TRẬN KHE SANH: TAN VỠ GIẤC MƠ “ĐIỆN BIÊN PHỦ” CỦA CỘNG QUÂN (Vann Phan)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại chiến trường Khe Sanh năm 1968. (Hình: Bettmann/Getty Images)

SANTA ANA, California (NV) – Trận Khe Sanh bắt đầu vào ngày 21 Tháng Giêng, 1968, khi các lực lượng chính quy của Cộng Sản Bắc Việt, phối hợp với quân du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mở cuộc pháo kích và tấn công đại quy mô vào các căn cứ của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong vùng Khe Sanh gần biên gới Lào-Việt.

Trong suốt 77 ngày, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gồm Biệt Động Quân trấn thủ và Nhảy Dù tăng viện, đã giao tranh dữ dội với địch để đẩy lùi các cuộc tấn công của Cộng Quân. 

Trong trận chiến này, 20,000 Cộng Quân đã được huy động để bao vây 6,000 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cùng Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng Khe Sanh đã không thất thủ theo kế hoạch bao vây và tấn công của Cộng Sản Bắc Việt như trường hợp của Điện Biên Phủ hồi năm 1954 trong cuộc Chiến Tranh Việt-Pháp.

Bối cảnh trận Khe Sanh

Căn cứ Khe Sanh, một tiền đồn đèo heo hút gió ở vùng biên giới Tây-Bắc của Việt Nam Cộng Hòa và cách vùng Phi Quân Sự 14 dặm (23 km) về phía Nam, tọa lạc trên ngọn núi cao nhất vùng Đông Trị thuộc Dãy Trường Sơn, cạnh sông Rào Quan, một chi nhánh của sông Quảng Trị, bao quanh là núi đồi và cây rừng trùng điệp. Phía Bắc và Tây Bắc có bốn ngọn đồi án ngữ là 881 Bắc, 861, 558 và 881 Nam. Khe Sanh chỉ cách biên giới Lào-Việt chừng 6 dặm (10 km) trên Đường Số 9 chạy theo hướng Đông-Tây nối liền Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị, ngang qua Cam Lộ, Cà Lu, xuyên qua biên giới Lào-Việt tới tận Savannakhet bên Lào.

Các lực lượng Mỹ đã có mặt tại Khe Sanh từ năm 1962 khi Lực Lượng Đặc Biệt thiết lập một doanh trại gần đó, trên Đường Số 9, cách Khu Phi Quân Sự (DMZ) chừng 14 dặm (23 km) và sát với biên giới với Lào.

Đường Số 9 là trục lộ chiến lược quan trọng được Cộng Quân sử dụng để xâm nhập người và vũ khí từ Lào vào các tỉnh cực Bắc Việt Nam Cộng Hòa. Thủy Quân Lục Chiến Mỹ có ba tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 26 đóng quân tại căn cứ Khe Sanh, đó là các Tiểu Đoàn 1, 2, 3 và Tiểu Đoàn 13 Cơ Giới cùng một đơn vị Tình Báo chiến lược.

Mùa Thu năm 1967, bộ đội chính quy của Cộng Sản Bắc Việt bỗng dưng khởi sự tăng cường lực lượng của họ trong vùng Khe Sanh, khiến phía Mỹ tin rằng thế nào Khe Sanh cũng sẽ bị Cộng Quân tấn công.

Theo tài liệu “Trận Khe Sanh 1968” của hai tác giả Đại Úy Nguyễn Trung Tín và Đại Úy Nguyễn Hữu Viên trên trang mạng nhaydu.com, mặt trận Khe Sanh, vì kéo dài tới hơn hai tháng rưỡi, không phải chỉ có một trận đánh mà bao gồm nhiều cuộc giao tranh, nhiều đợt tấn công và phản công của lực lượng hai bên.

Giao tranh đợt 1

Ngày 19 Tháng Giêng, 1968, một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tảo thanh vùng đồi 881 Bắc đã đụng độ dữ dội với Cộng Quân. Chiều ngày hôm sau, Lã Thanh Tòng, đại đội trưởng pháo đội 14 phòng không thuộc Trung Đoàn 95, Sư Đoàn 325 Cộng Sản Bắc Việt, về đầu thú với quân bạn và tiết lộ kế hoạch tấn công cấp bách của Cộng Quân lên các Đồi 861 và 881 Bắc. Viên sĩ quan đầu thú này cũng tiết lộ rằng hai Sư Đoàn 304 và 325C của Cộng Sản Bắc Việt đã vạch sẵn kế hoạch đánh chiếm căn cứ Khe Sanh.

