TƯỚNG TRẦN QUANG KHÔI: MỘT ĐỜI KỴ BINH, HIÊN NGANG, LẪM LIỆT (KB NguySaigon)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Năm 1945, khí thế chống Pháp đang dâng lên theo bài hát “Mùa Thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, có một thiếu niên 15 tuổi quê làng Đa Phước Hội, quận Mỏ Cày, tỉnh Kiến Hòa đã cùng người em ra đi theo tiếng gọi kháng chiến. Đó là chàng thiếu niên Trần Quang Khôi đang học Trung Học Taberd, Saigon, đã xếp bút nghiên cùng người em ra đi. Sau hơn ba năm trong tổ chức Việt Minh, thất vọng, chàng thiếu niên đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến trở về thành và đã hoàn thành văn bằng Tú Tài đôi tại trường Collège Le Myre de Vilers, Mỹ Tho.
 
Năm 1951, Quốc Trưởng Bảo Đại ký sắc lịnh động viên, những thanh niên ngoài Bắc gia nhập khóa 1 Nam Định và những thanh niên quê quán trong Nam lên đường nhập ngũ khóa 1 Thủ Đức. Chàng thanh niên Trần Quang Khôi là một SVSQ khóa 1 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Với lòng hăng say và tình yêu nước nồng nàn, nguyện hiến dâng đời trai cho Quân Đội, SVSQ Trần Quang Khôi làm đơn xin Bộ Quốc Phòng chuyển qua ngạch hiện dịch. Được chấp thuận, SVSQ Trần Quang Khôi đã nhập khóa 6 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt cuối năm năm 1951. Sau khi mãn khóa Đà Lạt, được chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Thiết Giáp của Quân Đội Pháp tại Vũng Tàu để được đào tạo thành một SQ Kỵ Binh. Cùng khóa Thiết Giáp có Thiếu úy Hoàng Xuân Lãm, Nguyễn Văn Toàn, Phan Hòa Hiệp, Lý Tòng Bá … Khóa học này do các huấn luyện viên người Pháp giảng dạy gồm có các môn: Tổ Chức, Kỹ Thuật và Chiến Thuật cấp Trung Đội và Đại Đội Thiết Giáp. Năm 1955, trung úy Trần Quang Khôi đã được gửi đi huấn luyện tại Trường Thiết Giáp Saumur, Pháp. Đây là một quân trường lâu đời và nổi tiếng nước Pháp mà hầu hết các Tướng Tá nổi tiếng của nước Pháp xuất thân tại quân trường Saumur này. Năm 1959, Đại úy Trần Quang Khôi nhập khóa cao cấp Thiết Giáp tại quân trường Fort Knox, Kentucky. Với kinh nghiệm trận mạc ở Miền Bắc VN và được huấn luyện ở hai quân trường Thiết Giáp nổi tiếng trên thế giới, Trần Quang Khôi đã bước vào con đường binh nghiệp rất huy hoàng.
 
Là người thông minh, tự tin và có tinh thần tự chủ, lại có trình độ văn hóa cao, cộng thêm tình yêu nước nồng nàn . Quan niệm chiến thuật của ông, khi chỉ huy một đơn vị thiết giáp, phải toàn khối mới phát huy hết sức mạnh tối đa của hỏa lực, ông lúc nào cũng chống lại việc xé nhỏ lực lượng Thiết giáp. Điều này đã không làm hài lòng các tướng lãnh gốc Thiết Giáp như Tôn Thất Đính và Lâm Văn Phát. Ông đã từng chỉ huy Trung đoàn 4 Thiết Giáp và từng làm Trung Đoàn Trưởng Bộ Binh. Năm 1964 về làm Trưởng Phòng Ba, Quân Đoàn II và Vùng II Chiến Thuật, dưới quyền chỉ huy của Danh Tướng Đổ Cao Trí. Trong chức vụ này Tướng Khôi đã phát huy hết khả năng tham mưu, thiết kế các lệnh hành quân cho các đơn vị trực thuộc Quân Đoàn II.
 
