TƯỞNG NIỆM & KỶ NIỆM VỚI GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC HUY: TẠI SAO CÓ TÁC PHẨM CHÓT “TÊN HỌ NGƯỜI VIỆT NAM” ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

https://2.bp.blogspot.com/-Uhm6Ge-pzRs/Vxm8Y4hpmlI/AAAAAAABaKI/deoCdX0vh2I9vva_vHMAQchz9LB42mD8wCLcB/s1600/001-%2Bgs%2Bng%2Bngochuy.jpg

Hai dòng họ Việt Nam đặc biệt nhứt: dòng họ Nguyễn Phúc & dòng họ Ma?
Trần Nguyên
 
Nhớ lại đêm thứ sáu tuần rồi, một người bạn nhỏ gọi điện thoại cho biết có  thông báo nhiều nơi sẽ tổ chức làm lễ tưởng niệm lần thứ 26 cho Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Người bạn ngạc nhiên lắm vì thấy đã 26 năm qua đời mà vẫn còn được nhớ đến thì thực là tình nghĩa hiếm có trong thời nhiểu nhương này. Thực ra không gì khó hiểu cả nếu có cơ hội tiếp xúc hoặc làm việc trong đoàn thể với Giáo sư Huy thì biết  ngay lý do tại sao. 
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời vào ngày 28-7-1990 tại Paris hưởng thọ 66 tuổi, mang lại tiếc thương vô vàng cho mọi người mến mộ vì ai cũng biết khó tìm được một nhân tài có tài năng và nhứt là có đức độ thấm sâu vào trong lòng người như vậy (xem phần tham khảo 1 về tiểu sử). 

Đặc biệt nhứt có lẻ lần đầu tiên một người Việt Nam qua đời , lại được chính Tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm – ông George Bush – chia buồn và lên tiếng ca ngợi là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau (xem phần tham khảo 2).

I/ Hiếm có
Thông thường cứ đến độ giữa hè vào cuối tháng bảy, ở quốc nội và tại hải ngoại, âm thầm hoặc công khai đều có Lễ Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Như vậy tính đến nay đã 26 năm rồi  Một thời gian quá dài để thử thách mức độ thực lòng thương nhớ của quần chúng đến một nhà lãnh đạo đã nằm xuống. Sự ra đi vĩnh viễn của Giáo Sư Huy vào ngày 28 tháng 7 năm 1990 xảy ra đúng vào lúc thế lực cộng sản đang trên đà gục ngã tại Đông Âu. Bây giờ 26 năm sau nhìn lại toàn bộ thấy tiếc nuốt đã mất một cơ hội hiếm có trong đời để xoay chuyển dân chủ hóa được cho VN. Rỏ ràng lúc đó thiếu mất yếu tố cấp lãnh đạo uy tín và sáng suốt với tầm vóc cở Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nên không ai đưa ra được kế hoạch hữu hiệu nào đối phó cả và để rồi “cơ hội ngàn năm một thuở” vuột mất đi.
II/ Tác phẩm
Nhìn lại, Giáo Sư Huy để lại một công trình sáng tác đồ sộ gồm hàng chục tác phẩm lẩy lừng trải dài trên nhiều lãnh vực khác nhau. Điểm rất lạ là suốt đời Giáo Sư Huy hoạt động tranh đấu, lãnh đạo đoàn thể, đấu trí chống chỏi các thế lực độc tài, rồi lại bị bịnh ung thư kéo dài gần 10 năm, vậy mà vẫn có thể viết ra được quá nhiều những tác phẩm độc đáo. Mà quả thực vậy, nhìn lại toàn bộ các tác phẩm của ông đã cho thấy rỏ điều đó. Chỉ nội trong quyển ‘‘Quốc Triều Hình Luật’’ dầy 263 trang được dẩn chứng 478 lần rút từ trên 100 quyển sách. Còn quyển Perstroika (Anh, Pháp) dầy 497 trang với 639 dẫn chứng của trên 200 tác phẩm ngoại quốc. Trong những năm cuối cùng ông thường tâm sự, nếu có thì giờ rảnh rổi thì cứ mỗi tháng có thể viết xong một tác phẩm. Mặc dù trách nhiệm đè nặng trên đôi vai gầy, ông đã cố gắng viết được các tác phẩm giá trị (xem phần tham khảo 1 về tác phẩm). Trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như:
Thơ Hồn Việt, Quốc Triều Hình Luật, Dân Tộc Sinh Tồn, Dân Tộc hay Giai Cấp ?, Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung, Hàn Phi Tử, Lịch Sử Các Học Thuyết Chánh Trị, Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời …
III/ Tại sao có được tác phẩm chót “Tên Họ Người VN” ?