Quả thật, đêm hôm 20 Tháng Giêng, sau nửa giờ pháo kích, lực lượng Cộng Quân khoảng 300 người đã mở cuộc xung phong lên đồị và tấn công vào căn cứ. Trận đánh kéo dài đến 5 giờ 30 phút sáng thì Cộng Quân rút lui, để lại 47 xác.

Sáng ngày 21 Tháng Giêng, căn cứ Khe Sanh bị pháo kích dữ dội với hàng ngàn quả đạn, khiến kho đạn bị nổ tung, phi đạo bị cày xới cùng một số trực thăng bị phá hủy trong khi đài kiểm soát không lưu cũng như nhiều dụng cụ quan trắc khí tượng bị hư hại.

Ngày hôm sau, Tiểu Đoàn 1/9 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ được trực thăng vận đến tăng viện cho Khe Sanh. Ngày 27 Tháng Giêng, Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa được không vận đến để tăng viện thành năm tiểu đoàn Mỹ-Việt cùng phòng thủ căn cứ Khe Sanh.

Giao tranh đợt 2

Trong khi đó, tin tức tình báo ghi nhận lực lượng Cộng Sản rất hùng hậu và đang hiện diện chung quanh Khe Sanh, với ít nhất ba sư đoàn và thêm một số đơn vị biệt lập hỗ trợ khác. Ngoài ra, Cộng Quân còn huy động thêm một đơn vị thiết giáp với chiến xa T-54 cùng Trung Đoàn 68 bộ chiến và Trung Đoàn 164 pháo binh.

Từ ngày 5 Tháng Hai, 1968, tức Mùng Bảy Tết Âm Lịch, giữa lúc cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của Cộng Sản Bắc Việt đang diễn ra khốc liệt tại Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành trên khắp miền Nam Việt Nam, Cộng Quân bắt đầu liên tục pháo kích, tấn công bằng bộ binh và bao vây quanh vòng đai căn cứ Khe Sanh. Địch quân đã bố trí rất nhiều ổ phòng không chung quanh căn cứ, và các dàn pháo 130 ly đặt sâu trong các sườn núi từ phía biên giới Lào, cách Khe Sanh khoảng 14 dặm, tức 23 km.

Đêm 6 Tháng Hai, Cộng Quân sử dụng một biệt đội chiến xa thuộc Trung Đoàn 202 chiến xa, gồm 12 chiếc PT 76 có bộ binh tùng thiết và Trung Đoàn 101 D chủ lực yểm trợ, tấn công vào trại Lực Lượng Đặc Biệt tại Làng Vei, cách Khe Sanh 6 dặm (10 km) về hướng Tâỵ. Hôm sau, 7 Tháng Giêng, trại này bị Cộng Quân tràn ngập, khiến số binh sĩ và cố vấn Mỹ còn lại phải rút về Khe Sanh.

Ngày 9 Tháng Hai, một tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 101D của Sư Đoàn 325 Cộng Sản Bắc Việt tấn công đồi 64 do một đại đội Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ. Những khẩu đại bác quanh vùng của quân bạn đều nhắm hướng đồi 64 mà tác xạ, trong khi một lực lượng Thủy Quân Lục Chiến khác được gởi đến tiếp viện. Sau hơn ba tiếng đồng hồ giao tranh, có 200 bộ đội Cộng Sản Bắc Việt chết và 26 binh sĩ Hoa Kỳ tử thương.

Khói lửa ngập tràn chiến trường Khe Sanh. (Hình: Dave Powell/Getty Images)

Giao tranh đợt 3

Sau trận đánh ở Đồi 64 này, quân Bắc Việt tạm ngưng các hoạt động để bổ sung quân số. Chiến trường lắng dịu trong hai tuần. Ngày 11 Tháng Hai, Cộng Quân gia tăng pháo kích vào phi đạo của căn cứ, và các vận tải cơ C-130 đáp xuống phi đạo trở thành mục tiêu, khiến một vận tải cơ C-130 bị nổ, làm sáu nhân viên phi hành đoàn bị tử thương.

Ngày 21 Tháng Hai, một đại đội Cộng Quân tấn công vào phòng tuyến của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa tại khu phía Đông căn cứ Khe Sanh, nhưng các chiến sĩ Mũ Nâu đã nhanh chóng bẻ gãy cuộc tấn công của địch.