Năm 1965 đảm nhiệm Trung Đoàn Trưởng, Trung Đoàn 5 Thiết giáp thay thế Đại Tá Lâm Quang Thơ, Tướng Khôi đã đề nghị với Đại Tá Lâm Quang Thơ, đang là Tư Lệnh Sư Đoàn 10 BB sau năm 1967 cải danh là Sư Đoàn 18 BB, cung cấp một Đại Đội Bộ Binh tùng thiết cho mỗi Chi Đoàn. Điều này sau đó, đã được áp dụng để phát huy tối đa khả năng tấn công và phòng thủ cho từng Chi Đoàn Thiết Kỵ. Tuy nhiên vì bản tính tự tin và quyền biến, ít khi lệ thuộc vào ý kiến của cố vấn Hoa Kỳ nên không được lòng các cố vấn. Đại Tá Battreall đang là cố vấn cho Trung Đoàn 5 Thiết Giáp không hài lòng, đệ trình lên Đại Tướng Westmoreland yêu cầu Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, cách chức Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 5 Thiết Giáp. Ngồi chơi xơi nước, đến năm 1967 xin đi học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp ở Leavenworth, Hoa Kỳ, nhưng bị từ chối. May mắn Trung Tướng Đổ Cao Trí lúc ấy đã giải ngũ vì lý do chánh trị, được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử đi làm Đại Sứ tại Đại Hàn Dân Quốc, Tướng Trí đã đưa Trung Tá Khôi làm Tùy viên Quân Sự Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Đại Hàn.
 
Năm 1968 sau Tết Mậu Thân, Tổng Thống Thiệu triệu hồi Tướng Trí về lại Việt Nam, cho tái ngũ và đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III/Quân Khu III, Trung Tá Khôi đã trở thành cánh tay đắc lực cho vị tướng Tư Lệnh, từng được mệnh danh là Patton VN, đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn Phòng, Bộ Tư Lệnh, sau đó thăng Đại Tá, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 18 BB. Bằng vào khả năng tổ chức và lãnh đạo, Đại Tá Khôi đã giúp cho Tướng Tư Lệnh Đổ Kế Giai, tổ chức, huấn luyện trở thành một Sư Đoàn thiện chiến, bằng cách theo cấp Tiểu Đoàn để hướng dẫn và huấn luyện các Tiểu Đoàn Trưởng cùng các Sĩ Quan. Tuyển mộ quân nhân tình nguyện có thưởng, cùng lúc lo lắng cho gia đình binh sĩ để các chiến sĩ yên tâm chiến đấu, phụng sự quốc gia. Trong thời gian này, Tướng Trí đã tổ chức những cuộc hành quân Toàn Thắng. Đặc biệt trong cuộc hành quân Toàn Thắng 42, Đại Tá Khôi đã chỉ huy Chiến Đoàn 318 cùng các chiến đoàn 225 và 333. Đây là cuộc hành quân đầu tiên Quân Đoàn áp dụng một lực lượng lớn Thiết giáp phối hợp cùng các Quân Binh Chủng cùng với quân đội Đồng Minh trên một địa thế xa lạ ngoài lãnh thổ VNCH.
 
    Chiến đoàn 318 gồm Thiết Đoàn 18 KB và hai Tiểu Đoàn Biệt Động Quân được yểm trợ 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh di động Hoa Kỳ đã cùng CĐ 225 và CĐ 333 đạt được nhiều kết quả mỹ mãn như tên gọi cuộc hành quân là Toàn Thắng. Quan trọng nhứt dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Khôi, nhị thức Bộ Binh – Thiết Giáp đã phát huy hết khả năng, phối hợp nhuần nhuyễn, di động nhanh, hỏa lực hùng hậu, hiệu năng xung kích Thiết Giáp Binh các Chiến đoàn Thiết giáp đã tiến nhanh vũ bão vào các mục tiêu với sự yểm trợ hỏa lực hùng hậu của Pháo Binh Hoa Kỳ. Đặc biệt khi được lịnh tiến chiếm Kompong Trach, Đại Tá Khôi đã có quyết định táo bạo đánh đêm. Quyết định này đã bị toán cố vấn Hoa Kỳ phản đối. Toàn thể toán cố vấn cho Chiến đoàn 318 đã rời bỏ Chiến đoàn. Không hề nao núng, Đại Tá Khôi vẫn tiến hành cuộc hành quân này, dù không có toán cố Vấn HK. Tuy nhiên Cố vấn HK cho Quân đoàn khi được tin, đã ra lịnh cho toán cố vấn trở lại Chiến Đoàn. Đây là một thắng lợi của Đại Tá Khôi.  Đúng theo kế hoạch sau khi đến điểm tập trung và đúng 03 giờ sáng ngày 8 tháng 5 năm 1970 đã tấn công mạnh mẽ và đã đạt được chiến thắng. Đây là một điểm sáng chói của Đại Tá Khôi trong nghệ thuật điều động lực lượng Thiết Giáp tấn công vào ban đêm, đã là tiền đề cho chiến thắng vang danh Thế Giới trong trận tấn công vào ban đêm để giải tỏa Đồn BĐQ Biên Phòng Đức Huệ bị SĐ5 CSBV bao vây, đã làm các tùy viên quân sự trên thế giới ngưỡng mộ.
 