 

Tác phẩm chót “Tên Họ Người VN”
 
Trong danh sách các tác phẩm của Giáo Sư Huy lúc qua đời thì không có quyển “Tên Họ Người VN“, bởi vì lúc đó thực sự tác phẩm này chưa được hoàn thành và chỉ trong tình trạng bản thảo viết tay. Bản thảo này bị thất lạc lúc Giáo Sư Huy qua đời và ai cũng tưởng rằng bị mất luôn. Riêng phía chúng tôi tiếc lắm, vì biết rỏ Giáo Sư Huy đã bỏ rất nhiều thì giờ nghiên cứu biên khảo tác phẩm này. Giáo Sư đã nhờ chúng tôi tìm kiếm một số danh tánh của các nhân vật nổi tiếng có ý nghĩa giải thích được nguồn gốc tên họ xuất phát ở Âu Châu và thống kê qua điện thoại niên giám biết tỷ lệ các dòng họ lớn VN. Chúng tôi đã sưu tầm và dịch ra gửi đến cho Giáo Sư xử dụng.
Thực là hi hữu không ai có thể ngờ nổi gần 10 năm sau, có lẻ nhờ sự hiển linh của hương hồn Gs Huy, nên Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần (Paris) tình cờ được biếu bản thảo và giao cho nhà xuất bản Mekong-Tỵ Nạn in phổ biến. Chúng tôi nhận được sách tặng và rất cảm động đọc thấy lại kỷ niệm năm xưa qua những dẩn chứng với tên họ của các nhân vật nổi tiếng như Tổng Thống Freiherr von Weizsaecker (trang 131), Nữ vô địch quần vợt Steffi Graf, Bộ Trưởng Nội Vụ Zimmerman, Nam vô địch bơi lội Michael Gross …
Như vậy tác phẩm chót “Tên Họ Người VN” được ra đời là phần lớn nhờ uy tín của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần (Paris) nên mới có lại bản thảo viết tay và lại được nhà xuất bản Mekong-Tỵ Nạn của GS Trần Minh Xuân tận tụy đúc kết điều chỉnh in thành sách vào năm 1998.
IV/ Tại sao GS Huy lại viết tác phẩm chót “Tên Họ Người VN” ?
1) Thuở còn thơ ấu, chúng tôi có 2 người bạn học chơi rất thân. Cả hai đều có tên dòng họ “đặc biệt“:
a) Người bạn thứ nhứt mang họ Bảo mà thân phụ lại mang họ Vĩnh. Điều mâu thuẩn này khiến cho bạn bè chế nhạo là “con rơi con rớt“. Nhưng bạn tôi lại nói rằng mình thuộc về dòng dỏi vua Minh Mạng nên có tình trạng tên họ cha con khác hẳn nhau như vậy. Bạn bè không tin và đưa dẫn chứng rằng Thái tử Bảo Long có bố là vua Bảo Đại cùng là họ Bảo chớ đâu khác họ như bạn tôi phải bị như vậy.
b) Người bạn thứ nhì mang họ Ma khiến cho bạn bè trong lớp thường chọc ghẹo là dòng dỏi “Ma Cà Rồng” hoặc là người vùng sơn cước chớ người Việt thuần túy “ròng” nào lại lạ lùng có họ “xấu như Ma” vậy. Có lần một vài Thày Cô còn thêm dấu sữa lại thành họ Mã vì ngở viết quên dấu. Nhưng bạn tôi luôn quả quyết chống lại vì gia đình cho biết dòng họ Ma bề thế lớn lắm.
Câu chuyện lạ lùng về dòng họ của 2 người bạn thân khiến chúng tôi thắc mắc mãi đến khi gặp được Giáo Sư Huy mới có dịp “giải toả“.
2) Lúc còn thời sinh viên chúng tôi có “duyên” gặp được Giáo Sư Huy “ngắn ngủi” trên bước đường đi thuyết trình vào dịp Mùa Hè Lửa Đỏ 1972. Có lẽ “hạp tuổi” nhau nên sau đó chúng tôi được Giáo Sư Huy gửi tặng một số tác phẩm do nhà xuất bản Cấp Tiến in.
 

