TƯỞNG NIỆM ĐẠI TÁ DƯƠNG HIẾU NGHĨA # MINH LÝ DƯƠNG HIẾU NGHĨA (Trường Đời)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, người dẫn đầu đoàn xe chở ông Diệm, qua đời

Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa – Mai Thanh Truyet – tvvn.org

Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa Nguyên Tỉnh Trưởng Vĩnh Long Qua Đời - Dương  Ngọc Yến

Để kính dâng lên hương linh anh Nguyễn Minh Tâm, “Bác Gia Trưởng” của Gia Đình Phật Tử Chánh Trí thuộc Tỉnh Hội Phật Học Nam Việt Vĩnh Long, đã được Đức Quan Thế Âm Bồ Tát rước về xứ Phật vào đúng ngày vía của Ngài, 19/2 âm lịch năm Canh Thìn nhằm ngày 23/3 dương lịch 2000, tại tư gia Việt Nam.

Tôi biết anh Tâm từ năm 190 khi tôi được thuyên chuyển về Tiểu khu Vĩnh Long, nhưng mãi tới cuối năm 1960 lúc tôi về quận Bình Minh, tôi mới bắt đầu thân với anh Tâm khi chúng tôi cùng với Gia Đình Phật Tử Chánh Trí đi về các xã thuộc quận này, để thi hành một vài công tác Phật sự. Sau biến cố Tết Mậu Thân, khi tôi được chỉ định về Tiểu khu Vĩnh Long thì anh Tâm, Bác Huệ Hòa va ông bà Bác sĩ Thiệt mới thật sự là những người đã hết lòng giúp tôi trong nhiệm vụ mới này (dù là gián tiếp), nhất là về mặt tinh thần, vì đã nhiệt tình cộng tác với tôi trong mọi công tác xã hội ở tỉnh nhà. Và nhờ đó tôi đã thật sự học hỏi được nhiều điều rất bổ ích cho cá nhân tôi.

Hàng tháng cứ đến ngày 14 rằm và 30 mồng 1, hay vào những ngày vía Phật thì chúng tôi lại có dịp họp mặt với nhau trong “bữa cơm chay” ở nhà Bác sĩ Thiệt, chỉ một buổi tối thôi, cũng quá đủ để tôi được dịp nghe và tham gia thảo luận rất nhiều, về đủ mọi đề tài, nhất là về Phật Pháp, có khi đến gần 2 giờ sáng mới về tới nhà.

Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây

Đặc biệt trong những bữa cơm thân mật này, qua nhiều lần thảo luận, một dự án Phật sự lần lần được hình thành: dự án xây dựng Ngôi “Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây”. Vị trí ngôi Bảo Tháp này nằm ở trung tâm miếng đất mà một tháng sau đó, anh Tâm và bác Huệ đã tìm mua được cho Tỉnh Hội Phật Học Vĩnh Long, rộng 4 mẫu, nằm ngay phía Nam của đầu cầu Mỹ Thuận mà chánh phủ Úc Châu vừa mới xây cất xong cho Việt Nam hồi năm 2000 này.

Vì chỉ là một dự án của Tỉnh Hội Phật Học Vĩnh Long, cho nên nếu không có sự trình bày và tranh đấu của anh Tâm với ngài Hội Trưởng Chánh Trí, được có được sự chấp thuận của ông Hội Trưởng cũng như của Hội Phật Học Trung Ương, thì dự án này không thành tựu được! (Bác Huệ Hòa và anh Tâm đều là sư huynh đệ với ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt, trụ sở trung ương ở Chùa Xá Lợi, đường Bà Huyện Thanh Quan Saigon).

Tuy công trình Phật sự này chưa được hoàn tất 100%, nhưng 5 vị “Xá Lợi” của Hội Phật Học Nguyên Thủy và 4 tượng Phật cao 1m8 của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã được an vị trong một buỗi lễ khánh thành thật trọng thể vào ngày Phật Đản năm 1972, với sự chứng minh của Đại Đức Narada (từ Tích Lan), Hòa Thượng Thích Huệ Hưng (từ Saigon) và đông đủ chư tôn đức Tăng Ni trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham gia của hàng ngàn nam nữ Phật Tử và gia đình Phật tử của hầu hết các tỉnh Miền Tây Nam Bộ.

