Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 01 tháng 10 năm 1937 (tuổi Đinh Sửu) tại Đại Lộc, Quảng Nam và lớn lên ở miền Nam .
– Bắt đầu ca hát từ thuở lên 10 ở các thôn quê miền Nam VN trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1949. Lánh nạn lên Sài Gòn tiếp tục đi học và sinh hoạt ca hát ở các học đường và các đoàn thể trẻ. Tốt nghiệp Sư Phạm và bắt đầu dạy học từ năm 1958.
– Bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1958 cho đến cuối đời với trên 200 ca khúc bao gồm các đề tài về tình yêu, quê hương, chiến tranh và thân phận của dân tộc VN và hàng trăm ca khúc viết cho thiếu nhi . Ông sáng tác bản hát nổi tiếng ‘Bài Hương Ca Vô Tận’ trong thời kỳ đầu tiên.
– Nhập ngũ và phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH từ năm 1966, và sáng tác những bài hát cho các chiến hữu miền Nam như ‘Quân trường vang tiếng gọi’, ‘Đêm di hành’, ‘Mưa trên Poncho’ vvv …
– Sau Tết Mậu Thân 1968, Nhạc Sĩ đã sáng tác bài ‘Chuyện một chiếc cầu đã gẫy’ để chia sẻ niềm đau với người dân xứ Huế, rất gần với quê hương ông, xứ Quảng Nam .
– Sinh họat với Phong Trào Du Ca Việt Nam, và là một huynh trưởng huấn luyện và sáng tác trong Xưởng Du Ca Trung Ương.
Đến năm 1970 ông sáng tác bản ‘Tôn Nữ Còn Buồn’, nói về trận bão lụt tàn phá miền Nam
– Biệt phái Bộ Giáo Dục từ năm 1970, tiếp tục làm việc trong ngành Phát Thanh Học Đường cho đến năm 30 tháng 4 năm 1975 .
Sau mấy lần trốn tránh vì bị kết án ‘nhạc sĩ phản động’, Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng đã vượt biên, bị bắt tù, cuối cùng ông đã đến bến bờ Tự Do vào năm 1985 .
– Sang Hoa Kỳ, Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng luôn sát cánh cùng các đoàn thể, tổ chức trong mục đích giữ gìn văn hóa dân tộc. Ông là cố vấn ban chấp hành Hội Ký Giả VN Hải Ngoại 2 nhiêm kỳ 1996-2000 .
Vào cuối năm 1999, ông cùng các bạn văn nghệ sĩ sáng tác lập Thư Viện Việt Nam tại Little Saigon .
Từ khi lưu vong tị nạn, ông sống tại thủ đô tị nạn Little Saigon, tiểu bang California, hợp tác làm việc với Mây Productions, Hollywood Night và trung tâm Asia. Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng đã cùng với Nhạc sĩ trẻ Trúc Hồ, sáng tác nhiều bản nhạc thích hợp cho thể loại nhạc đồng ca như ‘Bước Chân Việt Nam, Việt Nam niềm Nhớ, Một Ngày Việt Nam, Tình Đầu Thời Áo Trắng, Cám Ơn Anh, Hẹn Nhau năm 2000 …. .’ .
Bài ‘Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng’ sáng tác vào tháng Tám năm 1996, nhân ngày Đại Nhạc Hội ‘Góp Một Bàn Tay’ là một bản hát lịch sử đánh dấu một làng VN được xây tại Phi Luật Tân cho những người VN lưu vong không còn tổ quốc, và không có quốc gia nào còn chấp nhận họ.
Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng còn được biết qua nhiều bản nhạc Tình sáng tác sau và trước thời điểm năm 1975, ‘Chợt Nghĩ Về Hai Nơi’, Mười Năm Yêu Em, ‘Tình Ca Mùa Đông (1965), Mây Hạ (1967), Đêm Nhớ Về Sài Gòn (1987)’
Những tác phẩm của ông viết suốt hơn 40 năm đã được hầu hết các ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn .
Ước nguyện cuối đời ông là được mang tình thương đến cho các trẻ em mồ côi. Qua nhạc sĩ Trúc Hồ và Việt Dũng, Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng đã ký thác ước nguyện thành lập một quỹ ‘Bên Em đang có Ta’ (là tên một sáng tác của ông viết cho trẻ em mồ côi tị nạn), để giúp các trẻ mồ côi.
Ông mất vào ngày 25 tháng 01 năm 2000.
Những sáng tác nổi tiếng tiêu biểu:
– Chuyện một chiếc cầu đã gẫy
– Bước chân Việt Nam
– Một ngày Việt Nam