 

Tác phẩm “Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời”

 
Trong đó đặc biệt có quyển Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời. Quyển này chính là Luận Án Tiến Sĩ của Giáo Sư Huy và được chấm xuất sắc nhứt trong niên khóa 1962-1963 tại Viện Đại Học Paris. Có lẽ đây là bản in duy nhứt còn tồn tại được sau bao nhiêu biến chuyển và chúng tôi dự định cho in lại để phổ biến cho hậu thế tham khảo.
3) Mãi đến 10 năm sau vào năm 1982 mới tái ngộ cùng Giáo Sư Huy và từ đó có dịp thường xuyên tiếp xúc & tháp tùng. Trong cơ hội gần gủi đó chúng tôi có dịp hỏi Giáo Sư Huy về chuyện “kỳ lạ” của hai dòng họ kể trên và được trả lời rất lý thú như sau:
a) Dòng họ Nguyễn Phúc
– Vua Minh Mạng cho làm bài thơ Ðế-hệ thi để đặt tên lót cho con cháu mình đời đời sau:
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Ðịnh Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Nhưng không hiểu vì thiếu hiểu biết hoặc quá cao ngạo, mà con cháu đời sau đều dùng tên lót biến thành họ luôn. Bởi thế mới có chuyện “nực cười” là cha mang họ Vĩnh mà con trai lại mang họ Bảo . Riêng trường hợp vua Bảo Đại có tên Vĩnh Thụy, nên con trưởng có tên là Bảo Long. Còn Bảo Đại chỉ là đế hiệu tình cờ trùng hợp mà thôi.
– Để giải thích rõ ràng thắc mắc này, Giáo Sư Huy có viết nguyên 7 trang trong tác phẩm, vì trong thâm tâm thấy chỉ có dân tộc VN mới có sáng kiến đầu tiên trong nhân loại đặt tên lót theo một bài thơ và nhờ đó trong dòng họ nhận được ngay thứ bậc với nhau (xem thêm phần tài liệu 1).
b) Dòng họ Ma
– Quả thực đó là dòng họ lớn gắn liền với lịch sử dân tộc qua nhiều nhân vật nổi tiếng . Điển hình như: Đại tướng quân Ma Khê thời vua Hùng Vương, “Ma tộc thần tướng” Ma Xuân Trường thời Thập Nhị Sứ Quân …. Trong tài liệu về Hội Thề Đồng Quan (năm 1427) có ghi tên nhân vật Ma Luân là một trong 16 tướng lãnh quan trọng nhứt cùng Bình Định Vương Lê Lợi tham dự hội thề này để “tống khứ” tàn quân Minh về Tàu (xem phần tham khảo 3) .
– Về các sắc tộc vùng sơn cước thì thật ra bản chất họ cũng là người VN cả, nhưng vì đi “di tản” lánh nạn trên vùng sơn cước khi quân Tàu sang đô hộ nước ta. Rất nhiều nhân vật lịch sử đều xuất thân từ các sắc tộc vùng sơn cước. Chẳng hạn vua Lê Lợi và một số tướng sĩ hiện diện trong Hội Thề Lũng Nhai (năm 1416) như Lê Lai, Lê Hiểm, Đinh Lễ, ….. Ngay cả vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành cũng có “lý lịch” dân vùng sơn cước và họ chính là sắc tộc Việt Cỗ.
– Qua phát giác gần đây, thì dòng họ Ma có thể là dòng họ xưa nhứt VN với ngọc phả lâu đời nhứt bắt nguồn từ thời vua Hùng Vương (xem thêm phần tài liệu 2) .
– Dòng họ Ma này có thêm đặc điểm là “ròng 100 %” vì có nghĩa xấu nên không bao giờ bị pha trộn “lộn giống” bởi dòng họ khác đổi họ gia nhập vào. Chẳng hạn như 3 dòng họ vua chúa Trần, Lê và Nguyễn bị pha trộn đổi họ vào nên có “dân số” cao nhứt nước.
– Rất có thể “Ma” là một phiên âm của ngôn ngữ thời xa xưa và có ý nghĩa khác với “ma quỷ” thời nay. Tương tự Giáo Sư Huy đưa giả thuyết cho rằng Sài Gòn có thể là phiên âm của dân địa phương thời xa xưa (giống như trường hợp các địa danh Đắc Lắc, Ban Mê Thuộc …). Trong Việt Nam Tự Điển / Lê Ngọc Trụ / trang 874 có ghi chú chữ “ma” có nghĩa là “  (vừng)” . Điều này phù hợp thực tế là ở thị xã Phú Thọ (nơi có nhiều người dòng họ Ma) có chợ Mè, thành Mè, bến (sông) Mè (xem phần tài liệu 2).
Như vậy cho thấy rằng mặc dù biết sắp chết mà Giáo Sư Huy vẫn cố gắng hết sức để viết tác phẩm “Tên Họ Người VN” thì ắt phải có lý do thầm kín quan trọng nào đó .
Theo thiển ý, rất có thể thấy thế hệ trẻ tại hải ngoại như chúng tôi thiếu kiến thức về văn hóa dân tộc Việt, cho nên Giáo Sư Huy rất muốn “để đời” một tác phẩm hữu ích cho con cháu.
Trong niềm tin “Cây có gốc, nước có nguồn. Người có tổ tiên, dòng họ“, Giáo Sư Huy đã tận dụng sức tàn còn lại trong đời để cố gắng hoàn thành tác phẩm cuối “Tên Họ Người VN” gần 300 trang để lại cho hậu thế còn biết cội nguồn Việt mà tìm về gìn giử cho khỏi bị mất gốc và mất nước.

