Nhạc sĩ Cao Thanh Tùng trình tấu Cello.
Một trong những sinh hoạt giáo dục lành mạnh và mới lạ cho học sinh trung-tiểu học của miền nam Việt Nam Cộng Hòa là chương trình Đố Vui Để Học. Chương trình này lần đầu xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình vào những năm đầu 1960s đã tạo nên một luồng sóng mới trong ngành giáo dục. Vào gần giữa thập niên 1960, dưới sự điều khiển của vị giáo sư trẻ trung và lịch lãm Cao Thanh Tùng, chương trình Đố Vui Để Học hàng tuần không chỉ nâng cao tinh thần đua tranh, lôi kéo sự hứng thú theo dõi của học sinh, mà còn được người lớn ngưỡng mộ. Cứ nói đến chương trình Đố Vui Để Học, người ta nghĩ ngay đến gương mặt mô phạm tiêu biểu của miền nam Việt Nam, giáo sư Cao Thanh Tùng.
Ông sinh năm 1940. Là cựu học sinh trung học Petrus Ký, sinh viên Văn Khoa, ban Triết Đông, Triết Tây, Đại Học Sư Phạm và University of Indiana.
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm năm 1962, ông được bổ về dậy Việt Văn tại trường Trung học nam sinh Nguyễn Trãi. Bốn năm sau, Giáo sư Cao Thanh Tùng được chuyển qua làm việc tại Trung Tâm Học Liệu, soạn thảo những chương trình giáo dục toàn quốc. Cuối năm 1969, ông được cử đi Mỹ học ngành Television Education, là chương trình giáo dục dành cho các nước nghèo, chậm phát triển như Việt Nam. Sau đó, ông tiếp tục đi tu nghiệp để nghiên cứu thêm về những cải tiến trong ngành Giáo Dục ở nước ngoài như Tây Đức, Nhật, Úc.
Người phối ngẫu của giáo sư Cao Thanh Tùng, giáo sư Kim Phượng, kể lại là sau chuyến du học trở về nước, giáo sư Tùng không đem theo những món quà xa xỉ phẩm cho gia đình mà chỉ toàn là sách. Sách dầy, sách mỏng đủ cỡ, đủ loại, nhiều đến nỗi phải chở về riêng bằng đường tàu thủy. Món quà lớn nhất mà giáo sư dành cho vợ là lời tâm tình, chứa chan lý tưởng phục vụ cho giáo dục: “Nước mình còn nghèo lắm em ơi, phải cố gắng tiến lên bằng kỹ thuật và giáo dục. Trong tương lai, dân mình sẽ không còn dốt nữa với phương cách giáo dục mới. Mọi người sẽ được đi học trên vô tuyến truyền hình. Mong làm sao anh sẽ áp dụng được những kiến thức thu thập được cho Việt Nam. Dân mình sẽ đỡ khổ hơn, nước mình sẽ hùng mạnh hơn.”
2
Tâm tình của nhà mô phạm hết lòng vì tương lai của đất nước là thế. Ông vốn sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, phải tự vươn lên bằng sức mình và sự phấn đấu từ bậc tiểu học, vì vậy, ông quyết tâm đem kiến thức thu thập được để nâng đỡ những người đang ngoi ngóp trong cảnh khó khăn.
Ngoài lãnh vực giáo dục, giáo sư Cao Thanh Tùng còn là một tài năng âm nhạc. Ông là nhạc sĩ duy nhất chơi trung hồ cầm (cello) của miền nam Việt Nam thời đó. Một hình ảnh người ta thường thấy là nhạc sĩ Cao Thanh Tùng, đeo cây trung hồ cầm thật lớn sau lưng, cưỡi velo-solex đi trình tấu trong các chương trình nhạc thính phòng Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng và dàn nhạc giao hưởng của trường Quốc Gia Âm Nhạc. Vâng, ông say mê âm nhạc như yêu giáo dục vậy!
Nói đến âm nhạc, người viết bài chợt nhớ đến câu chuyện của thầy Tùng và cậu học sinh Nguyễn Trãi lớp đệ ngũ Trịnh Đắc Phúc, niên khoá 61-68, như sau. Học sinh trường Nguyễn Trãi ngày đó rất may mắn có được những vị giáo sư xuất sắc, tận tâm dìu dắt học trò như: Toán, Bùi Thái Trừu; Âm Nhạc, Nguyễn Đức Tiến (nhạc sĩ Chung Quân); Việt Văn, Cao Thanh Tùng.