Trong khi sắp sửa thay thế Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai trong chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB, Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh được thành lập tháng 10 năm 1970. Vì yêu màu Mũ Đen, vì yêu đời Kỵ Binh và cũng đã hiểu thấu đáo tính chất, chiến thuật cùng nghệ thuật lãnh đạo Chỉ huy Thiết Giáp, Đại Tá Khôi đã tình nguyện về làm Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh.
 
Trong cương vị Tư Lệnh Lữ Đoàn KB, Đại Tá Khôi đã tổ chức thành công đơn vị được gọi dưới danh xưng Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III, với sự phối hợp tuyệt vời giữa Thiết giáp và Bộ Binh tùng thiết cùng với Pháo Binh cơ hữu và các Tiểu đoàn Truyền tin, Tiếp vận để có thể hoạt động, hay tổ chức các cuộc hành quân độc lập, không cần phối hợp với đơn vị bạn. Vì đã được huấn luyện tập dượt nhuần nhuyễn nên Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III (LLXKQĐIII) đã tạo nên những chiến công hiển hách, những chiến thắng thần tốc tại Dambe, Suong, Kreg, Chlong, Hố Bò, Khiêm Hanh, An Điền, Rạch Bắp…
 
Dưới sự chỉ huy và điều động của vị Tướng lừng danh QLVNCH –  Đỗ Cao Trí – LD3KB/LLXKQĐIII đã là thanh thượng phương bảo kiếm đã làm bạt vía quân thù trên khắp chiến trường QĐIII. Trong cuộc hành Quân Toàn Thắng 1/71, LLXKQĐIII đã tham dự với hai chiến Đoàn 315 và 318 đã đạt được nhiều chiến thắng. Trong giai đoạn 1 LLXKQĐIII tiến chiếm đồn điền Chup và tiến vào Dambe cùng lúc chờ đợi để cùng toàn thể các chiến đoàn 333 và Chiến đoàn 5 BĐQ tiến vào Kratie thì Tướng Trí rớt trực thăng, đền nợ nước, khiến cho đoàn quân bị dậm chân tại chỗ tạo cơ hội cho các Sư Đoàn BB Bắc Việt chấn chỉnh đội ngũ, bao vây chận đường rút lui của các chiến đoàn, Tướng Nguyễn Văn Minh thay thế Tướng Trí, đã bất lực sau khi hai lần chỉ huy đoàn quân rút lui thất bại. Các chiến đoàn bị thiệt hại nặng nề. Đại Tá Khôi đã hiên ngang xin Quân Đoàn cho Đại Tá Khôi điều động và chỉ huy cuộc rút lui. Được sự chấp thuận của Tướng Minh, Đại Tá Khôi đã tổ chức lại và sáp nhập Chiến đoàn 5 vào LLXKQĐIII. Dùng nghi binh đã đưa được đoàn quân về Nam Dambe, tấn công mạnh mẽ, bắt tay cùng CĐ 5 BĐQ đang ở phía Nam Dambe và tất cả đã rút lui trong trật tự về Suong và sau đó đã giải cứu thành công TĐ30 BĐQ tại căn cứ Alfa sau khi SĐ25BB đã thất bại. Kế đó khi chiến đoàn 8, SĐ5BB bị bao vây và bị tập kích trên đường rút lui ở Snoul, Đại Tá Khôi đã thành công khi đi tiếp trợ và cứu viện đưa được Chiến Đoàn 8 BB về lại Thiện Ngôn .
 
