VÀI KỶ NIỆM VỀ SĐ 5BB VÀ TƯỚNG LÊ NGUYÊN VỸ (Triệu Vũ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

KHÍ PHÁCH ANH HÙNG

May be an image of 4 people and outdoors

May be an image of 5 people, people standing, military uniform and outdoors

May be an image of outdoors

May be an image of 2 people, people standing and outdoors

Đầu tháng 9-1965, sau khi tốt nghiệp khóa 19 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tôi về Bình Dương trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Đây là một trong những đại đơn vị kỳ cựu của Quân lực VNCH, bao gồm các đơn vị thiểu số miền Bắc – mà đa số thuộc sắc dân Nùng thuộc vùng tự trị Móng Cáy của Đại tá Woòng A Sáng. Di cư vào Nam, được mang tên Sư Đoàn 3 Dã Chiến, sau đổi thành Sư đoàn 5 Bộ Binh, trấn giữ vùng đông bắc thủ đô Saigon và được coi như đơn vị tín cẩn nhất của chế độ.
Ngày ấy, Tướng Vỹ còn mang cấp bậc Thiếu Tá, giữ chức Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn đồn trú tại Bến Cát, sau dời lên Chơn Thành, cách tỉnh lỵ Bình Dương khoảng 50 km về hướng Bắc. Từ Bộ Tư Lệnh SĐ ở Phú Lợi – Bình Dương, tôi đã nhiều lần lên đó, khi thì đi cùng phái đoàn Thanh Tra, khi thanh tra một mình, theo lệnh đơn vị trưởng, nên tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Thiếu Tá Vỹ và các Sĩ Quan trong Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn. Nhờ vậy, cũng từ những ngày đó, tôi biết thêm nhiều về cuộc đời “người lính chiến thực sự” Lê Nguyên Vỹ.
Tướng Vỹ sinh năm 1933 tại Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Ông nguyên là sĩ quan binh chủng Nhảy Dù, thời Thiếu Tá Đỗ Cao Trí còn giữ chức Liên Đoàn Trưởng. Ông tham dự nhiều cuộc hành quân từ Bắc vào Nam. Năm 1955, sau cuộc tảo thanh Bình Xuyên ở Saigon – Chợ Lớn, ông được thăng cấp Đại Úy. Ít năm sau, rời Nhảy Dù, Ông ra phục vụ tại Sư Đoàn 5 BB. Ông được giao chức Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 9, rồi Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9BB năm 1965 với cấp bậc Thiếu Tá sau một thời gian làm Chi Khu Trưởng Chi Khu Bến Cát.
Những ai từng làm việc với ông, dù thượng cấp, hay quân sĩ dưới quyền, đều chung một nhận xét: Ông là vị chỉ huy rất nóng tánh – theo tôi phải nói là trực tánh mới đúng. Trong một đặc san của Sư Đoàn 5BB thuở đó, đã ghi như sau về Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9 – tức Thiếu Tá Vỹ: “Có một lần Ông vung tay đập vỡ mấy cái mặt bàn”.
Nhưng nói gì thì nói, không ai có thể phủ nhận Ông là một sĩ quan chỉ huy hành quân tài giỏi, thủ cũng như công. Những phái đoàn thanh tra từ Tổng Tham Mưu, Quân Đoàn, Sư Đoàn khi đến quan sát nơi đóng quân của đơn vị Ông, đều hết lời khen ngợi. Bản doanh Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 9 tại Chơn Thành là một căn cứ phòng thủ hình ngũ giác kiểu mẫu.
Đối với nhân viên thuộc Bộ Chỉ Huy, có lẽ Ban 2 vất vả hơn cả. Lý do đơn giản là Ông Trung Đoàn Trưởng luôn quan tâm đến tình hình địch, tình hình bạn. Nhờ vậy, đơn vị do Ông chỉ huy đã ghi hết chiến công này đến chiến công khác, trong cũng như ngoài Khu 32 Chiến Thuật. Những địa danh, những mật khu, những chiến khu từ Bến Súc, Bến Sỏi qua Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Hớn Quản, đến Đồng Xoài, Phước Long, Phước Quả rồi mênh mông Tam Giác Sắt, Chiến Khu C, Chiến Khu D v.v. nơi nào cũng in dấu gót giầy hành quân của các chiến sĩ Trung Đoàn 9/SĐ5BB.