Nhờ được học nhạc với thầy Chung Quân, học sinh Trịnh Đắc Phúc phát triển tài năng và bắt đầu sáng tác. Được biết mỗi nhạc phẩm được chọn và trình bày trên đài phát thanh Sàigòn, tác giả sẽ được trả thù lao ba trăm đồng, Phúc đem nộp cho đài vài bản tình ca Bolero có âm điệu buồn day dứt, là loại nhạc đang thịnh hành, với hy vọng rằng nếu kiếm được chút tiền tiêu, thì cuộc đời học sinh mồ côi nghèo, ngày hai bữa cơm rau luộc đạp xe đi học của Phúc sẽ bớt nhọc nhằn.
Tình cờ, Phúc nghe ca sĩ trình bày nhạc của mình nên đạp xe lên đài xin tiền sáng tác. Phúc kể rằng, khi anh đem thẻ học sinh ra để chứng minh thì bị đài từ chối với lý do: “Phải có căn cước mới lãnh được tiền.”
Phúc tiu nghỉu trở về, gặp thầy Tùng, nhờ thầy giúp. Thầy Tùng xem bài nhạc rồi xoa đầu cậu học trò cưng Phúc, cười: “Em à, nhạc em viết rất hợp thời, kiếm được tiền đó. Nhưng thầy muốn nói tới một tác dụng lớn hơn của âm nhạc. Với giai điệu, với hòa âm, có bài hát thúc đẩy con người vào cuộc đấu tranh, có bài hát đưa con người đi sâu vào cảm xúc tuyệt vọng. Nét nhạc thể hiện tinh thần quốc gia dân tộc. Thôi, bỏ ba cái
3
loại nhạc tình thê thảm này đi. Nó không đáng gì đâu. Hãy vươn lên và hướng tới tương lai với một tâm hồn tươi sáng.”
Qua cuộc hôn nhân với học sinh Trịnh Đắc Phúc, người viết bài được nghe nhiều câu chuyện thú vị của thầy Tùng nên xin kể lại, để không riêng trường Nguyễn Trãi, mà tầng lớp học sinh trung học miền nam biết thêm sự tận tâm của giáo sư Cao Thanh Tùng: ông không ngừng dìu dắt thế hệ trẻ trong từng chuyện nhỏ và khuyến khích học trò xây dựng tinh thần quyết phấn đấu để khuất phục khó khăn. Trong số các cựu học sinh Nguyễn Trãi, chẳng biết có ai còn nhớ thầy Tùng đi dạy học, luôn luôn mặc áo sơ-mi có thêu chữ Phượng trên túi áo không? Đó là giáo sư Kim Phượng, người tình và là người phỗi ngẫu của giáo sư Cao Thanh Tùng.
Trở lại câu chuyện sáng tác nhạc, học sinh Trịnh Đắc Phúc nghe lời thầy Tùng, thôi không viết nhạc tình nữa. Khi bị đi tù Cộng Sản, hùng khí lại nổi lên và anh đã sáng tác trường ca lịch sử “Việt Nam Oai Linh Bất Khuất.” Để rồi nhiều năm sau, khi thầy trò Tùng-Phúc gặp lại nhau trên đất Mỹ, tuy ngỡ ngàng vì cả hai đều đã là bệnh nhân của bệnh tai biến mạch máu não, nhưng hai người vẫn còn gặp nhau trong cái vui và cái hùng của hồn nhạc. Hùng khí và cái vui đó trùm lên trên cái đau của thân xác và trở thành niềm mơ ước cuối cùng của đời người. Thầy Cao Thanh Tùng dặn người thân là tiễn thầy ra đi bằng âm nhạc mà thầy ưa thích (THE CELLO I LOVE: Kol nidrei. Max Bruch – The Swan. Saint Saens – Elegie. Gabriel Faure – Abenlied. Robert Schumann – Traumerei. Robert Schumann – Prayer. Ernest Bloch – Apres un reve. Gabriel Faure – Jeune fille aux cheveux de lin. Claude Debussy – Sonata in A. Cesar Franck).
Ngày 28 tháng 5, năm 2020 vừa qua, gia đình thầy Cao Thanh Tùng đã tiễn thầy ra đi bằng tiếng nhạc hòa tấu cổ điển như lời thầy Tùng dặn. Trong căn phòng im vắng không tiếng leng keng, lóc cóc…, không tiếng nấc nghẹn ngào tức tưởi, chỉ có tiếng nhạc xoắn vào nhau tạo thành một vòng khí âm liên tục, đưa linh hồn thầy Cao Thanh Tùng bay bổng, lên cao, lên cao mãi…
(Bà quả phụ Trịnh Đắc Phúc, nhủ danh Đặng Thị Kim Dung (Trưng Vương 64-71) California, 5.31, 2020)