Trần Nguyên

Tham khảo 1: Tiểu sử & các tác phẩm của GS Nguyễn Ngọc Huy
http://www.aihuubienhoa.com/a144/nhan-tai-xu-buoi-bien-hoa-giao-su-nguyen-ngoc-huy

Tham khảo 2: Nhà Chí Sĩ Thời Đại: Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / trang 11 / Câu Lạc Bộ Đằng Phương xuất bản năm 2003

Tham khảo 3: Hội thề Đông Quan
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_th%E1%BB%81_%C4%90%C3%B4ng_Quan

Tài liệu 1: Trích ra từ tác phẩm “Tên Họ Người VN

Những chi tiết đặc biệt về dòng họ Nguyễn Phúc
Theo truyền thuyết thì khi có thai, bà vợ của chúa Nguyễn Hoàng đã nằm chiêm bao thấy thần cho mình chữ Phúc, khi thức dậy bà đã nói cho chúa biết và chúa nghĩ rằng nên lấy chữ Phúc làm tên chánh cho đứa con sẽ được sanh ra. Nhưng bà vợ của chúa Nguyễn Hoàng bàn rằng làm như vậy thì chỉ có đứa con đó được hưởng phúc, còn nếu dùng chữ Phúc làm chữ lót thì con cháu nhiều đời về sau cũng được hưởng. Chúa Nguyễn Hoàng đã theo ý kiến của bà nên con cháu của ông về sau đều dùng chữ Phúc làm chữ lót như Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trân, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Trú, Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Thuần, ……
Năm 1823, vua Minh Mạng đã có một quyết định liên hệ đến tên họ những người thuộc gia tộc nhà Nguyễn đang trị vì trên đất Việt Nam.
Gia tộc này vốn ở làng Gia Miêu Ngoại Trang, tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1803, vua Gia Long đã đổi tên Gia Miêu Ngoại Trang thành Quí Hương và Tống Sơn thành Quí Huyện.
Cứ theo quyết định của vua Minh Mạng thì con cháu những người theo chúa Nguyễn Hoàng vào nam thì mang họ Tông Thất Nguyễn Phúc, còn con cháu những người vẫn ở lại Bắc Hà thì mang họ Công Tánh Nguyễn Hựu.
Tông Thất Nguyễn Phúc đã được đổi lại thành Tôn Thất Nguyễn Phúc vì cữ tên vua Thiệu Trị.
Mặt khác, trong thực tế thì về sau hai họ được dùng cho những người nói trên đây được thâu gọn thành Nguyễn Hựu và Tôn Thất.
Ðối với con cháu vua Gia Long (t.v. 1802-1819) vua Minh Mạng đã ấn định cách đặt tên chánh theo một số nguyên tắc.
Nói chung thì các tên chánh này đều là tên đôi. Về chữ đầu của tên đôi này, vua Minh Mạng đặt ra những bài thơ, mỗi bài gồm 20 chữ, và dành cho mình và các anh cùng em trai của mình.
Vua Gia Long vốn có 13 người con trai, nhưng hai người mất sớm, còn lại 11 người có con cháu, nên vua Minh Mạng đã đặt ra cả thảy 11 bài thơ gồm 1 bài Ðế-hệ thi và 10 bài Phiên-hệ thi (Xin xem nguyên tác chữ Hán các bài thi này ở phần Phụ-lục). Chữ đầu của mỗi bài thơ này được dùng cho các cháu nội của vua Gia Long, và sau đó, cứ mỗi thế hệ lại dùng một chữ, sau thế hệ dùng chữ chót của bài thơ thì đến thế hệ dùng lại chữ đầu.