Những năm 1965-1967, sau khi quân tác chiến Mỹ ào ạt đổ vào miền Nam, tình hình chiến trận cũng như chính trị có nhiều biến động. Trên mặt trận quân sự, CSBV công khai đưa các đơn vị chính qui vào vùng Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên, tức Mặt trận B-3) và Tây Bắc vùng Hỏa Tuyến (Mặt trận Trị-Thiên). Đồng thời, CSBV cũng thành lập Sư Đoàn 2 tại Quảng Ngãi và Sư Đoàn 3 “Sao Vàng” tại Bình Định (Quân khu 5 CS). Tại miền Đông Nam Phần (Quân Khu 7 CS), CSBV thành lập Công trường (sư đoàn) 9 tại Bình Long, 5 tại Bà Rịa (Căn cứ Mây Tầu) và 7 tại Phước Long.
Về chính trị, từ tháng 6-1965, chính phủ dân sự Phan Khắc Sửu – Phan Huy Quát rút lui, trả lại quyền điều hành đất nước cho quân đội! Người ta được nghe những cụm từ như Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương v.v., hoặc Tổng Cục A, Tổng Cục B, Cục Y, Cục Z v.v. Vì Quân Đội điều hành việc nước, dĩ nhiên nhiều quân nhân được nắm giữ các chức vụ quan trọng tại các Bộ và Nha, Sở. Những cấp chỉ huy cao trong quân đội cứ thay đổi liên tục.
Thời gian này, Trung Đoàn 9 của Trung tá Lê Nguyên Vỹ thường phối hợp hành quân với các đơn vị của Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ trong các chiến dịch tiến vào các mật khu Cộng sản như Cedar Falls, Junction City v.v. Ông giữ vững lập trường một người lính chiến đấu, gắn bó với tiền tuyến, sát cánh cùng thuộc cấp giữ chắc tay súng truy cản địch quân ngoài mặt trận, chỉ lo chu toàn nhiệm vụ mà không quan tâm đến nhiều rối loạn chính trị, nhiều tranh giành quyền lực tại hậu phương.
Ngoài chiến trường, chỉ nói riêng khu 32 Chiến Thuật (gồm 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long), vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 5 BB, đã mở rất nhiều cuộc hành quân bình định, hành quân truy quét địch, cho nên tình hình an ninh tạm ổn. Lại thêm lúc này quân đội Mỹ vào miền Nam đã lên con số khá cao. Quốc lộ 13, còn có tên gọi là “Quốc lộ máu”, đoạn Bình Dương – Bình Long đã ít bị phục kích hoặc gài mìn. Hoặc đoạn đường “gai lửa” Bình Dương – Phước Long trên Quốc lộ 14 cũng được khai thông.
Đặc biệt thời gian này, Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 9BB đã ghi một chiến công lớn. Nhờ tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết tâm kháng cự, lại được phi pháo yểm trợ, Tiểu đoàn đã bẻ gẫy một cuộc tấn công của địch vào Bộ chỉ huy, đóng tại Phước Quả, cách tỉnh lỵ Phước Long hơn 10 km về phía tây nam. Do chiến thắng trên, Tiểu Đoàn Trưởng 2/9 (Đại Úy T.) được thăng cấp Thiếu Tá, sau về làm Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 9 /SĐ5BB.
Từ năm 1967, phong trào phản chiến trên nước Mỹ dâng cao. Những vụ biểu tình đòi rút binh đội Mỹ khỏi Việt Nam không ôn hoà như trước mà có phần quá khích, có khi còn đốt cờ Mỹ hoặc xé thẻ trưng binh v.v. Chính phủ Johnson bối rối, hơn nữa lại sắp có tổng tuyển cử vào năm tới (1968). Đây là một thách thức lớn của Tổng Thống Johnson và Đảng Dân Chủ. Trong khi đó, bộ máy chiến tranh tại Hà Nội, được Liên Sô và Trung+ cố vấn, đã bắt mạch được thế lúng túng của Hoa-Thạnh-Đốn (Washington), nên ra sức chuẩn bị một trận đánh lớn để chứng tỏ khả năng hiện diện và tiềm năng quân sự của họ tại chiến trường miền Nam, đồng thời làm chao đảo tinh thần nhân dân và Quốc Hội Mỹ cũng như tạo áp lực với chính phủ Johnson tiến tới bàn hội nghị.