Sau đó anh Tâm đã đại diện cho Tỉnh Hội và Phật tử Miền Huệ Quang nhận cây Bồ Đề từ tay Đại Đức Narada và cùng ngài làm lễ hạ thổ, trồng ngay trước Bảo Tháp. Cây bồ đề này do Đại Đức Narada mang từ Tích Lan sang tặng cho Tỉnh Hội Phật Học Vĩnh Long (được ương từ hột giống của cây Bồ Đề lịch sử, nơi mà Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã chứng quả trên 2000 năm trước).

Trong suốt thời gian xây cất, anh Tâm và Bác Huệ gần như thường xuyên có mặt tại công trường và đôi khi chúng tôi dùng cơm chiều ngay tại ngôi Bảo Tháp, đê cùng nhau thảo luận ngay tại chỗ mọi việc liên quan tới công tác Phật sự này. Do vậy, mặc dù công trình này là một nỗ lực chung của anh chị em Quân Cán Chính tỉnh Vĩnh Long trong nhiệt tình đóng góp tài chánh, cũng như công sức của bà con Phật tư ở khắp các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, nhưng anh Tâm và Bác Huệ Hòa lúc nào cũng rất hãnh diện và rất xứng đáng mãi mãi là 2 trong 4 cây cột trụ chính cao ngất trời (49 thước) của Ngôi Bảo Tháp Xá Lợi độc nhất ở Miền Tây này!

Bị Giam Tù sau 30-4-1975

Sau ngày 30/4/75, anh Tâm cũng bị đi “học tập cải tạo” (tù cộng sản), nhà bị tịch thu dù anh không phải là công chức hay thuộc bất cứ thành phần nào được gọi là “ngụy quân ngụy quyền”. Ra khỏi tù, anh về nhà sống rất đạm bạc với vợ và con gái (Bích Chi) trong một gian nhà lá nhỏ ở miếng đất vườn phía trong cầu Kinh Cụt. Năm 1987, sau khi ra tù tôi thường về Vĩnh Long vào thăm Anh Chị Tâm, và nhiều lần tôi nghỉ đêm lại với anh, cho tới ngày tôi sang định cư ở Mỹ vào đầu năm 1992. Anh còn rất sáng suốt khi luận bàn về Phật Pháp với tôi rất là mạch lạc.

Căn phòng “dưỡng già” của anh chỉ có một chiếc giường nhỏ, một bàn thờ Phật ngay cạnh giường để anh hành lễ mỗi đêm và một tủ sách, Kinh… rất đơn sơ và mộc mạc. Hôm chia tay anh lần chót, tôi rất bịn rịn vì biết chắc chắn là không bao giờ còn gặp lại người bạn hiền vong niên này nữa, nhưng anh rất bình thản, vì chuyện đời đối với anh lúc nào cũng chỉ là một giấc mộng, phù du….. Anh không có bệnh gì cả, chỉ yếu vì tuổi cao mà thôi, và khoảng một tháng trước khi ra đi, anh vẫn còn ăn cơm được, còn biết khen ngon và còn cười đùa vui vẻ với con cháu nữa.

Hai ngày trước khi ra đi, mạch anh xuống quá thấp, anh không ăn uống trong hai ngày, dọn mình sạch sẽ đúng 3 giờ 30 sáng bước sang ngày vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, thì nhẹ nhàng ra đi theo tiếng hộ niệm của các con cháu lúc nào cũng túc trực bên anh… Hôm nay tôi muốn nhắc đến anh Tâm, vì tôi đã học được của anh một câu, mà cho đến bây giờ trên mảnh đất tỵ nạn xa xôi này, tôi vẫn còn thuộc nằm lòng. “Một phần” nhờ câu đó mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ ở đâu, lên voi xuống chó, xa nhà ly hương…v.v…tôi cũng vẫn sống trong an nhiên tự tại của một người Phật tử thuần thành, không lúc nào hỗ thẹn với lương tâm, với bạn bè hay với gia đình và nhất là với các con tôi.

