TƯỜNG THUẬT PHIÊN TÒA PHÚC THẨM XÉT XỬ EM NGUYỄN MAI TRUNG TUẤN (Ctv DanLambao)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

                             
Phát biểu trước toà khi được VKS hỏi, Nguyễn Mai Trung Tuấn trả lời ngắn gọn: Tôi hoàn toàn vô tội! Ảnh. Facebook An Nam Dương Lâm

Sáng nay 2/3/2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An đã mở phiên phúc thẩm xét xử thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn. Tuấn bị bắt ngày 6/8/2015 khi em mới 15 tuổi rưỡi. Nguyễn Mai Trung Tuấn bị buộc tội “cố ý gây thương tích” và bị Tòa án Nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An tuyên án 4 năm 6 tháng tù hôm 24/11/2015, đồng thời yêu cầu bồi thường cho “bị hại” là công an Nguyễn Văn Thủy 42 triệu 600 ngàn đồng.
Phiên phúc thẩm hôm 1/2/2016 dưới hình thức xét xử lưu động đã bị hoãn bởi đề nghị của các luật sư. Các luật sư cho rằng có nhiều yếu tố liên quan đến công tác xét xử không rõ ràng, dễ dẫn đến việc kết án oan sai cho thân chủ của họ. Chín trong số 11 luật sư nhận bào chữa miễn phí cho Nguyễn Mai Trung Tuấn đã đề nghị tòa không áp dụng hình thức xét xử lưu động đối với một người còn ở độ tuổi vị thành niên.
Phiên phúc thẩm lần này diễn ra tại trụ sở của tòa án, nằm trên đường Trương Định, thành phố Tân An, Long An.
Phiên tòa được thông báo là công khai nhưng không một người dân nào được quyền vào tham dự. Phía an ninh với lực lượng hơn 200 người gồm công an sắc phục, mật vụ, dân phòng và cảnh sát cơ động bao vây kín khu vực quanh trụ sở tòa án.
Người dân không được vào tham dự. Ảnh Dân Làm Báo
Phiên tòa công khai nhưng không một người dân nào được quyền vào tham dự. Ảnh Dân Làm Báo
 
