THÀNH QUẢ CỦA NHỮNG PHU NHÂN SINH QUÁN NƯỚC NGOÀI: JACKIE BONG WRIGHT

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

LTS: Nhiều phụ nữ Việt (hay gốc Việt) qua những hoạt động tích cực về Xã hội, Văn hóa… đã gây tiếng tốt trong cộng đồng hải ngoại. Giới thiệu bài viết của tác giả Sheila Switzer về bà Jackie Bông Wright: “Tôi luôn cảm phục Jackie vì sự làm việc quên mình của chị ấy trong nhiều lãnh vực cho nhiều người, địa phương cũng như trên toàn thế giới.  Tôi yêu mến và tôn trọng Jackie và tất cả các bạn đã, với niềm tự hào, thay mặt nước Mỹ và xứ sở nguồn cội của các bạn.  Các bạn như một bó hoa đẹp, lạ đến từ khắp nơi trên thế giới.  Cám ơn các chị em phụ nữ, và cám ơn tất cả…”

Người phụ nữ này cũng đã thay mặt Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế (Symposium) „Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam“ tại Văn khố Quốc gia Hoa Kỳ, Washington DC, ngày 14.09.2018.

TT Mrs. Jackie Bong Wright

Thành Quả Của Những Phu Nhân Sinh Quán Nước Ngoài: 

Jackie Bong Wright

Association of American Foreign Service Women (AAFSW)

Foreign-Born Spouses (FBS)

By Sheila Switzer

Người dịch: Mai Trân 

Tôi luôn tự hào để chia sẻ cùng quý vị công việc tuyệt vời mà hội AAFSW/Foreign Born Spouses thực hiện trên thế giới.  Tôi muốn ghi đậm công việc đáng kể của một trong những hội viên của chúng tôi đang làm trong thời gian khó khăn hiện nay khi tất cả chúng ta phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19.

Đã nhiều năm tôi được hân hạnh gặp Jackie Bông Wright, gốc Việt Nam, tham gia nhóm AAFSW/FBS của chúng tôi.  Tôi làm việc cùng chị ấy trong nhiều chương trình có tầm ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như bài thuyết trình mạnh mẽ chị trình bày cho hội AAFSW về “Nạn Buôn Người.”  Hai chúng tôi tổ chức một buổi Trình diễn Thời trang với những hội viên của nhóm FBS, mỗi người trình diễn y phục của nước mình để giúp Jackie trong công việc đáng làm này.

Tôi luôn cảm phục Jackie vì sự làm việc quên mình của chị ấy trong nhiều lãnh vực cho nhiều người, địa phương cũng như trên toàn thế giới.  Tôi yêu mến và tôn trọng Jackie và tất cả các bạn đã, với niềm tự hào, thay mặt nước Mỹ và xứ sở nguồn cội của các bạn.  Các bạn như một bó hoa đẹp, lạ đến từ khắp nơi trên thế giới.  Cám ơn các chị em phụ nữ, và cám ơn tất cả đã giữ liên lạc với tôi.  Chúc mọi người khỏe mạnh và an toàn.

Jackie đến Mỹ tháng Tư 1975 sau khi Miền Bắc Việt Nam Cộng Sản chiếm Miền Nam Việt Nam.  Là một goá phụ với ba con nhỏ dưới 10 tuổi, chị đã tranh đấu và vượt qua khó khăn để làm lại cuộc đời mới ở vùng Hoa Thịnh Đốn.  Năm 1976, chị lập gia đình với một nhà Ngoại Giao Mỹ chị quen biết từ khi còn ở Saigon, và theo chồng đến nhiều quốc gia Âu Châu, Á Châu, các đảo Caribbean, cuối cùng đi hơn 17 năm nước ngoài trong 44 năm chung sống.  Ngày trước, Jackie học tiểu học và trung học ở trường Pháp tại Việt Nam.  Từ khi còn là thiếu nữ, chị đã được các bà sơ thầy của chị khuyến khích dạy các trẻ mù chữ và giúp đỡ người bệnh ở nhà thương vào cuối tuần.  Sau khi học đại học ở Pháp chị trở về Saigon năm 1963. 