Tôi nói là “một phần” là vì “một phần khác” là do sự cộng tác chân thành, bất vụ lợi và nhiệt tâm của một số cộng sự viên then chốt hành chánh và quân sự của tỉnh Vĩnh Long. Một câu nói của anh Tâm đã ảnh hưởng sâu đậm đến nhiệm vụ và lối sống, không riêng gì của cá nhân tôi, mà còn đến các cộng sự viên của tôi nữa, trong suốt thời gian tôi phục vụ tại Vĩnh Long.

Nghĩ Lành, Làm Lành

Tất cả bắt đầu từ một đề tài về Phật Pháp do Bác Huệ Hòa đưa ra, sau một “bữa cơm chay gia đình”, thường lệ ở nhà ông bà bác sĩ Thiệt. Một đề tài rất bình thường về Nhân Quả. Bác Huệ Hòa đã đưa ra một câu đố 3 vế, để chúng tôi tìm câu đối lại: “NGHĨ LÀNH, LÀM LÀNH, VẠN SỰ AN LÀNH”. Tôi bèn đối lại ngay, và theo anh Tâm thì câu đối của tôi rất chỉnh từng vế và từng chữ: “GIEO PHÚC, GẶT PHÚC, NGÀN ĐỜI HẠNH PHÚC”.

Sau đó anh Tâm đổi đề tài, xoay từ Đạo qua Đời, luận về “Trường Đời”. Vốn là một người uyên thâm về Pháp ngữ, anh đưa ra một câu tiếng Pháp của Shakespeare, để chúng tôi bàn luận: “La vie est une scène, dont chaque homme est un acteur” (Đời là một sân khấu, và mỗi người là một diễn viên). Tôi nghĩ ngay là Anh muốn nương theo câu đối của tôi vừa rồi, để giúp tôi quan niệm rõ thêm về vai trò và nhiệm vụ của tôi (acteur) trên sân khấu (scène) Vĩnh Long này. Rất cảm kích và cũng quá hứng thú, tôi đã dịch trại ra là: 

                     Lúc lên sân khấu không làm rộn

                    Khi mãn vai tuồng chẳng hổ ngươi

Tuy không sát nghĩa lắm, nhưng cả anh Tâm và Bác Huệ Hòa đều rất thích câu này, có lẽ vì tôi đoán được đúng ý của anh chăng? Về sau này, nghĩ lại, tôi mới thấy được ý tốt đó của Anh. Đâu có ai ngờ là 2 vế đối Phật Pháp rất bình thường của chúng tôi và câu triết lý của văn hào Shakespeare trên đây do anh Tâm đưa ra, trong không khí ấm cùng sau bữa cơm vào cuối năm 1968 (Tết Mậu Thân) đó, lại vô hình chung vạch ra cho cá nhân tôi và Quân Cán Chính tỉnh Vĩnh Long chúng tôi một hướng đi rất tốt trong hơn 4 năm sau đó, nhằm phục vụ đúng mức cho đồng bào trong toàn Tỉnh lúc bấy giờ, sau khi họ phải gánh chịu nhiều thiệt hại vật chất và tinh thần vì biến cố Tết Mậu Thân 1968.

Vì tôi thường tìm đủ mọi cơ hội để phổ biến câu này, cả về lý thuyết lẫn thực hành, cho nên hầu hết các “diễn viên” không người nào muốn bị “hổ ngươi”. Cho nên từ anh Tiền (phó tỉnh trưởng), anh Nghiệp (chánh văn phòng), anh Quang (tài chánh), chị Trí (xã hội), đến các anh đại uý Trinh (tỉnh đoàn cán bộ xây dựng nông thôn), đại úy Banh (phòng xây dựng nông thôn), cho đến anh Đoán (cảnh sát trưởng)… cũng như các quận trưởng, xã trưởng…. Một số lớn tỏ ra nhiệt thành trong công việc hành ngày của mình, chí công vô tư, và hoàn toàn không nghĩ đến tư lợi cho mình hay cho gia đình mình. Là một việc không dễ gì thấy được trong thời buổi nhiễu nhương lúc bấy giờ.

