Lệ Hằng, cô bé có thiên tài về âm nhạc, mồ cô mẹ từ năm mới mười bốn tuổi. Từ đó cô sống với bà ngoại, cho tới khi bà mất, cô lên Đà Lạt ở với cha. Sau khi vợ qua đời, ông Thanh, cha nàng đã tái giá với một người đàn bà goá trẻ đẹp. Bà Lý tên người vợ sau, có hai đứa con riêng là Bách và Dung.
Trong cuộc sống chung, Hằng nhận thấy ba mẹ con bà dì ghẻ có những hành tung bí mật, cô dần dần khám phá ra quá khứ của bà dì ghẻ khi xưa đã phạm tội sát nhân, bà giết chết tình nhân của chồng vì ghen. Để lẩn tránh pháp luật, bà đem các con đi trốn, và để sống còn, bà kết hôn với những người đàn ông giàu có, và giết họ khi tông tích bị bại lộ.
Lần này cũng vậy, khi biết đứa con riêng của chồng đã khám phá ra tội ác của mình, bà lập mưu giết chết cả hai cha con, để hưởng gia tài và diệt nhân chứng. Trớ trêu làm sao Bách, con trai của bà lại thầm yêu Hằng, nhưng không được Hằng yêu lại. Trong thời gian này, Hằng quen với một người bạn trai tên Đạt, tiếng đàn của cô đã mê hoặc anh chàng trẻ tuổi này, và vì muốn cưú cô, nên Đạt cũng suýt bị thiêu sống cùng với Hằng, trong một âm mưu rùng rợn do người dì ghẻ dàn cảnh cái chết thành một tai nạn.
Còn Bách, mặc dù đang căm hận vì yêu mà không đuợc Hằng đáp lại, nhưng trước hành động tàn ác của mẹ, Bách đã phản ứng ra sao? xin mời xem hồi kết cuộc.
CHƯƠNG 18
Trăng sáng vằng vặc khi tôi đi qua vườn để đến căn nhà kho ở phía sau. Tôi nhìn vầng trăng treo lơ lửng trên bầu trời trong vắt, cái mặt tròn vành vạnh ngó xuống trần gian phía dưới, như một chứng nhân muôn thuở. Hơn bốn mươi năm về trước, mặt trăng đó chứng kiến sự ra đời của bé gái tên Tạ Thị Lý, sau này lớn lên trở thành bà Lê Hữu Tăng. Rồi cũng mặt trăng đó chứng kiến sự ra đời của ba đứa trẻ thuộc dòng họ Lê Hữu, và nhiều năm sau lại chứng kiến cái chết của một trong ba đứa trẻ, và… trong một khoảng thời gian nào đó, ở một nơi nào đó đã xảy ra một biến cố gây nên cái chết của Lê Hữu Tăng, và vợ con ông ta trở nên những tên giết người gớm ghiếc…
Đêm nay tôi tự nhủ nhất định sẽ phải tìm hiểu, bởi vì Tạ Thị Lý hiện đang sống chung với cha con tôi, đang là mẹ kế của tôi. Tôi có cảm tưởng tất cả những bí mật liên quan đến quá khứ của dì Lý đều cất dấu ở trong cái buồng kho ở phía sau vườn, phải khó khăn lắm, tôi mới lấy trộm được xâu chìa khóa của bà ta. Tìm được cái chìa để mở cửa buồng kho không phải là một việc dễ dàng, vì chùm chìa khóa của dì Lý có tới gần hai chục cái, lớn bé đủ loại: chìa khóa nhà, chìa khóa phòng, chìa khóa hộp thơ, chìa khóa hộp dựng nữ trang, chìa khóa xe, chìa khóa tủ v…v… Tôi phân vân một lúc và chỉ thử những chìa lớn có thể vừa với cái ổ khóa to tướng, sau cùng thì tôi cũng mở được và chui tọt ngay vào, khóa nhanh cửa lại. Căn nhà kho tối om, không có cửa sổ, ý nghĩ có thể bật đèn mà không sợ ánh sáng lọt ra ngoài làm tôi yên tâm. Tôi sờ soạng tìm nút đèn bật lên, ánh sáng chan hoà căn nhà kho bụi bặm, mặt đất in đầy những dấu giầy, chứng tỏ nơi đây không bỏ hoang, và thỉnh thoảng vẫn có người ra vào thường xuyên.