Ngày 23 Tháng Hai, 1,300 quả đạn đủ loại của Cộng Quân đã được bắn vào Khe Sanh. Trận địa pháo tám tiếng đồng hồ này đã làm nổ tung một kho tồn trữ đạn trong căn cứ, gây thiệt mạng cho 10 quân nhân Hoa Kỳ và 51 người khác bị thương.

Khoảng 9 giờ rưỡi đêm 29 Tháng Hai, một tiểu đoàn Cộng Quân thuộc Sư Đoàn 304 Cộng Sản Bắc Việt tấn công thẳng vào mặt Đông của Khe Sanh, thuộc khu vực trách nhiệm của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau một màn pháo kích dọn đường, và ba lần xung phong biển người, Cộng Sản Bắc Việt vẫn không phá được phòng tuyến thép nên đành phải rút lui, để lại 70 xác chết.

Trước tình hình chiến sự nghiêm trọng tại Khe Sanh, Tướng William Westmoreland, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam, đã chấp thuận một kế hoạch hành quân giải vây căn cứ này, mệnh danh cuộc Hành Quân Pegasus về phía Mỹ và cuộc Hành Quân Lam Sơn 207A về phía Việt Nam Cộng Hòa.

Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa chịu trách nhiệm khu vực phía Bắc Đường Số 9 và phía Tây căn cứ Khe Sanh, bao gồm ba tiểu đoàn dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Khoa Nam. Bộ Tư Lệnh Hành Quân Mỹ-Việt đóng tại căn cứ Stud gần Cà Lu, với quân số tham chiến lên đến khoảng 20,000 người và được sự yểm trợ của 300 trực thăng cùng 148 khẩu trọng pháo.

Ngày 1 Tháng Tư, cuộc hành quân hỗn hợp Mỹ-Việt chính thức khai diễn.

Giao tranh đợt 4

Liên tiếp trong hai ngày 2 và 3 Tháng Tư, hai Lữ Đoàn 1 và 2 Kỵ Binh Không Vận Mỹ được thả xuống phía Nam căn cứ Khe Sanh và Đường Số 9 để tảo thanh khu vực một đồn điền cũ của Pháp gần đó. Lực lượng hành quân đã đụng độ dữ dội với Cộng Quân tại đây và bị thiệt hại nặng, khiến quân Mỹ phải đưa thêm một tiểu đoàn Kỵ Binh Không Vận nữa đến tăng cường, nhưng Cộng Quân đã rút lui sau trận đánh.

Trong khi đó, các đơn vị phòng thủ bên trong căn cứ Khe Sanh cũng bắt đầu đánh ra theo hướng Nam để chiếm lại Đồi 471 theo chiến thuật gọng kềm, ép các đơn vị thuộc Trung Đoàn 66 của địch vào giữa. Cộng Quân cố thoát ra khỏi vòng vây, nhưng hỏa lực hùng hậu của các đơn vị bạn đã buộc họ phải rút chạy và bỏ lại chiến trường 148 xác.

Ngày 4 Tháng Tư, các Tiểu Đoàn 3, 6 và 8 thuộc Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa được thả xuống khu vực LZ Snake ở phía Tây và Tây-Nam căn cứ Khe Sanh để chận đường rút lui của địch. Vừa ổn định xong vị trí vào buổi tối cùng ngày, Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù cùng với Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn đã bị địch quân tấn công phủ đầu vì họ tưởng rằng đây là một đơn vị của Hoa Kỳ. Bị chống trả mãnh liệt, địch đành phải tháo lui.

Ngày 6 Tháng Tư, các đơn vị Kỵ Binh Không Vận đã bắt tay được với Thủy Quân Lục Chiến bên trong căn cứ trên Đồi 471. Sau đó, một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến mở cuộc càn quét khu vực chung quanh căn cứ, khởi đi từ Đồi 552 rồi đến Đồi 681.

Giao tranh đợt 5

Cùng lúc đó, về phía Bắc, một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến khác cũng tiến ra Đồi 558. Mũi tiến quân này gặp sức chống trả mãnh liệt của Cộng Quân, khiến quân Mỹ phải mất hết hai ngày mới bứng hết được các ổ kháng cự của địch.

Ngày 7 Tháng Tư, trong khi tiến về Khe Sanh dọc theo Đường Số 9, một tiểu đoàn Kỵ Binh Không Vận đã chạm địch mạnh tại địa điểm chỉ cách Khe Sanh chừng 2 dặm (3 km), nhưng quân Mỹ đã đánh bật được Cộng Quân ra khỏi các công sự phòng thủ.