Có khoảng 60 người gồm những nhà hoạt động nhân quyền, sinh viên, dân oan từ Sài Gòn, Vũng Tầu, Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội và một số tỉnh thành khác cũng đến theo dõi phiên tòa.
Ảnh: Dân Làm Báo
Bà Mai Kim Trúc (dì ruột của Tuấn) cho CTV Dân Làm Báo biết “đa số họ hàng, người thân còn lại của Tuấn đều bị côn an ngăn cản và canh giữ ngay tại nhà nhằm ngăn cản việc đi đến tham dự phiên tòa.”
Phiên tòa bắt đầu lúc 7 giờ 45 phút.
Chủ tọa phiên tòa là ông Lê Hùng Cường.
Có 9 trong tổng số 11 luật sư có mặt, tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyễn Mai Trung Tuấn vì hai luật sư Đặng Huỳnh Lộc và Nguyễn Mạnh Hiến đã thông báo ngừng việc bào chữa. Các luật sư bào chữa cho Tuấn gồm:
1. Luật sư Dương Phi Anh
2. Luật sư Lê Quang Hiến
3. Luật sư Trần Bá Học
4.Luật sư Lê Thị Minh Nhân
5. Luật sư Trần Hồng Phong
6. Luật sư Nguyễn Tấn Thi
7. Luật sư Trần Văn Thanh
8. Luật sư Phùng Thanh Sơn
9. Luật sư Nguyễn Văn Miếng.
Một chiếc xe phá sóng được đặt ngay trước sân của trụ sở tòa án khiến việc liên lạc, đưa thông tin của những người theo dõi phiên tòa bên ngoài ra công luận rất khó khăn.
Cũng bên ngoài trụ sở tòa án được đặt một chiếc loa thùng để truyền âm thanh ra ngoài. Tuy nhiên, âm thanh rất nhỏ và khó nghe.
Lúc 7 giờ 50 phút, tức khi phiên tòa bắt đầu chừng 5 phút, những người quan sát phiên xét xử bên ngoài trụ sở tòa án đồng thanh hô to: “yêu cầu mở loa to!“.
Phiên tòa công khai nhưng người dân chỉ được nghe qua cái loa mở âm thanh rất nhỏ. Ảnh Dân Làm Báo
Dưới áp lực của những người này, tòa buộc phải nhượng bộ, mở âm thanh của loa vừa đủ nghe.
Có mặt tại phiên phúc thẩm hôm nay, dân oan tỉnh Ninh Thuận, bác Lê Thảo cho biết “Tôi nghĩ chính quyền làm sao cho dân nghe và thấu tình đạt lý, có đạo đức. Gia đình em Tuấn bị cưỡng chế, cả gia đình bị đi tù rồi mà tòa còn muốn ép xử cho em Tuấn bản án như vậy thì mất đạo đức quá. Phiên tòa mà không cho người dân vào tham dự, phải nghe qua loa thì đã thấy không rõ ràng, minh bạch rồi. Chưa kể điều động lực lượng an ninh, công an đông thế này thì hoang phí thuế của dân quá.”
Mọi người tham dự phiên toà trong vòng vây công an, an ninh. Ảnh Dân Làm Báo
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng tòa quy tội Tuấn không chấp hành hình thức cho tại ngoại mà bỏ trốn là không đúng. Bản thân Tuấn cũng không biết mình bị truy nã và việc bị buộc tội chống lại lệnh truy nã cũng không đúng. Bởi hai lẽ, thứ nhất Tuấn là trẻ dưới 16 tuổi. Thứ hai, bản thân Tuấn không nhà không cửa, không nơi ở cố định nên không nhận được lệnh này.
Người giám hộ của Tuấn được triệu tập là cậu ruột của Tuấn, ông Mai Quốc Biển.
Tuy nhiên, Tuấn đã không đồng ý ông Mai Quốc Biển làm đại diện hợp pháp cho mình. Tuấn yêu cầu người đại diện hợp pháp phải là cha mẹ đẻ của mình, những người cũng đang bị ngồi tù.
Chủ tọa phiên tòa hỏi lại nhiều lần việc Tuấn có đồng ý ông Mai Quốc Bảo không. Tuấn vẫn khẳng định là “không”.
Chủ tọa Lê Hùng Cường hỏi ông Biển: “Vậy ai là người mời ông làm đại diện cho bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn?”
Ông Biển trả lời rất lúng túng và nghe không rõ.
Tòa đề nghị thảo luận trong ít phút và đi đến quyết định vẫn tiếp tục phiên tòa.
Trong giờ giải lao mọi người đồng thanh hát bài Trả lại cho Dân. Ảnh Dân Làm Báo
Trong quá trình xét xử, phần trình bày của các luật sư và “bị cáo” Nguyễn Mai Trung Tuấn rất nhỏ, âm thanh khó nghe trong khi lời buộc tội từ phía Viện kiểm sát và Tòa án nghe rất to và rõ. Âm thanh phần trình bày của các “bị hại” nghe càng không rõ.
Sau phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa bắt đầu đặt câu hỏi với Nguyễn Mai Trung Tuấn.
Tuấn trình bày khi hoảng loạn tại hiện trường nên Tuấn cầm ca nước không biết đó là acid. Sau khi bị bắt và bị điều tra mới nghe CAĐT đó là acid. Theo quan điểm của Tuấn, cáo buộc của tòa về việc chuẩn bị acid để tấn công lực lượng cưỡng chế là không đúng vì gia đình làm nghề sửa xe nên luôn có acid trong nhà.
Trong phần hỏi đáp, ông Thuỷ (người bị hại) cho rằng mình đứng xa với khoảng cách mười mấy mét và người thanh niên cố tình tiến tới tạt acid.
Phản bác ý kiến này Tuấn trả lời: Bị cáo hoàn toàn không thù hằn gì với ông Thuỷ tại sao tôi phải tìm ngay ông để tấn công?