Cảm tưởng khái quát của tôi là đang được đối diện với quá khứ, chắc là do sự hiện diện của hàng đống những giấy tờ, hồ sơ, hình ảnh, sổ sách v..v.. để rải rác khắp nơi trong căn phòng, tất cả đều ố vàng vì thời gian. Mùi ẩm mốc của giấy cũ xông lên làm tôi khó chịu và mờ cả mắt, một lúc sau mới định thần được. Bối rối không biết phải chọn cái nào trước, sau cùng tôi quyết định cầm lấy một tập hồ sơ ở gần tầm tay tôi nhất. Đó là một tập bìa cứng, kẹp những giấy tờ về hôn thú mà tên những người trong đó nghe rất quen thuộc: tờ hôn thú thứ nhất được lập vào năm 1940 – cách đây hai mươi lăm năm – giữa ông Lê Hữu Tăng và bà Tạ Thị Lý, tờ thứ hai là hôn thú giữa Tạ Thị Lý và ông Hoàng Bình vào năm 1956.
Tôi ngưng lại, làm một con tính nhẩm: nếu năm mười tám tuổi Tạ Thị Lý lấy chồng lần đầu vào năm 1940, thì năm nay bà ta đã bốn mươi ba tuổi. Đứa con đầu lòng là Linh ra đời một năm sau đó, nếu còn sống thì Linh hai mươi bốn tuổi, Bách kém Linh hai tuổi, tức là năm nay Bách hai mươi hai tuổi, mọi sự kiện đều phù hợp với tuổi thật của Bách.
Tôi lật sơ những trang kế tiếp: những hôn thú của Tạ Thị Lý với ông Hứa Duỳn, rồi giữa Tạ Thị Lý và ông Trần Thế Vinh… toàn những tên mà ông Đèo Mân đã kể. Không tìm thấy hôn thú của cha tôi và Tạ Thị Lý, tôi đoán những giấy tờ này cha tôi đang cất giữ. Tôi rùng mình, chỉ sau khi ông chết, những giấy tờ mới được lưu vào đây.
Nhiều giờ sau đó, tôi lục lọi trong những đống thư từ, hình ảnh, tài liệu…cũng không biết chắc là mình định tìm thứ gì, nhưng tôi có cảm tưởng là sẽ hiểu được, nếu lẫn lộn trong đống những giấy tờ đối với tôi thật vô ích như những biên lai, hoá đơn, những cuốn sổ chi tiêu, sổ ngân hàng v..v.. May ra có thể tìm thấy nhiều thứ tôi cần như là những giấy khai tử của Lê Hữu Linh, Hoàng Bình, Hứa Duỳn và Trần Thế Vinh. Linh chết gãy cổ vì ngã ngựa vào năm 1960, Hứa Duỳn chết thiêu một năm sau đó tức là năm 1961, Trần Thế Vinh chết vì một nguyên do không rõ bốn năm sau. Những giấy khai tử này không nằm chung trong một tập hồ sơ, mà ở rải rác khắp nơi.