Chị lập gia đình với ông Nguyễn Văn Bông, giáo sư Luật Khoa Chính Trị Học và Hiến Pháp tại Đại Học Luật Khoa Saigon và Giám Đốc Viện Đại Học Quốc Gia Hành Chánh Nam Việt Nam.  Sau đó, ông thiết lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, một đảng đối lập chống cộng, ủng hộ dân chủ và chống tham nhũng.  Jackie dạy Pháp văn ở Alliance Francaise và tiếp tục công việc giúp đỡ các trẻ em nghèo cần trợ giúp.  Giữa lúc Chiến Tranh Việt Nam sôi động, giáo sư Bông nhận chức vụ thủ tướng theo lời mời của Tổng Thống Thiệu và lập chính phủ liên hiệp.  Nhưng ngay ngày hôm sau, 10 tháng Mười Một, 1971, giáo sư bị Việt Cộng ám sát.  Goá bụa ở tuổi 30, Jackie lãnh trách nhiệm nuôi hai con trai và gái song sinh bảy tuổi và con trai út 5 tuổi.

Hai tháng sau, chị bỏ việc dạy Pháp văn, và trở thành Giám Đốc Văn Hoá Hội Việt Mỹ (VAA,) một trung tâm song ngữ dưới sự bảo trợ của USIS (U.S. Information Services) ở Saigon.  Nơi đây, chị tổ chức những buổi thuyết trình, hội nghị, hòa nhạc, triễn lãm, và các lớp dạy nghề. Trong thời gian này, chị cũng hỗ trợ các hội phụ nữ.  Phụ nữ thời đó có từ năm đến tám đứa con họ nuôi không nổi.  Những góa phụ mà người chồng bỏ mình nơi trận mạc có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.  Qua Hội Phụ Nữ Việt Nam, chị Jackie đã giúp kêu gọi các chủ nhân trả thêm hai tuần lương cho những phụ nữ còn ở nhà nuôi con sau thời kỳ sinh sản.  Trong một nỗ lực phi thường, chị ủng hộ chương trình kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt quan trọng, vì lựa chọn khác là phá thai, đang lan tràn và nguy hiểm.  Năm 1973, chị và nhóm của chị vận động hành lang với Ủy Ban Y Tế Quốc Hội Việt Nam Cộng Hoà để thay đổi một luật cũ có từ thời thuộc địa, cho một luật mới hầu cho phép dùng thuốc ngừa thai như một phương cách trong kế hoạch hóa gia đình. Luật mới dù bị chống đối kịch liệt và cá nhân chị bị chỉ trích nặng nề, được thông qua và thi hành năm 1974.

Một giai đoạn mới của chiến tranh Việt Nam bắt đầu năm 1973 với Hòa Đàm Ba Lê, cho phép Bắc Việt Cộng Sản được cầm súng ở lại miền nam chiến đấu làm Nam Việt Nam sụp đổ vì Hoa Kỳ cúp viện trợ cho Miền Nam vào tháng Tư năm 1975.  Jackie đang làm việc trong một cơ quan Mỹ khi đó, không có lựa chọn nào khác hơn là ra đi.  Chị và các con đã qua ba trại tỵ nạn, ngủ trên ghế bố vải trong lều ở Phi Luật Tân, Guam, và Trại Pendleton, California.  Cuối cùng cả gia đình được ông Sanford McDonnell, Chủ Tịch công ty McDonnell Douglas Aircraft từng quen biết Jackie trong một chuyến thăm viếng Việt Nam năm 1966, bảo trợ và chị cùng các con đã về sống với gia đình của ông ta ở St. Louis ba tháng. 

Đại Sứ Ellsworth Bunker, một người bạn thân của vợ chồng Jackie trong sáu năm ông làm việc ở Việt Nam khuyên chị dời về Hoa Thịnh Đốn, nơi có nhiều bạn bè của chị sinh sống.  Hai trong số bạn bè của chị dành cho chị một căn nhà ở Alexandria, Virginia, và Jackie cùng các con dọn về đó vào mùa thu năm 1975.  Jackie đi làm ở Lacaze Gardner School ở Hoa Thịnh Đốn, nơi đây chị giúp nhóm người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên học nghề mới như kế toán, dịch vụ thư ký, bấm thẻ điện tử, sửa máy truyền thanh và truyền hình.  Sau khi họ tốt nghiệp, chị giúp họ tìm được việc làm.  Một năm sau, chị lập gia đình với Lacy Wright, một viên chức ngoại giao và cùng chồng chị bắt đầu công việc ngoại giao đầu tiên, tại Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ ở Milan, Ý Đại Lợi.  Năm 1978, họ trở về Virginia, định cư lần này ở Falls Church.

