Toàn cảnh pháp trường, nơi 13 vị anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng vị quốc vong thân
Về mặt đàn áp, Pasquier cũng tỏ ra xuất sắc. Ông đã giục Bride (một trong bốn tứ hung), Chủ tịch Hội đồng Đề Hình, phải mau chóng kết thúc vụ án Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Ngày 16 tháng hai năm 1930, y hạ lệnh máy bay ném bom khắp làng Cổ Am huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương, rồi quần thảo bắn phá từng nhà, từng bờ bụi, đến nỗi không có một cái gì còn nguyên vẹn. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, tại Yên Báy, nhà Cách mạng Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng lần lượt lên đoạn đầu đài, gồm:
– Bùi Tử Toàn, 37 tuổi, nông dân
– Bùi Văn Chuẩn, 35 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Bái
– Nguyễn An, 31 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Bái
– Hà Văn Lạo, 25 tuổi, thợ hồ
– Đào Văn Nhít, thuộc Binh đoàn Yên Bái
– Ngô Văn Du, thuộc Binh đoàn Yên Bái
– Nguyễn Đức Thịnh, tức Cai Thịnh, thuộc Binh đoàn Yên Bái
– Nguyễn Văn Tiềm, thuộc Binh đoàn Yên Bái
– Đỗ Văn Sứ, thuộc Binh đoàn Yên Bái
– Bùi Văn Cửu, thuộc Binh đoàn Yên Bái
– Nguyễn Như Liên, 20 tuổi, bí danh Ngọc Tỉnh, sinh viên
– Phó Đức Chính, 23 tuổi, Phó Chủ tịch Đảng, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tổng bộ
– Nguyễn Thái Học, 28 tuổi, Chủ tịch Đảng, đền nợ nước lúc 5 giờ 35 phút sáng ngày 17-6-1930, nhằm ngày 21-5-Canh Ngọ.
Cuộc hành quyết bằng máy chém, bắt đầu lúc 5 giờ kém 5 phút và kéo dài trong 40 phút. Pháp trường là một bãi cỏ rộng, thuộc thành phố Yên Báy, dưới sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Vì thế, kế hoạch của Nguyễn Thị Giang dùng bom tấn công pháp trường giải cứu tử tù, không thực hiện được.
Tất cả các liệt sĩ đều quyết lòng hô to bốn chữ: “Việt Nam Vạn Tuế” trước khi lưỡi dao máy chém rơi phập xuống; nhưng không ai hô được trọn vẹn, vì bị lính Lê Dương liền bịt miệng lại, và đao phủ xô ngã sấp xuống tấm ván bắc nối vào lỗ máy chém. Riêng ông Phó Đức Chính đòi nằm ngửa để nhìn lưỡi chém rớt xuống cổ mình. Còn Nguyễn Thái Học hô được đến chữ thứ ba.
Phóng viên Louis Roubaud của báo Paris Soir, thuật lại cuộc hành quyết:
“Trong đời phóng viên, tôi chưa bao giờ trông thấy một cảnh như sáng hôm nay. Những tiếng ‘Việt Nam’ mà các nhà Cách mạng cùng hô to trước khi bước lên đoạn đầu đài đã cho tôi thấy một lòng hăng hái và một sự tin tưởng gần như mê tín vào chủ nghĩa quốc gia của họ. Những tiếng đó đã làm cho tôi, một người ngoại quốc, cũng phải cảm động. Gây nên những cảnh rùng rợn như hôm nay, phải chăng đó là do chính sách vụng về của người Pháp ở xứ này? Tôi đã có dịp tiếp xúc với những nhà Cách mạng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các yếu nhân Việt Nam Quốc Dân Đảng trong nhà pha Hỏa Lò. Họ đã nói nhiều, công kích nhiều, tất cả các tổ chức hành chánh, chính trị, kinh tế và xã hội trong xứ này, theo ý các nhà ái quốc đó, đều phải sửa đổi nhiều…”.
Nguyễn Thị Giang (em ruột Nguyễn Thị Bắc) vị hôn thê, vừa là người đồng sự và tham mưu đắc lực của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Ngay sau khi ông Học bị bắt, cô Giang vẫn tiếp tục hoạt động cho Tổng bộ, giữ việc cố vấn, và làm liên lạc giữa Lê Hữu Cảnh ở bên ngoài và Nguyễn Thái Học trong nhà lao. Ngày hành quyết, cô Giang trà trộn trong dân chúng đến Yên Báy, chứng kiến tận mắt cái chết oanh liệt của 13 chiến sĩ Yên Báy. Cô về nhà trọ, viết hai bức thư tuyệt mệnh đề ngày 17-6-1930, một cho cha mẹ, một cho vị hôn phu, trong đó có đoạn:
“Anh đã là người yêu nước!