Sau đó không thể làm việc với Tướng Minh, Tư Lệnh QĐ/QKIII, Đại Tá Khôi từ chức và xin đi học khóa Chỉ huy Tham Mưu Cao Cấp Hoa Kỳ năm 1972. Khi Hiệp định Paris được ký kết, các khóa sinh người Mỹ cùng khóa Tham Mưu Cao Cấp, đã đề nghị giúp đỡ Đại Tá Khôi ở lại Mỹ vì chiến tranh VN đã chấm dứt. Đại Tá Khôi quyết định trở về nước. Ngày hai buổi đi dạy ở Trường Tham Mưu Cao Cấp (TMCC) Long Bình, sống đời công chức an nhàn dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị. Thời điểm này chiến trường sôi động nhưng bất lợi cho QLVNCH, vì những ràng buộc hạn chế về viện trợ và vũ khí, theo tinh thần Hiệp định đình chiến Paris một đổi một, và dù cuộc sống an nhàn tiện nghi, có nhiều thì giờ gần gũi cùng gia đình, nhưng trách nhiệm của một người lính, đã thôi thúc Đại Tá Khôi phải trở lại chiến trường. Đại Tá Khôi đã làm sống lại LĐ3KB và xin Trung Tướng Thuần cho thành lập lại LLXKQĐIII. Từ đó LĐ3KB / LLXKQĐ III tái xuất giang hồ, đã tiếp tục tung hoành khắp các chiến trường, làm khiếp đảm quân thù.
 
Điển hình là trận giải tỏa căn cứ Biên Phòng Đức Huệ. Khi SĐ25 BB đã thất bại trong nỗ lực giải tỏa căn cứ, Tướng Khôi được Tướng Thuần trao nhiệm vụ thảo kế hoạch giải tỏa căn cứ Đức Huệ, nơi đó hơn 400 chiến sĩ BĐQ Biên Phòng và gia đình đã tử thủ gần tháng trời không được tiếp tế, tản thương vì phòng không quá mạnh. Tướng Khôi lập kế hoạch phải vượt biên qua Miên và tấn công phía sau Sư Đoàn 5 CSBVXL. Vì sự tế nhị ngoại giao, Tướng Thuần bác kế hoạch này và yêu cầu Tướng Khôi làm kế hoạch khác. Tướng Khôi đã nài nỉ, đã thuyết phục Tướng Thuần chấp thuận vì không có một kế hoạch nào khác khả dĩ. Tướng Khôi trình với Tướng Thuần “Chúng ta không thể yên lặng bất động để hơn 400 chiến sĩ và gia đình bị Cộng quân tiêu diệt mà không có một phản ứng thích hợp và cần thiết nào”. Cuối cùng kế hoạch được chuyển lên TT Thiệu và được chấp thuận. Chỉ trong một ngày Tướng Khôi và LĐ3KB / LLXKQĐIII đã đánh tan SĐ5 CSBVXL tịch thu rất nhiều vũ khí và hỏa tiễn. Một kế hoạch đã làm TT Thiệu thích thú. Một chiến công đã làm kinh động tất cả các giới chức, các tùy viên quân sự trên thế giới. Đã được các giới chức cao cấp Hoa Kỳ khen ngợi. Đặc biệt Đại Tá Battreal, người có công tổ chức, thành lập, yểm trợ cho Thiết Giáp Binh đã nhận định đây là chiến thắng oanh liệt nhứt trong Chiến Tranh Việt Nam và xếp hạng Tướng Khôi là một trong 4 Tướng Lãnh Kỵ binh xuất sắc nhứt thế giới trong thế kỷ 20: George Patton, Erwin Rommel, Creighton Abrams, Trần Quang Khôi.
 
       Ngày tàn chiến trận, Tướng Khôi đã quyết định ở lại, đã kêu gọi tinh thần yêu nước, danh dự và trách nhiệm của người chiến binh QLVNCH chiến đấu đến cùng. LĐ3KB / LLXKQĐIII và các đơn vị tăng phái như LĐ468 TQLC và LĐ2ND là lực lượng cuối cùng của QDIII / QKIII còn tại hàng chiến đấu. Đã đánh tan một Trung Đoàn việt cộng, bắn cháy 12 chiến xa T54 tại căn cứ Nước Trong, Trường Thiết Giáp Long Thành, gây thiệt hại nặng nề cho SD341 BVXL tại Biên Hoà và sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 đang kéo quân về để bảo vệ Saigon, tới Bình Triệu được lịnh đầu hàng vô điều kiện. Tại thời điểm đó, Tướng Khôi đang có hai trực thăng C&C tại trại Phù Đổng, ông đã từ chối lời đề nghị của Thiếu Tá Cơ, phi công trực thăng, tình nguyện đưa Tướng Khôi di tản ra Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ. Ra đi lúc đó không ai dè bỉu hay dị nghị vì Tướng Khôi đã làm xong nhiệm vụ của một Tướng Lãnh, đang cầm quân tại mặt trận không bỏ đơn vị, không bỏ chiến sĩ, để đào thoát. Đã chấp nhận ở lại cùng ba quân để giữ lời cam kết cùng sống chết với các chiến sĩ cũng như danh tướng Đổ Cao Trí đã cùng sống cùng chết và cùng nằm chung với các chiến sĩ tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà như lời cam kết ngày nào tại chiến trường Cambodia.
 
