TÚC CẦU VNCH, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG (Nguyễn Quang Duy)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tôi sinh năm 1959, vào năm đó lần đầu tiên đội tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hòa đoạt huy chương Vàng Đông Nam Á Vận Hội tổ chức tại Thái Lan. 

Tôi lớn lên với nhiều kỷ niệm và học hỏi từ tinh thần túc cầu Việt Nam Cộng Hòa, giờ càng nghĩ càng thấy nhớ thương, ngậm ngùi về thời kỳ vàng son nền túc cầu Việt Nam.

Huyền Vũ có một không hai 

Ngày nay người mê đá banh được xem trực tiếp truyền hình nên khó có thể hình dung được sự đam mê theo dõi các trận đấu qua lời tường thuật trên radio của ký giả Huyền Vũ.

Cứ mỗi trận đấu mà Huyền Vũ tường thuật thì y như khắp hang cùng ngõ hẻm, trên rừng thiêng núi thẳm dân mê đá banh đều bu quanh chiếc radio tưởng tượng những gì đang diễn ra trên sân cỏ.

Không chỉ ở các tiền đồn heo hút gió những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa lắng nghe Huyền Vũ tường thuật, một người theo cộng sản đã kể tôi nghe ngay trong chiến khu bộ đội cũng ham thích theo dõi Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh.

Từ giọng nói vô cùng thu hút người nghe, đến cách sáng tạo ngôn ngữ làm giàu từ ngữ Việt Nam, cách tường trình hết sức độc đáo các trận đấu và và kiến thức về túc cầu có một không hai, đến nay người Việt không có ai có thể thay thế được Huyền Vũ.

Từ ngữ “dzô! dzô! dzô!” mà các dân nhậu mời chúc rượu nhau là do Huyền Vũ sáng tạo, thường xuyên lập đi lập lại khi tường thuật các trận đá banh, riết thành từ ngữ hết sức phổ thông nói đến ai cũng biết.

Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm 1914 và mất năm 2005, là chủ bút Tạp chí Thể thao hàng tuần và chủ bút báo Nguồn Sống.

Với kiến thức uyên thâm về túc cầu, Huyền Vũ đã hướng dẫn bạn đọc cách chơi, luật lệ túc cầu, đồng thời giải thích cặn kẽ cho bạn đọc về chiến thuật và chiến lược của từng đội, trong từng trận đấu và xây dựng một tinh thần thể thao thắng không kiêu thua không nản.

Về cách viết tôi học được từ Huyền Vũ là luôn luôn có những bạn đọc tuyệt đối ủng hộ một đội banh, cũng như trong chính trị có những bạn đọc luôn ủng hộ một khuynh hướng chính trị, nên khi bình luận người viết không được thiên vị bên nào như thế thì các bài viết mới có giá trị lâu dài và người viết mới giữ được uy tín với bạn đọc.

Vài đoạn tường thuật 

Trên báo Thanh Niên, ngày 24/4/2016, nhà văn Lê Văn Nghĩa coi ký giả Huyền Vũ như một huyền thoại, bởi thế sau hơn nửa thế kỷ ông vẫn nhớ một số đoạn Huyền Vũ tường thuật trong trận đội Việt Nam thắng đội Do Thái 2-0 để được tham dự Thế Vận Hội năm 1964 xin trích dẫn lại như sau: 

“Hôm nay là trận tranh tài túc cầu vòng loại giải vô địch Thế vận hội 1964 giữa hai đội túc cầu Do Thái và Việt Nam. Về đội ta có mặt cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Phạm Văn Lắm, Phạm Văn Mỹ… Đặc biệt là thủ môn Phạm Văn Rạng, với đôi tay lưỡng thủ vạn năng…