Đúng vào những ngày Tết năm Mậu Thân 1968, Hà Nội đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hưu chiến, mở cuộc Tổng Tấn Công vào Saigon và 44 tỉnh, thị xã của VNCH. Mặt trận tại Bình Dương và BTL/SĐ5 khởi diễn đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết (31-1-1968). Lúc này, quân số hiện diện tại các đơn vị thuộc BTL/SĐ, cũng như Tiểu Khu Bình Dương, trường Công Binh, Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh v.v. không tới 50%.
Thế mà, dù cho địch có chuẩn bị thật kỹ, bảo mật tối đa và đặc biệt tấn công bất ngờ, chúng vẫn không làm chủ được tình hình. Giao tranh dữ dội tại khu vực Lò Chén và trường Công Binh trong tỉnh lỵ. Địch cũng đặt những “chốt” chặn xung quanh thị xã và pháo kích vào Phú Lợi, cách Bình Dương 5km về hướng đông, nơi đặt Bộ Tư Lệnh SĐ5BB, mục đích cầm chân, không cho tiếp viện. Lập tức, Sư Đoàn điều động đơn vị của Trung đoàn 7 giải toả từ phía nam lên và đặc biệt lệnh cho Trung Đoàn 8 của Đại Tá Vỹ ở Bến Cát (lúc này Ông đã thăng cấp Đại Tá, chỉ huy Trung Đoàn 8BB) đưa đơn vị về giải tỏa từ phía bắc và phía đông. Đại Tá Vỹ đặt Bộ chỉ huy Hành Quân tại Bưng Cải, khoảng giữa tỉnh lỵ và Bộ Tư lệnh SĐ. Ông đích thân điều động cuộc hành quân đánh đuổi địch ra khỏi thị xã và các chi khu lân cận, đồng thời tiếp tục truy quét tàn quân địch.
ANH HÙNG TẠO THỜI THẾ
Sau những đợt hành quân giải tỏa năm Mậu Thân, Đại tá Lê Nguyên Vỹ trở về Bộ Chỉ Huy Trung đoàn tại Bến Cát. Thế là, sau khi chỉ huy Trung Đoàn 9 trên 3 năm, rồi Trung Đoàn 8 trên 2 năm, Đại tá Vỹ đã thực sự dẫn dắt và có công xây dựng thành công 2 Trung Đoàn chủ lực hùng hậu của SĐ5BB.
Chính Tướng Phạm-Quốc-Thuần, người đã nắm chức Tư Lệnh SĐ5 hơn 4 năm (có lẽ lâu hơn các vị Tư Lệnh khác) rất hãnh diện và quý mến vị Trung Đoàn Trưởng này. Đổi lại, Đại Tá Vỹ được địch quân treo giá tính mạng rất cao. Để có thể chiêu dụ hoặc thanh toán Ông, địch đã dùng nhiều phương cách, kể cả ám sát và mỹ nhân kế v.v. Địch còn dùng thủ đoạn khác là lợi dụng tình cảm quan hệ gia đình từ miền Bắc gửi thư cho Ông. Nhưng chúng đã không thực hiện được một ý đồ nào. Ông và các quân sĩ thuộc quyền, tiếp tục truy lùng và diệt địch, tiếp tục lập chiến công. Những trận đánh tại Phú Hòa Đông, bên kia sông tỉnh lỵ Bình Dương, vòng lên Cầu Định, Bầu Bàng, Bầu Lòng, qua tận Phú Giáo, hoặc những vụ phục kích trên hành lang di chuyển của địch, bắt sống, hạ sát giao liên – kinh tài, tịch thu vũ khí – tài liệu v.v. khiến hoạt động quấy phá của địch trong vùng trách nhiệm suy giảm rõ rệt.
Thời gian này, sự kiện đáng ghi nhớ là một lần nữa, SĐ5BB lại được tuyên dương công trạng trước Quân Đội và tất cả quân nhân từ binh sĩ tới cấp Tướng thuộc SĐ hãnh diện được đeo Dây Biểu Chương Bảo Quốc Huân Chương màu đỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, chiến thắng quân sự của VNCH và Đồng Minh năm 1968 không đủ làm nguội tham vọng chiếm miền Nam của hồ chí minh – Lê Duẩn và đảng Cs VN. Tổng thống Nixon gọi TT Thiệu thông báo sẽ bắt đầu triệt thoái quân đội Mỹ và Đồng minh, nhưng sẽ giúp VNCH tăng gia quân số cũng như trang bị vũ khí hiện đại hơn, trong khuôn khổ kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh (Vietnamization).