Bên ngoài tòa án, CTV Dân Làm Báo có dịp tiếp xúc và trò chuyện với anh Huy Chương, một người dân tham gia phiên tòa đến từ Sài Gòn. Khi được hỏi vì sao anh có mặt tại phiên tòa này, anh chia sẻ “Tôi biết thông tin phiên toà và gia cảnh của gia đình em Tuấn qua các trang báo lề trái và quyết định đến tham dự để hiểu rõ hơn sự việc.”
Anh Chương bất ngờ trước việc các lực lượng được điều động để canh giữ phiên toà. Đồng thời, việc không cho tham dự trực tiếp mà phải nghe thông qua loa đã làm anh bất ngờ hoàn toàn. “Nếu thật sự em Tuấn có tội thì tại sao chính quyền người ta phải “giở trò” như vậy ở phiên toà xét xử một đứa trẻ 15 tuổi????” – Anh đặt câu hỏi trước khi tiếp tục lắng nghe phiên toà qua loa.
Bà Võ Thị Nhung, bác gái của Tuấn bức xúc nói “Cả gia đình gồm em gái, ông bà ngoại, mấy người dì đều bị giữ ở nhà hết rồi, không cho ai xuống tham dự phiên toà cả. Ai trốn đi từ ngày hôm qua thì thoát được để đến đứng ngoài nghe chớ họ không cho vào. Một phiên toà mà người thân thì không cho tham gia, không cho người dân vào tham dự thì minh bạch, công lý sao được?”
Trong thời gian diễn ra phiên tòa tại Long An thì tại Hà Nội, hàng trăm dân oan 3 miền đã tập trung tại trụ sở tiếp dân, địa chỉ số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông để biểu tình phản đối phiên tòa bất công dành cho Nguyễn Mai Trung Tuấn.
Họ giơ cao các khẩu hiệu khẳng định “Nguyễn Mai Trung Tuấn vô tội”, “Tự do cho Nguyễn Mai Trung Tuấn” và cả biểu ngữ đòi tự do cho ông Nguyễn Văn Thông, một dân oan tại Tây Ninh sẽ ra tòa vào ngày 4/3/2016 tới đây vì bị buộc tội vi phạm điều 258. (1)

Ảnh Facebook Van Le
Bà con dân oan 3 miền xuống đường biểu tình đòi tự do vô điều kiện cho em Nguyễn Mai Trung Tuấn. Ảnh Facebook Hai Tran

Kết thúc phần chất vấn, chuyển sang phần trình bày quan điểm của các bên.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng tuy “bị cáo” chưa đến tuổi thành niên nhưng phạm tội rất nghiêm trọng. Vì thế phải chịu trách nhiệm hình sự. Cũng vì lẽ Tuấn chưa tới tuổi thành niên nên đề nghị không truy tố tội “chống người thi hành công vụ” nhưng phạm tội “cố ý gây thương tích”.
Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù giam cho Nguyễn Mai Trung Tuấn
Về phía các luật sư bào chữa cho em Nguyễn Mai Trung Tuấn, Luật sư Trần Bá Học đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Lý do ông đưa ra đề nghị trên vì khẳng định công tác giám định có quá nhiều mâu thuẫn. Và vì Tuấn còn quá trẻ nếu có xét xử thì là án treo, không thể kết án tù giam vì tương lai của Tuấn còn ở phía trước.
Luật sư Trần Văn Thanh: Theo lời khai với cơ quan điều tra, ông Thuỷ cho rằng mình bị một thanh niên khoảng 20 tuổi dùng ca màu xanh chứa acid tạt vào người. Nhưng trong thực tế vật chứng không đúng và có khá nhiều người mặc áo xanh chứ không riêng gì Tuấn.
Đây là điểm mâu thuẫn, không thể kết luận Tuấn là người tạt thì không có cơ sở kết tội Tuấn là người thực hiện gây thương tích trên 35 phần trăm cho ông Thủy. Do đó tôi cho rằng thân chủ tôi vô tội.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Việc bắt Tuấn theo lệnh truy nã là không đúng pháp luật vì các cơ quan chức năng ra lệnh bắt Tuấn hoàn toàn không biết. Ls Thi cũng nhắc lại việc ông Thủy ban đầu không biết ai là người tạt acid vào mình mà chỉ nghe điều đó từ phía công an điều tra. Nên mới khẳng định người tạt acid vào mình là Tuấn (???)
Điều này chứng minh rằng Tuấn không hẳn đã tạt acid vào ông Thủy. Việc Tuấn có lỗi và có tội là khác nhau.
Luật sư Thi cho rằng Tuấn chỉ có lỗi chứ không có tội. Và hành vi gây thương tích cho ông Thủy là không cố ý. Nguyễn Mai Trung Tuấn cũng không có thù hằn gì với ông Thủy. Hơn nữa việc truy tố trách nhiệm hình sự đã được thực hiện đồng loạt với gia đình của Tuấn, tất cả các thành viên gia đình đã bị kết án tù.
Xét những lý do ông vừa trình bày thì khẳng định Tuấn không thể bị bắt và chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Lê Quang Hiến cũng cho rằng Tuấn vô tội. Ông cũng đặt câu hỏi “nếu việc đền bù thỏa đáng thì làm sao phải tiến hành việc cưỡng chế?” Ông Hiến cho rằng việc xét xử và án tù dành cho Tuấn sẽ tạo sự những phản ứng tiêu cực trong dân chúng.

