và chân thực cho Việt Nam, để thế giới thấy ra từng sắc thái văn minh có 5000 tuổi ? Trước đây, ta có bộ phim Đất Khổ của Hà Thúc Cần đánh dấu một tâm ảnh Việt Nam. Nhưng sau 75 ? Phải nhờ một đạo diễn Trung Hoa, những diễn viên Trung Hoa, đối thoại bằng tiếng Trung Hoa (!) thì mới có bộ phim cực kỳ xúc động và chân xác về thảm trạng Việt Nam ở Trại Cải Tạo và trên đường Vượt Biển, qua phim Boat People của Ann Hui! (1) Làm sao ngồi đọc tất cả các bộ Bách Khoa Tự Điển, các sách vở trong thế giới về Việt Nam, để minh xác và sửa sai những điều người ngoại quốc viết bậy, gây ngộ nhận cho truyền thống dân tộc chúng ta ???

Hơn nữa, làm sao cho những điều trên đây nở sáng tưng bừng tại Sài Gòn, Huế, Hà Nội, ngay chính trên quê hương ta?

Làm sao? Làm sao?

Đấy, nói tới văn hóa, nói tới nòi giống và truyền thống, nói tới chống Cộng, là phải lăn vào làm những việc như vậy. Để cho Văn Hóa Việt Nam không teo tóp thu vào hai chứng tích: chiếc áo dài và chai nước mắm! Một người không thể làm nổi. Cũng không thể có vận hội sáng đến độ tất cả mọi người Việt đều xúm lo những việc ấy. Nhưng vẫn có thể thực hiện với rất nhiều phương pháp: một số người được giao phó làm công tác ấy, những người khác giúp phương tiện tài chánh và tinh thần để công tác được hoàn mãn. Có như thế ta mới không hổ thẹn sử dụng danh từ cộng đồng hay truyền thống dân tộc.

TƯƠNG LAI NƠI TẦM TAY

Ai là người có phương tiện, giàu có, dư giả, mà lại có lòng, chịu nghĩ tới việc bảo dưỡng, tương trợ cho các nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng, họa sĩ, điêu khắc, đạo diễn… đang thiếu phương tiện, để thực hiện những công trình văn hóa Việt? Nhờ đó, Tổ Quốc và tất cả chúng ta cùng được thơm lây. Ai đây, còn nỗ lực đắp xây những khu đền văn hóa giữa lòng người Việt tan tác hôm nay?

Nói tới văn hóa mà không có người làm công tác văn học, không có tác phẩm, không có kiệt tác, không cả những khả năng và cơ sở huấn luyện cho lớp người trẻ nối chí, thì còn chi đáng gọi là văn hóa. Ta hãy xem gương nước Trung Hoa, với một nền văn minh rực rỡ, thế mà đã sử dụng sai lầm cái ma thuật của đứa con đẻ cuối cùng của Tây phương, tức chủ nghĩa thoái trào Mác-xít Cộng sản, khiến ngày nay họ bị chậm tiến trên mọi mặt so với các nước Âu Mỹ, chậm tiến ít cũng là một thế kỷ.

Nước ta so với Trung Hoa còn thua đến mấy thế kỷ ? Sao chưa tỉnh giấc? Trên con đường vạn dặm, chỉ cần quay đầu là thấy bến bờ. Chỉ cần cất đầu nhìn lên Trung Hoa ở phương Bắc, và ngoảnh mặt nhìn ra nước Nhật ở ngoài Đông Hải, là thấy ngay bài học. Đừng hãnh tiến với việc đánh giặc giỏi! Kẻ vũ dũng không là người xây đắp văn minh.

Đương nhiên là khó khăn. Việc gì trong đời lại không khó ? Nấu ăn, bửa củi, đi buôn… không khó sao? Nỗi khó khăn, trở lực nơi bản thân, ta phải chiến đấu và khắc phục từng ngày. Ngoài ra, còn nỗi khó khăn, trở lực do địch nhân gây tạo, ta phải chấp nhận để giải quyết, không sợ hãi, tránh né. Chỉ là những thử thách đấy thôi. Ta muốn đánh đổ ma lực của kẻ thù, mà lại cấm chúng chống trả ư ? Giá trị của mỗi người, mỗi tổ chức, đo bằng sự đối trị và giải quyết những thực tại khó khăn ấy. Càng khó khăn càng nung chí. Nghĩ kỹ xem, không chừng những khó khăn lại là “bạn hữu” giúp đỡ cho ta thành công đấy. Và nếu nhắc tới hay nói ra những khó khăn, những khiếm khuyết, là cốt đánh mốc cho những nhận thức khai lộ, kỳ dư không chủ ý phê phán lạc quan hay bi quan.

Cũng trong tinh thần khai lộ, vạch đường xẻ núi này, mấy ý nghĩ vụn đầu Xuân trên đây được viết ra thay cho lối trả lời vơ vẩn thường tình. Xin coi như là cùng nhau nhìn chung những ý nghĩ riêng đang hướng tới việc chung.

 

Xuân có nghĩa là bắt đầu và rộ nở. Ta đã thấy rồi Giáp Tý 1984 là năm bắt đầu mới của Dân Tộc Việt cho những rộ nở mới. Điều đó, ai trong chúng ta không cảm được, qua làn máu dậy rần rần trong thân, như nhựa nguyệt mới chắp nối vào long mạch của bình minh.

Paris 12.12.1983
Võ Văn Ái

(1) Nhắc tới phim ảnh, chúng tôi bỗng nhớ tới chuyện vừa xảy ra gần đây tại California. Vì sao trước bộ phim 18 phút tuyên truyền phiến diện “Vietnamese Mafia” của một đài truyền hình tư, một số người Việt tại Hoa Kỳ chỉ “phẫn nộ” trên báo chí Việt, hay qua vào cuộc biểu dương, vài kiến nghị không đủ sức đánh động dư luận Hoa Kỳ ? Thay vì  làm một bộ phim 18 phút khác, nêu rõ bộ mặt thật ưu tú của Cộng Đồng ta, những thành công sáng giá của người Việt ta trên những lãnh vực văn hóa, đại học, nghề nghiệp, v.v. và bắt đài truyền hình ấy phải chiếu theo quyền luật thương xác.