“…thủ môn Phạm Văn Rạng đã đi vào huyền thoại bắt bóng của đội tuyển khi vào năm 1958, trong trận đội tuyển Thanh Niên thi đấu giao hữu với Câu Lạc Bộ vô địch Thụy Điển. Đội bạn, vì đã bị dẫn trước tỷ số nên cố san bằng khung thành của đội tuyển Thanh Niên. Có một đường banh mà không ai mê túc cầu có thể quên được đó là khi trung phong đội bạn là Djupden đánh đầu quả da vào từ góc trái. Cả cầu trường im phăng phắc. Còn trung phong đội bạn giơ cao cánh tay chuẩn bị mừng bàn thắng thì bất ngờ… Phạm Văn Rạng đã búng ngược người như một con tôm, dùng tay đẩy bóng qua xà ngang cứu một bàn thua trông thấy…

“…Mũi tên vàng Thới Vinh bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống… Quả da đã đi tới khung thành rồi. Ngôn đang lừa banh, qua rồi. Tam Lang đang đứng đợi bên trong, đưa banh. Tam Lang bỏ cho Đỗ Thới Vinh. Ngôn ở phía sau sẵn sàng “S… ú… t”…, cú sút như trái phá nhưng quả da đụng khung thành bật ra… Ta đã uổng một dịp thắng bằng vàng…

“…Chúng ta còn nhớ lại, tại Đông Nam Á vận hội năm 1959, đội tuyển túc cầu của ta đã đoạt huy chương vàng nhờ công của các tuyển thủ Đỗ Thới Vinh, Hải, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Nhung và không thể thiếu thủ môn vàng Phạm Văn Rạng. Đội tuyển túc cầu xứ chùa Tháp phải chia tay với chức vô địch khi thua đội tuyển túc cầu Việt Nam với tỷ số 1-3. Chính tay thái tử Xiêm trao cho đội tuyển túc cầu Việt Nam chiếc cúp vàng vô địch…

“… Nào bây giờ ta trở lại trận đấu. Quả da đang ở trong chân của Tenkitút. Tenkitút tạt ngang cánh trái cho Mohamet Jali. Jali dẫn banh xuống nhưng bất ngờ, từ phía sau Tam Lang đã bắn ra như một mũi tên… Ô… số 8 của đội Do Thái là Baroak đã kịp thời lao đến cản đường banh của Tam Lang.

“…Tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đứng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng quả da đụng khung thành bật ra…

“… Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô! tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung!…

“… Rồi Đực, rồi Rạng với đường banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…”.

Từ hồi còn rất nhỏ nhưng tôi đã yêu thích giọng tường thuật của Huyền Vũ, rồi mê đá những trái banh bằng nhựa trên sân xi măng hay trên đường nhựa, đến nay đầu gối vẫn đầy những vết thẹo kỷ niệm thời ấu thơ.

Vài giải thưởng quốc tế khác 

Đến năm 1966, đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa lại đoạt cúp vàng Merdeka, tổ chức tại Mã Lai Á. Đội banh Việt Nam đã liên tiếp hạ Tân Gia Ba (5-0), Nhật (3-0), Mã Lai Á (5-2), Đài Loan (6-1) và thua Ấn Độ (0-1). Cuối cùng Việt Nam vào chung kết thắng Miến Điện (1-0). 

Tại Đông Nam Á Vận Hội kỳ IV năm 1967, đội Việt Nam đoạt huy chương Bạc, khi thắng Lào (5-0), Thái Lan (5-0), nhưng thua Miến Điện (1-2) khi vào chung kết. 

Năm 1973, tại Đông Nam Á Vận Hội ở Tân Gia Ba, đội tuyển Việt Nam lại dành huy chương bạc, sau khi vào chung kết lại thua Miến Điện khi trận đấu chỉ còn 8 phút thì kết thúc, với tỷ số 3-2.

Giải túc cầu Quốc Khánh 

Những trận đấu quốc tế cuối cùng diễn ra trên sân cỏ Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu từ ngày 1/11/1974 với bảy nước tham dự là Đài Loan, Nam Dương, Cam Bốt, Lào, Mã Lai Á, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam đã thắng Thái Lan (3-2), thắng Lào (1-0), hòa với Đài Loan (1-1), thua Mã Lai Á trận đầu (1-5) nhưng thắng vòng loại (1-0).