Khi ấy đang giữa cuộc khủng hoảng thuyền nhân tỵ nạn.  Hàng trăm ngàn ngưòi Việt, Khmer, và Lào đến các trại tỵ nạn ở Hong Kong, Indonesia, Mã Lai và Thái Lan.  Jackie chung tay với Hội Phụ Nữ Thái Bình Dương Á Mỹ (Asian Pacific American Women), Pan Asia, vận động hành lang với Quốc Hội Mỹ giúp đỡ và tái định cư nhiều người trong số này.  Nhiều ngàn người đã đến vùng Hoa Thịnh Đốn trong làn sóng tỵ nạn thứ hai này.  Jackie đến làm việc với Sở Xã Hội ở Quận Fairfax, rồi đến Alexandria City, giúp thuyền nhân ở Virginia tư lực cánh sinh.  Một năm sau, Jackie thiết lập Dịch Vụ Xã Hội Tỵ Nạn Đông Dương IRSS (Indochinese Refugees Social Services), một hội phi vụ lợi, và mở nhà tạm trú cho những người, trong dự án lớn chuyển tiếp khó khăn, đã bị bỏ quên.  Chị tổ chức lớp huấn nghệ dạy làm vệ sinh nhà cửa, làm vườn, sửa ống nước, và xây cất mà những chủ nhân địa phương cần tới.

Một kết quả không định trước sau 5 năm làm công việc khiêm nhượng nhưng sáng giá này đã đưa Jackie ra khỏi sụ trầm cảm của chính mình.  Từng đau khổ sống đời góa bụa, mất quê hương, mất nhà và nếp sống cũ, lòng tự trọng và tên tuổi bị tổn thương trầm trọng, chị nhận thấy những người khác cũng đau khổ như mình có khi còn hơn mình, chị tìm an ủi và sức mạnh trong công việc giúp đỡ họ vượt qua những thử thách đã từng làm đảo lộn cuộc đời chị. Chị tri ân gương sống của những người tỵ nạn ít học, ít tài và không tiền, nhưng kiên cường và sẵn lòng làm lại từ đầu bằng những công việc nhỏ mọn để sống còn.  Chị cũng rất phấn chấn thấy thái độ cởi mở đón nhận người tỵ nạn của nhiều gia đình Mỹ.

Mặc dù lòng từ bi sau những năm dài mệt mỏi cùng những dèm pha chỉ trích từ một vài phía, chuyện tỵ nạn chung cuộc là một sự thành công.  Những người tỵ nạn dần dần thiết lập được một mạng lưới hội đoàn trợ giúp nhau trong toàn quốc.  Họ lập nhà hàng ăn, tiệm làm móng tay, dịch vụ vệ sinh và làm vườn, làm công việc xây cất và rắp láp dây chuyền trong các hãng xưởng.  Ở một mức cao hơn, nhiều người trở thành bác sĩ, dược sĩ, luật sư, và nhà giáo.  Con cái họ, không biết một tiếng Anh nào lúc khởi đầu, trở thành học trò đứng nhất lớp.  Jackie nhận ra rằng làm việc trong cộng đồng của mình, giống như cá sống trong nước, là liệu pháp tốt nhất và là phương cách chắc chắn nhất để chị phục hồi cân bằng của mình.  Chậm rãi và an toàn, chị đã tìm lại được bình an cho mình. 

Ở tuổi 41, Jackie quyết định đi học lại.  Chị ghi danh ở Đại Học Georgetown và vào năm 1984, đậu bằng Cao Học về Bang Giao Quốc Tế.  Và từ năm 1985 đến 1997, chị theo chồng tới những nhiệm sở nước ngoài, nơi đó chị làm việc bán thời gian cho sứ quán Mỹ với tư cách viên chức liên lạc cộng đồng (CLO – Community Liaison Office) và trợ lý pháp lý lãnh sự quán, phỏng vấn những người xin chiếu khán.  Chị cũng gây quỹ huấn nghệ cho những phụ nữ kém may mắn và làm việc giúp đỡ trẻ em thiếu dinh dưỡng trong những hoạt động xã hội và giáo dục.  Vì công việc này, chị đuợc Thị Trưởng thành phố Kingston, Jamaica, trao tặng Chìa Khóa Danh Dự của Thành Phố năm 1995, người thứ hai được vinh dự này sau Đại Tướng Colin Powell có cha mẹ là người Jamaica. 