– Bài thơ dành cho con cháu vua Minh Mạng được gọi là “Ðế hệ thi” như sau:
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Ðịnh Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương

Ngoài ra, lại còn mười bài dành cho con cháu những người anh em trai của vua Minh Mạng và được gọi là “Phiên hệ thi” :

– Bài dành cho Tăng Duệ hoàng thái tử tức là Ðông Cung Cảnh, anh ruột vua Minh Mạng như sau :
Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Linh Nghi Hàm Tốn Thuận
Vĩ Vọng Biểu Khôn Quang

–……

Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong 11 bài thơ trên đây, có những chữ giống nhau như Thuật (Ðế hệ thi và Phiên hệ thi Kiến An vương), Gia (Ðế hệ thi và Phiên hệ thi Quảng Oai công, Thường Tín quận vương) nhưng đó là vì ta đã phiên âm các chữ ấy ra chữ Quốc ngữ chớ viết ra Hán tự thì các chữ ấy đều khác nhau (Xem nguyên tác Hán văn các bài thi này trong phần Phụ-lục).
Về chữ thứ nhì trong tên đôi của những người con cháu vua Gia Long, vua Minh Mạng cũng ấn định là mỗi đời phải dùng tên thuộc một bộ.
Theo Nguyễn-Phước tộc lược biên, năm 1823, vua Minh-Mạng có lựa sẵn 20 chữ (toàn bộ Nhật) để đặt tên cho các vị vua kế thống sau này. Ngài lại làm bài thơ Ngự-chế Mạng danh thi gồm 20 bộ, các vua triều sau cứ noi theo thế thứ mà đặt tên cho các hoàng-tử (Xem nguyên tác Hán văn bài này trong phần Phụ-lục).

Sau đây là phiên âm các bài Ngự-chế Mạng danh thi:

Miên Nhơn Kỳ Sơn Ngọc
Phụ Nhơn Ngôn Tài Hòa
Bối Lực Tài Ngôn Tâm
Ngọc Thạch Hỏa Hòa Tiểu