Trận chung kết giữa hai đội Nam Dương và Việt Nam có sự hiện diện của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra tại sân vận động Cộng Hòa vào ngày 10/11/1974.

Tôi còn nhớ sau nhiều tiếng đồng hồ sắp hàng mới mua được vé, ngay sau đó đã có người muốn mua lại với giá gấp chục lần, nhưng chúng tôi quyết định không bán, để vào xem trận đấu và ủng hộ đội nhà. 

Mặc dầu là trận đấu kỷ niệm Quốc Khánh với trên 20 ngàn khán giả tham dự, nhưng không có cảnh cờ xí, hình tượng lãnh đạo, phô trương chính trị như ngày nay.

Chưa kể tinh thần không thiên vị khi đội bạn Nam Dương chơi hay vẫn được khán giả Việt Nam nhiệt tình ủng hộ.

Trước trận đấu nhiều người tin rằng đội Nam Dương sẽ thắng và sẽ đoạt huy chương vàng, biết vậy nên ngay từ hiệp đầu đội Việt Nam đã dùng chiến thuật tập trung tấn công nhờ vậy đã ghi được bàn thắng đầu tiên.

Bước sang hiệp nhì đội Nam Dương liên tục phản công, đội Việt Nam quay về thế phòng thủ, nhưng gần cuối trận đấu do sơ hở phía đội Nam Dương, Việt Nam ghi thêm một bàn thắng, nhiều khán giả mừng rỡ ôm nhau nước mắt chảy thành dòng.

Tôi nhớ hôm ấy cả hai đội đều chơi rất đẹp, nhưng có thể vì không phải sân nhà và thời tiết trở lạnh có thể không thích hợp với đội Nam Dương, nên về thể lực đội bạn không giữ được đến phút cuối.

Ngay sau đó là lễ phát thưởng do chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao huy chương cho các đội, mọi người đều vui mừng ở lại sân dự lễ đến phút cuối và dư âm trận đấu vẫn còn cả tháng sau.

Cao trào túc cầu

Ở miền Nam hầu như mỗi tỉnh đều có một đội banh hằng năm đều tổ chức các giải Liên Quân Khu và giải Toàn quốc, thêm vào đó là các đội chuyên nghiệp vang bóng một thời như Quan Thuế, Không Quân, Hải Quân, Tổng Tham Mưu, Tổng Nha Cảnh Sát, Cảng Sài Gòn và Đội tuyển Quốc Gia. 

Túc cầu đã trở thành cao trào tập luyện thể thao, giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần, khắp miền Nam gần như trường trung học, đơn vị quân đội, cơ quan, khu phố nào cũng có đội banh riêng.

Các cầu thủ Việt Nam đều là thần tượng của tôi, nên viết về người này mà không viết về người khác thì quả là thiếu sót, vả lại lâu rồi cũng không nhớ hết, nếu viết e rằng sẽ có những lầm lỗi đáng tiếc.

Đội banh lớp tôi

Nhưng tôi đặc biệt yêu quý cầu thủ Tam Lang, phần vì ông là chồng ca sĩ Bạch Tuyết người mà tôi yêu thích, ông còn là cựu học sinh trường Trương Vĩnh Ký và nhà ở ngay trong sân vận động Lam Sơn nơi đội banh lớp 6-9/4 và 10-12/B2 (1971-77) của chúng tôi thường xuyên tập luyện.

Sân Lam Sơn thuộc khuôn viên trường Trương Vĩnh Ký, một người bạn của chúng tôi là con trai của Bác coi trường có chìa khóa cửa sau thông ra sân vận động nên cứ rảnh là chúng tôi kéo nhau sang sân tập đá.

Đá xong chúng tôi lại kéo sang nhà Dũng mập cạnh bên sân uống nước, nghỉ ngơi, nói chuyện trên trời dưới đất, những ước mong thời tuổi trẻ.

Đội banh có Biền nhỏ con nhất lớp, nhưng nhanh nhẹn, đá banh thì phải nói tuyệt vời, tôi nhớ có một lần đá với một lớp lớn hơn, đội chúng tôi thắng 12-0, riêng Biền đã ghi 10 bàn thắng.