“Anh không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước. Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng.
“Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ.”
Kèm theo bức thư, còn có bài thơ lục bát gồm 18 câu, trích 4 câu đầu:
Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung.
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Ngày hôm sau, Nguyễn Thị Giang về quê chồng, làng Thổ Tang, báo hung tin và lễ sống bố mẹ chồng là Ông bà Nguyễn Văn Hách. Rồi Cô ra quán nước, cách nhà chồng chừng một cây số, nơi hai người đã từng hẹn hò, tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học tặng.
Trong thi ca có bài thơ “Ngày Tang Yên Báy” của Đằng Phương, tường thuật tấm gương oanh liệt của 13 nghĩa sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giờ phút cuối cùng. Toàn bài có 76 câu, thể thơ 8 chữ liên vận, dưới đây trích đoạn từ câu 5 đến câu 56.
Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than
Từ lưng trời sương trắng rủ màn tang
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Bái đang u sầu và lặng lẽ,
Giữa mấy hàng gươm sáng tỏa hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài danh dự.
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,
Vài cụ già đầu bạc, lệ tràn rơi,
Ngất người sau tiếng rú: “Ối, con ơi!”
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời.
Nhưng chỉ trong giây lát vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường.
Éo le thay! Muốn phụng sự quê hương,
Phải dẫm nát bao lòng mình quyến luyến!
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến
Sau cái nhìn chào non nước bi ai,
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài,
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:
“VIỆT NAM muôn năm!” Một đầu rơi rụng,
“VIỆT NAM muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.
Sau Đức Chính, đây là phiên Thái Học,
Anh nghiêng mình trước xác những anh em,
Rồi mỉm cười, Anh ngẩng mặt nhìn xem
Những kẻ đến quan chiêm đoàn liệt sĩ
Để từ biệt những bạn đồng tâm chí,
Tiếng tung hô bỗng nổi vang trời cao,
Nhưng liền theo Anh đã bị xô vào
Chiếc gươm máy giăng tay chào, lặng lẽ.
Đao xuống, đầu rơi, máu đào tung tóe.
Người anh hùng nước Việt thôi còn đâu!
Lũ thực dân giám sát đứng nhìn nhau
Như trút sạch hết những điều lo ngại.
Và xoa tay, chúng thở dài khoan khoái.
Trong rừng người ứa lệ, Nguyễn Thị Giang
Nén nỗi đau như cắt xé can tràng,
Đứng ngơ ngác, lặng người bên Hữu Cảnh
Trong nắng sớm, gió căm hờn quát mạnh
Như thề cùng những tử sĩ anh linh
Vang dội cùng trên đất Việt điêu linh
Những tiếng thét uy hùng và tráng liệt
Của những kẻ tan thân vì giống Việt.
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Như tan trong gió mạnh khóc vang rầm
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt,
Cố lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Một nét son của 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, đáng ghi vào lịch sử, họ xem quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam là tối thượng, là vĩnh cửu. Còn đảng phái chỉ là một tổ chức cần có để kết hợp lại được chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn trong giai đoạn đánh đuổi quân xâm lược đang cai trị đất nước ta. Nên trong giờ phút cuối cùng, bước lên máy chém, họ đã dõng dạc hô “Việt Nam Vạn Tuế”, như một thông điệp nhắn gửi lại cho hậu thế. Đấy mới là Nhà Cách Mạng chân chính. Đấy là lòng yêu nước thương nòi chân thành, không vì quyền lợi đảng phái hay phe nhóm.
Vì thế, trong ca dao cũng ghi lại tấm gương trong sáng ấy, dù họ “Không Thành Công Thì Thành Nhân”:
“Việt Nam Vạn Tuế” một lòng,
Mười Ba Liệt Sĩ oai phong rơi đầu.
Còn đối với tên Toàn quyền Pasquier khét tiếng gian ác thì sao?
Phàm luật nhân quả, hễ “gieo gió thì gặt bão.” Trong chuyến về Pháp công tác, hắn bị tử nạn phi cơ ngày 15 tháng 1 năm 1934, trước khi mãn nhiệm kỳ. Đúng với sấm ký của Trạng trình, Pasquier đọc ra âm Việt là Bát Kê, nghĩa nôm là Tám Gà:
Giữa năm hai bảy muời ba,
Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây.
Tóm lại, Pasquier cai trị cứng rắn nhất, và cũng là viên Toàn quyền duy nhất chết banh xác trong tai nạn thảm khốc; người đời rỉ tai nhau qua câu ca:
Ác lai quả báo nhãn tiền
Banh thây nát thịt trả liền thấy chưa!
ĐOÀN ĐỨC CHƯƠNG