Ta nhận thấy rằng trong bài thơ này, có những bộ được dùng hai lần như Nhơn, Tài và Ngọc.
Con cháu của những người anh và em trai của vua Minh Mạng thì chọn chữ thứ nhì trong tên đôi thuộc các bộ chỉ ngũ hành, cứ mỗi đời một bộ, bắt đầu với bộ thổ và kế tiếp nhau theo thứ tự ngũ hành tương sanh thổ kim thủy mộc hỏa.
Với quyết định của vua Minh Mạng năm 1823, việc nhận vai vế những người thuộc hoàng tộc rất dễ. Những người mang họ Nguyễn Hựu là bà con rất xa đối với vua nhà Nguyễn, những người mang họ Tôn Thất gần hơn nhưng không phải là con cháu vua Gia Long.
Về con cháu vua Gia Long thì những người thuộc dòng vua Minh Mạng được biết nhiều nhứt, những người thuộc dòng Ðông Cung Cảnh được biết ít hơn, còn những người thuộc dòng các người em trai của vua Minh Mạng thì có lẽ không mấy ai được biết.
Về dòng vua Minh Mạng thì ta biết rằng con ông có tên bắt đầu bằng chữ Miên và tiếp theo đó là một chữ thuộc bộ Miên như Miên Tông (vua Thiệu Trị), Miên Thẩm (Tùng Thiện vương), Miên Trinh (Tuy Lý vương).
Ðời cháu nội vua Minh Mạng thì có tên bắt đầu bằng chữ Hồng và tiếp theo đó là một chữ thuộc bộ Nhơn như Hồng Nhậm (vua Tự Ðức), Hồng Bảo,…
Nhờ bài Ðế hệ thi, ta biết rằng các vua Thành Thái (tên Bửu Lân) và Khải Ðịnh (tên Bửu Ðảo) thuộc một thế hệ với nhau, và các vua Duy Tân (tên Vĩnh San) và Bảo Ðại (tên Vĩnh Thụy) thuộc một thế hệ sau đó.
Nhờ bài đầu của Phiên hệ thi, ta biết rằng ông Cường Ðể là dòng dõi Ðông Cung Cảnh. Ðối chiếu với Ðế hệ thi thì những người mang tên bắt đầu bằng chữ Cường trong dòng Ðông Cung Cảnh tương ứng với những người mang tên bắt đầu bằng chữ Bửu trong dòng vua Minh Mạng. Vậy ông Cường Ðể là vai anh các vua Thành Thái và Khải Ðịnh và con ông là Tráng Liệt và Tráng Cử là vai anh các vua Duy Tân và Bảo Ðại.
Những người thuộc dòng dõi vua Gia Long đã áp dụng các bài thơ do vua Minh Mạng đặt ra năm 1823 để đặt tên con cháu.
Nhưng riêng vua Duy Tân ở vào một trường hợp đặc biệt. Như trên đây đã nói, nhà vua này vốn tên là Vĩnh San và sau khi bị người Pháp truất phế rồi đem đi an trí ở đảo Réunion, ông mang tên là hoàng tử Vĩnh San. Khi sanh con trai tại đây, ông muốn theo nguyên tắc của hoàng tộc đặt những tên bắt đầu bằng chữ Bảo. Các viên chức Pháp coi hộ tịch tại đảo Réunion tưởng rằng hai chữ Vĩnh San gồm cả tên lẫn họ nên không thể chấp nhận để cho trong tên con ông Vĩnh San không có chữ nào liên hệ đến hai chữ Vĩnh và San và không chịu ghi vào hộ tịch tên đứa con trai ông đưa cho họ.
Giá như vua Duy Tân chịu khó giải thích cho họ biết rằng họ ông là Nguyễn Phúc và Vĩnh San chỉ là tên, và khai tên họ con trai mình là Nguyễn Phúc Bảo … thì vấn đề đã giải quyết được ổn thỏa. Nhưng có lẽ lúc ấy nhà vua bực bội với người Pháp nên không chịu giải thích, thành ra trong sổ hộ tịch các viên chức Pháp đã kể Vĩnh San là họ của vua Duy Tân và thêm vào một tên Pháp thông thường cho con ông thành ra Georges Vĩnh San.
Trên đây là nói về tên đặt cho các hoàng tử của nhà Nguyễn từ đời vua Minh Mạng trở đi.
Ngoài ra, năm 1823 vua Minh Mạng lại còn làm một bài thơ 20 chữ thuộc bộ nhựt để đặt cho những người được kế vị làm vua. Do đó, các nhà vua triều Nguyễn từ đời vua Thiệu Trị (1820-1848) đều có hai tên chánh, một tên lúc còn là hoàng tử, một tên từ lúc lên ngôi. Như vua Tự Ðức lúc còn là hoàng tử đã mang tên là Hồng Nhậm và khi lên ngôi lại mang tên là Thì.

Tài liệu 2: Trích ra từ thông tin thị xã Phú Thọ

Bí ẩn dòng họ Ma – Dòng họ lâu đời nhất Việt Nam?
Tộc trưởng dòng họ Ma ở Phú Thọ cho rằng dòng họ mình đã có từ thời vua Hùng, là dòng họ lâu đời nhất Việt Nam, có nhiều công lao dựng nước và giữ nước nổi bật trong dòng họ là Ma Tộc Thần Tướng – Ma Xuân Trường.
Thời điểm hiện tại, dòng họ Ma là dòng họ duy nhất tại Việt Nam còn lưu giữ được Ngọc Phả chứng minh cụ tổ của dòng tộc mình đã được sinh ra từ thời Hùng Vương, có công giúp vua Hùng dựng nước và giữ nước.