Làm Lợi Cho Dân

Trong mỗi bữa cơm chay ở nhà Bác sĩ Thiệt, qua thảo luận, tôi học được rất nhiều, từ những đóng góp và luận cứ đủ lý đủ tình và kinh nghiệm sống của anh Tâm, vì Anh vốn là một Trưởng Ty Thuế Vụ ở Phnom Penh (Nam Vang) thời Pháp thuộc. Do vậy, tôi cảm thấy tự tin hơn không cần phải đắn đo suy nghĩ khi cần phải lấy quyết định, cho bất cứ một việc gì cần phải giải quyết, đối với bất cứ ai, trong bất cứ trường hợp nào, trong lãnh vực hành chánh….

Cũng nhờ lòng tự tin này, mà chúng tôi dám ngang nhiên “ăn hối lộ” các nhà thầu cung cấp đá trải đường, để xây cất một hồ bơi (hồ tắm piscine) cho đồng bào có nơi giải trí lành mạnh — mà số lượng và phẩm chất đá vẫn không vì thế mà thay đổi. Cũng nhờ lòng tự tin này, mà chúng tôi dám bình tĩnh đòi ông Nguyễn Tấn Đời phải xây cất cho tỉnh Vĩnh Long một Thư Viện, gọi là “quà hối lộ cho tỉnh”, để bù lại việc Tỉnh cho ông được phép mở một chi nhánh Tín Nghĩa Ngân Hàng ở ngay thương xá Vĩnh Long.

 Cũng nhờ lòng tự tin này, mà chúng tôi dám “ăn hối lộ” một bà thương gia người tàu, khi bà này xin phép mở một cây xăng nổi trên sông, bằng cách yêu cầu bà đem 500,000 đồng (mà bà định hối lộ cho Tỉnh) đi đóng tiền cho Hội Phụ Huynh Học Sinh trường bán công Nguyễn Thông, để cho ông hiệu trưởng có đủ ngân khoản xây cất thêm lớp học cho con em. Cũng như hàng chục loại “hối lộ” kiểu này, mà trường Nguyễn Thông mới được cơi thêm một tầng lầu khang trang cho học sinh trung học bán công của Tỉnh. Còn nhiều vụ ăn hối lộ kiểu đó, mới có được Nhà Đa Dụng, mới có được Sân Vận Động…v..v…

Lúc nào chúng tôi cũng nhớ đến Ông Ầm (gọi theo mấy em trong Gia Đình Phật Tử Chánh Trí, vì anh Tâm rất nghiêm khắc). Nhớ tới anh để luôn luôn tự tin là chúng tôi vẫn “không làm rộn” ai hết, nên “khi mãn vai tuồng”, chúng tôi vẫn “chẵng hổ ngươi”. Còn hãnh diện và sung sướng nữa là đằng khác, vì đã diễn đúng vai tuồng của mình trên sân khấu Vĩnh Long!

Cái triết lý của văn hào Shakespeare do anh Tâm truyền lại cho chúng tôi, vô hình chung chẳng những đã giúp rất nhiều cho một số lớn anh chị em Quân Cán Chính chúng tôi, mà thiết thực hơn, còn gián tiếp đã giúp cho đồng bào tỉnh Vĩnh Long trong mấy năm sau, sau biến cố Tết Mậu Thân. Và đặc biệt hơn, đã giúp cá nhân tôi có được một kim chỉ nam đúng hướng, có một đường lối hành động đúng, trong mọi công tác mà không cần phải đắn đo suy tính trong mọi quyết định. Miễn là có lợi cho dân, cho Tỉnh!

Do đó, nơi đất khách quê người này, khi tôi nhận được tin là Bồ Tát Quan Thế Âm đã rước Anh đi, vào đúng ngày vía của Ngài, tôi không thấy đau buồn thương tiếc như thế gian thường tình. Trái lại, còn vui mừng cho Anh. Và không quên thành tâm cầu nguyện cho Anh được an vui mãi mãi nơi miền Cực Lạc. Cõi hồng trần này thôi không còn là sân khấu của diễn viên Nguyễn Minh Tâm nữa.

Minh Lý

(Minh Lý là pháp danh của Đại tá Dương Hiếu Nghĩa

cựu Tỉnh trưởng Vĩnh Long 1968-1973)