Đầu năm 1970, vì quân đội Đồng Minh đã một phần rút khỏi Việt Nam BTL/SĐ5 di chuyển lên Lai Khê, cách quận lỵ Bến Cát khoảng 5km về hướng đông bắc, nằm trên Quốc lộ 13. Lai Khê là một căn cứ quân sự quan trọng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh một Lữ Đoàn của SĐ1BB Hoa Kỳ; và khi họ về nước, BTL/SĐ5BB tiếp nhận căn cứ trên. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 8 cùng đóng chung trong căn cứ.
Thời gian này, Tướng Nguyễn Văn Hiếu đã thay Tướng Thuần làm Tư Lệnh. Đại tá Vỹ làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 8 thêm một thời gian trước khi đi thụ huấn tại Hoa kỳ. Và Trung Đoàn này đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan do Tướng Hiếu đưa từ miền Trung về. Tiếc thay, vị Đại Tá Trung Đoàn Trưởng mới (Bùi Trạch D.) đã thân bại danh liệt trong trận Snoul (nằm giữa tỉnh Kratie và biên giới Việt – Cambodge), khiến cả một Trung Đoàn chủ lực của SĐ, với phù hiệu “Chúa Sơn Lâm” trên ngực áo trái, bị thảm bại, cả đơn vị chỉ còn khoảng 500 tay súng. Kể từ đây, con đường binh nghiệp của Tướng Hiếu đã rẽ sang một khúc quanh mới.
Năm 1971, sau khi tốt nghiệp khoá Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại Hoa Kỳ, Đại tá Vỹ được lệnh trở lại SĐ5BB, với chức vụ Tư lệnh Phó SĐ. Đương kim Tư lệnh là Tướng Lê Văn Hưng.
Đại Tá Vỹ ra sức chấn chỉnh việc phòng thủ căn cứ Lai Khê, nơi đặt bản doanh chính của Bộ Tư Lệnh SĐ. Căn cứ Lai Khê có vòng đai phòng thủ khá rộng. Các pháo đài, các vọng gác làm bằng gỗ thông và bao đựng cát che chắn, có tính dã chiến, tạm bợ, do quân đội Đồng minh để lại, đã đến lúc phải tu bổ, sửa chữa nhiều. Đích thân Đại Tá Vỹ cùng các Đơn vị trưởng đến từng vọng gác, từng pháo đài quanh căn cứ để kiểm soát, đôn đốc, tái thiết lập hệ thống phòng thủ.
Ông chỉ thị các đơn vị phải đào những hầm trú ẩn hình chữ “A” để giảm thiểu thiệt hại cho binh sĩ khi địch pháo kích v.v. Cũng nhờ vậy mà sau nhiều lần tấn công của đặc công Việt +, khi thì vài toán nhỏ, khi cả tiểu đoàn, cũng không thể nào xâm nhập sâu trong căn cứ. Trái lại, bị lực lượng bố phòng phát hiện kịp thời và phản kích khiến chúng thiệt hại nặng. Có lần, sau một cuộc tấn công xâm nhập, tổng số tử thi đặc công đếm được ngay tại vòng đai trong cùng của căn cứ lên tới hơn 40 xác. Đây là con số khá lớn, vì căn bản, tấn công bằng đặc công là xử dụng những toán nhỏ, được huấn luyện rất thuần thục, nhằm gây tổn thất lớn về vật chất và tinh thần cho đối phương. Vả lại, phải mất một thời gian lâu dài, địch mới đào tạo bổ sung được hơn 40 tên đặc công.
Ngoài bản doanh chính tại căn cứ Lai Khê, Sư Đoàn 5 đặt Bộ Tư Lệnh Hành quân tại thị trấn An Lộc, tức tỉnh lỵ Bình Long, nằm trên Quốc lộ 13, cách Saigon khoảng 100km về hướng bắc. Tướng Hưng và Đại tá Vỹ thường luân phiên có mặt tại An Lộc để kịp đáp ứng tình hình.
