THÈO-LÈO CỨT-CHUỘT LÀ CÁI GÌ? (Hải Lê)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Không có mô tả ảnh.

Hôm nay đọc lại từ “Thèo-lèo cứt-chuột”, nó vốn vẫn nằm đó trong tâm trí, chỉ là lâu quá không nghe người khác nói, bất giác nhìn thấy xong tự nhiên thấy bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ngập tràn tâm trí.
Hồi nhỏ nhà nghèo lắm (bây giờ cũng nghèo nhưng bỏ chữ “lắm” đi thôi), tết có chút bánh mứt là mừng, kẹo Thèo-lèo cứt-chuột là một trong những dấu hiệu đặc biệt của ngày tết ngoài mấy thứ mứt dừa, mứt bí, chuối ngào mà mẹ tôi làm. Cả xã hội khan hiếm hàng hoá, ai ăn được gói mì Colusa là sang hơn ăn hủ tíu giò heo bây giờ, nên bánh mua ngoài chợ như Thèo-lèo cứt-chuột thì sang trọng lắm.
Tôi nhớ lúc đó nó không có được cắt nhỏ ra như bây giờ, mà được ép vuông như cuốn tập, đường thắng kiểu gì mà giòn với cứng như đinh, con nít như tôi thì cắn một cái muốn gãy răng. Trong nhà có ba tôi là thích cái này nhất. Thèo-lèo mắc tiền thì có nhiều đậu phộng, rẻ tiền thì trộn cốm gạo vô nhiều hơn đậu, có khi rắc thêm một chút đường sống hay hột mè đen bề ngoài để nhai lạo xạo cho vui. Nhớ lòng nhân hậu của bà nội với bà ngoại, khi hết tết rồi vẫn để dành cho tôi mấy miếng nguyên đang chưng trên bàn thờ, biểu đem về cho ba bây.
Nhưng có một cái, là dù tên đầy đủ của món này là “Thèo-lèo cứt-chuột”, nhưng bà nội bà ngoại đều không cho nói chữ “cứt chuột” vô, nói là ‘đồ cúng ông bà nói vậy hổng nên’.
Lớn lên tìm hiểu thử coi tại sao món này có cái tên mắc cười như vậy, thì thấy trong cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Paulus Của có thích nghĩa cho chữ “Thèo-lèo” là: “Bánh trái, đồ ăn uống nước (tiếng Triều Châu), chính chữ là 茶料 trà liều”.
Người Triều Châu sống nhiều ở Bạc Liêu, có sự giao thoa văn hoá với dân bổn xứ và du nhập tên gọi đồ ăn qua tiếng Việt thì cũng có lý. Tuy nhiên, tôi không tin liền, mà nhờ người Triều Châu nói cho nghe thử hai chữ 茶料, thì họ phát âm nghe là “đế-liều”, nghe nửa giống nửa không nên cũng khó mà thuyết phục.
Trên mạng cũng có trang web tra tiếng Triều Châu, và họ phiên âm 茶料 ra chữ La tinh là dê5-liao7.
(http://www. czyzd. com/search?keyword=%e8%8c%b6%e6%96%99)
Thành ra tôi không tin hẳn, chỉ viết lại đây để truyền nghi vậy. Dù thế nào thì nó cũng là một danh từ riêng chỉ tên món ăn, như kiểu món La-gu, bánh Pía, mắm Bồ-hóc, bia La-de, sữa Gi-gô… thì kẹo Thèo-lèo coi nó như một cái tên khỏi cần tìm hiểu cũng là bình thường.
Về chữ “cứt-chuột”, cái này là phần mắc cười nhất trong cái tên món này. Trên diễn đàn Reddit, mấy bạn Tây dịch cái tên ra là “Mouse poop candy” (“kẹo cứt chuột”) và làm không ít Tây khác hú hồn hú vía.
Trước hết là người ở nơi khác cần biết trong tiếng miền Nam, chữ “cứt” không có thuần tuý chỉ phân, mà còn chỉ cặn bợn của cái gì đó tiết ra hoặc đọng lại. Quen nghe “cứt dừa” là phần chất béo của nước cốt dừa khô quéo lại sau khi thắng dầu dừa; hay “cứt ráy”, “cứt mũi” là mấy thứ trong lỗ tai lỗ mũi con người; “cứt sắt” là phần tạp chất bỏ đi khi nung chảy kim loại…
Đôi khi dùng như danh từ để diễn tả nó là tính từ, ví dụ “cứt ngựa” chỉ màu xanh lá cây pha vàng (oliver green), “mặc bộ đồ cứt ngựa”, “tệ như cứt mắc mưa”, “giấu như mèo giấu cứt”…
Ngoài ra, còn dùng để chỉ hình dáng của vật thể nhỏ nhỏ tròn tròn như “cứt dê”, “cứt chuột”…
Trong từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị xuất bản năm 1895 đã nhắc ở trên, “cứt chuột” không được nhắc tới là tên đi theo món kẹo Thèo-lèo. Nên tôi nghĩ cách gọi này cũng không lâu hơn trăm năm trở lại đây. Giả thiết là nó được thêm vào sau chữ Thèo-lèo vì hình dạng các hột cốm gạo hay hột đậu phộng rớt ra nhỏ nhỏ.
Ngoài ra còn một kiểu khác nữa là loại Thèo-lèo áo một lớp mè đen ở ngoài, hoặc loại kẹo mè đen nguyên bản không có để đường mạch nha dẻo dẻo mà loại đường giòn rụm dễ bể ra thành mấy miếng nhỏ tí tí. Hai thứ thèo lèo và kẹo mè cũng thường để chung một bọc, lâu ngày thành tên chung. Miền Tây hay có kiểu văn nói ghép tên hai thành tố này thành một từ để nói cho nó đã, tương tự như: “sương sa hột lựu”, “tào lao thiên địa”, “mút mùa lệ thuỷ”, “vô duyên vô dùng”… Cho nên tên gọi “Thèo-lèo cứt-chuột” có thể hình thành theo lối này.
Chuyện chữ nghĩa nói cho vui, để vơi bớt nỗi nhớ nhà ngày tết, mong cho ai nấy đều có mấy ngày tết đoàn tụ bình an, không có bị phập phồng nợ dí, không có say xỉn quên đời… Nhàn tản ăn một miếng kẹo Thèo-lèo cứt-chuột, uống miếng trà thô, chép miệng vị đắng vị ngọt, nhớ tới bao nhiêu nhục vinh thành bại, nhớ tới bao nhiêu ơn nghĩa đã nhận trong đời.