Chúng tôi kháo nhau Biền dân Bến Tre nên từ nhỏ lấy dừa khô thay banh để đá, nhà Biền may banh da nên chúng tôi thường đến để đặt mua banh, Ba của Biền chỉ lấy giá tượng trưng, mấy chục năm nay không gặp lại Biền không biết giờ ra sao. 

Ngoài Biền ra các bạn khác như Dũng mập, Việt Hùng, Hùng Đô, Văn Hùng, Hiệp, Lợi Nhi, Ân, Tuấn, Hồng, Phương, Lỳ, Hồng Hoàng Thượng, Minh, Chánh, Oánh, Huệ và nhiều bạn khác.

So với các bạn tôi nhỏ con, chạy không nhanh, nói chung là đá dở hơn các bạn, thường giữ vị trí hậu duệ, nên thủ môn Huệ luôn miệng réo tên tôi khi banh đến sát khung thành và cuộc đời tôi chưa một lần ghi bàn thắng.

Đôi khi, chúng tôi lên sân vận động Tao Đàn để đấu giao hữu với các trường trung học khác tại Sài Gòn, hay các lớp khác ở chung trường Trương Vĩnh Ký.

Khi ra trường mỗi đứa mỗi nơi, sau hơn 40 năm đứa còn đứa mất cứ nhớ đến đá banh là nhớ đến các bạn, nhớ đến tuổi thanh niên ở miền Nam vùng đất tự do.

Túc cầu dạy cho tôi tinh thần đồng đội, đã chơi phải chơi hết mình, chơi đẹp, chơi đúng luật để giữ tiếng, chơi toàn đội, biết rõ vai trò của mình trong đội banh, còn thắng thua là chuyện bình thường, thắng không kiêu thua không nản.

Tinh thần túc cầu học hỏi được từ Huyền Vũ, từ các cầu thủ Việt Nam Cộng Hòa và từ các bạn bè cùng lớp đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống nơi đất khách quê người, bởi vậy cứ mỗi lần nghĩ đến túc cầu Việt Nam Cộng Hòa tôi lại nhớ đến một thời đầy thương đầy nhớ.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

3/7/2021


..”Xét về phương diện giáo dục tuổi thơ thì Bồn lừa quả là cuốn sách phải đóng gáy vàng đặt trong thư viện của mỗi trường học để giục lòng yêu nước cho tuổi trẻ. Tưởng không có một cuốn sách Công-dân Giáo-dục nào cụ thể hơn, hữu hiệu hơn để dạy dỗ tuổi thơ thế nào là niềm tin dân tộc, thế nào là vinh quang của một dân tộc.”…
 
Vị nào đã ghi nhận xét trên đây quả thật đã đã “thấu hiểu” Duyên Anh rất cặn kẽ. Những truyện ngắn, truyện dài của nhà văn Duyên Anh- mà đa số độc giả thường cho là truyện của “tuổi thơ”- thật ra là được viết cho cả một thế hệ thanh thiếu niên đang bước vào tuổi trưởng thành, đồng thời cũng là những hồi chuông cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh, những nhà chức trách, đặc biệt là những vị thuộc ngành Giáo Dục, Văn Hóa và Xã Hội.
Duyên Anh đã nhìn thấy sự khiếm khuyết trong những phạm trù vừa kể. Bởi lẽ miền Nam trong thời điểm từ sau 1954 đến thời gian sách được công chúng đón nhận, chỉ chú trọng phần lớn vào việc gìn giữ và bảo vệ an ninh lãnh thổ. Chiến tranh mỗi ngày một leo thang. Quốc Phòng và Kinh Tế cần phải đặt lên hàng đầu để tự vệ và sinh tồn. Mọi thứ khác đều là phụ thuộc nếu không muốn nói là thứ yếu.
Duyên Anh là một người yêu nước, một người có tinh thần quốc gia chân chính và triệt để, ông thấy bất công và xáo trộn trong xã hội, khó khăn trong gia đình và học đường  và nhứt là sự mờ nhạt của tinh thần quốc gia, tự ái dân tộc trong lòng mọi người, nên muốn đưa nhận định và “giải pháp” của mình vào tác phẩm và ông đã chọn Bồn Lừa, một trong những tác phẩm tưởng chừng như để đọc giải trí, để hâm nóng tinh thần thể thao, đặc biệt là trong bộ môn túc cầu vốn là môn “Thể Thao Vua” của Việt Nam ( và của cả thế giới).
 