Dòng họ đã có 79 đời

Ông Ma Ngọc Bảo, tộc trưởng thứ 77 của dòng họ Ma tự hào chia sẻ: “Nếu đến năm 2015 mà dòng họ Nguyễn và dòng họ Cao không tìm được thấy ngọc phả của mình, thì dòng họ Ma sẽ được ghi nhận là dòng họ lâu đời nhất Việt Nam“
Ông Bảo năm nay đã ngoài 70 tuổi chia sẻ cuốn gia phả của dòng họ kéo dài hàng nghìn năm đã chuyển thành chữ quốc ngữ. Ông là tộc trưởng đời thứ 77 của dòng họ, tộc trưởng đầu tiên là ông tổ Ma Khê, mất năm 259 trước công nguyên thọ 95 tuổi. Người trẻ nhất trong gia phả là cháu đích tôn của ông Bảo: Ma Tân Thành, năm nay 7 tuổi, thuộc về đời thứ 79.
Ông Bảo cho biết: “Trong mười tám chi họ Hùng tồn tại ở Việt Nam với gần chín mươi đời vua thì cụ tổ Ma Khê của dòng họ là con Hùng Nghị Vương thứ ba năm 354 trước Công nguyên, thuộc đời Hùng Vương thứ 17. Họ Ma là người dân tộc Tày, định cư chủ yếu ở vùng núi Đọi, ven sông Thao, nay thuộc đất Cẩm Khê, Phú Thọ. Cụ tổ Ma Khê là người tài đức song toàn, từ nhỏ đã bộc lộ nhiều khả năng xuất chúng. Năm 18 tuổi, ông đã thay cha giữ chức tộc trưởng đứng đầu bộ tộc Tày núi Đọi. Đến đời Hùng Vương thứ 18, gặp lúc trong nước có giặc, ông đã mang dân binh Ma tộc về giúp vua Hùng đánh giặc, lập nên nhiều chiến công lớn, được Hùng Duệ Vương yêu mến và phong chức Đại tướng quân. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ trấn thủ đất Phong Châu, đóng quân ở ngã ba sông Bạch Hạc. Với nhiều công lao to lớn, Ma Khê được Hùng Duệ Vương thứ hai phong cho đến chức Phụ Quốc Ma Vương Đại Thần, Đại Tướng Quân và triệu về triều đình giúp vua trị nước an dân.
Nhân dân bộ tộc núi Đọi rất tự hào về ông và dần dần người ta tự đổi tên vùng đất mình sống thành đất Ma Khê. Bất cứ ai, đi đến đâu chỉ cần nói là người vùng Ma Khê thì thiên hạ cúi đầu nể phục. Trải qua hàng nghìn năm, vùng đất này được mở rộng và thành tên Ma Khê. Đến thời đất nước chia nhiều quận huyện thì gọi là huyện Ma Khê, có triều đại đổi thành huyện Hoa Khê, và cuối cùng là cái tên Cẩm Khê như ngày nay.”
Cụ tổ Ma Khê là một trong bốn vị tướng quốc nổi tiếng thời đại Hùng Duệ Vương. Ba vị còn lại bao gồm Cao Sơn, Quý Minh và Nguyễn Tuấn. Tuy nhiên, do dòng họ Nguyễn và dòng họ Cao chưa tìm thấy ngọc phả của mình nên trên danh nghĩa thì dòng họ Ma vẫn được ghi nhận là dòng họ lâu đời nhất Việt Nam cho đến nay.

 


​ 
Ông Ma Ngọc Bảo với ngọc phả của dòng họ lâu đời nhất Việt Nam

 

Dòng họ duy nhất còn giữ ngọc phả từ thời Hùng Vương

Cụ Ma Văn Thực (1917-2004), thân sinh của ông Bảo, vừa theo Hán học, vừa theo Tây học, là người được cha mình là cụ Ma Văn Thị (1878-1950) giao cho giữ tộc phả và hàng năm lo việc cúng tế giỗ chạp tổ tiên.
Ông Ma Ngọc Bảo tiếp tục chia sẻ: “Thời chiến tranh, các bản gốc của gia phả bị hủy hoại hoặc thất lạc. Nhưng cha tôi đã kịp chuyển thành chữ quốc ngữ” . Sau này ông Bảo sao ra nhiều bản để gửi cho các chi nhánh dòng họ Ma ở Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…
Có rất nhiều điều mang tính truyền thuyết xung quanh cuốn gia phả dòng họ này, nhưng có những dấu tích vẫn nằm trong dư địa chí miền trung du Phú Thọ. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ, Nguyễn Hữu Nhàn cho biết: “Truyền thuyết về dòng họ Ma gắn liền với thời Hùng Vương thứ 18, đồng thời cũng gắn liền với những ngôi đền thờ, tên núi, tên sông nay vẫn còn tại tỉnh Phú Thọ. Đó là đền Kim Giao thờ ông Ma Khê, tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Tương truyền bộ tộc người Tày họ Ma dưới chân núi Đọi Đèn ở đây đã triệu tập binh mã giúp Hùng Vương đánh thắng giặc, giữ yên bờ cõi cho nước Văn Lang”.
Thời điểm ấy, họ Ma xây thành trì của riêng mình, lấy tên là Ma Thành, nhưng để tránh từ “ma” trong tiếng người Việt nên gọi là thành Mè. Hiện nay ở thị xã Phú Thọ vẫn còn những dấu tích có tên chợ Mè, bến (sông) Mè…
Theo lời kể trong Ngọc Phả dòng họ Ma, kể từ sau đời cụ tổ Ma Khê, họ Ma lui về ẩn dật, làm ruộng. Mãi cho đến đời thứ 43, một người con của dòng họ là Ma Xuân Trường (930-966) đã đi vào sử sách nước nhà. Thời điểm đó là thời nhà Ngô tan rã, đất nước rơi vào loạn 12 sứ quân. Vùng phía Bắc do một người là Kiều Thuận cai quản với một vị tướng dưới quyền là Ma Xuân Trường.
Trong cuộc chiến 12 sứ quân, Ma Xuân Trường có công giải cứu Kiều Thuận khi đã bị thương. Sau đó Ma Xuân Trường đưa cả họ tộc chạy lên Tuần Quán, Yên Bái thì qua đời tại đây, thọ 36 tuổi. Hiện ở Tuần Quán vẫn còn miếu thờ ông.
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng. Ông đã không trị tội Kiều Thuận, mà để an dân, ông còn phong danh hiệu “Trung quân ái quốc”, và ban cho dân lập đền thờ.
 