Nhiệm sở cuối cùng của Jackie trước khi ông xã nghỉ hưu là Ba Tây.  Từ Brasilia, chị xem đài CNN về chuyến thăm Việt Nam của Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara, đi Hà Nội xin lỗi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp vì nước Mỹ đã tham gia “một cuộc chiến sai lầm.”  Jackie muốn hỏi ông Bộ Trưởng, có phải 58.000 lính Mỹ và hàng triệu người Việt từ Bắc chí Nam đã chết một cách vô ích trong thời chiến tranh khi ông tại chức?  Bóng ma của Chiến Tranh Việt Nam trở lại với Jackie, không phải những cơn ác mộng, mà là một cuốn phim sống động quay từ từ trong óc chị.  Giữa đêm khuya hôm đó, chị mở máy vi tính và bắt đầu viết.

Kết quả là, hai năm sau, quyển Autumn Cloud:  From War Widow to American Activist, phát hành năm 2001.  Sách kể lại bốn thế hệ của gia đình Jackie qua bốn cuộc chiến: một ngàn năm đô hộ Tàu, một trăm năm thuộc địa Pháp, 5 năm bị Nhật chiếm đóng, và 10 năm quân đội Miền Nam Việt Nam và Mỹ bảo vệ xứ sở chống lại Bắc Việt Nam.  Trải nghiệm của chính chị, trong và sau cuộc chiến, là trung tâm điểm của quyển sách.  Quay lại Virginia mùa thu năm 1997, Jackie nêu lên vấn đề của nạn buôn người, được khơi dậy từ một mẩu tin trên eBay tìm khách mua các cô gái trẻ Việt Nam với giá $4.500 Mk mỗi cô.  Chị bắt đầu vận động hành lang Quốc Hội Mỹ và chung tay với Bộ Ngoại Giao Mỹ về Nạn Buôn Người để họ làm việc với chính phủ Việt Nam hầu truy tố bọn buôn người cũng như để bảo vệ những công nhân Việt Nam bị gởi ra nước ngoài làm việc như nô lệ và bị nô lệ tình dục.  Như một phần trong nỗ lực này, Jackie thấy cần nói lên việc chính phủ Việt Nam xuất cảng lao động sang nước ngoài, những công nhân này cuối cùng bị bóc lột sức lao động trong các xưởng may dài giờ, các nhà chứa gái điếm, và những vấn đề liên quan của “cô dâu” bán cho đàn ông Đài Loan, Trung Quốc, Mã Lai, và Thái Lan.  Nạn buôn người khi đó được nhìn nhận như một phần của doanh nghiệp tội ác lớn thứ ba trên thế giới, sau ma túy và khí giới.  Jackie tổ chức hội nghị về nạn buôn người tại ThượngViện Mỹ và tại các trường đại học tại California và Pennsylvania, mời chuyên gia, viên chức địa phương, hội đoàn cộng đồng, và cơ quan truyền thông để nâng cao nhận thức về dịch tội ác đang ảnh hưởng không những đến Việt Nam mà còn đến toàn thế giới.   

Để tìm hỗ trợ cho nỗ lực chống nạn buôn người, Jackie cũng đặt tiêu điểm vào cộng đồng Á Mỹ của mình.  Chị bắt đầu viết bài cho báo Asian Fortune News trong Hoa Thịnh Đốn, trở thành nhà binh luận cho một dài truyền thanh Viêt Nam, và nói chuyện trên đài truyền hình Vietnamese American Television (VATV) và Saigon Broadcasting TV Network (SBTN-DC).  Sau ngày 9/11, Jackie tham gia dự án ở Virginia do FEMA tài trợ để cung cấp tư vấn cho người Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng vì đại nạn này.  Một năm sau, để giúp sức mạnh và giúp tiếng nói cho người Mỹ gốc Việt đã thành công trong sự nghiệp và kinh doanh, chị thành lập Hội Cử Tri Việt Mỹ (Vietnamese-American Voters’ Association).