Rải rác trong 10 chương sách là thông điệp của tác giả gởi- không phải chỉ dành cho giới thanh thiếu niên, hay chỉ những nhà chức trách- mà còn có thể xem như là lời nhắn nhủ, kêu gọi và nhắc nhở khẩn thiết đến toàn Xã Hội, như trong những câu trích dẫn ( tô chữ màu xanh ) dưới đây:
Bồn lừa đã đứng dậy, lẩm bẩm trong miệng “ước gì đếch ước lại ước xách giày cho Pelé“… không bao giờ Bồn lừa nghĩ nó là thằng bán bong bóng. Mà nghĩ rằng nó là ông tướng đi chiêu mộ lính con nít… Dzũng Đakao không vào Hướng Đạo nhưng có tinh thần hướng đạo…
…những đứa trẻ Việt-nam đã đá những đường lon sữa bò nhập môn túc cầu trên vỉa hè trước khi đá ban giấy gói, ban bưởi, ban ni lông, ban cao su trên những quãng đại lộ vắng vẻ rồi đá ban da ở hậu gôn sân cỏ Hoa-lư. Không ai huấn luyện những đứa ham đá bóng tròn này cả. Chúng nó đã “tự học” đá bóng… Lớn lên, những đứa trẻ đá lon sữa bò rủ nhau chung tiền, mua bóng, lập hội. Và những đứa trẻ đá lon sữa bò trên vỉa hè đã trở thành những Vinh, Dậu, Ngôn, Thuận, Quang, Rạng, Tam Lang, Phụng, Tá, Chiêu… Đó là những thiên tài bóng tròn, những ông vua sân cỏ. Những thiên tài này, hồi thơ ấu, đã vác bóng đi đá “ké” sân giống hệt bọn Bồn lừa…

… Vốc nước lạnh làm tỉnh người để ước mơ có ngày đem vinh quang hiến dâng xứ sở. Và đem vinh quang thật sự dâng hiến quê hương Việt-nam.( chương thứ 2 )

 
Học nghề khổ sở vô cùng. Trước khi dạy mình cầm mũi kim, người ta bắt mình mở cửa, đóng cửa, quét nhà, rửa bát, lau xe, dẫn em đi chơi, rửa đít cho con người ta. Mình khép nép, sợ người ta một vành. Tủi thân không dám khóc. Ăn cơm chung với đầy tớ. Và ăn cơm thừa canh cặn hàng mấy tháng ròng rã người ta mới sai vặt quanh cái nghề mình muốn học…
…Bồn lừa vắt tay lên trán. Đêm cựa mình, Bồn lừa nghe rõ. Nó nghe rõ cả tiếng kêu than muốn biết “có bao giờ chiêm bao là sự thật không nhỉ” reo ở đáy tim nó... ( chương thứ 3 )
… Những nét hào hùng đó, bình thường, không khi nào xuất hiện cả. Nó chỉ xuất hiện trên khuôn mặt những người bình dân, lao động ở quanh cái máy thu thanh có trực tiếp truyền thanh các trận cầu quốc tế. Nhiệt tình và lòng yêu nước đã bộc lộ tại những nơi khiêm tốn như vậy đấy. Thua một trái, họ thở dài, đau khổ, cảm thấy như mũi kim đâm trúng tim mình. Thắng một trái, họ hò la, múa reo, đập phá…
… Bồn lừa mơ ước vươn người, tung vó làm lịch sử cơ hồ Phù-đổng Thiên-vương. Thằng nhóc, con của người soát vé rạp chiếu bóng Kinh Thành, dám tin tưởng rằng, lớn lớn, nó sẽ rửa nhục cho quê hương, nó sẽ đá bại tất cả các đội bóng Âu-mỹ qua Việt-nam…
… Trên sân cỏ, khi tranh tài với đội bóng tròn ngoại quốc, những Vinh, Dậu, Ngôn, Thuận, Tam Lang, Rạng, Đực, Thanh, Chiêu, Hội, Tỷ đã kết hợp lại thành một linh hồn, đó là linh hồn tổ quốc. Bồn lừa đã thương tổ quốc. Càng thương bao nhiêu nó càng thắc mắc giấc mơ tung lưới Ba-tây bấy nhiêu…