Nhưng những hình ảnh thì có trật tự hơn, tất cả được gom lại, để trong những phong bì bên ngoài đề ngày tháng và nơi chụp. Những ảnh chụp từ lâu đều là những ảnh đen trắng, chỉ những ảnh chụp những năm gần đây mới là ảnh màu, và đa số là những ảnh chụp lấy ngay, nhận ra dễ dàng nhờ giấy ảnh rất dầy. Tôi xem lướt qua một lượt rồi đặt xuống, ngẫm nghĩ một lát, không biết bà ta cất giữ những thứ tôi muốn tìm ở tập hồ sơ nào? Tôi nhìn bao quát đống giấy tờ, mắt tôi bỗng chạm phải một quyển sổ dầy có bìa bằng da để ở góc phòng. Tôi lại gần, cầm lên và mở ra trang đầu, đó là một cuốn nhật ký, nét chữ rõ ràng là nét chữ quen thuộc của dì Lý. Những trang giấy ố vàng vì thời gian, nhưng nét mực còn rõ ràng và có thể đọc được. Nhật ký bắt đầu viết từ ngày 7 tháng 2 năm 1939, Tạ Thị lý viết:
“Cái ngày sung sướng nhất của đời tôi là ngày được anh Tăng ngỏ lời cầu hôn. Ôi! làm sao diễn tả được nỗi hân hoan, cảm động của tôi lúc đó? mặt tôi nóng bừng, tôi run rẩy, luống cuống… Nhưng tôi vẫn đứng im, sung sướng đón nhận nụ hôn đầu tiên của đời người con gái, nụ hôn chỉ phớt nhẹ thôi, nhưng quả có sức mạnh của một cuộc địa chấn. Cám ơn Chúa đã tạo ra con người với tình yêu, cám ơn Chúa đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ người thanh niên trí thức, đẹp trai, thuộc dòng dõi quí tộc đó. Tình yêu quả thật có một sức mạnh vạn năng, đã làm thay đổi tất cả, đã biến đổi cuộc đời trầm lặng, buồn tẻ của một nữ sinh nội trú trường dòng như tôi trở nên vui vẻ, yêu đời. Tôi ca hát véo von suốt ngày, bây giờ nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy toàn một màu hồng. Tình yêu đã có phép mầu biến đổi tôi từ một cô bé mười bảy tuổi ngây thơ trở thành một thiếu nữ xinh tươi duyên dáng mới biết yêu lần đầu. Tôi say mê lắng nghe những lời ngọt ngào tình ái, ánh mắt của chàng sao mà nồng nàn quyến rũ quá. Tôi hồi hộp, bỡ ngỡ như lạc vào một thế giới mới lạ đang mở rộng ở trước mắt: thế giới tuyệt vời của tình yêu. Hình bóng chàng chiếm trọn tim tôi, chàng là mùa xuân của đời tôi, chàng là quà tặng của Thượng Đế ban cho tôi, chàng là người tình trong mộng, chàng là hoàng tử của lòng tôi, là lẽ sống của tôi, chàng là tất cả… Ôi biết làm sao diễn tả được tình yêu của tôi đối với chàng…’’
Đọc tới đây tôi mỉm cười, không ngờ một người trông nghiêm trang, kín đáo như dì Lý khi yêu lại mê đắm đến thế. Nhưng kinh nghiệm đã cho tôi biết những người hiền thường cực, những người yêu càng cuồng nhiệt bao nhiêu thì khi ghen càng dữ dội bấy nhiêu, tôi nghĩ thầm và cúi xuống đọc tiếp:
“ … Đám cưới của chúng tôi được cử hành một cách trọng thể, cả tỉnh biết tin, cả ngàn người tham dự. Tôi mặc áo cô dâu màu hồng, hãnh diện đi bên người yêu đón nhận những lời chúc tụng từ phía các quan khách. Thế là từ đây, tôi đã bước vào một một khúc quanh quan trọng nhất của đời người, bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời làm vợ làm mẹ, một cuộc sống vô cùng nồng nàn hạnh phúc… ”
