TRUNG QUỐC ĐÃ BẮT GIỮ HÀNG TRĂM NGƯỜI VÌ LÊN TIẾNG VỀ VIRUS CORONA VŨ HÁN (Du Miên)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trung Quốc đã bắt giữ hàng trăm người vì lên tiếng về virus Corona Vũ Hán

Nếu Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) cho phép các nhà báo trong nước và quốc tế, các nhân viên y tế có quyền tự do ngôn luận và điều tra, thì các quan chức Trung Quốc và các nước khác sẽ được chuẩn bị tốt và đầy đủ hơn để đối phó với thách thức này..

***

Chủ nhật vừa qua (10/5), một luật sư hiến pháp Trung Quốc đã bị bắt giữ, vì “dám” lên tiếng chỉ trích cách thức chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xử lý và kiểm soát ngôn luận về thảm họa đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), Fox News đưa tin.

Cụ thể, luật sư Zhang Xuezhong (43 tuổi) đã đăng tải một bức thư ngỏ lên tài khoản WeChat cá nhân của mình, đã chỉ ra 2 vấn đề chính trong công tác xử lý truyền thông của ĐCSTQ đối với đại dịch virus Corona Vũ Hán, bao gồm: sự vắng bóng của giới truyền thông phi chính phủ và việc ngăn chặn không cho các chuyên gia y tế lên tiếng cảnh báo cho công chúng. 

Theo luật sư Zhang, các động thái này của nhà cầm quyền cho thấy “sự kiểm soát chặt chẽ và lâu dài của [ĐCSTQ] đối với xã hội và người dân đã phá hủy hầu như toàn bộ chính quyền này và khả năng tự lực của xã hội Trung Quốc”. Ông chỉ trích những chính sách lạc hậu này của ĐCSTQ và cho biết, “sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh COVID-19 là một minh họa tốt cho vấn đề này”. 

Cũng trong bài đăng trên WeChat này, luật sư Zhang nhấn mạnh rằng, cách tốt nhất để giành được quyền tự do ngôn luận, đó là “mọi người hãy nói như thể chúng ta đã có được quyền tự do ngôn luận”. 

Theo báo South China Morning Post (SCMP), bức thư này đã được gửi tới Đại hội Dân tộc Quốc gia (NPC) của Trung Quốc và cũng trở nên phổ biến trên các trang mạng xã hội của nước này. 

Và rắc rối cũng đến với luật sư Zhang từ đây. Ông Wen Kejian – một nhà phân tích chính trị độc lập – cho biết, ngay ngày hôm sau đã có 3 chiếc xe cảnh sát đậu tại cửa nhà luật sư Zhang ở Thượng Hải và đưa ông Zhang đi. Cuộc bắt giữ chớp nhoáng này đã tái khẳng định cách tiếp cận không khoan nhượng của ĐCSTQ đối với những người bất đồng chính kiến. 

Đặc biệt kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát hồi tháng 12/2019, hàng trăm người bao gồm các bác sĩ, nhà báo và luật sư đã bị bắt giữ ở Trung Quốc chỉ vì “dám” lên tiếng nói lên những sự thật liên quan đến virus Corona Vũ Hán. Theo các thống kê từ China Digital Times, đã có gần 500 cá nhân bị buộc tội và/hoặc bắt giữ từ ngày 1/1 đến ngày 4/4 vì đã lên tiếng về quan điểm cá nhân hoặc nói những gì mình biết. 

Trên thực tế, ĐCSTQ sẽ trừng phạt bất kỳ ai đưa thông tin về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Khi dịch bệnh khởi phát, các bác sỹ có lương tâm đã nỗ lực cảnh báo cho cộng đồng về sự nguy hiểm này, nhưng cảnh sát ĐCSTQ đã theo dõi nhiều bác sỹ – những người bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông xã hội, và cáo buộc họ phạm tội lan truyền tin đồn nhảm và kích động sự lo sợ của công chúng.

Bác sĩ Lý Văn Lượng là một trong 8 bác sĩ đã phát hiện ra nguy cơ dịch bệnh vào tháng 12/2019 và thông báo cho nhiều người biết. Tuy nhiên bác sĩ Lý bị chính quyền thành phố Vũ Hán cáo buộc “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. 

Sau bác sĩ Lý Văn Lượng, một ‘anh hùng’ khác từng lên tiếng về dịch virus tại Vũ Hán đã bị ‘mất tích’. Đó là Chen Qiushi, một nhà báo công dân, người đã đưa ra báo cáo quan trọng về tình hình dịch virus Corona từ Vũ Hán – tâm chấn của vụ dịch. Anh đã bị mất tích vào tối ngày 06/2. 

Đồng thời, bác sĩ Ai Fen , giám đốc đơn vị cấp cứu thuộc bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã trả lời phỏng vấn với một tạp chí Trung Quốc và công khai chỉ trích lãnh đạo bệnh viện vì đã bỏ qua những cảnh báo sớm về virus corona. Kể từ sau cuộc phỏng vấn, không ai thấy bác sĩ Ai Fen.

Ngày 30/3, một sinh viên đại học và là lập trình viên từ tỉnh Sơn Đông ở đông bắc Trung Quốc, tên là Zhang Wenbin đã đăng trên Twitter một video với khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Trong một tweet khác đăng cùng ngày 30/3, Zhang cho biết cảnh sát đã gọi anh lên để cảnh cáo về bài viết của anh trên Wechat, và nói sẽ giam giữ anh trong 5 ngày. Từ thời điểm đó, không thấy anh đăng bài viết trên mạng nữa. Còn từ ngày 31/3, anh đã “biệt tăm”.

Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều ví dụ cho thấy tự do ngôn luận là một điều hoàn toàn cấm kỵ đối với ĐCSTQ, và là một xa xỉ phẩm đối với mỗi người dân Trung Hoa. 

Trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 được công bố vào tháng trước, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Trung Quốc đứng thứ 4 từ dưới lên, đứng trên Eritrea, Turkmenistan và Bắc Triều Tiên. Theo ước tính của tổ chức này, hiện có khoảng 100 nhà báo Trung Quốc đang bị cầm tù – là con số cao nhất thế giới.

Du Miên