Khi biết có đơn vị Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa đến tăng cường ở vòng ngoài, binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến bên trong căn cứ liền khai hỏa dữ dội về phía Cộng Quân, khiến địch quân bị mắc kẹt giữa hai lằn đạn. Bị dồn vào thế bí, Cộng Quân đã liều lĩnh gọi pháo tác xạ vào ngay lên đội hình của mình nên bị chết rất nhiều và một số bị bắt sống, trong khi quân bạn cũng bị khá cao, trong đó Đại Đội 33 Nhảy Dù bị thiệt hại nặng nề nhất.

Sau khi Cộng Quân tháo chạy, lực lượng Nhảy Dù trở lại hành quân giải tỏa Làng Vei, lúc này đang do một tiểu đoàn Cộng Sản Bắc Việt chiếm đóng. Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù được lệnh chuyển hướng về phía Nam để án ngữ sườn phía Bắc của Làng Vei, trong khi đó một lực lượng của Sư Đoàn 101 Không Vận Hoa Kỳ thì tiến từ hướng Đông tới. Chưa kịp ổn định vị trí chiến đấu thì Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đã bị địch xung phong tấn công. Trong khi các chiến sĩ Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù chống trả quyết liệt, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù đã bắn yểm trợ khoảng 100 quả đạn súng cối trên hướng tiến quân của địch. Túng thế, Cộng Quân phải rút lui khỏi vùng giao tranh, về phía biên giới Lào.

Nhờ hai cuộc hành quân Pegasus và Lam Sơn 207A, các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt đang được điều động đến tăng cường cho chiến trường Khe Sanh phải từ bỏ ý định tiếp tục tấn công vì biết rõ rằng họ sẽ làm mồi cho hỏa lực khủng khiếp của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ. Áp lực của địch nhắm vào căn cứ Khe Sanh từ từ giảm đi rồi chấm dứt hẳn.

Ngày 8 Tháng Tư, 1968, Căn Cứ Khe Sanh hoàn toàn được giải tỏa sau 77 ngày bị Cộng Quân vây hãm.

Trận Khe Sanh trong Chiến Tranh Việt Nam

Trận Khe Sanh được coi là trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất đối với các lực lượng Hoa Kỳ trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975). Một số các nhà viết chiến sử cho rằng Tướng Võ Nguyên Giáp của Cộng Sản Bắc Việt muốn dẫn dụ Hoa Kỳ dồn quân vào Khe Sanh để quân Cộng Sản có thể rảnh tay tấn công các nơi khác, trong đó có các thành phố và tỉnh lỵ trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Thêm vào đó, khi cho quân bao vây Khe Sanh, Tướng Giáp hy vọng tìm đạt một chiến thắng tương tự như Điện Biên Phủ thời Chiến Tranh Việt-Pháp để buộc Hoa Kỳ phải nhượng bộ tại các cuộc hòa đàm với phe Cộng Sản nhằm chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam đang diễn ra vào thời điểm đó tại Paris.

Trong khi đó, một số tài liệu chiến sử Hoa Kỳ cho rằng Tướng Westmoreland đã “tương kế, tựu kế,” dùng căn cứ Khe Sanh làm mồi nhử cho Cộng Quân tập trung nhiều binh đoàn trong vùng để quân Mỹ dễ dàng tiêu diệt họ bằng hỏa lực của pháo binh và phi cơ, được cho là hùng hậu bội phần so với số bom, đạn mà quân đội Liên Hiệp Pháp sử dụng tại thung lũng Điện Biên Phủ 14 năm về trước.

Hỏa lực hùng hậu của Hoa Kỳ là yếu tố thiết yếu giúp đập tan kế hoạch đánh chiếm Khe Sanh của Cộng Sản Bắc Việt, mặc dù các chiến binh Cộng Sản đã chiến đấu rất mãnh liệt và gan dạ. Và Hoa Kỳ đã có đầy đủ phương tiện để phòng thủ, yểm trợ, và tiếp tế Khe Sanh trong 77 ngày, hoặc lâu dài hơn, nếu cần.

Theo số liệu của các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Quân đã không chiếm nổi Khe Sanh mà lại còn bị thiệt mất từ 10,000 đến 13,000 bộ đội tử trận, chưa kể các tổn thất khác, như hàng ngàn chiến binh bị thương tật hoặc bị bắt cùng với đạn dược và chiến cụ bị tiêu hao.

Theo en.wikipedia.org, số thương vong của quân đội Mỹ tại Khe Sanh là 274 quân nhân chết và 2,541 người bị thương, còn bên phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì có 229 người chết và 436 người bị thương. 

(Vann Phan)