 

Đền Trù Mật ở Phú Thọ, nơi thờ tộc trưởng và thanh đao của dòng họ Ma
Ngôi đền ấy giờ đây nằm bình yên, nép bóng bên con đường làng xanh tươi ở làng Trù Mật, thị xã Phú Thọ. Ngôi đền gắn liền với lịch sử thị xã Phú Thọ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia này được xây dựng năm 970 và nay đã được trùng tu nhiều lần. Nơi đây thờ “Cương nghị đại vương” Kiều Thuận và “Ma tộc thần tướng” Ma Xuân Trường.

Thanh đao của dòng họ Ma (trái) và biển hiệu đền Trù Mật.
Những câu chuyện về ông tổ Ma Khê và dòng họ lâu đời nhất Việt Nam có từ thời vua Hùng thuộc về dạng truyền thuyết mà nhà sử học Đào Duy Anh gọi là “truyền thuyết khuyết sử”, nhưng lại trở nên rất thiêng liêng, là niềm tự hào của con cháu dòng họ Ma bây giờ.
Tuy nhiên, nhiều người đã thay đổi họ của mình, ông Bảo chia sẻ:  “Hiện nay, tồn tại một sự việc đáng buồn, đó là: Nhiều người thuộc dòng họ Ma, nhưng do các cụ sinh sống trước đây hiểu biết còn hạn chế đã nghĩ rằng họ Ma là xấu, là xui xẻo nên đã đổi thành họ Mai… Tuy nhiên, lịch sử một dòng họ vẫn còn đầy đủ ngọc phả chứng nhận đã có từ thời Hùng Vương là một niềm tự hào. Mỗi người dòng họ Ma trên đất nước Việt Nam hãy đừng quay lưng với chính niềm tự hào của mình
Tuy nhiên, những người họ Ma – dòng họ lâu đời nhất Việt Nam vẫn rất đông và sinh sống khắp cả nước, ông Bảo cho biết thêm: “Vì dòng họ Ma rất đông, sinh sống ở khắp nơi nên năm 1902 các cụ đã họp lại, chia nhỏ thành ba nhóm cho tiện bề sinh hoạt cúng tế tổ tiên. Nhóm trưởng giữ ngọc phả của dòng họ, nhóm thứ hai giữ thanh đao thờ, còn nhóm thứ ba giữ ngựa gỗ thờ của tổ”.
Con ngựa gỗ giờ đã thất lạc, nhưng thanh đao sắt thì vẫn còn ở đền Trù Mật, nơi con cháu dòng họ Ma hàng năm vẫn tụ hội về đây để tưởng nhớ cha ông.
From: Tu Do Dan Ban <tudodanban@gmail.com>
*
*     *

Lễ giỗ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy tại Úc Châu 
http://phailentieng.blogspot.com/2016/07/tuong-niem-ky-niem-voi-gs-nguyen-ngoc.html?fbclid=IwAR2w1mm1OQsoIyhM1BWU9VTVOT_KpGbdfaByzOZzuDWr7K4P4NYtw1o5uvw