Với sự giúp đỡ của những người tình nguyện, chị ghi tên cử tri tại các trung tâm mua bán, trường học, và những nơi hội họp của người Việt.  Năm 2003, tạp chí Washingtonian vinh danh chị là Washingtonian of the Year vì chị đã ghi tên được 4.000 cử tri mới trong hai năm liên tiếp.  Đại Hội Đồng Quốc Hội tiểu bang Virginia, đã hai lần vinh danh chị bằng văn bản nhìn nhận việc làm xuất chúng của chị trong những dịch vụ xã hội và hoạt động chống nạn buôn người. Nhà phát hành tạp chí Asian Fortune News yêu cầu chị viết bài về Lễ Trao Giải Thưởng Olympics của Người Cao Tuổi ở Falls Church, Virginia.  Tại đó chị đã gặp gỡ một nhóm người cao tuổi, thành viên của một cuộc thi, đang giúp vui cử toạ bằng các bài hát, bài múa.  Họ thúc đẩy chị, như một người Á Đông, dự thi cùng với 13 phụ nữ khác ̉̉từ 60 tuổi trở lên để tranh chức Hoa Hậu Ms. Virginia Senior America 2004.

 Muốn chứng tỏ rằng người Á Đông đang đóng góp văn hóa của họ vào đời sống xã hội Mỹ, chị ghi tên dự thi và chiếm giải Hoa Hậu.  Trong thời gian một năm, chị đại diện tổ chức Ms. Senior America tại Virginia, tình nguyện giúp vui giải trí tại nhà thờ, trường học, nhà thương, và trung tâm người cao tuổi.  Đó là một trong những trải nghiệm bổ ích nhất của cuộc đời ở tuổi 63, chị đã đem nụ cười điểm trên môi của không biết bao người.  Từ năm 2012 đến 2014, Jackie theo chồng đến một nhiệm sở sau khi nghỉ hưu nhận công việc của sứ quán Mỹ ở Vientiane, Lào.  Tại đây, chị làm việc với tư cách là viên chức liên lạc cộng đồng của sứ quán (CLO) và hỗ trợ sứ quán giúp trung tâm điều trị ma túy chính của Lào. 

Với những tình nguyện viên trong nhóm Women’s International Group địa phương, chị đến viếng khu dành cho phụ nữ tại trung tâm, một số người đã từng dùng methamphethamine, và tổ chức hàng tuần các lớp dạy nấu ăn, may vá, làm bánh, vẽ, vũ line dancing, và thiền.  Giờ đây, trở về Virginia, chị có chương trình hàng tuần phát đi toàn quốc của VATV (Vietnamese American Television), “The Voice of Vietnamese Voters” bình luận về chính sách của chính quyền gồm có di dân, thương mại, giáo dục và sức khỏe.  Chị năng động dấn thân làm việc với CAPAVA (Coalition for Asian Pacific Americans in Virginia), mà chị là hội viên Hội Đồng Quản Trị không liên tục, trong 20 năm qua.  CAPAVA ủng hộ lợi ích về xã hội, kinh tế, văn hóa và thương mại cho người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương.  Như một dịch vụ công cộng trong mùa đại dịch, nhóm CAPAVA gây quỹ và quyên tặng hàng ngàn khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân các loại cho bệnh viện và nhân viên chống dịch tuyến đầu ở miền bắc Virginia.  Jackie chịu trách nhiệm khu vực Alexandria, nơi chị cư ngụ, và đã tự mình đem khẩu trang giao cho cảnh sát và nhân viên chữa cháy địa phương.  CAPAVA đã tặng 35.000 khẩu trang cho vùng Hoa Thịnh Đốn.  Quyển tự truyện Autumn Cloud của chị do nhà Capital Books, Inc. phát hành năm 2001.  Phiên bản bìa mềm được phát hành một năm sau.  Chị là một trong 15 người được vinh danh Washingtonian of the Year 2003 của Tạp Chí Washingtonian cho 27 năm hoạt động cộng đồng liên tục và tham gia sinh hoạt công dân của chị.

Sheila Switzer  AAFSW Program Chair & Foreign-Born Spouse State Liaison