…Tiếng “nghèo” vừa rơi vào tâm hồn non dại của nó như một điệu buồn ray rứt. Bố nó, mỗi lần khuyên nó chăm chỉ học hành, thường kể nó nghe chuỗi ngày nghèo khổ, lưu lạc, thất học rồi rơm rớm nước mắt, cầm tay nó “con cố gắng học, học giỏi có nghèo cũng đỡ khổ. Chứ, thất học, vừa khổ vừa nghèo…” Chương còm đã biết buồn khi nghe bố nó nói chuyện đời cơ cực của bố nó. Ngoài bố nó, hôm nay nó mới được nghe Bồn lừa nói “bố tao nghèo” trong nước mắt. Chương còm thương bố nó, thương bố Bồn lừa, thương tất cả những người nghèo khổ. Nó nghĩ, những người đang nghèo hôm nay, khổ như bố nó ngày xưa. Bỗng nước mắt nó cũng ứa ra.  Tiếng “nghèo” vừa rơi vào tâm hồn non dại của nó như một điệu buồn ray rứt. Bố nó, mỗi lần khuyên nó chăm chỉ học hành, thường kể nó nghe chuỗi ngày nghèo khổ, lưu lạc, thất học rồi rơm rớm nước mắt, cầm tay nó “con cố gắng học, học giỏi có nghèo cũng đỡ khổ. Chứ, thất học, vừa khổ vừa nghèo…” Chương còm đã biết buồn khi nghe bố nó nói chuyện đời cơ cực của bố nó. Ngoài bố nó, hôm nay nó mới được nghe Bồn lừa nói “bố tao nghèo” trong nước mắt. Chương còm thương bố nó, thương bố Bồn lừa, thương tất cả những người nghèo khổ. Nó nghĩ, những người đang nghèo hôm nay, khổ như bố nó ngày xưa. Bỗng nước mắt nó cũng ứa ra. ( chương thứ 4 )

 
… phiến đá thần là sự “chăm chỉ học hành, dùi mài kinh sử“. Ai chăm học, người ấy được soi mặt mình vào phiến đá thần và thấy tương lai mình. Sự thật ví như phiến đá thần mà chiêm bao ví như sự chăm chỉ, tôi luyện. Nếu cháu có lòng tin, chăm chỉ, tôi luyện thì giấc chiêm bao tung lưới Ba-tây của cháu nhất định phải thành sự thật…
… “Ngủ đi, Bồn lừa, giấc chiêm bao của mày nhất định sẽ thành sự thật“. ( chương thứ 5 )
 
Tự dưng, nó nhớ bài tập đọc ở “Quốc văn Giáo khoa thư” lớp dự bị: “Sợi dây nhỏ, cây gỗ lờn, thế mà dây cứa mãi gỗ cũng phải đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ…” Bố Chương còm đã bảo chiêm bao sẽ thành sự thật nếu mình tin tưởng và cố gắng trau dồi, học hỏi. ( chương thứ 6 )
 
Đó là câu “thiên tài là sự cố gắng không ngừng“. Cháu cứ cố gắng đi, rồi tự nhiên tài nó đến đúng tuổi cháu. Từ xưa, có ai làm nổi lịch sử trong khoảnh khắc đâu. Vua Lê Lợi đuổi quân Tàu phải mất mười năm cơ mà.   ( chương thứ 7 )
 