THỜI THẾ TẠO ANH HÙNG
Những ngày đầu tháng 4-1972, đã có tin tình báo ghi nhận những cuộc chuyển quân của địch từ phía bên kia biên giới, theo hướng bắc và đông bắc tiến gần đến Lộc Ninh, một quận lỵ thuộc tỉnh Bình Long, cách thị trấn An Lộc khoảng 20km về phía tây bắc. Đây là nơi đặt Bộ Chỉ Huy Chiến đoàn 9 (gồm Trung đoàn 9 BB, Tiểu đoàn Biệt động quân, Chi đoàn Thiết giáp, Tiểu đoàn Pháo binh v.v.).
Thế rồi, rạng sáng ngày 6 tháng 4 năm 1972, vẫn với chiến thuật quen thuộc tiền pháo hậu xung, lực lượng địch với quân số đông gấp ba quân trú phòng, lại có chiến xa yểm trợ mở cuộc tấn công. Đại Tá Chiến đoàn trưởng Nguyễn Công V. cùng một số sĩ quan tham mưu bị bắt làm tù binh. Trong khi đó, thị trấn An Lộc, tức tỉnh lỵ Bình Long, bị địch pháo kích từ mấy ngày trước, mở màn cho những trận mưa pháo ròng rã trên ba tháng trời. Người ta bàng hoàng, lo lắng khi nghe được tin Lộc Ninh thất thủ. Tướng Hưng và Đại Tá Vỹ đều có mặt tại BTL Hành quân để điều động quân sĩ trong vùng được gọi là mặt trận Bình Long – An Lộc.
Ngày 13-4-1972, Việt Cộng tung 3 Sư đoàn bộ binh (Công trường 5, 7, 9), có pháo và chiến xa yểm trợ tấn công. Mở đầu là những trận mưa pháo rót vào thị xã từ nửa khuya. Đạn pháo nổ liên tục trải khắp thành phố, rung chuyển mặt đất. Người ta không thể ước tính được có bao nhiêu trái đạn pháo và cũng không định hướng được địch đã pháo từ phía nào. Không kể những vị trí quân sự như Bộ Tư Lệnh Hành Quân/SĐ5, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, Bộ Chỉ Huy TrĐ 8 v.v., bệnh viện, trường học, chợ, nhà dân, trung tâm tạm cư cho người di tản từ Lộc Ninh đều bị trúng pháo địch. Cả thành phố chìm trong lửa khói.
Rồi bỗng nhiên địch ngừng pháo. Bên ngoài, trời vừa hừng sáng, những cột khói đen vươn lên cao. Người ta nghe được tiếng máy gầm gừ của đoàn cơ giới tiến vào thị xã. Không! Không thể lầm được! Chiến xa địch đang di chuyển, càng lúc càng gần Bộ Tư Lệnh Hành Quân. Đây là lần đầu địch sử dụng chiến xa tại chiến trường miền Đông và cũng là lần đầu tiên, binh sĩ của ta phải đối phó, nên có phần nào hoảng hốt, bối rối.
Nhưng lạ thay, các họng súng đại bác trên chiến xa không thấy nhả đạn, địch hình như đang dò tìm mục tiêu, chúng đã mất phương hướng. (Có lẽ chúng đã pháo kích tan nát An Lộc nên chẳng thể nào nhận ra đường hướng tấn công ?!!)
Một chiếc T54 đang nghiến xích sắt trên mặt đường sát bên hông BTL/Hành Quân. Mọi người, từ binh sĩ tới Tư Lệnh chiến trường, đều nín thở như chờ đợi một thảm họa và hầu như phó mặc cho số phận. Bỗng Đại Tá Vỹ lao khỏi hầm, với nón sắt, áo giáp và đặc biệt khẩu súng chống chiến xa M72 trên tay, theo sau là Trung úy sĩ quan tùy viên. Tới bờ tường phòng thủ, vừa lúc chiến xa địch vượt qua khỏi cổng chính khoảng 20 mét, Ông quỳ người, giữ tư thế tác xạ, đưa M72 lên vai. Người sĩ quan tùy viên kế bên, khom người quan sát. Mọi người trong hầm chỉ huy hồi hộp phóng tầm nhìn qua lỗ châu mai. Một tiếng nổ … và một luồng lửa đỏ tống về phía sau. Chiến xa địch bị trúng hỏa tiễn, bốc khói nhưng vẫn cố di động trước khi trở thành một khối sắt xám xịt vô dụng bên vệ đường.