Phát biểu tại các luật sư cho rằng: Theo cơ quan điều tra xác định lượng 100 ml chất trong ca nhỏ là acid có nồng độ 68 %. Tuy nhiên ý kiến của các luật sư cho rằng loại acid sulfuric dành cho bình ắc quy để sửa xe nhiều lắm chỉ là 30%, do đó kết luận của CQĐT là thiếu khách quan.
Luật sư Miếng: không có nhân chứng đối chất chứng kiến việc Tuấn tạt acid. Và khi cơ quan điều tra kết luận vết thương trên người ông Thuỷ nằm ở phía trước để quy tội cho Tuấn là không đúng.
Quan điểm của LS Miếng: Nguyễn Mai Trung Tuấn vô tội!
Phát biểu trước toà khi được VKS hỏi, Nguyễn Mai Trung Tuấn trả lời ngắn gọn: Tôi hoàn toàn vô tội!
Ảnh: Facebook An Nam Dương Lâm
Các luật sư có ý kiến về kết quả giám định pháp y của tỉnh Long An đều bị đại diện VKS phản bác với lý do: hai giám định viên có trình độ thực sự và theo quy định của pháp luật.
VKS cũng cho rằng mặc dù các LS đưa ra nhiều ý kiến bào chữa nhưng thực tế bị cáo (Tuấn) đã thừa nhận hành vi cầm ca acid tạt vào một người. Có thể lúc tạt bị cáo không biết đó là ai, nhưng sau bằng nghiệp vụ điều tra đã xác định nạn nhân là ông Thuỷ.
Trong phần tranh luận giữa các luật sư và VKS thì âm thanh bị điều chỉnh đến mức nhỏ nhất không ai nghe được gì.
13:00, vì loa thì tắt ngoài trời nắng nóng nên dân oan Lê Thị Em bức xúc vừa khóc, vừa ý kiến: “Tôi là dân từ Đồng Tháp đến nghe phiên tòa. Bản thân tôi là mất cả đất đai. Không cho tôi tham dự phiên tòa, vậy tại sao ko cho tôi nghe loa??!”
Ngay lập tức một toán dân phòng ập đến và đưa bà Em đi đâu không rõ.
Bà Em là người ngồi mặc áo xanh. Ảnh Dân Làm Báo
Luật sư Nhân tiếp tục phần tranh luận: Hành vi tạt acid của Tuấn là có theo kết quả điều tra. Tuy nhiên thực tế có nhiều người tham gia nên việc quy tội cho một mình Tuấn và kết luận cố chấp là không xác đáng.
LS Miếng tiếp tục nên ý kiến về việc có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ và ép buộc nhân viên giám định làm sai pháp luật vì vậy đề nghị HĐXX nên xem xét lại chi tiết này.
Đại diện VKS và các luật sư tiếp tục tranh luận xoay quanh hai điểm:
1- Kết quả giám định
2- Chứng cứ tại hiện trường
Quan điểm của các LS đề nghị đại diện VKS giải thích rõ vì sao có nhiều người tại hiện trường được cho là cùng tạt acid nhưng kết luận điều tra chỉ quy kết một mình Nguyễn Mai Trung Tuấn?
13:50, trời nắng gắt, tất cả những người đi tham dự vẫn phải ngồi ngoài nắng không được vào phòng
Cổng toà án: vòng trong và vòng ngoài. Ảnh Dân Làm Báo
Lời nói sau cùng của Tuấn là khẳng định mình không có tội và mong muốn được trở về nhà để tiếp tục tới trường.
13:50, tòa tạm dừng để nghị án.

Chờ nghị án. VKS đề nghị 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù. Ảnh, chú thích: Facebook LS Nguyễn Văn Miếng
14:40 Toà tuyên Nguyễn Mai Trung Tuấn 2 năm 6 tháng tù giam theo mức án mà VKS đề nghị.
Trong thời gian chờ nghị án, bên ngoài phiên tòa côn an đã có động thái gây sự với những người dân. Một người dân oan tên là Lê Thị Em đã bị bắt đi.
Sau khi phiên tòa kết thúc, tất cả những người hoạt động nhân quyền và dân oan đều nhất quyết không chịu ra về. Họ yêu cầu côn an phải thả bà Lê Thị Em.
Dưới áp lực của những người đến quan sát phiên toà, lúc15h45 phút, côn an phải thả bà Lê Thị Em. Lúc này, những người đi tham dự phiên tòa “bỏ túi” mới lên xe rời Long An.

Theo DLB