Tinh thần quốc gia, tự ái dân tộc, tự hào cá nhân:
Khán giả Việt-nam đi xem anh em Bồn lừa rửa mối nhục “tiểu nhược quốc “. Những người cả đời chưa coi đá bóng, cũng chen rách áo hoặc mua vé chợ đen xem trận đấu lịch sử này. Bồn lừa, hai tiếng đó như hai tiếng của mầu nhiệm, len lỏi vào mạch máu của mỗi người Việt-nam. Những em bé nghe hai tiếng Bồn lừa bỗng cảm thấy mình lớn lên, phi thường cơ hồ Bồn lừa! Đó là thần tượng của nhi đồng, là anh hùng vô địch. … Người Việt-nam vốn là dòng giống Bách-việt có lịch sử lập quốc vĩ đại nhất thế giới, có huyền sử “trăm, con trăm trứng” đẹp nhất loài người. Dòng giống Bách- việt là dòng giống văn minh trước nhất nhân loại. Dòng giống đó kiêu hùng như rồng, phóng khoáng như tiên. Chưa một nước nào dám đơn phương đánh nước Trung-hoa, trừ dòng giống Bách-việt. Đánh Trung-hoa là thắng, không biết bại. Nước Việt-nam có điệu thơ mơ màng nhất thế giới là thơ lục bát. Thơ lục bát lơ lửng trong tâm hồn mọi người Việt-nam cơ hồ tiếng sáo diều của họ lơ lửng trên bầu trời. Không nước nào bắt chước người Việt-nam làm thơ lục bát được. ( chương thứ 8 )
Báo chí Pháp công khai xin lỗi nước Việt-nam và coi chuyện tám mươi năm đô hộ là chuyện nhục nhã của dân tộc Pháp. Bóng tròn đã làm lu mờ tất cả và khuynh loát chính trị. Thế giới hướng về Trí-lợi mong ước Việt-nam đoạt cúp Jules Rimet và đòi hỏi hòa bình danh dự cho dân tộc Việt-nam. Thế giới lên án những kẻ gây chiến tranh, những tên lái súng, những âm mưu thực dân mới. Không qua Trí-lợi với tư cách các nhà ngoại giao nhưng anh em Bồn lừa đã trở thành các nhà ngoại giao, phục vụ quê hương đắc lực. Hai tiếng Việt-nam sơn son thiếp vàng trong tim nhân loại. ( chương thứ 8 )
 
Ngày xưa chúng mày vào Sài-gòn tước khí giới Nhật, chúng mày đem theo bọn thực dân Pháp. Rồi liên quân Anh, Pháp, Ấn dùng võ khí tối tân đánh nhau với gậy tầm vông của thanh niên tiền phong. Chúng mày đã bắt đồng bào ông ứa máu mắt thì hôm nay, ông bắt cả nước mày ứa máu mắt để chúng mày biết đau đớn mà dậy chút tình thương yêu nhân loại, dứt bỏ tinh thần kỳ thị chủng tộc ở châu Phi đi, dứt bỏ tinh thần đế quốc đi… ( chương thứ 9 )
 
Với văn phong như vậy, câu chuyện và thông điệp như vậy, nhà văn Duyên Anh đã chứng minh lòng thành của mình khi nghĩ tới tương lai của Dân Tộc và của Đất Nước. Quả là một sự trái ngược với cung cách hành xử của ông trong sinh hoạt đời thường! Lúc sinh tiền, Duyên Anh thường xuyên gây thù chuốc oán, nhưng đó chỉ là do cá tánh. Tấm lòng và hoài bảo của ông rất đáng được trân trọng. Tác phẩm Bồn Lừa là một thí dụ điển hình.
Trọng Kính
HUỲNH VĂN CỦA
  Continue reading → Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10  
************
https://www.youtube.com/embed/8QEmnP48PEc 
https://www.youtube.com/watch?v=WXg8P0u9W9I
https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=2-CS169akqU
https://www.youtube.com/embed/dRamv5cyDJA
https://www.youtube.com/embed/ArI94Pmpudw
https://www.youtube.com/embed/WgDGLIyvfuY