Quân sĩ từ trong hầm chỉ huy đổ ra ngoài reo hò mừng rỡ. Bây giờ người ta mới thực sự tin M72 đã bắn hạ chiến xa địch mà suốt mấy năm qua, từ khi được trang bị, chưa có cơ hội tác xạ. Ai ngờ ngày hôm đó, trong cơn nguy khốn, vị Đại Tá Tư Lệnh Phó chiến trường lại làm nhiệm vụ một khinh binh, đích thân sử dụng M72 triệt hạ T54 của Bắc Việt.
Câu chuyện Đại Tá Vỹ bắn hạ chiến xa địch lan truyền, tinh thần quân sĩ trú phòng tại Bình Long – An Lộc lên cao. Đó đây có những báo cáo về Bộ Tư Lệnh, cho biết đã bắn hạ thêm nhiều chiếc khác. Vì Hà Nội mở chiến dịch Xuân Hè 1972 khắp 3 vùng chiến thuật, lực lượng Tổng trừ bị VNCH (Nhảy Dù và TQLC) bị phân tán mỏng. Sau đó, Bộ Tổng Tham Mưu giữ TQLC ở vùng I, và đưa Nhảy Dù về vùng III và vùng II. Quân Đoàn III còn được tăng phái một số đơn vị của Quân Đoàn IV như SĐ21BB, SĐ9BB. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù cũng vào mặt trận hầu có thể sớm giải tỏa An Lộc. Nếu An Lộc thất thủ, Sàigòn tất nhiên bị đe doạ.
Trong khi các lực lượng giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn tại các nút chặn quanh thị xã An Lộc, nhất là tại Xa Cam, khoảng 10km về phía nam, thì lực lượng tử thủ bên trong thị xã như sống trong hỏa ngục. Hàng ngày, cái thị trấn nhỏ bé nhận nhiều ngàn quả đạn pháo của địch, cộng thêm tiếng bom nổ của các phi cơ oanh kích chiến xa địch trên đường tiến gần thị xã, tiếng bom từ B52 trải xuống quanh vùng dội lại v.v.
Liên lạc từ BTL Hành Quân đến các đơn vị bên ngoài bị gián đoạn. Tinh thần mọi người quá căng thẳng và rơi vào tình trạng khủng hoảng. An Lộc bị vây hãm càng lâu, tinh thần quân sĩ trú phòng càng xuống. Thiếu ngủ, thiếu dinh dưỡng, thiếu nước, v.v. lại thêm môi trường ô nhiễm vì xác tử thi đã thối rữa, bốc mùi v.v. thực không sao tả hết được nỗi kinh hoàng cùng cực của các chiến sĩ tử thủ An Lộc ba mươi sáu năm về trước.
Vì “tất cả cho chiến trường”, cho nên kế hoạch tiếp tế, tản thương đã lập tức thực hiện song song với việc giải tỏa. Việc tiếp tế thả dù khởi đầu không được như ý. Phi cơ phải tránh phòng không địch, nên bay quá cao và có nhiều kiện hàng rơi không đúng nơi dự tính. Lại thêm địch tiếp tục pháo nên việc đón nhận các tiếp liệu phẩm gặp khó khăn. Đã có những quân nhân tử nạn vì bị kiện hàng rơi trúng, không kịp tránh, hoặc bị trúng đạn pháo trước khi chạm tay vào các vật phẩm tiếp tế.
Dẫu vậy, không như Cổ Thành Quảng Trị ở Vùng I hay Tân Cảnh (Dakto) ở Vùng II, thị trấn An Lộc đã đứng vững, chứng minh tinh thần anh dũng, quyết chiến của các chiến sĩ tử thủ cũng như các chiến binh giải tỏa.
Rời chiến trường Bình Long – An Lộc, một trận chiến làm rúng động thế giới, Đại Tá Vỹ về làm Phụ Tá Hành quân Tư Lệnh Quân Đoàn III rồi được chỉ định làm Tư Lệnh lực lượng đặc nhiệm (gồm liên đoàn Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh v.v.). Ngoài ra, Ông cùng một phái đoàn được đi du ngoạn Đài Loan gọi là để tưởng thưởng các chiến sĩ hữu công. Sư Đoàn 5BB cũng có một Tư Lệnh mới, Đại Tá Trần Quốc Lịch thay Tướng Hưng từ sau trận chiến An Lộc. Những cuộc giao tranh ác liệt không còn, thỉnh thoảng địch “đóng chốt” hoặc bắn xẻ.
Triệu Vũ
https://www.facebook.com/groups/344579881159452/?multi_permalinks=534992155451556&ref=share