Tướng Khôi là một Tướng Lãnh kiệt xuất của Quân Đội. Không tham gia vào những biến chuyển chánh trị, đảo chánh, lật đổ. Ông chú tâm vào huấn luyện, thao dượt binh sĩ và chăm lo đời sống các binh sĩ dưới quyền. Không thượng đội hạ đạp, không hoa hòe hoa sói, nặng phần trình diễn chỉ một lòng tận trung báo quốc. Đã được sự tin tưởng tuyệt đối của các Kỵ Binh cùng các đơn vị Bộ Binh tăng phái như Biệt Động Quân Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến …Tại sao các chiến sĩ LĐ3KB/LLXKQĐIII cùng các đơn vị tăng phái ND, TQLC đã chấp nhận ở lại không tan hàng tháo chạy, vững tay súng cho đến giờ phút cuối cùng? Chắc chắn các chiến sĩ đó đã thấy được, trong quá khứ, đã tin tưởng phẩm chất cao đẹp của một Tướng Lãnh cầm quân, nguyện chiến đấu và hiến thân dưới Cờ Vàng. Một vị Tướng đã ở lại để cùng chia gian khổ nhục nhằn kiếp tù binh thất trận mất nước 17 năm ròng rã.
 
Ra tù qua Mỹ đoàn tụ cùng gia đình , Tướng Khôi dù tuổi đã cao, cũng quyết định trở lại trường học và đã đạt văn bằng Cao Học Văn Chương Pháp (Master Degree) Ông đã thân mật sinh hoạt cùng các chiến hữu Kỵ binh ngày xưa, dùng khả năng văn chương đã viết lại những trận đánh tuyệt vời ngày nào và đã được đăng trong Đặc San Thiết Giáp Hoa Kỳ. Ngoài ra Tướng Khôi đã được Senator Richard Black của Quốc Hội Tiểu Bang Virginia mời đến Richmond để được vinh danh trước Thượng Viện TB Virginia. Senator Richard Black nguyên là Đại tá TQLC Mỹ đã từng chiến đấu và bị thương trận ở Việt Nam.
 
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến LĐ3KB/LLXKQĐIII đã trấn đóng Ngã Ba Dầu Giây – Hưng Lộc, chặn đứng Quân Đoàn 4 việt cộng. Đã tiếp cứu Chiến Đoàn 52 /SĐ18BB không bị tràn ngập. Đã giữ vững Biên Hoà trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Chỉ buông súng tan hàng khi vị Tổng Tư Lệnh ra lịnh ngày 30 tháng tư năm 1975 lúc 10 giờ sáng.
 
Với một tư cách như thế, với một phẩm chất như thế Tướng Khôi đã trở thành biểu tượng hào hùng bất khuất của một Kỵ Binh đã cống hiến cả đời trai trẻ cho Tổ Quốc, cho Quân Đội. Chưa bao giờ lùi bước trước kẻ thù. Đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Đã ở lại để cùng chia xẻ với các chiến sĩ đủ mọi binh chủng, những nghẹn ngào, cay đắng, tủi nhục của một người lính bại trận. Đã ở 17 năm trong ngục tù Cộng sản vẫn giữ phẩm chất và tinh thần cao đẹp của người chiến sĩ QLVNCH. Bằng câu tuyên bố: ” Nếu phải làm lại từ đầu, tôi (Tướng Khôi) vẫn làm như thế. Dù biết rằng tôi sẽ mất tất cả ngoại trừ DANH DỰ”
 
Hôm nay Tướng Khôi đã giã từ cuộc đời, giã  từ các chiến hữu Kỵ Binh, để lên ngựa về núi Sóc Sơn trình diện Thánh Tổ Phù Đổng Thiên Vương, đoàn tụ cùng các Kỵ Binh yêu quý đã cùng nhau chiến đấu bảo vệ bờ cõi và đã trả xong nợ núi sông. Cả cuộc đời 25 năm chinh chiến, Tướng Khôi đã dâng cả đời trai cho sa trường, đã làm tròn bổn phận người dân trong cơn quốc biến. Tướng Khôi đã ra đi, chúng tôi những KB ngày nào còn ở lại, xin bắt súng chào, để đưa tiễn vị tướng bách chiến bách thắng về cõi vô cùng .
 
Tổ Quốc Ghi Ơn!
 
KB NguySaigon
5/2023