Tôi lật qua nhiều trang khác, lướt sơ chỗ này một đoạn, chỗ kia vài giòng, chả có gì quan trọng ngoài việc kể lại những hạnh phúc lứa đôi, những đêm tuyệt vời trong “vòng tay của anh Tăng yêu dấu” và ngày ra chào đời của ba đứa trẻ: Lê Hữu Linh, Lê Hữu Bách, Lê Hữu Kiều Dung “những đứa con yêu quí, những đứa con kết tinh của tình yêu…”
Tuy nhiên,vào những năm 1954 trở đi – năm năm sau ngày họ dời nhà về Sài Gòn vì công việc làm ăn của ông Tăng – những trang nhật ký đột ngột thay đổi từ sung sướng sang thất vọng. Khi Tạ Thị Lý tổ chức ăn mừng kỷ niệm cưới lần thứ mười bốn, mặc dù cuộc dạ hội thật lớn và bà được chồng tặng một vòng đeo cổ bằng kim cương, nhưng bà không khỏi buồn rầu vì đang bước vào tuổi trung niên…
“ … Thời gian dường như đi quá nhanh – Tạ Thị Lý viết – thấm thoắt tôi đã ngoài ba mươi tuổi, cái tuổi không còn trẻ trung nữa. Cổ nhân có câu: trai ba mươi tuổi đang soan, gái ba mươi tuổi đã toan về già, tôi vượt xa cái tuổi ba mươi rồi…. Tôi buồn rầu ngắm mình trong gương, làn da mịn màng đã gần như biến mất và những nếp nhăn li ti đã bắt đầu xuất hiện nơi khoé mắt. Các con của tôi đã bắt đầu khôn lớn, Linh đã lên trung học từ năm ngoái và bây giờ sắp đến lượt Bách, còn Kiều Dung, đứa con gái út của tôi thì mới bắt đầu biết làm dáng… Không bao lâu nữa tôi sẽ biến thành một bà đứng tuổi, tôi lo anh Tăng sẽ không còn tìm thấy ở tôi một người đàn bà yêu kiều, hấp dẫn như trước đây nữa, mà thầm lén liếc sang một cô gái khác trẻ hơn. Trời ơi! làm sao tôi có thể chịu được cái ý nghĩ đó? …”
Những trang kế tiếp vẫn tiếp tục diễn tả những lo lắng về tuổi già, những cầu kỳ trong việc chăm lo nhan sắc, những lần đi xa để tìm mua những thuốc đặc chế mà bà tin rằng uống vào sẽ có công dụng chống lão hóa, những mỹ phẩm nhập cảng như kem dưỡng da, mặt nạ chống nếp nhăn v…v… Xong bà vẫn không khỏi lo lắng vì:
“ … Dạo này tính tình anh Tăng dường như thay đổi, hình như anh có điều gì lo nghĩ hoặc dấu diếm, anh thường hay vắng nhà luôn, có khi cả tuần lễ. Tôi không tin rằng vì công việc làm ăn đang gặp khó khăn như anh nói, mà chắc phải có một nguyên do nào khác, tôi nhất định sẽ phải tìm hiểu… ”
Những ghen tương của bà ngày một tăng dần, bà kiểm soát giờ giấc đi về của chồng, và trong những bữa tiệc, bà luôn luôn chú ý theo dõi để ngăn cản chồng nói chuyện với những người đàn bà độc thân trẻ đẹp khác. Mối quan tâm lớn nhất của bà là tin đồn về những chỗ ăn chơi nổi tiếng, những vũ trường, những phòng trà đang mở ra mỗi ngày một nhiều.
“…. Ở đó những cô gái nhảy rất đẹp, rất lẳng lơ, lại có bùa ngải quyến rũ, khiến nhiều người đàn ông chán vợ già thường hay lui tới để rồi bị rù quến bỏ bê gia đình. Những người vợ đau khổ thường hay ngoảnh mặt làm ngơ, giả vờ như không biết, họ không dám nói ra những nhục nhã trong gia đình và họ đành cắn răng chịu cảnh bị bỏ rơi. Nhưng tôi, không bao giờ tôi phải chấp nhận tình cảnh như thế, nếu anh Tăng phản bội tôi, đi với người đàn bà khác, bằng mọi cách, tôi sẽ quyết liệt chấm dứt cuộc tình của họ…”
Lưu Phương Lan